Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng chủ đề "Đức Mẹ Vô Nhiễm" qua Linh Mục Giuse Nguyễn Đình Trung , C.Ss.R
Mời nghe bài giảng chủ đề "Ngọn Lửa Thiên Chúa" qua Linh Mục Đominic Nguyễn Phi Long,C.Ss.R
CÁC BÀ MẸ NAM MỸ
Cha Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Sự chiến thắng của Đức Maria trên những đau khổ đời này là một hứa hẹn cho chính sự chiến thắng của chúng ta"
Nhiều năm trước đây tờ Maryknoll có đăng bài viết của một nhà thừa sai Nam Mỹ. Vị linh mục này hiểu biết về Đức Maria qua các bà mẹ người Nam Mỹ.
Để dẫn chứng điều ấy, cha đưa ra ba thí dụ.
Trước hết, cha kể ra các bà mẹ buộc phải xa quê quán vì sự bách hại chính trị. Những người này đã giúp cha hiểu được cảm tưởng của Đức Maria khi người buộc phải trốn sang Ai Cập, với hài nhi Giêsu và Thánh Giuse, để tránh sự bách hại chính trị của vua Hêrốt.
Kế đến, cha đề cập đến các bà mẹ có con bị bắt làm tù nhân chính trị và họ không bao giờ được nghe đến nữa. Các bà mẹ này đã giúp cha hiểu được cảm tưởng của Đức Maria khi cậu Giêsu 12 tuổi mất tích trong ba ngày. Các bà cũng giúp cha cảm được sự lo sợ tràn ngập tâm hồn Đức Maria khi người và Thánh Giuse đi tìm cậu Giêsu.
Tuy nhiên, không phải là tất cả các bà mẹ Nam Mỹ đều may mắn như Đức Maria. Một số không bao giờ tìm thấy con. Một số khác vẫn còn tìm kiếm. Một số khác đã bỏ cuộc và giờ đây họ cầm biểu ngữ xuống đường phản đối chính phủ đã bắt cóc dân chúng chỉ vì không cùng một quan điểm chính trị.
Thứ ba, nhà truyền giáo kể ra các bà mẹ ôm lấy xác con mình sau khi bị tiểu đội hành quyết của chính phủ xử tử. Những bà mẹ này đã giúp cha hiểu được cảm tưởng của Đức Maria khi ôm lấy xác con mình trong cánh tay.
Ba thí dụ của nhà truyền giáo này có thích hợp với ngày lễ hôm nay không?
Có phải ngày lễ hôm nay là một sự vui mừng hơn là sự đau buồn?
Có phải ngày lễ hôm nay cử mừng một sự kiện đó là vì Đức Maria không phạm tội, thân xác người được đưa thẳng lên thiên đàng, không bị mục nát theo thời gian?
Chắc chắn là như vậy. Nhưng ngày lễ hôm nay còn cử mừng một sự kiện đó là sự hiện diện của Đức Maria trên thiên đàng là một phần thưởng cho chính sự đau khổ của người khi còn sống ở thế gian. Đôi khi chúng ta quên rằng Đức Maria đã phải đau khổ nhiều trong cuộc đời trần thế.
Và đó là điểm thích hợp của ngày lễ hôm nay với các thí dụ về các bà mẹ Nam Mỹ.
Nó đảm bảo với các bà mẹ ấy rằng nếu họ chấp nhận những đau khổ như Đức Maria, họ cũng sẽ được phần thưởng trên thiên đàng.
So sánh sự đau khổ ở đời này với phần thưởng thiên đàng, Thánh Phaolô nói:
"Tôi tin rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải cho chúng ta." Rôma 8:18
"Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Nhưng chúng ta được Thiên Chúa mặc khải cho bí ẩn của Người qua Thần Khí." 1 Cor. 2:9-10
Và vì thế, nếu chúng ta là những người trẻ phải khổ sở vì bị chúng bạn nhạo cười khi theo Chúa Giêsu, chúng ta phải hân hoan. Vì ngày lễ hôm nay hứa với chúng ta một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Và nếu chúng ta là một người đang đau khổ vì sự chống đối của những người cùng sở khi chúng ta sống theo luân lý của Chúa Giêsu, chúng ta phải vui mừng. Vì ngày lễ hôm nay hứa với chúng ta một phần thưởng vượt quá những đau khổ hiện tại.
Và nếu chúng ta là một người già yếu đang đau khổ tuyệt vọng vì những mơ ước trần gian chưa được thực hiện, chúng ta phải vui mừng. Vì ngày lễ hôm nay hứa với chúng ta một phần thưởng thiên đàng trổi vượt hơn bất cứ mơ ước nào ở trần thế.
Đây là tin mừng của ngày lễ hôm nay. Đây là tin mừng của các bài đọc hôm nay. Phần thưởng của Đức Maria vì sự đau khổ phải chịu cũng là một lời hứa rằng chúng ta cũng sẽ được thưởng vì sự đau khổ của chúng ta.
Chúng ta hãy kết thúc với lời kinh Tiền Tụng của Thánh Lễ hôm nay:
Lạy Chúa là Cha của chúng con, "hôm nay người Mẹ trinh khiết của Thiên Chúa đã được đưa lên thiên đàng để trở nên... một dấu hiệu hy vọng... cho mọi người.
"Chúa đã không để sự hư nát chạm đến thân xác người, vì người đã sinh ra Con của Chúa, là Chúa tể muôn loài."
Xin cho chúng con, một ngày nào đó sẽ được hợp nhất với Đức Maria trên thiên đàng, và cùng với người, chúc tụng Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời . Amen.
PHẦN THƯỞNG CỦA MỘT LỜI HỨA
Pt Giuse Trần Văn Nhật
Trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cách đây khá lâu, chúng ta được nghe câu chuyện thương tâm của một phụ nữ Việt Nam, bà là tín đồ của giáo phái Chứng Nhân Giêhôva, và khi bà bị bệnh cần phải giải phẫu, cần được tiếp máu thì bà đã từ chối vì giáo phái của bà tin tưởng rằng Đức Giêhôva, tức Thiên Chúa của họ, cấm con người không được tiếp máu, và hậu quả là bà đã bị thiệt mạng.
Hầu hết các giáo hội Tin Lành chỉ tin vào Kinh Thánh, và có những giáo phái hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen—trong Kinh Thánh viết thế nào thì tin đúng như vậy. Họ không hiểu rằng Kinh Thánh Cựu Ước được sáng tác cách đây từ khoảng hai ngàn cho đến ba ngàn năm, và đa số dân chúng thời bấy giờ thì mù chữ, không có một chút hiểu biết về khoa học. Ngoài ra, Kinh Thánh không giống như bộ sử ký của chúng ta ngày nay, không có tiểu sử chi tiết của các nhân vật chính, không có ngày giờ chính xác của các sự việc. Nói tóm lại, chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào Kinh Thánh và cho rằng đó là tất cả những gì Thiên Chúa dậy cho con người.
Giáo Hội Công Giáo khác các giáo hội Tin Lành ở điểm, ngoài bộ Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, chúng ta còn có các truyền thống, là những điều tin tưởng được lưu truyền trong Giáo Hội từ sau khi Chúa Giêsu lên trời cho đến nay.
Thí dụ, trong Kinh Thánh không cho biết cha mẹ của Đức Maria là ai, nhưng truyền thống tin rằng đó là ông Gioakim và bà Anna. Và biến cố Đức Mẹ Lên Trời mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng nằm trong truyền thống của người Công Giáo.
Trong các Phúc Âm cũng như sách Tông Đồ Công Vụ, tất cả không nói gì đến cái chết của Đức Maria. Nhưng các tín hữu thời bấy giờ tin rằng Đức Maria đã được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Tại sao họ lại tin như vậy? Vì lý do thực tế là người ta không tìm thấy xác của Đức Maria đâu cả.
Người Do Thái không có tục thiêu xác như người Ấn Độ. Do đó, nếu Đức Maria được chôn trong lòng đất một cách bình thường thì chắc chắn ngày nay chúng ta đã có được các di tích hài cốt của người, vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất, Đức Maria từ trần sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, đã lên trời một cách vinh hiển, nên chắc chắn rằng người thời bấy giờ phải biết đến Đức Maria, là Mẹ của Chúa Giêsu. Nếu họ tôn thờ Chúa Giêsu thì không thể nào họ bỏ qua được Đức Maria.
Lý do thứ hai: ngay cả Đức Phật Thích Ca từ trần cách đây khoảng 2,500 năm
mà các tín đồ vẫn còn giữ được hài cốt của Đức Phật, trong khi Đức Maria từ trần cách đây chưa tới 2,000 năm, không lẽ những người theo Chúa Kitô lại coi thường các di tích hài cốt của Đức Maria đến độ quên lãng, nếu quả thật xác của người vẫn còn trong lòng đất?
Từ dữ kiện thực tế là không tìm thấy xác của Đức Maria, người ta đi đến kết luận: Thiên Chúa đã đưa Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Nhưng tại sao họ lại nghĩ như vậy? Các giáo phụ đã dựa trên Phúc Âm, đưa ra 3 yếu tố sau đây để giải thích:
Yếu tố I. Đức Maria là người cộng tác mật thiết đầu tiên và trung thành nhất trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã tin theo lời của thiên sứ và nhắm mắt bước theo con đường của Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao, việc cứu độ xảy ra như thế nào.
Yếu tố II là hậu quả tất yếu của yếu tố I. Vì được cộng tác mật thiết trong công trình cứu độ nên Đức Maria được gìn giữ khỏi bị tội nguyên tổ. Để Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì phải được sinh ra bởi một người mẹ. Và không thể nào một Đấng Tinh Tuyền như Ngôi Hai Thiên Chúa lại bị hoen ố bởi một người mẹ còn vết tích của tội. Do đó Đức Maria phải được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Nguyên tội hay tội tổ tông đưa đến hậu quả là ông Adong và bà Evà bị đuổi ra khỏi địa đàng, không được sống hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa, và từ đó loài người phải vất vả làm việc, phải đau khổ vì đói khát, bệnh tật và nhất là đau khổ vì sự chết. Tội tổ tông đưa đến cái chết, nhưng Đức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nên người không bị ảnh hưởng bởi hậu quả của tội tổ tông là sự chết.
Yếu tố III. Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá, đã trao Mẹ của mình cho ông Gioan chăm sóc, và Chúa nói: "Đây là mẹ của con." Dựa vào lời này, các giáo phụ coi Đức Maria là một Evà mới của một dân tộc mới của Thiên Chúa. Evà có nghĩa "mẹ của chúng sinh". Đức Maria là Mẹ của tất cả những người theo Đức Kitô, và Thánh Phaolô viết, "… Mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống." Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu, là người liên đới mật thiết với Đức Kitô hơn ai hết, lẽ nào Đức Kitô lại để cho chính mẹ của mình phải chịu thua cái chết?
Qua ba yếu tố vừa kể, có thể nói Đức Maria là người đầu tiên được Thiên Chúa thưởng ban cho ơn cứu độ, vì Mẹ Maria đã sống trọn vẹn phẩm giá đích thực của một con người, đã trung thành với lời xin vâng của Mẹ và đã tuyệt đối tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
Từ biến cố Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và ba yếu tố vừa kể, chúng ta rút ra được bài học gì?
Yếu tố I: chúng ta được mời cộng tác trong chương trình cứu độ. Thiên Chúa chọn Đức Maria là người đưa Chúa Giêsu vào đời, nhưng Thiên Chúa không ép buộc. Người đã sai sứ thần Gabrien đến hỏi ý kiến Đức Maria trước đã, và Đức Maria đã nhận lời.
Chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và Người cũng hỏi ý kiến chúng ta—tuy không qua một sứ thần, hay một biến cố nào siêu nhiên—nhưng qua Phúc Âm, qua lời mời của Chúa Giêsu, qua lời giảng dậy của Giáo Hội, qua đời sống gương mẫu của các thánh. Và chúng ta đã đáp lại lời mời này như thế nào?
Yếu tố II: chúng ta được sạch tội nguyên tổ. Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ơn cao cả của Thiên Chúa ban cho Đức Maria. Và Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta ơn được sạch tội tổ tông qua bí tích rửa tội, và chúng ta còn được tha thứ các tội lỗi khác qua bí tích hòa giải. Chúng ta có ý thức được sự cao trọng khi được làm con cái Thiên Chúa hay không? Chúng ta có thường xuyên kiểm điểm lại lối sống của mình và thường xuyên đi xưng tội hay không?
Yếu tố III: chúng ta được thuộc về một dân tộc mới. Sau khi rửa tội chúng ta cũng thuộc về một dân tộc mới của Chúa Kitô, và Đức Maria, là Mẹ của chúng ta. Evà cũ đã nghe lời xúi giục của ma quỷ để muốn trở nên ngang hàng với Thiên Chúa trong khi Đức Maria, Evà mới, đã vâng phục Thiên Chúa cho đến cùng.
Sống trong xã hội tân tiến ngày nay, chúng ta cũng bị cám dỗ bởi đời sống quá tiện nghi, quá khoa học đến độ chúng ta tin rằng loài người có thể làm chủ định mệnh của mình, có thể vượt qua quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng sự tiện nghi chỉ làm suy yếu thêm thân xác của chúng ta, sự tiến bộ của khoa học chỉ làm đức tin của chúng ta thêm lung lay,và rồi khi đối diện với sự chết, đối diện với sự thật của cuộc đời, đôi khi đã quá muộn để chúng ta thay đổi.
Đức Maria là Mẹ của chúng ta, đó là một sự sung sướng và vinh dự. Sung sướng vì người Mẹ của chúng ta đang ở trên trời để cầu bầu cho chúng ta, và vinh dự vì Mẹ chúng ta từng là một con người, từng sinh sống trên cõi đời này, từng chịu đau khổ nhưng không bị quật ngã, và Mẹ của chúng ta đã chiến thắng được bản tính yếu đuối của loài người, đã chiến thắng được tội lỗi để bây giờ được phần thưởng cao trọng nhất là được ở trên thiên đàng cả hồn lẫn xác để chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Mẹ Maria đã đi trước chúng ta để cho thấy lời hứa của Thiên Chúa đã được thể hiện. Thiên Chúa đã cứu độ loài người, đã đem loài người trở về với thiên đàng năm xưa. Và Đức Maria là con người đầu tiên được hưởng kết quả của ơn cứu độ mà vào ngày tận thế, những ai trung thành với Thiên Chúa cũng sẽ được hưởng vinh quang ấy, đó là được sống lại cả hồn và xác như Đức Maria để được hạnh phúc muôn đời.
Bình An, Niềm Vui, Ơn Cứu Ðộ (Lc 12:49-53)
An Phong op
Tin mừng chúa nhật 20 thường niên C thuật lại những lời của Ðức Giêsu nói với các môn đệ trong hoàn cảnh bị bách hại. Những lời này gợi lên một viễn cảnh bi thảm cho sứ vụ của Người trên trần gian : đó là cuộc Thương khó trong tương lai, những đấu tranh làm phân rẽ con người với nhau.
Khi vào trần gian, Ðức Giêsu đã đưa lửa vào, và Người ước mong lửa đó bùng lên. Theo Kinh thánh, Lửa là biểu tượng hình phạt của Thiên Chúa, nhất là vào lúc tận cùng thời gian. Lửa còn là biểu tượng cho sự thanh tẩy và làm đổi mới. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cuộc thanh tẩy tâm linh nhờ Chúa Thánh Thần.
Ðức Giêsu cũng nói đến phép Rửa mà Người sẽ phải chịu. Ðây là biểu tượng của việc dìm vào đau khổ - cuộc Thương khó. Người sẽ phải "cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình" (Dt 12,4).
"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao?... Không phải thế đâu, nhưng đúng hơn là để gây chia rẽ". "Sự chia rẽ là đối cực của sự bình an. Nhưng đây là sự chia rẽ vì Chúa, một sự chia rẽ đi vào qui luật của thập giá : Khi mất đi là khi tìm thấy, khi chết đi là khi được sống muôn đời. Hơn nữa, Ðức Giêsu đã hứa : Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Bởi thế Ðức Giêsu không đến trần gian để gieo sự bất hòa, nhưng là đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng nghĩa với sự bình an. Sự bình an Ðức Giêsu mang đến là sự bình an phải chiến đấu trong chân lý, phải được xây dựng trong khó nhọc, trước hết ở trong chính bản thân ta rồi lan tỏa chung quanh ta : đó là dám chấp nhận những mệt nhọc, đói khát, thua lỗ, nhường nhịn vì những điều lành, biết tách mình ra khỏi những đố kị và muôn vàn những cái vừa vụn vặt vừa tầm thường của cuộc sống. Lương thực của sự bình an luôn là một thách thức" (Văn Hòe).
Trong lịch sử nhân loại, Ðức Giêsu Kitô quả thực là một nghịch lý. Người đã nên dấu chỉ cho người ta chống đối. Người đã đóng ấn chứng từ của mình bằng việc tự nguyện hy sinh bản thân trên thập giá. Cuộc sống và cái chết của Người đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống.
Trong một thế giới thiếu vắng hơi ấm tình người, thiếu vắng một niềm hy vọng đích thực và tình yêu, Ðức Giêsu đã mang đến lửa tình yêu của Người. Ngọn lửa đó sưởi ấm cõi lòng con người, thắp sáng niềm hy vọng. Ðó là ngọn lửa Tình Yêu Cứu Ðộ, nơi đó tất cả chúng ta được thanh tẩy.
Người kitô hữu là người được "vầng đông từ chốn cao vời tỏa xuống hào quang sáng chói, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an" (Lc 1,78-79). Thiên Chúa chiếu soi chúng ta, để chúng ta được bình an. Khi cuộc sống có những lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với ơn Chúa; "ơn Chúa sẽ lôi cuốn bạn, cho tới khi bạn tìm lại được nguồn vui" (thánh Bênađô). Người kitô hữu đích thực là người sống trong niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa. Người kitô hữu đích thực thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần trong lòng mình và nơi người khác.
Phải chăng chúng ta đang sống trong bình an, niềm vui và ơn cứu độ của Thiên Chúa ?
Phải chăng chúng ta đang thắp lên ngọn lửa tình yêu, hy vọng và cứu độ để sưởi ấm trần gian ?
Lạy Chúa,
Xin đừng để chúng con thất vọng
khi đứng trước khổ đau thử thách.
Xin giúp chúng con nhận ra
giữa những tăm tối vẫn còn ánh sáng,
giữa những đau buồn chóng qua luôn có niềm vui đích thực,
và nhất là giữa những thăng trầm biến đổi
luôn có những hồng ân và sự hiện diện đầy yêu thương.
LỬA AN BÌNH
Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
Nếu khẳng định Đức Giêsu là “Hoàng tử Bình an”, người ta sẽ nói sao trước lời tuyên thẳng thừng của Ngài về chính mình: “Các ngươi nghĩ: Ta đến ban bình an trên mặt đất ư? Không đâu! Ta bảo thật các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ: ba với hai, hai với ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha với con, con với cha”?
Làm sao có thể hiểu được khi một người vốn tự xưng là “hiền lành và khiêm nhường” lại gây nên bao nỗi phân ly trong gia đình, một cấu trúc cần được hiệp nhất hơn bất cứ một cấu trúc hay tổ chức nào trên thế giới?
Người ta sẽ phải hiểu thế nào câu nói của Đức Giêsu: “Ta đến ném lửa xuống đất và Ta mong sao lửa đó được cháy lên”? Đây có phải là thứ lửa mà anh em nhà Zêbêđê từng đề nghị Chúa đổ xuống đốt trụi dân thành Samari hỗn láo, hay thứ lửa đã thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra tội lỗi xưa kia chăng?
Khi nhìn vấn đề qua lăng kính “Lưỡi là lửa” trong thư của Thánh Giacôbê, thì lửa của Đức Kitô đã tương phản với thứ lửa hoen ố “do chính hoả ngục nhóm lên” (Gc 3:6). Ngài chính là “Chiếc Lưỡi”-Ngôi Lời của Thiên Chúa, làm phát sinh bao “lời hằng sống”, nung đốt tâm hồn thế nhân và thúc đẩy một hành trình rao giảng. Lời Chúa phải được toả lan đến khắp mọi nơi và sưởi ấm cho hết mọi người.
Lời của Thiên Chúa đã từng thúc bách ngôn sứ Giêrêmia, một con người có tâm hồn diệu hiền và nhạy cảm, sinh ra để yêu mến, thích yên lành hơn gây phiền phức, thành một con người mang sứ mạng ra đi “để nhổ và lật đổ, để huỷ và để phá, để xây cất và để cấy trồng” (Gr 1:10).
Dù luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ, nhưng Lời Chúa đã bắt ông đứng dậy, mở miệng ra nói những lời đanh thép và quyết liệt hầu thức tỉnh con cái Isreal đang trong cảnh u mê lầm lạc. Thiên Chúa muốn cứu độ Isreal qua việc vạch trần các thói hư vết xấu của dân chúng, sự lật lọng giả hình cuả hàng tư tế, thói bội phản thất ước của hạng quan quyền, để từ đó Ngài đòi buộc họ phải có một sự chọn lựa phân minh: phúc hay hoạ, sống hay chết, bình an hay bất hạnh, cậy dựa Thiên Chúa hay con người.
Vì trung thành với sứ mạng truyền đạt Lời Chúa mà ngôn sứ Giêrêmia đã bị dân chúng đối xử tệ bạc. Có lần người ta tìm cách ném ông xuống một giếng bùn cho lún sâu đến chết, hầu không còn tuyên sấm những lời của Giavê nữa. Nhưng một vị hoạn quan người ngoại là Abđêmêlech biết chuyện, đã tìm cách cứu ông ra khỏi giếng bùn. Về sau vì không nghe lời ông, người Do thái đã phản lại vua Babylon và cấu kết với Aicập. Thế nên chẳng bao lâu, đất nước Giuđa đã rơi vào sự tàn phá kinh hoàng của dân Babylon. Vị ngôn sứ đã bị một nhóm người bắt đưa sang Ai cập. Có lẽ ông đã chết tại đây, giữa những kẻ hằng chống đối giận ghét, vì cớ ông không ngừng nói Lời Chúa để cảnh báo và thúc dục họ.
Theo nhận xét của cha Nguyễn Thế Thuấn: “Sứ vụ của Giêrêmia quả đã thất bại lúc ông sinh tiền, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết. Bởi giáo lý của ông về một Giao ước mới, đặt nền tảng trên lòng đạo, tôn giáo nội tâm, ông đã là cha của Do-thái-giáo trong cái nhìn tinh ròng nhất. Đặt giá trị tinh thần lên hàng đầu, nêu cao những liên lạc thân mật mà tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa, Giêrêmia đã chuẩn bị cho Giao ước mới, và cuộc quên mình chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa đã biến ông thành một dung mạo của Đức Kitô”.
Như vậy, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã phô bày trọn vẹn dung mạo của người ngôn sứ khi phân rõ ánh sáng và tối tăm, điều tốt và điều xấu, chân thật và giả trá, cùng kêu gọi một thái độ rõ ràng: đón nhận hoặc khước từ, bước theo hay chống đối.
Lời ông Simêon nơi Đền thờ đã được xác nhận: “Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người té nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối” (Lc 2:34). Như thế tất có sự đối kháng, mâu thuẫn. Trong một gia đình, cộng đoàn, hay dân tộc, sẽ có người tin nhận và có người chống cự, có người tìm được bình an đích thực, nhưng cũng có người tự ru mình bằng thứ bình an giả tạo.
Bình an là nỗi khát khao trầm lặng của nhiều tâm hồn. Nhưng để có bình an đích thật lắm khi tôi phải trả giá bằng chiến đấu và hy sinh. Đây là một trong những điểm “nghịch lý” của Tin Mừng, nơi mà người ta thường bắt gặp những giá trị “trái ngược” như: cho chính là nhận, thu tích là mất đi, ai tìm sự sống sẽ phải chết, ai đành chết thì lại có sự sống…
Thực tế, có biết bao chân lý của Tin Mừng đã không được nói ra vì sợ gia đình bất thuận, có bao sự thoả hiệp nghịch luân đã không được nhắc tới vì sợ cộng đoàn bớt người, và có biết bao nhập nhằng tội lỗi xấu xa vì sợ phải mang một vết thương rướm máu trong tâm hồn. Tất cả đều là những nguỵ trang giả dối và bình an trá hình.
Bình an thật sự chỉ có được khi con người biết “đặt giá trị tinh thần lên hàng đầu” và “nêu cao những liên lạc mật thiết mà tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa”. Bằng việc nhận chân và nêu cao giá trị tinh thần, cùng sự liên lạc thẳm sâu với Thiên Chúa, mà người môn đệ chân chính của Đức Kitô dám hy sinh những mối quan hệ cao quí trong cuộc đời. Dù đó có là quan hệ ruột thịt thân thương như cha mẹ với con cái.
Chắc hẳn lịch sử Giáo hội không bao giờ quên được hình ảnh của một Phanxicô Assisi, người dám lột bỏ hết mọi giàu sang nhung lụa, trả lại cho người cha trần thế, để chỉ chú tâm kiếm tìm các giá trị thiêng liêng nơi người Cha trên trời. Lịch sử cũng không thể quên được hình ảnh của một Giêrađô quyết liệt trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho mẹ dòng chữ: “Mẹ ở lại. Con đi làm thánh.”
Lại còn nữa hình ảnh của một Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nguy nan, để rồi cuối cùng, dù bị kết án lăng trì, vẫn không dập tắt được ngọn lửa khát khao: làm cho Tin mừng Phúc âm được cháy lên mảnh đất xa xôi và nghèo nàn này. Và còn nhiều lắm các mẫu gương hào hùng của những con người đang tiếp nối việc thực hiện nỗi mong của Chúa Giêsu.
Là người Kitô hữu, tôi cũng được mời gọi dấn bước không ngừng trên hành trình loan báo các giá trị Tin mừng, để lửa yêu thương và bình an được bừng sáng khắp nơi trên trần thế. Amen.
Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét