Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng chủ đề "CẦU VÀ TIN" của Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R
CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
* 1. Vai trò của cầu nguyện
Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con".
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện:
- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được?
- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
- Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
* 2. Cầu nguyện luôn
Đoạn Tin Mừng hôm nay bắt đầu như sau: "Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí". Nhiều người chưa thấy giá trị của sự cầu nguyện liên tục. Họ nghĩ chỉ cần cầu nguyện khi có việc cần Chúa giúp, thế là đủ. Chuyện sau đây là câu trả lời cho những người ấy.
Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v. v. Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.
Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật: "Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi".
Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì:
Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.
Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.
Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.
Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.
Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.
* 3. Hai tư thế cầu nguyện
Hồi còn bé, chúng ta được dạy chấp tay lại khi cầu nguyện. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.
Cầu nguyện chấp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những hoạt động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm như người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.
Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chấp lại hay giang ra, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy. (FM)
* 4. Cầu thay nguyện giúp
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng: "Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 30O đồng nhé".
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau: "Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng!"
*
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé: Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ "chỉ tiêu" chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18, 1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người.
Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phao lô dạy: "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8, 21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết: "Pytago đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả". Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở: "Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" (Lc 18, 8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.
* 5. Mảnh suy tư
a/ Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng.
Hoa trái của cầu nguyện là đức tin
Hoa trái của đức tin là tình yêu
Hoa trái của tình yêu là phục vụ
Và hoa trái của phục vụ là bình an.
b/ Lời cầu nguyện của ta được Chúa đáp lời, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta xin, mà khi chúng ta được Chúa ban cho ý thức Chúa đang gần gũi mình.
- Lời cầu nguyện của bệnh nhân được đáp lời, không phải khi anh khỏi bệnh, mà khi anh cảm nhận được Chúa vẫn ở cạnh mình, nhờ đó anh ý thức rằng cơn bệnh không phải là hình phạt của Chúa, cũng không phải là dấu Chúa đã bỏ anh.
- Có thể sự cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng nó giúp ta có thể trực diện với thế giới.
c/ Hồi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cầu nguyện bằng cách đọc kinh. Bây giờ đã lớn, chúng ta hãy học cầu nguyện bằng cách mở rộng cõi lòng ra cho Chúa.
*
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo.
Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.
CẦU NGUYỆN VỚI SỰ KIÊN TRÌ
Cha Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Cầu nguyện là vấn đề đức tin, chứ không phải cảm giác"
Có một bà mẹ gọi điện thoại cho cha xứ. Bà ấy mới thuyết phục được cô con gái đi tĩnh tâm và bà rất phấn khởi.
Trong cuộc đàm thoại, bà nói với cha xứ, "Con ao ước đứa con gái của con có một đức tin sâu đậm-giống như đức tin của con ngày xưa khi bằng tuổi cháu."
Cha xứ trả lời quả thật là cô ấy có một đức tin sâu đậm. Có lẽ bây giờ bà không còn cảm thấy đức tin như ngày xưa, nhưng đó là vì bà đã trưởng thành và thăng tiến trong một chiều hướng mới.
Ông Keith Miller có cùng một nhận định quan trọng này trong cuốn The Taste of New Wine (Vị Rượu Mới).
Ông cho biết ông cảm thấy buồn khi không còn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện.
Rồi một ngày kia, bỗng dưng ông nhận ra sự sai lầm khi muốn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện. Nếu đó là lý do để ông cầu nguyện thì ông đã biến sự cầu nguyện thành một loại nuông chiều chính mình. Ông viết:
Tôi nhận ra rằng hầu hết cuộc đời tôi chỉ là một người duy cảm tâm linh, chỉ muốn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, và tôi buồn khi không được...
Bởi đó tôi cố gắng cầu nguyện, dù có cảm thấy hay không, và rồi lần đầu tiên trong đời tôi thấy rằng chúng ta có thể sống dựa vào đức tin đơn thuần.
Hơn thế nữa, tôi thấy rằng chính sự cầu nguyện này lại giúp tôi cảm được sự hiện diện của Chúa nhiều hơn về sau.
Ông Keith không chỉ khám phá sự sai lầm khi luôn luôn muốn cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong khi cầu nguyện; ông còn học được điều quan trọng.
Ông biết một chân lý lớn lao về tâm linh rằng "ơn sủng nhờ sự cầu nguyện" thường xảy đến ngoài thời gian cầu nguyện.
Nói cách khác, có thể chúng ta chẳng cảm thấy gì trong khi cầu nguyện. Nhưng trên thực tế, một điều gì đó quan trọng và mỹ miều đang xảy ra.
Chúng ta đang vun trồng các hạt giống mà nó cần thời gian để nẩy mầm, để lớn lên và sinh hoa kết quả-sau này, bên ngoài thời gian cầu nguyện.
Và điều đó đã đưa chúng ta lại với nhau trong ngôi thánh đường này. Chắc chắn là có những lần chúng ta ao ước có được loại đức tin mạnh mẽ như của cô gái trung học trong câu chuyện mở đầu.
Có thể chúng ta từng bỏ cầu nguyện, vì chúng ta cảm thấy điều đó không giúp gì cho chúng ta.
Bởi đó, bài Phúc Âm hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta. Nó nói chúng ta phải kiên trì trong sự cầu nguyện, như bà goá trong dụ ngôn đã làm.
Và lý do chúng ta cần kiên trì là chính lý do mà chúng ta đã đề cập đến. Thiên Chúa làm sâu đậm thêm đức tin của chúng ta, đưa đức tin ấy ra ngoài mức độ cảm giác để đến mức độ đức tin.
Do đó, điều tệ hại mà chúng ta có thể vấp phạm là không kiên trì trong sự cầu nguyện, vì nó sẽ hủy hoại cả một tiến trình mà Thiên Chúa đã khởi đầu và đang tiến hành trong chúng ta.
Điều đó dẫn đến câu chuyện mà tôi muốn dùng để kết thúc. Câu chuyện này tóm lược những điều mà chúng ta vừa nói.
Một nhóm các thương gia ở Chicago từng gặp nhau để cầu nguyện suy niệm trong ba năm, và họ thường gặp nhau hàng tuần để hỗ trợ nhau và chia sẻ kết quả của sự cầu nguyện. Một hôm kia, có người nói:
"Tôi phải chia sẻ với tất cả các bạn một điều quan trọng. Cách đây ba năm khi chúng ta bắt đầu, tôi nghĩ rằng chỉ sau khoảng một hai năm gì đó, mình trở nên một tay lão luyện về suy niệm. Nhưng sự thật lại trái ngược. Bây giờ tôi còn tệ hơn khi mới bắt đầu."
Một sự im lặng nặng nề. Rồi một người khác lên tiếng:
"Anh Bob ơi, tôi rất vui khi thấy anh nói lên điều đó, vì tôi cũng rất giống anh. Bây giờ tôi thấy thật khó để suy niệm hơn khi mới khởi đầu. Có những lúc tôi thấy thật khô khan và trống rỗng. Nếu không vì nhóm này, có lẽ tôi không còn kiên trì được."
Nghe đến đó, một người tên là Joe Cramblit lên tiếng:
"Tôi sinh trưởng ở Wisconsin. Để tôi kể cho các anh nghe mùa bắp ở đó như thế nào. Tôi nghĩ nó có liên hệ đến tình trạng cầu nguyện của chúng ta.
"Sau khi hạt bắp được vùi xuống đất, điều đầu tiên chúng tôi làm là xin cho mưa xuống-thật nhiều mưa. Khi mưa xuống, bắp mới mọc lên. Đó là một cảnh tượng thật đẹp đến độ bạn chỉ muốn chạy ra ngoài cánh đồng và nhẩy múa.
"Sau đó chúng tôi làm một điều kỳ lạ-rất kỳ lạ, thực sự là kỳ cục! Chúng tôi cầu xin cho có quãng thời gian nắng gắt, thật khô cằn, để ép buộc rễ cái phải chui xuống đất tìm nước.
"Nếu quá nhiều nước, rễ bắp mọc ngang trên mặt đất và rễ cái không chui xuống đất tìm nước. Và như vậy, mùa màng sẽ kém vì khi mùa khô đến cây bắp không biết tìm đâu ra nước.
"Đây là điều tôi muốn nói. Thiên Chúa cũng thi hành điều tương tự với chúng ta trong sự cầu nguyện. Lúc đầu Thiên Chúa giúp chúng ta phấn khởi, thích thú trong sự suy niệm. Sau đó Thiên Chúa ban cho chúng ta giai đoạn khô khan với mục đích là buộc chúng ta phải đi sâu vào mức độ đức tin. Nếu điều này không xảy ra, chúng ta sẽ không sinh nhiều kết quả."
Không một ai trong nhóm có thể quên được sự giải thích đó.
Một người đại diện cho nhóm lên tiếng, "Tôi từng là người Công Giáo trong 50 năm và không ai giải thích sự quan trọng của đời sống tâm linh cho tôi cả."
Chúng ta hãy kết thúc bằng việc suy niệm lời Chúa qua lời cầu sau:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì những câu chuyện đầy phấn khởi của bà mẹ có đứa con gái tuổi trung học, của ông Keith Miller, và của người thương gia có cái nhìn sáng suốt về đời sống tâm linh mà nó phải phát triển, lớn lên và trưởng thành.
Xin Chúa giúp chúng con mở rộng tâm hồn để đón nhận hơn Chúa Thánh Thần, để chúng con kiên trì trong sự cầu nguyện, trưởng thành về tâm linh, và sinh kết quả.Amen.
KHÔNG ĐƯỢC NẢN !
Lm. Anmai, C.Ss.R.
Người ta vẫn nói đùa với nhau : “Vạn sự khởi đầu nan ! Gian nan bắt đầu nản !”. Câu nói ấy ví von rằng khi con người bắt tay vào làm công việc gì đó khi khởi đầu mà nó gian nan thì cảm thấy chán nản và khi càng làm mà càng gặp gian nan thì càng nản. Thế nhưng, người ta cũng hay nói “Vạn sự khởi đầu nan ! Gian nan không được nản !”. Câu này thì ngược lại, dù khởi sự có khó khăn ấy nhưng phải biết bền tâm vững chí để vượt qua tất cả những gian nan thử thách. Dù có gặp gian nan ấy nhưng cũng không được nản vì lẽ có ngày sẽ thành công.
Thật sự là như thế, cái gì nó cũng có cái giá của nó. Nếu đạt được việc gì cũng dễ dàng thì khi ấy người ta sẽ không trân trọng giá trị của thành quả mà họ đạt được. Dù khó khăn cách mấy nhưng cố gắng, nhưng kiên trì biết đâu được sẽ thành công. Một thực tế hết sức hiển nhiên trong cuộc sống đó là trong các trận bóng. Đôi lúc người ta tưởng chừng phút thứ 89 là phút gần như quyết định tỷ số cho trận đấu nhưng không. Thi thoảng phút thứ 89 ấy lại là phút mang lại chiến thắng, mang lại thành công cho đối phương. Những ai đã chứng kiến những trận đấu cam go hay những cầu thủ nào đã sống những phút thứ 89 trong sân cỏ ắt hẳn sẽ hiểu rõ hơn thế nào là giá trị của sự kiên trì, của sự cố gắng.
Cũng nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống, trong những cuộc đua tài điền kinh, thể thao. Có những người đã vội vàng bỏ cuộc trong khi mình gần cán đích. Ngược lại, có những người dù đã quá mệt mỏi nhưng sự mệt mỏi đó đã không cho phép họ dừng lại để rồi qua một chút cố gắng còn lại họ thành công.
Sách Xuất hành đã ghi lại một kinh nghiệm nhỏ cho sự cố gắng, cho sự kiên trì. Ngày ấy, quân Israel phải đối đầu với quân Amalếch. Để đối đầu với số lượng quân Amalếch khổng lồ nhưng Môsê bảo với Giôsuê chọn một số người thôi. Ông Giôsuê làm như ông Môsê đã bảo: ông đã giao chiến với Amalếch, còn các ông Môsê, Aharon và Khua thì lên đỉnh đồi. Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. Trong cuộc chiến ấy, dù Môsê không làm gì nhưng sức của Môsê có hạn. Môsê cũng mỏi tay và rồi để cho quân Israel chiến thắng thì ông Khua một bên và Aharon một bên. Nhờ ơn Đức Chúa và nhờ vào sự kiên trì giơ tay lên mà Israel thắng trận. Nếu như hôm ấy Môsê bỏ tay xuống thì Amalếch sẽ chiến thắng.
Bài học kiên nhẫn, bài học kiên trì vẫn là bài học quý trong cuộc đời của con người không chỉ của riêng ai.
Thánh Luca đã tường thuật giáo huấn của Chúa Giêsu về lời cầu nguyện. Ngài còn nhấn mạnh để chúng ta thấy: cầu nguyện nhất thiết phải kiên trì, không được thất vọng. Dụ ngôn về viên quan tòa không có lòng kính sợ Chúa, không tôn trọng con người, nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ sự kiên trì của một bà góa cứ quấy rầy ông ta, tương tự như dụ ngôn về một người chịu thua ông bạn đến mượn ba chiếc bánh (11, 5-8). Chúa Giêsu không hư cấu những dụ ngôn này. Người lấy ngay trong đời thường những nhân vật với những tính tốt và nết xấu. Qua đó, Người tỏ bày Thiên Chúa là Cha còn hơn một người cha, công minh hơn cả một quan án. "Hãy nghe điều quan án bất lương đó nói. Và Thiên Chúa lại không đem điều chính trực lại cho những kẻ được chọn bằng kêu cầu Ngài ngày đêm sao ? Chúa Giêsu không ngừng nói với chúng ta về Chúa Cha. Nhìn vào cách con người đối xử với tha nhân: một người làm phiền bạn mình lúc khuya, người cha nuôi con cái, quan án bênh vực người cô quạnh... Chúa Giêsu lại nghĩ tới Chúa Cha. Ngay cả tật xấu của người đời, Chúa Giêsu cũng dùng như một thí dụ để miêu tả sự săn sóc chu đáo của Chúa Cha: " Thiên Chúa lại không bênh vực... ". Người ta thấy trong con tim Chúa Con rạo rực lòng nhiệt thành đối với Chúa Cha. Và Chúa Giêsu muốn chúng ta chia sẻ tâm tình đó với Người.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn để minh chứng cho việc kiên trì. Để minh họa cho bài học này bằng một dụ ngôn, Chúa Giêsu dàn dựng hai nhân vật:
Mẹ góa con côi : Người ta hay dùng hình ảnh “mẹ góa” đi với “con côi” để nói đến hoàn cảnh hết sức đặc biệt của bà. Bà góa là mẫu người chịu nhiều thiệt thòi, cách riêng Kinh Thánh thường coi như mẫu người cần được bênh vực.
Nhân vật thứ hai đó là một thẩm phán chẳng có lòng tin, cũng không quan tâm đến luật pháp, chẳng kính Chúa, cũng không nể người. Bà góa tội nghiệp kêu mãi ông không nghe. Rồi, ông cũng cứu xét, không phải vì lương tâm, mà vì ích kỷ: bà này quấy rầy ông ta quá thôi thì xử cho bà, kẻo đến nhức óc vì bà.
Với dụ ngôn này, chúng ta thấy thái độ nhân hậu của Thiên Chúa Cha.
Bức tranh u ám vẽ về vị thẩm phán bất lương đã sáng lên khi Chúa Giêsu phác họa Người Cha ân cần, nhân ái với mọi người. Nếu một thẩm phán chẳng kính sợ Chúa, không tôn trọng con người, cuối cùng, cũng bênh vực quyền lợi chính đáng của bà goá, không lẽ Thiên Chúa nhân lành cả với kẻ bất lương (6, 6) lại không nghe lời chúng ta cầu xin. Như vậy, dụ ngôn không có ý dạy ta phải cư xử với Chúa thế nào, nhưng có ý mạc khải cho ta biết Chúa cư xử với chúng ta ra sao. Chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa, Đấng hằng nghe lời ta kêu nài sẽ là một động lực khích lệ ta cầu nguyện tin tưởng hơn, kiên nhẫn hơn, và bắt chước bà góa mà không ngại kêu nài và quấy rầy Người.
Diễn từ kết thúc. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhắc đến sự trở lại của Con Người vào ngày thế mạt. "Nhưng, khi Con Người trở lại, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất không? ". Một bài huấn dụ thật cảm động để các môn đệ vững vàng trong đức tin, bền chí trong đức cậy và kiên tâm cầu nguyện. Cơn cám dỗ làm lung lay Phêrô và các bạn ông (22, 32 và 22, 46) chính là cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã đối mặt trong cơn hấp hối ở vườn cây Dầu và đã chiến thắng thì Giáo Hội cũng sẽ đương đầu với nó: suốt dọc lịch sử mình. Như vậy, cũng như Chúa Giêsu và các Tông đồ, Giáo Hội sẽ phải cảnh giác không ngừng trong cầu nguyện.
Đề tài cầu nguyện liên hệ với đề tài lòng tin, lòng trung thành. Sự liên hệ ấy rất cụ thể và bền chặt. Nếu suốt chiều dài lịch sử của mình. Các Kitô hữu không liên lỉ cầu nguyện, không nuôi lòng tin của mình, bằng những lời nài xin liên lì, thì khi Chúa Giêsu trở lại, Người sẽ không nhận ra lòng tín trung nơi những kẻ tự xưng là thuộc về Người. Theo dòng thời gian, các thành phần Giáo Hội cần trả lời cho vấn đề Đức Giêsu đặt ra ở đây.
Cầu nguyện ! Đó là từ ngữ của lòng tin ! Một tín hữu không cầu nguyện có còn là tín hữu không? Tuy nhiên, cần nhìn nhận cho đúng. Cầu nguyện không phải là chuyện dễ dàng. Cầu nguyện là một thách thức, nhất là khi cầu nguyện không được lồng vào một cử hành phụng vụ, hay một tập họp của cộng đồng. Cầu nguyện, đó là mặt sau của mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Thiên Chúa sống động trong con người. Một nét phác thảo vô định nhưng cháy bỏng.
Thiên Chúa Chí Thánh ! Cầu nguyện là lời ca ngợi Thiên Chúa nhân lành, cầu nguyện trở thành lời van xin. Chẳng cần nhấn mạnh đến lời ca ngợi. Ngay trong kinh Lạy Cha đã nói, tới rồi ! Nguyện Danh Cha cả sáng, yêu ai, chúng ta nói đủ mọi lời tỏ lòng tôn kính huống hồ gì đó chính là Thiên Chúa của chúng ta.
Với lời cầu xin vấn đề trước hết với những tâm hồn mạnh chủ trương cầu xin là vô ích và ấu trĩ. Chúa biết trước nhu cầu của con người, biết trước những gì họ cần xin. Với những tâm hồn yếu đuối là những kẻ cầu xin ơn này, ơn khác một cách vụng về có khi lệch lạc. Chúa không phải là cái máy phân phối tự động các ơn huệ, hoặc ban ơn theo kẻo trao đổi : "Tôi dâng thứ này, Chúa ban lại ơn kia". Hoặc tệ hơn, đòi dồn Chúa vào chân tường. Người ta đọc thấy trong sách Judith: đừng đòi Chúa bảo hành những ý định của Ngài. Đừng dồn Ngài tới chân tường như một phàm nhân: Đừng thôi thúc Ngài." (8, 16)
Không trao đổi, không tối hậu thư. Lời cầu xin đích thực chấp nhận trước rằng: có thể không được chấp nhận như mình muốn hoặc hoạch định. Không được như ý cũng là một ân huệ. Thiên Chúa luôn ban điều Người đã hứa: Thánh Linh. Hãy xin chính Chúa và Thánh Linh của người. Xin như vậy, bao giờ bạn cũng nhận được.
Dụ ngôn có ý dạy: "Hãy cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng" (Lc 18, 1). Cầu nguyện là mệnh lệnh thứ nhất trong sứ mệnh truyền giáo. Nó kết hợp những người dấn thân truyền giáo. Nó nhắc người ta khi cầu nguyện với Chúa đừng bao giờ thất vọng.
Thiên Chúa không hề điếc trước tiếng kêu của những người nghèo khổ đang khát khao công bình. Trao đổi thông tin về thế giới, đó là mệnh lệnh thứ hai về sứ mệnh Truyền giáo. Nó làm cho kinh nguyện phổ quát có hương vị của một tâm hồn không còn tới hy vọng nhưng vẫn vững lòng cậy trông (Rm 4, l8). Nhưng, khi Con người trở lại, liệu còn thấy lòng tin trên trái đất? Đây là câu hỏi mà Chúa đặt ra trước chúng ta và chúng ta phải trả lời.
Câu trả lời tùy thuộc vào chúng ta, vào sự hiệp thông trong đức tin của chúng ta, vào ý chí chúng ta muốn trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Đức Kitô trên khắp thế giới. Vấn đề là như vậy. Hy vọng câu trả lời sẽ tích cực. Mệnh lệnh thứ ba của sứ mệnh Truyền giáo là dâng hiến thời giờ, tài sản, và cả mạng sống cho Tin Mừng của Thiên Chúa.
Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét