Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam vừa được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 31/07/2010 theo giờ địa phương, cùng với 14 địa điểm của các nước khác. Đây là một sự kiện đáng khích lệ đối với Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm Một nghìn năm Thăng Long.
Tượng đầu chim phượng ở di tích Hoàng thành Thăng Long
Theo AFP, Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, UNESCO, trong phiên họp lần thứ 34 tại Brasilia, Brazil, đã ra quyết định công nhận thêm 15 địa điểm tại nhiều nước là di sản văn hóa thế giới. Trong danh sách này có di sản Hoàng thành Thăng Long.
Ủy ban Di sản Thế giới nhóm họp tại Brasilia từ 25/7 và kéo dài cho đến mồng 3/8. Có 39 hồ sơ xin được công nhận.
Từ thứ sáu, 30/7 đến hôm nay 1/8, Ủy ban xem xét lại danh sách các di sản văn hóa thế giới đã được xếp hạng. Quyết định liên quan đến di tích Hoàng thành Thăng Long được thông qua vào tối qua, giờ Brazil.
Việc một di tích được ghi vào danh sách di sản văn hóa thế giới có tầm quan trọng về kinh tế, đặc biệt đối với những nước đang phát triển. Di sản văn hóa thế giới sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn và quy chế này tạo thuận lợi cho việc tháo khoán viện trợ giúp bảo trì, trùng tu các di sản.
Tuy nhiên, việc thừa nhận di sản văn hóa thế giới cũng đi kèm với những ràng buộc chặt chẽ về xây dựng, đô thị hóa. UNESCO có thể rút bỏ quy chế di sản văn hóa thế giới nếu những quy định không được tôn trọng.
Theo giới chức Việt Nam, việc UNESCO công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới là một sự kiện đáng khích lệ, trong bối cảnh Hà Nội đang chuẩn bị lễ hội Một nghìn năm Thăng Long sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.
Ông Tống Trung Tín, viện trưởng Viện Khảo cổ học, tại Hà Nội cho biết suy nghĩ của ông về sự kiện Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới :
Ông Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học
Đức Tâm (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét