Trăng trong thơ và nhạc của chúng ta, hôm nay nghe lại, hình như là một vầng trăng chúng ta đã đánh mất. Nó không phải chỉ cách biệt với chúng ta bằng thời gian và không gian. Nó còn cách biệt với chúng ta bằng mọi ý nghĩa có thể tìm thấy.
Đã có một thời, nhân loại, trong đó có các vị tiền nhân của chúng ta, nhìn trăng như một cõi mơ ước, một chốn thiên thai, một nơi không có khổ đau, mà tràn đầy hạnh phúc.
Ở đó, mọi sự đều như ý, cảnh không thay, người người không già mà Văn Cao gọi là “Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.”
Chiều đã tím ở lưng chừng dẫy núi
Sắc thu mờ lơ đãng dáng hoàng hôn
Lặng nằm nghe bốc tự đáy linh hồn
Nỗi thương mến xa khơi tình kiếp trước
Sóng ngủ dưới chân thuyền im gió nước
Đã ai say lạc bước tới Vô Cùng
Sương đầy khoang nghe thấp thoáng hoa dung
Mà lối cũ Đào Nguyên chừng hé mở
(Vũ Hoàng Chương)
Ánh trăng thơ mộng, nhưng có một thời trăng trên đất nước chúng ta nói cho đúng hơn trăng trong mắt nhìn của người Việt Nam còn thêm nhiều nông nỗi. Nào chiến tranh, chết chóc. Nào lưu lạc, tha phương.
Một mảnh trăng vàng qua lá cây
Rọi niềm thương nhớ suốt đêm nay
Biên thùy, phương ấy xa xôi quá
Kinh thành còn vạn đắng, nghìn cay
Mấy câu thơ ấy vẽ nên một trăng trong quá khứ nào đó. Cái quá khứ đứt rời khỏi hiện tại, không phải chỉ bằng những năm tháng mà còn bằng những thay đổi của lịch sử. Một lịch sử tự nó đã chia lìa ra từng những giai đoạn, mỗi giai đoạn là một rừng xương máu.
Đi trên đất nước chúng ta giờ đây, ai dám chắc là mình không đang dẫm trên mặt những người đã chết nằm bên dưới?
Chúng ta, những người còn sống đây, chẳng khác những kẻ được lịch sử bỏ sót, vẫn nhìn thấy trăng.
Nhưng liệu cái vầng trăng chúng ta còn nhìn thấy kia, có còn là cái vầng trăng được ghi lại trong thơ trong nhạc của chúng ta?
Vâng, trăng trong thơ và nhạc của chúng ta, hôm nay nghe lại, hình như là một vầng trăng chúng ta đã đánh mất. Nó không phải chỉ cách biệt với chúng ta bằng thời gian và không gian. Nó còn cách biệt với chúng ta bằng mọi ý nghĩa có thể tìm thấy.
Sợi giây liên lạc, tình tự giữa trăng và chúng ta đã đứt.
Chúng ta vẫn có thể nhìn trăng và nhớ cố hương. Nhưng cố hương chúng ta tưởng nhớ ấy có còn là cái cố hương trong đó vằng vặc ánh “xanh mơ tan thành suối trần gian” mà Văn Cao nói tới trong Thiên Thai?
Ôi, nếu nghĩ như thế, tưởng chừng như chúng ta lại đứt rời thêm với cố hương một lần nữa. Sự đứt rời ấy tự nó diễn ra như vầng trăng chúng ta chẳng hề đánh mất. Nhưng tự nó, đối với chúng ta đã trở thành một vật bị đánh mất rồi!
Vầng trăng ai xẻ làn đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Cái vầng trăng xẻ nửa ấy dù thế nào chăng nữa, vẫn là vầng trăng chung của Kim Trong và Thúy Kiều.
Vầng trăng chúng ta nhìn thấy hôm nay đây, liệu có còn là vầng trăng chung của chúng ta với những người xa cách hay không?
Trương Nhược Hư trong bài thơ đã nói về trăng đại ý như sau:
Năm nào là năm đầu tiên có trăng
Ai là người đầu tiên trên đời nhìn thấy trăng
Vào những đêm trăng sáng như hôm nay.
Nhưng ai là người có thể cưỡi ánh trăng về lại được cố hương?
Đọc những bài thơ như thế, chúng ta có cảm tưởng lòng yêu mến quê hương của người làm thơ, càng xa xôi càng được mở rộng, trong khi cùng trong một hoàn cảnh, hình như, cả tình lẫn cảnh trong lòng chúng ta như khép lại.
Cái khép lại ấy, có khác chi chúng ta tự bôi xóa chính mình…
Đường ấy dừa trăng như cổ tích
Đường vào những truyện thuở ngày xanh
(Quang Dũng)
Mời nghe chương trình này.
Theo VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét