Doanh nhân thường được xem là lớp người bận rộn, thành đạt và có tiền của. Anh cũng thường là những người có quyền thế, ở vị trí phải điều động hàng trăm hàng ngàn nhân viên, quyết định số phận và nghề nghiệp của rất nhiều người thuộc quyền. Doanh nhân cũng thường tiếp xúc với thượng tầng xã hội, giao thiệp với các giới chức cấp cao trong và ngoài nước. Địa vị của anh do đó là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Vì những lẽ đó doanh nhân dễ là những người có hạnh phúc. Hạnh phúc, dù có nhiều hình dung và định nghĩa khác nhau về nó, thường thì dễ có nơi những người thành đạt và giàu sang. Thành công trong cuộc sống hầu như là điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc cá nhân. Thiết nghĩ đó là điều khó phủ nhận.
Thế nhưng, những "ưu điểm" để đạt hạnh phúc của doanh nhân cũng chính là mối nguy của anh. Anh biết rõ hơn ai hết, đời sống của doanh nhân rất dễ bị mất hạnh phúc vì hoạt động của chính bản thân mình. Đầu tiên, sức khỏe của anh thường xuyên bị đe dọa vì làm việc quá nhiều. Tâm trạng lo âu và cả bực tức không bao giờ vắng bóng trong lòng nhà doanh nhân. Sức khỏe là điều kiện bắt buộc để có hạnh phúc nhưng chính anh lại lơ là với nó.
Một lý do khác là doanh nhân dễ đồng hóa sự nghiệp với chính mình. Như cô ca sĩ cần tiếng vỗ tay, như nhà chính trị cần lá phiếu bầu, nhà doanh nhân cần doanh thu và lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, khi doanh nhân không đạt doanh số, lập tức anh ta bị mất việc. Đã có nhà doanh nhân khi công ty mình bị phá sản chọn con đường tự tử vì tuyệt vọng. Nhiều khi nhà doanh nhân bên ngoài xem ra như một nhân vật sang trọng nhưng thực chất chỉ là một con người bị phụ thuộc vào con số, thị trường, vào những biến động bất thường của xã hội tiêu thụ. Làm sao anh có hạnh phúc khi bị lệ thuộc quá nhiều?
Hơn thế nữa, vì nội dung cuộc sống chỉ toàn là công việc, vì áp lực của sự thành công, vì đồng hóa mình với sự nghiệp, nhà doanh nhân dễ sinh ra ghiền nghiện công việc, một thứ tâm bệnh mà phương tây gọi là workaholic. Đó là những người không thể không làm việc, luôn luôn nhớ nghĩ đến công việc ngay cả những lúc được nghỉ ngơi. Đó là một dạng mất quân bình nội tâm của lớp doanh nhân mà ngày nay ta thường gặp tại phương tây cũng như phương đông. Những người đó tiøm "hạnh phúc" trong công việc nhưng thực chất họ bị lệ thuộc về mặt tâm lý. Về sau khi họ mất việc hay mất sức làm việc, ta dễ dàng đoán được cuộc đời họ sẽ như thế nào.
Như ta thấy, nhà doanh nhân là một lớp người đặc biệt: anh hội đủ điều kiện để được hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể là những người bị lệ thuộc, thậm chí mất thăng bằng tâm lý hay nô lệ công việc. Chiøa khóa của vấn đề qui lại vào nghệ thuật sống của anh. Liệu anh có một số bí quyết để lèo lái cuộc đời sao cho khả năng và cơ hội làm đời mình được thăng hoa chứ không ngược lại. Bí quyết nào làm cho doanh nhân có cơ may được hạnh phúc?
Điều đầu tiên có tính chất nền tảng là nhà doanh nhân cần có một quan niệm khôn ngoan về tài sản và địa vị của mình. Anh cần xem tất cả thứ đó không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là phương tiện đắc lực cho một cuộc đời phong phú và rộng mở. Trên thế giới nhiều nhà doanh nhân là những người sành nghệ thuật và thể thao, triết học và lịch sử. Họ say mê đi du lịch và làm công tác xã hội. Hầu như tất cả đều có một niềm đam mê riêng để cân bằng áp lực công việc.
Điều khác nữa là nhà doanh nhân cần xem sự nghiệp của mình chỉ là một khía cạnh của con người toàn thể. Nó chỉ là một phần, thậm chí là phần nhỏ của một sự sống thâm sâu mà anh còn phải dò tới đáy. Một số doanh nhân Nhật có truyền thống tu dưỡng thiền định định kỳ trong năm (Retreat) để có một khoảng cách nội tâm với những hoạt động hàng ngày. Kinh nghiệm cho thấy, sau kỳ thiền định, nhà doanh nhân không hề lơ là trong công việc của mình nhưng lại tích cực và sáng tạo hơn, đồng thời quân bình hơn trong công việc và đời sống riêng tư. Ngày nay tại phương Tây, thiền định không thể thiếu trong sự tập luyện kỹ năng sống cho nhiều người, từ doanh nhân đến nhà nghiên cứu khoa học, thậm chí cho cả phạm nhân trong tù. Khoa học cũng đã chứng minh mối liên hệ tích cực giữa thiền định và não bộ.
Khi việc kinh doanh đã phát triển, nhà doanh nhân khôn ngoan đã chuẩn bị để có người thay thế mình. Biến mình trở thành người "không ai thay được" chỉ tăng lên sự lệ thuộc lẫn nhau giữa công ty và bản thân, một điều không lợi cho ai cả. Ngược lại, nhà doanh nhân khôn khéo đã tạo cho mình sự chủ động thời gian khi công việc đã phát triển, anh có cơ may đem những thành tựu của bản thân phục vụ lại cho chính mình và cho xã hội. Đó là chân hạnh phúc.
Cuối cùng nhà kinh doanh phải biết rút lui kịp thời trước khi sức khỏe suy sụp. Với sự thành đạt, lòng tự tin, kinh nghiệm và của cải trong tay, nhà doanh nhân vươn tầm nhìn đến cái toàn thể. Anh sẽ tận dụng tất cả khả năng, trên mặt vật chất cũng như tâm linh, để hiểu ngộ về đời sống vốn vô cùng lớn rộng. Anh sẽ hiều quả thực con người ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người quan niệm hạnh phúc một cách khác nhau. Lúc đó có lẽ anh sẽ mừng vui tự thấy rằng, hạnh phúc của anh đang nằm trong tầm tay viø nó quá dễ có. Anh nhận ra hạnh phúc chỉ là sự tri túc. Biết "như thế là đủ" chính là chân hạnh phúc. Xưa kia anh không biết thế, lớp trẻ sau anh không mấy ai nghĩ thế. Người thành đạt có một ưu điểm to lớn là dễ đến với sự "tri túc", lý do là anh đã hưởng hết mọi thứ. Nhưng anh phải biết rút lui, anh phải biết tiết giảm lòng ham muốn.
Anh sẽ nhớ đến nhà hiền triết Hy Lạp Epicurus (341-270 trước công nguyên), bậc thầy lỗi lạc của thời cổ đại, đã nói rất sớm về hạnh phúc và dục lạc. Epicurus nói rằng, đối với người đã thành đạt thì muốn cho họ hạnh phúc, ta không nên mong cho họ được thêm, mà mong cho họ được bớt, bớt đi lòng mong cầu. Người xưa đã biết thế nào là chân hạnh phúc.
Anh sẽ chợt hiểu một điều rất giản đơn: hạnh phúc là một cảm giác nội tâm, nó không đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ tạo điều kiện cho bên trong phản ứng để sinh ra hạnh phúc hay đau khổ. Sự phản ứng của bên trong lại thay đổi tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm và sự già giặn của anh. Anh đã đến một thời điểm trong đời để thấy rằng, miønh càng ít mong cầu mình càng hạnh phúc. Và có lẽ anh sẽ đến một thời điểm để nhận ra rằng, miønh có thể chỉ quan sát và ghi nhận hoàn cảnh thôi mà không phản ứng gì cả. Lúc đó anh sẽ hạnh phúc nhất. Dạng đó của tâm được gọi là Định.
Nguyễn Tường Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét