Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XXV Q.N (19/09/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Không Làm Tôi Hai Chủ" ĐÓ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HAY Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Người ta chăm chỉ làm việc để được phần thưởng đời này dù chỉ kéo dài có vài năm hơn là vì phần thưởng vĩnh viễn ở thiên đường" Vài năm trước đây, một linh mục giảng tĩnh tâm cho những tù nhân trong một nhà tù cấp liên bang ở miền Nam Hoa Kỳ. Một trong những bài nói chuyện đề cập đến giáo huấn của Chúa Giêsu về sự trả thù. Chúa Giêsu nói: "Anh chị em thường nghe nói, 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Nhưng tôi nói cho anh chị em biết: đừng trả thù ai đó làm hại anh chị em. Nếu có ai vả anh chị em má bên phải, hãy để hắn vả luôn má bên kia." Mt 5:38-39 Để chứng tỏ điều nói trên, vị linh mục kể câu chuyện của ông Jackie Robinson, người cầu thủ da đen đầu tiên chơi trong các đội banh lớn của Hoa Kỳ. Khi ông bầu Branch Rickey ký giao kèo đưa Jackie vào đội Dodger vào năm 1945, ông nói với Jackie, "Anh sẽ phải chịu đựng tất cả mọi sự mà chúng ném vào mặt anh, và đừng bao giờ đánh lại." Ông Rickey nói đúng. Ở ngoài sân banh, Jackie bị những cú ném banh dữ dội bất ngờ vào sau lưng, và các đội đối phương cũng như khán giả chửi bới, chế nhạo anh. Lúc nghỉ ngơi, anh cũng bị tống ra khỏi khách sạn và nhà hàng ăn trong khi cả đội ăn uống ngủ nghỉ. Dù bị đối xử tệ hại, anh vẫn cố giữ vẻ bình thản. Anh đã đưa má bên kia cho người ta đánh. Và ông bầu Branch Rickey cũng không khá gì hơn, ông bị dân chúng chửi rủa vì đã ký giao kèo với anh Jackie. Vị linh mục chấm dứt câu chuyện bằng một câu hỏi: "Các bạn nghĩ ngày nay, các cầu thủ da đen sẽ ra sao nếu anh Jackie Robinson và ông Branch Rickey không đưa má bên kia cho đối phương?" Sau bài giảng, một tù nhân đến nói với vị linh mục: "Thưa cha đó là một câu chuyện hay. Nhưng tại sao cha không kể toàn bộ câu chuyện? Sao cha không cho biết lý do mà ông Rickey và anh Robinson đã không trả thù? Họ không phải vì tình yêu Thiên Chúa. Đó là vì họ yêu đồng tiền. "Ông Rickey đã đưa má bên kia vì ông giao kèo với những cầu thủ da đen xuất sắc nhất nước và nếu anh Jackie thành công, ông sẽ được một số tiền kếch sù. "Và anh Jackie đưa má bên kia vì nếu anh thành công, anh cũng sẽ có rất nhiều tiền." Vị linh mục thầm nghĩ: "Nếu anh bạn tù này đúng thì bài giảng của mình như trôi theo giòng nước." Nhưng vị linh mục nghĩ lại: "Nhưng mà, nếu anh bạn tù này đúng, thì câu chuyện của mình đã đưa ra một điểm quan trọng hơn nữa." Đó cũng là điểm mà Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm hôm nay. Chúa nói: "Người của thế gian thì lanh lợi trong việc xử lý vấn đề hơn những người của sự sáng gấp bội." Hay nói một cách đơn giản: "Người đời làm việc chăm chỉ để được phần thưởng trần gian dù chỉ được một vài năm hơn là các Kitô Hữu làm việc để được phần thưởng đời đời của nước trời." Nói cách khác, nếu anh bạn tù nói đúng thì chỉ vì tiền mà ông Rickey và anh Robinson sẵn sàng đưa má cho người khác hơn là bạn và tôi sẵn sàng tha thứ cho người khác vì Thiên Chúa. Một vài năm trước đây, một tờ báo Pháp đã đưa ra nhận xét sau đối với Kitô Hữu Pháp: "Phúc Âm của các bạn là một vũ khí mạnh mẽ gấp bội so với triết thuyết Mácxít.Nhưng, trên đường trường chúng tôi sẽ đánh bại các bạn … "Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu các bạn từ chối đưa Phúc Âm vào đời sống, nếu các bạn không muốn hy sinh thời giờ và tiền bạc cho Tin Mừng? Làm sao người ta có thể tin vào Phúc Âm nếu bạn không muốn động đến ngón tay vì Tin Mừng?" Lời nhận xét trên thật thấm thía với mỗi người chúng ta. Vì quả thật có nhiều trường hợp như vậy. Và điều này đưa chúng ta trở về với điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài phúc âm hôm nay: Người đời thì sẵn sàng hy sinh để được phần thưởng trần thế hơn là Kitô Hữu hy sinh để được phần thưởng thiên đường. Điều này nêu lên một câu hỏi.Tại sao người đời sẵn sàng hy sinh để được phần thưởng trần gian hơn là Kitô Hữu để được phần thưởng thiên đường? Tại sao chúng ta sẵn sàng đối xử với người xa lạ một cách tử tế chỉ vì lợi lộc tiền bạc hơn là với gia đình, thân nhân để được phần thưởng thiên đường? Dĩ nhiên, chúng ta không thể trả lời câu hỏi ấy một cách tổng quát. Không có câu trả lời chung. Đó là câu trả lời riêng tư. Mỗi một người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi ấy. Và điểm chính của bài phúc âm hôm nay là: Chúng ta có phải là người Kitô Hữu mà Chúa Giêsu muốn nói đến? Chúng ta có ít hy sinh để được phần thưởng thiên đường hơn là để được phần thưởng trần gian? Chúng ta có ít hy sinh để loan truyền Tin Mừng hơn là để được tiến thân trong xã hội? Nếu thật như vậy thì chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Chúa lời cầu nguyện sau: Lạy Chúa, xin hay mở tai chúng con để lắng nghe lời Người ngay cả khi chúng con không muốn nghe, vì lời Chúa thách đố chúng con hơn cả những gì chúng con muốn. Lạy Chúa, xin hãy mở trí chúng con để hiểu lời Chúa ngay cả khi chúng con không muốn nghĩ đến, vì lời Chúa làm chúng con bối rối hơn điều chúng con muốn. Lạy Chúa, xin giúp chúng con thực hành lời Chúa ngay cả khi chúng con không muốn sống lời ấy, vì điều đó có nghĩa chúng con phải thay đổi những gì mà chúng con không muốn. Và sau cùng, lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng Chúa không bao giờ yêu cầu chúng con thi hành điều gì mà Chúa không ban ơn cho chúng con thật dồi dào ngoài sự mơ ước. Chúa không bao giờ thiếu sự độ lượng.Amen. CÁCH QUẢN LÝ TIỀN CỦA "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được" Lc 16, 13) Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Dùng tiền của hiện tại để mua bảo đảm cho tương lai Dụ ngôn này nói tới một người quản gia kia bị tố cáo là phung phí tài sản của chủ nên bị chủ báo tin là sẽ cho thôi việc. Anh ta lo sợ trước viễn tượng một tương lai bấp bênh nên đã tìm cách xoay sở, để sau này khi anh mất việc thì có nhiều người giúp đỡ anh. Mấu chốt của câu chuyện là cách xoay sở của anh: anh gọi những người thiếu nợ đến và sửa lại giấy nợ, nghĩa là giảm bớt phần nợ mà họ phải trả. Làm như thế họ sẽ biết ơn anh và sau này sẽ giúp anh để đền ơn. Thế nhưng cách xoay sở bằng cách sửa lại giấy nợ như thế có lương thiện hay không? Hiện có hai lối giải thích: - Giải thích thứ nhất cho rằng anh ta không lương thiện: lẽ ra con nợ thứ nhất phải trả cho chủ 100 thùng dầu thì anh bớt đi chỉ còn phải trả 50 thùng thôi; con nợ thứ hai lẽ ra phải trả 1000 thùng lúa thì anh bớt đi chỉ còn 800. Như thế là làm thiệt hại cho chủ. Anh ta lấy một phần tài sản của chủ để mua lấy tình cảm cho bản thân anh. Nói nôm na hơn, anh ta "mượn đầu heo nấu cháo". - Giải thích thứ hai cho rằng anh lương thiện: Theo tục lệ Do Thái, người quản gia không được trả lương, nhưng bù lại, chủ thường uyển chuyển hoặc làm ngơ để cho người quản gia dùng tài sản của chủ mà kiếm ăn riêng, miễn sao không hại đến tài sản của chủ thôi. Người quản gia này đã lấy 50 thùng dầu của chủ để cho người ta vay nhưng trong giấy nợ anh ghi là 100 thùng, tức là có thêm 50 thùng mà anh ta sẽ hưởng; cũng thế anh lấy 800 thùng lúa của chủ để cho vay nhưng trong giấy nợ lại ghi là 1000 nghĩa là có phần của anh 200 thùng. Đến lúc cần mua lòng người ta, người quản gia này đã hy sinh phần lời mà anh được hưởng, anh dùng phần đó để mua tình cảm của những người thiếu nợ. Nói nôm na, anh này đã "bỏ con tép để bắt con tôm". Như thế, anh xoay sở cách lương thiện. Hai giải thích trên, giải thích nào cũng có phần đúng. Chúng ta không biết chọn theo giải thích nào. Nhưng điều đáng chúng ta lưu ý, mà cũng là điều chính Chúa Giêsu bảo chúng ta học theo, đó là anh biết dùng của cải vật chất hiện tại để mua sắm những thứ bảo đảm cho tương lai: đối với người quản gia này, để mua lấy bảo đảm cho tương lai, anh không tiếc phải hy sinh tài sản hiện tại. Hiện tại, anh làm ơn cho những người thiếu nợ anh, để sau này những người đó sẽ trả ơn cho anh. * 2. Những việc nhỏ dẫn đến việc lớn Người ta không phạm một tội lỗi tày trời ngay trong một sớm một chiều; người ta cũng không làm một việc tốt vĩ đại ngay trong một sớm một chiều. Việc lớn là hậu quả hay kết quả của những việc nho nhỏ mà người ta đã bắt đầu làm từ rất lâu trong quá khứ. Như người quản gia trong dụ ngôn này, có lẽ khi mới được chủ chọn làm người coi sóc tài sản, anh đã làm rất tốt. Dần dần đồng tiền có sẵn trong tay cám dỗ anh ăn bớt ăn xén, khởi sự là một số tiền nhỏ, dần dần lớn hơn... Rất có thể đôi khi lương tâm anh cũng sống lại, khiến anh biết điều mình làm là sai trái. Nhưng vì đã quen ham tiền và quen kiếm tiền cách bất chính nên anh không dừng lại được, trái lại càng ngày càng lún sâu hơn trong tội lỗi. Cho đến một ngày kia, sự việc đổ bể, chủ gọi anh đến và cất chức anh. Tục ngữ có câu "Túi tham không đáy". Chúng ta đừng tự lừa dối mình rằng "Chỉ một ít này thôi, chỉ một lần này thôi", bởi vì một khi đã dùng cách bất chính để bỏ vào túi tham của mình một ít tiền thì cái túi ấy chẳng những không đầy, trái lại nó càng sâu thêm, lòng tham của mình đói khát thêm và lại đòi ăn thêm nữa. Hằng ngày đọc báo, nghe đài và xem truyền hình, chúng ta thấy nhiều người phải ra tòa rồi vào tù vì tội ăn cắp tài sản của người khác hoặc của công. Đáng chú ý là thủ phạm của những vụ ăn cắp lớn không phải là những người nghèo mà là những người giàu. Họ đâu có túng thiếu, họ còn dư thừa nữa là đàng khác. Nhưng căn bệnh nguy hiểm của họ là tiền bạc họ có thay vì thỏa mãn họ thì lại làm cho họ thèm khát hơn. Cách tốt nhất để không bị đồng tiền làm hại là hãy kiếm tiền cách chân chính và đừng bao giờ bắt đầu một hành vi gian tham dù rất nhỏ nhặt. * 3. Nhận lãnh để trao ban Có một nhà kia tính mời vài đạo sĩ tới lập đàn giải trừ tai nạn. Một đạo sĩ nọ tham lam, muốn một mình hưởng trọn số tiền chủ nhà trả ông, liền nhận bao thầu hết việc lập đàn cúng bái. Ông ta chẳng kể ngày đêm. Làm việc luôn tay luôn chân, không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì kiệt sức, đơ tay, ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông ta chết, mang hoạ, liền thuê người khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe vậy, cố ngước đầu lên thì thào: Ông hãy đưa tiền thuê người cho tôi, tôi tự mình lần về miếu cũng được. * Những người coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu. Nếu "con cái đời này" biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì tại sao "con cái sự sáng" lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai? Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù dù, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời. Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không "trung tín trong việc nhỏ" là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau? Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. Tác giả Augier còn viết: "Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo". Vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thựïc sự "làm tôi Thiên Chúa". 4. Chuyện minh họa a/ Cửa sổ hoặc tấm gương Một người Do Thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh đến bên cửa sổ và nói: "Ông hãy nhìn qua cửa sổ và tôi biết ông thấy gì. " Không một chút do dự, người giàu có trả lời: "Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại. " Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự: "Nào, bây giờ ông thấy gì trong tấm gương?" - "Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi". Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học: "Này nhé, tấm gương được làm bằng kính, phía sau phủ một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đàng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ, ông đã thấy được những người khác. (Trích "Món quà giáng sinh") b/ Loại tiền cho đi Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán: - Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu? - Chỉ một đồng thôi. - Còn tô lớn kia? - Cũng chỉ một đồng thôi. Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo: - Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không? Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói: - Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được. - Thế tiền-cho-đi là tiền gì? - Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi. Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói. Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy. c/ Đạo một mắt Bác sĩ A. J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không có nguy cơ bị mù. Ông hỏi: - Nhưng giá bao nhiêu? - Chữa mỗi mắt là 100 đô. Ông nhà giầu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ: "Tôi chỉ chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn!" Nhiều người vẫn cầu nguyện: "Xin mở mắt con để thấy kì công của Chúa. . . " Nhưng xem ra nhiều Kitô-hữu chỉ muốn Chúa mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để mà trông coi gia sản! d/ Đổi tiền Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời. 5. Mảnh suy tư a/ Tiền Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó Kẻ hoang phí thì đốt nó Chủ ngân hàng đem nó cho vay Đàn bà xài nó Kẻ lưu manh làm giả nó Nhân viên thuế vụ lấy nó Người hấp hối lìa bỏ nó Kẻ thừa kế tiếp thu nó Người tiết kiệm để dành nó Người keo kiệt thèm khát nó Kẻ ăn trộm chộp lấy nó Người giàu gia tăng nó Người cờ bạc bị mất nó Phần tôi thì dùng nó (Quote) b/ Khả năng thật của tiền bạc Tiền có thể mua được cái vỏ nhưng không mua được cái nhân Nó có thể mang đến cho bạn thức ăn, nhưng không mang đến khẩu vị Nó giúp bạn có nhiều người quen, nhưng không giúp bạn có bạn bè Nó giúp bạn có những đầy tớ, nhưng không giúp bạn có được lòng trung thành của họ. Nó ban cho bạn những tháng ngày hưởng thụ, nhưng không cho bạn bình an và hạnh phúc (Henrik Ibsen) c/ Những thứ mà tiền không mua được Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn.Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được: Tiền không mua được tình bạn chân thực. Tiền không mua được lương tâm trong sạch. Tiền không mua được niềm vui lành mạnh. * Lạy Chúa, trong khi chúng con đang bôn ba tìm kiếm những của cải tạm bợ đời này, xin cho chúng con cũng biết khôn ngoan tích trữ cho mình gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời. Amen. (TP) KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC Lm Giuse Nguyễn Hữu An Thời Chiến Quốc, tại Nước Tề có một vị tướng quốc tên tuổi là Mạnh Thường Quân. Ông là người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, hào phóng với hết mọi người. Trong nhà lúc nào cũng tấp nập khách thập phương thăm viếng chuyện trò.Danh tiếng Mạnh Thường Quân vang khắp các nước chư hầu thời ấy. Một hôm, Mạnh Thường Quân sai Phùng Nguyên sang đất Tiết để đòi nợ. Trước khi lên đường, Phùng Nguyên hỏi Mạnh Thường Quân rằng : "Ngài có muốn tôi mua thứ gì bên đó về cho ngài không ?" Mạnh Thường Quân trả lời : "Ngươi xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua". Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên triệu tập các con nợ của Mạnh Thường Quân lại và yêu cầu họ xuất trình giấy nợ. Sau khi nắm được số liệu giấy tờ, thay vì đòi họ thanh toán hết tiền gốc tiền lãi, Phùng Nguyên nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố tha hết nợ cho dân và truyền cho các đầy tớ đem tất cả giấy nợ ra đốt sạch… Thế là trong phút chốc, bao nhiêu nợ nần xưa nay biến tan theo làn khói; tất cả các con nợ thở phào nhẹ nhõm và ghi tâm khắc cốt ân đức của Mạnh Thường Quân. Mấy hôm sau, thấy Phùng Nguyên trở về tay không, Mạnh Thường Quân hỏi: “Nhà ngươi đã thu được bao nhiêu tiền nợ? Đã mua được thứ gì?” Phùng Nguyên trả lời : "Theo thiển ý của tôi thì trong nhà của ngài chẳng thiếu gì cả, có chăng là thiếu ơn nghĩa dành cho người túng cực mà thôi. Chính vì thế, tôi đã trộm phép ngài để mua ơn nghĩa cho ngài. Tôi hy vọng là ngài sẽ rất hài lòng". Về sau, Mạnh Thường Quân bị hàm oan và bị bãi quan, phải về nương náu tại đất Tiết. Dân chúng nơi đây nhớ ơn vị đại ân nhân đã tha nợ cho họ năm xưa, rủ nhau ra đón rước thật tưng bừng và thân mật. Mạnh Thường Quân vui sướng quay lại nói với Phùng Nguyên : "Nhà ngươi xem, chắc hẳn đây là cái ơn nghĩa mà trước đây nhà ngươi đã mua giùm cho ta!" Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giê-su sau khi kể dụ ngôn người quản lý bất lương đã kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Chúa dạy các môn đệ phải sống trung tín và thiết tha dặn dò: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” Cái khôn khéo của người đời là: lọc lừa, gian dối, thủ đoạn… Nó khác xa sự khôn ngoan của con cái sự sáng. Đầu mối khôn ngoan là kính sợ Chúa. Khôn ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa ( Kn 7, 25 ). 1. Khôn khéo con cái đời này Khôn khéo trong những việc làm của người quản lý bất lương: - Khôn khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo thì chủ mới đuổi việc. - Khôn vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. - Khôn vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có 1 chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà. - Khôn khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược... Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Ngày nay, người ta thường nói đến văn hóa gian dối. Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.” . Gian dối trở thành tập quán xã hội. Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại... Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm. Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 vừa khép lại. Tỷ lệ tốt nghiệp cả nước rất đẹp, gần 93% thí sinh thi đậu. Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT, được cả thí sinh, lẫn giáo viên đều thừa nhận khá “mềm”, đến nỗi nhiều tờ báo đặt câu hỏi nghi vấn – ngành giáo dục “thả” cho thí sinh đậu? Thì ngay sau khi có kết quả, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), bằng phương pháp khoa học tính toán, đã chỉ đích danh 17 địa phương có tín hiệu của “bệnh thành tích”: Bắc Cạn, Thừa Thiên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, và Sơn La. Nhưng có một điều lạ là mặc dù đề thi “rất mềm”, vậy mà tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp loại giỏi lại còn giảm sút hơn năm ngoái. Đây là điều thực sự đáng lo ngại, cho thấy, chất lượng giáo dục phổ thông không hề nâng cao, mà còn có thể còn “tệ” hơn trước. Nhìn chung, ngành giáo dục “vũ như cẩn” “bệnh thành tích”. Chất lượng giáo dục là cả một quá trình lâu dài, không đơn giản và không dễ dàng như phép “ảo thuật” của các ảo thuật gia đại tài trên sân khấu xiếc. Rộng hơn là một xã hội, nhỏ hơn là một địa phương, khi mà sự dối trá, sự giả dối, và bệnh thành tích đã trở thành “chuyện thường ngày ở tỉnh”, đã trở thành không khí hít thở bình thường của xã hội đó, địa phương đó, thì chuyện giáo dục mắc bệnh thành tích trầm trọng đã trở nên một quốc nạn. Mới đây, một thông tin trên báo chí khá nóng gây sự chú ý của cả xã hội. Đó là chuyện ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương xin từ chức (!).Đây có thể coi là vụ xin từ chức vào loại hy hữu của ngành giáo dục đào tạo, tiếp sau vụ xin từ chức của GS TSKH Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học năm nào, vào trước công cuộc đổi mới giáo dục diễn ra. Và càng là hiếm hoi nếu nhìn rộng ra trong xã hội. Hiếm hoi, bởi trong xã hội lâu nay, có không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa hoặc bất tài của cán bộ đương chức, cán bộ lãnh đạo, thế nhưng rất ít người có “gan” xin từ chức. Đến nỗi nhân dân, báo chí phải chân thành kêu gọi, nên có “văn hóa từ chức” một khi không còn xứng đáng ở cương vị đó. Dù vậy, không ít vụ, cùng lắm các quan chức xin “nghiêm khắc tự kiểm điểm”, hoặc “rút kinh nghiệm”. Còn nếu có vị xin từ chức, xin hưu trí trước tuổi, lại là kế “trong 36 chước, chước hưu là hơn” để tránh sự truy xét, xét xử của pháp luật… Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng. Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của nhà ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ. 2. Khôn ngoan con cái Chúa. - Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ. - Con cái ánh sáng thì khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em.” - Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” ( 1 Cr 1, 22 – 25 ). Chúa Giê-su đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi cho Chúa mà thôi. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy phải lấy của phù du để đổi lấy của đời đời và biết tận dụng những gì hiện có để mua sắm cho mình một chỗ ở vững bền cho tương lai. Cụ thể là hãy dùng những ân huệ Chúa ban như sức khoẻ, thời giờ, tài năng, trí tuệ, tiền bạc… để mua nghĩa, mua bè bạn, mua lấy một chỗ ở trong Nước Trời. Người tôi tớ bất lương trong Tin Mừng hôm nay quả là rất khôn ngoan khi biết lợi dụng tài sản mà anh được trao cho quản lý để mua lấy bạn hữu và mua lấy nơi ăn chốn ở cho mình trong những ngày khốn đốn. Phùng Nguyên cũng đã rất khôn khéo khi dùng tiền của chủ để mua ơn, mua nghĩa cho chủ mình, nhờ đó mà sau nầy ông cùng Mạnh Thường Quân được cùng chung hưởng. Dù sao, đó cũng là những người có tầm nhìn xa. Họ như thuyền trưởng phát hiện được tảng băng từ xa, nên có đủ thời giờ quay mũi tàu thoát hiểm. Họ như người săn tìm ngọc quý, bán đi những gì tầm thường mình có để mua cho bằng được một viên ngọc tuyệt vời. Còn tôi, vì nhìn không xa hơn sống mũi của mình, nên tôi vẫn khư khư ôm lấy của cải phù du, và dường như tôi vẫn muốn khăng khăng giữ lấy sự dại khờ nầy cho đến ngày tận số!Amen. PHẢN BỘI Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Vào một đêm Chúa nhật không trăng sao của mùa đông năm 2001, Bob Hanssen rời khỏi căn nhà ấm áp của mình, tiến ra công viên Foxstone thuộc tiểu bang Virginia, đi đến hộp thư chết mang tên Ellis nằm dưới chân một cây cầu gỗ không người qua lại. Tại đây, Bob nhét vội chiếc túi nhựa với nhiều giấy tờ xuống một chiếc hố nhỏ vừa mới đào. Sau đó lấp đất và lá lên. Đoạn ra về. Vừa rời khỏi hàng cây ngoài cùng của công viên, thình lình tám, chín bóng đen xuất hiện, với súng lục lăm lăm trên tay. Họ ập đến chụp lấy Bob, đè xuống và còng tay lại. Đang khi đó mấy bóng đen khác tiến vào màn đêm, trở lại chỗ cây cầu gỗ, đào lên sấp giấy trong bịch nylông mà Bob vừa chôn xuống trước đó mấy phút. Cũng trong thời gian ấy, tại một địa điểm khác không xa, một vài bóng đen cũng đang lén lút theo dõi một hộp thư bí mật mang lên Lewis. Họ quan sát xem có ai đến lấy số tiền mà Bob chưa kịp tiếp nhận không. Nhưng đợi hoài chẳng thấy, nên họ đã lặng lẽ thu hồi gói tiền trong đó chứa 50 ngàn đô la tiền mặt. Đây là số tiền mà người Nga trả cho Bob, một nhân viên tình báo CIA, để anh này bán cho họ những tài liệu tối mật của Hoa kỳ. Các nhân viên phản gián FBI đã theo dõi và bắt quả tang hành động phản bội của Bob Hanssen. Họ điều tra và khám phá thêm rằng Bob đã làm gián điệp nhị trùng suốt 15 năm qua, gây nên những thiệt hại không thể đo lường cho uy tín của cơ quan tình báo CIA, trong đó có việc chỉ điểm ba điệp viên của Nga làm việc cho Hoa kỳ, khiến cho hai trong ba người này đã bị xử tử. Hiện nay Bob đang chờ ra toà về tội phản quốc và có nguy cơ lãnh án tử hình. Không ít đồng nghiệp thân quen với Bob đã sửng sốt khi được tin anh ta bị bắt. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao Bob lại phản bội đất nước, gia đình, con cái và bạn bè như vậy? Phải chăng anh ta bất mãn với cơ quan tình báo và muốn trả đũa việc các nhân viên CIA bị buộc phải dùng đến phiếu thực phẩm (food stamps) vào năm 1985? Hay bởi vì có một khúc mắc tâm lý nào đó trong đầu của Bob Hanssen? Hàng chục câu hỏi được nêu lên, nhưng câu trả lời dễ hiểu nhất chính là: Bob Hanssen cần tiền. Tính ra từ khi khởi sự mua bán tin mật cho đến ngày bị bắt, Bob đã nhận được 600 ngàn đô, 3 viên kim cương, và 800 ngàn đô khác trong một nhà băng tại Nga. “Đồng tiền có sức mạnh vạn năng”, nhiều người đã nói như thế. Lắm lúc chính đồng tiền đã làm đảo điên cán cân công lý, dập tắt tiếng nói của lương tâm, và huỷ diệt bao quan hệ thân thương giữa con người với nhau. Chỉ vì một lợi nhuận riêng tư mà không ít kẻ đã bất chấp danh dự và nhân phẩm của chính mình, miễn sao có tiền. Từ thuở xa xưa, lòng tham đã chi phối đời sống con người. khi ẩn trong đồng tiền là những giá trị vật chất có khả năng trao đổi mua bán, và khi giá trị vật chất có khả năng trao đổi mua bán, và khi giá trị mọi sự, ngay cả giá trị con người, được qui định dựa trên tiền tài vật chất, thì đồng tiền bắt đầu chiếm địa vị độc tôn trong lòng người ta. Nó trở thành chủ nhân ông, khống chế hết mọi ý hướng đạo đức, công bình, và nhân phẩm. Đứng trước tình cảnh bao kẻ đàn áp, bon chen, vì đồng tiền, thậm chí còn coi thường phẩm giá và bóc lột đồng loại đến tận xương tuỷ, Tiên Tri Amos, vị ngôn sứ sống vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, đã lên tiếng cảnh tỉnh: “Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người nghèo và muốn tiêu diệt những ai bần cùng. Các ngươi tự nhủ: Bao giờ mới hết tuần trăng để chúng tôi buôn bán? Khi nào mới qua ngày nghĩ lễ để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi người túng thiếu. Và Chúa đã thề rằng: Ta sẽ lãng quên tất cả việc chúng làm cho đến cùng” (Am 8:4-7). Bị Thiên Chúa lãng quên là một hình phạt khủng khiếp. Bản cáo trạng được đọc lên từ thời xa xưa, nhưng nó vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay. Bởi vì vẫn có đó những kẻ lợi dụng sự khó khăn túng thiếu của người khác để chèn ép, tước đoạt, và làm giàu. Vẫn có đó những kẻ chuyên gian dối, lọc lừa, đổi giá, tráo hàng để thu lợi. Và vẫn cớ đó những kẻ “lấy đôi dép” để đổi một thai nhi, phá đi một mạng người. Tuy không phải là những tên gián điệp phản bội quốc gia, nhưng họ là những kẻ bội phản con người và rao bán chính mình. “Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền tài.” Chân thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm, người ta sẽ không thể thu lợi bằng con đường bất chính. Giữa Thiên Chúa và tiền của, con người phải chọn một. Nếu đặt Thượng Đế làm cùng đích, tiền bạc phải là phương tiện. Và chỉ có chọn lựa như thế mới mang lại giá trị và hạnh phúc đích thật cho con người. Ấy thế mà có không ít người đã chọn tiền bạc làm cùng đích của cuộc đời, thậm chí có kẻ lại biến Thiên Chúa và đạo giáo thành phương tiện làm ăn, kiếm tiền. Không biết rồi đây họ sẽ phải trả lời thế nào trước toà án Đấng Tối Cao trong ngày chung thẩm. Bài Phúc âm “Người Quản Lý Bất Lương” đã nên như một lời cảnh tỉnh dành cho con người trong thế giới tôn thờ vật chất. Phải chăng Đức Giêsu muốn nói: sẽ đến một ngày, người ta phải rời khỏi căn nhà trần gian, chẳng ai còn được làm chức quản lý nữa. Họ sẽ phải tính sổ về việc tìm kiếm và sử dụng tiền bạc khi còn tại thế. Người biết dùng của cải để mua bạn hữu, công phúc, sẽ được tiếp đón hân hoan. Kẻ tôn thờ tiền bạc, phản bội lương tâm, tàn phá nhân phẩm sẽ lãnh lấy bản án thịnh nộ gay gắt. Lời Thánh Kinh vẫn luôn nhắc nhở: Ấy, con người khác chi hơi thở Vùn vụt tuổi tựa bóng câu Công vất vả ngược xuôi làn gió thoảng Ký cóp mà chẳng hay ai sẽ tiêu dùng (Tv 38) Và Những ai thu góp tiền tài Mang bàn tay trắng trước ngai Chúa Trời Là phường ngu dại mà thôi! (Lc 12:20-21) Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét