Đêm ngày mồng 9 rạng sáng 10/5 Liên Hiệp Châu Âu cùng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công bố kế hoạch khẩn cấp 750 tỷ euro để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lan rộng từ Hy Lạp sang một số nước khác tại châu Âu, đồng thời để cứu lấy đồng tiền chung euro. Kế hoạch quy mô nói trên phải chăng là một liều thuốc hữu hiệu đẩy lùi đe dọa khủng hoảng tài chính và tiền tệ châu Âu vào quá khứ ?
Mời nghe Tạp chí kinh tế trên RFI
Cuối tuần qua, nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ 16 nước châu Âu sử dụng chung một đơn vị tiền cùng với các lãnh đạo tài chính và ngân hàng đã khai mạc một khóa họp khẩn cấp tại Bruxelles đề cứu vãn tình thế khi đồng euro ở trong trạng thái gọi là « rơi tự do » trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, xuống dưới ngưỡng 1 euro đổi lấy 1,3 đô la.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Manuel Barroso quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp với quy mô chưa từng thấy bao gồm : 250 tỷ do quỹ IMF cho vay ; 440 tỷ sẽ được cấp dưới dạng tín dụng hoặc do 16 thành viên khối euro đứng ra bảo lãnh, và 60 tỷ cuối cùng được trích từ ngân sách của Ủy ban châu Âu. Toàn bộ khoản tiền 750 tỷ nói trên sẽ được dùng để cho vay khẩn cấp, hoặc bảo đảm là một quốc gia thành viên khối euro không bị mất khả năng thanh toán.
Phương thức vận hành của quỹ khẩn cấp :
Quỹ khẩn cấp 750 tỷ euro của châu Âu được chia ra làm hai cấp. Ở cấp thứ nhất Ủy ban châu Âu bảo đảm tài trợ 60 tỷ euro. Trên thực tế, Ủy ban này đứng ra bảo lãnh cho một nước thành viên đang gặp khó khăn để được cấp tín dụng. Mặt khác Ủy ban châu Âu cũng có thể trích trực tiếp một khoản tín dụng từ quỹ khẩn cấp này cho thành viên đó vay.
Thật ra quyết định đêm chủ nhật vừa qua của Bruxelles không có gì là mới mẻ, do từ trước đến nay, hiệp ước Lisboa đã dự trù một điều khoản tương tự cho phép Liên Hiệp Châu Âu can thiệp để cứu nguy môt thành viên trong số 27 nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu trước rủ ro mất khả năng thanh toán. Quỹ này có tầm hoạt động trong giới hạn 50 tỷ euro.
Cuối năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu đã trích ra 6 tỷ rưỡi trong quỹ để hỗ trợ Hungari trước nguy cơ nước này không thể trả nợ đúng hạn kỳ.
Trong quyết định hôm 9 và 10/5 Liên Hiệp Châu Âu tăng cường thêm 60 tỷ euro nữa vào quỹ này, nâng tổng số tiền của quỹ khẩn cấp lên thành 110 tỷ euro.
Ở cấp thứ nhìn, và đây mới thực sự là điều mới mẻ cần lưu ý - châu Âu đã tạo ra một cơ chế bảo đảm tài chính : cụ thể là bất kỳ một quốc gia thành viên nào trong khối khối sử dụng đồng euro có cơ cấu tài chính vững chắc đều có thể bảo đảm cho một nước đang gặp tai biến trong giới hạn tối đa 440 tỷ euro.
Tất cả các nhà phân tích đều coi khoản tiền 750 tỷ euro là một tín hiệu mạnh mà các nhà lãnh đạo châu Âu vừa gửi đến các thị trường tài chính. Nhưng trên thực tế một phần lớn số tiền nói trên là những bảo đảm tương tự như hình thức hoạt động của một ngân hàng. Nói cách khác, không nhất thiết đòi hỏi các bên phải giải ngân khoản tiền đồ sộ như trên.
Trả lời trên báo Le Monde giáo sư đại học Paris 1 và cũng là giám đốc Cơ quan Tham vấn Kinh tế quốc gia của Pháp, Christian de Boissieu nhấn mạnh : đây chỉ là một hình thức để Liên Hiệp Châu Âu trấn an thị trường tài chính, cảnh cáo những ý đồ muốn lợi dụng sự yếu kém của một thành viên khối euro để tấn công vào đơn vị tiền tệ chung châu Âu với mục đích sau cùng là nhanh chóng kiếm lời.
Theo ông de Boissieu, từ Ngân hàng trung ương châu Âu đến Ủy ban châu Âu và cả Quỹ IMF cùng chứng minh rằng trong trường hợp cần thiết thì khoản tiền 750 tỷ euro đó có thể được huy động một cách dễ dàng.
Hiệu quả của kế hoạch 750 tỷ euro ?
Câu hỏi đặt ra là liệu quyết tâm của giới chính trị và tài chính châu Âu đã đạt mục tiêu hay chưa, tức có đủ sức trấn an giới tài chính về khả năng đối phó với khủng hoảng của khối này, về tính vững chắc của đồng tiền chung châu Âu hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải nhận thấy là hôm qua (10/5) các thị trường tài chính trên thế giới đều tăng giá, nhưng đến hôm nay (11/5), thì chỉ số chứng khoán từ Âu sang Á đều lại sụt giảm.
Mới chỉ hơn 48 giờ sau khi được khai sinh, hãy còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả của kế hoạch cứu nguy tài chính vô cùng quy mô của châu Âu. Tuy nhiên, song song với kế hoạch 750 tỷ euro nói trên, thì Bruxelles và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng đã đặt một số những điều kiện buộc một thành viên khối euro gặp khó khăn phải tuân thủ để gọi là « lành mạnh hóa » vấn đề tài chính.
Cụ thể là một nước xin được cộng đồng châu Âu và IMF yểm trợ phải cam kết cắt giảm chi tiêu, để giảm nợ công, đồng thời giới hạn thâm hụt ngân sách nhà nước về gần với mức quy định 30% GDP.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách thắt lưng buộc bụng này có đe dọa đến đà phục hồi kinh tế hay không đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang chỉ tăng trưởng một cách « èo uột ». Theo phân tích của giáo sư kinh tế Christian de Boissieu thì đây là hai điều tách bạch. Nhu cầu lành mạnh hóa hoạt động cán cân chi tiêu của nhà nước là một điều cần thiết.
Thanh Hà (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét