Chốn thiên thai vẫn còn trong trí tưởng của nhân loại. Nơi đó vẫn là cõi mơ ước mà người ta được nhìn thấy, được bước vào.
Thi sĩ Tản Đà của chúng ta đã có phen gánh thơ lên chợ Trời bán, thì hẳn phải biết rõ Thiên Thai. Đó cũng là nơi ông từng phen ao ước đến:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cây đa xin chị nhắc lên chơi
Thế nhưng… đọc những câu thơ ấy, chúng ta lại thấy Tản Đà không nói gì đến cảnh tiên giới. Bài Tống Biệt của ông, là cái “bước trần ai” của người từ tiên giới đã trở về tới hạ giới rồi.
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn rêu nhạt nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
Đọc thơ và nghe nhạc nói về Thiên Thai chúng ta có cảm tưởng các phi thuyền có thể lên tới mặt trăng nhưng không bao giờ bay qua thơ của nhân loại được.
Như thế, nếu thơ còn… thì chốn thiên thai vẫn còn trong trí tưởng của nhân loại vậy. Nơi đó vẫn là cõi mơ ước mà người ta được nhìn thấy, được bước vào. Như bài hát Thiên Thai của Văn Cao.
Ôi cái lạnh đêm hè
Cái lạnh xa người
Bây giời tôi mới biết
Có nhiều khi
Một người đi
Mà như mất Thiên đường
Vâng, Thiên Thai có thể chẳng phải ở đâu đó trên chín từng mây khói. Mà đó chỉ là hình ảnh phóng lớn hay thu nhỏ của người này đối với một người khác khi hai người đang sống trong tình…
Cầm tay em anh hỏi
Đường nào lên Thiên Thai?
Hoàng Nguyên đã viết như thế, trong ca khúc của ông.
Hỏi như thế, hát như thế, nhưng cùng một lúc người ta có cảm tưởng, người hỏi, người hát đã cầm giữ được Thiên Thai ngay ở trong tay mình rồi.
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự Thiên Đường
Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ
Ta trông đó, thấy trời ta mơ ước
Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lối ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ
Những câu thơ ấy của Đinh Hùng cũng cho thấy Thiên Đường ở rất gần chúng ta mà thôi. Nếu không phải như thế thì tại sao có lúc người ta thấy người yêu tuyệt vời quá, giống như người tự Thiên Đường đến vậy?
Nhật Bằng có một ca khúc nói về một nàng tiên trắng từ trên trời bước xuống trần gian, cùng người trần gian ca múa khúc nhạc thần tiên vui tươi, lãng mạn, và rất hạnh phúc.
Tà xiêm óng ánh lướt mình theo với bao cung đàn
Giọng êm như tiếng phím nhẹ ngân trong đêm mơ màng.
Trong khi Phạm Duy cũng viết một ca khúc nói về truyện tiên trên Thiên Đường phạm lầm lỗi gì đó mà bị đầy xuống trần gian, chúng ta nghe mà có cảm tưởng như nhạc sĩ nhìn thấy tận mắt.
Đó là Cành Hoa Trắng. Người tiên nữ ấy tên là Giáng Hương.
Những người sung sướng nhất trong trần thế này là những cặp tình nhân. Và tình nhân chính là những Thần tiên gãy cánh lạc bước xuống trần…
Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở chóng phai
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Giữa đêm dài
Gác đời lẻ loi
Người đàn bà khốn khổ ấy cũng đến từ trời.
Vậy thì, Thiên Thai có phải chính là cái bóng của cuộc đời hay ngược lại?
Hồn kết gió hương trời Nhược Thủy
Cánh viền mây thắm động Thiên Thai
Hóa thành những giọt mưa thơm ấy
Tưới nở trăm hoa đã héo rồi…
(thơ J.Leiba)
Theo VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét