Mời nghe bài viết trên đài VOA
Quý vị thân mến! Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bàn về “Tác dụng của thời gian và môi trường sống qua các thế hệ đối với hướng đi của Tân Nhạc”. Nhưng trước khi đi vào những ý chính của đề tài này thì chúng chúng tôi xin trích dẫn ngay, với tính cách minh họa như thường lệ, bài hát “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước của thời cuối thập niên 40 qua giọng ca Họa Mi.
( Trích “Bóng chiều xưa” )
Vừa rồi là trích đọan bài hát “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước, một ca khúc ra đời, nay đã trên 50 năm, qua giọng ca Họa Mi. Trong bài có câu: “Một chiều gió mưa, em về thăm chốn xưa; non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân, lòng xót xa tình xưa”, nói lên sự xa vắng, nỗi nhớ nhung của một mối tình đã đi vào dĩ vãng. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người mà nhạc Sĩ Phạm Duy trong Hồi Ký của ông đã xếp vào hàng trưởng thượng về thể lọai ca khúc lãng mạn và trữ tình. Nói chung thì ý tình của bài hát này, xưa có ra sao thì cho đến nay, và có lẽ cho đến còn khá lâu nữa, thì rồi ra cũng đại để là như thế đối với những ca khúc cùng thể loại, cho dù có “mới” đến mấy đi nữa!
Những người làm thơ hay viết ca khúc thì khi đụng đến đề tài tình yêu đều khó tránh được tính lãng mạn cũng như trữ tình của đề tài, và người ta cũng thường viết về những cái đã mất mát chứ không nói nhiều về những cái đang còn trong tay. Nhưng đối với một ca khúc thì vấn đề đáng nói là ở chỗ này: Một bài như bài “Bóng chiều xưa” thuở cuối thập niên 40 khi đuợc ca sĩ người ta hát trên các Đài phát thanh – thời đó làm gì có CD hay DVD về ca nhạc - thì phần hòa âm và phối khí, nói cho giản dị là “nhạc đệm”, không thể nào sinh động cũng như sắc xảo như so với ngày hôm nay, khi mà thay vì một cây đàn piano, dăm ba cây vĩ cầm, một cái “contre basse”, một cây “guitare”, một cây “clarinette”, một cái “accordeon”,... hay đại lọai như thế của thuở trước, thì chỉ cần một vài nhạc cụ cùng thiết bị điện tử hết sức tân kỳ là phần nhạc đệm như thể một ban nhạc với hàng mấy chục nhạc công tham dự!
Quý vị nghe đuợc toàn bộ chất lượng âm thanh tinh xảo như trong bài “Bóng chiều xưa” vừa do Họa Mi hát thì là bởi bài hát được hát lại vào năm 1997 khi CD có bài hát này được thực hiện, tức là khỏang 50 năm sau ngày bài hát ra đời.
Nhưng cạnh đấy thì còn một vấn đề khác có liên quan đến phẩm chất của một bài hát. Ta cứ lấy bất kỳ một ca khúc nào của Đoàn Chuẩn và Từ Linh hay một bài tình khúc nổi tiếng nào của thời trước năm 75 chẳng hạn, rồi để cho một giọng ca điêu luyện hát với phần nhạc đệm của một cây đàn “guitare” không thôi thì ta vẫn thấy hay như thường; do nơi giai điệu đẹp đẽ của bài hát. Khánh Ly xưa kia chẳng từng đưa những ca khúc của Trịnh Công Sơn đến với người nghe trong các buổi sinh họat trước đám đông với vỏn vẹn một cây “guitare” do chính tác giả đệm đàn là gì? Nhưng còn nếu như giai điệu của bài hát chả có gì đặc sắc thì bấy giờ vai trò của hòa âm phối khí mới thật là quyết định. Tạm có thể ví von như một cô gái đẹp, đẹp thật, thì chẳng cần mấy đến son phấn hay trang phục sặc sỡ, lòe lọet! Và ấy là khi mà các bài hát kém cỏi về mặt giai điệu cần đến sự hỗ trợ đắc lực của kỹ thuật âm thanh như ta có ngày hôm nay.
Thế nhưng ngày hôm nay mà ta muốn nghe được những sáng tác mới với giai điệu, nhịp điệu như nơi các bài hát nổi tiếng của thời trước thì cũng không được, vì khá nhiều nhân tố hoàn toàn khách quan mà ngay chính “tài nghề” của tác giả một bài hát cũng trực tiếp chịu ảnh hưởng của các loại nhân tố đó.
Năm 1937, theo tài liệu của người Pháp thời đó, thì dân số Việt Nam mới chỉ gần 19 triệu con người, kể cả số ngoại kiều có mặt ở trong nước. Năm 2010 này thì dân số nước ta đã trên 85 triệu. Vào cái thời cuối thập niên 40, các thành phố còn thưa dân cư, các đường phố còn vắng vẻ, xe cộ lưu thông còn thưa thớt, cây cỏ thiên nhiên còn chan hòa ngay giữa lòng các thành phố chứ chưa nói gì đến vùng giáp ranh… thì một người nghe những bài hát kiểu như “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước hay bài “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh từ một đài phát thanh trong ngày, nhất là khi chiều đến hoặc đêm về, thì rất dễ “hòa mình” với bài hát. Còn như ngày hôm nay đây, trong những thành phố mà xe cộ cùng tiếng người ồn ào nhộn nhịp cho đến tận khuya khoắt thì bảo làm sao người ta có đuợc sự tịnh tâm cần thiết để “hòa mình” về mặt tâm tưởng với một bài hát như “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, chẳng hạn?
Phong cách các bài hát cứ thế mà, với thời gian, chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường sống hối hả xung quanh. Không còn loại tiết điệu lâng lâng, chậm rải, dịu dàng tha thiết kiểu như xưa nữa mà phải là những tiết điệu vừa hối hả, rộn ràng và triệt để sử dụng đến âm thanh của “bộ gõ” mà thuật ngữ trong tiếng Anh trong hòa âm phối khí gọi là “percussion”!
Có những bài hát của ngày hôm nay, lời lẽ có cái gì đấy sâu lắng, đầy tình cảm, thế nhưng cách thể hiện khi hát với phần nhạc phụ họa vẫn cần đến những âm hưởng sôi nổi, rộn ràng. Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài hát “Dòng thời gian” của Nguyễn Hải Phong qua giọng ca Phan Đình Tùng, một bài hát mà trên mạng chúng tôi thấy ghi là đã có đến 417525 lượt người nghe!
( Trích “Dòng thời gian” của Nguyễn Hải Phong )
Vừa rồi là trích đoạn bài “Dòng thời gian” của Nguyễn Hải Phong qua giọng ca Phan Đình Tùng. Nay có bài “Dòng thời gian này” thì thời cuối thập niên 50 ở trong Nam cũng có bài “Dòng thời gian” của Minh Kỳ mà chúng tôi xin trích đọan tiếp theo đây qua giọng ca Lệ Thu, với phần hòa âm phối khí ở hải ngoại trong những năm gần đây hơn!
( Trích “Dòng thời gian” của Minh Kỳ )
Vừa rồi là trích đọan bài “Dòng thời gian” của Minh Kỳ qua giọng ca Lệ Thu, và chúng tôi chỉ trích đọan rất ngắn thôi, để quý vị thấy đuợc phong cách của bài hát mà rất nhiều ca sĩ đã hát nó theo tiết điệu loại “Bolero” cho nhanh hơn, rộn ràng hơn, vì phải chăng cũng cốt là để khơi động sự chú ý nơi người nghe hơn, tuy tình ý bài hát theo nguyên tác là ở cái dạng “trầm tư”, u uẩn?
Và cũng theo dòng “mạch cảm” đi sát với “nhịp đời” xung quanh – tạm dùng những từ ngữ như thế - mà có những bài hát với nhịp điệu chậm rải theo nguyên tác như bài “Chiều tím” do Đan Thọ phổ nhạc cho thơ Đinh Hùng, mà chúng tôi xin trích dẫn sau đây qua giọng ca Xuân Phú…
( Trích “Chiều tím”, Xuân Phú hát )
… có những bài hát với nhịp điệu chậm rải theo nguyên tác như bài “Chiều tím” do Đan Thọ phổ nhạc cho thơ Đinh Hùng, mà chúng tôi vừa trích dẫn qua giọng ca Xuân Phú để minh họa thì bài hát này xưa nay cũng vẫn thường đuợc hát theo tiết điệu lọai “Bolero” như qua giọng ca Thùy Dương tiếp theo đây:
( Trích “Chiều tím”, Thùy Dương hát )
Quý vị thân mến! Chúng ta đang nghe ca khúc “Chiều tím” của Đan Thọ và Đinh Hùng qua giọng ca Thùy Dương. Ngày nay, và có lẽ về sau này nữa, ta sẽ ít còn có dịp nghe những giai điệu mượt mà kiểu như thế này. Những bài hát, cho dù có hay đến mấy của một thời xưa thì nay đã thuộc về quá khứ rồi. Thời gian qua đi, cuộc sống đã khác, con người cũng đã khác đi trong cung cách làm ăn, suy nghĩ, sáng tác và thưởng ngoạn về mặt ca hát. Người của một hai thế hệ trước có thể cứ theo cái thước đo của mình để đánh giá những ca khúc của ngày hôm nay là xuất sắc hay kém cỏi so với những gì mình đã nghe khi xưa, thế nhưng vì mọi việc đã đổi thay với thời gian cho nên có lẽ câu hỏi không nên được đặt ra là “Tại làm sao mà ngày hôm nay người ta có thể thích sáng tác những bài hát kiểu như người ta đã và đang làm cũng như về phía người nghe thì lại có thể tích được những bài hát kiểu như thế! Tuy không thể vơ đũa cả nắm mà cho rằng bất kỳ những bài hát nào của ngày hôm nay cũng đều kém cỏi về mặt nghệ thuật!
Thế hệ ngày hôm nay gần gụi với những những cái đang có của ngày hôm nay chứ không mấy gần gụi với những cái đã có từ một hai thế hệ trước. Và rồi thế hệ của ngày mai thì cũng sẽ theo cái lẽ tất yếu đó!
Chúng tôi có đứa cháu gái 4 tuổi, tên gọi ở nhà là Vi. Nếu mẹ của cháu xưa kia là “con gái rượu” của Bố thì nay cháu Vi là đứa “cháu gái rượu của ông Ngoại”. Mới vừa hôm tuần trước đây, ngồi trong xe đang chạy trên đuờng, cháu bỗng kêu nhức đầu! Biết là con nít nghĩ sao nói vậy cho nên mẹ cháu hoảng vía, tưởng là con mình bị trúng gió hay say xe sao đấy, bèn gạn hỏi. Cháu nó chỉ vào hệ thống loa nơi xe, nói :”Con nhức đầu vì những bài hát này!”
Những bài hát được phát ra đấy không có gì khác hơn là những ca khúc “Tiền Chiến” thuộc loại mà tựa đề ngoài bìa CD ghi là “Những ca khúc Tiền Chiến vượt thời gian”!
Đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!
Thanh Trang (VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét