Nguồn : www.40giayloichua.net
Sứ vụ Kitô Giáo của chúng ta đối với thế giới hiện đại là giúp thế giới tái khám phá ra sức mạnh của tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy
Cha Mark Link, S.J.
Một tai nạn xe hơi vào năm 1976 đã làm nứt sọ của một thanh niên 21 tuổi ở Chicago là Peter. Óc của anh bị thương nặng và anh lâm vào tình trạng hôn mê.
Các bác sĩ cho gia đình và bạn hữu của Peter biết có lẽ anh không sống nổi. Dù có sống đi nữa, anh luôn luôn trong tình trạng hôn mê. Một trong những người bàng hoàng kinh sợ khi nghe những điều đó là Linda, người mà Peter muốn kết hôn.
Trong những ngày buồn thảm tiếp theo, khi có thời giờ rảnh là Linda lại vào bệnh viện. Đêm này qua đêm nọ, cô ngồi bên giường bệnh của anh Peter, vuốt má, xoa tóc và nói chuyện với anh. Cô cho biết, "Tôi làm như chúng tôi đang trong cuộc hẹn hò bình thường vậy."
Trong khi đó Peter vẫn hôn mê, không đáp ứng gì với sự hiện diện đầy trìu mến của Linda.
Đêm này qua đêm khác, trong ba tháng rưỡi, Linda vẫn ngồi cạnh giường Peter nói những lời khích lệ anh, dù rằng chẳng có dấu hiệu gì là anh có nghe cô nói.
Một đêm kia, Linda thấy ngón chân Peter cử động. Một vài đêm sau, cô lại thấy mí mắt anh nhấp nháy. Cô chỉ cần có thế. Bất kể sự khuyên nhủ của các bác sĩ, cô bỏ việc làm và trở nên một người đồng hành luôn ở bên cạnh Peter.
Cô xoa bóp chân tay anh hàng giờ đồng hồ.
Sau cùng, cô thu xếp để đưa anh về nhà. Cô dùng tất cả tài sản để xây một hồ tắm, hy vọng rằng ánh sáng mặt trời và nước mát sẽ phục hồi thân thể bất động của người yêu.
Và rồi một ngày kia, anh Peter nói được lời đầu tiên kể từ khi bị tai nạn. Đó chỉ là tiếng làu bàu, nhưng Linda hiểu được. Dần dà, với sự giúp đỡ của Linda, những tiếng làu bàu đó trở thành lời nói-thật rõ ràng.
Sau cùng, đến ngày kia anh Peter đã có thể mở lời với cha của Linda để xin cưới cô ta làm vợ. Và cha của Linda trả lời, "Này Peter, nếu anh có thể bước lên cung thánh thì Linda là của anh."
Hai năm sau, Peter đã bước lên cung thánh của nhà thờ Đức Bà Pompei ở Chicago. Tuy phải dùng đến nạng chống, nhưng anh đã bước đi được.
Mọi đài truyền hình ở Chicago hôm ấy đã tường thuật lễ cưới. Báo chí ở toàn quốc đều đăng tải hình ảnh của Linda và Peter.
Những nhân vật nổi tiếng đều điện thoại chúc mừng. Có người ở tận Úc Châu cũng gửi thư và quà mừng. Những người có thân nhân bị hôn mê cũng gọi điện thoại xin được lời khuyên bảo.
Ngày nay, Peter đang sống một cuộc đời bình thường. Anh nói chậm, nhưng rõ ràng. Anh bước từ từ, nhưng không cần nạng chống. Ngay cả hai người đã có một đứa con xinh xắn.
Câu chuyện của Linda và Peter là một dẫn giải tuyệt vời về lời của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay:"Và giờ đây Thầy ban cho các con một giới răn mới: hãy yêu thương nhau. Như Thầy yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau."Nếu các con yêu thương nhau, thì mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy" (Gio 13:34-35).
Nếu ngày nay, có điều gì cần thiết nhất cho chúng ta thì đó phải là sự tái khám phá ra sức mạnh của tình yêu, loại tình yêu mà Chúa Giêsu đã rao giảng.
Câu chuyện của Linda và Peter cho thấy loại tình yêu này thì đầy sức mạnh, sức mạnh lạ lùng. Nó có sức mạnh để đưa một người gần chết về lại với sự sống. Nó có sức mạnh đưa người tuyệt vọng vì bệnh tật trở về với sự lành mạnh tuyệt hảo. Nó có sức mạnh khích lệ mọi người trên thế giới và đem cho con người một hy vọng, như tình yêu của Linda đã thực hiện cho Peter.
Một người Ấn Giáo nói với một nhà truyền giáo Kitô rằng: "Nếu người Kitô Giáo các anh... được giống như Kinh Thánh của các anh, thì trong vòng năm năm cả nước Ấn sẽ trở lại Kitô Giáo!"
Vào đầu thập niên 1980, một cuốn phim khác thường được chiếu khắp nước. Đó là cuốn Quest for Fire (Đi Tìm Lửa).
Nhà sản xuất người Pháp cho biết cuốn phim đã thể hiện ước mơ mà ông đã ấp ủ từ lâu. Ông luôn mơ tưởng tới cái ngày người ta mừng rỡ khi tìm ra lửa.
Vì chính vì sự khám phá ra lửa cách đây 80,000 năm mà loài người đã khỏi bị diệt chủng. Chính sự khám phá ra lửa đã giúp họ làm ra các dụng cụ để sinh tồn và để bảo vệ họ khỏi chết cóng.
Ngày nay, con người ở trên trái đất cũng lại bắt đầu lo lắng vì chúng ta đang đi về hướng hủy diệt.
Ngày nay, con người ở trên trái đất cũng lại bắt đầu lo lắng vì chúng ta đang lảo đảo trên bờ vực của sự hủy diệt toàn cầu.
Lần này, sự nguy hiểm không xuất phát từ một điều gì căn bản như vì thiếu lửa nhưng từ một điều căn bản hơn nữa-thiếu tình yêu con người, loại tình yêu mà Chúa Giêsu giảng dạy, loại tình yêu mà Linda dành cho Peter.
Điều này khiến chúng ta băn khoăn. Nó khiến chúng ta phải tự hỏi một câu hỏi đáng kinh sợ.
Liệu rằng 80,000 năm sau, sẽ có ai đó thực hiện một cuốn phim để ăn mừng việc tái khám phá ra tình yêu trong những thập niên 1980 và 1990 hay không?
Liệu rằng 80,000 năm sau sẽ có ai đó thực hiện một cuốn phim để ăn mừng điều duy nhất đã giúp con người khỏi bị diệt chủng-là tái khám phá ra tình yêu con người, loại tình yêu mà Chúa Giêsu đã rao giảng, loại tình yêu mà Linda dành cho Peter hay không?
Liệu rằng 80,000 năm sau sẽ có ai đó thực hiện một cuốn phim để ăn mừng sự dạt dào tình yêu xuất phát từ cộng đồng Kitô Giáo trong những thập niên 1980 và 1990 và thay đổi cả thế giới hay không?
Chỉ có tương lai và chỉ có cộng đồng Kitô Giáo mới trả lời được câu hỏi này.
Chỉ có anh chị em và tôi, và hàng triệu người Kitô Hữu như chúng ta, mới có câu trả lời cho câu hỏi này-câu trả lời thật sâu trong tâm khảm chúng ta.
Bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi chúng ta hãy nhìn về tâm hồn và để nghĩ xem chúng ta trả lời sao cho câu hỏi này qua đời sống yêu thương của chúng ta-nhất là trong chính gia đình chúng ta. Vì chúng ta phải bắt đầu thay đổi thế giới ngay bây giờ nếu không chúng ta sẽ không thay đổi được gì cả.
Hãy kết thúc với lời của một linh mục kiêm khoa học gia Teilhard de Chardin:"Ngày nào đó, sau khi làm chủ gió cả, sóng lớn và trọng lực, vì Thiên Chúa, chúng ta sẽ khai thác các nguồn năng lực tình yêu, và rồi, lần thứ hai trong lịch sử thế giới, con người sẽ khám phá ra lửa" .
ĐỂ NHẬN RA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
Suy niệm Tin Mừng Gioan (Ga 13, 31-33a. 34-35) trích đọc trong Chúa Nhật 5 phục sinh
Khi sắp từ giã những người thân thiết để lìa đời, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và tận dụng chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất, đồng thời cũng để trối lại những gì được xem là gia bảo.
Chúa Giê-su cũng thế. Khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Người trao cho họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Rồi Chúa Giê-su trối lại cho các môn đệ yêu dấu phần gia bảo quan trọng nhất, đó là Điều Răn Mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau…”
Tuy nhiên, Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau bằng thứ tình yêu hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương nhau với một mức độ lớn lao cao cả, nên nói thêm: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Tình yêu Chúa Giê-su dành cho nhân loại phải trở thành chuẩn mực cho tình yêu của các môn đệ đối với nhau.
Rồi Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”
Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giê-su.
Trên thị trường ngày nay, có rất nhiều đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả xen lẫn với hàng thật khó mà phân biệt rạch ròi.
Trong đạo thánh Chúa cũng vậy. Có nhiều kitô hữu giả trà trộn giữa các kitô hữu thật như cỏ lùng mọc chung với lúa; muốn phân biệt ai giả, ai thật, đâu phải chuyện dễ dàng.
Muốn thử vàng, người ta phải dùng đến lửa. Muốn biết ai là môn đệ thật của Chúa, người ta phải nại đến tình yêu. Thế nên, Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ (thật) của Thầy, là các con yêu thương nhau.” Thế thì, nếu ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.
***
Có người nằm mơ thấy mình lìa bỏ đời nầy sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.
Vừa gặp thánh Phê-rô, anh liền xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ hẳn hoi, hy vọng với chứng thư nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình công giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ.
“Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuổi, cả sách kinh hôm mai đây. Ngày nào con chẳng đọc kinh lần hạt! Con không bỏ lễ chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp của ai, không mê muốn vợ chồng người... Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”
Thánh Phê-rô trả lời:
“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giê-su. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giê-su thì không được vào thiên đàng.”
“Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”
“Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: “Người ta căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau.” Chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”
Qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy mới được đón nhận vào thiên đàng.
“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.
Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 34-46)
Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ thật của Chúa Giê-su và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta.
VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
“Hỡi các con bé nhỏ, Ta chỉ còn ở với các ngươi một ít nữa… Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: là hãy yêu thương nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau. Chính điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau” (Ga 13:33a-35).
Một câu nhắn nhủ biến thành một lệnh truyền, với bốn lần tiếng gọi yêu thương được nhắc đến, phải là một tâm tình quan yếu được ôm ấp qua bao tháng năm, nay được thổ lộ vì e rằng ngày giờ đã tận.
Một linh mục nhận xét: những gì được trăn trối trong giây phút cuối đời là những tâm tư sâu kín, tha thiết, và chân thành nhất của một con người. Những đứa con thảo hiếu, những môn đệ trung tín, hay các bạn bè tâm giao, không thể không ghi lòng và thi hành những lời nói sau cùng của người thân yêu sắp ra đi.
Đức Giêsu, trước tử nạn, ngay trong buổi biệt ly, đã thố lộ với các môn đệ nỗi niềm sâu kín nhất mà Ngài đã dành trót cuộc đời để phát hoạ và dẫn lối con người: Hãy yêu thương nhau.
Yêu thương chính là dấu chỉ thuộc về Đức Kitô. Mỗi tôn giáo đều có một số hình ảnh tiêu biểu giúp nhận diện tôn giáo mình. Ví dụ, với người Hồi giáo là việc cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Với người Ấn giáo là hãm mình phạt xác và kiêng thịt bò. Với anh em Phật giáo có thể là diệt dục hay chay trường. Nhưng riêng những người tin Chúa Kitô, dấu tỏ mình theo Ngài phải là dấu yêu thương.
Yêu thương chính là Đạo Giêsu. Người có Đạo phải là người biết yêu thương. Ai sống yêu thương là đang bước đi trên lối đường của Đạo. Khi chân thành thực thi bác ái, người có Đạo phô diễn rõ nét chân dung vị Sư Phụ của mình: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến nhau” (Ga 13:35).
Nhưng lòng yêu mến đó không chỉ dừng lại trên căn bản của cảm xúc, đam mê, hay ích lợi riêng tư. Vì yêu như thế chỉ là yêu như tôi muốn chứ không phải yêu như Chúa muốn. Điều mà Đức Giêsu trăn trối trong bữa tiệc ly là hãy yêu nhau như Ngài đã yêu thương. Yêu đến hy sinh, phục vụ, và quảng đại thứ tha như Ngài đã làm gương.
Kể là chuyện bất thường khi đường đường là một bậc thầy mà lại quì xuống rửa chân cho môn đệ. Đây hẳn là một hành động quên mình phục vụ tha nhân. Đức Giêsu muốn dùng chính hành động này để dạy bảo: “Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau” (Ga 13:34). Thế ra quên mình phục vụ tha nhân là dấu chỉ của tình yêu mà Đức Kitô mong muốn.
Yêu như Đức Kitô đã yêu còn là việc hy sinh tự hiến. William Barclay đã diễn tả trong một bài viết: “Nếu tình yêu là Thập giá thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng tiến tới đó. Lắm khi người ta lầm tưởng tình yêu là những thứ gì hạnh phúc. Phải, đích cùng sẽ là thế. Nhưng tình yêu cũng thường mang lại đau thương và đòi hỏi khổ giá”. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến lên khổ giá để mang lại hạnh phúc và sự sống cho con người.
Yêu như Đức Kitô đã yêu cũng còn đòi hỏi một tấm lòng quảng đại tha thứ. Từ trên thập giá, trong nỗi đau đớn tận cùng, trước bao tiếng la hét cuồng dại, cứ tưởng Đức Giêsu sẽ căm giận và ngăm đe một hình phạt tàn khốc. Thế nhưng người ta lại chỉ nghe được lời khẩn nài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lại nữa, với những môn đệ đã từng bỏ rơi hay chối từ Ngài trong lúc cần kíp, Ngài cũng không chấp nhất. Đúng là không có lầm lỗi nào mà tình yêu của Đức Kitô không vươn tới và bao trùm.
Như vậy, để trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, tôi phải thường xuyên tự vấn mình có đang sống yêu thương như Tin Mừng đòi hỏi chăng? Tình yêu của tôi có chứa đựng một cân lượng nào của phục vụ, hy sinh, hay tha thứ không? Nếu không thì dấu chỉ tôi có Đạo hẳn còn mờ mịt lắm thay! Chắc hẳn biến cố sau đây cũng đáng cho ta ghi nhận khi nói đến yêu thương như Đức Kitô:
Căn nhà của Frank Turner, trong thành phố Dallas bị phóng hoả. Một vài câu nói mang tính chất kỳ thị được viết trên cánh cửa ga-ra. Thiệt hại vật chất vượt quá 50 ngàn đô la. Những tổn thương tinh thần cũng không nhỏ lắm. Thế nhưng lời tâm sự của anh Frank đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng: “Là con người, tự nhiên nghĩ đến việc trả thù. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng không phải mọi người da trắng đều xấu, cũng như không phải tất cả mọi người da đen đều tồi… Nếu tôi trả thù thì không chừng tôi lại xúc phạm đến các người lành. Điều tôi mong ước bây giờ là được Thiên Chúa dẫn lối đưa đường.” Frank nhìn nhận rằng chính niềm tin đã giúp anh tránh được thù hận.
Được biết Frank đang tu học để trở thành một thừa tác viên trong hội thánh Thanh Tẩy. Điều này đã khiến anh cương quyết hơn trong việc tha thứ và không nghĩ đến báo thù. Sự kiện bị đốt nhà và những tâm tình của Frank đã được báo chí địa phương Dallas nói đến.
Không biết sau này anh ta có trở thành một thừa tác viên để phục vụ hội thánh của mình không, nhưng tinh thần và thái độ hy sinh tha thứ, không gây hận thù tang thương cho bất cứ ai-vì anh tin vào Đức Giêsu- đã trở nên dấu chứng hùng hồn cho tình yêu và sự hiện hữu của Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Có nhiều người tự cho mình là văn minh ưu chủng, đồng thời khinh miệt và huỷ diệt kẻ khác-không chỉ thể xác nhưng còn cả trí tuệ, không chỉ là sự sống thể lý nhưng còn cả phương diện tâm linh. Như thế là phản văn minh. Vì như một tác giả nhận định: “Loài người đã vượt qua những chặng đường văn mình: từ văn minh của lửa, của thời đồ đá, đồ đồng, đến văn minh nông nghiệp, công nghiệp, tin học. Thế nhưng chóp đỉnh của tất cả mọi nền văn minh mà con người đang không ngừng vươn tới từng ngày là văn minh tình yêu. Ai biết yêu thương, người ấy mới thật sự là người văn minh, có văn hoá thật, và là người có sự sống sung mãn.”
Có yêu thương là có sự sống. Càng thương yêu sự sống càng phong phú tràn đầy.
Trước khi bước lên thập giá như một dấu chỉ yêu thương tột đỉnh, Đức Giêsu đã truyền đạt cho con người nền văn minh tình yêu-văn minh sự sống. Nhưng thử hỏi hiện nay tôi đang đạt đến thứ văn minh nào? Đồ đá hay đồ đồng? Sự sống hay sự chết? Tha thứ hay hận thù? Trấn áp hay phục vụ?
Để đạt được cao điểm của văn minh, điều tôi phải thực thi là nhắm thẳng vào Đức Kitô mà tiến bước.
Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét