Khủng hoảng nợ nần của nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu và những lời tuyên bố hoài nghi về tương lai của đồng euro làm cho thị trường chứng khoán quốc tế hoảng loạn với ngày "thứ sáu đen" vào tuần trước. Đồng euro xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2008.
Phỏng vấn với giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ
Các biện pháp khẩn cấp của Liên Hiệp Châu và của các quốc gia liên hệ dường như không trấn an được thị trường mà còn tạo cơ hội cho giới đầu cơ tấn công đồng tiền chung. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may, nhiều nhà phân tích cũng như giới sản xuất dự đoán xuất khẩu của châu Âu sẽ có cơ hội phục hồi tính cạnh tranh.
Châu Âu tung ra hai kế hoạch tài chính quan trọng với sự hợp tác của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF gồm 110 tỷ euro cho Hy Lạp và 750 tỷ euro khác dự phòng trợ giúp các nước thành viện khác.Và để tránh nguy cơ vỡ nợ nếu cán cân chi thu ngân sách thâm thủng hiện nay là 14% GDP tại Hy Lạp, 11,2% tại Tây Ban Nha, 9,4% tại Bồ Đào Nha và 7,5% của Pháp vẫn tiếp tục tăng thêm, chính phủ các nước này vội vàng cam kết ban hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giảm lương công chức, tăng thuế TVA, Pháp hủy bỏ một số biện pháp trợ cấp xã hội và giảm ngân sách các bộ…Là đầu tàu thứ hai của Liên Hiệp Châu Âu mà nợ công của Pháp lên đến 1489 tỷ euro, theo nguồn tin của Viện Kiểm Toán Quốc Gia.
Theo nhận định của báo Anh The Economist, thì các biện pháp khẩn cấp được tung ra đã cứu được đồng euro nhưng không "trị hết bệnh". Các nước Nam Âu tạm thời đã tránh được nguy cơ vỡ nợ nhưng các biện pháp làm giảm thâm thủng ngân sách có thể tạo ra tình trạng giảm phát và …giảm thu cho ngân sách. Về lâu về dài, các biện pháp tiết kiệm sẽ tác động đến tỷ lệ tăng trưởng.
Cuối cùng , cuộc khủng hoảng hiện nay còn để lộ một nhược điểm "then chốt" của vùng sử dụng đồng tiền chung đó là "cấu trúc" của vùng euro. Tuy sử dụng một đồng tiền chung nhưng cho đến nay mỗi nước lại có chính sách tài chính và kinh tế riêng. Chẳng hạn như Đức mạnh về công nghiệp còn kinh tế Tây Ban Nha dựa vào du lịch và xây dựng địa ốc. Bày tỏ mối quan ngại về "cấu trúc" của vùng euro, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ và hiện là cố vấn của Tổng Thống Obama nhận định một cách bi quan "đồng euro rơi vào chiếc bẩy của nó ngay từ ngày khai sinh". Ông Paul Volcker hàm ý là châu Âu không có một chính sách tài chính chung.
Ngược lại một chuyên gia kinh tế có uy tín của Pháp là giáo sư Daniel Cohen cho rằng trong hoàn cảnh nghiệt ngã khủng hoảng tài chính xảy ra ngay vào lúc tăng trưởng kinh tế châu Âu vừa thoát ra tình trạng suy thoái, "chúng ta nên vui mừng vì đồng tiền chung hạ giá". Trong cái xấu cũng có cái tốt là thúc đẩy xuất khẩu. Để tìm hiểu thêm về những "nguy cơ và hệ quả" mà các chuyên gia nêu ra trên đây, RFI đặt câu hỏi với giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ.
Tú Anh (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét