NGƯỜI GIÀU & NGƯỜI NGHÈO
(Lc 16, 19-31)
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
* 1. Đừng quá hững hờ
Xem ra người phú hộ trong Tin Mừng chẳng có tội gì để đáng phạt muôn đời trong hỏa ngục: Ông không gian tham, không trộm cắp, không bóc lột... Cuộc đời ông ngày này qua ngày khác chỉ có ăn uống linh đình và mặc lụa là gấm vóc, nghĩa là chỉ có hưởng thụ cái tài sản giàu sang do ông làm ra, mà hưởng thụ như vậy là chính đáng chứ có gì là tội đâu? Tội không giúp đỡ Ladarô chăng? Nếu ta đọc kỹ Tin Mừng từng chữ thì sẽ thấy rằng Ladarô đã không mở miệng một lời để xin ông ta giúp đỡ, Ladarô chỉ âm thầm ao ước được ăn những miếng bánh rơi. Nhưng vì chỉ âm thầm ao ước, mà không nói ra cho nên không ai biết mà cho.
Nhưng tại sao lại không biết? Thưa vì không để ý. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật là quá vô tình, quá hờ hững. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ đó. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.
Chúng ta vừa khám phá ra một điểm đặc biệt của Tin Mừng: chúng ta không chỉ phạm tội do việc làm, do lời nói, do ý tưởng, mà còn có thể phạm tội do quá hững hờ với người khác nữa, và tội hững hờ này trong những hoàn cảnh quan trọng cũng có thể trở thành tội trọng.
Trong phim "Những đứa trẻ khốn khổ" có một cảnh rất thương tâm: một cô gái nhà nghèo lên tỉnh tìm việc làm và bị dụ dỗ đến có con. Vì phải làm việc suốt ngày nên cô không thể nuôi con mà phải gởi cho một người chủ quán nuôi giúp. Người chủ quán này không có lương tâm, lợi dụng hoàn cảnh của cô để bóc lột: nay hắn gởi thư đòi tiền, mai hắn lại đòi một số tiền khác. Người mẹ trẻ không có tiền nên chỉ biết nhịn ăn nhịn mặc, hết tiền cô cắt mái tóc đem bán, hết tiền lại nhổ từng cái răng đêm bán nữa... và cô trở thành rách rưới, ốm o, xấu xí. Nhưng cô càng gầy ốm, rách rưới, xấu xí thì cũng bị những người khác khinh khi, ghét bỏ. Cảnh cô bị đuổi khỏi sở làm, co ro trong chiếc áo rách chạy giữa trời đông tuyết lạnh, thỉnh thoảng dừng lại ôm ngục ho xù xụ... với cảnh cả một đám đông người xúm lại đánh đập cô, xô cô té ngả xuống đất và nhào vô xâu xé cô... những cảnh như thế làm cho chúng ta xem mà không khỏi cảm thấy thương tâm. Tại sao ta cảm động? Vì ta đã biết hoàn cảnh của cô ấy và khi ta thấy cô bị hành hạ như vậy thì thương tâm. Còn những người kia, những người hành hạ cô, tại sao họ không thương tâm? Thưa vì họ không hiểu hoàn cảnh của cô, họ cùng ở một đường phố, cùng làm chung một sở nhưng không hiểu hoàn cảnh của cô. Họ quá hững hờ.
Chắc chắn có rất nhiều lần chúng ta cũng hững hờ như vậy.
* 2. Giấy thông hành nước trời
Ngày Xưa, bên Tàu có một ông vua tự cho mình là người yêu nước thương dân, nhưng lại chẳng bao giờ để ý đến cảnh khổ của dân chúng. Trái lại, ông chỉ biết đến yến tiệc linh đình, trang hoàng cung điện, xây cất dinh thự, sưu tầm những kỳ hoa dị thảo, để mong được nở mày nở mặt với lân quốc.
Một hôm, nhà vua nghe nói ở một ngôi chùa trong nước có một loại hoa hồng quí hiếm, từng bông hoa to đẹp rực rỡ, bao phủ cả một khu vườn. Nhà vua báo tin cho vị sư trụ trì là ông sẽ đến thăm để biết thứ hoa hồng quí lạ. Khi được tin báo và được biết giờ vua sẽ đến, vị sư liền cắt tất cả những đoá hồng xinh tươi đổ vào hố rác chỉ để lại một bông duy nhất đang thắm nở.
Vào đến vườn, nhà vua lấy làm lạ vì thực tế khác hắn với tin đồn. Khi biết được sự việc, nhà vua hỏi vị sư tại sao làm như thế. Vị sư từ tốn trả lời:
- Thưa bệ hạ, nếu thần để tất cả các hoa nở rộ trên cành, bệ hạ sẽ không thưởng thức được vẻ đẹp của từng bông hoa. Vì thần biết bệ hạ chỉ có thói quen nhìn đám đông chứ không để ý đến từng cá nhân.
*
Thiên Chúa của chúng ta không có thói quen chỉ nhìn đám đông, nhưng Người quan tâm đến từng con người. Thiên Chúa yêu thương con người không có tính cách chung chung, nhưng Người chăm sóc cho từng người một. Mỗi một con người là một nhân vị, có nhân phẩm cao quí. Mỗi một con người là một tác phẩm tuyệt vời của Người, với những ơn riêng mà người khác không có được Mỗi một con người là một bông hồng rực rỡ sắc mầu, thơm ngát hương hoa.
Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay sở dĩ phải trầm luân muôn kiếp, vì ông đã không nhìn người nghèo khó Ladarô với cái nhìn ấy. Thậm chí ông cũng chẳng thèm nhìn con người khốn khổ ngày ngày lê lết bên cổng nhà ông.
Người phú hộ phải "chịu cực hình" không phải vì ông nhiều của cải, nhưng vì ông đã không san sẻ của cải cho người thiếu thốn, ngay cả những của thừa thãi trên bàn tiệc cũng chẳng đến tay người nghèo.
Người phú hộ phải tống xuống biển lửa không phải vì ông đã làm ra nhiều của cải, nhưng vì ông đã quá cậy dựa vào tiền của, trong khi người nghèo khó chỉ biết cậy dựa vào Chúa; Ladarô có nghĩa là "Thiên Chúa giúp đỡ".
Vậy tội của người phú hộ chính là tội làm ngơ, tội phớt lờ, tội không nhìn, không nghe, không thấy những Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn túng quẫn cùng cực. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho một ai đó đang cần trợ giúp. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã bán hết gia tài kếch xù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: "Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi có biết bao người đang đau khổ?".
Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải!à tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.
Sẽ có một ngày người phú hộ chẳng còn yến tiệc linh đình, chẳng còn trận vui tới sáng, trận cười suốt đêm, nhưng sẽ phải đuổi khỏi bàn tiệc và lao xuống hoả hào muôn kiếp.
Sẽ có một ngày người Ladarô nghèo khó chẳng còn lê lết dưới đất đen, không còn nhặt những miếng bánh vụn nơi bàn tiệc người phú hộ, nhưng sẽ được nâng lên "trong lòng Ápraham" vui hưởng hạnh phúc muôn đời.
Lời giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên ngày 2. 10. 1979 đáng cho chúng ta suy nghĩ: "Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải và tự do của chúng ta nếu bất cứ ở vùng nào đó, người nghèo khó Ladarô của thế kỷ 2O vẫn còn đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa. . . Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo lắng cho đủ phần chính yếu của cuộc sống mà thôi chứ đừng tìm cách sống cho sung túc dư dật, để nhờ đó các bạn có thể giúp đỡ những người nghèo khổ. Đồng thời, các bạn hãy đối xử với họ như những thực khách trong gia đình các bạn".
* 3. Những thế giới khác nhau
Một ngày mùa hè, một người đàn ông ngồi trong văn phòng có gắn máy điều hòa. Nhìn qua cửa sổ, ông thấy bên ngoài có một thanh niên đang lao động. Anh này làm việc một cách rất uể oải và chậm chạp, chốc chốc lại buông tay ngồi nghỉ. Ông thầm nghĩ: cái anh chàng này lười biếng quá. Ông mở cửa bước ra xem. Vừa ra ngoài ông đụng ngay cái nóng hừng hực của mùa hè. Sức nóng làm mồ hôi ông toát ra và khiến mọi năng lực của ông như tan biến đâu mất. Ông cảm thấy rất uể oải. Lúc đó ông mới hối hận vì đã vội nghĩ xấu cho người thanh niên nọ: nếu ông cũng phải lao động ngoài trời dưới cái nóng như thế thì chắc chắn ông cũng không làm gì hơn người thanh niên đó được.
Người đàn ông và người thanh niên trên ở rất gần nhau, chỉ cách nhau một cánh cửa, thế nhưng họ thuộc hai thế giới khác hẳn nhau. Vì thuộc hai thế giới khác nhau nên người đàn ông không hiểu được và không thông cảm được với người thanh niên. Chỉ khi ông bước ra khỏi thế giới mình đề đi vào thế giới của người thanh niên thì ông mới hiểu và mới cảm thông.
Người phú hộ và Ladarô trong dụ ngôn hôm nay cũng thế. Họ thuộc hai thế giới khác hẳn nhau:
Một bên mặc toàn lụa là gấm vóc; bên kia rách rưới tả tơi.
Một bên ngày ngày yến tiệc linh đình; bên kia thì một mụn bánh cũng không có.
Một bên sống trong biệt thự; bên kia nằm trước cổng nhà.
Tóm lại một bên như sống ở thiên đường trần thế; còn bên kia như sống ở hỏa ngục trần gian.
Hai người ở sát cạnh nhau nhưng hoàn toàn xa cách nhau. Thậm chí người phú hộ còn không biết tới sự hiện diện của Ladarô.
Hai bức tranh quá đối chọi này gọi cho chúng ta vài suy nghĩ:
a/ Thiên Chúa và loài người cũng thuộc về hai thế giới khác nhau vô cùng. Nhưng Con Thiên Chúa đã ra khỏi thế giới của Ngài để bước vào thế giới chúng ta. Thật là một tình thương to lớn vô cùng!
b/ Có rất nhiều người ở bên cạnh chúng ta nhưng thuộc về một thế giới khác hẳn chúng ta cho nên chúng ta không hiểu họ, không nhận ra họ, thậm chí không ý thức đền sự hiện diện của họ. Có khi nào chúng ta chịu khó ra khỏi thế giới của mình để bước vào thế giới của họ chưa?
* 4. Sự giàu có thật và sự nghèo nàn thật
Một người nhà giàu lái một chiếc xe Mercedes bóng láng đến bãi đậu xe. Một cậu bé khoảng 11 tuổi ngắm nhìn chiếc xe bằng một ánh mắt ngạc nhiên và thèm muốn. Câu chuyện bắt đầu:
- Thưa ông, chiếc xe này của ông hả?
- Phải.
- Chà, nó đẹp quá. Ông mua bao nhiêu vậy?
- Chẳng dấu gì cháu, tôi không có mua. Anh tôi tặng tôi đó.
- Nghĩa là ông không phải tốn một xu nào hết mà có được chiếc xe này?
- Đúng vậy.
Cậu bé trầm ngâm một lúc rồi nói "Ước gì cháu..."
Câu nói bỏ lửng. Người nhà giàu cố đoán phần sau của câu nói. Ông đoán cậu bé định nói "Ước gì cháu cũng có một người anh như thế". Nhưng thật bất ngờ, cậu bé nói "Ước gì cháu sẽ là một người anh như thế".
Rồi người nhà giàu suy nghĩ: Tuy mình có một chiếc xe sang trọng, có một người anh giàu có, nhưng lòng mình thì quá nghèo nàn. Còn cậu bé tuy ăn mặc tầm thường nhưng tấm lòng cậu ấy giàu hơn mình nhiều, bởi cậu bé chỉ nghĩ đến việc cho đi.
Người giàu thật là người biết cho; người nghèo thật là người chỉ biết nhận.
Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ; người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu.
Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn; sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng.
Bởi vậy cái giàu vật chất hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn. Và đó cũng chính là cái nguy hiểm của vật chất:
Nó khiến ta quá chú ý đến cái "có" mà quên xây dựng cái "là" của mình.
Mà những cái "có" ấy chỉ là vật chất và ngoại tại, nên chúng dễ khiến ta lơ là với những giá trị tinh thần và cuộc sống nội tâm.
Quá quan tâm đến vật chất, chúng ta còn có thể bị chúng che mờ cặp mắt không còn nhìn thấy tha nhân và Thiên Chúa.
* 5. Bắt đầu từ đâu?
Một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy.
Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường... Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra: phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.
Mẹ Têrêsa Calcutta nói: "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố... Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân: muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Mẹ Têrêsa còn kể: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Mẹ nói tiếp: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".
* 6. Một chuyện khác
Một tu sĩ kia vào một ngôi làng. Ông sắp sửa ngả lưng xuống một gốc cây để ngủ qua đêm thì một người dân làng đến nói:
- Xin ngài cho tôi viên ngọc quý ấy đi.
- Viên ngọc nào?
- Đêm qua tôi mơ nghe thấy một tiếng nói bảo tôi rằng nếu tôi đi ra ngoài rìa làng thì sẽ gặp một tu sĩ và tu sĩ ấy sẽ cho tôi một viên ngọc.
Vị tu sĩ lục lọi trong túi xách, lấy ra một vật gì đó, hỏi:
- Có phải là cái này không? Nếu phải thì ông hãy cầm lấy.
Người dân làng sung sướng vô cùng vì đó quả thật là một viên ngọc lớn hơn mọi viên ngọc mà ông đã từng thấy. Đêm đó ông không ngủ được. Sáng hôm sau ông trở lại chỗ cũ nói với vị tu sĩ:
- Ngài hãy cầm lại viên ngọc của ngài đi. Thay vào đó xin ngài cho tôi một thứ quý hơn nữa.
- Thứ gì?
- Là thứ đã khiến ngài có thể đưa cho tôi một viên ngọc quý một cách dễ dàng như thế.
Lời bàn: Tâm hồn bên trong của người ta càng giàu thì nhu cầu bên ngoài của người ta càng ít và người ta cũng ước muốn càng ít.
* 7. Mảnh suy tư
Sự giàu có thật được đo không phải bởi những thứ người ta thu tích, mà bởi những thứ người ta cho đi.
Sự giàu đáng giá nhất là giàu trong tâm hồn.
Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết;
Khi ta mở cửa lòng ra là lúc ta bắt đầu sống (FM)
*
Lạy Chúa, thánh Tôm Aquinô đã dạy: "Những ngươi giàu có đã đánh cắp của người nghèo khó khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa". Xin cho chúng con biết san sẻ cho nhau, để trời đất này trở nên sung túc và yêu thương, vì giàu có thật là yêu thương và nghèo nàn thật là ích kỷ.
Xin dạy chúng con bí quyết làm giàu bằng cách chia sẻ cho nhau những của cải Chúa ban. Amen.
ÔNG SCHWEITZER và NGƯỜI NGHÈO
Cha Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Chúng ta là những người săn sóc lẫn nhau"
Vào năm 1950, một ủy ban gồm đại diện của 17 quốc gia đã chọn ông Albert Schweitzer là "người của thế kỷ". Hai năm sau, 1952, ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Ông Schweitzer được cả thế giới ca tụng là một thiên tài đa dạng. Ông là một triết gia lỗi lạc, một thần học gia sáng giá, một sử gia đáng kính nể, một nhạc sĩ độc tấu, và là một bác sĩ truyền giáo.
Nhưng điều đáng kể là đức tin Kitô Giáo thật sâu đậm của ông. Chính đức tin này đã ảnh hưởng đến từng góc cạnh của đời ông.
Khi 21 tuổi, Schweitzer tự nhủ là ông sẽ vui hưởng nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi. Sau đó ông sẽ dành cuộc đời còn lại để làm việc cho những người nghèo dưới hình thức phục vụ trực tiếp nào đó.
Và vì thế vào ngày sinh nhật thứ 30, ngày 13-10-1905, ông bỏ vào thùng thư ở Ba Lê một vài lá thư.
Đó là thư gửi cho cha mẹ và các bạn thân, ông báo cho họ biết là ông sẽ theo học về y khoa. Sau đó ông sẽ sang Phi Châu để làm việc cho các người nghèo với công việc của một bác sĩ.
Ngay lập tức các lá thư ấy đã tạo nên một chấn động. Ông kể lại trong cuốn Out of My Life and Thought:
"Thân nhân và bạn hữu của tôi tất cả đều thành khẩn đưa ra các nhận định của họ về quyết định điên rồ của tôi. Họ nói, tôi đang chôn vùi các tài năng thiên phú... Một bà thật hăng say thuyết phục rằng tôi có thể đạt được nhiều kết quả cho việc giúp đỡ người nghèo qua các bài diễn giảng hơn là hành động trực tiếp mà tôi đang ấp ủ."
Tuy nhiên, ông Schweitzer không thay đổi ý định.
Vào năm 38 tuổi, ông là một bác sĩ đầy đủ bản lĩnh. Vào năm 43 tuổi, ông sang Phi Châu để mở một bệnh xá ở cạnh bìa rừng mà sau này được gọi là Equatorial Africa. Ông từ trần ở đây năm 1965 khi được 90 tuổi.
Động lực nào đã khiến ông Schweitzer dám gạt bỏ danh vọng và tiền tài để làm việc cho người nghèo ở Phi Châu?
Ông cho biết, một trong những ảnh hưởng là khi ông suy niệm về đoạn phúc âm mà chúng ta vừa nghe hôm nay về người giầu và ông Lagiarô. Ông nói:
"Thật không thể hiểu nổi khi tôi tự cho phép mình sống một cuộc đời sung sướng, trong khi quá nhiều người chung quanh tôi đang vật lộn với sự đau khổ."
Và đó là điều đưa chúng ta đến câu chuyện phúc âm hôm nay.
Tội của người nhà giầu trong bài phúc âm hôm nay không phải là ông đã ra lệnh tống cổ Lagiarô ra khỏi khu vực của ông.
Cũng không phải là người nhà giầu đã đánh đập hay chửi rủa ông Lagiarô mỗi khi đi ngang qua.
Tội của người nhà giầu là ông không bao giờ để ý đến Lagiarô. Ông coi Lagiarô như một phần đương nhiên của khung cảnh cuộc đời.
Tội của người nhà giầu là ông chấp nhận mà không bao giờ thắc mắc về sự kiện, Lagiarô thì nghèo và chính ông thì giầu.
Tội của người nhà giầu không phải là tội về một hành động, là thi hành một điều gì đó mà lẽ ra không nên làm.
Tội của người nhà giầu là một tội quên sót, đó là, không thi hành điều phải làm. Tội của người nhà giầu là đắm mình trong của cải mà không động đến ngón tay để giúp ông Lagiarô khi cùng cực.
Tội của người nhà giầu cũng chính là tội đang được tái diễn ngày hôm nay. Và chính tội này khiến chúng ta phải thực sự lưu tâm đến những gì cần phải thi hành không chỉ cho người nghèo nhưng còn cho xã hội.
Ông John F.Kennedy đã đề cập đến mối ưu tư này khi ông nói, "Nếu một xã hội tự do không thể giúp gì cho người nghèo thì nó cũng không thể cứu được một thiểu số giầu có."
Nói cách khác, sự thiếu lưu tâm đến người nghèo không chỉ tiêu diệt người nghèo mà còn tiêu diệt luân lý của xã hội chúng ta.
Bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi để thi hành điều mà ông Albert Schweitzer đã làm.
Nó là lời mời để suy tư về câu chuyện của người nhà giầu và ông Lagiarô, và tự vấn lương tâm chúng ta câu hỏi mà chính ông Schweitzer đã thắc mắc: Làm thế nào chúng ta có thể sống sung sướng trong khi có quá nhiều người đau khổ?
Nó là lời mời chúng ta hãy suy tư lời của Tướng Dwight D. Eisenhower:
"Mỗi một khẩu súng được chế tạo, mỗi một tầu chiến được hạ thủy, mỗi một tên lửa được phóng đi, trong một ý nghĩa nào đó chúng là sự trộm cắp của người đói không có gì ăn, của người lạnh không có gì mặc."
Nó là lời mời chúng ta hãy quý trọng lời của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay.
Hãy kết thúc bài giảng bằng những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du Hoa Kỳ năm 1979, khi người giảng ở vận động trường Yankee Nữu Ước. Đức Thánh Cha nói:
"Chúng ta không thể ngồi đó bất động, vui hưởng sự giầu sang và tự do, nếu ở chỗ nào đó vẫn còn một Lagiarô của thế kỷ 20 đứng trước cửa nhà chúng ta.
"Dưới ánh sáng của bài dụ ngôn của Đức Kitô, giầu sang và tự do có nghĩa một trách nhiệm đặc biệt. Giầu sang và tự do tạo nên một nhiệm vụ đặc biệt.
"Và vì vậy, nhân danh tình liên đới đã trói buộc chúng ta trong một bản tính nhân loại, tôi muốn nói lên phẩm giá của mỗi một con người.
"Người giầu và Lagiarô đều là con người, cả hai được dựng nên cách bình đẳng trong hình ảnh và giống như Thiên Chúa, cả hai đều được cứu độ bởi Đức Kitô với một giá đắt, là giá máu châu báu của Đức Kitô...
"Người nghèo của Hoa Kỳ và của thế giới là anh chị em của các bạn trong Đức Kitô. Các bạn không thể lấy làm mãn nguyện khi để họ hưởng các mẩu vụn của bàn tiệc.
"Các bạn phải nhìn đến thực chất của mình chứ không chỉ sự dư dật của các bạn và giúp đỡ họ. Và các bạn phải đối xử với họ như khách được mời đến dự tiệc trong nhà mình."
MỘT CÕI ĐI VỀ
An-tôn Lương Văn Liêm
Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa . Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ .Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ . Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Xin mượn tựa đề của nhạc phẩm “ Một cõi đi về ” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, để nói lên đôi dòng suy tư về Lời Chúa hôm nay. Sinh ký, tử quy, “ Sống gởi, chết về ” đó là định mệnh của kiếp người, nhưng! Về đâu? Về đâu? Câu hỏi luôn đeo đuổi kiếp người, sau một đời long đong, lận đận và tranh dành; sau một đời sống ngập tràn nhung lụa, thưởng thức tất cả những sơn hào hải vị; sau một đời đã nếm mùi đắng cay và hạnh phúc, thất bại cũng như thành công. Tôi sẽ về đâu? như lời than thở của cố nhạc sỹ họ Trịnh “Chẳng biết nơi nao là hướng quê nhà? ”, trong tác phẩm: “ Một cõi đi về ”.
Là những người tin vào Chúa, thì Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta một cõi để về, qua hai hình ảnh trái ngược nhau: Một bên là anh hành khất La-ra-rô, sau một đời đã sống trong sự khố rách, áo ôm với nghề chính là khất thực, sau khi chết được về nơi hưởng hạnh phúc viên mãn và được ngồi vào lòng của ông Áp-ra-ham, một người mà Kinh Thánh đã giới thiệu: “ Cha của những kẻ tin, là người công chính, một người được Thiên Chúa sủng ái ”; một bên là nhà phú hộ, sau một đời, sống trên nhung lụa, ngày ngày yến tiệc linh đình, một đời mà khi mang kiếp người ai cũng đều mơ ước, ông ta cũng chết và khi trở về thì vào nơi tràn ngập những khổ đau và than khóc. Qua hai hình ảnh trái ngược đó, nhắc nhở ta trong từng ngày sống luôn biết suy, tìm và chọn cho mình một hướng để về.
Để được hạnh phúc viên mãn, được ngồi vào lòng của tổ phụ Áp-ra-ham sau khi ta từ giã cõi đời để trở về. Có phải chăng ta khước từ những gì ta đang cố gắng tạo ra, đang thừa hưởng trong cuộc sống hằng ngày, để sống nghèo, sống nghề hành khất như anh La-ra-rô trong tin Mừng? Nếu sống như thế, mọi người sẽ cho ta là dở hơi, là khùng; là thứ sống chật đất xã hội, vì cả đời không làm được gì cho chính bản thân; nói chi đến việc cộng tác với xã hội, Giáo Hội việc này việc nọ, ngoài việc ăn bám thiên hạ. Lời Chúa hôm nay không hướng ta đi vào con đường đó, điều đã được minh chứng qua lời cầu nguyện của tác giả sách Châm Ngôn: “ Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con ” (Cn. 30, 9).
Vậy thì điều gì đã giúp cho anh La-ra-rô, người hành khất được hạnh phúc sau khi chết, có phải chăng người hành khất đã và vẫn cảm thấy hạnh phúc với hoàn cảnh hiện tại của mình? Có phải chăng anh ta bằng lòng với những gì mình đang sở hữu? Không than vãn, oán trách Thượng Đế, không trách đời cũng như trách mình? Khi phải nằm một chỗ, bạn bè của anh là những con chó, chúng thường lui tới liếm những chốc lở trên thân xác của anh, mơ ước lớn nhất của anh trong lúc này là mong được những mẩu bánh vụn từ người phú hộ, ăn cho đỡ đói nếu được như thế là anh mãn nguyện, và cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng mong ước nhỏ bé đó cũng vượt xa khỏi tầm tay của anh vì sự vô tâm của người phú hộ. Và thế là anh đã….
Vâng! Chính cái nghèo trong sự chịu dựng, không oán trách, chấp nhận tất cả những gì đang song hành với mình hiện tại cũng như tương lai; cái nghèo của mơ ước, phó thác; cái nghèo không “ Bần cùng sinh đạo tặc ”. Để rồi sau một đời dãi nắng dầm mưa trong khó khăn và thử thách; một đời luôn đói, rách, là bạn với mấy chú chó; nhưng lại sạch trong tư tưởng, bình an trong tâm hồn. Vì thế mà khi về theo định luật của kiếp người anh đã được vào nơi hạnh phúc viên mãn.
Đối với nhà phú hộ, Tin Mừng không lên án sự giàu có của ông, cũng không nói ông ta vi phạm giới luật nghiêm trọng nào trong cái giàu sang của ông, ông ta là người có đạo và cũng được học hỏi về giới luật cũng như điều quan trọng trong đời sống đạo là: “ Mến Chúa, Yêu người ”, một trong những giới luật chính yếu của đạo Do Thái, ông ta chỉ thiếu một điều duy nhất: Đó là sự cho đi. Vì thiếu cho đi sự thương cảm, đồng cảm với người ăn mày ngồi nơi cửa nhà ông, khi ngày ngày ông mở tiệc ăn uống linh đình; vì thiếu cho đi của cải vật chất, dù chỉ một phần nhỏ trong số tiền ông bỏ ra để đãi tiệc; thiếu sự cho đi khi chính bản thân ông mặc toàn gấm vóc lụa là còn người hành khất thì áo không đủ để che than; thiếu sự quan tâm săn sóc , giúp đỡ, điều mà những chú chó vẫn thường thực hiện nơi thân xác ghẻ lở của người hành khất mà ngày ngày khi ra vào ông vẫn thường gặp. Để rồi sau khi ông ta và người hành khất đều chết, bản thân ông bị cách ly với những hạnh phúc mà người hành khất đang được hưởng.
Để kết, xin mượn câu chuyện về nhà tỷ phú người Anh, chuyện kể rằng: Một nhà tỷ phú người Anh, trước khi ông ta nhắm mắt lìa đời, ông ta cho gọi tất cả người thân, cộng sự, bè bạn lại để nhắn gởi, trăn trối: Về việc phân chia gia tài, nhắn gởi những yêu cầu trong việc ma chay. Điều ông nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho những người hiện diện như sau:
Sau khi tôi ra đi, ngoài việc khắc ghi tên tuổi, nghề nghiệp, sự nghiệp trên tấm bia mộ, xin hãy khắc ghi cho tôi những dòng chữ sau đây:
1.Những gì tôi kiến tạo nên bằng tri thức, bằng đôi bàn tay. Giờ đây, tất cả không còn thuộc về tôi.
2.Những gì tôi làm ra, tôi tiêu pha, sử dụng. Giờ đây, không còn để lại dấu vết.
3.Những gì tôi cho đi từ tình cảm, vật chất trong cuộc sống. Giờ theo tôi xuống nấm mồ.
Lời Chúa hôm nay và lời trăn trối của nhà tỷ phú trên nhắc nhở người thân bạn bè của ông, cũng là lời nhắc nhở ta trong cuộc sống. Đặc biệt là đời sống làm con cái Thiên Chúa, đời sống lữ hành về quê trời vĩnh cửu.
Lạy Chúa! Giới răn quan trọng nhất mà Chúa luôn nhắc nhở, mời gọi con trong cuộc đời Kitô hữu, đó là giới răn mến Chúa, yêu người.
Xin cho con luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự và con cũng biết yêu anh em, từ chính trong gia đình của con trở đi qua việc cho đi, cho đi sự hy sinh, tha thứ, cho đi bằng lời cầu nguyện, bằng lời ộng viên an ủi và cho đi bằng chính con người của con. Nhờ đó mà con được Chúa yêu thương đón nhân con vào nơi hạnh phúc viên mãn, được ngồi vào lòng tổ phụ Áp-ra-ham như anh La-ra-rô trong Tin Mừng. Amen
Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét