Ngày 17/08/2010 có thể được xem là một bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt với việc khai mạc cơ chế Đối thoại Quốc phòng, cho phép giới chức lãnh đạo quân sự hai bên trực tiếp thảo luận với nhau trên những vấn đề cùng quan tâm hay quan ngại. Sự kiện này được giới quan sát hết sức chú ý vào lúc mà quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng trên vấn đề Biển Đông do các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Chuẩn đô đốc Mark Vance, hạm trưởng tàu sân bay John C. Stennis bắt tay Đại tá Đỗ Minh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Phòng không Không quân Việt Nam lên thăm tàu ngày 22/04/2009.
US Navy
Nghe bài viết này trên đài RFI
Cuộc họp giữa Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, chủ yếu bàn về các vấn đề song phương Mỹ-Việt. Thế nhưng theo lời công nhận của chính ông Robert Scher, phía Mỹ cũng đã "chia sẻ suy nghĩ của mình về sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc."
Ngay trước lúc hai bên họp lại, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tung ra bản báo cáo thường niên về tiềm năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong đó có ghi nhận khả năng Bắc Kinh tăng cường các hoạt động tuần tra của họ tại vùng Biển Đông có tranh chấp với Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia, Brunei…
Trong bài viết ngày 19/08 cho nhật báo Mỹ Wall Street Journal, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc, thuộc trường Đại học New South Wales, đánh giá là cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ Việt được khai mở đánh dấu một ‘’chuyển biến lớn’’ trong cảnh quan quân sự châu Á.
Sự kiện đó theo giáo sư Thayer, nối tiếp theo một loạt động thái càng lúc càng nhiều từ phía Việt Nam, cho thấy là họ công nhận tính chính đáng của việc Hoa Kỳ hiện diện quân sự trong vùng.
Đáng chú ý và nhiều ý nghĩa là sự kiện ngay từ năm ngoái, quan chức quân đội Việt Nam đã bay ra hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis ở ngoài khơi để quan sát các phi vụ của máy bay Mỹ trong vùng Biển Đông. Kế đến, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày hai bên thiết lập bang giao, Phó đại sứ Việt Nam tại Washington cũng lên thăm tàu sân bay USS George H.W. Bush neo tại cảng Norfolk. Chỉ ít lâu sau, đến lượt giới chức chính quyền và quân sự địa phương ở Đà Nẵng được mời ra hàng không mẫu hạm USS George Washington, cũng đậu ngoài khơi, lần này để quan sát các phi vụ thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.
Đối với giáo sư Thayer : ‘’Rõ ràng là hành động quyết đoán của Trung Quốc về mặt quân sự trong thời gian gần đây tại khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước đều chia sẻ cùng một quan tâm trong việc ngăn không cho Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác thống trị các tuyến hàng hải và áp đặt chủ quyền bằng các biện pháp cưỡng chế’’. Theo giáo sư Thayer, ‘’Việt Nam xem sự hiện diện của Mỹ là một rào cản chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc’’.
Chính phía Hoa Kỳ cũng xác định nhiều lần trong thời gian gần đây vai trò người bảo vệ quyền tự do lưu thông và phát triển của tất cả các nước trong vùng Biển Đông. Nhân cuộc họp thường niên về quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Philippines hôm thứ 18/08, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, đã nhấn mạnh rằng "Hoa Kỳ sẽ duy trì một sự hiện diện tại Biển Đông trong nhiều năm". Theo ông, chính các hành động "ngày càng quyết đoán" của Trung Quốc trong vùng là lý do khiến Mỹ phải làm như vậy.
Mỹ - Trung đối đầu nhưng sẽ không "đấu súng"
Tình hình căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạo nên một dư luận lo ngại là chiến tranh có thể nổ ra giữa hai bên. Trên báo chí hay các trang Web Trung Quốc không ngày nào là không có những bài viết vừa đả kích, vừa đe dọa Hoa Kỳ cũng như là Việt Nam bị cho là về hùa với Mỹ. Tuy nhiên đối với đa số giới phân tích, khả năng xung đột bùng nổ khó có thể xẩy ra trong bối cảnh cả hai bên đều nhận thức rõ là bom đạn không có lợi cho ai, và nhất là khi về phương diện quân sự, Trung Quốc vẫn còn yếu so với Hoa Kỳ.
Ngay cả đối với Việt Nam cũng thế, Bắc Kinh cũng phải cân nhắc lợi hại khi muốn dụng võ với Hà Nội. Lý do là vì với vấn đề Biển Đông ngày càng được công luận mọi nơi quan tâm, bất chấp ý đồ của Trung Quốc không muốn ‘’quốc tế hóa’’ hồ sơ này, một hành động quá đáng của Bắc Kinh sẽ gặp phải phản ứng mạnh của thế giới.
Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia nhật báo Người Việt tại California đã cho rằng Việt Nam cần tranh thủ tình hình hiện nay, để tỏ lập trường bảo vệ chủ quyền của mình một cách cứng rắn hơn trước các hành vi mà ông gọi là ‘’cướp biển’’ của Trung Quốc.
Trước hết, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho là dù quan hệ có dấu hiệu căng thẳng, nhưng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều thấy rõ là chiến tranh không có lợi cho ai
Nhà báo Ngô Nhân Dụng tại California
Quan điểm xuyên suốt của Hoa Kỳ từ 60 năm nay : không gây chiến với Trung Quốc mà dùng giao thương để củng cố quyền lợi
- Đứng về phiá Mỹ lý do rất đơn giản. Ngay từ giữa thế kỷ 20, khi Trung Quốc đem quân giúp Bắc Hàn đánh Nam Hàn, thì người Mỹ lúc đó có câu hỏi có nên đem quân vào Mãn Châu hay không ? Lúc đó giới chính trị của Mỹ đã thắng thế quyết định là không, trong khi giới quân sự tiêu biểu là tướng Mac Arthur, lại có ý định giúp quân đội Tưởng Giới Thạch tấn công vào Trung Quốc. Từ 60 năm nay quan điểm của Mỹ là không bao giờ muốn gây chiến tranh với Trung Quốc.
- Ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam thì Mỹ đã công khai nói với Trung Quốc là không bao giờ để cho quân đội miền Nam Việt Nam cũng như quân đội Mỹ tiến vào Bắc Việt. Họ đã nói rõ điều đó để Trung Quốc yên tâm là không xẩy ra tình trạng giống như chiến tranh Hàn Quốc, khi quân đội Mỹ tiến sát đến biên giới Trung Quốc.
-Nước Mỹ hiện càng không muốn đánh nhau với Trung Quốc khi thấy Trung Quốc đã đi theo con đường tư bản hoá kinh tế, không còn là kinh tế cộng sản nữa. Nước Mỹ đóng vai một anh « nhà giàu », có thể chỉ dùng giao thương kinh tế là đủ để củng cố quyền lợi, chứ đánh nhau thì chỉ tiêu tốn tiền mà thôi.
Trung Quốc chưa thể gây chiến vì kinh tế còn lệ thuộc phương Tây và cần một vùng Biển Đông ổn định
- Liệu Trung Quốc có thể nào mà nghĩ đến khả năng gây chiến với Mỹ trong vùng Á Đông trong vòng mươi năm hay 20 năm hay không ? Có thể Trung Quốc không bao giờ tính đến chuyện tranh giành địa vị bá chủ thế giới với Mỹ, mà chỉ muốn là trên thế giới này có nhiều cường quốc, gọi là thế giới đa cực, trong đó mỗi cường quốc đóng vai trò bá chủ trong vùng của mình.
- Trung Quốc không dính dáng đến Âu Châu, hay Châu Mỹ, nhưng sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Phi Châu, ở vùng Trung Á, và đặc biệt ở vùng Á Đông, và rõ ràng nhất là vùng Biển Đông. Thế tự nhiên của Trung Quốc, với tình trạng một nước lớn và kinh tế đang phát triển thì họ muốn đóng vai trò bá chủ trong vùng Á Đông, thành ra chuyện xung đột, đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á không thể tránh khỏi.
- Nhưng trong cuộc đối đầu đó, sử dụng đến quân sự để đánh nhau có thể là cái điều không có lợi gì đối với Trung Quốc : 80% dầu lửa và năng lượng dầu khí Trung Quốc đang sử dụng đều đi qua eo biển Malacca, từ Trung Đông cũng như là Indonêsia, đưa lên Trung Quốc ở phiá Bắc. Thành ra nếu xẩy ra một cuộc chiến tranh thì cả cái vùng bị tắc nghẽn. Nếu Trung Quốc không có năng lượng tiếp tế trong vòng 6 tháng hay 1 năm thì cả nền kinh tế sẽ đứng khựng lại.
- Từ năm 1980 đến nay, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là làm sao phát triển kinh tế theo một cái mô hình mới để cho dân của họ giàu mạnh hơn. Trong 30 năm qua họ đã tiến được rất nhiều. Trong việc phát triển kinh tế đó, họ tùy thuộc vào đường giao thông giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, đặc biệt đi qua Biển Đông.
- Thế nhưng mặt khác họ cũng tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ tại các nước Âu châu và Mỹ châu. Với tình trạng nền kinh tế Trung Quốc rất lệ thuộc vào xuất cảng, xuất cảng mà bị ngưng trệ thì nền kinh tế cũng bị đình đốn. Thành ra nếu xẩy ra chiến tranh với Mỹ, thì chắc chắn Âu châu cũng không còn buôn bán được với Trung Quốc nữa và xuất cảng của Trung Quốc sẽ bị tắc nghẽn.
Nỗi lo lớn nhất của Trung Quốc là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan trang bị vũ khí nguyên tử nếu chiến tranh bùng lên
- Có lẽ cái điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc lo sợ nhất là thế lực của các nước ở phiá Đông như là Nhật Bản, Nam Hàn và ngay cả Đài Loan. Chỉ cần tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng thêm đến mức mà các nước này sợ rằng chiến tranh xẩy ra thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ tìm cách củng cố sức mạnh quân sự của họ.
- Đặc biệt là những nước này từ trước đến nay không bao giờ tính đến chuyện chế tạo bom nguyên tử, bởi vì họ yên tâm có cái lá dù của Mỹ che chở. Trên nguyên tắc, Nhật Bản vẫn theo một Hiến pháp hòa bình, không có quân đội với sức mạnh tấn công, chỉ có lực lượng an ninh phòng thủ mà thôi. Nếu tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới nỗi sợ hãi là hai nước đánh nhau thì chắc chắn Nhật sẽ bãi bỏ hiến pháp hoà bình, tái lập quân đội, chế tạo bom nguyên tử và hoả tiễn đạn đạo. Khi đó Trung Quốc sẽ sợ cái sức mạnh quân sự của Nhật Bản, Nam Hàn cũng như Đài Loan chắc chắn cũng dư sức chế tạo bom nguyên tử. Đấy là điều mà Trung Quốc không bao giờ muốn xẩy ra.
- Có thể nói hiện nay cả Trung Quốc và Mỹ như là đã thoả hiệp, đồng loã với nhau là làm sao để cho những nước như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, đừng ai nghĩ đến việc chế tạo bom nguyên tử. Nếu tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên quá cao, lúc đó Mỹ sẽ bật đèn xanh cho những nước kia tiến tới việc tái vũ trang và chế tạo bom nguyên tử. Đó cũng là lý do rất quan trọng khién Trung Quốc không thể tính đến chuyện gây chiến tranh với Mỹ, ít nhất là trong vòng 1/4 thế kỷ tới.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng hiện thời
-Tôi nghĩ rằng phiá Trung Quốc cho là giữ tình trạng hiện nay, gọi là statu quo, sẽ tốt cho họ hơn là gây ra những xung đột mạnh hơn. Với tình trạng hiện nay họ đã đủ sức lấn áp các nước chung quanh rồi. Họ lấn Việt Nam, luôn luôn có xung đột với Indonesia, với Malaysia ở vùng Sarawak, phiá Bắc Bornéo. Do vậy, nguyên trạng bây giờ có lợi cho họ. Nếu họ gây ra một cuộc chiến tranh nhỏ, dù là chỉ một hòn đảo, với Việt Nam, thì cả thế giới sẽ có phản ứng.
- Gần đây, họ chỉ mới tuyên bố một câu là vùng biển Nam Hải, tức Biển Đông, thuộc phạm vi quyền lợi cốt lõi của họ, là đã đủ để cho tất cả các nước Đông Nam Á trông đợi vào Mỹ. Chính ông Lý Quang Diệu ở Singapore, cũng kêu gọi là Mỹ phải trở lại có mặt ở vùng Đông Nam Á này.
- Tất cả các nước trong vùng đều sợ hãi, sẽ dè dặt hơn và chống đối Trung Quốc nhiều hơn. Chắc chắn Mỹ sẽ lợi dụng tình trạng đó để gia tăng sức mạnh quân sự của họ ở vùng Á Đông này và gia tăng trận chiến ngoại giao của họ để liên kết với các nước Đông Nam Á chống lại Trung Quốc.
Thành ra bất cứ hành động chiến tranh nào của Trung Quốc đối với bất cứ nước nào ở chung quanh, cũng có thể gây ra phản ứng rất mạnh từ phiá các nước Á Đông, Nhật Bản, Nam Hàn, đến Đông Nam Á, và rồi đặc biệt tạo ra sự liên kết của các nước đó với Mỹ.
- Cho nên tôi không nghĩ là Trung Quốc muốn gây ra một cuộc đụng độ đổ máu với Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, nếu hải quân Trung Quốc có những hành động có tính cách cướp biển như là bắt cóc ngư phủ Việt Nam rồi đòi tiền chuộc hay tịch thu tàu thuyền, thì người Việt Nam có thể phản ứng rất mạnh.
-Có lẽ đây là một cách để chứng tỏ với Trung Quốc rằng Việt Nam không sợ. Mà phản ứng mạnh như vậy cũng không lo là Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự để tấn công mình, vì bây giờ Việt Nam, dù không phải là nước có liên minh quân sự với bất cứ nước nào khác, thì các nước đó cũng thấy rằng việc Trung Quốc tấn công vào Việt Nam là điều đe doạ chính họ nữa. Và người Mỹ sẽ sẵn sàng lợi dụng cái tình thế đó để liên kết với các nước trong vùng để chống lại Trung Quốc.
- Đó là cái lý do khiến tôi nghĩ là Việt Nam có thể có một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc mà không lo sợ gì cả. Và tất nhiên là trong đường dài, Việt Nam phải liên kết với các nước Đông Nam Á và đặc biệt là với các cường quốc hải quân khác và nước có hải quân mạnh nhất trong vùng bây giờ vẫn là nước Mỹ. Cái sự liên kết đó là chiến lược mà Việt Nam không thể nào bỏ qua được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét