Virut dại được truyền trực tiếp từ chó dại sang chó khỏe và người. Trong nước dãi có virut dại nên khi cắn người và thú vật khác, virut dại sẽ từ nước dãi xâm nhập vào vết thương.
Bệnh dại gây ra do virut dại.
Virut sau khi xâm nhập vào cơ thể người và động vật sẽ di chuyển theo dây thần kinh vận động vào tủy sống và lên não, gây ra trạng thái điện dại ở động vật và người, nên người ta gọi là virut hướng thần kinh.
Trước khi chó phát ra các triệu chứng dại từ 8 - 14 ngày, nước dãi của chó đã có virut dại. Mèo, chó sói, chồn, khi bị dại cũng có virut dại trong nước dãi và cũng truyền bệnh cho các thú vật khác và người giống như chó dại.
Thời gian từ khi súc vật và người bị chó dại cắn cho đến khi súc vật và người đó phát bệnh dại gọi là thời gian ủ bệnh. Thời gian này, virut dại di chuyển theo các dây thần kinh về tủy và não bộ. Vì vậy, vết cắn càng xa thần kinh trung ương thì thời gian phát bệnh càng lâu và ngược lại. Thời gian ủ bệnh cũng còn phụ thuộc vào các loại thú. Các nhà khoa học đã xác nhận thời gian ủ bệnh của chó trung bình là 25 ngày, người là 40 ngày.
1. Triệu chứng bệnh : Có hai thể bệnh rõ rệt
a. Thể điên
Sau thời gian ủ bệnh chó lên cơn điên dữ dội : mắt đỏ ngầu, chảy dãi như bọt xà bông quanh mép, không còn cảm giác, lao vào mọi người, kể cả chủ nó và những con vật khác để cắn xé một cách tàn bạo.
Thời kỳ này chó bỏ ăn hoặc nhai nuốt tất cả vật gì mà nó gặp trên đường đi. Chó sủa có tiếng khàn khàn hoặc rú lên từng hồi ghê rợn khác hẳn với trạng thái bình thường.
Vài ngày sau đó chó bỏ nhà ra đi hoặc rúc vào bờ bụi, xó tối và chết trong trạng thái gầy rạc, kiệt sức, bại liệt với những vết thương rớm máu trên thân thể do tự cắn xé.
Thể bệnh này chỉ diễn biến từ 2 - 5 ngày thì chó chết.
b. Thể bại liệt
Đầu tiên, chó thể hiện các trạng thái bất thường : ngơ ngác, bồn chồn đi lại, ăn ít hoặc bỏ ăn. Sau đó chó lặng lẽ chui vào xó tối nằm im, bởi vậy còn gọi là “thể dại im lặng”, “thể dại câm”, khác hẳn với thể điên.
Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm, không thể há mồm ra được nhưng nước dãi vẫn chảy quanh mép như bọt xà phòng. Sau khi phát bệnh từ 3 - 5 ngày, chó chết trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.
Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại và mấy ngày đầu chó có thể cắn gia chủ, nếu như đến chăm sóc nó. Thể bại liệt chiếm 20 - 30% số chó bị bệnh dại.
2. Chống dại cho chó
Chủ yếu phải định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, cứ 8 - 12 tháng tiêm một lần. Hiện nay, vacxin đang được sản xuất và sử dụng ở nước ta là vacxin nhược độc LEF Flury. Đó là vacxin nhược độc chế tạo từ phôi thai trứng gà. Tiêm một liều 3 ml vào dưới da chó, sau 8 - 12 ngày chó có miễn dịch với virut dại, miễn dịch kéo dài 8 - 12 tháng. Ngoài ra cũng có thể dùng vacxin chế từ não bê. Vacxin này chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta, vì giá thành còn đắt so với vacxin LEF Flury.
3. Chống bệnh dại cho người
Nuôi chó nói chung, chó cảnh nói riêng có những cái lợi và tác dụng như đã nói nhưng nếu không thận trọng thì chó lại là một tai họa cho người.
Với người bệnh dại thể hiện chủ yếu là thể điên, còn thể bại liệt thường chiếm một tỷ lệ rất thấp.
Khoảng 7 - 10 ngày trước khi lên cơn điên, người bệnh thể hiện các trạng thái bất thường : ngồi đứng không yên, hồi hộp, lo lắng, không ngủ được, ngơ ngác vì ít ăn.
Sau đó người bệnh sợ ánh sáng và tiếng động, lên cơn điên loạn, mất hết các tri giác, la hét dữ tợn, nhảy vào cắn xé những người xung quanh và tự cắn xé mình, đập phá mọi vật một cách không thương tiếc, không ăn uống được vì mất tri giác và liệt cơ họng, thực quản, cơ hàm dưới và cuối cùng người bệnh chết dần trong tình trạng quằn quại, sợ hãi và liệt cơ thể.
Bệnh tiến triển từ 3 đến 6 ngày.
Cần chú ý các biện pháp sau :
a. Tạo miễn dịch bằng vacxin phòng dại
Phương pháp được dùng trong một thời gian dài để chống bệnh dại cho người và chó ở hầu hết các nước trên thế giới là dùng vacxin có virut tiêm 21 lần dưới da. Phương pháp này chỉ có hiệu quả nếu như được sử dụng sớm cho người bị chó dại cắn, với điều kiện vết cắn của chó dại cắn không quá gần thần kinh trung ương mà thời gian ủ bệnh tối thiểu là 30 ngày. Với thời gian đó, người sẽ được tạo miễn dịch chắc chắn, tự tiêu diệt được virut dại trước khi virut về được thần kinh trung ương.
Ngày nay các nhà bác học đã chế tạo được nhiều loại vacxin chống bệnh dại cho người và động vật mà thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể ngắn hơn, chỉ từ 14 - 16 ngày. Một trong những loại vacxin hiện đang được sử dụng ở nước ta là vacxin chế tạo từ não chuột bạch sơ sinh, chỉ cần tiêm 6 mũi, tiêm cách ngày, mỗi mũi tiêm 0,2 ml vacxin vào dưới da.
Sau khi tiêm 1 tuần đã có miễn dịch và thời gian miễn dịch 4 - 6 tháng, hiện nay vacxin được sản xuất tại Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội với số lượng có thể cung cấp trong toàn quốc.
b. Xử lý khi bị chó mèo cắn
Theo quy định của Bộ Y tế, phải theo dõi con chó hoặc con mèo cắn người trong thời gian 7 - 10 ngày. Nếu vật có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh dại thì người bị cắn phải kịp thời đến Trạm vệ sinh phòng dịch gần nhất xin tiêm vacxin chống dại đúng qui định của Bộ Y tế.
Trong điều kiện cần thiết, có thể bắt chó, hoặc mèo cắn người đến các Chi cục thú y tỉnh để chẩn đoán xác định xem có bị dại hay không.
Ngoài phương pháp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể chống virut dại, chưa có một hóa dược nào và bài thuốc gia truyền nào có thể điều trị được bệnh dại cho người và thú vật.
c. Quan hệ với chó, mèo và thú cảnh khác
Chó, mèo và thú cảnh khác mà chúng ta nuôi, khi thấy có thay đổi bất thường nghi bị dại thì phải theo dõi và xử lý kịp thời.
Chó phải nhốt trong phạm vi nhà ở. Khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm đề phòng cắn người.
Khi chăm sóc chó, phải đề phòng không để chúng cắn. Lỡ bị cắn thì phải kịp thời đến y tế để khám và xử lý.
Không được thả rông chó để tránh sự lây nhiễm virut dại từ chó dại, mèo dại và các thú khác bị dại. Chó chết vì bệnh dại phải đem chôn hoặc đốt xác.
Sau đây , mời nghe chương trình y tế thường thức về bệnh dại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét