Hy Lạp nổi tiếng trên thế giới nhờ hai quần đảo : Cyclades ở phía Nam với các địa danh như Santorin, Mykonos và Naxos, còn ở phía Tây Bắc thì có quần đảo Ionian với Corfou, Paxos và Ithaque. Mỗi hòn đảo đều có nét đẹp riêng nhưng Santorin và Corfou lúc nào cũng được xếp vào hạng đầu.
Mời nghe bài viết trên RFI
Phụ trang mùa hè của tạp chí thời trang Elle đã bình chọn 10 hải đảo đẹp nhất Địa Trung Hải. Trên danh sách này, các hòn đảo Hy Lạp chiếm đa số, dẫn đầu Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Chypre và Malta. Điểm mạnh, theo tờ báo, là nhờ vào nền văn minh lâu đời, các hải đảo Hy Lạp có bề dày về mặt lịch sử, chiều sâu về mặt văn hóa, từ nếp sống cho đến ẩm thực. Điểm yếu là phương tiện giao thông vận chuyển : núi non hiểm trở chiếm đến 80% lãnh thổ đất liền, nên Hy Lạp không phải là xứ sở của xa lộ cao tốc. Còn trên biển, dân Hy Lạp chủ yếu dùng phà. Điều đó có nghĩa là để viếng thăm một quần đảo bạn cần có thời gian trước mắt, muốn đi vòng quanh Cyclades hay Ioanian, thì phải mất ít nhất một tuần lễ.
Lần đầu tiên đặt chân đến Corfou, du khách thoáng nhìn không có cảm giác sống trên đất Hy Lạp mà cứ tưởng như mình đang đi lạc giữa thành phố Venise, vào thế kỷ 18. Thời kỳ đô hộ của Ý kéo dài gần 400 năm đã giúp phát triển ngành thông thương hàng hải, nhưng cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lối kiến trúc nửa Phục Hưng, nửa Tân cổ điển. Phố cổ toàn được xây bằng đá, nằm giữa thành lũy pháo đài. Quảng trường lớn Spianada, nằm ngay trung tâm thủ phủ Corfou, lại giống như quảng trường Vendôme và dãy phố Palais Royal ở Paris, chỉ có điều là các cửa hiệu Hy Lạp không bán kim hoàn và các món thời trang đắt tiền. Vendôme càng kiêu sa lộng lẫy bao nhiêu, Spianada càng kín đáo hiền hòa bấy nhiêu. Các biệt thự sang trọng nằm ở ngoại vi khuất bóng dưới các chùm nho hoang và các giàn thiên lý. Sinh thời, nữ hoàng nước Áo Sissi, mê mẫn trước thắng cảnh Hy Lạp Corfou nên mới xây lâu đài Achilleon trên đồi Gastari, cách trung tâm Corfou khoảng 20 cây số.
Viên đá quý giữa lòng đại dương
Đi một vòng phố cổ, du khách tinh ý lúc đó mới cảm nhận bản sắc Hy Lạp trên các tòa nhà bằng đá, vách tường dày hầu như lúc nào cũng quét vôi trắng, song cửa hay balcon thường được sơn phết màu xanh dương, màu biểu tượng của quốc kỳ Hy Lạp. Với khoảng 50 ngàn dân, đảo Corfou không đông đúc huyên náo như Santorin, không chật kín du khách nước ngoài như Mykonos, nhưng lại duyên dáng mặn mà, nhờ có được những bãi biển đẹp như mơ, ẩn khuất sau những vách đá, nằm kẹt giữa sườn núi cheo leo. Sức quyến rũ của Corfou mạnh nhờ phong cảnh thiên nhiên hoang dã, vùng đất Tây Bắc này lại màu mỡ, phì nhiêu hơn so với phía Nam, nên đất khô mà vẫn nhiều đồi cây xanh. Quần đảo đẹp như một xâu chuổi ngọc, xung quanh là sóng biển xanh ngắt, cát ngà trắng mịn, nước trong như pha lê, có nơi thì sâu thăm thẳm giữa khe núi, còn chỗ cạn thì đi cả trăm thước mà mực nước vẫn ngang lưng.
Trên đảo Corfou, các bãi tắm đẹp nhất vẫn là Almyros ở phía Bắc, Aghios ở phía Đông và Mirtiotissa ở phía Tây. Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn du lịch xây resort và khách sạn đắt tiền tại những nơi này. Hòn đảo có hình búa liềm, nên nhiều bãi tắm nằm lùi trong vịnh, nên thường ít có gió, lsy tưởng đối với du khách nào thích trượt ski trên nước, thay vì lướt ván thuyền. Các ngôi làng du lịch như vậy thường được dành cho du khách đi tour trọn gói, cả tuần chỉ ở một nơi. Mọi dịch vụ đều nằm trong tầm tay, nhưng đổi lại bạn sẽ ít hào nhập vào nhịp sống của cư dân địa phương. Du khách nào có máu phiêu lưu hơn thì chọn ở nhà dân, thuê xe đạp để đi một vòng xem thắng cảnh, tới nơi nào có bãi đẹp thì cứ dừng lại, trải khăn tắm nắng. Do địa hình hiểm trở, nên bãi Mirtiotissa ở phía Tây ít có người lui tới, tắm khoả thân chẳng ai nói và nhất là có khung cảnh đẹp nhất lúc hoàng hôn chiều tà. Khi ánh nắng dịu dần, màu nước biển ửng sắc tím, phía sau là đồi núi gập ghềnh, phía trước biển rộng mênh mông. Bờ cát ngà tựa như viên ngọc trai kẹt giữa hai khối đá thô.
Thời điểm tốt nhất để đi Corfou là cuối tháng 5 đầu tháng 6, hay giữa trung tuần tháng 9 trở đi. Mùa hè Hy Lạp nổi tiêng là cực nóng, nhiệt độ ban ngày đôi khi lên đến 38-40 độ C, nên thời kỳ đi nghi mát lý tưởng hơn cả vẫn là đi ngoài hai tháng hè (nhiệt độ trung bình là 26 độ C). Bằng không thì bạn rất dễ bị phỏng nắng, nhất là nước biển nơi đây không mát lạnh như ở Tây Ban Nha, càng tắm nhiều thì nước da càng ăn nắng. Nếu dùng phà đi thăm các hải đảo thì nên đi sáng sớm hoặc khuya tối, tránh những lúc trời nắng gắt và khi đến đảo, vẫn còn thời gian để đi tắm biển, ngắm phong cảnh và chụp ảnh.
Các tuyến phà Hy Lạp tuy thường xuyên và tiện lợi nhưng lại nổi tiếng là có dịch vụ ăn uống khá tồi, nên trước khi lên thuyền ra khơi, bạn nên chuẩn bị sẵn thức ăng bằng không thì đành nhịn đói. Nhưng khi đặt chân lên đảo rồi, thì lúc đó bạn sẽ khá hài lòng với nghệ thuật ẩm thực Hy Lạp. Gọi là nghệ thuật, chứ thật ra các món ăn Hy Lạp không cầu kỳ trong cách chế biến, không cao sang trong cách trình bày. Có nghệ thuật hay chăng là trong cách ăn dinh dưỡng, bổ cho sức khỏe. Có lẽ cũng vì thế là chế độ ăn uống của đảo Crete ở miền nam Hy Lạp nổi danh trên khắp thế giới và cũng như đảo Okinawa, cách ăn uống của người dân địa phương giúp cho họ sống lâu trường thọ.
Vương quốc của ô liu và mật ong
Người dân Corfou cũng vậy, họ ăn nhiều rau cải, cá nướng và hải sản thay vì ăn thịt. Thức ăn thường là món tươi chứ ít ngâm muối hay đóng hộp. Họ cũng không lạm dụng gia vị, các món ăn thường được uớp với nguyệt quế, tỏi tím, hành hương, tiêu hồng nhưng ướp vừa phải, cho thêm thơm mùi, vì họ vẫn quan niệm rằng mùi gia vị vẫn là phụ, mùi thức ăn vẫn là chính. Món đơn giản nhất nhưng lại vô cùng độc đáo là món mực tươi, tôm áp chảo hay bạch tuộc nướng. Hầu như ở mọi thành phố cảng Hy Lạp đều có món này, ngon ít hay ngon nhiều vẫn nằm trong cách dầm mực làm sao cho thật mềm.
Dân Corfou không dùng chày cối, mà lại nện bằng tảng đá phẳng, ít nhất là 10 phút cao nhất là nửa tiếng, nhờ vậy mà thịt mực rất mềm nhưng vẫn không nát. Thịt mực sau đó đem đi chiên áp chảo hay bỏ trên lò nướng nhưng tuyệt đối không đổ thêm dầu mà chỉ lật qua lật lại liên tục để tránh cho bị quá khô hay quá chín. Đến khi vừa chín, thì lúc đó người ta mới rót một chút dầu ô liu ngâm tỏi tím. Do thịt mực còn nóng hổi, nên dầu tỏi bốc mùi thơm ngay mà vẫn rất bổ, vì dầu tỏi đều không bị nướng cháy.
Hầu hết các món ăn ở đây toàn dùng đến dầu ô liu. Tại Hy Lạp, chữ dầu luôn hàm ý dầu ép từ trái ô liu chứ ít khi nào có một thứ dầu khác. Loại dầu màu xanh lá cây được ép từ các quả ô liu non và tươi, đăng đắng nhưng rất thơm. Còn loại màu vàng óng thì được ép từ các quả ủ trong vài tháng nên đậm mùi hơn. Ngoài đặc sản địa phương này, Hy Lạp còn nổi tiếng nhờ mật ong, ngon nhất vẫn là mật ong Orino, ướp với húng tây (thym), lạ nhất là mật ong mùi trái thông, có một chút vị cay nồng trên đầu lưỡi. Đối với du khách, Hy Lạp là vương quốc của ô liu và mật ong.
Nổi tiếng ngang tầm với đảo Capri ở Ý, Corfou lại có duyên hơn Tenerife và Canaries của Tây Ban Nha. Hòn đảo Hy Lạp này hội tụ được ba tiêu chuẩn mà du khách nước ngoài thường hay đòi hỏi. Các hãng du lịch gọi đó là tiêu chuẩn 3C trong tiếng Anh hay tiếng Pháp đều viết gần giống như nhau. Đó là culture (văn hóa), cuisine (ẩm thực) và calme (bình yên). Quần đảo miền Bắc Hy Lạp là một xâu chuỗi ngọc, đảo Corfou là viên đá quý giữa lòng đại dương.
Tuấn Thảo (RFI)
Hay quá, cho em xin link bài viết nhé, cám ơn anh!
Trả lờiXóa