Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng chủ đề "GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI" của Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R
THIÊN CHÚA KÊU MỜI CHÚNG TA VÀO BÀN TIỆC
(Lc19, 1-10)
Fr. Jude Siciliano, OP
Ngày xưa các cụ sống trong văn hoá Khổng Mạnh, việc đặt tên cho con cháu là hệ trọng. Các cụ chọn ngày tháng, bói quẻ, mở sổ sách kiếm tên cho đứa trẻ mới sinh. Nhưng việc đó không hẳn tự động tạo nên nhân cách cho nó. Ví dụ: Hùng, chưa chắc nó sẽ là một tay thể thao cừ khôi. Mến, chưa hẳn là một cô gái hiền hoà. Hoa, không báo trước đứa trẻ đẹp, có khi ngược lại còn xấu như ma mút. Nhung, đa số là phụ nữ dữ tợn, trộm cướp. Bên Phương Tây cũng vậy. "Marie" đâu phải là một người nhân đức như Ðức Maria. Steve không giống như thánh Têphanô. Bob đâu phải là thánh Giacôbê. Christina chưa chắc là một tín hữu nhiệt thành. Nhưng đôi khi tên cũng trùng hợp với hạnh kiểm người mang nó, nhất là khi đương sự được hưởng một ơn đặc biệt. Trường hợp này có trong Tin mừng hôm nay. Truyện của ông Giakêu.
Trước khi gặp gỡ Ðức Giêsu, ông Giakêu sống ngược với ý nghĩa của tên mình. Vì Giakêu trong tiếng Do thái có nghĩa là trong sạch, người công chính được Chúa nhớ tới . Nhưng ông lại là đầu mục của phường thu thuế. Trong con mắt dân chúng lúc ấy, ông là kẻ đại tội lỗi. Thánh Luca còn miêu tả ông là người giàu có. Thu thuế, giàu có, chắc chắn là kẻ bất lương, phản bội dân tộc mình, nhờ uy đế quốc Roma đàn áp và bóc lột dân đen. Thời ấy, người La Mã không trực tiếp thu thuế dân thuộc địa mà cho thầy từng vùng, từng miền. Quan chức địa phương nào bỏ thầu cao nhất thì được thu thuế của dân chúng miền hoặc vùng đó. Hệ thống này cho phép những kẻ tham lam nhiều cơ hội làm giàu. Bởi lẽ họ biết rõ tình hình tài chính của dân chúng trong vùng, họ sẽ lợi dựng để vơ vét, bóc lột không thương tiếc. Họ sẽ thuê mướn những tay côn đồ khác để vắt cạn kiệt tiền bạc của các gia đình. Sau khi trả cho người Roma số tiền bỏ thầu, phần dư khổng lồ sẽ vào túi các quan chức địa phương này. Do đó họ tối đa hút máu mủ của dân địa phương. Quần chúng khinh bỉ coi họ là người tội lỗi , ngang hàng với đĩ điếm. Thánh Luca cho biết Giakêu rất giàu có, cho nên chúng ta có thể ước đoán ông đã lỗi phạm khá nhiều trong nghề nghiệp. Ở tình trạng như thế, việc Chúa Giêsu tìm gặp ông Giakêu không phải là ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã xúi giục ông tò mò trèo lên cây sung để có thể xem thấy Ðức Giêsu đi ngang qua.
Ðây là điểm chính yếu của câu chuyện hôm nay. Giakêu hoàn toàn bất lực không có khả năng thoát ra khỏi tình trạng luân lý của mình. Ông không có công trạng nào để được Chúa thương tha thứ. Tên Giakêu của ông là một trò cười đối với nghề nghiệp và nếp sống của mình. Ông sống hoàn toàn trái ngược với tiêu huẩn đạo đức của xã hội. Vậy mà trước khi câu chuyện kết thúc, Chúa Giêsu xác nhận ông là: "Con cháu tổ phụ Abraham", nghĩa là kẻ được thừa hưởng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, kẻ được sống trong Giao ước với Thiên Chúa. Câu chuyện thât lạ lùng, khiến cho dân chúng bàng hoàng và phái Pharisêu lộn ruột. Nếu như Giakêu thực sự như Chúa Giêsu nói, thì ông phải cảm thương đồng bào mình, không bỏ thầu, không cộng tác với người La Mã bóc lột dân chúng. Chí ít ông ăn ở công bình, không vơ vét, bằng lòng với số lương chính đáng. Nhưng thánh Luca lại nói ông là người giàu có, chứng cớ quá hiển nhiên, không thể chối cãi.
Tuy nhiên khi câu chuyện kết thúc, Giakêu thay đổi hoàn toàn, ông ta là người ngược hẳn với lúc khởi đầu. Sau khi đối diện với Chúa Giêsu ông biến thành người Israel đích thật, là dòng giống Abraham đầy lòng tin, đúng như Chúa Giêsu tuyên bố, Ông sẵn sàng chia sẻ một nửa gia tài cho người nghèo khó, đền gấp bốn những thiệt hại ông đã gây nên. Luật Môsê không buộc phải đi xa đến như vậy. Tội gian lận theo như Lêvi ký, chỉ phải đền 1/5 tài sản thiệt hại (5,24). Giakêu lúc này đã trở thành con người lương thiện. Hậu quả, dĩ nhiên không thuộc về công nghiệp của ông mà là lòng thương xót rộng rãi của Ðức Chúa Trời, tha thứ cho ông. Ðây cũng là kinh nghiện của mỗi linh hồn trở lại. Họ sống tốt lành để đền bù ơn Chúa. Nếu không chẳng có dấu chỉ nào chứng minh chúng ta đã trở lại. Chúng ta vẫn sống trong ảo tưởng về đạo đức riêng của mình, chứ không phải là sự thánh thiện Phúc âm, như tuần vừa qua Chúa Giêsu chỉ rõ.
Tin Mừng không nói cho độc giả hay tâm trạng ông Giakêu thế nào trước khi ông ra đi đón gặp Ðức Giêsu. Có lẽ ông bị thúc đẩy bởi phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người mù ăn xin ở cổng thành Giêrikhô vừa xảy ra trước đó ít lâu. Ông tò mò muốn biết Chúa Giêsu là ai? Hoặc ông bị lương tâm cắn rứt, muốn thay đổi cuộc sống. Ông đã gian lận quá nhiều, bị cộng đồng khu phố khinh miệt. Hoặc giả con cái ông bị hàng xóm láng giềng tẩy chay, không được chơi chung với con cái họ. Gia đình ông bị lăng nhục vì nghề nghiệp bẩn thỉu. Liệu thời thế đã chín mùi để ông thay đổi nếp sống? Chúng ta chẳng có phương cách nào để biết rõ sự thật, bởi vì Phúc âm không nói . Mọi sự chỉ là phỏng đoán mà thôi.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn ông muốn tìm hiểu Chúa Giêsu là người như thế nào? Phúc âm kể: "Ở thành Giêrikhô có một người tên là Giakêu, ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Ông muốn tìm cách để xem Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Ðức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông". Như vậy ý định của Giakêu là được ngắm nhìn một nhân vật nổi tiếng! Còn những sự kiện khác chúng ta chẳng hề hay. Ví dụ: Cơ hội để xem một người cùi hủi khác được chữa lành, người mù được mở mắt cho trông thấy, đám đông được nuôi nấng cách lạ lùng, kẻ chết sống lại... Chúng ta chỉ được biết như thánh Luca muốn cho cho hay. Và đó là dụng ý của thánh nhân khi viết Tin Mừng.
Tình trạng tâm hồn của Giakêu không được tỏ lộ. Chỉ biết rằng ông là người thu thuế mướn cho chính quyền bảo hộ, là kẻ tội lỗi công khai, được xếp chung với bọn đĩ điếm và bị khinh bỉ. Công việc bỉ ổi của ông ai cũng biết, không phải thầm kín. Ðến đây, thánh nhân cho hay vế thứ hai của câu chuyện, Chúa Giêsu hay làm bạn với hạng người này, chè chén với họ. Cho nên giới lãnh đạo đền thờ không mấy có cảm tình. Nhiều lần Ngài đã bị họ phê bình, chỉ trích, nhất là những người tự coi mình thanh sạch, đạo đức như Biệt phái, ký lục, kinh sư... Trước mắt họ xem ra Chúa Giêsu là một tên vô lại, không có hy vọng cải thiện, hay lui tới nhà người tội lỗi. Lần này là ông Giakêu, khét tiếng bóc lột. Ngài gọi ông xuống khỏi cây sung và đề nghị dùng bữa tại nhà ông. Sự thực, thánh Luca thuật: "Chúa Giêsu đi đến chỗ ấy, thì nhìn lên và nói với ông: Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay ta phải ở lại nhà ông".
Tại sao Chúa Giêsu phải trú lại nhà Giakêu ? Bài đọc 1 cho chúng ta câu trả lời. Thiên Chúa toàn năng, Ðấng tạo dựng vũ trụ, hằng quan tâm đến mọi loài, đến từng cá thể, từng mỗi linh hồn. Ðó là sự quan phòng riêng biệt chứ không phải chung chung trên các sự vật Ngài đã tạo thành: "Lạy Chúa, trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa hạt sương mai rơi trên mặt đất". Nghĩa là từng chi tiết trong hoàn vũ, đặc biệt Ngài thương cảm những sinh vật có hơi thở, nhất là loài người. Ngài chăm lo cho chúng tốt tươi, hạnh phúc: "Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã dựng nên, và giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên". Tình yêu ấy được cụ thể hoá nơi Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa biến thành nhục thể, chăm lo cho mọi linh hồn được ơn cứu rỗi.
Vì vậy khi Ðức Giêsu bước đi trên đường phố Giêrikhô hôm đó, Ngài đã thực hiện công việc của Ðức Chúa Trời và biểu lộ lòng thương yêu của Thiên Chúa luôn tưới gội trên con người. Quyền năng của Ngài là để phục vụ lòng hiền từ nhân ái của mình chứ không phải ra án phạt, tuy rằng án phạt vẫn là mặt khác của quyền bính cai trị. Ông Giakêu trèo lên cây sung để tìm kiếm Thiên Chúa, xem Ngài là ai ? Nhưng thực chất Chúa Giêsu đang kiếm tìm ông để cứu vớt ông. Ngài nhìn thấy ông, truyền cho ông bườc xuống và đề nghị ăn bữa tại nhà ông. Trường hợp này giống như Chúa Giêsu tìm kiếm Nathanael (tức tông đồ Bartôlômêô) dưới cây vả (Ga 1,48). Chúa Giêsu thấu suốt mọi tâm can, không chi có thể dấu được cái nhìn của Ngài. Vượt qua sự tò mò của Giakêu, Chúa Giêsu còn thấy rõ linh hồn ông. Ngài đã bày tỏ lòng yêu mến của Thiên Chúa cho ông, bởi rõ ràng ông là con chiên lạc, đáng được mang về đàn. Ðám đông xì xào bàn tán: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ". Chúa Giêsu trả lời: "Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất".
Rõ ràng đó là cách thức Thiên Chúa bày tỏ quyền năng, ngược hẳn với quyền bính thế gian và cũng khác với sức tưởng tượng của chúng ta. Nhân từ, thương xót là lúc Chúa biểu lộ uy quyền hơn cả. Sách Khôn ngoan và Tin mừng hôm nay đều đồng ý như vậy: "Lạy Ðức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài, muôn vật. Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ". Thần khí bất diệt cũng ở trong ông Giakêu tội lỗi và Chúa Giêsu đã cho chúng ta hay, Thiên Chúa đối xử ra sao với những kẻ lầm đường, lạc lối. Ngài đã xót thương , tỏ lòng nhân từ đối với ông. Ông đã đứng dậy, thật lòng hối cải, ăn năn, thay đổi cuộc sống. Con mắt yêu thương hằng theo dõi Giakêu vì ông là thụ tạo của bàn tay Ngài dựng nên. Ngài không để mất một linh hồn nào trên cõi dương gian. Cho nên đừng vì thân xác lùn thấp và hành động kỳ quặc của ông mà cho ông như một người đãng trí, nực cười. Ðiều này có thể làm cho cuộc trở lại của ông không thành thực. Ông đã là người tội lỗi, vơ vét tài sản trên lưng đồng bào nghèo khó. Ðức Kitô đã phát hiện ra ông và ông đã đón tiếp Ngài vào nhà mình, tức cuộc đời mình. Ông đã mời Chúa dùng bữa với toàn thể gia đình, bữa tiệc bày tỏ tình bạn hữu chân thành. Mặc nhiên gia đình ông trở nên thân thiết với Chúa Giêsu. Vì thế Chúa tuyên bố: "Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham".
Phần Chúa Giêsu, tình thương của Ngài cũng vươn tới gia đình Giakêu rõ ràng. Ngài không để mất thời giờ, vội vàng phán bảo ông: "Xuống mau đi, vì hôm nay ta phải ở lại nhà ông". Bổn phận của Ngài là cứu chữa linh hồn Giakêu, tội lỗi đầy mình. Tuy nhiên giữa Chúa Giêsu và Giakêu, ai là chủ, ai là khách? Thường tình Giakêu là chủ, nhưng thái độ tích cực của Chúa Giêsu chứng tỏ Giakêu là khách, Ngài là chủ. Bởi lẽ Ngài tìm kiếm và kêu gọi Giakêu. Ngài chủ động trong hoàn cảnh này, mặc dầu ngôi nhà là của Giakêu. Ngài đã mời Giakêu dự tiệc ngay trong nhà ông. Một điều hết sức gây ngạc nhiên cho người Biệt phái vì họ chẳng thể hiểu được tâm ý của Chúa Giêsu. Chúng ta xây dựng thánh đường, thấp hèn hay nguy nga tráng lệ, chúng ta họp nhau thờ phượng Ngài tại đó. Chúng ta mang bánh rượu dâng tiến Ngài trên bàn thờ. Nhưng xin nhớ chúng ta chỉ là khách được mời. Còn chính Chúa Giêsu mới là chủ sự bữa tiệc. Thiên Chúa đã dọn tiệc cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô. Ngài đã tìm kiếm và kêu mời nhân loại vào bàn tiệc. Cho nên chúng ta phải có tâm tình thống hối, tạ ơn giống như ông Giakêu. Sau đó đến lượt mình, chúng ta cũng phải ra đi, tìm kiếm và kêu mời những kẻ còn bên lề ơn cứu rỗi. Họ là ai? Có thể là cha mẹ, anh em, bà con, láng giềng, hay những kẻ tha hương lữ thứ, hoặc xì ke, ma tuý, đĩ điếm, cướp giật, lừa đảo, buôn gian bán lận. Những người mà Chúa Giêsu "phải ở trong nhà họ"? Amen.
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ
Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
Cách đây không lâu, trên trang “Tuổi Biết Buồn”, đăng trong Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tôi có đọc được đôi dòng tâm sự như sau: “Em năm nay 21 tuổi. Sang Mỹ được 3 năm. Năm đầu sống rất vui vẻ hồn nhiên, không buồn phiền gì về vấn đề tình cảm. Năm thứ hai thì con tim bắt đầu lúc lắc. Năm thứ ba em bắt đầu yêu thật. Em đã quen một anh tên A. Lúc đầu chỉ coi anh là anh trai, nhưng tình cảm len lỏi vào tim lúc nào không biết. Anh lo cho em từng li từng tí. Càng ngày em càng cảm thấy mến anh. Nhưng có điều anh hơn em đến cả 18 tuổi. Lấy anh thì cũng được, nhưng em lại sợ cái cảnh “cha già con mọn”. Thế rồi em lại quen một anh khác tên B. Anh này thương em, cũng lo lắng cho em. Hơn em chừng 7, 8 tuổi. Nhưng có điều cũng khó nghĩ vì B lại thấp hơn em, lại không có đạo nữa. Không trở lại, bố em không chấp nhận là cái chắc. Không lớn hơn vài ‘inches’ nữa thì tương lai của em sẽ không biết giầy, guốc cao gót là gì…”
Đọc qua tâm sự đó, tôi chợt nhớ đến hình ảnh của một người rất thấp trong Phúc âm: Giakêu, một ty trưởng quan thuế tại thành phố Giêricô, nằm cách Giêrusalem 15 dặm về hướng đông bắc.
Giakêu không những được mô tả như một người thiếu thước tấc về thể xác, nhưng còn là kẻ quá thấp bé về tâm hồn dưới cái nhìn của người Do thái. Không “thấp” lắm sao khi cấu kết với ngoại bang Rôma để vơ vét tài sản của dân tộc, đất nước! Không “bé” lắm sao khi đi làm giàu trên bao mồ hôi xương máu của những người lầm than khốn khổ!
Từ xưa đến nay, chẳng mấy ai ưa thích chuyện thuế má. Người Do thái lại càng chán ghét chế độ sưu thuế do chính sách đô hộ Rôma áp đặt. Số là tại các thuộc địa, để không phải trực tiếp bóc lột, chính quyền cai trị Rôma thường cho đấu thầu việc thu thuế tại từng khu vực. Tất nhiên chỉ có kẻ giàu mới có khả năng và mới có cơ may trúng thầu. Khi trúng, họ có quyền qui định mặt hàng cũng như giá thuế phải đóng. Lắm khi người trúng thầu phải ra giá thật cao để gỡ vốn. Và không ít khi cao thêm tí nữa để có lời. Thế nên, dân Do thái tự động xem hạng thu thuế là phường bán rẻ lương tâm, phá nước hại dân, làm giàu bất chính. Người ta tránh xa như gặp phải những con vật dơ nhớp, nguy hiểm. Thậm chí còn coi họ như quân ngoại đạo và tội lỗi.
Thành ra con người Giakêu hẳn là quá thấp bé trong tầm nhìn luân lý của những kẻ “đang bị bóc lột”. Đã vậy vóc dạng của ông cũng chẳng cao ráo sáng sủa gì. Lùn quá! Có nhón gót cũng chẳng thấy Đức Giêsu đâu. Đám đông che mất tầm nhìn của ông.
Mặt khác, danh xưng của ông còn khơi lên ý tưởng mỉa mai châm biếm khi nó tương phản với công luận. Giakêu là phiên âm từ chữ “Zakkay”, trong tiếng Do thái có nghĩa là “người công chính” hay “người thanh khiết”. Gọi một kẻ tội lỗi, nhơ uế là “công chính” và “thanh khiết”, nếu không phải là chế giễu và khinh bỉ thì là gì?
Nhưng dù thân xác và tinh thần có bị bao quanh bằng những hàng rào của mặc cảm tự ti, hay sự khinh thường ghét bỏ của dân chúng, lòng khát mong gặp Đức Giêsu đã như tác động đầu tiên đưa đến biến đổi và thăng hoa con người.
Ước ao nhìn mặt Đức Giêsu, đó là sự tò mò tự nhiên hay lời mời gọi của tình thương? Cứ tưởng tượng Giakêu xắn chiếc áo rộng thùng thình của một bậc trưởng gia để leo lên cây sung như một đứa con nít cũng đủ thấy đó là một khát khao vượt tính tự nhiên rồi. Phải chăng khi bị mọi người tránh xa, khi nghe đồn Đức Giêsu hay đến làm bạn với những kẻ không được thương yêu, trong ông đã hình thành nỗi niềm đi tìm yêu thương vỗ về.
Lòng khát khao mãnh liệt làm cho lòng Giakêu “cao lên” so với bao người chen chúc trong đám đông hiếu kỳ. Ông muốn nhìn Chúa, nhưng đúng hơn, Chúa lại muốn tìm ông. Khi vừa đến chỗ cây sung có Giakêu đang trèo trên đó, Đức Giêsu “nhìn lên và trông thấy ông”. Giả như không có ánh mắt nhìn lên đó thì chuyện gì sẽ sảy ra? Có lẽ Giakêu cũng tuột xuống ra về trong âm thầm. Cái nhìn của Chúa làm biến đổi cuộc đời.
Nhìn và thấy diễn tả một sự chú ý kiếm tìm. Nhìn vào bao con người chen chúc chung quanh, với đủ mọi thành phần, trình độ, sang hèn, tuổi tác, nhưng Đức Giêsu lại chỉ thấy có một tâm hồn mà Ngài đang muốn tìm về. Niềm vui rạng rỡ đã bật thành lời: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19:5). Ngài đã tìm thấy “con chiên lạc” đang vướng trên cành, và lòng Ngài ngập tràn hân hoan.
Một nhà chú giải suy niệm: “Ôi chao! Ngày hôm đó, chắc là Đức Giêsu phải sung sướng hạnh phúc lắm! Còn vài cây số nữa là đến Giêrusalem. Còn vài ngày nữa là cuộc khổ nạn được dâng hiến để cứu chuộc con người. Mọi nỗi đơn độc chơ vơ của thập giá, mọi hình khổ Ngài sẽ gánh chịu, mọi vết thương xé nát bàn tay và đôi chân đẫm máu sẽ mang lại ơn ích cho nhân loại. Ngài biết điều đó. Ngài đã cứu thế gian khi tiến lên Giêrusalem. Và Giakêu là hoa trái đầu mùa” (Noel Quesson).
Con tim cháy lửa yêu thương đã tìm gặp được tâm hồn khao khát thương yêu. Và thương yêu đã biến đổi phận người! Đúng là “gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình…Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh”. Tình huynh đệ nảy sinh khi Giakêu tự nguyện “Bố thí nửa phần gia tài cho người khổ đau”. Tình đệ huynh lại được hàn gắn khi Giakêu can đảm “đền trả gấp bốn cho người bị ông làm thiệt hại”.
Không gặp được Đức Kitô chẳng ai có đủ sức đền bù, chia sẻ, hay trao ban. Không có tình thương sưởi ấm chắc chắn chẳng ai có thể đổi đời. Nhưng khi có tình Chúa chiếu soi, người ta sẽ “cao lên” trong tình người. Và như thế, không ai có quyền kỳ thị hay gạt bỏ, vì họ cũng là “con cái của Abraham”. Không ai được phép xem họ như người ngoại hay kẻ lầm lạc, vì họ cũng là môn đệ của Tình Yêu Thiên Chúa.
Trở lại với lời tâm sự ban đầu. Thiết tưởng cao to thân xác mà thấp bé cõi lòng thì ăn thua gì. Mang danh có đạo mà không bác ái hy sinh thì cũng thiếu xót lắm thay. Thế nên, việc cần thiết nhất không phải là cao lùn, mập ốm, rửa tội hay chưa, nhưng là có được tình yêu đúng nghĩa chiếm ngự tâm hồn hay không.
Tình yêu đúng nghĩa chỉ có khi được Đức Giêsu lưu lại trong đời. Và như Lệ Vũ, người phụ trách “Tuổi Biết Buồn” xác quyết: “Tìm được tình yêu và yêu thật lòng, ba cái chuyện cao gầy, lùn mập, miệng méo, mắt Sài gòn, mắt Chợ lớn, sẽ không thành vấn đề quan trọng”.
Xin tình yêu của Đức Kitô gặp gỡi đờ con và đời người.Amen.
ĐỨC GIÊSU LUÔN THẤY KẺ TÌM KIẾM NGƯỜI , VÀ NGƯỜI ĐI BƯỚC TRƯỚC.
Lm. Jude Siciliano, OP (Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp)
Điều gì đã khiến chúng ta khựng lại ? Gần đây ở Raleigh, nơi tôi sống, một đại lý xe hơi bắt đầu bán loại xe Maserati. Giá khởi điểm cho mỗi xe là 100.000 Mỹ kim – hoặc hơn nếu như quý vị muốn thêm những phụ kiện. Tờ báo địa phương có đăng tải bức ảnh của một trong những chiếc xe hơi đắt tiền, bóng bảy màu đỏ này. Giả như một chiếc Maserati chạy xuống đường phố của quý vị, liệu hình ảnh đó có khiến cho những khách bộ hành khựng lại dòng suy nghĩ của mình hay không. Có phải nó bắt mắt không? Gần đây, tôi đi cùng với chị tôi ngang qua một cửa hàng. Tôi thấy một cậu bé hai tuổi đang bám lấy áo khoác của mẹ. Thấy thế, chị tôi dừng lại, reo lên “Ôi, dễ thương quá đi thôi!”Rồi chị khen bà mẹ đó. Ngay cả lúc chúng ta đang vội vã thì một vài thứ cũng tóm lấy chúng ta và khiến chúng ta khựng lại.
Bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng đức Giêsu “cố ý” đi ngang qua Giêricô. Nhưng Ngài dừng lại. Không phải vì một cỗ sa mã nhanh nhất và hiện đại nhất chạy ngang qua. Cũng chẳng phải vì một cậu bé hai tuổi cực kỳ dễ thương đã gọi Ngài – dù có Ngài dừng lại vì điều đó. Nhưng là một vị trí ngớ ngẩn của một người trưởng thành, một người lớn giàu có, đang ở trên một cây sung – tất cả chỉ có thế! Những người khác cũng bận tâm đến hình ảnh của Giakêu ở trên cây. Có lẽ họ đã nhìn lên ông đầy khinh bỉ. Dân chúng trong vùng chắc là chẳng ưa gì ông – ông “đứng đầu những người thu thuế”.
Những người thu thuế là người Dothái nhưng lại đi thu thuế cho người Rôma. Họ biết rõ hoàn cảnh địa phương nên biết cánh đồng nào thu hoạch được nhiều, và dân chúng có bao nhiêu chiên, dê. Họ biết làm thế nào để tận thu từng đồng Seken (tiền của người Dothái)- tất cả để phục vụ cho quân đội, cho sự đàn áp của Rôma và để tiế tục đô hộ những người láng giềng Dothái của họ. Thế nên, người dân trong vùng đã chẳng thích Giakêu một tí nào, và người ta có thể không ngần ngại chỉ vào Giakêu ở Hội đường và nói toặc ra với nhau rằng “Hãy nhìn tên thu thuế này, và tất cả tiền bạc của hắn ta, và hắn đang hành xử như một tên ngốc”.
Nhưng khi đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài đã dừng lại. Ngài có lẽ đã nhìn thấy người đàn ông giàu có ăn mặc đẹp. Ngài có thể nhìn thấy một kẻ phản bội dân tộc của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài nhìn thấy những gì láng giềng của ông ta nhìn thấy – người đàn ông đó đang cử xử như một tên ngốc. Tại sao Giakêu lại làm hành vi ngờ nghệch như vậy nơi công cộng? Kinh thánh nói ông đang: “tìm cách để xem Đức Giêsu là ai.” Đó là điều khiến Đức Giêsu dừng lại. Giakêu là một người tìm kiếm; ông bước ra ngoài để tìm gặp Đức Giêsu.
Có lẽ Giakêu muốn thấy liệu Đức Giêsu có thứ mà ông đang tìm kiếm hay không. Đó có thể là gì? Có phải ông đã chán ngấy lối sống của ông? Có phải ông chán dù có nhiều tiền của và tất cả mọi thứ đều được cung cấp nhưng vì khi ông có mọi thứ ông muốn thì ông lại không thể có thứ ông cần – một cuộc sống chân thật. Ông cũng không được bà con láng giềng tôn trọng. Phải chăng gia đình ông cũng bị tẩy chay? - “Có vợ và các con của người thu thuế không tốt đó.” Ông ta biết mình làm giàu trên công sức của những người láng giềng. Ông ta cũng biết mình đã quay lưng lại với Đức Chúa, vì ông đã giúp đỡ ủng hộ người ngoại bang. Ông “đứng đầu những người thu thuế” như thánh Luca cho chúng ta biết. Ông có rất nhiều vàng bạc trong túi nhưng lại chẳng có một tẹo Thánh Thần. Vì thế, chúng ta thấy ông chạy ra ngoài để cố gắng gặp đức Giêsu.
Ý định của Giakêu có thể không hoàn hảo. Chúng ta cũng không nhất định phải hoàn hảo để được Thiên Chúa chú ý hay quan tâm. Có phải chính cuộc sống bất tiện của ông đã đưa ông ra bên ngoài ngày hôm ấy? Có lẽ đức Giêsu đã thấy sự bất mãn hay khốn khổ trên gương mặt Giakêu. Có phải có cả sự tò mò trong đó nữa? Và Đức Giêsu có lẽ cũng thấy sự căm thù và khinh bỉ trên nét mặt của những người hàng xóm của Giakêu. Trong khi ông ta không phải là mẫu người cần được tha thứ (vì Ngài chẳng gọi ông ta ra để nhận sự tha thứ), tuy nhiên Đức Giêsu đã dừng lại và tác động đến ông ta, Ngài tự mình vào nhà kẻ tội lỗi.
Điều gì khiến cho dân chúng thấy buồn vì Đức Giêsu vào trong nhà của Giakêu? Bởi vì trong thế giới Trung Đông của Đức Giêsu, bước vào nhà một người, “bẻ bánh” cùng với họ, là bước vào một không gian linh thánh và riêng tư. Ngay cả nhà của một kẻ nghèo cũng là nơi thánh. Kẻ thù không được phép vào. Bước vào trong nhà, như Đức Giêsu làm, là trở nên thành viên của gia đình đó. Nếu kẻ thù được mời vào trong nhà để bẻ bánh, dùng bữa, thì đó được xem như hành động hòa giải. Nghĩa là, quá khứ được bỏ qua, và tương quan mới được dựng nên.
Thánh Thể đến từ truyền thống Trung Đông, nơi đó khi kẻ thù ăn uống cùng nhau thì được hòa giải. Đó là điều mà chúng ta cần nghĩ đến trong mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Ai là người chia sẻ cùng một bữa tiệc với chúng ta? Nhìn xung quanh, đón nhận, và hành động trong sự hòa giải với những gì đang xảy ra.
Đức Giêsu nhìn thấy kẻ tìm kiếm và đã đi bước trước. Ngài chẳng quan tâm xem Giakêu đã tự chuẩn bị nhiều như thế nào. Ngài cũng chẳng cần ông phải công khai bày tỏ đức tin, hay “ăn năn cách trọn”. Đức Giêsu lấp đầy chỗ trống và chỗ thiếu và bước vào nhà ông Giakêu cũng như chính cuộc đời của ông. Đức Giêsu bảo Giakêu: “hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này”. Tất cả mọi người trong gia đình đều được hưởng ơn phúc khi mà chỉ mình người này mời Đức Giêsu vào cuộc đời ông. Chúng ta biết đến kinh nghiệm như thế khi mà một người có đức tin trong gia đình có ảnh hưởng đến tất cả những người khác xung quanh họ…khi mà một người tin thì phúc lành đổ xuống cho tất cả mọi người sống dưới cùng một mái nhà đó.
Giakêu không hoàn hảo, ông ta cũng bất tất, linh tinh và chưa đâu vào đâu. Thế mà Thần Khí của Đức Chúa đã đánh động ông để hôm ấy ông rời nhà mình và trở thành kẻ tìm kiếm. Ông ta nghĩ mình sẽ nhìn Đức Giêsu bằng cặp mắt thể lý của mình. Nhưng việc xảy ra cho ông còn nhiều hơn thế: khi Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài khựng lại và đón nhận ông như chính ông, rồi bước vào cuộc đời của ông và cuộc sống của gia đình ông.
Giống như Giakêu, tất cả chúng ta cũng được Thánh Thần thúc đẩy. Thực ra, sự thúc đẩy này bắt đầu ngay từ khi chúng ta được rửa tội, khi chúng ta được thanh tẩy để bước vào cuộc sống thần linh. Và chúng ta được tác động luôn mãi. Được tác động khi chúng ta gặp một người cần chúng ta giúp, hay cần chúng ta chia sẻ, lắng nghe. Được thúc đầy khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng mùa đông và vẫn cố gắng đến nhà thờ. Được thúc đẩy khi chúng ta đứng lên bảo vệ cho những người áp bức hay bị bỏ rơi. Được Thánh Thần thúc đẩy khi chúng ta tình nguyện đến nhà thờ để “giúp một chút xíu” và điều đó biến thành rất nhiều – và chúng ta thích làm thế! Được thúc đẩy khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua những thử thách và đau khổ. Được thúc đẩy để phá vỡ những thói quen mà dường như chúng ta cảm thấy không thể thay đổi, và chúng ta đã làm được.
Còn những cách khác mà chúng ta kinh nghiệm được sự thúc đẩy của Thánh Thần. Chúng ta nhận ra rằng tinh thần của chúng ta đang đói và chúng ta bắt đầu tìm kiếm thức ăn. Có lẽ chúng ta tham dự tĩnh tâm cuối tuần; đọc sách thiêng liêng do một người bạn đề nghị; nói đến linh hướng, đặt mua báo về đời sống thiêng liêng; tìm kiếm trên Internet những chủ đề về cầu nguyện, … Khi chúng ta đáp lại những thúc đẩy như thế, chúng ta giống như Giakêu, người đã trèo lên trên cây. Chúng ta trở thành kẻ tìm kiếm và nóng lòng muốn lấp đầy cơn đói khát bên trong chúng ta. Chúng ta nhận ra mình đang ở khúc ngoặt của cuộc đời mình và muốn nhìn thấy Đức Giêsu.
Nhưng lại giống như Giakêu, khi chúng ta còn đang tìm kiếm Đức Giêsu thì Ngài đã dừng lại vì chúng ta rồi. Ngài luôn nhìn thấy chúng ta, dù chúng ta còn lâu mới hoàn hảo và còn bất toàn, linh tinh, điên cuồng hay tội lỗi. Ngài biết chúng ta đang tìm kiếm và Ngài đáp lại chúng ta, với chính con người của chúng ta. Ngài muốn vào nhà chúng ta, như vào nhà ông Giakêu, theo cách đầy ngạc nhiên và mới mẻ. Và chúng ta cũng muốn những gì xảy ra cho Giakêu thì cũng xảy đến cho chúng ta: là cả gia đình chúng ta đều được chúc phúc: bỏ qua một bên quá khứ đau buồn, mọi thành viên trong nhà được hòa giải và trái tim bao dung hơn với nhau.
Có một khoảnh khắc trong câu chuyện của Giakêu khi quý vị chứng kiến việc trao đổi ánh mắt giữa ông Giakêu với Đức Giêsu. Cái nhìn trao đổi đó cũng xảy mỗi khoảnh khắc trong mọi ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi cảm nghiệm ánh mắt của Ngài nhìn chúng ta. Chúng ta có đang tìm kiếm Ngài không? Tại sao chúng ta lại không nói với Đức Giêsu như cách chúng ta mời khách vào nhà chúng ta… “Xin mời vào. Hãy cứ tự nhiên như ở nhà. Rất vui được gặp anh/chị”.Amen.
Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét