Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Câu chuyện về người đàn ông trong dòng nước lũ

Cầu Chúa cứu giúp song thất bại, ông lão lên thiên đàng trách móc rồi câm nín trước 1 câu nói


Sai lầm của người đàn ông cũng là điều mà nhiều người trong chúng ta mắc phải.

Người đàn ông sống sót trong dòng nước lũ

Có một thị trấn nhỏ bị bão lũ quét qua, nước dâng cao ở khắp nơi. Chỉ trong vòng có một ngày, khắp nơi đã ngập trong dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết. Nhiều người đã không may thiệt mạng. Của cải, gia súc, nhà cửa đều bị cuốn đi. Cảnh tượng trước mắt trở nên vô cùng tan hoang, tiêu điều.

Trong hoàn cảnh trớ trêu này, những ai nhanh chân leo được lên nóc nhà thì may ra có thể giữ lại được tính mạng. Sau 2 ngày, mưa cũng ngừng rơi, họ chỉ cần ngồi đó và đợi những chiếc thuyền hoặc trực thăng đến cứu viện là có thể sống sót.

Ở một ngôi nhà hẻo lánh ở cuối thị trấn, có một ông lão sống cô độc một mình cũng may mắn chiến thắng dòng nước lũ bằng cách dùng thang trèo lên mái nhà. Khi lên được đến đây, ông đã cảm tạ Chúa trời đã cứu giúp ông trong cơn hoạn nạn.

Ông tiếp tục cầu xin Ngài hãy giúp đỡ cho mình, để dòng nước nhanh rút đi nhanh chóng.

Đến lúc này, một số người thoát nạn đã dùng thuyền quay lại đón những người bị kẹt trên nóc nhà đi đến nơi khô ráo hơn. Họ đi ngang qua nhà ông lão, nhìn thấy ông ở trên đó, liền bảo: "Ông ơi, ông hãy lên con thuyền của chúng tôi đi nào".

Nhưng ông lão nhìn thấy trên thuyền có rất nhiều người lố nhố, bèn nói: "Tôi đã cầu Chúa cho nước nhanh rút rồi, các anh cứ đi đi, thuyền đông thế kia có khi lại chìm mất".

Những người trên thuyền lại nói: "Chẳng biết bao giờ nước mới rút đâu, ông cứ lên đây với chúng tôi, không sao đâu".

Nhưng ông lão nhất định ở lại, nên họ đành phải chèo thuyền đi. Ông lão tiếp tục cầu nguyện trước Chúa.

Hôm sau, lại có một chiếc thuyền khác đi qua nhà ông lão. Chiếc thuyền này to hơn chiếc thuyền hôm qua, song họ cũng không thể khiến ông lão đổi ý. Ông nói sẽ tiếp tục cầu Chúa, và chẳng mấy chốc nước lũ sẽ rút ngay mà thôi.

Sang đến ngày thứ ba, sức khỏe của ông lão đã không còn được như trước. Ông trở nên yếu hơn, song vẫn một mực cho rằng, mình không cần đi đâu hết, nước lũ sẽ rút để ông có thể trèo xuống, tự nấu một bữa thật ngon cho bản thân.

Một chiếc thuyền nữa đi qua, nói rằng họ sẽ đón nốt những người sống sót còn kẹt lại ở đây để đi đến một nơi tập trung, và bảo ông lão hãy nhảy lên thuyền.

Tuy nhiên, ông lão vẫn nhất quyết từ chối.

Và cái kết bất ngờ khiến nhiều người phải nhìn lại mình

Sau đó, không còn chiếc thuyền nào đi ngang qua nhà ông lão nữa. Sau mấy ngày vật lộn, ông lão đã hết thức ăn và nước uống. Ông dần đói lả, kiệt sức, cuối cùng đã không thể chống đỡ nổi và qua đời.

Linh hồn của người đàn ông bay lên thiên đàng. Ông đi đến gặp Chúa Giê-su và trách móc: "Thưa Ngài, cả cuộc đời tôi đã dùng để phụng sự Ngài, tôn kính Ngài, vậy mà khi tôi gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ của Ngài, sao Ngài lại không lắng nghe lời cầu nguyện của tôi?".

Nghe lời trách cứ của ông lão xong, Chúa Giê-su đáp: "Ta biết ngươi luôn tôn kính và tin vào ta. Thế nên khi ngươi cầu cứu, ta đã cử người tới giúp ngươi. Song hết lần này đến lần khác, ngươi đều từ chối họ, nhất định làm theo ý mình, lại còn muốn trách ta hay sao?".

Người đàn ông sững sờ trước câu trả lời của Chúa Giê-su, không còn nói thêm được gì nữa, chỉ biết trách sự ngu muội của bản thân.

Lời bình: Sống lương thiện, có đức tin là một điều tốt, vì nó sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một "vị thần" khác cũng quan trọng không kém, có thể giúp chúng ta đối mặt với những nguy nan, đi đến thành công cuối cùng. "Vị thần" đó chính là bản thân mỗi chúng ta.

Chờ đợi ai đó giúp mình, chi bằng hãy tự mình giúp mình. Con người biết suy nghĩ và hành động một cách sáng suốt, linh hoạt thay đổi theo từng tình huống, không quá cực đoan trong bất kỳ một vấn đề gì, nhất định có thể chiến thắng nghịch cảnh, tự mở lối đi cho chính mình.

Theo Moral Stories
Nguồn: SOHA

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện cậu bé giúp dọn rác cống thoát nước

Cống thoát nước bị rác chắn khiến nước mưa đọng lại trên đường, không thoát đi được. Thấy vậy, cậu học sinh đã dừng xe đạp rồi dùng tay lấy rác từ miệng cống, thấy nước thoát xuống rồi mới rời đi. Hành động tuy nhỏ nhưng thật văn minh, ý nghĩa của cậu nhỏ nhận vô số lời khen.


Sự việc được ghi lại tại khu tái định cư xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai vào khoảng 16h45 chiều 16/6. Cậu học sinh trên đường đi học về đã dọn rác tại các miệng cống quanh khu vực gần nhà để đường phố không bị ngập.

Theo đó, đoạn clip được trích xuất từ camera an ninh ghi lại cảnh một cậu học sinh đeo khăn quàng đỏ, dắt xe đạp một mình trên đường dưới trời mưa khá lớn. Khi đi qua một cống thoát nước, thấy miệng cống bị rác chắn khiến nước đọng trên đường, cậu học sinh đã dừng xe rồi dùng tay lấy rác từ miệng cống.

Sau khi được dọn sạch rác, nước mưa đọng trên đường nhanh chóng thông thoát. Cậu học sinh lại tiếp tục đạp xe tiến lên miệng cống tiếp theo để dọn rác giúp thông nước.

Hành động của cậu bé tuy nhỏ nhưng thật sự ý nghĩa, thể hiện sự văn minh cũng như nhân cách đẹp đẽ và đầy trách nhiệm. Trên mạng xã hội nhiều người đã dành lời khen cho em, mong rằng những hành động đẹp như vậy sẽ tiếp tục được lan rộng và nhân lên trong cộng đồng.

Mời xem clip trên Youtube tại đây , trên Google Photos tại đây



Nguồn tại đây

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Cổ nhân dạy rằng, ở đời có 3 điều tưởng chừng là PHÚC nhưng thực chất lại là HỌA, chỉ có kẻ ngu muội mới lao đầu vào

“Có những người sống trong phúc mà cứ coi là họa, tìm mọi cách tránh xa. Có những người sống trong họa lại cứ vội lầm tưởng là phúc, để rồi đánh mất mình.

Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.

Trong suy nghĩ của nhiều người, “có phúc” đồng nghĩa với việc ăn sung mặc sướng, phú quý giàu sang, hạnh phúc êm ấm. Cũng vì lẽ đó, ngày càng nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả đời để lấy vinh hoa phú quý. Thế nhưng, có những điều tưởng chừng là “phúc”, nhưng cuối cùng lại trở thành “họa”.

Bề ngoài, những điều này vẫn đem lại sự vui sướng, hạnh phúc nhất thời nhưng đằng sau phồn hoa ngắn ngủi sẽ là đau khổ và trắc trở dài lâu. Đặc biệt là với 3 kiểu “có phúc” tai hại sau đây, cần tránh xa cả đời nếu không muốn hủy hoại cả giá trị tinh thần lẫn vật chất trong tay.

1. Không làm mà lại có ăn

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có một câu nói, đó là “Bách kim tài phú tất thị bách kim nhân vật, thiên kim tài phú tất định thị thiên kim nhân vật” .

Nghĩa là: Người có gia sản tiền trăm thì ắt là người được định sẵn có tiền trăm, người có gia sản nghìn vàng thì ắt là người đã được định sẵn có nghìn vàng.

Người xưa để lại câu này muốn nói cho chúng ta biết rằng, một người có phúc phần nhường nào thì ắt sẽ được hưởng nhường ấy. Tất cả đều có sự đánh đổi ngang bằng được định sẵn từ trước, chứ không phải muốn hưởng bao nhiêu thì hưởng.

Mà thuận theo câu nói “Khổ trước sướng sau”, con người phải có làm mới có ăn, đó đã là đạo lý hiển nhiên trên đời. Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.

Bên cạnh đó, người có thói quen “hưởng sẵn” sẽ tự ru ngủ năng lực và tính tự giác của bản thân trong sự an nhàn giả tạo. Khi mọi người xung quanh dốc sức chuẩn bị, anh chỉ lo hưởng thụ vui chơi, thì đương nhiên, khi tất cả đã lấy đà đầy đủ và bắt đầu tăng tốc về đích, anh sẽ bị bỏ lại phía sau mãi mãi.

Cho nên cổ nhân mới nói: “Con cháu nếu giỏi giang thì chẳng cần tiền tài từ bố mẹ để lại, người hiền mà giữ tiền dễ tổn hại ý chí; còn nếu con cháu không ai giỏi giang thì tiền tài để lại từ bố mẹ càng thêm vô dụng, người dốt mà có tiền, ắt thành thảm họa.”

2. Hữu danh nhưng vô thực

Khổng Tử từng nói: "Nếu đức hạnh không xứng đáng với vị trí, sẽ thành tai ương. Nếu đức hạnh mỏng mà được tôn lên cao, trí tuệ nhỏ mà góp kế hoạch lớn, sức mạnh nhỏ nhưng gánh trách nhiệm nặng nề thì hiếm có thể thành công.”

Hữu danh vô thực chỉ làm cản bước tiến của chúng ta trên đường đời. Chúng chỉ là cái vỏ rỗng nhưng lại khiến ta nhầm tưởng rằng mình đang sở hữu đủ đầy. Chẳng hạn như, anh thích “ăn trên ngồi chốc”, vẽ mây vẽ gió ở tầm cỡ sếp, nhưng năng lực chuyên môn lại không vượt trội, cũng chẳng có tinh thần dốc sức cầu tiến nữa. Như vậy, một thời gian sau, kết quả duy nhất chờ đợi anh chính là sự đào thải tàn nhẫn của cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt.

Nói cách khác, cũng giống như một chiếc bàn có thể chịu tải trọng được 10 phần sức nặng, nhưng nay chúng ta đặt lên nó tới 20 hay 50 phần sức nặng, thì hỏi chiếc bàn sao có thể chịu nổi đây? Gánh một sức nặng quá sức mình như vậy, nó sẽ lung lay, nó sẽ biến dạng, đây chính là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ.

Do đó, “mác ngoài” dù hào hoa to đẹp đến mấy cũng chưa chắc đã là phúc. Vị trí cao tương xứng với trách nhiệm cao, bạn hãy chủ động tránh xa khi bản thân mình chưa thực sự đạt được tầm cỡ ấy.

3. Hưởng thụ những thứ không thuộc về mình

Có câu chuyện xưa kể rằng: Một ngày nọ, chú cáo đói bụng bỗng nhìn thấy cây nho sai trĩu, chín mềm trong vườn của bác nông dân. Nó tìm mãi mà không thấy lối vào, nhưng lại tình cờ phát hiện một lỗ nhỏ trên hàng rào. Tuy nhiên, cái lỗ quá nhỏ nên nó không chui vừa.

Con cáo nghĩ ra một cách. Nó nhịn đói liền 2 ngày để gầy tọp đi, sau đó như ý nguyện mà chui được vào vườn. Quá sung sướng vì những trái nho thơm chín căng mọng trước mặt, nó ăn thỏa thích đến chùm này tới chùm khác.

Nhưng no nê đủ rồi, nó mới phát hiện ra rằng cái bụng của mình to lên rất nhiều, không còn vừa với lỗ nhỏ trong hàng rào nữa. Mà nếu chạy đi bằng cửa trước, chắc chắn sẽ bị chủ vườn và đàn chó săn tóm được. Thế là, con cáo lại phải nhịn ăn suốt 6 ngày liên tiếp.

Quả nhiên sau 6 ngày ấy, con cáo lại gầy đi và có thể chui ra được khỏi hàng rào. Nó trở về điểm xuất phát ban đầu với một cái bụng rỗng, đói meo, chẳng thay đổi được gì.

Câu chuyện này khiến chúng ta nhận ra rằng, cuộc sống luôn có được và có mất, có những thứ không thuộc về mình thì cưỡng ép nhường nào cũng vô dụng. Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sống thuận theo tự nhiên sẽ sống được vui vẻ, hạnh phúc nhất. Ngược lại, người nào tham lam hưởng thụ những điều không thuộc về mình thì cũng chỉ rơi vào kết cục “Của thiên trả địa” mà thôi.

Nỗ lực theo đuổi cuộc sống sung túc, giàu sang không sai, nhưng không vì thế mà tận dụng các thủ đoạn xấu xa, trái với lương tâm và luật lệ, cũng đừng lợi dụng lối tắt hiểm nguy trên các con đường dẫn đến thành công. Phải biết rằng, những thời gian và nỗ lực bạn đầu tư đều chuyển hóa thành những giá trị quan trọng, là bậc thang vững chắc nhất để bạn leo lên những đỉnh cao. Đó là hành trình mà bạn cần tự đi trên chính con đường của bản thân, tránh xa những điều không thuộc về mình.

Kỳ thực, “Mệnh lí hữu thời chung tu hữu, mệnh lí vô thời mạc cưỡng cầu”.

Ở đời, thứ thuộc về bạn thì cuối cùng sẽ là của bạn, thứ không phải của bạn thì dù cố tranh giành cũng sẽ tự tránh xa. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Cưỡng cầu quá nhiều lại thành họa.

Theo Trí thức trẻ

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về Đức Phật và người Bà Na Môn - món quà


Một hôm, khi Phật đang thuyết giảng giáo lý của mình cho các vị đệ tử dưới một cội cây lớn thì bỗng nhiên có một người tu sĩ Bà La Môn đi đến xúc phạm Ngài và có ý định tấn công Ngài. Nhưng dưới cái nhìn trí tuệ của một bậc toàn giác, Ngài đã phản ứng lại thái độ giận dữ bằng sự im lặng hoàn toàn. Khi ấy, vì quá ngạc nhiên trước cách hành xử của Đức Phật, người đàn ông Bà La Môn đã hỏi Phật rằng tại sao lại im lặng nghe ông ta chửi. Đức Phật đã trả lời một cách bình thản: “Nếu ta tặng ông một món quà, ông không nhận thì món quà đó thuộc về ai? “Thuộc về tôi” - Người đàn ông đáp. Đức Phật gật đầu và giải thích: “Cũng như vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”

Bài học ở đây là: Mặc dù một số người quyết định lãng phí thời gian và năng lượng của họ cho chúng ta bằng những lời lẽ xúc phạm nhưng chúng ta có quyền lựa chọn rằng liệu mình có nên tiếp nhận nó hay không. Cũng giống như chúng ta chọn chấp nhận món quà hay trả lại cho người tặng. Nếu bạn chấp nhận, bạn cầm quà, nếu không, người xúc phạm bạn đơn giản chỉ là một người đáng thương bị bỏ mặc với cách hành xử tiêu cực của họ.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Nguồn tại đây

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện hòn đá ngáng đường


Ngày xửa ngày xưa, một ông vua cho đặt một tảng đá to giữa đường. Nhà vua nấp vào bụi rậm và xem mọi người qua đường sẽ đi qua như thế nào. Một vài nhà quý tộc và hoàng tộc giàu có đã xuất hiện, nhưng họ khéo léo đi vòng qua hòn đá mà không động gì tới nó.

Nhiều người bắt đầu phàn nàn nhà vua không biết cách quản lý cấp dưới, để các con đường sạch sẽ và dễ đi, nhưng chẳng một ai mảy may nghĩ đến việc di chuyển hòn đá ra chỗ khác.

Một ngày kia, một người nông dân gùi rau đi ra chợ bán. Khi đi ngang qua con đường, anh ta dừng lại, đặt gùi rau xuống và cố gắng hết sức để vần tảng đá vào một bên đường.

Khi đã hoàn thành công việc, anh quay lại với gùi rau của mình thì phát hiện ra bên trong chứa rất nhiều đồng tiền vàng và một tờ giấy của nhà vua, giải thích rằng, số tiền này dành tặng cho người dọn chướng ngại vật ra khỏi con đường.

Cảm ngộ: Mọi trở ngại chúng ta gặp trong cuộc sống đều cho chúng ta một cơ hội cải thiện hoàn cảnh của mình. Trong khi kẻ lười biếng phàn nàn thì những người khác lại tạo ra cơ hội bằng sự tốt bụng, hào hiệp và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Nguồn tại đây

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Cảm ngộ: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?


Rất nhiều người luôn lấy làm yêu thích nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ Anh Quốc là Robin Hood, một anh chàng với bộ áo xanh, giỏi bắn cung, đánh kiếm, chống lại kẻ ác, chuyên lấy của người giàu chia cho người nghèo. Và cái quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” đã theo chúng ta suốt bao nhiều năm tháng, cho đến một ngày chúng ta tự hỏi rằng: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?

Giật mình, chúng ta chợt nghĩ: Ăn cướp chưa bao giờ là một hành động tốt đẹp cả…

Về mặt luật pháp, tự ý lấy đi tài sản của người khác chính là vi phạm quyền tư hữu tài sản. Nếu bởi vì nguyên nhân người giàu đó độc ác mà tự ý lấy đi tài sản của họ thì vẫn là sai. Kẻ độc ác vẫn nên bị trừng trị tương ứng với hành vi phạm pháp của họ, chứ không phải là theo cảm tính. Đơn cử như một kẻ trộm đồ sẽ không đáng bị người dân hùa vào đánh chết, bởi vì dù là về pháp luật hay là về nhân tính thì họ cũng không đáng phải chết. Kẻ trộm cũng là con người, chưa kể là ai biết được xem hoàn cảnh của họ ra sao, họ vì cớ gì mà đi ăn trộm? Tương tự như vậy, người giàu bị trộm là ai? Họ là người tốt hay người xấu? Tài sản đó của họ là do lừa lọc mà có, hay là do đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có? Lấy đi số tài sản đó sẽ phương hại gì tới họ và gia đình?

Không chỉ như vậy, quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” còn tồn tại nhiều dấu hỏi: Người nghèo đó là ai? Vì sao mà họ nghèo? Họ nghèo là vì lười biếng không chịu làm việc, hay là bị bóc lột tàn nhẫn? Có tốt không khi trao cho người nghèo số tài sản đó? Họ sẽ làm gì hay là phung phí nó? Liệu có cách nào đó khiến người nghèo giàu lên mà không phải đi “cướp” để “cho” không? Liệu đạo đức của họ có xuống dốc vì chuyện này không? Liệu họ có hưởng ứng hành vi ăn cướp phạm pháp đó vì món lợi trước mắt không?

Hơn thế nữa, “lấy của người giàu chia cho người nghèo” thì chia như thế nào? Hình thức phân chia ra sao? Ai sẽ đảm bảo về số tài sản ấy? Liệu số tài sản ấy có thể bị lợi dụng vì mục đích khác không? Bản thân hành vi này là hành vi ăn cướp, vậy ai dám bảo chứng là kẻ cướp sẽ có một đạo đức cao thượng, không tơ hào một đồng? Ai dám bảo chứng là những người nghèo kia không vì món lợi chia chác mà trở thành kẻ cướp?

Hãy lấy việc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện và cải cách ruộng đất ở Đài Loan do Chính phủ Quốc dân thực hiện làm ví dụ. Đây là hai cuộc cải cách cực kỳ khác biệt, không chỉ ở cách làm mà còn ở sự nhân văn. Nếu như cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục là một biển máu, thì cuộc cải cách ở Đài Loan lại diễn ra vô cùng hòa bình.

Cải cách ruộng đất đã có thể được thực hiện mà không cần phải chém giết, giống như cách mà Chính phủ Quốc dân đã thực hiện ở Đài Loan. Bắt đầu từ năm 1946, các ruộng của chính phủ được cho người nông dân thuê lại với giá rẻ, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Do giá thuê rẻ, người nông dân được lợi nên chăm chỉ làm việc, khiến sản lượng thu hoạch tăng cao (tăng 46% trong 4 năm). Trong khi đó, nguồn lợi từ việc sở hữu ruộng đất của các chủ đất giảm xuống (do các ruộng của chính phủ), khiến những chủ đất mong muốn bán đất đai của mình để đầu tư sang khu vực kinh tế khác. Lượng đất này được chính phủ hoặc những người nông dân có điều kiện mua lại. Cuối cùng, chính phủ tiếp tục bán ra số đất mà mình sở hữu. Tới năm 1953, số lượng ruộng đất được người nông dân Đài Loan sở hữu cuối cùng đã tăng lên tới 90%.

So sánh trên đã chỉ ra cho chúng ta một thực tế về sự cực đoan của câu khẩu hiệu “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.

Hãy thử lấy một ví dụ khác về quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” dưới hình thức văn minh hơn. Với logic là, người nghèo cần sự trợ giúp, và điều này trở thành một “quyền”, ví dụ như quyền có nhà ở và quyền được chăm sóc sức khỏe. Vậy thì đi kèm với quyền đó là việc những người khác phải có nghĩa vụ. Khi một người nghèo cần cấp cứu trong bệnh viện, họ có quyền nhận được sự trợ giúp. Tuy nhiên, những bác sĩ và y tá đã học tập bao nhiêu năm cũng có quyền được hưởng lương vì bất cứ một ca cấp cứu nào. Vậy thì ai sẽ trả cho họ? Xã hội hiện đại trả lời rằng: tất cả mọi người. Vậy là tất cả mọi người sẽ phải trả cho ca cấp cứu đó qua hình thức thuế. Và nếu như chi phí đó bị chia đều, thì có thể một số người nghèo sẽ không chịu nổi, vì thế phương án đánh thuế theo % thu nhập và theo mức thu nhập ra đời để đáp ứng cho hoàn cảnh xã hội của người nộp thuế.

Nhìn một cách tổng thể, thuế là một hình thức phân phối lý trí hơn quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp phương Tây cũng thừa nhận rằng: Thuế là hình thức sung công (mà không phải quốc hữu hóa) các tài sản tư nhân; và không có sự vô tư (không thiên vị) trong vấn đề thuế. Chính vì vậy, một hệ thống thuế tốt vẫn cần nền tảng lý trí và đạo đức từ chính phủ của một quốc gia.

Và tất nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều hình thức giúp đỡ người nghèo khác không nhờ “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, như quyên góp, làm từ thiện, tạo công ăn việc làm, v.v.. Tất cả đều xuất phát từ thiện nguyện tốt đẹp của con người chứ không phải là từ một câu khẩu hiệu…

Mời nghe qua YouTube tại đây , xem qua Google Photo tại đây



Theo trithucvn

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về quan điểm khác nhau của ba anh em trai


Quan niệm

Một gia đình nọ sinh được 3 người con trai. Tuy nhiên, có một điều bất hạnh là, ngay từ khi họ còn nhỏ, đã phải chứng kiến cảnh tượng bố mẹ đánh cãi chửi nhau suốt ngày.

Người mẹ thường xuyên bị người bố đánh đến thương tích đầy mình.

Sống trong một gia đình như thế, cả 3 anh em đều bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Nhưng sự ảnh hưởng này lại đi theo 3 hướng hoàn toàn khác nhau.

Người con lớn nghĩ: "Mẹ thật đáng thương. Sau này mình lấy vợ, nhất định sẽ tốt với vợ."

Người con thứ hai nghĩ: "Kết hôn thật chẳng có gì hay ho, chỉ thấy bất hạnh, lớn lên mình nhất định sẽ không lấy vợ."

Người con thứ ba nghĩ: "Thì ra là chồng thì có thể đánh vợ như thế này!"

Cảm ngộ: Cho dù là môi trường giống nhau nhưng cách tư duy khác nhau sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời theo những cách khác nhau.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về ổ bánh mì dành cho người nghèo

“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Có một người phụ nữ, mỗi khi nướng bánh mì cho gia đình mình đều làm dư ra một cái để cho người nghèo. Bà thường để ổ bánh mỳ dư trên thành cửa sổ bên ngoài để những người nghèo đi qua dễ lấy.

Mỗi ngày đều có một kẻ ăn mày lưng gù đều đặn đến để lấy ổ bánh mì đó. Thế nhưng, thay vì nói lời cảm ơn, ông ta cứ vừa đi vừa lẩm bẩm như niệm chú:

“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Điều này cứ diễn ra như vậy, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người ăn xin lưng gù kia đều đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu: “Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Người phụ nữ rất bực bội. Bà thầm nghĩ: “Ngày nào mình cũng làm một ổ bánh mỳ cho ông ta. Vậy mà ông ta không có lấy một lời cám ơn. Đã vậy còn lải nhải mãi cái câu nói khó chịu ấy, nghe cứ như là nguyền rủa vậy! Không biết hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”

Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Tên ăn mày đó cũng chẳng tốt đẹp gì.Ta sẽ làm cho hắn biến mất.”

Vậy là, bà quyết định cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà thường làm. Thế nhưng, khi sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên. Bà hốt hoảng nghĩ thầm: “Ta làm gì thế này? Tại sao ta lại có thể độc ác như vậy?”

Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa rồi vội làm một cái bánh mì ngon lành khác đem để lên thành cửa sổ. Như mọi khi, người ăn mày đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm: “Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người.”

Ông ta cầm ổ bánh đi một cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người phụ nữ kia vừa có một trận chiến dữ dội giữa thiện và ác.

Thực ra, trong lòng người phụ nữ có một nỗi khổ tâm mà không ai biết. Bà có một cậu con trai đang đi xa tìm việc làm. Đã gần một năm nay bà không nhận được tin tức gì của con. Vậy nên, mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho con trai sớm trở về nhà bình an, mạnh giỏi. Nhưng người đàn ông kia thì thật quá kỳ cục khó hiểu, khiến bà cảm giác như có điều chẳng lành.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa. Anh gầy xọp đi. Quần áo rách rưới đến thảm hại, đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:

– Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi. Con đã tưởng mình sẽ chết dọc đường. Nhưng bỗng có một người ăn mày lưng gù đi ngang. Con xin ông ta cho con một chút gì để ăn. Không ngờ ông ấy đã cho con nguyên một ổ bánh mì rất ngon. Khi đưa bánh cho con, ông đã nói: “Mỗi ngày tôi chỉ có một ổ bánh mỳ này được một người phụ nữ tốt bụng làm cho, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà vội dựa người vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết. Ngay lập tức bà hiểu ra ý nghĩa của câu nói mà người ăn mày nói mỗi ngày: “Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Cuộc sống là như vậy, những gì bạn làm ngày hôm nay chính là căn nguyên của những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai. Người ta gọi đó là Luật Nhân Quả. Khi làm điều tốt mà không mong cầu báo đáp, không cần người khác nhớ ơn, không cần ghi danh kể thưởng thì đó mới là cái Thiện chân chính.

Và, chỉ cần bạn sống lương thiện, trời xanh sẽ tự khắc có an bài!

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Nguồn tại đây