Thế giới vừa chứng kiến một mùa hè với những thảm họa tự nhiên khốc liệt. Từ lũ lụt đến khô hạn, các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có một điểm chung là những hậu quả vô cùng tàn khốc, không thể lường trước về quy mô và mức độ. Dù đã được dự báo trước về một trái đất có diễn biến khí hậu bất thường hơn cùng với sự ấm lên toàn cầu, nhân loại dường như vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất đang phải gánh chịu.
Theo Liên hiệp quốc, mức độ thiệt hại của đợt lũ tại Pakistan có thể tồi tệ hơn trận động đất Haiti, sóng thần Ấn Độ Dương và trận động đất ở Kasmir cộng lại
(Ảnh: London Evening Standar)
Thời tiết cực đoan khắp các châu lục
Khắp các châu lục của thế giới đang phải đối mặt và chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, khô hạn, nắng nóng. Có khi một khu vực vừa trải qua cơn khô hạn kỷ lục đã phải đối mặt với thiên tai ở một thái cực khác – lũ lụt.
Châu Á: Hơn 1.200 người đã thiệt mạng do trận lở đất kinh hoàng tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc và hơn 500 người vẫn mất tích. Lũ lụt và lở đất ở Trung Quốc năm nay đã giết chết hơn 3000 người và khiến 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Mùa xuân năm ngoái vùng Tây nam Trung Quốc cũng đã phải chống trọi với một trận khô hạn được coi là tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ và sau đó vùng đất khô hạn này lại bị lũ lụt tàn phá.
Một đất nước Châu Á khác cũng đang phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của thiên tai là Pakistan với trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1929. Cơn mưa dữ dội cuối tháng 7 vừa qua đã khiến mực nước sông Indus dâng cao, nhấn chìm một vùng lãnh thổ rộng lớn của Pakistan, khiến ít nhất 1.600 bỏ mạng, hơn 2 triệu người mất nhà ở và khoảng 20 triệu người chịu ảnh hưởng.
Châu Phi: Trận hạn hán tồi tệ mùa hè năm nay khiến tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng, ảnh hưởng tới 10 triệu người ở 4 quốc gia Tây Phi. Tại Niger, đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc nhất, 7,1 triệu người chịu cảnh đói ăn vì mất gia súc và mùa màng trong khi giá ngũ cốc leo thang gấp đôi. Trong khi đó, năm ngoái mưa dữ dội đã phá hủy hoa màu và khiến tình hình sản xuất các loại ngũ cốc ở các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kể cả nước láng giềng Chad và Nigeria.
Châu Mỹ: Tháng 4 năm nay, trận lụt và sạt lở đất đã tấn công Rio de Jaaneiro của Brazil sau khi trận mưa như trút nước chưa từng có trong bốn thập kỷ đã khiến 212 người bỏ mạng. Lũ lụt một lần nữa hoành hành trở lại vào tháng 6 ở các bang Alagoas và Pernambuco của Ấn Độ, khiến ít nhất 1000 người mất tích.
Châu Âu: Các nước miền Trung và Đông Âu như Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia cũng phải chịu đựng trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ hồi tháng 5 và tháng 6 năm nay. Nước Anh thì trải qua sáu tháng đầu năm khô hạn nhất kể từ năm 1929 trong khi nước Nga đang chật vật đối phó với tình trạng cháy rừng trên diện rộng do khí hậu khô nóng, gây thiệt hại 200 000 ha rừng.
Bắc Cực: Đầu tháng 8 một khối băng có diện tích 260 km vuông được phát hiện đã tách khỏi dòng sông băng ở Greenland, phía sát Bắc Cực. Đây là đảo băng lớn nhất tách ra ở Bắc Cực trong nửa thế kỷ quan sát. Nhiệt độ của một mùa hè nóng nhất trong vòng 150 năm lịch sử khí hậu toàn cầu được coi là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Biến đổi khí hậu là thủ phạm?
Liệu có phải ngẫu nhiên mà các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra khắp toàn cầu trong cùng một khoảng thời gian? Phải chăng đó là dấu hiệu của biến đổi khí hậu?
Trả lời câu hỏi này của AFP, các nhà nghiên cứu cho rằng phải rất thận trọng khi đánh giá các hiện tượng khí hậu cực đoan trên là biểu hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo họ, mặc dù các hiện tượng này trùng hợp với các dự báo khí hậu trong một hành tinh đang nóng lên thì chỉ riêng một mùa hè khô hạn hay ẩm ướt cực điểm chưa thể là bằng chứng của biến đổi khí hậu.
Theo Jean-Pascal van Ypersele, phó chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu Toàn cầu của Liên hợp Quốc (IPCC), thời tiết cực đoan chỉ là một bằng chứng cho thấy những biến đổi về thời tiết đang trở nên rõ ràng hơn.
Cũng cùng quan điểm, ông Omar Baddour, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: Sự tiếp diễn của các hiện tượng khí hậu cực đoan và mức độ của chúng là phù hợp với các dự báo của IPCC. Tuy nhiên các hiện tượng thời tiết này cần được quan sát nhiều năm mới có thể đưa ra những kết luận liên quan đến khí hậu.
Về mặt lý thuyết, trong một hành tinh đang nóng lên vì khí thải nhà kính, thế giới sẽ có những mùa mưa dữ dội hơn vào mùa hè, bão tuyết khủng khiếp hơn vào mùa đông, khô hạn sẽ khắc nghiệt hơn ít nhất ở một số khu vực, nắng nóng cũng sẽ khốc liệt hơn. Các dự báo và thống kê cũng cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng về cường độ và mức độ. Tuy nhiên hầu hết các nhà khoa học khí tượng đều chưa sẵn sàng đi tới kết luận rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên hệ với biến đổi khí hậu.
Gavin Schmidt, một nhà nghiên cứu khí hậu của Cơ quan Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết: “Nếu bạn hỏi tôi với tư cách một con người rằng hiện tượng khô nóng ở nước Nga có liên quan tới biến đổi khí hậu không, thì câu trả lời là Có; nhưng nếu bạn hỏi tôi với tư cách một nhà khoa học rằng liệu tôi có thể chứng minh không, thì câu trả lời là Không, hay ít nhất là Chưa”.
Ở Nga, những quan điểm khoa học thận trọng như vậy có lẽ từng rất được hoan nghênh. Nước Nga vốn đóng một vai trò miễn cưỡng và thậm chí có khi còn cản trở các đàm phán toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Có lẽ một phần bởi vì nước Nga rất mong chờ những lợi ích kinh tế từ vùng đất Siberi rộng lớn của mình nhờ khí hậu ấm lên.
Tuy nhiên, nắng nóng đỉnh điểm ở Nga kết hợp với khô hạn và thảm họa cháy rừng ở miền Trung Nga vốn mát mẻ có vẻ đã làm nước Nga thay đổi suy nghĩ. Chính tổng thống Nga Mevedev, trong một cuộc họp với Ủy ban An Ninh Nga đầu tháng này đã phát biểu: “Cả thế giới đang nói về biến đổi khí hậu. Thật không may, điều đang xảy ra ở miền Trung nước ta lại là bằng chứng của hiện tượng toàn cầu này, bởi vì trong lịch sử chúng ta chưa từng phải đối mặt với điều kiện thời tiết như vậy.”
Tuy nhiên, dù các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra chưa hẳn là hệ quả của sự ấm lên toàn cầu, Lester Brown thuộc Viện Chính sách Trái đất vẫn khẳng định: “Điều mà chúng ta có thể chắc chắn là với những dự báo về một nền nhiệt tăng lên trong tương lai, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều “nước Nga” nữa trên khắp thế giới”.
Cực đoan hơn, những người hoài nghi biến đổi khí hậu lại cho rằng các nhà nghiên cứu thời tiết không đủ tầm đánh giá về xu hướng lâu dài của khí hậu để có thể vẽ lên mối liên hệ giữa nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo họ, các hiện tượng như nắng nóng và khô hạn kỷ lục những năm 1930 cùng với bão bụi đã khiến hàng triệu người Mỹ phải di cư và thay đổi cả cơ cấu dân số Mỹ là bằng chứng cho thấy thời tiết cực đoan chẳng phải là điều gì mới mẻ.
Cuộc chạy đua dự báo thời tiết cực đoan trong giới khoa học
Trong khi những tranh luận về vai trò của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra liên tiếp còn chưa ngã ngũ, thì có một điều chắc chắn là thế giới cần hơn nữa những dự báo, cảnh báo chính xác để phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai.
Các nhà nghiên cứu khí hậu khắp thế giới và các chuyên gia của WMO đã nhận ra sự cấp thiết phải có những giải pháp tốt hơn để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và giải pháp hiện đang được bàn thảo là các mô hình dự báo chính xác hơn.
“Không còn thời gian để lãng phí, bởi xã hội phải được trang bị tốt hơn để đối phó với sự nóng lên toàn cầu. - Nhà khí hậu học Anh Peter Stott phát biểu. - Các nhà mô hình hóa hệ thống thời tiết đang “say mê” phát triển các mô hình siêu vi tính có khả năng thể hiện chi tiết hơn mối liên hệ nhân - quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với các dòng khí quyển.”
Tuần này các nhà khí hậu học hàng đầu thế giới sẽ có mặt tại Colarado, Mỹ để đưa ra kế hoạch thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm có khả năng dự báo thiên tai gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu. Bởi lẽ các công cụ hiện có chỉ giúp đánh giá cường độ của một cơn bão hoặc chất lượng không khí, song lại chưa xác định sớm các nguy cơ khô hạn, lũ lụt.
Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh các dự báo đều cho rằng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng về cường độ và mật độ trong khi khả năng xác định chính xác địa điểm và thời gian mà các hiện tượng này xảy ra vẫn còn hạn chế. Và mục đích của hội thảo Colorado là phát triển các kỹ thuật dự báo chính xác hơn giúp xác định vị trí, mức độ hạn hán, lũ lụt, và đợt nóng trước khi chúng xảy ra.
Hội thảo tại Boulder sẽ là phiên đầu tiên trong chuỗi hội thảo Attribution of Climate-related Events (Ace) được khởi xướng bởi các nhà khoa học của ba cơ quan khí tượng hàng đầu thế giới: Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), Văn phòng Khí tượng Quốc gia Anh (MET) và Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).
Ngoài Ace, hội thảo của WMO tại Paris vào cuối tháng Chín này, với sự tham dự của các nhà khoa học khí hậu và thống kê khắp thế giới, cũng đặt mục tiêu chuyển các mô hình khoa học về các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện có thành hệ thống đánh giá mà công chúng có thể dễ tiếp cận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét