Nếu căn cứ vào số liệu GDP trong quý 2 năm 2010, Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên các nhà quan sát đều nhất trí là số liệu GDP to lớn đã che khuất một thực tế : chất lượng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn rất kém.
Một xưởng may mặc tại tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
Reuters/Stringer
Nghe bài viết trên đài RFI
Ngày 16/08/2010, Nhật Bản công bố số liệu về Tổng Sản phẩm Quốc nội GDP trong quý 2 năm 2010 của mình, đạt 1.288 tỉ đôla. So với GDP của Trung Quốc loan báo trước đó là 1.337 tỉ đôla thì rõ ràng là ngôi vị cường quốc kinh tế thế giới thứ hai của Nhật Bản đã bị Trung Quốc soán đoạt.
Đối với Trung Quốc, thực tế đã rõ : họ đã vươn lên hạng thứ hai thế giới về phương diện kinh tế, chỉ còn thua Mỹ mà thôi. Vào hạ tuần tháng 07/2010, ngay từ trước khi Tokyo loan báo số liệu GDP của mình, ông Dịch Cương, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố hùng hồn là : "Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới ".
Tuy nhiên Tokyo đã cố gắng bám lấy vị trí thứ hai khi xác định rằng tính cả hai quý 1 và 2 trong năm nay, thì GDP của Nhật Bản vẫn cao hơn Trung Quốc. Thật vậy, nếu xét theo cả 6 tháng đầu năm, thì GDP Nhật Bản đạt 2.587 tỉ đô la, cao hơn một chút so với mức của Trung Quốc là 2.532 tỉ đô la.
Giải thích của Tokyo cũng hợp lý, thế nhưng, theo các nhà quan sát, với tốc độ tăng trưởng kinh tế èo uột tại Nhật Bản và cực nhanh tại Trung Quốc hiện nay, sớm muộn gì thì ngôi vị cường quốc kinh tế thứ hai của Bắc Kinh sẽ được xác lập vững chắc, có thể là ngay trong năm nay hay vào năm tới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 5.400 tỉ đô la vào cuối năm nay, cao hơn mức của Nhật Bản chỉ là 5.300 tỉ mà thôi.
Có điều, theo giới phân tích, dù kinh tế Trung Quốc đã vươn lên được hàng thứ hai thế giới, ít ra là vào quý 2 năm nay, sự phát triển của nước này vẫn chưa bền vững và đồng đều. Chính Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương đã thừa nhận : « Vấn đề hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc chính là chất lượng tăng trưởng ».
Các thách thức đặt ra cho nền kinh tế Trung Quốc hiện nay rất nhiều, từ việc nước này còn khá lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, cho đến sự kiện khoảng cách giầu nghèo quá lớn lao. Một thí dụ đơn giản : Trung Quốc đang có hàng chục tỷ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tập chí Mỹ Forbes thực hiện, thế nhưng thu nhập bình quân của hàng trăm triệu cư dân nước này lại thuộc diện thấp nhất thế giới. Chỉ so sánh riêng với Nhật Bản, thì vào năm 2009, thu nhập bình quân theo đầu người tại Trung Quốc ở mức gần 3.600 đô la, trong lúc tại Nhật Bản, con số này lên đến khoảng 37.800 đô la, tức là cao hơn gấp 10 lần.
Phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ
Chất lượng tăng trưởng là gì ? Quan trọng như thế nào đối với một nước ? và trong trường hợp Trung Quốc, sự tăng trưởng kém chất lượng sẽ có hệ quả ra sao đối với người dân ? Để hiểu rõ vấn đề này, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại trường Đại học Maine, Hoa Kỳ. Giáo sư Long trước hết giải thích về nguyên nhân chính giúp Trung Quốc giành được vị trí cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới từ tay Nhật Bản vào quý 2 năm 2010.
GDP Trung Quốc tăng nhanh nhờ mức đầu tư cực lớn
- Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho GDP của họ, mỗi năm là chiếm khoảng 40% đến 42%, trong khi Nhật Bản, vì suy thoái trong 20 năm qua, cũng như vì giảm phát cho nên đầu tư vào tăng trưởng GDP thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 18% đến 20%. Do đó kinh tế Nhật trong quý 2 vừa qua chỉ tăng được hơn 0,1%, trong lúc Trung Quốc lên đến 10%. Đó là lý do tại sao GDP của Trung Quốc mới vượt qua GDP của Nhật Bản.
- Nếu Trung Quốc cứ đầu tư cao như vậy, càng ngày mức tăng trưởng của Trung Quốc càng cao, còn Nhật Bản thì sẽ thấp hơn, thì lẽ dĩ nhiên, về xa về dài, nếu tính trên GDP, Trung Quốc càng ngày càng tăng trưởng cao hơn Nhật. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ đó.
Thu nhập theo đầu người của Trung Quốc còn rất thấp trong lúc chênh lệch giàu nghèo lại cực cao
- Trước hết dân số của Trung Quốc rất lớn, cho nên nếu tính GDP thì cuối năm nay chẳng hạn, GDP của Trung Quốc sẽ ở khoảng 4.900 tỷ hay 5.000 tỷ đô la, Nhật cũng sẽ là 5.000 tỷ hay hơn 5000 tỷ một chút. Nhưng hiện nay, GDP trên đầu người của Nhật là gần 40.000 đô la trong khi GDP trên đầu người của Trung Quốc là 3.600 đô la, chưa bằng 1/10.
- Trong khi đó thì khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc rất lớn, cho nên khi nói đến vấn đề tăng trưởng GDP, ta cũng phải xem tình trạng phân cấp giàu nghèo như thế nào. Tôi cho rằng sự phân cấp giàu nghèo về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.
"Chất lượng tăng trưởng" của Trung Quốc còn kém cỏi
- Chất lượng tăng trưởng rất quan trọng. Trung Quốc đã có thể tăng trưởng GDP khoảng 10% một năm trong hai mươi mấy năm nay, nhưng đó là vì họ đầu tư - như tôi đã nói - rất cao. Và cái lý do khiến họ đầu tư cao được, đó là vì chính phủ nắm tiền tệ, nắm các ngân hàng, nên tha hồ tung tiền ra. Khi nào có nợ xấu thì họ dẹp sang một bên. Vì thế cho nên, trong khi các nước trên thế giới đang bị suy thoái, không bỏ tiền ra đầu tư, thì Trung Quốc cứ đầu tư tràn lan.
- Cái thứ hai nữa là người dân ở Trung Quốc tiêu xài rất ít. Khoản tiêu thụ của người dân Trung Quốc chỉ chiếm 40% của GDP mà thôi. Còn ở Nhật, mặc dù bị suy thoái trong 20 năm qua, nhưng mức tiêu dùng của người dân vẫn còn khoảng 60% GDP. Cho nên mặc dù xuất khẩu càng ngày càng ít đi, nhưng Nhật sẽ không bị khó khăn lắm về lâu về dài trong vấn đề phát triển nếu mà thế giới càng ngày càng suy thoái thêm.
- Trong khi đó Trung Quốc phải dựa vào xuất khẩu rất nhiều cho nên, suy thoái kinh tế trên thế giới mà kéo dài thì Trung Quốc sẽ bị khó khăn. Chỉ có một điều là Trung Quốc xuất khẩu những mặt hàng rẻ tiền thì những người nghèo, ít thu nhập của các nước trên thế giới vẫn mua hàng Trung Quốc. Đó là lý do tại sao mà trong hai ba năm qua, trong khi kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu của Trung Quốc cũng vẫn tăng như thường. Các quốc gia khác phải nhập siêu, nhất là Mỹ hay một số nước Âu Châu khác.
Kế hoạch kích thích kinh tế đã giúp Trung Quốc thổi phồng tăng trưởng
- Kế hoạch kích thích kinh tế làm cho Trung Quốc đỡ suy thoái hơn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng nên đặt lại như sau. Khi tính GDP, Trung Quốc gộp luôn giá trị nhà cửa, đường xá mới xây. Trong 2 năm qua, họ xây cất rất nhiều nhà cửa, và làm rất nhiều đường xá. Hiện có nhiều cái nhà đang bỏ trống, (thành ra nhiều người sợ là sẽ có một cái bong bóng về địa ốc bên Trung Quốc). Nhưng khi cất nhà nhiều mà để trống như vậy, hay là xây những con đường đi vào những nơi mà không cần dùng, nhưng họ vẫn tính vào GDP.
- Cho nên tính mức GDP thuần túy như vậy là không thực tế. Bởi vì vấn đề là mức tiêu dùng của người tiêu thụ trong nước có tăng được hay không. Trung Quốc trong 3 năm qua vẫn nói là thu nhập bình quân của Trung Quốc mặc dầu có tăng lên, nhưng nhiều người vẫn còn rất nghèo. Trung Quốc hiện nay là một nước mà theo Liên Hiệp Quốc, nằm ở hạng 125 hay 127 của các nước nghèo nhất thế giới, nghèo hơn cả Angola nếu tính như vậy. Cho nên chỉ tính GDP một cách chung chung là không phản ánh sự thật của xã hội.
- Cái giá phải trả rất lớn. Ví dụ như Trung Quốc chưa giải quyết được nạn ô nhiễm trong nước. Nhưng nếu họ bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề ô nhiễm thì GDP sẽ không phát triển với cái tỷ lệ như hiện nay. Trong khi đó thì Nhật Bản từ những năm 70 đã bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm trong môi trường của họ rồi. Bây giờ Nhật Bản là một trong những quốc gia sạch nhất ở Đông Á. Như vậy trong những năm tới họ không cần phải bỏ nhiều tiền để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chẳng hạn. Theo tôi, nhìn vào vấn đề phát triển, ta phải nhìn toàn thể chứ chỉ nhìn GDP không mà thôi thì không thấy rõ.
Khái niệm "chất lượng tăng trưởng" cần được quan tâm nhiều hơn
- Nó liên quan không những đến vấn đề phát triển bền vững, mà còn liên quan đến vấn đề là con người ở trong một nước có vui mạnh hay không. Điều đó cũng sẽ giúp con người làm việc tốt hơn. Một vấn đề nữa là đối với một nước nền giáo dục, hệ thống y tế có tốt hay không. Và nếu giáo dục, y tế tốt thì người dân mới khoẻ mạnh để làm việc tốt hơn.
- Hiện nay, nền giáo dục Trung Quốc không tồi lắm, nhưng vấn đề y tế thì càng ngày càng gây khó khăn cho Trung Quốc. Cái vấn đề này cũng là một cái gánh nặng đối với Trung Quốc về lâu về dài. Tạm thời, Trung Quốc không chi phí vào các ngành này, nhưng mà nếu họ bỏ tiền ra để lo các vấn đề y tế, giáo dục, môi trường... thì GDP của họ sẽ không phát triển nhanh như hiện nay.
Trung Quốc lợi dụng thế mạnh kinh tế hiện nay để chèn ép nước khác
- Trung Quốc cũng biết như thế cho nên lợi dụng tình trạng các nước khác như Nhật, Mỹ, Âu Châu, chưa hồi phục sau khủng hoảng, Trung Quốc đang dùng thế mạnh của mình hiện nay trong kinh tế cũng như là quân sự để bắt các nước khác nhượng bộ. Đó là lý do tại sao mà trong hai ba năm qua, mà nhất là trong những tháng qua, Trung Quốc rất đẩy mạnh vấn đề quân sự không những ở Đông Nam Á mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
- Cả thế giới, kể cả Nhật Bản, cũng muốn kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tăng. Kinh tế Trung Quốc mà tăng, có nhiều người giàu lên, thì những người này sẽ mua hàng chế biến tốt của Nhật, của Mỹ hay của nước khác. Hay là Trung Quốc muốn GDP tăng lên thì cần mua nhiên liệu, nguyên liệu từ các nước khác. Các quốc gia này cũng có lợi, và cũng muốn Trung Quốc tăng trưởng.
- Vấn đề là thái độ của Trung Quốc như thế nào trong việc đối xử với các nước khác. Nếu Trung Quốc làm áp lực nhiều quá, tôi nghĩ là nhiều người sẽ thấy là chơi với Trung Quốc không tốt. Tôi nghĩ là vai trò cường quốc kinh tế thứ hai thế giới buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm với quốc tế. Thế nhưng hiện nay có một số lãnh tụ bên Trung Quốc cho rằng họ đang mạnh lên thì họ phải dùng cái thế mạnh đó để bắt ép các nước khác, nhất là những nước xung quanh. Làm như vậy sẽ tạo ra phản ứng mạnh đối với Trung Quốc.
Phóng viên Việt Long đài RFA cũng đã phỏng vấn Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề này , mời các bạn cùng nghe bài phỏng vấn sau.
Phỏng vấn Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét