Hồ Biểu Chánh (1884–1958) là một nhà văn Việt Nam với phong cách hành văn tiêu biểu cho người Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà văn tiên phong của miền Nam và là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên ở Nam Bộ mở màn cho thể loại tiểu thuyết hiện đại. Ông là một trong số những nhà văn đầu tiên của văn học Việt Nam sáng tác bằng chữ Quốc Ngữ.
Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi.
Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ. Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt. Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, thực dân Pháp lập "Nam Kỳ Quốc", ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương. Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi. Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp. Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ là Hồ Biểu Chánh, trở thành một bút danh bất hủ, được nhiều người biết đến và quí mến hơn tên tộc Hồ Văn Trung của ông.
Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc như Tình sử, Kim cổ kỳ quan... đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tiểu thuyết của ông thuộc về thời kỳ đầu của văn học chữ quốc ngữ, cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, điểm đặc biệt là rất Nam Bộ, từ giọng văn đến miêu tả con người.
Ông có phóng tác một số tiểu thuyết Pháp. Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể lọai tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai.
Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.
Nội dung câu chuyện
Thầy Võ Như Bình - thân phận mồ côi, quê gốc Hậu Giang, thi đậu bằng thành chung rồi làm việc tại một hãng buôn dưới Sài Gòn. Được sự mai mối của thầy Thanh - bạn tâm giao với ông Ba Chánh, hai người nên duyên vợ chồng, sớm sanh một bé trai tên Nghiệp. Ông Ba Chánh thương thầy Bình thân phận côi cút nên cho thầy Bình về ở cùng cho tiện, thêm phần cha con, ông cháu gần nhau. Gặp bữa Nhà Nước mở hội thi chọn kí lục, thầy Bình thi đỗ và được cử xuống Cần Thơ, tại đây thầy được các hương Thân, hương Đáng, Xã Tồn... nghênh đón trịnh trọng, thiết tiệc thịnh soạn...
Trong một lần xuống Bình Thủy nhà Xã trưởng Tồn, thầy Bình có để ý đến cô Hương - con gái bà Chủ Phận là cô ruột của Xã trưởng Tồn. Cô Hai Hương tuy còn trẻ nhưng đã góa chồng và có hai mặt con. Thầy Bình phần vì ngưỡng mộ vẻ đẹp trẻ trung đằm thắm của cô Hương, phần vì choáng ngợp trước gia sản nhà cô nên đã một mực lấy cô làm vợ. Cô Huyền ở Sài Gòn lâu không thấy tin tức gì của chồng thì bồng con xuống Cần Thơ tìm mới hay thầy Bình đã phụ mình mà đi theo người đàn bà khác...Thằng Nghiệp lớn lên, được đi học hành đàng hoàng ở nước ngoài, thi đỗ bác vật, lại được bạn học là bác vật Hoàng giới thiệu em gái là cô Loan, nhưng trớ trêu thay, cô Loan và cậu Hoàng lại là con riêng của Cô Hai Hương xưa kia... Sự việc diễn biến ra sao?
Mời độc giả cùng đón đọc để thấy cái nhân tình thế thái ở đời, thấy được cái đạo, cái lẽ sống trong tác phẩm mà Hồ Biểu Chánh muốn gửi gắm, xem truyện tại đây, nghe trên YouTube tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét