Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Phúc âm Chúa Nhật 30 Q.N.C (24/10/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "THỐNG HỐI" của Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R CHÚA ĐÓN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG CỦA NGƯỜI NGHÈO KHỔ Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Tội và thân phận tội lỗi Công bình mà xét thì người biệt phái ít tội hơn người thu thuế. Nhưng điểm đáng chú ý là người biệt phái lại nói về tội lỗi nhiều hơn người thu thuế: hắn đã kể ra những tội tham lam, bất chính, ngoại tình v. v. Tuy nhiên tất cả đều là... tội của người khác! Còn người thu thuế thì trái lại, tuy anh rất nhiều tội, nhưng anh lại không kể các tội đó ra. Điều duy nhất anh kể ra là "Con là kẻ tội lỗi. Lạy Chúa xin thương xót con" Thực ra người biệt phái cũng có tội: tội tự mãn, tội kiêu căng, tội khinh miệt người khác... Nhưng hắn không ý thức các tội đó. Hắn không nhìn nhận mình là người tội lỗi. Hắn không biết thân phận tội lỗi của mình. Chúa Giêsu phê phán người biệt phái vì: a/ Hắn chỉ nhìn thấy tội; b/ chỉ nhìn thấy tội của người khác; c/ hoàn toàn không thấy thân phận tội lỗi của mình; d/ hoàn toàn không thấy lòng thương xót của Chúa. Chúa Giêsu đề cao người thu thuế vì: a/ Anh không những thấy tội mà còn thấy thân phận tội lỗi của mình; b/ Anh còn thấy được lòng thương xót của Chúa nữa. Cả hai người trên đều có thể thành bài học cho chúng ta. Trước hết, chúng ta cũng giống người biệt phái. Chúng ta rất ý thức về tội lỗi của người khác nhưng lại không ý thức về tội lỗi của chính mình. Chúng ta nói về tội của người khác nhiều hơn về tội của mình. Điều này thật nguy hiểm, vì nó ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy tội lỗi của mình. Chúng ta cũng có thể học nơi người thu thuế. Anh dạy chúng ta can đảm xưng thú những tội lỗi của mình. Anh chỉ cho chúng ta thấy chúng ta là kẻ tội lỗi, kẻ mang thân phận tội lỗi. Nhiều người đến tòa cáo giải với một bảng liệt kê các tội đã phạm. Hầu hết các tội trong bảng liệt kê ấy đều không khác nhau mấy từ lần xưng tội này đến lần xưng tội khác. Xưng xong rồi ra về và mọi sự đều trở lại y như cũ. Việc xưng tội không giúp chúng ta cải thiện con người bao nhiêu. Tại sao? Vì chúng ta quá chú ý đến các thứ tội mà không chú ý bao nhiêu đến thân phận tội lỗi của mình. Tội không chỉ là những việc làm xấu, mà chủ yếu là tình trạng xấu ta đang sống. Vì thế điều cần thiết hơn không phải chỉ là xin Chúa tha tội cho mình, mà là xin Chúa thương xót cứu vớt mình khỏi tình trạng xấu ấy. "Một người tội lỗi ý thức thân phận tội lỗi của mình còn tốt hơn một vị thánh ý thức mình là thánh" (Yiddish). * 2. Một tấm lòng tan nát khiêm cung Trong xã hội Do Thái, ai cũng coi những người thu thuế là những kẻ tội lỗi. Trong dụ ngôn này chính Chúa Giêsu cũng coi như thế, và chính người thu thuế cũng tự coi như thế. Nhưng người thu thuế này đã lên đền thờ cầu nguyện, nghĩa là anh có thiện chí, anh muốn từ bỏ tội lỗi, anh muốn được tha. Tuy nhiên khi xét lại quãng đời tội lỗi đã qua, anh biết rằng anh không thể nào được tha: theo luật, một người lỗi đức công bình nếu muốn được tha thì phải trả hết tiền, còn bồi thường thêm 1/5 nữa. Anh làm sao nhớ hết những kẻ mà anh làm hại, có nhớ cũng không có tiền để trả, huống chi lại thường thêm 1/5. . . Lòng anh tan nát. Nhưng anh không tuyệt vọng: nếu theo luật, anh không thể được tha thì anh sẽ kêu xin đến lòng thương xót của Chúa. Thế là anh thốt lên: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Điểm đáng ta chú ý là anh thu thuế này đã trích những tiếng đầu của Thánh vịnh 50 ("Lạy Chúa xin xót thương con theo lòng nhân hậu Chúa"). Mà trong Thánh vịnh này cũng có câu "Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung". Thiên Chúa đúng là như thế. Người thu thuế đã kêu đến chính nơi phải kêu, chạm tới chính chỗ phải chạm. Vì vậy Chúa đã thương xót anh, tha thứ tất cả cho anh, như lời Chúa Giêsu nói: "Ta nói cho các ông biết: người này khi trở về thì đã nên công chính rồi". * 3. Lòng trí hướng về ai? Người biệt phái và người thu thuế đều lên đền thờ và đều cầu nguyện. Nhưng lòng trí của mỗi người hướng đến những hướng khác nhau. Lòng trí của người biệt phái hướng về ai? Trước hết là hướng về người khác: "Lạy Chúa, con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia" Đồng thời lúc đó cũng hướng về bản thân mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con" Nơi quan trọng nhất phải hướng về là Thiên Chúa thì hắn lại bỏ qua! Còn lòng trí người thu thuế thì hướng thẳng về Thiên Chúa: "Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Chúng ta dễ phạm lại sai lầm của người biệt phái: khi cầu nguyện, lòng trí chúng ta hướng về những nhu cầu ích kỷ của bản thân và than phiền về những điều khó chịu người khác gây cho mình. Hãy học cầu nguyện như người thu thuế là hướng về Chúa. Có nghĩ về mình là để ý thức thân phận tội lỗi của mình để rồi càng hướng về Chúa nhiều hơn. * 4. Ai là người công chính? Ngày kia, Khổng tử dẫn học trò từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất. Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lâm cảnh lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi. Ngày đầu tiên khi đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người giàu có biếu cho một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Tử Lộ và một số môn sinh khác vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm. Đang khi nằm đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe tiếng động ở nhà bếp, nhìn xuống, người bắt gặp Nhan hồi đang mở vung xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm nhỏ rồi từ từ đưa vào miệng. Thấy cảnh học trò đang ăn vụng, Khổng Tử nhìn lên trời than thở: "Người học trò tín cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng?" Khi Tử Lộ và các môn sinh khác trở về thì nồi cơm cũng vừa chín. Khổng Tử cho tập họp tất cả lại và nói: - Bữa cơm đầu tiên này trên đất Tề làm cho thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy nhớ đến cha mẹ, cho nên muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, các con nghĩ có nên không? Nhưng liệu nồi cơm này có sạch chăng? Nhan Hồi liền chắp tay thưa: - Dạ thưa Thầy, nồi cơm này không được sạch. Khi cơm vừa chín, con mở vung ra xem thử, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng bụi trần rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm, con đã nhanh tay đậy nồi cơm lại nhưng không kịp. Sau đó, con định xới lớp cơm bẩn vất di, nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em lại đông, nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa Thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng: - Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ! * Cho dù là bậc hiền triết như đức Khổng Tử thế mà suýt nữa đã trở thành kẻ hồ đồ, suýt nữa đã phê phán người học trò rất mực chân thật và khiêm tốn, sẵn sàng chịu thiệt về phần mình để được lợi cho anh em. Đó cũng là cám dỗ rất thường gặp nơi những người được xem là đạo đức thánh thiện, những người đã đắc thủ được một số nhân đức nào đó, đã làm được nhiều việc lớn lao, đã leo lên được chức vụ cao trong xã hội, đã đạt được một số thành tích trong đạo ngoài đời. Họ dễ tự mãn và khinh rẻ người khác lắm, nếu chẳng công khai thì cũng ngấm ngầm, lúc thì giấu được khi thì lộ ra. Chuyện ấy thường tình lắm nên Chúa Giêsu mới nhắc nhở chúng ta qua dụ ngôn: "Người Pharisêu công chính và người thu thuế tội lỗi". Người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang thành tích. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra là ông đang độc thoại một mình. Ông "tạ ơn Chúa" nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông. Quả thật, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Những điều luật cấm ông không dám làm, những điều luật buộc thì ông còn làm hơn mức qui định. Ông thật là con người đúng mực, một con người hoàn hảo, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự mãn tự kiêu nên bao việc lành phúc đức của ông theo "cái tôi" bọt bèo của mình mà trôi ra sông ra biển hết. Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy nó là đức độ của ông chứ không phải là do ơn Chúa; cái tự mãn của ông quá lớn, cho nên ông thẳng thừng khinh miệt anh em. Sai lầm trầm trọng của ông Pharisêu bắt đầu từ câu này: "Vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc, như tên thu thuế kia" (Lc, 8, 11). Giá như ông đừng so sánh cuộc sống của ông với người khác, mà biết đem cuộc sống của mình đối chiếu với cuộc sống thánh thiện của Đức Kitô, thì ông sẽ nhận ra mình còn thiếu sót biết là bao nhiêu, mình còn bất toàn biết là dường nào. Chính khi đó, ông mới cần đến lòng nhân từ xót thương của Chúa, cần đến sự tha thứ và khoan dung của Người. Chính lúc đó, ông mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18, 13). Sai lầm căn bản của người Pharisêu còn ở chỗ ông đã không nhận ra sự công chính là một ân huệ Chúa ban (Pl 3, 9) chứ không phải tự ông mà có, tự ông tuân giữ hoàn hảo các lề luật được. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình thì ngay lúc đó ông đã mất ơn nghĩa với Chúa và không còn công chính nữa. Người thu thuế nhận mình lầm rỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính. Như thế, những kẻ cho mình là thánh thiện, là đầy đủ, thì sẽ trở về con số không; còn những kẻ nhận mình là không thì sẽ đủ chỗ cho Đấng Vô Cùng. Vì phàm "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18, 14). * 5. Mảnh suy tư Nếu người biệt phái có quyền thì chắc hẳn hắn đã không cho người thu thuế vào đền thờ. Nhiều người trong chúng ta cũng nghĩ rằng những kẻ tội lỗi không được đến nhà thờ: tội lỗi mà đến nhà thờ làm chi? Chỉ là giả hình! Nhà thờ là nơi dành cho những người đạo đức thánh thiện. Nếu như thế thì nhà thờ sẽ rất nhỏ hẹp. Tưởng tượng xem một tiệm sửa giày mà chỉ nhận những đôi giày còn tốt thì có còn là tiệm sửa giày không! Một bệnh viện mà chỉ nhận những người khoẻ mạnh thì có còn là bệnh viện không! Chúng ta đến nhà thờ không phải vì chúng ta xứng đáng mà vì chúng ta cần. Chúng ta cần được lòng thương xót Chúa chữa trị, và chúng ta cũng cần sự nâng đỡ của anh chị em trong cộng đoàn. (FM) * Lạy Chúa, chúng con có là gì mà chẳng do lòng Chúa thương ban. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận mình thiếu sót lỗi lầm, để được Chúa xót thương tha thứ. Xin cho cuộc sống chúng con luôn biết rập theo khuôn mẫu thánh thiện của Đức Ki tô là Đấng Công Chính tuyệt đối. Amen. MÓN QUÀ THIÊN CHÚA QUÝ NHẤT Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Sự ăn năn hối lỗi không chỉ đau buồn muốn chừa bỏ hành động xấu xa, nhưng còn ao ước thay đổi được những sai trái đã phạm." Có một câu chuyện cổ được phổ biến trong dân gian từ thời trung cổ. Câu chuyện về một phụ nữ từ trần khi còn trẻ và ra trước tòa phán xét. Cuộc đời bà khi ở trần thế thật bê bối. Khi đến cổng thiên đường, bà được bảo là chỉ vào thiên đường với một điều kiện. Đó là bà phải trở lại trần thế và đem về một món quà mà Thiên Chúa coi là giá trị nhất. Người phụ nữ trẻ trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất. Ngày kia bà thấy một thanh niên vừa chết vì đức tin. Bà nghĩ, "A phải rồi, chắc đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là máu của một người chết vì đức tin." Bởi thế bà hứng lấy một giọt máu của người thanh niên và đem về thiên đường. Nhưng khi trình diện máu ấy, bà được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn máu người tử đạo. Do đó bà trở về trần thế và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa còn quý hơn máu của người chết vì đức tin. Sau đó bà gặp một nhà truyền giáo già nua rao giảng lời Chúa cho người nghèo. "A, đúng rồi!" bà nghĩ "đây là món quà Thiên Chúa quý nhất: đó là mồ hôi từ trán của người dành trọn cuộc đời để rao giảng tin mừng cho người nghèo." Nhưng khi bà trình diện món quà ấy, bà lại được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của nhà truyền giáo. Do đó bà lại trở về trần gian và suy nghĩ về món quà mà Thiên Chúa quý hơn giọt mồ hôi của người dành trọn cuộc đời để dạy bảo dân chúng về Chúa Giêsu. Và cứ như thế bà trở lại thiên đường với các món quà quý giá. Nhưng lần nào bà cũng được bảo là còn có món quà mà Thiên Chúa quý nhất. Sau cùng, một ngày kia, khi sắp sửa bỏ cuộc vì chán nản thì bà gặp một đứa trẻ đang nô đùa gần bồn phun nước. Khuôn mặt của nó thật xinh xắn và ngây thơ. Ngay lúc đó, một người cưỡi ngựa đi đến. Ông ta xuống ngựa để đến uống nước ở bồn. Khi nhìn thấy đứa trẻ, ông nhớ lại thời thơ ấu thật hồn nhiên ngây thơ của ông. Sau đó ông nhìn vào hồ nước và thấy khuôn mặt của ông được phản chiếu trong đó. Nó thật xấu xa và cằn cỗi. Khi ông sững sờ nhìn vào khuôn mặt mình trong nước, bỗng dưng ông nhận thấy ông đã sai lầm phí phạm một cuộc đời mà Chúa đã ban cho ông. Lúc đó giọt nước mắt thống hối dâng trào trên mắt và lăn dài trên gò má nhăn nheo rồi rơi xuống hồ nước. Người phụ nữ vội hứng lấy giọt nước mắt ấy và đưa về thiên đường. Khi bà trình diện món qùa ấy, các thiên thần và các thánh đều vui mừng. Thật vậy, đây là món quà mà Thiên Chúa quý hơn tất cả món quà khác: đó là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối. Câu chuyện này thật thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay. Vì lời cầu nguyện mà Thiên Chúa coi có giá trị nhất là lời cầu nguyện của người tội lỗi thống hối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu còn nói: "Thiên đường sẽ vui hơn khi một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn." (Luca 15:7) Hối lối được định nghĩa là đau buồn đến độ chấm dứt những hành động sái quấy. Nhưng hối lối còn hơn thế nữa. Nó không chỉ đau buồn đủ để chấm dứt những hành động sái quấy nhưng còn đau buồn đến độ ước muốn sửa sai những lầm lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ. Một câu chuyện sau của ông James Colaianni giúp chúng ta thấy rõ điều này. Một đứa bé đến thăm bà nội. Bà hỏi nó thích ăn gì nhất. Nó trả lời, "bánh bột chiên." Sau đó nó cho biết thêm là khi ở nhà nó chỉ được ăn có ba cái mà thôi. Rồi nó hỏi, "Vậy con ăn thiệt nhiều được không nội?" Bà nội gật đầu, "được." Sau khi đứa bé ăn gần mười cái bánh bột chiên, bà nhận ra sự khó chịu trên khuôn mặt của nó. Bà hỏi, "Sao vậy? Con không muốn ăn thêm nữa sao!" "Không," đứa bé trả lời, "Con không muốn ăn nữa. Cả mấy cái ăn rồi con cũng muốn ói ra!" Đó là một tâm trạng tốt - khó chịu nhưng tốt. Lý do nó tốt là vì đó là tâm trạng hối lỗi. Hối lỗi không chỉ đau buồn đến độ muốn từ bỏ, nhưng còn là đau buồn đến độ ước muốn đừng thi hành những gì mà chúng ta đã làm. Đây là loại thống hối mà câu chuyện cổ muốn đề cập đến. Đây là loại thống hối mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Phúc Âm hôm nay. Nhiều năm trước đây, có một vở kịch trình diễn ở Broadway về một thanh niên bỏ học, đi bụi đời và rơi vào đường cần sa ma tuý. Trong một cảnh không thể quên được của vở kịch, người thanh niên này nhìn lên trời và đau đớn vì tuyệt vọng, anh thốt lên: "Tôi ao ước chừng nào, phải chi cuộc đời tôi là một cuốn sách để tôi có thể xé bỏ những trang giấy đầy những sai lầm vấp phạm." Cám ơn Chúa Giêsu, cuộc đời thì giống như một cuốn sách. Và cám ơn Chúa Giêsu, chúng ta có thể xé bỏ những trang giấy mà chúng ta đã sai lầm. Trong tình yêu của Người, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta bí tích Hòa Giải. Qua bí tích này, chúng ta có thể xé bỏ những phần của cuộc đời mà chúng ta đã sai lầm lỗi phạm. Đây là ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Đây là tin mừng mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hôm nay. Đó là tin mừng vì món quà mà Thiên Chúa quý giá nhất là giọt nước mắt của người tội lỗi thống hối.Amen . TỰ TRỌNG (Lc 18:9-14) Như Hạ op Cầu nguyện là đặc điểm của con người. Cầu nguyện là hơi thở của các tín hữu. Nhưng đâu là bản chất và hình thức cầu nguyện đích thực. Hôm nay, Ðức Giêsu trình bày những điều kiện sâu xa cần thiết cho việc cầu nguyện. HAI LỜI CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện là một hành vi đạo đức. Nhưng việc đạo đức đó cũng có thể trở thành vô đạo đức, nếu con người không biết tự trọng. Lời cầu nguyện hão huyền chỉ dựa trên những điều hư không. Hư không đích thực và lớn nhất trên trần gian này chính là cái tôi. "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện." (Lc 18:10) Cả hai người đều thờ một Chúa, đều ở trong một đền thờ, đều đang làm một hành vi đạo đức cao cả nhất. Một trong hai người cầu nguyện trong đền thờ là ông Pharisêu. Từ tâm tình, cung cách đến lời nói đều không thích hợp với việc cầu nguyện. "Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia." (Lc 18:11) Ông xác định thế đứng của minh trong tương quan với người thu thuế. Khi so sánh, ông mới thấy mình cao vượt hơn mọi người về mặt đạo đức. Trong khi mọi người sống ích kỷ, xa hoa, trác táng, ông chỉ lo việc đạo đức. Trong việc đạo đức, ông là người rất kỷ luật và sốt sắng. Ông cầu nguyện thường xuyên và giữ Luật Thiên Chúa. Ông vượt trên cả những đòi hỏi của lề luật. Trong khi luật chỉ đòi ăn chay mội năm một lần vào Ngày Xá Tội Vong Ân, ông ăn chay một tuần hai lần vào thứ hai và thứ năm. Ông kể lể với Chúa : "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con." (Lc 18:12) Thái độ tự mãn đã không cho ông nhìn thấy sự thật về mình và người khác nữa. Như vậy ông còn cần gì đến Chúa nữa không ? Vậy tại sao ông lại vào đền thờ ? Thực ra ông quan niệm cầu nguyện chỉ là việc đổi chác theo lẽ công bình, chứ không phải là một ân sủng. Trong khi đó, người thu thuế hoàn toàn ý thức tự bản chất cầu nguyện chỉ là xin Chúa thương xót. Ông cảm thấy phải tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhìn cung cách ông cầu nguyện cũng có thể thấy được tất cả tâm tình của ông. "Người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời." (Lc 18:13) Cung cách đó cho thấy một khoảng cách giữa Thiên Chúa cực thánh và con người tội lỗi. Nếu Chúa không thương xót, khoảng cách đó không bao giờ lấp đầy được. Ông thành tâm cầu nguyện, "vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi." (Lc 18:13) Ông nhận sự thật về mình, chứ không dám so sánh với ai. Ông chỉ biết tương quan giữa Thiên Chúa và mình là một tương quan bất tương xứng. Nhưng ông tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của lòng Chúa xót thương sẽ xóa nhòa biên giới giữa cõi thánh thiêng và trần tục. Dụ ngôn hôm nay mạc khải một lúc hai tương quan. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người không thể ổn định nếu tương quan giữa con người với nhau không tốt đẹp. Trong dụ ngôn này, rõ ràng ông Pharisêu tập trung hoàn toàn vào cái tôi của mình. Không thông cảm với người khác, làm sao ông có thể đòi Thiên Chúa cảm thông với mình ? Ðó là lý do tại sao ông thất bại trong việc cầu nguyện. Ông không làm đẹp lòng Chúa như mình tưởng. Thật là công dã tràng bao nhiêu khó nhọc trong việc giữ luật và đóng góp vào đền thờ. Trái lại, dù không có những việc đạo đức như ông, người thu thuế "đã được nên công chính" (Lc 18:14) vì đã hết lòng cầu khẩn Chúa xót thương đến thân phận mình. Ông không có công trạng gì để tự hào. Khi nhìn lại mình, ông chỉ thấy một vực thẳm tội lỗi. Nhìn lên Thiên Chúa, ông lại thấy vực thẳm đầy ân sủng, "ân sủng tự bản chất đầy lòng thương xót và tha thứ." (NIB 1995:343) Trái lại, ông Pharisêu không hề cầu xin Chúa tha thứ hay thương xót, nên tình trạng ông trước sau như một. Ông coi mình hoàn hảo về mọi phương diện, nên cầu nguyện đối với ông là đòi nợ. Thiên Chúa chẳng nợ ai cả, tại sao ông lại biến Thiên Chúa thành con nợ ? Lời cầu của ông hoàn toàn dựa trên công trạng riêng, chứ không trên tình yêu Thiên Chúa. Ông nói bằng một ngôn ngữ lạ hoắc. Thiên Chúa không hiểu ông muốn nói gì. Ông tin Chúa. Nhưng ông tin mình hơn. Thế mới biết tại sao Ðức Giêsu lại nói có "một số người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác." (Lc 18:9) Những hạng công chính như thế không bao giờ là đối tượng của sứ mệnh cứu độ. Nói khác, ơn cứu độ không dành cho những người kiêu ngạo. Bởi đấy Chúa mới nói : "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5: 32) Chỉ những người tội lỗi mới hiểu được Chúa. Ngược lại, chỉ Chúa mới thông cảm với người tội lỗi, vì chính Chúa đã từng đi sát với họ, đến nỗi bị mang tiếng là "bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." (Lc 7:34) Người tội lỗi hoàn toàn tay trắng trước nhan Chúa. Họ cũng là một hạng người nghèo về tinh thần. Họ không có gì để kể lể. Lời cầu nguyện của họ thật là vắn tắt và đơn sơ, nhưng đầy ý nghĩa đối với Chúa. "Ông đã chẳng cho đi cái gì, nhưng đã nhận được tất cả." (Faley 1994:696) PHARISÊU THỜI ÐẠI. Thánh Phaolô cũng đã từng là Pharisêu hạng gộc. Nhưng thánh nhân đã trải qua một kinh nghiệm đau thương và đã thấy được tất cả bộ mặt thật của những hạng "người tự hào cho mình là công chính." Nhưng giờ đây Người không tự cho mình là công chính, nhưng hi vọng được vinh dự ấy : "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính." (2 Tm 4:8) Thánh nhân cũng cảm thấy tự hào khi nói : "Nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng." (2 Tm 4:17) Thế nhưng, khác với đồng môn xưa, Người qui hướng tất cả về Thiên Chúa, Ðấng "đã ban sức mạnh cho tôi." (2 Tm 4:17) Ðó là lý do tại sao Người đầy hứng khởi khi "chúc tụng Chúa vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen " (2 Tm 4:18) Khác với thái độ ngông nghênh của ông Pharisêu, thánh nhân thú nhận : "Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Ðồ, tôi không đáng được gọi là Tông Ðồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa." (1 Cr 15:9-10) Ơn Chúa vô cùng sung mãn đã bù đắp được tất cả những thiếu sót quá khứ và đưa thánh nhân vào một tương quan hoàn toàn mới với Thiên Chúa và tha nhân. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với anh em đang đổ vỡ. Khủng bố và chiến tranh là bằng chứng cho thấy vẫn còn nhiều Pharisêu trong cộng đồng nhân loại. Thượng phụ Igace IV Hazim đã vạch mặt chỉ tên: "Chính phủ Hoa Kỳ vô tình cho người ta cảm tưởng họ đang tìm cách thống trị thế giới,"(CWNews 22/10/2001) trong khi họ vẫn tỏ ra nhân đạo qua chính sách viện trợ. Nhân đạo chỉ là phấn son che đậy những nét cao ngạo trên gương mặt Âu Mỹ. Giống như Pharisêu, họ xuất hiện trước nhan Chúa với một tay đầy ắp công đức, một tay ngổn ngang bom đạn. Thử hỏi có thể lập tương quan với Thiên Chúa trong khi tương quan con người bị gẫy đổ không ? Tương quan nhân loại hôm nay cần phải được điều chỉnh lại. Nếu không, nhân loại sẽ trở về thời ăn lông ở lỗ, xây dựng cuộc sống trên luật báo thù. Theo phái đoàn Vatican tại Liên Hiệp Quốc, cuộc không kích vào Afghanistan là "những hành động báo thù, không loại trừ được các nguyên nhân gây nên khủng bố." (CWNews 23/10/2001) Ðức Tổng Giám mục Martino cho biết cần phải "loại bỏ các yếu tố hiển nhiên tạo nên những điều kiện dễ dàng sinh ra thù hận và bạo lực. Việc phủ nhận nhân phẩm, thiếu tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản, việc loại trừ một số người khỏi đặc quyền xã hội, những nơi tị nạn không thể chịu đựng nổi, và sự đàn áp về thân thể cũng như tâm lý là những mảnh đất mầu mỡ sẵn sàng cho bọn khủng bố khai thác. Bởi đấy, bất cứ chiến dịch chống khủng bố nào cũng cần đưa ra các hoàn cảnh xã hội, kinh tế, và chính trị nuôi dưỡng mầm mống khủng bố, bạo lực, và xung đột." (CWNews 23/10/2001) Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét