Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Phúc âm lễ Chúa Nhật XXIII Q.N.C (05/09/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Từ Bỏ Để Theo Chúa" qua Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R TÔI LÀ NGƯỜI THỨ BA Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Trong cuộc đời, chúng ta phải đặt Thiên Chúa lên trên hết và hằng ngày phải sống điều quyết định đó" Gale Sayers, là một tuyển thủ của đội banh Chicago Bears hồi thập niên 1960, ông được coi là một cầu thủ nổi tiếng trong lịch sử banh bầu dục. Trên cổ ông đeo một huy chương vàng, trên đó có khắc hàng chữ: Tôi Là Người Thứ Ba. Hàng chữ này trở thành đầu đề cho cuốn tự truyện bán chạy nhất của ông. Qua cuốn này chúng ta biết tại sao những chữ ấy lại rất có ý nghĩa đối với ông. Đó là khẩu hiệu của huấn luyện viên Bill Easton, người dạy môn chạy đua khi ông Gale còn là sinh viên của Đại Học Kansas. Huấn luyện viên Easton khắc những chữ ấy trên một tấm thẻ và để trên bàn làm việc. Một ngày kia ông Gale hỏi người huấn luyện về ý nghĩa của những chữ ấy. Ông Easton trả lời, "Trước hết là Thiên Chúa, kế đến là bạn hữu, và tôi là người thứ ba." Từ ngày đó trở đi, ông Gale coi những chữ này như một triết lý sống của cuộc đời. Trong năm thứ hai là tuyển thủ của đội Bears, ông Gale muốn đeo trên cổ một điều gì đó có ý nghĩa, như ảnh tượng tôn giáo. Bởi thế ông mua một huy chương vàng và khắc trên đó hàng chữ Tôi Là Người Thứ Ba. Trong tự truyện, ông Gale cho biết, "Tôi cố sống theo những gì viết trên huy chương ấy. Tôi không luôn luôn thành công, nhưng nhờ những chữ ấy đeo trên cổ mà tôi không lầm lạc quá xa." Câu chuyện của ông Gale Sayers cho thấy điều Chúa Giêsu muốn nói đến trong phần đầu của bài phúc âm hôm nay, khi Người nói: "Ai đến với tôi đều không thể là môn đệ của tôi trừ phi họ yêu mến tôi hơn yêu mến cha mẹ..." Nói cách khác, chúng ta phải dâng hiến các ưu tiên hàng đầu của chúng ta cho Chúa Giêsu và Cha trên trời. Và điều đó đưa chúng ta đến điểm thứ hai mà Chúa Giêsu đã nói trong phần hai của bài phúc âm hôm nay: "Nếu một trong các người dự định xây cái tháp, trước tiên hắn phải ngồi xuống và suy tính xem tốn phí thế nào và có đủ tiền để hoàn tất công việc hay không." Nói cách khác, dâng hiến các ưu tiên hàng đầu của chúng ta cho Chúa Giêsu thì chưa đủ. Chúng ta còn phải sống các ưu tiên đó một khi đã quyết định. Dĩ nhiên, đó là phần khó khăn. Như ông Gale Sayers đã nói thật rõ ràng: "Đặt Chúa lên hàng đầu là một chuyện. Sống điều đó là một chuyện khác nữa." Đó là lý do tại sao ông Gale đeo huy chương đó trên cổ: để nhắc nhở ông phải sống điều tiên quyết ấy. Hãy lập lại lời của ông: "Tôi cố sống theo những gì viết trên huy chương ấy. Tôi không luôn luôn thành công, nhưng nhờ đeo trên cổ những chữ ấy tôi không sai lạc quá xa." Một thời gian trước đây, trong tờ Los Angeles Times phóng viên Dave Smith có kể một câu chuyện cảm động. Đó là về người Kitô Hữu thời đại, giống như ông Sayers, đã đặt Thiên Chúa lên trên hết, kế đến là tha nhân, và thứ ba mới đến chính mình. Tên ông là Charlie DeLeo. Ông từng là "một đứa trẻ ngỗ nghịch ở vùng Nữu Ước." Sau khi từ cuộc chiến Việt Nam trở về, ông kiếm được công việc làm là lau chùi bức tượng Nữ Thần Tự Do. Ông Charlie cho người phóng viên biết một phần của công việc là coi sóc ngọn đuốc trong tay bức tượng và vương miện trên đầu bức tượng. Ông phải đảm bảo các đèn luôn luôn sáng và 200 cửa kính trên ngọn đuốc và vương miện luôn luôn sạch. Chỉ tay về ngọn đuốc, ông Charlie hãnh diện nói, "Đó là nguyện đường của tôi và tôi dâng cho Chúa. Khi nghỉ giải lao tôi thường lên đó cầu nguyện." Nhưng ông Charlie còn thi hành nhiều điều khác nữa cho Chúa. Ông nhận được lời khen ngợi của cơ quan Hồng Thập Tự khi ông hiến máu lần thứ 65. Và sau khi nghe biết về công việc của Mẹ Têrêsa ở Ấn, ông đã tặng $12,000 cho Mẹ và những người tương tự. Ông Charlie nói khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói chuyện ở công viên Battery, cách nơi bức tượng một dặm rưỡi, ông đứng ở vòng đai quanh ngọn đuốc và nghe Đức Thánh Cha nói. Từ vòng đai đó ông đã cầu nguyện cho chuyến tông du Hoa Kỳ của đức giáo hoàng được thành công. Ông nói với phóng viên tờ Los Angeles Times: "Tôi không giao du nhiều, không có quần áo đẹp, nhưng tôi vui. Tôi không đủ tiền để lấy vợ. Tôi không để dành đồng nào. Sau khi kiếm được công việc này, tôi bảo trợ sáu em cô nhi qua một tổ chức bác ái." Ông chấm dứt câu chuyện với người phóng viên rằng, ông tự coi mình là "Người Giữ Ngọn Lửa" của tượng Nữ Thần Tự Do. Sau này một người làm việc trong công viên cho phóng viên biết: "Ai ai cũng biết ông Charlie thì đặc biệt. Khi ông tự cho mình danh hiệu ấy, họ mỉm cười. Nhưng bây giờ tất cả chúng tôi không coi thường điều ấy. Đối với chúng tôi, ông thật đúng với điều ông nói: 'Người Giữ Ngọn Lửa.'" Ông Charlie DeLeo khởi sự cuộc đời là một đứa trẻ ngỗ nghịch ở vùng Nữu Ước. Nhưng sau này, giống như ông Gale Sayers, ông quyết định đặt Thiên Chúa lên trên hết, kế đến là tha nhân, và thứ ba mới đến ông. Quyết định đó đã thay đổi đời ông. Ông Charlie là một thí dụ sống động về hai điểm mà Chúa Giêsu đã nói trong bài phúc âm hôm nay: quyết định đặt Chúa lên trên hết trong đời, và quyết định sống điều đã lựa chọn. Ông Charlie còn là một cảm hứng sống động để chúng ta thi hành điều mà ông đã làm: dâng hiến các ưu tiên hàng đầu cho Thiên Chúa và với sự giúp đỡ của Người, chúng ta sống các ưu tiên đó một cách can đảm. Đây là ý nghĩa của các bài đọc hôm nay. Đây là lời mời gọi của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta ở bàn tiệc Thánh Thể này. Hãy kết thúc với lời cầu nguyện mà ông Charlie DeLeo đã viết. Nó tóm lược điều thách đố của các bài đọc hôm nay: Ôi lạy Chúa, con không dám kỳ vọng một đức tin như của Abraham, Ôi lạy Chúa, con cũng không dám kỳ vọng tài lãnh đạo của Môsê, Hoặc sức mạnh của Samson, hoặc sự gan dạ của Đavít... hoặc sự khôn ngoan của Sôlômôn... Nhưng điều con mong đợi, ôi lạy Chúa, là một ngày nào đó Ngài sẽ gọi con. Ý Chúa là gì, con sẽ thi hành, mệnh lệnh của Chúa là gì đó là niềm vui của con... Và con sẽ không làm Chúa thất vọng, vì Ngài là tất cả những gì con tìm kiếm để phục vụ," Ý THỨC CÁI GIÁ PHẢI TRẢ KHI LÀM MÔN ĐỆ CHÚA "Từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa"(Lc 14, 25-33) Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Con đường theo Chúa Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau:"Có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ". Trong ngôn ngữ Thánh kinh, "đi theo" có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã "quay lại bảo họ", nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ. Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là gì? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều: một điều tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều: 1. Điều thứ nhất là từ bỏ a/ Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ? Vì đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc. b/ Vậy phải từ bỏ những gì? Chúa Giêsu kể: phải bỏ "cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình". Qua cách nói "Cha mẹ, vợ con, anh chị em", ý Chúa muốn nói tới gia đình; còn qua chữ "mạng sống", ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2 thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ. 2. Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác Thập giá a/ Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập giá? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc. b/ Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất: chúng ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá. Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa: Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì rán chịu vậy mà thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết. Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập giá nào Chúa gởi thì chúng ta rán mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá. * 2. Đòi hỏi của tình yêu Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa. Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người? Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: "Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ "dứt bỏ" không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là "ít hơn". Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu "yêu và bỏ". Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mi 10, 37). Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình. Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình. Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn "Xây tháp" và "Cuộc giao chiến". Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng. Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận "cầm cày mà còn quay lại sau lưng". Thật vậy, những kẻ "đứng núi này trông núi nọ" thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ "bắt cá hai tay" là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: "Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi". Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát. Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (TP) * 3. Lời nói thẳng thắn Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng, nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói với họ: "Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ: chúng tôi phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày". Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng. Gia nhập "dòng" của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi theo Ngài: Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn phải vác thập giá mà theo. Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài: hy sinh tất cả vì yêu thương mọi người. Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình. Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của Ngài nữa. Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta: ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều; nhiều lúc các ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa; và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ. Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài. * 4. Người-đi-theo và người-môn-đệ Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là "đi theo" và "làm môn đệ". Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo: "Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ... thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi"... Rất đông người "đi theo" Chúa Giêsu nhưng không phải tất cả đều là "môn đệ" Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ. Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ Cũng như người-nói "Lạy Chúa lạy Chúa" chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa. Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu. Cũng như người-mang-danh kitô hữu chưa hẳn là người-kitô-hữu. Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành người-kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏ và vác thập giá. Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội--và là khiếm khuyết lớn nhất - đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít người-môn-đệ thực sự của Ngài. * 5. Trả giá Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám trả giá. Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết. Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp: cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương. Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy. Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả. Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa. Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau: - Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế? Marie giật mình hỏi. - Tất cả chỉ tại bạn đó. - Sao lại tại tôi? Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói: - Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi. Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39. 600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua. Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá đâu đến nỗi cao quá như vậy! Chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa Giêsu "Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Trong tuần này chúng ta hãy can đảm vác lấy những thập giá hằng ngày để theo Chúa.Amen. TỪ BỎ MỌI SỰ THEO CHÚA (Lc 14,25-33) Giacôbê Phạm Văn Phượng op Có một câu chuyện kể rằng : Một vị linh sư Ấn giáo nổi tiếng kia đang ngồi tĩnh niệm bên bờ sông, thì một người đàn ông giàu có đến xin làm môn sinh. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân nhà tu hành hai viên ngọc quý giá để làm của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra nhưng không tỏ lộ một thái độ nào, không cần nhìn kỹ vào món quà quý giá ấy, ông cầm lấy một viên ngọc và ném xuống sông. Vì tiếc của, người đàn ông liền lặn xuống sông để tìm lại viên ngọc. Nhưng mất suốt một ngày mà ông không tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi và chán chường, ông mon men đến bên vị linh sư và nài nỉ : “Ngài đã ném viên ngọc xuống chỗ nào xin ngài chỉ cho tôi để tôi lặn xuống tìm lại ?”. Không nói gì, vị linh sư cầm lấy viên ngọc còn lại ném xuống sông và nói : “Đó, ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại”. Cử chỉ của vị linh sư Ấn giáo trên đây cho biết một đòi hỏi gay gắt đối với những ai muốn xuất gia tu hành, đó là họ phải từ bỏ tất cả. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi một sự từ bỏ như thế : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Nhiều người cho rằng Chúa Giêsu nói những lời trên là chỉ nói với các môn đệ ngày xưa hay với những linh mục và tu sĩ ngày nay. Không phải thế, chắc chắn Chúa không có ý nói đến những người đi tu mà thôi, nhưng nói với tất cả mọi người. Thực vậy, những điều Chúa nói trên đây có thể hiểu theo hai nghĩa : nghĩa đen, nghĩa chặt áp dụng cho những người đi tu, và nghĩa bóng, nghĩa rộng áp dụng cho mọi người. Nếu hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là hiểu theo sát nghĩa từng chữ, thì đây là điều kiện Chúa đòi hỏi những người theo Chúa và thực sự những ngừơi đi tu đã thực hiện, đã sống theo những lời Chúa nói. Trong cuộc đời của các thánh, chúng ta thấy nhiều vị đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen, có những vị đã bán hết gia tài bố thí cho người nghèo; có những vị đã bỏ hết danh vọng, chức quyền; có những vị đã bỏ hết tiền bạc của cải để theo Chúa; có những vị đã bước qua con cái để ra đi dâng hiến cuộc đời cho Chúa, hay chấp nhận cha mẹ từ bỏ mình để được đi tu; cũng có những vị tự cắt tóc, rạch mặt để được thong dong theo Chúa. Chẳng hạn thánh Phan-xi-cô Át-si. Truyện kể rằng khi còn là một thanh niên lêu lổng, Phan-xi-cô thường hay đi lễ trễ Chúa nhật. Có một lần khi vừa đến cửa nhà thờ, thì vị chủ tế đang đọc bài Tin Mừng, Phan-xi-cô nghe rõ được câu: “Nếu con muốn nên hoàn thiện thì hãy về bán hết gia sản, bố thí cho kẻ nghèo, rồi đến đây theo Ta”. Phan-xi-cô xác tín lời ấy Chúa nói với chính mình, anh trở về và thực hành đúng như lời Chúa, tơ lụa, vải vóc trong cửa hàng bề thế của gia đình anh đem phân phát cho người nghèo rồi đi theo Chúa và trung thành với sự nghèo khó suốt đời, nên chúng ta thường gọi là thánh Phan-xi-cô khó nghèo. Trường hợp của thánh Béc-na cũng rất hay. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài sớm nhận ra rằng : khó mà được rỗi linh hồn nếu sống ở thế gian, nên ngài đã quyết định từ bỏ, ngài xin đi tu và còn kéo theo bốn người em nữa. Trước khi lên đường, năm anh em đã nói với người em út, tên là Ni-va: “Vĩnh biệt em Ni-va, các anh đi đây, các anh để lại tất cả đất đai, nhà cửa và của cải cho em”. Ni-va trả lời : “Các anh khôn thấy mồ, các anh chọn trời và để lại đất cho em, em không bằng lòng đâu”. Vì thế, sau này Ni-va cũng theo các anh vào tu viện, từ bỏ đất để chọn trời, từ bỏ thế gian để chọn nước trời. Những trường hợp trên và nhiều trường hợp khác là những cử chỉ anh hùng, nhưng không phải là luật chung cho mọi người. Dầu sao những người đi tu, chúng ta thấy cũng hiểu được theo nghĩa đen lời Chúa nói : bỏ cha mẹ, gia đình, anh chị em để nhận nhà dòng làm gia đình và nhận những người cùng chí hướng làm anh em, chị em, hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng ba lời khấn vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh. Tuy nhiên, nếu hiểu điều kiện từ bỏ theo nghĩa rộng là Chúa nói với mọi người, thì điều đó có nghĩa là phải ưu tiên dành cho Chúa và làm mọi việc để phụng sự Chúa mà thôi, nghĩa là phải chọn Chúa trên hết mọi sự, trên cả những tình cảm thân thương nhất, cả chính bản thân cũng như danh vọng và của cải trần gian. Đây là một đòi hỏi có tính cách khác thường, ngược đời và khó chấp nhận, nên Chúa đã đưa ra hai dụ ngôn để minh họa và giải thích : dụ ngôn người muốn xây tháp hay xây nhà và dụ ngôn ông vua hay ông tướng sắp lâm trận : phải biết lượng sức mình, phải biết đánh giá đúng khả năng của mình, tức là phải tính toán cẩn thận để khỏi hỏng việc, thiệt hại hay thất bại. Nói rõ hơn, đối với phần đông chúng ta, Chúa không đòi hỏi phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp để đi tu, nhưng Chúa đòi hỏi phải biết từ bỏ những gì cản bước chân chúng ta đi theo Chúa, những gì làm chúng ta xa Chúa, mất sự bình an, nhất là mất Chúa, mất hạnh phúc nước trời. Tóm lại, không thể làm môn đệ Chúa nếu không dám dứt bỏ, mà lám sao dứt bỏ được nếu không có tình yêu, nên điều kiện theo Chúa là phải có một tình yêu lớn mạnh. Có tình yêu chúng ta sẽ làm được tất cả, và dứt bỏ vì yêu, chúng ta sẽ thấy nhẹ hơn và dễ hơn. Nói khác đi, từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu, khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Đức Giêsu, dám bán tất cả để thấy mình giàu có. Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét