Gần đây, ngoài Hà Nội, trong Sài Gòn, nổi lên phong trào " tắm tiên ". Chiều chiều mấy ông rủ nhau ra bãi sông bơi lội bì bõm. Trần truồng thoải mái. Dư luận lập tức vào cuộc, xì xào phê bình. Nào là mất thuần phong mĩ tục, nào là gây ảnh hưởng xấu lên tuổi trẻ. Phe ủng hộ tắm tiên cãi lại : Thiếu gì các bà, các cô tắm tiên. Có nghe ai phê bình, phản đối gì đâu ? Không ai phê bình, phản đối các bà, các cô là... rất đúng. Không cần phải có óc thẩm mĩ cũng thấy được rằng các bà, các cô có thừa tiêu chuẩn mĩ thuật để tắm tiên. Chẳng lẽ các ông cầm bút lại phê bình, phản đối cả... cái hay, cái đẹp à ? Còn các ông tắm tiên thì... chán chết, trông ngứa cả mắt. Bị phê bình là đáng đời. Khoan khoan. Bình tĩnh một chút. Không nên cực đoan. Chuyện các ông tắm tiên thì nên để các bà, các cô phát biểu ý kiến. Như vậy mới trung thực.
Trong khi chờ đợi, lộc trời cho ta cứ hưởng.
Đây là clip phóng sự tắm tiên tại bãi sông Hồng của VietNamNet
Công chúa Tiên Dung là người đầu tiên khởi xướng cái thú tắm tiên tại nước ta. Truyện rằng :
Tại làng Chử Xá có cha con Chử Đồng Tử tính vốn hiền lành, nhà đã nghèo lại còn bị cháy. Của cải khánh tận, chỉ còn một cái khố. Cha con thay phiên nhau dùng. Tuổi già, lâm bệnh, cha bảo con rằng :
- Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.
Ngày cha chết, Chử Đồng Tử thương cha, không nỡ để cha trần truồng, bèn chôn cha với cái khố. Chử Đồng Tử sống trần truồng, lạnh đói khôn xiết. Ngày ngày đến bờ sông câu cá, thấy thuyền buôn đi qua thì lội xuống nước để xin ăn.
Một hôm công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương thứ ba bơi thuyền đến chơi bến làng Chử Xá. Thấy đám đông, cờ trống tưng bừng, Chử Đồng Tử sợ hãi ẩn vào bãi lau sậy, vùi mình xuống dưới cát.
Tiên Dung ghé bờ, sai quân hầu chăng màn quanh bãi lau sậy để nàng tắm mát. Nước dội trôi cát, Chử Đồng Tử lộ ra.
Tiên Dung giật mình, nói với Chử Đồng Tử :
- Ta nguyên không muốn lấy chồng, nay lại gặp người này trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng ? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.
Tiên Dung sai người đem quần áo cho Chử Đồng Tử, cùng nhau xuống thuyền ăn uống. Chử Đồng Tử kể hết sự tình. Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng. Chử Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói :
- Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối ? (...). (Lĩnh Nam chích quái)
Ít ai ngờ rằng tắm tiên có thể thay đổi cả vận mệnh nước nhà ! Thế cơ à? Siêu sao nào biểu diễn trước mặt vua chúa vậy? Bậy nào!
Đinh Tiên Hoàng người động Hoa Lư. Tương truyền trước kia trong động có một cái đầm sâu. Thân mẫu ông là vợ thiếp của quan Thứ sử Đinh Công Trứ, thường ngày hay vào trong đầm để tắm giặt. Một hôm bà bị con rái cá lớn hãm hiếp nên thụ thai, rồi khi đủ tháng, sinh ra một con trai. Đinh Công rất yêu quý, vì không biết rõ nguyên nhân; chỉ có một mình bà biết đó là con của loài rái cá (...) (Vũ Phương Đề, Công dư tiệp ký, Văn Học, 2001, tr.166).
Phan Kế Bính khi kể lại truyện của Vũ Phương Đề đã thay đổi một chi tiết :
(...) Về sau, ông Công Trứ mất rồi, bà ấy mới sinh ra Đinh Tiên Hoàng. Tiên Hoàng lớn lên, thông minh nhanh nhẹn mà tài nghề lội nước... (Phan Kế Bính, Nam Hải dị nhân, Sống Mới, tr. 9).
Tội nghiệp ông Đinh Công Trứ. Không biết đâu mà rờ !
Văn chương, nghệ thuật thời nào cũng để ý khai thác đề tài tắm tiên. Dễ ăn khách.
Trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Các cô vẫn đùa ì òm dưới nước. Lúc sau, một cô lên trước bỗng kêu thất thanh, rồi nhảy tùm ngay xuống. Rồi bốn cái thân hình trắng nhễ trắng nhại lướt thướt chạy lên.
Như những nàng tiên trần truồng đi tìm cánh, các cô lẳng lặng đi hết gốc cây này qua bụi cỏ khác. Sau chừng hiểu chắc có đứa nào nghịch ác, các cô đứng lặng nhìn nhau.
Bấy giờ trời trong xanh không gợn mây. Ánh trăng tha hồ tò mò. Các cô, khép nép nhưng khép nép cũng vô hiệu (...). Các cô muốn tránh ánh trăng sáng quá, nhưng cái ánh trăng hóm hỉnh, chỗ nào cũng có ! (Tô Hoài, Đi tắm đêm, 1942).
Hồ trong như ngọc tẩm thân ngà,
Lồ lộ da tiên thô sắc hoa
Mỉm miệng, anh đào tan tác rụng
Tóc buông vờn mặt nước say sưa...
(Thế Lữ, Vẻ đẹp thoáng qua)
Các ông văn nghệ sĩ khó tính rủ nhau lặn lội lên tận rừng xanh tìm cảm hứng mới.
Nào những buổi bình minh nắng gội
Tắm góc rừng run rẩy dưới sương mai,
Thì giữa ngàn cây thác đổ rền tai
Vài cô gái trần truồng bì bõm lội
(Thanh Tịnh, Vàng, máu, 1936)
Sơn nữ tắm tiên
Tôi gặp nàng một buổi sáng trăng đầu hạ vừa rồi. Lúc ấy tôi thẩn thơ trên bờ suối, đi ngược về phía đồi nhà. Nàng đứng tắm ở một khúc suối lúc nào tôi không hay, nên khi tôi vừa sực bước tới bên thì cả nàng, cả tôi đều kinh ngạc. Tôi chưa thấy vẻ đẹp nào lạ lùng hơn thế. Thân hình nàng vừa đầm dưới nước, ánh trăng rót xuống còn long lanh ướt đọng nước ở vai... Nàng lùi vội vào sau một đám cây và bắt đầu cười, tiếng cười thẹn thùng nhưng cũng tinh nghịch. (Thế Lữ, Chim đèo, 1941).
Truyện đường rừng ngây ngất. Chả hiểu thực hư ra sao. Nhưng cũng đủ làm cho lũ choai choai thành thị mơ mộng. Mơ một Nụ cười sơn cước. Mơ bóng dáng một nàng Sơn nữ...
Một đêm trong rừng vắng. Bóng trăng chênh chếch đầu ghềnh, thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh (...). Sơn nữ ơi ! Hoàng hôn xuống dần còn chờ ai đây ? (Trần Hoàn, Sơn nữ ca)
Mẹ nghe con nghêu ngao, phì cười. Thằng con cụt hứng. Ngẩn tò te nghe mẹ chê :
- Con giai, đàn ông cứ thấy gái là híp mắt lại. Mê muội, chả còn biết trời đất ra sao.
- Mẹ không phải là nghệ sĩ. Mẹ không biết rung động...
- Rung động với chả rung động ! Tao chỉ thấy mấy ông no cơm ấm cật, ngồi rung đùi, động cỡn sao mà vô duyên thế! Ngắm sơn nữ miệng cười xinh xinh từ một đêm cho đến... hoàng hôn xuống dần. Sơn nữ nhà mày cười suốt đêm đến tận chiều ngày hôm sau à? Hay là cái đồng hồ của chàng lữ khách quay ngược chiều ? Quẳng quách cái đồ thổ tả ấy đi...
Nhận xét của mẹ không biết có đúng không, chỉ biết là làm cho bài hát... tự dưng bớt hay !
Được ngắm thôn nữ tắm ao đã là khoái rồi. Ngắm sơn nữ tắm suối thì khoái quá. Ngắm tiên tắm thì cứ gọi là... khoái tràn trề. Trong tiềm thức của người phương đông thì cô tiên nào cũng chân dài, thân hình vừa ra lò giải phẫu thẩm mĩ, móng tay móng chân mài giũa sạch sẽ...
Phải có diễm phúc như hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới được thấy tiên tắm.
Tiên nga tóc xoã bên nguồn,
Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu...
Theo chim tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên người Tiên nga...
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không.
(Thế Lữ, Tiếng sáo Thiên Thai)
Lưu Thần, Nguyễn Triệu rủ nhau vào rừng hái lá thuốc, lạc bước tới cõi tiên. Sống ở cõi tiên được một năm, hai chàng nhớ nhà, xin trở về cõi trần. Quê hương đổi thay, con cháu đã sang đến đời thứ bảy, không còn ai quen biết... Hai chàng muốn trở lại cõi tiên nhưng lối cũ tìm không ra...
Xem tiên múa hát, xiêm y lấp ló, thướt tha thì có là gỗ đá cũng phải rịn mồ hôi, bồn chồn, ngứa ngáy. Huống hồ xem tiên tắm.
Tuy vậy, cũng có trường hợp xem tiên tắm mà...bực cả mình. Nhìn tiên mà cứ ngẩn ngơ thắc mắc. Sách Imagerie populaire vietnamienne của Maurice Durand (Ecole française d'Extrême-Orient, Paris, 1960, tr. 63) có tấm tranh Tiên tắm rất khó hiểu. Tranh vẽ một người đàn ông đứng đằng sau một cây to. Trước mặt là năm cô tiên. Một cô đang múa, ba cô đang tắm trong hồ sen. Cô thứ năm ngồi lưng voi, chải tóc. Tiên cưỡi voi đi tắm à ? Cảnh này xảy ra ở đâu ? Chẳng ở đâu cả. Ấy đấy, chung quy chỉ tại bắt chước không khéo. Lại còn sửa đổi, bóp méo, thế mới nát chuyện. Người vẽ tranh Tiên tắm đã sao chép, sửa đổi tranh Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai của bộ sưu tập Oger. Một trong hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngồi dưới gốc cây bị thay bằng cô tiên cưỡi voi. Việc làm vụng về, vô ý thức này đã làm cho nội dung tranh Tiên tắm trở thành ngớ ngẩn. Người xem hết hứng.
Tiên tắm hay tắm tiên, cả hai đều là tắm truồng, giữa thiên nhiên. Nhưng phổ thông nhất vẫn là... tắm tại gia. Vừa kín cổng cao tường vừa đỡ làm phiền những nhà đạo đức phải bận tâm dòm ngó. Khốn nỗi, tưởng là chỗ kín nhưng thế nào chả còn cái kẽ hở để thiên hạ trầm trồ, đàm tiếu. Đóng cửa tắm vẫn chưa yên. Không tin cứ hỏi bà Đoàn Thị Điểm.
Người ta đồn rằng... Đồn làm sao ? Đồn rằng một hôm Trạng Quỳnh đến chơi nhà bà Đoàn Thị Điểm. Gặp lúc bà Điểm đang tắm. Quỳnh rạo rực, nhằng nhặc đòi bà Điểm mở cửa cho vào xem cho rõ trắng đen. Bà Điểm bèn ra một vế đối và giao hẹn nếu Quỳnh đối được thì sẽ mở cửa buồng tắm cho vào xem... cái điểm. Vế đối là : " Da trắng vỗ bì bạch ". Quỳnh bị bí.
Người kể chuyện không cho biết Quỳnh phải ra ngồi chờ bà Điểm ngoài phòng khách hay " cúp đuôi " chạy thẳng một mạch về nhà cho... hạ hoả ? Kẻ bạo gan đoán bừa là hôm ấy cả hai cùng nhìn cánh cửa đóng kín mà... sốt cả ruột. Quỳnh như bị kiến đốt. Tài đối đáp hôm nay thấp lè tè, không cao quá cái eo. Bà Điểm chép miệng thương hại Quỳnh. Than ôi ! Tinh ranh, thông minh như vậy mà cũng bị cái " giai do thử đồ xuất " kia làm cho mụ cả đầu óc.
Truyện ông Quỳnh bà Điểm này được giới bình dân gọi là giai thoại. Giai thoại... phịa một trăm phần trăm.
- Vô duyên cái nhà ông này, truyện hay như vậy mà lại bảo là phịa. Ghen với trạng Quỳnh à?
- Trạng Quỳnh có được sơ múi, chấm mút gì đâu mà phải ghen với ông ta. Truyện bịa như vậy mà không thấy à ?
Bà Điểm chờ lúc nhà không có ai, để ngỏ cửa ra vào, rồi đi tắm, bì bạch vỗ cho sướng à? Còn lâu, nghèo mà ham. Nếu cho rằng nhà bà lúc ấy có người nào khác (sách vở nói rằng bà sống với cha và anh) thì truyện lại càng vô lí. Chẳng lẽ cha hay anh bà Điểm lại để Quỳnh đi thẳng vào buồng tắm như vậy. Gia đình nề nếp chứ có phải... quán cà phê ôm đâu ! Bà Điểm còn giao hẹn với Quỳnh nếu đối được thì mở cửa buồng tắm cho vào " chơi ". Trời đất ! Bà Điểm là người đã từng vào cung Chúa Trịnh dạy học. Một người nổi tiếng " dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ " (Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm bị khảo, Minh Tân, 1952, tr. 31) mà lại như vậy sao?
Chuyện ông Quỳnh bà Điểm hao hao giống cảnh bà Phó Đoan " vào buồng tắm, cách chỗ Xuân ngồi chờ có vài bước. Bà cởi quần áo, đội cái mũ cao su bịt kín tóc, vặn máy nước... Từ cái bông hoa sen kẽm, nước trút xuống ào ào ! Bà Phó thỉnh thoảng lại vỗ vào bụng, vào đùi, bì bạch... ". (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ, 1936). Nhưng Xuân tóc đỏ không thèm rục rịch gì cả làm bà Phó Đoan bị tẽn tò, thất vọng.
Người ta còn kể thêm rằng " Để trả thù, tối đó Quỳnh len vào giường Thị Điểm nằm. Điểm vào. Buồng tối mò, chẳng may sờ phải... của Quỳnh... ". (Minh Văn, Truyện Trạng Quỳnh, Phổ Thông, 1957). Rồi... rồi... Kết cuộc " cái ấy " ra sao ? Ra sao thì chỉ một mình Minh Văn biết.
Vế đối " Da trắng vỗ bì bạch " rất hay, rất khó. Cần gì phải dựng chuyện ông Quỳnh bà Điểm lên để " nhét " vào cho bằng được ?
Nguyễn Dư
(Lyon, 7/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét