Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Phúc âm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi (30/05/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi qua Linh Mục Đaminh Phạm Trọng Phúc,C.Ss.R HAI GIỜ TRONG MƯA Cha Mark link S.J. Chủ đề: "Nhờ thực hành việc cầu nguyện, học thuyết Ba Ngôi trở nên sống động trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của chúng ta." Ở Luân Ðôn có một công viên là Hyde Park. Ðây là nơi thuận tiện cho các diễn giả ngoài phố xá. Vào chiều Chúa nhật, bạn có thể đến đó nghe đủ thứ câu chuyện về mọi chủ đề dưới bầu trời này. Người ta bàn từ chính trị cho đến tôn giáo. Frank Sheed, một giáo dân Công giáo nổi tiếng sống ở Anh thường hay đến đó bàn luận về tôn giáo. Ông nói ông có thể cầm giữ một đám đông suốt hai giờ đồng hồ trong mưa khi ông nói về Ba Ngôi. Nhận xét của Sheed thật thú vị vì nó nêu lên được một điểm quan trọng: Quả là người ta chú tâm đến Ba Ngôi, họ muốn hỏi thêm về Ba Ngôi, họ muốn làm cho Ba Ngôi sống động trong cuộc sinh hoạt thường nhật của họ. Nhưng rủi thay, có rất ít bản văn được viết về Ba Ngôi, và rất ít bài giảng lễ chú tâm về mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngay cả khi đọc một bản văn hoặc nghe giảng lễ về Ba Ngôi anh chị em cũng thường cảm thấy chán ngắt. Ðiều này có thể hiểu được bởi vì khi chúng ta nói về Ba Ngôi là chúng ta đang có nói về một mầu nhiệm sâu thẳm. Thánh Kinh có bàn nhiều về "mầu nhiệm Ba Ngôi". Ðặc biệt Phúc âm thánh Gioan nói về Cha Ðức Giêsu và Chúa Thánh Linh. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc âm Matthêu khi Chúa Giêsu truyền bảo các môn đệ: "Các con hãy đi khắp muôn dân và làm cho họ thành môn đệ Ta: Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28: 19). Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi lại xảy ra khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó một hình chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu, một tiếng từ trời phán ra: "Con là Con Ta yêu dấu" (Mt 1: 11). Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Ba Ngôi. Thánh Phaolô cũng có bàn về Ba Ngôi. đoạn văn đựơc biết nhiều nhất là câu chúc lành nổi tiếng chúng ta gặp thấy trong bài đọc thứ hai hôm nay: "Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Linh ở cùng tất cả anh chị em". Và thánh Luca trong sách Công Vụ Tông đồ cũng như trong Phúc âm của mình cũng đã nhìn lịch sử cứu độ của chúng ta như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi. Thời kỳ Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời rao giảng Phúc âm là kỷ nguyên của Chúa Con và thời kỳ hậu Phúc âm mà sách Công vụ sứ đồ ghi lại là thời kỳ của Chúa Thánh Linh. Kinh Tin Kính chúng ta đọc ở mỗi Thánh lễ Chủ nhật bảo tồn mẫu tuyên xưng này. Mẫu này khởi đầu với Chúa Cha như là Ðấng sáng tạo chuyển sang Chúa Con như là Ðấng Cứu Chuộc, và kết thúc với Chúa Thánh Linh như là Ðấng ban nguồn sống. Tuy nhiên chúng ta không được quên rằng hễ Chúa Cha ở đâu thì Chúa Con và Chúa Thánh Linh cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu của sự vừa đơn nhất vừa đa dạng. Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi , ông thường nói: "Nước đang rơi đây thực là nước nhưng nó có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng - nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng, và dạng mưa đang rơi đây". Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên tôi nghĩ rằng anh chị em thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế. Một phương cách khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ thánh Ignatiô Loyola thường dùng. Có một lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất. Và cuối cùng, chúng ta cũng nhìn thấy Thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể? Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta? Có phương cách mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt. •Phút thứ nhất, họ rút ra những điểm hay tốt trong ngày - chẳng hạn giữ được bình tĩnh khi bị vu khống - và họ thưa lên Chúa Cha đồng thời cảm ơn Ngài về điều ấy. •Phút thứ hai, họ rút ra những điểm dở - chẳng hạn làm lơ một người nào đó đang thực sự cần được giúp đỡ. Họ thưa với Chúa Giêsu điều này và cầu xin Ngài tha thứ. •Phút thứ ba, họ nhìn về ngày mai, nhớ đến một điểm cam go hiện thời, chẳng hạn phải đương đầu với ai đó về một sự việc gì. Họ thưa với Chúa Thánh Linh điều ấy và cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can đảm để xử lý cho thích đáng. Như quí vị thấy đó, việc thực hành này bao gồm cả sự cầu nguyện lẫn sự xét mình. tuy nhiên, quan trọng hơn, việc thực hành này mang Ba Ngôi Chí Thánh vào cốt lõi cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tôi xin đề nghị với anh chị em là trong tuần lễ tới, anh chị em hãy dành riêng ba phút mỗi tối và cố gắng thực hành việc cầu nguyện theo cách thức này để tôn vinh Ba Ngôi. Chúng ta hãy kết thúc với nghi thức mang chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa, là làm dấu Thánh giá trên người. Nghi thức này đã trở nên nhãn hiệu của đức tin chúng ta: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen". SỐNG YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT THEO KHUÔN MẪU BA NGÔI Linh mục Inhaxiô Trần Ngà Mầu nhiệm Ba Ngôi tuy cao siêu nhưng không viển vông xa rời thực tế. Trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, rất gắn bó với đời sống người tín hữu. Mầu Nhiệm nầy mời gọi các ki-tô hữu luôn sống yêu thương hiệp nhất theo khuôn mẫu Ba Ngôi. "Gia đình Thiên Chúa" hiệp nhất trong yêu thương: ba Ngôi nên một. Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm "Gia Đình" Ba Ngôi (xin tạm dùng cụm từ ‘Gia Đình’ để diễn tả sự hiệp thông rất mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa). "Gia Đình" nầy có ba Vị hay ba Ngôi riêng biệt (Vị / Ngôi đồng nghĩa với nhau): Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần, tuy vậy ba Vị chỉ là một Thiên Chúa. (sách bổn cũ ghi: Thiên Chúa nhất Thể tam Vị). Chính Chúa Giê-su khẳng định chân lý nầy khi Ngài phán: "Thầy với Chúa Cha là một" (Ga 10,30). Vì thế, "ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha" và Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra (kinh tin kính). Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su còn nói rõ hơn cho chúng ta biết tình hiệp thông khắng khít giữa Ngài với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy" (Ga 16,15). Ngoài ra, Chúa Giê-su còn dạy cho chúng ta biết: "Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35). Rồi "Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy" (Ga 14, 31) cho dù phải "vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá"(Phi 2,8). Như thế, trong "Gia Đình" nầy, tình yêu thương đậm đà thắm thiết giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, thế nên Hội Thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa. Thiên Chúa kiến tạo các gia đình nhân loại theo khuôn mẫu Ba Ngôi. Thế rồi, Thiên Chúa đã chọn "Gia đình Ba Ngôi" như một khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình Ađam- Evà. Kinh thánh cho biết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy gồm hai ngôi vị khác nhau nhưng cũng chỉ là một, dựa vào khuôn mẫu ba Ngôi một Chúa. Để trình bày tính cách 'hai mà một' nầy, kinh thánh mô tả cách thi vị như sau: Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho Ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà dựng nên E-và rồi dẫn Bà đến với Ông. Bấy giờ Ađam nói: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Bởi đó, “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2, 24). Qua Tin Mừng Mat-thêu, Chúa Giê-su một lần nữa khẳng định với mọi người rằng trong hôn nhân, hai vợ chồng “không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt” nên không bao giờ được chia lìa. (Mt 19,6). Thiên Chúa kiến tạo Hội Thánh theo khuôn mẫu Ba Ngôi. Tiếp theo, Thiên Chúa cũng chọn "Gia Đình" Ba Ngôi làm khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình thứ ba, rộng lớn hơn nhiều là đại Gia Đình Hội Thánh. Để thực hiện dự án nầy, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích thánh tẩy để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Người (như những cành nho được tháp vào thân nho, như bàn tay được tháp vào cơ thể.) Thánh Phao-lô dạy:"Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: một nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su lại còn dùng bí tích thánh thể để tăng cường sự hiệp thông nầy nên mật thiết hơn. Nhờ hiệp thông với Mình Máu thánh Chúa Giê-su trong thánh lễ, các tín hữu được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giê-su và nên một với nhau. Chúa Giê-su muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải bền chặt như sự hiệp thông giữa ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ, Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha".(Ga 17, 21) * * * Trong ngày lễ Chúa ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy quyết tâm chọn ‘Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa’ làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình chúng ta, xây dựng giáo xứ chúng ta thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như ‘Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi’, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm 2002 (số 6): “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” Sống đức tin vào Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khác với việc hiểu biết về Mầu Nhiệm Lm Trần Bình Trọng [Cn 8:22-31; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15] Một trong những đặc tính của loài người là tính tò mò muốn biết sự thật. Có những tính tò mò đã đưa đến những phát minh về khoa học, kỹ thuật, vật lý, có lợi ích cho nhân loại. Có những tính tò mò lại gây thiệt hại đến danh dự tiếng tốt của người khác. Nhiều nhà thần học cũng như triết gia Kitô giáo cũng vì tính tò mò đã tốn nhiều thời giờ suy nghĩ để giải thích tín điều Một Chúa Ba ngôi. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Trong khi nhận thức rằng có Ba Ngôi Vị trong một Chúa, bởi vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã bầy tỏ cho nhân loại biết như vậy, người ta vẫn không hiểu làm sao có thực thể đó. Không có nhà thần học nào đã hiểu hay sẽ hiểu được làm sao có thể có Ba Ngôi Vị trong một Chúa. Người ta chỉ có thể dùng hình tam giác cân và đều để giải thích về mầu nhiệm Ba ngôi một Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, thì ba cạnh và ba góc đều bằng nhau, tượng trưng cho Ba Ngôi Một Chúa. Nếu trí khôn loàì người có thể hiểu được những mầu nhiệm trong đạo thì cái gọi là đạo, không còn phải là đạo nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay hệ thống khoa học. Vấn đề ở đây là tại sao người ta không hiểu mà lại tin? Tin là dựa trên thế giá của người khác và tin là cảm nghiệm được bằng con tim điều mình tin. Trong trường hợp này, tin là dựa trên thế giá của Ðức Kitô. Người đến để bầy tỏ cho nhân loại mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Ðôi khi những bậc làm cha mẹ, thầy cô, linh mục, tu sĩ nóng lòng, không biết phải dạy kinh bổn hay giáo lí cho con cháu, cho học sinh và cho giáo dân như thế nào? Dĩ nhiên có nhìều lẽ đạo phải dạy bảo, cắt nghĩa và giải thích. Tuy nhiên đức tin và hiểu biết thuộc hai lãnh vực khác nhau. Người ta có thể biết nhiều về đạo giáo và Thánh kinh, nhưng không nhất thiết họ phải là những người tin tưởng. Vì vậy điều quan trọng là đức tin cần được truyền đạt và cảm nghiệm. Ðiều cần thiết là sống niềm tin tôn giáo thế nào để chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và cảm nghiệm sống đạo cho người khác. Trong khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại La mã 1998, Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà nội, có đề cập đến kinh nghiệm tôn giáo. Trong bài phát biểu, Hồng Y Tụng nêu lên lý do tại sao việc truyền giáo tại Á châu không mang lại kết quả khả quan? Lí do theo vị Hồng Y là vì người Kitô giáo nói chung và công giáo nói riêng, ít có cảm nghiệm về tôn giáo. Họ chỉ biết về đạo mà không có kinh nghiệm tôn giáo và không có cảm nghiệm sống đạo - một kinh nghiệm khiến cho con tim vui mừng và rung động khi sống niềm tin tôn giáo. Theo Hồng Y Tụng, làm sao người công giáo trả lời câu hỏi của người ngoài công giáo: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quí vị?. Rồi vị Hồng Y phát biểu tiếp là những lễ nghi phụng tự của người công giáo dù có được hội nhập văn hóa cũng chỉ xuất hiện như những: bắt chước méo mó, nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa tình thương, của Thánh Thần ban sự sống . Như vậy cách thế làm việc đạo (modus quo) của người làm việc đạo (ex opere operantis) và tâm tình biểu lộ trong khi làm việc đạo là quan trọng đối với người ngoài nhìn vào: công giáo cũng như ngoài công giáo. Còn việc đạo được thực hiện (id quod hay nói cách khác ex opere operato) mà làm một cách máy móc cho có hình thức thì người ngoài trông vào: công giáo cũng như ngoài công giáo cũng chỉ thấy và biết vậy thôi, không gây được ấn tượng thiêng liêng nào đối với họ. Thiết tưởng lời phát biểu của Hồng Y Tụng có thể được diễn tả bằng một giả dụ như sau. Dù hàng giáo sĩ Việt Nam có bận áo thụng, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia để cử hành lễ nghi chẳng hạn, nhưng nếu lời cầu nguyện và việc phụng thờ chỉ nằm khơi khơi trên bề mặt thì cũng không gây được ấn tượng thiêng liêng nào nơi người ngoài công giáo. Nói cho cùng thì việc bận áo thụng, đội mũ cánh chuồn, chân đi hia cũng chỉ là lai căng, chứ không phải Việt Nam. Quá quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hoá vào đạo, chẳng qua có thể là phản ứng của kẻ tự ti mặc cảm về phương diện nào đó. Lễ nghi công giáo là lễ nghi công giáo. Ðó là căn tính của lễ nghi công giáo. Phẩm phục của lễ nghi Công giáo là căn tính của phẩm phục lễ nghi Công giáo; cũng như phẩm phục của lễ nghi Phật giáo là phẩm phục của lễ nghi Phật giáo. Ðem phẩm phục không phải là công giáo vào lễ nghi công giáo mà không qua một nghi thức ‘rửa tội’ nào đó cho phẩm phục đó thì giống như là ‘đem râu ông cắm cằm bà’ vậy. Văn hoá chẳng qua là vấn đề tiếp nối, được đến trước hay đến sau mà thôi. Có những sắc thái văn hoá mà người ta bảo đó là của dân tộc, thì cũng đã hội nhập từ ngoài vào từ lâu đời, làm thành văn hoá bản xứ. Những nét văn hoá đến sau mà được thanh lọc, đào thải và thích ứng, thì lâu ngày cũng sẽ trở thành văn hoá bản xứ. Tôn giáo cũng là việc hội nhập vào một quốc gia theo thời gian: đến trước hay vào sau. Cổ võ việc hội nhập văn hoá bản xứ vào đạo Kitô giáo, thì cũng cần tìm cách giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân bản xứ nữa, để lâu ngày văn hoá Kitô giáo cũng sẽ thấm nhập vào lòng dân bản xứ. Đại thi hào Nguyễn Du đã phải nghe biết hay đọc giáo lí công giáo nên mới viết trong truyện Kiều rằng: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu? Vào thập niên cuối cùng của thế kỉ hai mươi, người ta thấy có những xóm đạo ở miền Nam Việt Nam cho đặt tượng hoặc bàn thờ Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ngay ngoài trời ở góc khu phố, xóm chợ. Bên đèo Bảo lộc cũng thấy có đặt tượng Mẹ Maria lớn ở nơi nghỉ chân. Tại Bãi Dâu ở Vũng Tàu còn thấy tượng Ðức Mẹ ở ngoài trời. Ai đi đường qua lại cũng có thể trông thấy dễ dàng. Trên núi Tao Phùng ở Bãi Sau Vũng Tàu, xe cộ hay tầu bè qua lại phải thấy một pho tượng Chúa Kitô vua, khổng lồ, bao quát cả vùng trời núi, giang tay hướng về biển Ðông Việt như là vua biển cả, khiến sóng gió, bão táp phải yên lặng (Mt 8:26; Mc 4:39; Lc 8:24). Nói đến việc giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân tộc, thì không thể không nhắc đến chữ quốc ngữ, bầu khí dịp lễ Giáng sinh và nhạc giáng sinh. Chữ quốc ngữ là một món quà vô giá của đạo công giáo vào lòng dân tộc Việt Nam. Người ngoài công giáo vào nhà thờ, họ có thể ngại ngùng vì cảm thấy lạc lõng. Tuy nhiên cầu nguyện trước tượng Chúa, Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ở góc phố hay lộ thiên ngoài trời, hay nghe nhạc đạo một mình, người ta có thể thấy thoải mái hơn. Sau năm 1975, cũng đã có nhóm người Việt ở Mĩ phổ nhạc ca vọng cổ vào những câu chuyện Thánh kinh như Phêrô chối Chúa hay Giuđa bán Thày. Ca lên, nghe cũng rất là mùi mẫm, khiến thính giả vỗ tay nhiệt liệt (4). Ðó là những cách thế đem văn hoá và giáo lí Kitô giáo vào đời. Nói cho cùng thì tôn giáo thuộc lãnh vực phi văn hoá. Khi người ta đã có niềm tin tôn giáo rồi, thì việc bầy tỏ niềm tin đó bằng bất cứ văn hoá nào cũng có thể đánh động tâm hồn của người thuộc văn hoá khác. Nói đúng hơn, cảm nghiệm tôn giáo là vấn đề siêu văn hoá. Ðôi khi ta tự hỏi: ta phải cầu xin với Ngôi vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa? Câu trả lời là: mối liên hệ của ta đối với mỗi Ngôi Vị có thể khác nhau. Nếu cảm thấy gần gũi với người cha ruột thịt của mình, ta nên cầu xin với Thiên Chúa Cha. Những người mồ côi cha từ tuổi thơ ấu thường không có kinh nghiệm về tình phụ tử. Trường hợp đó khi lớn lên phải cố gắng tìm cách làm tăng triển tình con thảo với Chúa như là cha. Nếu có kinh nghiệm gần gũi với Chúa Giêsu như là người bạn Thầy chí thánh (Ga 15:14,15) như những anh chị em trong Phong Trào Học Hội Kitô Học (Cursillo), ta nên cầu nguyện nhiều với Ngôi Hai Thiên Chúa. Nếu có cảm nghiệm về sức tác động tâm hồn và quyền năng biến đổi đời sống của ơn Chúa Thánh Thần, ta nên cầu xin nhiều với Ngôi Ba Thiên Chúa như những anh chị em trong Phong Trào Canh Tân Thánh Linh. Dầu sao đi nữa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Chúa trong Ba Ngôi. Khi cầu nguyện với một Ngôi vị, là ta cầu nguyện với Ngôi vị kia như Chúa Giêsu xác quyết: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (Ga 14:11)... Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:15). Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy (Ga 16:15). Sau khi cầu nguyện với từng ngôi vị, ta có thể chuyển hướng cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc cho chắc ăn, chẳng hạn như: Lạy Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, con thờ lạy, cảm tạ và ca tụng Chúa. Xin Ba Ðấng ban cho con được thế này, thế nọ, thế kia. Ði vào thực tế, ta đã dạy con cháu sống niềm tin tôn giáo thế nào trong việc làm dấu thánh giá, kêu cầu đến Chúa Ba Ngôi? Ta có ý thức được ý nghĩa khi làm dấu thánh giá, hay chỉ làm theo hình thức hời hợt cho qua lần chiếu lệ? Có khi còn tạo thêm một ngôi vị nữa một cách vô ý thức như khi đọc nhân danh Cha và Con và Thánh, và thần thay vì và Thánh Thần. Làm dấu thánh giá là cách thế bầy tỏ niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Làm dấu thánh giá là cách thế kêu cầu Ba ngôi Thiên Chúa giúp ta làm việc nọ việc kia theo đường lối của Chúa. Làm dấu thánh giá còn nhắc nhở cho người tín hữu về mầu nhiệm cứu rỗi: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Còn làm dấu thánh giá một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ thì không thể giúp ghi nhận được những cảm nghiệm tôn giáo và những ấn tượng thiêng liêng. Ngoài ra ta có tạo hoàn cảnh và điều kiện để giúp con cháu biết tự cầu nguyện một mình bao giờ không? Khi con cháu Rước Lễ lần đầu hay chịu phép Thêm Sức hoặc cưới hỏi, ta có khuyến khích con cháu cầu nguyện, sửa soạn tâm hồn bên trong hay chỉ để ý sắm quần áo, mua bông hoa để tạo ra hiện tượng pháo bông cho việc ăn mừng và chụp thật nhiều hình kỉ niệm? Đốt pháo bông trông thì đẹp nhưng lại rất mau tàn. Do đó mà con cháu không ghi được ấn tượng thiêng liêng nào vì không cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo khi lãnh nhận bí tích. Không có kinh nghiệm tôn giáo khi lãnh nhận phép bí tích, thì xem hình chụp cũng chỉ biết vậy thôi, nghĩa là có thấy hình chụp mà không ghi nhớ được ấn tượng thiêng liêng nào. Hình chụp chỉ giúp hồi tưởng lại kỉ niệm ngày lãnh nhận một bí tích. Còn kinh nghiệm tôn giáo và ấn tượng thiêng liêng mới kéo dài và giúp cho con tim được vui mừng và hứng khởi trong việc sống đức tin. Lời cầu nguyện: xin cho được ơn cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi: Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi con thờ! Sao con làm việc đạo mà lòng con cảm thấy khô khan như gỗ đá? Xin cho con biết tìm ra ý nghĩa và mục đích khi phụng thờ Chúa: dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, và phục vụ tha nhân là hình ảnh Chúa. Quyền năng và ân sủng Chúa ở đâu? Xin cho con được cảm nghiệm để con được vui sống đức tin. Amen. HỢP NHẤT TRONG TÌNH YÊU Pt Giuse Trần Văn Nhật Có một người vô thần trong khi đi dạo mát ở trên núi ông bị trượt chân rơi xuống một thung lũng sâu. May mắn ông bám vào được một cành cây cheo leo bên vách đá. Lúc ấy trời đã tối và vắng vẻ, trong sự tuyệt vọng ông kêu cứu, “Có ai trên đó không, cứu tôi với?” Không một ai đáp lại. Càng lúc ông càng mệt mỏi với tư thế đu đưa trên cành cây, sau cùng ông nghĩ đến Thiên Chúa và ông lên tiếng, “Nếu có Chúa thì xin Chúa cứu tôi với.” Ngay sau đó trên trời có tiếng vọng xuống như tiếng sấm, “Có Ta đây. Nếu ngươi muốn được cứu thì hãy buông tay ra, Ta sẽ đỡ ngươi.” Người vô thần im lặng. Sau khi suy nghĩ một hồi lâu, ông lại kêu lớn, “Có ai khác ở trên đó không, cứu tôi với?” Câu chuyện này nói lên bản tính tự nhiên của con người là tin vào thế giới siêu nhiên, vô hình, nhưng giữa sự tin tưởng và đức tin có một khoảng cách vô cùng lớn lao. Người ta dễ tin những gì thấy được, hiểu được, nhưn g để tin được những gì không thấy và khó hiểu người ta phải cần đến ơn Chúa để có đức tin. Tin vào thế giới siêu nhiên, có thể nói, đầu tiên xuất phát bởi sự sợ hãi—trẻ em thường sợ bóng tối, người sơ khai sợ sấm sét, và ai ai cũng sợ chết, ngay cả những người hung ác cũng sợ chết. Ở thành phố Juárez, Mễ Tây Cơ—sát với biên giới El Paso, Texas—được coi là thành phố nguy hiểm nhất thế giới vì ngày nào cũng có người chết vất vưởng trên đường phố, hay vùi dập trong thùng rác vì những cuộc thanh toán, đụng độ giữa các tổ chức ma tuý và quân chính phủ. Ở đây, ngoài những tượng ảnh tôn giáo thánh thiêng, họ còn bán tượng của thần chết dưới hình dáng của một phụ nữ hung dữ mặc áo choàng đen phủ từ đầu đến chân, một tay cầm lưỡi hái, tay kia cầm trái địa cầu. Họ gọi thần chết này là Santísima Muerte (Thần Chết Cực Thánh). Những người mua tượng ảnh này là các tay đâm thuê giết mướn của các tổ chức buôn bán ma tuý ở thành phố Juárez. Họ mua tượng ảnh này, hoặc đến cúng vái tượng này để xin thần chết phù hộ cho họ khỏi phải chết!1 Sự tin tưởng của các tay giết mướn và nhiều giáo phái trên thế giới cho thấy khuynh hướng tự nhiên của con người là tin vào thế giới siêu nhiên. Và người ta sẵn sàng tưởng tượng ra một thần thánh nào đó để đáp ứng với nhu cầu của họ. Khi sợ chết thì tưởng tượng ra thần chết để nài nỉ xin tha chết. Khi bị hiếm muộn, khó có con thì tưởng tượng ra nữ thần sinh sản để xin có con. Khi mở cửa tiệm muốn đông khách thì đặt một ông địa, bụng thật to, miệng cười thật tươi, mắt híp lại để đón khách vào tiệm. Tôi thấy người nào nghĩ ra ông địa thì rất giỏi về tâm lý. Buôn bán mà lúc nào cũng vui tươi, vồn vã tiếp khách thì làm sao mà không đắt hàng cho được! Ngày hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Tuy có ba ngôi nhưng trong một Thiên Chúa duy nhất, một bản thể như nhau, do đó, chúng ta chỉ có một Thiên Chúa chứ không phải ba Chúa. Đây là một điều rất khó hiểu mà từ trước đến nay, trong lịch sử Giáo Hội, chưa có một thần học gia nào có thể giải thích một cách rõ ràng và đầy đủ. Nói như thế để chúng ta thấy rằng Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một sản phẩm tưởng tượng của con người, nhưng chúng ta tin như vậy, bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta biết trong các phúc âm. Tỉ như trong đoạn phúc âm ngắn ngủi hôm nay, Chúa Giêsu đã đề cập đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần một cách khó hiểu: Thánh Thần “sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế, Thầy đã nói rằng Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Gioan 16:14-16). Nếu cho rằng Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, chỉ là một con người bình thường được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria thì chúng ta giải thích thế nào câu “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”? Người cha phải có trước người con thì làm sao cha lại lấy được những gì của con? Con lấy của cha thì mới hợp lý hơn, có phải không? Và rồi sau câu “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy,” Chúa Giêsu nói tiếp, “Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Nếu chỉ nghe hai câu này mà thôi, chúng ta sẽ nghĩ rằng Chúa Cha lấy những gì của Chúa Giêsu để loan báo cho các môn đệ, nhưng ngay câu trước đó, Chúa Giêsu lại nói, “Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”! Trước một câu văn có vẻ vô lý, lộn xộn, người ta thường chối bỏ giá trị của nó, nhưng tại sao đoạn văn này và nhiều đoạn văn tương tự vẫn được giữ lại trong phúc âm trên hai ngàn năm? Tại sao Giáo Hội không xoá bỏ nhưng đoạn có vẻ vô lý này? Câu trả lời đơn giản là vì những lời này được xuất phát từ một con người đặc biệt trong lịch sử nhân loại mà đời sống của Người đã minh chứng cho những gì đã nói. Và biến cố đặc biệt nhất, vượt trên sự hiểu biết và sức tưởng tượng của con người, là biến cố Phục Sinh mà Giáo Hội đã dành bẩy tuần lễ để nhắc nhở chúng ta về biến cố độc đáo này. Nói cách khác, chúng ta không thể dùng lý luận bình thường của con người để hiểu được Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cần được Chúa Thánh Thần soi sáng để chấp nhận và tin tưởng đó là một mầu nhiệm được Thiên Chúa tiết lộ. Một khi chấp nhận mầu nhiệm này, chúng ta mới thấy được một vài ý nghĩa khôn ngoan để áp dụng vào đời sống. Tính cách ba ngôi của Thiên Chúa cho thấy Người không cô độc mà có tương quan với nhau. Sự tương quan này, nếu suy nghĩ một chút, chúng ta thấy đó cũng là nền tảng của mọi sự trong vũ trụ. Từ các tinh vân bao la trong không gian đến các tế bào nhỏ bé nhất trong vật thể, tất cả đều phải nương tựa vào nhau để tồn tại, tất cả đều có tương quan với nhau. Sự tương quan giữa Ba Ngôi, theo Thánh Gioan, là tình yêu. Tình yêu thì phải có đối tượng. Người ta không thể yêu chính mình, bởi vì yêu chính mình được gọi là ích kỷ. Vì vậy, câu nói “Thiên Chúa là tình yêu” của Thánh Gioan, chỉ hợp lý nếu có Ba Ngôi. Tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi cho thấy không ai có thể sống cô độc, không dân tộc nào có thể tự mình tồn tại. Chính vì vậy, người ta lên án chiến tranh, đề cao sự hợp tác phát triển giữa các dân tộc. Nhưng trong những thập niên gần đây, sự phát triển của con người đi theo một chiều hướng nguy hiểm. Khi khoa học càng phát triển, người ta càng đề cao quyền làm chủ của con người trên mọi sự—kể cả sự sống. Người ta có thể kiểm soát sự sống con người bằng các phương tiện khoa học, và từ đó dẫn đến một sai lầm là người ta yêu chính mình, họ trở nên ích kỷ. Chúng ta có thể thấy hậu quả của thái độ này trong vấn đề dân số thế giới. Cuốn phim tài liệu mang tên Demographic Winter nghiên cứu về dân số thế giới. Sau khi phân tích các dữ kiện về kinh tế, xã hội, dân số trong thế kỷ vừa qua, cuốn phim này cho thấy sinh xuất thế giới đang đi xuống—gia đình không còn nhiều con như trước. Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc về “Tuổi Dân Số Thế Giới 2009” (World Population Aging 2009) cũng cho biết, với đà sinh xuất hiện nay, vào năm 2045, số người trên 60 tuổi sẽ vượt quá số người 15 tuổi. Hiện thời, có khoảng chín người làm việc để hỗ trợ những người già. Đến năm 2050, con số này sẽ giảm xuống chỉ còn bốn người. Dữ kiện về tuổi tác sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thị trường lao động, và tiền thuế. Nguyên do nào dẫn đến sự sút giảm dân số? Theo tác giả Natalie Thomas 2, người ta sợ sinh con không phải vì lý do kinh tế nhưng nguyên do chính là vì cuộc Cách Mạng Tình Dục đã thay đổi não trạng của con người. Muốn tự do luyến ái mà không sợ hậu quả, không phải chịu trách nhiệm, không phải thề hứa chung thủy suốt đời thì người ta cần đến ngừa thai và phá thai. Và khi xã hội càng đề cao sự ngừa thai và phá thai thì thai nhi được coi là một gánh nặng chứ không còn là một quà tặng của Thiên Chúa. Trong xã hội ngày nay, hạnh phúc được định nghĩa là sống cho chính mình, không còn vị tha, không còn hy sinh—hoàn toàn trái ngược với đặc tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Một đặc điểm khác được nhận thấy qua Ba Ngôi Thiên Chúa là người ta có thể bình đẳng trong phẩm giá nhưng khác biệt trong đặc tính. Cả Ba Ngôi đều là Thiên Chúa, nhưng để phân biệt Ba Ngôi các nhà thần học thường đề cập đến công việc. Ngôi Cha thường được cho là có trách nhiệm tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con cứu chuộc loài người, và Ngôi Thánh Thần thánh hoá nhân loại. Hãy thử tưởng tượng một xã hội mà người ta không còn phân biệt mầu da, tín ngưỡng, phái tính, chính kiến, v.v., để cùng nhau hoạt động cho ích lợi chung thì xã hội đó sẽ tiến bộ và thịnh vượng biết chừng nào! Trong hôn nhân và gia đình, nơi có những người khác nhau về phái tính, tuổi tác, từ đó sinh ra những khác biệt về tính tình, cảm nghĩ và ý thích, nhưng nếu mọi người, dù già hay trẻ, dù tính tình thế nào đi nữa, ai ai cũng tôn trọng lẫn nhau để cùng nhau tiến đến sự hợp nhất trong tình yêu, trong ý định, gia đình đó, hôn nhân đó chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Qua những trình bầy vừa rồi, chúng ta thấy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không cách biệt với chúng ta, không mơ hồ như nhiều người thường nghĩ, nhưng mầu nhiệm này là gương mẫu đời sống cho mọi người, bởi vì, con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ hiệp nhất trong tình yêu đã đem đến sự sống cho muôn loài thì con người chúng ta cũng phải xóa bỏ những dị biệt, vượt qua những ích kỷ tầm thường để cùng nhau xây dựng một thế giới thực sự an bình và hạnh phúc, mà trước hết và trên hết, thế giới đó là mái ấm gia đình. Mời cùng cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét