Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI BÁN VÉ SỐ

Sinh ra trong cõi tạm này, chẳng ai mong mình phải vào cảnh khốn cùng. Vì kém may mắn, vì không có cơ hội nào khác nên nhiều người phải vất vả ngược xuôi dãi nắng dầm mưa cầm trên tay tờ vé số để kiếm sống qua ngày.



Chiều Chúa nhật, đến dự Lễ sớm hơn một chút, lúc hàn huyên tâm sự với cha xứ thì người này người kia đến xin Lễ. Có lẽ vì bận việc gia đình hay lý do nào đó nên đến sát giờ Lễ họ mới đến xin, lẽ thường người ta xin trước chứ không đợi sát nút như vầy.

Với phép lịch sự, ai đến gửi ý Lễ đều để trong phong bì, bỗng dưng có anh chàng kia đến đưa tiền trực tiếp cho cha. Vì ngồi đối diện và không thể nào khác đi được, tôi đành phải nhìn thấy cách của anh. Anh móc từ trong túi ra chứ không phải từ trong ví như nhiều người khác vài tờ giấy bạc nhăn nheo, anh đưa ra cho cha xứ 4 tờ : 1 tờ 10 ngàn và 2 tờ 5 ngàn. Anh xin Lễ cầu cho các linh hồn ... Vẻ lúng túng của anh đã không giấu kín được anh là người đi bán vé số. Tiện đường hay thu xếp việc bán số để dự Lễ chiều Chúa nhật này chăng ?

Thánh Lễ đã hết, tôi cũng ra về như bao người khác dự Lễ. Lòng miên man nghĩ mãi về cái anh chàng xin Lễ chiều nay.

Bỗng Lễ, xưa nay vẫn được hiểu là vô giá ! Vâng ! Chẳng có gì để định giá cho một Thánh Lễ cả. Dĩ nhiên, với thực tế cuộc sống thì các đấng các bậc có quy định về bỗng Lễ để giúp cho đời sống linh mục.

Nói về bỗng Lễ quả là chuyện cực kỳ tế nhị, tôi không muốn nhắc đến nhưng vì hình ảnh của anh chàng bán vé số lại về. Quả thật với hai chục ngàn đồng ngày hôm nay thì nó là con số rất khiêm tốn so với mức quy định. Thế nhưng bên dưới hai chục ngàn đó là cả tấm lòng của anh.

Nhớ đến anh cũng nhớ đến hai đồng bạc kẽm của bà góa ngày xưa. Hai chục ngàn của anh có lẽ chẳng là gì với một người bình thường, và với một người khá giả nó chẳng khác gì là vài đồng bạc lẽ của họ. Hai chục ngàn của anh thật nhỏ nhưng lòng của anh quá lớn. Anh gom góp lại để xin ý chỉ cầu nguyện cho những linh hồn không ai nhớ đến cầu nguyện cho.

Cuộc sống, đồng tiền rất cần nhưng có lẽ cần hơn vẫn là một tấm lòng. Lòng của anh chàng bán số này quá lớn vì lẽ số tiền anh có được là cả mồ hôi và thậm chí cả nước mắt của những bước chân dài lê bước trên nhiều nẻo đường của thành phố phồn hoa đô thị.

Rất trân trọng những đồng tiền nhỏ bé của những người nghèo như anh chàng bán số chiều nay.

Vũ Hưu Dưỡng
Nguồn: Hoa Xương Rồng

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Nhân quả



Có một cổ ngữ 'NHÂN NÀO QUẢ NẤY' Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này, và tôi mong bạn chuyển tiếp nó. Hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng. Đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến một người bạn. Những người bạn tốt, giống như những vì sao. Bạn không luôn luôn trông thấy họ, bạn biết họ luôn luôn có mặt ở đó. 

Một hôm, một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị 'pan' đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối, anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề, đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe Pontiac cũ kỹ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, không một ai dừng xe lại để giúp bà. Người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không? Trông ông không an toàn cho bà vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói.

Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào rồi. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta...

Anh nói: 'Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp? Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson.'

Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bò xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và lại bị trầy da chỗ khuỷ tay cũng như lòng bàn tay một hai lần gì đó.

Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe. Nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát.

Trong khi anh đang siết chặt mấy con ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kiếng và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cám ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà. Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến điều là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh.Anh chỉ giúp người đang cần được giúp đỡ vì Chúa, Phật hay chính bản thân anh cũng biết rằng đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó, và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.

Anh nói với bà cụ nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ, bà có thể sẵn sàng cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: 'Và hãy nghĩ đến tôi'

Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu lên xe của mình đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà.

Chạy được vài dặm trên con lộ, bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ. Bà ghé lại, tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào, trước khi bà đi đoạn đường chót về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi, mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù đã phải đứng suốt ngày nay để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ ra sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.

Rồi tự nhiên bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy. Và bà cụ vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao một người có ít đến độ thiếu thốn mà lại sẵn lòng cho một người lạ mặt rất nhiều...

Sau khi ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc một trăm của bà cụ… nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa mất rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi khuất. Chị hầu bàn thắc mắc, không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi dọn dẹp, chị để ý trên bàn thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng…

Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết: 'Cô sẽ không nợ gì tôi cả. Tôi cũng đã từng ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô hiện nay. Có ai đó đã một lần giúp tôi, giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô.'

Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng, bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô-la nữa.

Thật ra, còn có những bàn ăn cần lau dọn, những hũ đường cần đổ đầy, và những khách hàng để phục vụ... Và chị hầu bàn đã hoàn tất những việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai.

Tối hôm đó, dù khi đi làm về và leo lên giường nằm, chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào mà bà cụ đã biết chị và chồng của chị hiện đang cần số tiền ấy? Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn… Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào, và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh, 'Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan, ạ.' (chị đâu có biết anh Bryan đã thay bánh xe cho bà già tội nghiệp trước đó).

Có một cổ ngữ 'NHÂN NÀO QUẢ NẤY' Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này, và tôi mong bạn chuyển tiếp nó. Hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng. Đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến một người bạn. Những người bạn tốt, giống như những vì sao. Bạn không luôn luôn trông thấy họ, bạn biết họ luôn luôn có mặt ở đó.

Nguồn: Hoa Xương Rồng

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Hiến mình cho lý tưởng phục vụ bệnh nhân

Chăm sóc thật chu toàn cho người bệnh là tâm niệm của mọi tu sĩ dòng Nữ Tá viên Thánh Camillô (SMI) qua mỗi ngày của đời dâng hiến.


Các Nữ Tá viện Thánh Camillô - ảnh tư liệu

Thương yêu là hành động

Một ngày Chúa nhật, trong căn nhà nhỏ lụp xụp, tranh tối tranh sáng, các sơ cùng tu sinh của dòng ngồi quanh cụ Thành thăm hỏi, chuyện trò rôm rả. Nơi ở của cụ bà neo đơn đã ngoài 70 này là nơi các chị em thường xuyên ghé lại. Tại đây, họ gặp một cụ bà khác đang đạp xe đến thăm người bạn mới bị té ngã gãy chân, và thế là chẳng nghĩ ngợi, họ theo chân bà đến để giúp gì đó hay chỉ đơn thuần là để cùng dâng câu kinh, tiếng hát, lắng nghe tâm sự, ủi an, động viên người đang chịu nỗi đau vì bệnh tật.

Những cuộc thăm viếng như trên được các nữ tu thực hiện theo định kỳ vào sáng thứ 4 và sáng Chúa nhật hằng tuần. Điểm đến có khi đã được định trước hoặc có thể do người dân xung quanh nhận ra các nữ tu và gợi ý thêm một nơi nào đó thì lịch trình lại được mở rộng. Đối tượng hướng đến của các sơ là người già neo đơn, người bệnh... Chỗ này các sơ trò chuyện đôi chút, chỗ nọ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa giùm người bệnh, nơi khác thì giúp chăm sóc y tế cho bệnh nhân, cùng đi với họ đến bệnh viện khám bệnh khi người nhà không thể đi cùng hoặc không rành đường đi nước bước. Chỉ cần có thể giúp, có thể đem lại cho tha nhân niềm vui, nụ cười thì họ chẳng ngại ngần hành động.

Đi theo các sơ đến thăm phòng trọ của cụ Luyến, hiện đang bị di chứng do cơn tai biến trước đó, chúng tôi cảm nghiệm được sự kiên nhẫn, tình cảm chân thành dành cho “những người anh em của Chúa” - cách mà các chị vẫn thường gọi bệnh nhân. Trong không gian giới hạn của căn phòng khi ấy là tiếng nói ngọng ngịu mà đầy niềm vui của cụ bà kể về những kỷ niệm ngày xưa cũ, là lời đáp nhẹ nhàng như cổ vũ tinh thần của các tu sĩ, là đôi mắt, khuôn mặt rạng lên ánh hy vọng của người bệnh và những con người đang cúi xuống để lắng nghe.

Các chị thăm viếng, trò chuyện, chăm sóc y tế, dọn dẹp vệ nhà cửa giùm người bênh, cùng đi với họ đến bệnh viện khám chữa - ảnh Mai Lan

Chia sẻ cho chúng tôi kinh nghiệm khi tiếp xúc với người cao tuổi, nữ tu Immacolata Mai Thị Kim Sáng chia sẻ: “Các cụ nói thì mình phải nghe, nói chen vào là họ giận đấy. Rồi dọn dẹp nhà cho các cụ cũng phải cẩn thận lắm, không được làm xê xích đồ đạc đi chỗ khác, nếu thấy có vật gì thừa cũng không được bỏ đi. Các cụ không chịu đâu”. Giản đơn là thế song để có thể hiểu, cảm thông và thực hiện dễ dàng thì phải có tấm lòng chân thành.

Chăm sóc bệnh nhân mà quên đi tất cả

Lần đầu tiên tìm đến dòng, chúng tôi bị lạc giữa muôn vàn ngõ ngách trong khu dân cư. Hỏi thăm một cụ ông đi đường, khi nghe chúng tôi nói tên dòng, cụ lại bảo không biết. Đang khi loay hoay tìm cách khác thì cụ hỏi: “Có phải đấy là dòng của mấy sơ đeo thánh giá màu đỏ không?”. Chúng tôi vội vàng xác nhận và ông cụ nhiệt tình đưa mọi người đến tận nơi. Trên đường đi, cụ bảo: “Mấy sơ mới về đây nên chẳng mấy ai biết, chỉ biết là họ mặc áo trắng, đeo thánh giá đỏ, hay đi thăm mấy người già trong xứ thôi chứ tên của dòng thì chúng tôi chịu”.

Thánh giá đỏ và những chuyến thăm viếng người già, bệnh nhân - hai dấu chỉ ấn tượng giúp mọi người nhận ra đó là các tu sĩ tá viên Camillô, đồng thời cũng nói lên tinh thần sống của dòng là “nhân ái và hy sinh”, như lời nữ tu Anna Nguyễn Thị Thu Thùy giải thích cho chúng tôi. Đó chính là tôn chỉ, là ưu tiên trong mọi hoạt động thường ngày của các nữ tu.

Các chị thăm viếng, trò chuyện, chăm sóc y tế, dọn dẹp vệ nhà cửa giùm người bênh, cùng đi với họ đến bệnh viện khám chữa - ảnh Mai Lan

Chính vì vậy, ngay từ khi gia nhập dòng thì ngoài việc phải học kiến thức chuyên ngành ý tá, điều dưỡng…, các tu sinh được yêu cầu phải tự tìm và đến thăm người đau yếu để giúp đỡ, động viên họ. Đồng hành cùng tu sinh, nữ tu Giuseppina Nguyễn Thị Khánh Nhi cho biết: “Thường thì chúng tôi dẫn các em đến thăm bệnh nhân đang sống trong khu điều trị nội trú của dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa để tiếp cận bệnh nhân, nói chuyện với họ và hiểu thêm những gì họ đang phải chịu, để hòa hợp với họ hơn và xây dựng nền tảng cho các hoạt động sau này”. Thật vậy, đến gần với người bệnh là một việc tưởng như rất dễ nhưng sẽ chỉ là hời hợt bên ngoài nếu thiếu sự kiên nhẫn và tinh thần bác ái.

Đi cùng với các tu sĩ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về các đàn chị của họ, những người chẳng ngại ngần dùng đôi tay vệ sinh cho người già, kẻ liệt…, dùng đôi tai nghe lời kể chuyện dông dài của những người đãng trí, dùng thời gian để ở bên những người lẻ loi trong cơn hấp hối. Những hình ảnh đó là nét lôi cuốn, là ngọn lửa dẫn lối cho các chị em dấn thân.

Tâm sự cùng chúng tôi, sơ Nhi kể, trụ sở chính của dòng ở Đài Loan, sau một thời gian dài các tu sĩ quên tất cả để dành thời gian phục vụ bệnh nhân thì đến nay chợt nhận ra rất nhiều khó khăn khi không có người kế thừa, không có nhiều ơn gọi để kéo dài hoạt động của dòng trong tương lai. Bài học đó đã nhắc nhở các nữ tu khi thành lập cộng đoàn tại Việt Nam rằng, cần phải thực thi song hành việc sống linh đạo dòng và đào tạo thế hệ sau để những người yếu thế luôn có bạn đồng hành qua năm tháng.

Linh đạo: Sống Tin Mừng và phục vụ bệnh nhân

Dòng Nữ Tá viên Thánh Camillô do chân phước Maria Babantini (1789 - 1868) thành lập tại thành phố Lucca, nước Ý năm 1829, theo tinh thần của Thánh Camillô. Năm 1995, các nữ tu thuộc tỉnh dòng Ðài Loan đã đến gặp linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, cha sở giáo xứ Phanxicô Xaviê (hạt Chợ Quán) để xin giúp đỡ thành lập cộng đoàn dòng tại TPHCM. Năm 2014, dòng dời trụ sở về số 53/75 khu phố 6, phường Tân Biên, Biên Hòa, Ðồng Nai, gần giáo xứ Hà Nội (GP Xuân Lộc). Bề trên cộng đoàn, nữ tu Immacolata Mai Thị Kim Sáng thao thức: “Hiện tại, mong muốn của chị em chúng tôi là có thể được sớm hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để cùng hoạt động mạnh mẽ hơn vì lý tưởng của mình”.

MAI LAN
Nguồn: Hoa Xương Rồng

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Phòng khám từ thiện Sài Gòn: trạm trung chuyển lòng nhân ái

“Pay it forward” là một mệnh lệnh nổi tiếng khắp thế giới về lòng tốt. Tinh thần nhân ái hiện đại đó, thật chẳng ngờ lại được gặp trong một buổi chiều mưa của Sài Gòn, trong hình hài của một người đàn ông nặng trĩu hàng rong.


Những phòng khám từ thiện vẫn lặng lẽ tồn tại 
như một “trạm trung chuyển lòng tốt” của người Sài Gòn

Đoạn trường muôn nẻo

Người thanh niên gầy gò, nước da sạm màu như phủ lên gương mặt hốc hác một nét buồn bã, u ám. Anh ngồi bên mái hiên, nhìn xuyên qua những kẽ hở giữa hàng xe máy để nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Sau lưng anh là cánh cửa bước vào phòng khám Mai Khôi. Từ cánh cửa đó, một người đàn ông khác phục trang chỉnh tề với chiếc áo sơ-mi xanh và quần tây, bước ra hỏi: “Sao anh ngồi đây?”.

Lúc này, người thanh niên mới rụt rè mân mê một túi bóng nhỏ vẫn cầm trên tay nãy giờ, nói: “Dạ, con ngồi đây chờ cho mát, chờ tới lượt”. Vừa nói, anh vừa đứng dậy, lấy từ túi bóng một cuốn sổ màu xanh, đưa cho người đàn ông. Cuốn sổ bạc thếch, cong vênh.

Người đàn ông nhìn qua thông tin trên sổ rồi dặn “anh vô đây ngồi đợi kẻo bị mất lượt khám”. Anh thanh niên khó nhọc đứng dậy. Chắc nhìn ra vẻ ngờ nghệch của người lần đầu đến phòng khám, lúc đi ngang qua tôi, vẻ mặt anh chợt tỏ rõ nét lanh lợi: “Em tới khám hát hả? Vô đây luôn đi”.

Tôi nhanh chóng “dịch” ra chữ “hát” trong lời người thanh niên nọ chính là “HIV”. Trong giới những người nghèo mắc “hát”, nơi này nổi tiếng là một điểm vừa khám và phát thuốc miễn phí, vừa tư vấn tâm lý cho người bệnh suốt quá trình chống chọi với HIV/AIDS.

Trên bức tường chính diện, người ta dán một tờ giấy thông báo “Phòng khám đang triển khai khám và điều trị viêm gan siêu vi C”. Không gian chừng 50m2 được chia thành khu khám, khu giường bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng, tư vấn tâm lý. Anh thanh niên vừa vui vẻ mời tôi vào khám “hát” đã lọt thỏm giữa khoảng 10 bệnh nhân đang ngồi chờ.

Tôi đang tần ngần định bước vào bên trong thì lại bị hút mắt vào một người phụ nữ mặc áo blouse đang vội vã chạy ra. Ngoài này, trên chiếc xe lăn, một ông cụ vừa húng hắng ho, vừa quờ quạng đưa tay giữ lấy tấm gỗ mỏng kẹp chừng 50 tờ vé số trước mặt khỏi những cơn rung lắc dữ dội của trận ho. Ông vừa khó nhọc leo lên lề, tấp chiếc xe lăn vào sát mái hiên phòng khám. Vừa chạy ra đến nơi, cô gái mặc áo blouse nói: “Bác Thi cho con mượn cuốn sổ khám bệnh”.

Họ như đã từng làm việc với nhau rất nhiều lần. Cô nhanh nhẹn lấy chiếc máy đo huyết áp đang cầm sẵn ra đo, rồi lấy ống nghe áp vào ngực ông cụ. Xong việc, cô nghiêm túc cúi xuống giải thích gì đó thật lâu với ông cụ, rồi đổi giọng dỗ dành, vui vẻ: “Giờ bác vô bên trong phòng khám nha, con đưa bác vô ngồi nghỉ rồi đợi lấy thuốc…”.

Lúc này, ông Thi lắc đầu nguầy nguậy, giọng nói như lạc đi trong cơn ho: “Thôi, tui xin phép bác sĩ cho tui không vô, tui ở đây đợi”. Chừng như không thể thuyết phục được, vị bác sĩ nhanh nhẹn chạy vụt vào trong.

Chuyện của người đàn ông 72 tuổi, đã rời quê hương Quảng Trị vào Sài Gòn 30 năm nay

Khi ngoài hiên chỉ còn hai người, ông cụ chợt quay sang tôi, lấy tay vuốt ngực, khó nhọc nói: “Tui mệt quá, không thở được, mà ho hoài, mỗi lần ho là đau”. Nghe rõ chất giọng Quảng Trị đứt quãng trong hơi thở mong manh của ông cụ. Bất giác, tôi ngồi bệt xuống bên bậc thềm để cuộc chuyện trò đỡ làm ông nhọc sức.

Từ dưới tấm gỗ mỏng kẹp một hàng vé số, ông cụ rút ra cho tôi xem một xấp hồ sơ khám bệnh ghi tên Đoàn Văn Thi. Trong hồ sơ có kết quả chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm máu của Bệnh viện Nhân dân 115. Tất cả đều có một kết quả “không phát hiện bất thường”.

Trong lúc tôi đang lật coi kết quả khám bệnh, ông nói: “Bên đây (phòng khám Mai Khôi) giới thiệu tui qua bển khám, khám không mất tiền. Cô coi, kết quả ngon lành hết, nên hễ ho hắng quá, tui lại đi qua đây xin bác sĩ cho thuốc”.

Như biết tôi thắc mắc, ông cụ nói luôn: “Nhà tui ngay đây, chỗ góc ngã tư Bà Huyện Thanh Quan với Lý Chính Thắng. Tui bán vé số quanh đây thôi, đến tối là về ngay góc đó, ngủ ngay trên xe, mưa thì né né trong cây dù này, cũng qua một đêm, sáng dậy đi bán vé số tiếp”. Tôi hỏi: “Bác khám ở đây lâu chưa?”. Ông cụ thở hắt ra, ôm ngực nói: “Cả chục năm rồi. Thường, nếu buổi tối trời mưa là sáng hôm sau tui lại tới đây, lấy thuốc”.

Con đường Bà Huyện Thanh Quan trước mặt đông đúc xe cộ. Thỉnh thoảng, tôi phải ghé thật sát mới chắp nối được câu chuyện của người đàn ông 72 tuổi, đã rời quê hương Quảng Trị vào Sài Gòn 30 năm nay. Ban ngày bán vé số, ban đêm, ông vạ vật ngồi ở góc ngã tư ngay trung tâm Q.3 để chờ cơm từ thiện của những thị dân hảo tâm, rồi qua đêm luôn tại đó.

Hỏi sao không về Quảng Trị dưỡng già, ông nói: “Hồi đó, mình không vợ con, lại tàn phế, không sống nổi ở quê nên mới tìm đường vô Sài Gòn. Ba chục năm ở đây cũng cực khổ, không có nổi cái nhà, nhưng hễ nằm xuống cũng có viên thuốc từ thiện, có gì thì tui chỉ cần lăn xe tới đây, cô bác lo hết. Tui nghĩ vậy mà không dám bỏ về”.

Vừa lúc đó, một tình nguyện viên của phòng khám cầm ra một bịch thuốc, dặn dò liều lượng. Ông cụ lại tỉ mẩn cất bịch thuốc. Trước khi rời đi, ông dặn: “Cô vô trong mà khám. Cái cậu mới nãy, hồi đầu tới đây khám ra si-đa thì nhứt quyết đòi xuống nhảy cầu Bình Triệu chết quách đi. Mới mấy tháng đây mà giờ nhìn tươi hơn rồi. Đỡ lắm”.

Ông cụ lái chiếc xe lăn xuống đường, đi vòng qua đường Lý Chính Thắng. “Cái cậu đòi nhảy cầu Bình Triệu chết quách đi” mà ông vừa nhắc ban nãy, chính là người thanh niên vừa ra vẻ chủ nhà, mời tôi vào khám “hát”.

“Con làm nghề móc túi ở bến xe đó”

Bên trong, phòng khám đang tất bật đón bệnh với chừng 15 bác sĩ, nhân viên và tình nguyện viên. Bác sĩ - Trưởng phòng khám - Linh mục Phaolô Nguyễn Như Hiếu (Linh mục dòng Camilô) - chính là người đàn ông mặc chiếc áo sơ-mi xanh tôi gặp ban nãy.

Ông chỉ độ 40 tuổi, xuất thân là bác sĩ tim mạch của Bệnh viện Nhân dân 115. Nhưng 6 năm nay, ông vừa là linh hồn, vừa là người làm những việc không tên tại phòng khám từ thiện có 1.170 bệnh nhân/tháng này.

Sau này, khi nhắc lại về lần dỗ dành bệnh nhân uống thuốc, ông nói vui: “Bệnh nhân ở đây dễ thương lắm. Làm nũng, bắt đền, có khi vặn vẹo bác sĩ đủ đường. Nhưng họ khó dễ đó rồi lại tình cảm đó, như người nhà. Có cậu bệnh nhân kia tháng nào cũng tới đây điều trị HIV, có lần gặp lúc tôi đang rảnh tay, cậu mới nói: “Con làm nghề móc túi ở bến xe đó bác sĩ. Nhưng bác sĩ yên tâm, hễ bác sĩ tới đó là con... chừa bác sĩ ra”.

“Người nhà” từng làm bác sĩ Hiếu đau đầu nhất là một cô bé bị thiểu năng trí tuệ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại nhiễm HIV. Từ lúc được ông bà nội đưa đến khám tại phòng khám Mai Khôi thì những lần đi lạc, cô bé đều gọi về nói “con đang ở phòng khám Mai Khôi”. Cũng từ dạo đó, bác sĩ Hiếu luôn được báo tin trong những lần cô bé đi lạc.

Có lúc, cô đi lạc xuống Củ Chi; có lúc, cô nhảy xe đò đi Vũng Tàu. Ông bà nội vừa gọi tâm sự, vừa cầu cứu, bác sĩ Hiếu lại lật đật đến tận nơi để mang cô bé về. Điều trị HIV ổn định được một thời gian, cô bé lại gặp vấn đề vì không có người chăm sóc, ông bà nội quá già để canh chừng. Bác sĩ Hiếu bàn bạc với gia đình, đưa cô bé lên một nơi thiện nguyện của các sơ ở Bình Phước để cô bé vừa trị bệnh, vừa được chăm sóc.

Chừng một tháng sau, các sơ ở Bình Phước lại gọi điện về báo cô bé đã… có thai. Phòng khám Mai Khôi lại lên kế hoạch đón cô về, lên phác đồ điều trị để ngăn việc nhiễm HIV từ mẹ sang bé.

Thời điểm đó, bác sĩ Hiếu vừa làm việc với cộng sự để kiểm soát HIV cho người mẹ, vừa đấu tranh với chỉ định đình chỉ thai kỳ của bác sĩ sản. Đứa trẻ ra đời trong sự hồn nhiên của người mẹ và sự căng thẳng của toàn bộ ê-kíp phòng khám Mai Khôi.

Từ phòng khám nhi của bệnh viện phụ sản, giây phút nhận kết quả đứa trẻ âm tính với HIV chính là sự “phản hồi” tuyệt vời nhất sau hàng năm trời trầy trật của một người mẹ ngây ngô với một ê-kíp tình nguyện đã tự xem mình là “người nhà” với người bệnh.

“Coi như mình là trạm trung chuyển đi”

“Pay it forward” là một mệnh lệnh nổi tiếng khắp thế giới về lòng tốt. “Hãy chuyển tiếp nó đi”, “Hãy mang nó đến cho người khác” chính là điều mà người ta muốn nhắn gửi đến người được giúp đỡ. Tinh thần nhân ái hiện đại đó, chúng tôi chẳng ngờ lại được gặp trong một buổi chiều mưa của Sài Gòn, trong hình hài của một người đàn ông nặng trĩu hàng rong.

Anh Túy trong một lần chờ khám ở phòng khám từ thiện nhà thờ Đồng Tiến

Lúc anh Nguyễn Bội Túy gạt chân chống chiếc xe hàng rong nặng trĩu của mình trước phòng khám từ thiện số 54 Thành Thái (Q.10), tôi nghĩ, sao anh lại chọn bán ở nơi này. Nhưng anh tiến lại chỗ hàng ghế chờ, lấy trong túi ra một cuốn sổ khám bệnh cuộn tròn, trở thành một bệnh nhân thứ thiệt.

Thấy tôi ngồi tay không, anh còn nhiệt tình chỉ dẫn quy trình xin sổ khám, rồi nói: “Nay cưng hên, gặp bữa trời mưa nên vắng bệnh. Chứ ngày thường, có khi bệnh nhân ở tỉnh đi hai chiếc xe lớn lên, đổ xuống mấy chục người, mình ngồi chờ lâu lắm”.

Kinh nghiệm đó, anh Túy có được sau hai năm theo khám ở phòng khám này. Nằm bên trong khuôn viên cây xanh của nhà thờ Đồng Tiến, phòng khám mở cửa từ 16g-19g từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Là nơi nổi tiếng khám từ thiện về xương khớp, nhưng phòng khám cũng tiếp nhận rộng rãi mọi bệnh nhân, với mọi triệu chứng bệnh.

Hai năm trước, anh Túy vào đây với triệu chứng bệnh tiểu đường. Anh trải qua giai đoạn “tưởng mình nhận án tử”, đến lúc đấu tranh với bệnh tật và đẩy lùi được nó, căn phòng này lại thỉnh thoảng đón anh với từng cơn cảm sốt, đau dạ dày.

Anh kể, có lúc, thấy anh bệnh mà mải đi bán, vợ con vừa lo, vừa giận. Con gái có lần bỏ ăn, chỉ đợi anh đạp xe hàng rong về đến nhà là tuyên bố: “Vì con ăn học mà ba không có tiền trị bệnh, nay con nhịn ăn, nghỉ học đến chừng nào con tự kiếm được tiền thì tính tiếp”. Anh hoảng. Nhưng nếu vào viện, anh biết, các con cũng chẳng còn tiền mà ăn học. Cái phòng khám ở sâu trong nhà thờ này đã cứu gia đình anh qua lần ấy.

Anh Túy nhìn qua thứ tự khám bệnh sắp tới lượt mình, mân mê cuốn sổ, nói: “Tui chịu ơn Sài Gòn nhiều. Mà người làm ơn mấy khi họ cần mình giúp họ. Nên thôi, tui nói với con tui, chi bằng mình giúp lại người khác. Giờ hai đứa nó, một đứa học đại học y dược, một đứa học cao đẳng ngành điều dưỡng, chắc cũng do tôi nói hoài cái chuyện “giúp đời”. Mình nhận của người này thì cố mang đến cho người khác, coi như mình là trạm trung chuyển đi”. Anh cười phớ lớ, như chính anh cũng vừa mới nghĩ ra cái từ hay nhất đời - từ “trạm trung chuyển”.

Minh Trâm - Thùy Dương
Nguồn : Phụ Nữ

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Dòng Camillô : Những tu sĩ mang thánh giá đỏ

Biểu tượng thánh giá đỏ ngay giữa ngực áo chính là dấu hiệu để nhận ra những tu sĩ thuộc dòng Camillô (dòng Tá viên mục vụ bệnh nhân). Với lựa chọn đem niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ người đau bệnh, hoạt động phục vụ tha nhân của các linh mục, tu sĩ trong dòng chủ yếu liên quan đến y tế.


Cha Thánh Camillô de Lellis (người Ý)

TẤM LÒNG VỚI BỆNH NHÂN

Nhắc đến các tu sĩ dòng Camillô, nhiều người vẫn vui tính gọi đây là “dòng bệnh viện”. 25 năm hiện diện của dòng tại Việt Nam là một quá trình gắn bó với những cảnh đời đau ốm, cần sự giúp đỡ. Hiện nay, dòng có gần 80 thành viên, phần lớn đã và đang tham gia giúp đỡ người nghèo và người bệnh ở các trung tâm từ thiện, phòng khám, bệnh viện. Chính vì vậy, khi gia nhập dòng, các tu sinh được khuyến khích theo học các lĩnh vực có liên quan đến chăm sóc sức khỏe để có thể đồng hành và giúp đỡ bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Con đường đến trường y, nghề y với những tu sĩ Camillô như một ơn gọi đặc biệt. Các mái ấm, phòng khám từ thiện của dòng được mở ra không chỉ là nơi thực hành nghề nghiệp mà còn là chốn thực hành yêu thương của các tu sĩ.

Chúng tôi tìm đến nhà chính của dòng Camillô trong một con hẻm nhỏ trên đường Tam Châu, Thủ Đức, trong một buổi chiều muộn cũng vừa ngay lúc nhà tất bật nhất bởi những chuyến xe đón bệnh nhi ung thư từ Bệnh viện Ung bướu và bệnh nhi suy thận từ Bệnh viện Nhi đồng trở về. Cơ sở của nhà dòng không quá bề thế nhưng nơi đây vừa là chỗ ăn ở, học tập, sinh hoạt của các cha, các tu sĩ; vừa là mái ấm mang tên Gary dành cho nhiều bệnh nhi cùng phụ huynh của các em. Cha bề trên Giuse Trần Văn Phát chia sẻ, ngoài nhà chính kiêm mái ấm, dòng còn có một số cơ sở khác cũng đang gánh cả hai chức năng: “Đơn giản bởi chọn lựa phục vụ cho bệnh nhân nên mọi xây dựng cơ sở của dòng cũng chỉ hướng làm sao tiện lợi cho những đối tượng cần tương trợ. Mọi ưu tiên đều dành cho người đau yếu”.

Các tu sĩ Camillô phục vụ bệnh nhân tại phòng khám Nhân đạo Kinh 7

CHỐN YÊU THƯƠNG

Nói về các cơ sở bác ái của dòng cũng như những “địa chỉ vàng” về bác ái mà dòng cộng tác, cha Phát nhớ lại cả một chặng đường dài với những cơ duyên và chọn lựa “theo ý Chúa”. Trong đó, Mai Tâm (Thủ Đức) là cơ sở đầu tiên dòng tham gia vào công tác bác ái xã hội, bắt đầu hoạt động vào năm 2005. Địa chỉ này ra đời nhằm giúp đỡ, cưu mang và chăm sóc các trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sau nhiều năm hoạt động, mái ấm trở thành gia đình của gần 100 em có hoàn cảnh đặc biệt, từ sơ sinh cho đến 22 tuổi. Ở đây, các em được chăm lo về dinh dưỡng, sức khỏe, có điều kiện học hành. Mẹ của các bệnh nhi cũng được các cha, thầy, bác sĩ tư vấn và cung cấp những kiến thức giúp ngăn ngừa lây truyền HIV, được hỗ trợ học nghề (may, thủ công mỹ nghệ…) để tự nuôi sống bản thân. Những vết thương tâm hồn của bệnh nhân trước những kỳ thị, hờn tủi do HIV phần nào được xoa dịu, niềm tin vào cuộc sống được phục hồi nhờ những cánh tay luôn rộng mở của các tu sĩ Camillô. Cơ sở bảo trợ xã hội Mai Tâm dù nhỏ bé, khiêm tốn nằm ở một con hẻm nhỏ nhưng đã trở thành nơi nương tựa của biết bao mảnh đời.

Ngay sau mái ấm Mai Tâm, dòng mở thêm mái ấm đặt tên là Naza vào năm 2006. Đây là nơi nuôi dưỡng, chữa bệnh và nâng đỡ đời sống tâm linh cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS ở giai đoạn cuối. Công việc của người phục vụ ở Naza dù lắm vất vả song suốt nhiều năm, mái ấm này không hề khép cửa, khép lòng trước những cảnh đời đau khổ. Có những con người đã ra đi mãi mãi sau một thời gian dài được chăm sóc, nhưng họ đã được nâng đỡ tận tình cả phần thể xác lẫn tâm hồn đến những giây phút cuối đời.

Bữa ăn chung của các bệnh nhi cùng các thầy ở mái ấm Gary

NHỮNG CHUYẾN XE TÌNH THƯƠNG

Khi mở rộng thêm hoạt động, mái ấm Gary trở thành nhà chính của dòng, là nơi hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho trẻ em nghèo mang bệnh ung thư hoặc những bệnh hiểm nghèo khác, cùng với thân nhân đang gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị. Ngoài ra, dòng cũng tổ chức những chuyến xe tình thương đưa đón từ mái ấm vào bệnh viện và ngược lại. Mỗi ngày, các thầy theo xe đưa bệnh nhân đến viện từ sớm và đến chiều thì đứng chờ sẵn ở viện để thu xếp giúp các trường hợp sẽ ở lại viện hoặc về mái ấm. Chuyến xe bữa đầy bữa vơi vì các bé có thể phải nằm lại để vô hóa chất, phẫu thuật... Nhưng đều đặn mỗi ngày, chiếc xe quen thuộc cùng các tu sĩ vẫn đúng giờ đứng đợi. Đây là một dự án từ thiện xã hội của dòng với sự cộng tác của các bạn bè thân hữu.

Theo cha Giuse Vũ Anh Hoàng, phụ trách tại nhà Gary:“Mục đích của mái ấm là tạo nên môi trường thân thương của gia đình để khơi dậy lại trong tim trẻ đang mang bệnh hiểm nghèo niềm tin và hy vọng vào cuộc sống”. Những căn phòng luôn sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi cho bệnh nhi và những bữa cơm nóng sốt dành cho trẻ sau khi xạ trị và hóa trị cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt luôn được chăm chút. Song song đó, nhu cầu cơ bản của trẻ như vui chơi, giáo dục và các hoạt động tinh thần khác cũng được chú trọng. Do bệnh nặng và phải điều trị dài ngày, các em phải nghỉ học, thiếu bạn, nên mái ấm có các anh chị em tình nguyện viên tổ chức những hoạt động cho trẻ như đọc, viết, vẽ, hát… Chị Chung Kim Tiên, 42 tuổi, quê tận Cà Mau, có con phải chạy thận chia sẻ: “Tôi ở nhà của dòng tính ra 2 năm rồi. Ăn ở, đi lại đều được giúp dù gia đình tôi không theo đạo Chúa. Suốt 2 năm con chạy thận nằm viện nhiều hơn ở nhà, nếu không có sự tương trợ này không biết mẹ con tôi phải xoay sở như thế nào nữa...”.

Những căn phòng sạch sẽ thoáng mát các tu sĩ Camillô dành cho bệnh nhân cần lưu trú

Nhà dòng còn điều hành hai phòng khám từ thiện, nhân đạo tại Sài Gòn. Phòng khám Camillô được thành lập vào năm 2006 tại đường Lê Văn Sỹ - Q3, là nơi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Sau đó, cơ sở dời về nhà thờ Đồng Tiến (Q10) và đổi tên thành phòng khám từ thiện Mai Khôi - Đồng Tiến. Mở cửa từ 16-19g các ngày trong tuần, mỗi ngày phục vụ khoảng 50- 60 bệnh nhân. Đang chờ đến lượt khám, bà Nguyễn Thị Mai (40t), một người gốc miền Trung cho biết: “Phòng khám này rất tốt, các cha, thầy và bác sĩ đều rất nhiệt tình. Dù đã cuối ngày, nhiều mệt mỏi song họ vẫn nhẹ nhàng, lắng nghe bệnh nhân”. Phòng khám từ thiện Mai Khôi (đường Hai Bà Trưng, Q3.) cũng là địa chỉ lâu năm giúp tư vấn, khám bệnh, chuyển gởi bệnh nhân tới các cơ sở, và phát thuốc đặc trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Xa xôi tận Kiên Giang, người tu sĩ Camillô cũng đã phục vụ từ nhiều năm nay tại phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7. Phòng khám này phục vụ bệnh nhân nghèo trong khu vực với số lượng bệnh nhân mỗi ngày hiện nay khoảng từ 200 đến 250 người...

Cứ thế, ở giữa những nhộn nhịp của chốn phố thị, người tu sĩ mang thánh giá đỏ vẫn kiên trì sống theo linh đạo, ra sức phục vụ trong tinh thần nhân ái, hy sinh.

Cha Thánh Camillô de Lellis (người Ý)

Dòng Camillô được thánh Camillô de Lellis (người Ý) sáng lập năm 1582 nhằm phục vụ những người nghèo khổ đau yếu. Linh đạo của dòng là : “Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”.

Qua các cơ sở y tế xã hội, người tu sĩ Camillô luôn hết mình trong việc quan tâm đến sức khỏe, chữa trị, nâng đỡ và phục vụ người bệnh, người bị bỏ rơi trong xã hội. Năm 1591, Tòa Thánh chính thức công nhận vai trò của dòng. Tại Việt Nam, dòng bắt đầu hiện diện vào năm 1993.

Nguồn : Hoa Xương Rồng

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Ủi an người bệnh nơi xứ đạo

Việc đỡ nâng những người ốm đau, bệnh tật ở các giáo xứ dường như chưa bao giờ bị xao lãng …


Người bệnh trong thánh lễ cầu cho bệnh nhân

1.Nâng đỡ ủi an phần xác cho bệnh nhân

Tại giáo xứ Chợ Quán, TGP.TPHCM, phòng y tế, phục vụ khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân ở mé phải khuôn viên thánh đường. Nhiều năm nay, phòng khám nhỏ này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của anh chị em giáo dân, chữa trị theo hai phương pháp Tây y và Đông y.

Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, TGP.TPHCM cũng có phòng y tế nằm trong dãy nhà thuộc Trung tâm mục vụ giáo xứ. Bất cứ lúc nào, người bệnh đến đây cũng đều được tiếp nhận và chăm sóc ân cần bởi các tu sĩ y sĩ thuộc dòng Đaminh. Phòng y tế cấp thuốc miễn phí cho bà con, hỗ trợ điều trị các bệnh nhẹ thông thường và sơ cứu ban đầu đối với trường hợp nghiêm trọng. Là di dân tham gia sinh hoạt tại giáo xứ, anh Nguyễn Phúc Vinh cho biết: “Giáo xứ có chỗ cho người đau yếu nghỉ ngơi và giúp đỡ nhiều trường hợp bệnh tật, nhất là những khi nguy cấp”.

Để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, có giáo xứ còn xây dựng các phòng khám, kết hợp mời các bác sĩ, lương y đến điều trị. Bệnh xá từ thiện Kênh 7, Tân Hiệp - Kiên Giang là một hình ảnh tiêu biểu. Khai sinh vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX tại giáo xứ Thánh Giuse (GP Long Xuyên), do linh mục Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh khởi xướng, qua thời gian phát triển đến nay, các thế hệ bác sĩ đã chữa lành và giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ lương y, bác sĩ tại đây thuộc nhiều tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài.

Ở giáo xứ Đồng Tiến (TGP.TPHCM), phòng khám từ thiện Mai Khôi là điểm đến quen thuộc của nhiều người. Gắn bó với phòng khám hai năm nay, bác sĩ Đoàn Thị Vệ chia sẻ: “Ngoài thời gian tại bệnh viện, các bác sĩ quy tụ về đây để chăm sóc sức khỏe cho giáo dân trên tinh thần thiện nguyện, phục vụ miễn phí”. Mở cửa từ 16 -19g các ngày trong tuần, phòng khám mỗi ngày phục vụ khoảng 50 - 60 bệnh nhân. Ông Trần Đức Minh, giáo dân xứ Đồng Tiến chia sẻ: “Phòng khám nơi đây quen thuộc với nhiều giáo dân, riêng tôi ngày thường đi nhà thờ đọc kinh, xem lễ, sau đó phụ giúp các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân”.

Cũng vậy, cơ sở khám bệnh tại giáo xứ Phú Trung, TGP.TPHCM lâu nay đã trở nên mái nhà thân thương cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người nhiễm H.

Caritast GP Xuân Lộc tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe

2. Nâng đỡ ủi an phần hồn cho bệnh nhân

Người bệnh còn cần thêm những giây phút tâm tình, ủi an. Ông Vinhsơn Phạm Đình Tín, Trưởng Ban thăm viếng bệnh nhân xứ Vườn Xoài, TGP.TPHCM cho biết: “Tôi tham gia ban này đến nay đã hơn 17 năm, mỗi lần có ai đó trong xóm đạo đau yếu, cần đi bệnh viện hay mời cha đến xức dầu, anh chị em trong nhóm đều nhiệt tình đáp ứng. Trong tháng, chúng tôi luôn dành thời gian đến thăm hỏi các bệnh nhân. Phục vụ anh em là làm cho chính Chúa mà!”. Cũng tại xứ đạo này, vào mỗi thứ năm hằng tuần có chương trình “Bữa cơm tình thương” dành cho mọi đối tượng, trong đó ưu tiên cho bệnh nhân và người nghèo. Ngoài ra, những phần quà như đường sữa, gạo… cũng được đại diện hội đoàn, các giáo khu trao đến tận tay người bệnh hằng tháng và các dịp lễ lớn.

Đến giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang, TGP.TPHCM, chúng tôi cũng được nghe kể về sự quan tâm của các hội đoàn dành cho người bệnh. “Vào các dịp lễ, giáo xứ ghé thăm và tặng quà. Hằng tháng, cha xứ thăm hỏi, trò chuyện rồi ban phép lành”, bà Phạm Thị Lan, 69 tuổi, một bệnh nhân khoe.

Một buổi khám bệnh từ thiện tại giáo xứ Hiệp Hòa - Gp Long Xuyên

Không chỉ chăm lo người bệnh trong xứ, một số nơi còn tổ chức những chuyến đi ủy lạo người bệnh nghèo ở những vùng xa. Caritas xứ Tân Việt (TGP.TPHCM) thường xuyên đi thăm trại phong, trại tâm thần, thăm người già yếu neo đơn. Caritas xứ Vinh Sơn 6 (Tân Bình) mỗi năm hai lần thăm viếng và trao quà cho bệnh nhân nghèo. Caritas giáo xứ Phú Hạnh (TGP.TPHCM) tổ chức nuôi heo đất trợ giúp người bệnh khó khăn, người khuyết tật, ngoài ra còn quan tâm về phần thiêng liêng như đọc kinh, cầu nguyện…

Trong ngày cầu cho bệnh nhân 11.2 vừa qua, các giáo xứ đã tổ chức dâng thánh lễ xin ơn cho người bệnh. Với các bệnh nhân không thể đến nhà thờ sinh hoạt, các cha trao Mình Thánh Chúa và cử hành nghi thức xức dầu bệnh nhân tại nhà riêng hoặc bệnh viện.

Để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, nhiều ban Caritas giáo xứ, giáo phận đã tổ chức những khóa bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng cho từng thành viên. Khắp các giáo phận, các ban Caritas, hội chăm sóc bệnh nhân cũng thường xuyên mở các khóa học tập nhằm nâng cao chất lượng.

Việc chăm sóc bệnh nhân ở những xứ đạo là một công việc mục vụ ý nghĩa ngày càng được nhiều người nhiệt tình tham gia.

LUÂN NGUYỄN
Nguồn: Công Giáo & Dân Tộc