Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XXVII Q.N.C (03/10/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net NẾU BẠN CÓ ĐỨC TIN Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Thiên Chúa và quyền năng của Người làm cho mọi sự trở nên có thể đối với ai có lòng tin." Hãy thử một trò chơi. Giả như bạn bước vào một cái máy thời gian và đi ngược dòng thời gian để trở về năm 1776. Giả như bạn mang theo tờ báo mới phát hành hôm nay và khi trở về năm 1776, giả như có vài người cầm lấy tờ báo ấy để đọc. Không biết họ sẽ hiểu được bao nhiêu về tờ báo ấy? Phần lớn các nhà chuyên môn sẽ cho rằng họ không đủ kiến thức để hiểu tờ báo ấy. Họ sẽ đọc nó như một ngôn ngữ xa lạ. Thử kể ra một vài chữ mà những người thời 1776 không thể hiểu nổi: xe hơi, máy bay, phi hành gia, siêu xa lộ, siêu thị, máy lạnh, thị trường chứng khoán, rađiô, truyền hình, phi thuyền, đi trên mặt trăng, tên lửa tầm xa. Rồi giả như có người hỏi bạn máy truyền hình là gì. Bạn sẽ nói đó là một phương cách để nhìn thấy những gì thật xa như ở mãi Trung Cộng mà đang thực sự xảy ra ở đó. Giả như có người hỏi tên lửa tầm xa là gì. Bạn sẽ nói đó là một phương cách phóng đi một viên đạn thật lớn từ Hoa Kỳ và tiêu hủy một thành phố ở bên Nga. Giả như có người hỏi đi trên mặt trăng là gì. Bạn sẽ nói đó là một người ở dưới đất dùng phi thuyền bay lên mặt trăng và bước đi trên đó. Bạn nghĩ là họ sẽ nói gì với bạn? Nếu họ là người có chút khả năng phán đoán, họ sẽ nói bạn điên. Vì bất cứ ai còn chút ý thức đều biết rằng bạn không thể thấy điều gì đó đang xảy ra ở Trung Cộng trong khi bạn còn ngồi ở Nữu Ước. Bất cứ ai có ý thức đều biết rằng một viên đạn lửa bắn đi từ Hoa Kỳ, dù lớn đến đâu đi nữa, cũng không thể tiêu huỷ một thành phố ở Nga. Bất cứ ai có ý thức đều biết rằng bạn không thể bay như chim lên mặt trăng, rồi bước ra ngoài dạo chơi rồi sau đó trở về mặt đất. Mục đích của trò chơi là để chứng minh rằng những gì mà người của thế kỷ này cho rằng vô nghĩa và không thể được thì lại là điều thực tế và phổ thông đối với người của thế kỷ khác. Mục đích của trò chơi là để cho thấy điều mà người ở thế kỷ này không bao giờ mơ tưởng tới thì đó lại là điều bình thường đối với người ở thế kỷ khác. Có một bài học quan trọng ở đây. Nếu chúng ta nhìn về đời sống với một thái độ lạc quan, coi mọi sự đều có thể xảy ra thì có lẽ chúng ta sẽ đạt được điều đó. Ngược lại, nếu chúng ta cho rằng có những điều không thể thực hiện được thì có lẽ chúng ta cũng thất bại không thể hoàn thành. Vì người của thế kỷ này không thể phán đoán những gì có thể hay không thể ở thế kỷ khác. Bây giờ hãy chơi một trò khác. Giả như có ai đó từ năm 3000 đến địa cầu hôm nay trong một máy thời gian. Giả như người đó có một tờ báo mà trong đó không có những tin tức về các vụ bạo động, không có nghèo đói, không có chiến tranh giữa các quốc gia. Giả như tờ báo đó chỉ toàn những câu chuyện đầy yêu thương, đầy bình an, đầy tình bạn. Bạn sẽ nói gì? Nếu bạn có chút ý thức bạn sẽ nói không thể nào có một thế giới như vậy được. Bạn sẽ nói đó là một thế giới không có thực. Bạn sẽ nói tờ báo ấy đầy những tuyên truyền để gây ấn tượng đối với người của thế kỷ 20. Tại sao? Vì bất cứ ai có ý thức đều biết rằng nơi đâu đó loài người là nơi đó có bạo động và hận thù. Bất cứ ai có ý thức đều biết rằng nơi đâu có loài người là nơi đó có kẻ giầu và người nghèo. Bất cứ ai có ý thức đều biết rằng nơi đâu có quốc gia là ở đó có võ lực và chiến tranh. Có một bài học quan trọng ở đây. Nếu chúng ta nhìn đời sống với một thái độ bi quan, cho rằng hoà bình trên thế giới không thể nào có được, có lẽ chúng ta sẽ thất bại không đạt được điều đó. Nếu chúng ta nhìn đời sống với thái độ cho rằng, tự trong tâm hồn, con người thì ích kỷ và vô lo, có lẽ chúng ta sẽ không thiết lập được một xã hội vị tha và biết chăm sóc cho nhau. Nếu chúng ta nhìn đời sống với thái độ rằng các quốc gia vốn đã thù nghịch và hung dữ, có lẽ chúng ta không thể đạt được một nền hòa bình trên thế giới. Và điều đó đưa chúng ta đến điểm quan trọng nhất. Hòa bình trên mặt đất là điều có thể. Con người yêu thương nhau là điều có thể. Sự hài hòa giữa các quốc gia là điều có thể. Và lý do mà những điều này có thể là vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và dạy chúng ta phải sống như thế nào. Lý do mà những điều ấy có thể được là vì Chúa Giêsu đã nói như vậy. Đó là điều Chúa muốn nói khi Người dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha "Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời." Lý do mà những điều ấy có thể được là vì Chúa Giêsu đã chết để những điều đó có thể thực hiện được. Lý do mà những điều ấy có thể được là vì Chúa Giêsu đã sống lại để những điều đó có thể thực hiện được. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài phúc âm hôm nay. "Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, các con có thể nói cây dâu này, 'Hãy bật rễ lên và xuống dưới biển mà trồng!' thì nó sẽ vâng lời các con ." Tin mừng của phúc âm hôm nay là, qua đức tin, quyền năng của Thiên Chúa tùy thuộc nơi chúng ta. Kết quả là, không có gì là không có thể-ngay cả một thế giới không có chiến tranh, ngay cả một thế giới không có nghèo đói, ngay cả một thế giới không còn hận thù. Hãy nhớ rằng điều mà con người của thế kỷ này cho là không thể được thì người của thế kỷ khác lại cho là bình thường. Đó chỉ là vấn đề quan điểm và đức tin. Đó chỉ là vấn đề tín thác nơi Chúa Giêsu khi Người nói: "Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, các con có thể nói cây dâu này, 'Hãy bật rễ lên và xuống dưới biển mà trồng!' thì nó sẽ vâng lời các con ." ĐỨC TIN & PHỤC VỤ "Hãy bật rễ đi" (Lc 17, 6) Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Đức tin - phục vụ Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca ghi lại 2 điều Chúa Giêsu căn dặn những kẻ muốn làm môn đệ Ngài. a. Điều thứ nhất là về đức tin: Câu chuyện khởi đầu với lời xin của các tông đồ "Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con". Ta hãy chú ý họ là các tông đồ chứ không phải chỉ là môn đệ thường. Họ đã từng sống với Chúa Giêsu một thời gian dài, nghe biết bao điều Ngài giảng dạy, thấy biết bao điều Ngài làm. Họ là thành phần ưu tú được chọn riêng ra trong số 72 môn đệ. Thế mà họ vẫn cảm thấy mình thiếu đức tin. Các tông đồ mà còn cảm thấy thiếu đức tin, thì huống chi chúng ta! Nhiều khi chúng ta quỳ chầu trước Thánh Thể mà hình như không tin có Chúa đang ngự trong Nhà tạm. Nhiều khi chúng ta rước lễ mà hình như không tin có Chúa đang thực sự ở trong lòng ta. Và nhiều khi đứng trước một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hình như không tin lời Chúa dạy "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian". Mặc dù chúng ta đã học giáo lý nhiều, đã đọc Thánh Kinh nhiều, nhưng tại sao chúng ta không vững đức tin? Như thế đủ biết Đức tin không phải là kết quả của học hỏi, của kiến thức. Đức tin chính là một ơn ban. Tại sao rất nhiều bậc thông thái không có đức tin, còn chúng ta không thông thái gì, thế mà có đức tin. Rõ ràng vì Chúa thương chúng ta nên ban đức tin cho chúng ta. Và chính vì đức tin là một ơn ban, cho nên chúng ta phải xin như các tông đồ ngày xưa: "Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho chúng con". Đức tin không phải là kết quả của học hỏi và của kiến thức. Ngược lại nhiều khi càng học biết nhiều thì càng khó mà tin. Tại sao thế? Thưa tại vì trong đức tin luôn có một phần mờ tối, khi ta tin thì luôn có một phần mạo hiểm. Nếu tất cả đều sáng tỏ hết rồi ta mới tin thì đấy không phải là đức tin. Nếu tất cả đều chắc chắn rồi ta mới dấn thân thỉ đấy cũng không phải là một hành vi đức tin. Đức tin luôn có phần mờ tối, tin luôn đòi ta mạo hiểm dấn thân. Nhưng nói thế không phải là chúng ta tin cách mù quáng, trái lại chính vì chúng ta yêu. Xin lấy một thí dụ trong đời thường: ở một vùng kinh tế mới nọ, có một thanh niên và một thiếu nữ quen nhau. Mỗi người họ đến từ một miền khác nhau. Quen nhau một thời gian rồi họ yêu nhau. Và một hôm người thanh niên ngõ lời xin cưới cô gái. Cô gái ưng thuận ngay. Người thanh niên mới hỏi: Em không biết gốc gác của anh, không biết gia đình anh, em không sợ bị anh gạt hay sao mà dám giao phó cuộc đời cho anh? Cô gái đáp: không. Anh chàng hỏi thêm: Tại sao? Và cô gái trả lời rất gọn: vì em yêu anh. Người con gái ấy vì yêu nên đã tin người thanh niên nọ. Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta yêu Chúa thì chúng ta mới tin Chúa được, yêu càng nhiều thì tin càng mạnh. Cho nên ngoài việc xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng yêu mến cho chúng ta. b. Điều thứ hai Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là: người môn đệ Chúa phải biết phục vụ, và phục vụ cách vô vụ lợi. Giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày, sau khi đã chăn chiên rồi về nhà còn phải dọn cơm cho chủ, đứng đó hầu hạ chủ, rồi dọn dẹp. Xong xuôi hết thì nói "Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng". Nhiều chuyên viên Thánh Kinh nói rằng dịch chữ vô dụng không được đúng lắm. Ý nghĩa của nó là "Tôi chỉ là một người đầy tớ mà thôi, không hơn không kém". Người đầy tớ thì đương nhiên phải phục vụ, phục vụ là bổn phận của người đầy tớ. Cho nên dù có phục vụ nhiều thì cũng không có gì là công lao để đòi chủ biết ơn. Khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ để làm bài học cho các môn đệ, Ngài muốn nhắc chúng ta rằng làm môn đệ, làm tông đồ chính là làm đầy tớ. Bởi thế Đức giáo Hoàng xưng mình là "Đầy tớ của các đầy tớ". Có một điểm rất sâu sắc về từ ngữ: trong Thánh Kinh, chữ "phục vụ" vừa chỉ việc làm của một người đầy tớ đối với chủ, vừa chỉ việc làm của người tín hữu phụng thờ Chúa. Tế lễ là phục vụ Chúa. Như thế, khi chúng ta phục vụ người ta thì cũng có nghĩa là chúng ta đang phụng thờ Chúa. Và nếu như suốt ngày chúng ta lo phục vụ anh em thì điều đó có nghĩa trọn ngày hôm đó của chúng ta là một Thánh lễ nối dài. * 2. Chiếc bình trống rỗng Một thầy Rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy. Một người trong bọn họ nói: "Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy". Người khác nói: "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham". Người thứ ba nói: "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp". Người thứ tư châm vào: "Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Môsê và thầy mà thôi". Vị Rabbi tỏ ra bồn chồn không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi: - Ông có nghe họ ca tụng ông không? - Có. - Thế tại sao ông lại tỏ ra bực dọc như thế? Vị Rabbi than phiền: - Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi? * Mong người ta ca ngợi sự khiêm tốn của mình thì chẳng còn khiêm tốn! Cho dù thầy Rabbi có khôn ngoan như Salomon, đức tin ngang ngửa với Abraham, kiên nhẫn như ông Gióp và thân mật với Chúa như Môsê mà không có lòng khiêm tốn thì tất cả các nhân đức ấy cũng chỉ đổ sông đổ biển mà thôi. Nếu người ta thực hành các nhân đức, chu toàn các việc đạo, làm nhiều việc thiện, nhưng để tự mãn và khoe khoang công trạng thì ngay lúc đó họ không còn thánh thiện nữa. Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10). Thật vậy, chúng ta là những đầy tớ của Thiên Chúa, chúng ta chỉ làm những gì phải làm. Cho dù là đức Thánh Cha cũng luôn luôn nhận mình là "đầy tớ của các đầy tớ Chúa". Đã là đầy tớ thì phải vâng lệnh chủ, làm tất cả những gì ông sai bảo mà không được kể công, cũng không buộc ông phải nhớ ơn. Đó là chuyện hết sức bình thường, chuyện bổn phận. Có rất nhiều bổn phận phải chu toàn như bổn phận "mến Chúa yêu người", có ai đám nhận mình không hề thiếu sót. Cho dù họ có làm được điều gì tôn vinh Thiên Chúa hay phục vụ anh em đồng loại, thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa ban cho. Kẻ kiêu ngạo không bao giờ cảm thấy mình cần Chúa, họ luôn tự mãn với thành quả mình đã đạt được, luôn cho rằng thành công là do mình tạo nên. Đó là nỗi bi đát cố hữu của những kẻ kiêu ngạo, của nhóm Pharisêu, và cũng là cám dỗ thường xuyên của mỗi người chúng ta. Người khiêm tốn trái lại, luôn hãnh diện về những thiếu sót của mình, chính vì thiếu sót nên họ càng phải cậy dựa vào Chúa nhiều hơn. Thế nên, khi được thành công thì họ rất vui mừng cho rằng đó là món quà bất ngờ Chúa ban. Đó là lý do tại sao Chúa lại yêu thích những con người khiêm tốn như thế. Nếu đã ý thức mình là thân phận nhỏ bé, là "đầy tớ vô dụng", thì cho dù khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ nhưng kiêu căng một chút đã quá nhiều. Vì thế, chỉ có những ai thấu hiểu thân phận yếu đuối của mình, mới chứa nổi Đấng mạnh mẽ vô song. Chỉ có những kẻ xoá mình ra không mới có chỗ cho Đấng Vô Cùng. Chỉ có những chiếc bình trống rỗng mới có thể đón nhận tràn đầy hồng ân. * 3. Phục vụ trong tình yêu Nhiều người xem Chúa như một ông chủ thuê người làm việc và con người là những người được thuê ấy. Bởi thế, sau khi làm được một việc gì, họ nghĩ rằng Chúa phải ban ơn cho họ, như một cách trả tiền công. Suy nghĩ trên hoàn toàn sai. Và rất may là suy nghĩ đó sai, bởi vì nếu Chúa thực sự đối xử với ta như một ông chủ đối xử với người làm thì chắc chúng ta chẳng nhận được bao nhiêu từ tay Ngài, bởi vì công lao của chúng ta chẳng có là bao. Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng tương quan của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta là tương quan ân sủng và tình yêu, bởi vì Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Con cái làm việc theo ý Cha đâu phải để được Cha trả lương; và Cha ban gì cho con đâu phải vì trả nợ. Vả lại Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và ban rất nhiều ơn cho chúng ta trước khi chúng ta làm được việc gì xứng đáng với tình yêu của Ngài. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Vì thế tất cả những gì chúng ta làm bây giờ chỉ là để đáp lại tình yêu của Ngài. Còn nữa, chúng ta tuân giữ những điều răn của Chúa không phải để được Ngài yêu thương, nhưng chúng ta tuân giữ các điều răn Chúa bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu có thể được diễn tả thế này: Chúa nhân từ kêu gọi các môn đệ hãy phục vụ Ngài vì tình yêu chứ không phải vì bổn phận. Vì vậy, chỉ đức tin thôi chưa đủ, còn phải có tình yêu nữa. Trong khi đức tin khiến cho mọi sự trở thành có thể, thì tình yêu khiến cho mọi sự trở thành dễ dàng. (FM) 4. Chuyện minh họa a/ Đức tin lớn lao Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi: - Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao? - Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. b/ Tin người đáng tin Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra hỏi một người đứng kế bên: - Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? - Phải đó bà. Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác, cũng hỏi: - Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? - Phải đó bà. Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hoả xa, bà hỏi: - Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? - Phải, thưa bà. Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà đã tin người đáng tin. Đức tin là thế! c/ Phục vụ là hạnh phúc Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi "sự" nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc". Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson). * Lạy Chúa, có một ân huệ nào chúng con đã nhận lãnh mà không phải do Chúa thương ban, có một điều thiện nào chúng con thực hiện mà chẳng do Chúa tác thành. Xin tiếp tục đổ đầy vào tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối và bất toàn của chúng con những điều tốt lành mà Chúa đã khởi sự cho chúng con. Amen. HÃY ĐỂ THÁNH THẦN KHƠI DẬY NGỌN LỬA ĐỨC TIN TRONG LÒNG TA. Siciliano Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng lời thỉnh cầu của các tông đồ với Đức Giê-su, “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Tại sao các tông đồ lại cảm thấy thiếu thốn vào chính lúc này trong hành trình theo Đức Giê-su? Nghe có vẻ như các ông yếu ớt quá. Nếu chúng ta dành chút thời gian đọc những câu Kinh Thánh trước đoạn này, có lẽ chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao các ông lại thỉnh cầu như vậy. Đức Giê-su vừa chỉ cho các môn đệ thấy được bản chất nghiêm trọng và hậu quả của việc gây gương mù khiến người khác phạm tội (“… Thà buộc thớt đá cối xay vào cổ nó mà đẩy xuống biển”). Sau đó, Ngài dạy họ về sự tha thứ họ phải có – ngay cả đối với những người có lỗi với với họ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các ông buộc phải cầu xin, “xin gia tăng lòng tin cho chúng con.” Sau khi nghe những lời Đức Giê-su vừa nói, có lẽ chúng ta cũng phải thốt lên, “Lạy Chúa Giê-su, dù sao xin Ngài cũng gia tăng lòng tin cho chúng con luôn!” Ai mà không cảm thấy thiếu thốn lòng tin khi nhận ra mẫu người Chúa Giê-su muốn chúng ta trở thành? Nếu, trong thế giới lúc nào cũng muốn báo thù này, chúng ta luôn sẵn sàng tha thứ ngay cả cho những người đã xúc phạm đến ta, khi đó chúng ta sẽ trở thành những môn đệ rất dễ thấy mà Đức Giê-su đã miêu tả ở những chỗ khác, “ là ánh sáng cho thế gian – một thành phố được xây trên núi.” Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã minh họa điều đức tin có thể thực hiện: Đức tin cỡ bằng hạt cải có thể làm cây dâu cắm rễ sâu trong lòng đất cũng phải bật gốc lên và quăng nó vào lòng biển. Vào lúc này trong cuộc hành trình, các môn đệ không xin Thầy mình một bản danh sách các học thuyết họ phải đón nhận và sống. Đức Giê-su đang dẫn các môn đệ của mình lên Giê-ru-sa-lem, dọc đường Ngài cũng tiên báo Ngài phải chịu đau khổ và chịu chết. Dầu vậy, Ngài luôn nhắc nhở họ phải tín thác nơi Ngài và phản ánh sự tín thác này bằng những cách thức đặc biệt. Ngài không chỉ nói tới cái đầu của họ, mà đòi hỏi họ phải hoàn toàn suy phục Thiên Chúa qua Ngài. Ngài nói với họ, số lượng đức tin nhiều ít không quan trọng. Dù sao đi nữa, làm sao chúng ta có thể đo lường đức tin theo cách nào đó? Ngài muốn chúng ta vững tin nơi Ngài và bước đi trong hành trình đời mình với sự xác tín rằng, trong Thần Khí của Ngài, Ngài vẫn luôn đồng hành với ta. Đức tin giúp chúng ta có khả năng làm những việc phi thường. Nhưng Đức Giê-su không hy vọng chúng ta dùng đức tin để nhổ bật rễ cả một rừng dâu. Trái lại, phận vụ làm môn đệ hầu như đòi hỏi nơi chúng ta nhiều việc làm bình thường hơn. Chúng ta như người đầy tớ trong dụ ngôn, luôn được kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Người đầy tớ thì có rất nhiều tài, vừa là người làm vườn vừa là người làm bếp! Chẳng phải đó là thái độ phục vụ Đức Giê-su muốn sao – nhiệm vụ đa năng. Qua dụ ngôn, các bạn có thấy rằng người môn đệ sẽ không “rảnh rỗi” một khi chúng ta bước theo đường lối của Đức Chúa và phục vụ trong danh Người. Chẳng hạn, chúng ta thực hành vai trò làm môn đệ: vừa ở trong công ty vừa ở nhà; vừa dạy trong trường vừa tình nguyện làm việc trong một điểm phát lương thực từ thiện; trong những cuộc họp thương mại và như những thừa tác viên Thánh Thể; như những y tá và những gia sư dạy ngôn ngữ, … Chúng ta không thể đóng hộp đời sống Ki-tô hữu của chúng ta thành những danh mục gọn gàng được: ở đây tôi là một tín hữu thực hành, trong khi ở chỗ khác tôi nghỉ xả hơi và chỉ cần hòa nhập với đám đông mà thôi. Đức Giê-su cũng nói với chúng ta, ngay cả những môn đệ toàn thời gian, rằng chúng ta chỉ đang làm điều chúng ta phải làm mà thôi. Vì vậy, không có chỗ để khoác lác về những thành tựu và so bì chúng ta với người khác. Ai trong chúng ta lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay lại có thể làm điều gì khác ngoài việc trở thành người môn đệ dấn thân hoàn toàn. Chúng ta cũng chẳng thể chỉ vào một số Ki-tô hữu nổi trội trong cộng đoàn, trong Giáo Hội và nói, “Chúa Giê-su đã ban cho họ nhiều đức tin hơn tôi và vì vậy, họ chính là những người bài Tin Mừng hôm nay nói đến.” Ngài nói với chúng ta rằng, cho dù chúng ta có đức tin thế nào đi nữa, “hãy làm việc, làm những gì mình biết mình nên làm và tin tưởng rằng Ta sẽ luôn ở với con trong mọi nẻo đường con được mời gọi phục vụ.” Có một lần tôi tham dự một lễ cưới. Một linh mục khác làm chủ tế. Cuối lễ vị linh mục này đã trao cho đôi vợ chồng một “nhiệm vụ”, thách thức họ “không được quên ngày phấn khởi này”. Ngài nói họ phải nhớ lời Thiên Chúa hứa sẽ ở cùng và trợ giúp họ trong suốt đời sống hôn nhân. Ngài cũng “trao nhiệm vụ” cho họ phải nhớ các linh mục hiện diện trong buổi lễ và lời hứa các linh mục hứa sẽ trợ giúp họ trong những năm tới. Trong thực tế, vị linh mục buộc cặp vợ chồng phải luôn nhớ Bí tích họ mới cử hành và sẽ sống hết cuộc đời lứa đôi của mình. Khi cuộc sống thử thách mối tương quan của họ, như lời thánh Phao-lô, họ phải “khuấy ơn Chúa thành ngọn lửa…” Trong khi thánh Phao-lô nói những lời này cho Ti-mô-thê, người môn đệ trẻ của người, những lời này có vẻ thích hợp cho đôi vợ chồng trẻ này trong ngày cưới của họ - và cho chúng ta, những tín hữu tụ họp trong buổi cử hành Thánh Thể hôm nay. Chúng ta buộc phải nhớ lại lời Thiên Chúa đã hứa lần đầu tiên với chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội: trong Đức Ki-tô Thiên Chúa sẽ đồng hành với chúng ta suốt hành trình cuộc đời. Những người hiện diện trong ngày đó, đại diện cho cộng đoàn Ki-tô hữu, cũng hứa trợ giúp chúng ta bằng việc nêu gương, lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân của họ. Thánh Phao-lô viết thư này khi còn trong tù và vì vậy ngài biết rằng, từ những kinh nghiệm gian khổ cá nhân, đời sống của Ti-mô-thê trong vai trò là người giảng thuyết Tin Mừng sẽ phải đón nhận những thử thách khốc liệt. Cho dù ơn gọi đời sống của chúng ta có là gì, mỗi người chúng ta cũng đều được ban những đặc sủng, những ơn để phục vụ, mà chúng ta được mời gọi để thực thi không chỉ trong lòng Giáo Hội mà cả trong lòng thế giới nữa. Như một ngọn lửa bừng cháy, những ơn này có thể giảm nhỏ xuống, nếu không được nuôi dưỡng. Vì thế, thánh Phao-lô muốn chúng ta chăm sóc ngọn lửa để nó bừng cháy lên trong chúng ta; khơi tro tàn lên, thêm nhiên liệu vào và quạt cho ngọn lửa bùng lên. Nếu coi thánh Phao-lô như là một điển hình nào đó, thì việc sống và chia sẻ Lời Chúa qua lời và gương sống của chúng ta cũng sẽ rước lấy những đau khổ - sự chối từ thù nghịch, những lời châm chọc… Mỗi người chúng ta cần một ngọn lửa đức tin bừng cháy mạnh mẽ. Làm sao chúng ta đáp trả “nhiệm vụ” của thánh Phao-lô và “khuấy thành ngọn lửa” đức tin năng động được trao cho chúng ta trong ngày Rửa Tội? Chúng ta không thể tự làm điều này. Thánh Phao-lô gợi ra vài việc chúng ta có thể làm để giúp việc “khuấy lên” đức tin của ta. Trước hết và trên hết, Chúng ta có Chúa Thánh Thần ở với chúng ta và thánh Phao-lô nhắc chúng ta về sự trợ giúp Thánh Thần cư ngụ trong lòng có thể ban cho chúng ta – không chỉ như nguồn mạch đức tin, mà như nguồn năng lượng vô biên giúp chúng ta hành động dựa trên niềm tin đó, đặc biệt khi nó bị thách thức và chống đối. Thánh phao-lô nói, vì Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta không được hèn nhát, và bị đè bẹp bởi những thử thách cuộc sống quăng vào chúng ta. Thay vào đó, chúng ta có thể với “niềm tin bằng hạt cải” hành động đầy “quyền năng, tình yêu và tự chủ.” Đây là những quà tặng của Thánh Thần được củng cố nơi bản thân mỗi người chúng ta hôm nay trong Thánh lễ này. Làm sao chúng ta có thể “khuấy lên niềm tin của mình” trong buổi cử hành phụng vụ hôm nay? Chúa Giê-su đã miêu tả Thánh Thần như một cơn gió thổi đâu tùy ý. Vì thế, chúng ta hãy kêu mời Thánh Thần thổi hơi vào những cục than tàn của ơn gọi Bí tích Rửa tội của chúng ta và khuấy lên thành ngọn lửa những gì chúng ta đang lơ là. Hay, khơi lên một ngọn lửa mới đối với những thử thách chúng ta đang phải đối mặt vào lúc này trong cuộc đời chúng ta.Amen. Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét