Vị chát ngọt của nước chè xanh làm tôi vơi đi nỗi bồn chồn. Bên quầy bán sách báo, tiếng hát từ băng catset lại cất lên.
"... Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám ..."
Bà chủ quán nước nói vọng sang :
- Hết bài hát rồi hay sao mà từ sáng đến giờ chú mở mãi có một bài thế?
Gã bán sách đang xếp lại mấy quyển sách cười hề hề:
- Bác ơi! Bác có thấy bọn trẻ đang túm tụm trong sân trường kia không? Chúng chuẩn bị chia tay nhau trước khi từ biệt trường phổ thông đấy. Trong đám các chàng trai ấy, khối anh đang ngơ ngẩn vì các nàng tiên từ cung trăng xuống đang lả lướt trong tà áo dài thướt tha kia kìa. Rồi vài hôm nữa thế nào cũng có mấy anh đến đây, khắc nỗi nhớ nhung của mình lên cây phượng vĩ già này. Ngày xưa cháu cũng đã từng ngẩn ngơ vì một nàng cùng lớp. Nhưng nàng quá vô tình để đến bây giờ "Cây si" ngồi đây bán sách, còn nàng làm bác sĩ, lấy chồng giáo sư ở tận trên thành phố. Thế nhưng, mỗi khi hè về, nhìn lũ trẻ líu ríu nhau là cháu lại thoáng nhớ về nàng. Có lúc còn nghĩ ông nhạc sĩ sáng tác bài hát này là để tặng riêng cho cháu đấy...
Gã lại cười hề hề, mắt nháy về phía tôi. Tôi cũng mỉm cười như muốn chia sẻ với gã nhưng trong lòng còn đang mãi ngược về những kỷ niệm của riêng mình...
Tôi hơn em hai tuổi, học trên em một lớp. Chúng tôi thân nhau vì cùng ở đội văn nghệ của trường. Tình bạn hồn nhiên giữa chúng tôi bỗng chuyển gam từ buổi tối biểu diễn hôm ấy... Tiết mục mở màn là vũ khúc "Bên đầm sen". Đèn sân khấu bật sáng. Chín cánh sen hồng từ từ hé nở. Em hoá thân làm nhụy, khoe hương sắc với đời. Khuôn mặt em bừng sáng lung linh, Tôi cảm thấy hương thơm của hoa sen đang lan toả quanh mình ... Tiếng vỗ tay vang dội, tốp múa ùa vào hậu trường. Tôi đón em ngay bậc lên xuống.
- Thật tuyệt vời, em là nàng tiên vàng...
Đang xúc động với thành công trong vai múa của mình, em thêm cảm kích trước lời khen của tôi. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau cùng ngỡ ngàng, lúng túng. Tôi ngập chìm trong cảm xúc kỳ diệu trước đó chưa có bao giờ. Chẳng biết chúng tôi sẽ còn đắm đuối bao lâu, nếu không phải nhường chỗ cho mọi người lên xuống.
Cảm xúc lạ với em đêm ấy làm tôi vơ vẩn hết mấy ngày. Tôi hay tìm cớ để gặp em. Còn em, hình như đã quên giây phút thần tiên ấy, có vẻ hơi buồn và thường tránh ánh mắt của tôi. Những buổi tập văn nghệ sau đó, em thường bắt tôi đàn để em hát bài "Mối tình câm". Bài hát nói về tình yêu đơn phương của một người lính. Lúc còn ở nhà, chàng thầm yêu một cô học sinh vẫn thường che nón đi học qua nhà chàng. Vì ngại ngùng mà chàng chưa một lần dám gặp nàng để tâm tình. Khi ra chiến trường nhớ về nàng, muốn viết thư về thổ lộ thì tiếc thay, chàng chưa hề biết tên nàng... Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy em mới mười bảy tuổi mà có thể cất lên giọng ca thống thiết đến thế khi hát bài hát này?
Rồi ngày lớp đàn anh chúng tôi ra trường đã đến. Đội văn nghệ tổ chức chia tay. Trò chơi trước khi ra về của chúng tôi là "Kết mũ tặng nhau". Trên sân trường ngập nắng, chúng tôi quây quần dưới gốc phượng, chia nhau từng cặp trai gái. Tôi quyết định sẽ nói với em điều thiêng liêng nhất. Em đội cho tôi chiếc mũ kết bằng lá phượng, màu xanh biếc tượng trưng cho mũ Hoàng tử, tôi nhẹ nhàng đặt lên đầu em chiếc mũ kết bằng hoa phượng thắm đỏ như vương miện của công chúa. Tôi nhìn sâu vào đáy mắt em thầm thì: "Anh muốn nói với em điều này.". "Gương mặt đang tươi như hoa của em bỗng u buồn khác lạ. Em lắc đầu van vỉ: "Anh hãy đứng nói gì...". Đôi mắt em ngấn lệ. Tôi sợ giọt nước mắt kia sẽ tràn qua bờ mi cong vút của em. Tôi muốn đặt lên mắt em nụ hôn đầu đời. Nhưng làm sao tôi có thể ...
Chia tay em, tôi đau khổ hụt hẫng, xong không có nhiều thời gian để chết chìm trong thất vọng. Tôi lao vào ôn thi đại học, nghĩ rằng em cũng như tôi còn quá trẻ. Trước mắt, em còn cả một năm cuối của tuổi học sinh bồng bột. Thi đại học xong, tôi đến nhà tìm em thì được biết, bố em đã chuyển trường gửi em lên thị xã học. Tôi hỏi thăm địa chỉ, bố em lắc đầu nói: "Em nó còn phải học".
Năm sau, từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi vui vẻ về quê nghỉ hè, hy vọng sẽ được cùng em vui chơi trong một tháng, nhưng em lại ở luôn trên thị xã để học thêm về vũ nhạc. Tôi buồn quá, thường ôm đàn hát một mình. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi nhớ em. Hơn một năm qua, mải lo học hành thi cử, làm quen với môi trường mới, những gì xảy ra giữa tôi với em, tuy có làm tôi buồn khổ nhưng rồi nó cũng trượt đi không đến nỗi nặng nề. Trước khi trở lại trường, tôi muốn viết thư để lại cho em nhưng không làm sao viết nổi. Tôi vốn rất sợ nước mắt.
Tôi sinh ra không biết mặt bố mình, ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi ở vậy nuôi hai người con gái. Nhiều lúc đi học về, tôi bắt gặp bà và mẹ đang sụt sùi, mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng dì tôi lấy chồng xa về thăm nhà, những lúc ấy, tôi lại thấy bà, mẹ tôi và dì ôm nhau khóc... Sau đó dì tôi bồng bế ba đứa con nhỏ về ở luôn với bà ngoại và mẹ tôi. Chồng của dì, sau một lần say rượu đã đốt nhà rồi bỏ đi luôn ... Vì sống trong cảnh gia đình như thế nên tính tôi hay nhút nhát. Nước mắt đàn bà đối với tôi là những gì bí ẩn. Bởi vậy, cứ nhớ đến đôi mắt ngấn lệ của em trong lần chia tay ấy, tôi không đủ can đảm để viết cho em điều mà em đã xin tôi: "Anh hãy đừng nói gì..."
Mấy tháng sau, hỏi thăm bạn bè, tôi biết em đang học đại học sư phạm, tôi đến tìm em. Gặp tôi, em mừng rỡ, rối rít hỏi tôi đủ điều rồi như sực tỉnh điều gì, không để tôi hỏi lại, em mời tôi vào phòng, giới thiệu tôi với các bạn là anh họ đến thăm. Lúc ấy, tôi như người rơi xuống vực, chỉ ngồi một lúc tôi xin phép ra về. Em tiễn tôi với đôi mắt buồn thẳm. Tôi hỏi em tại sao giới thiệu tôi như vậy, em chỉ im lặng lắc đầu. Tôi biết mình không thể nói gì hơn nên hẹn em sẽ gặp lại...
Nhưng chỉ ba ngày sau đó, tôi nhận được thư em. Thư viết có mấy dòng: "... Anh đừng đến gặp em nữa, vì em biết anh sẽ rất đau khổ. Bố em đã nhận lời dạm ngõ của nhà người ta. Học xong ra trường là em có chồng..." . Những dòng chữ có nhoè vết ố, tôi biết đó là nước mắt của em. Tôi chết lặng trước sự thật phũ phàng. Trong tiềm thức sâu xa, tôi nghĩ có uẩn khúc gì đó đối với em. Nhưng còn tôi? Trời ơi! Em đối với tôi thân thiết, gần gũi là thế mà rốt cục, tôi cũng chẳng hơn gì anh chàng trong bài hát "Mối tình câm". Tôi cũng biết em nào có vô tình, hơn tất cả mọi người, em hiểu rất rõ tiếng đàn của tôi nói gì, vậy mà hè về, tôi vẫn phải đến trường, khắc tên em lên cây phượng ngày nào chúng tôi từng bẻ lá, hái hoa kết mũ tặng nhau... Tôi xót xa cho bản thân mình, thề với lòng mình sẽ không bao giờ gặp lại em, dù biết không thể trách em. Giữa chúng tôi nào có hứa hẹn gì...
Tôi giật mình nghe bà chủ quán nước nhắc.
- Này anh! Hội đồng nhà trường họp xong rồi kìa.
Tôi đứng bật dậy, bước nhanh đến cổng trường. Em là người ra sau cùng. Trong chiếc áo dài màu vàng yến, em vẫn xinh đẹp lạ lùng. Không chú ý xung quanh, em định lên xe. Tôi vội chặn ngang lối.
- Phượng!
Em sững sờ
- Anh Lương!...
- Anh đợi em đã gần một tiếng đồng hồ, chỉ còn nữa giờ nữa anh phải đi, chúng mình quay vào trường nói chuyện...
Sân trường ngập nắng, vắng vẻ. Chúng tôi bước nhanh về dãy các phòng học ba tầng. Đó là nơi trước đây Trường hay dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ hay các buổi sinh hoạt lớn. Kỷ niệm ùa về, tôi chưa biết bắt đầu thế nào thì em đã chủ động nói trước.
- Em vẫn hoài mong có một ngày được gặp lại anh. Vậy mà hôm nay em vẫn thật bất ngờ! Sau khi tốt nghiệp, em xin về trường cũ dạy. Lúc ấy anh đã chuyển cả gia đình về quê cũ. Qua bạn bè, em được biết mãi sau này anh mới lấy vợ, nhưng cô ấy đã bỏ anh theo gã chủ tiệm vàng, vì cho anh là "tẩm", suốt ngày cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Em nghĩ, thế là trời buộc em mang nợ với anh rồi...
- Thôi em, hãy quên chuyện của anh đi, cô ấy bỏ anh là tại anh... Ngày mai anh sẽ chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh hy vọng vào trong đó, cuộc sống sẽ đỡ khắc nghiệt với anh hơn. Song anh biết, nếu không gặp em trước khi đi xa, anh sẽ không sao thanh thản được, cũng như hơn mười năm qua, anh vẫn không hiểu vì sao ngày ấy...?
Em không nhìn tôi, tay vít cành phượng là đà sát lan can, ngắt một lá, bứt vụn thả cho chúng bay lả tả.
- Anh đã biết, bố em cảnh gà trống nuôi con. Em là con gái, ông để mắt từng ly, từng tý. Ngay sau buổi tối biểu diễn văn nghệ hôm ấy, ông gọi em đến ngồi trước bàn thờ mẹ em dạy: "Con là con gái, đã lớn, phải biết giữ mình, lo học hành. Chuyện trai gái bố cấm tuyệt đối. Mẹ con mất đi, đã gửi gắm con cho nhà bác Đạt, bố con mình phải làm theo để vong linh mẹ con được thanh thản. Thằng Lương là con nhà không có bố, như nhà không có nóc, phải biết nhìn xa con ạ...".
Lời nói của bố như ngọn roi quất vào trái tim non nớt của em, nó đau đớn, quằn quại ... Em nhớ lại, có lần vợ chồng bác Đạt về thằm nhà em, bác gái đã buột miệng nói với em: "Con dâu của bác càng lớn đẹp quá". Lúc ấy, em nghĩ bác chỉ đùa nhận em cho Dũng con trai của bác. Nhưng bây giờ em biết đó là sự kết giao giữa hai gia đình từ trước. Em không tin bố em vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến đến thế, song đó là sự thật. Ông tìm mọi cách để tách em và anh, không cho em đi tập văn nghệ, em không chịu đòi nghỉ học...
Ngày hè đó, ông bắt em chuyển trường lên thị xã và gữi em ở nhà bác Đạt. Dũng lúc này cũng đang học đại học xa nhà. Chuyện chồng con của em coi như đã được định đoạt. Vì vong linh của mẹ, thương bố lận đận cả đời cho con, em chỉ biết cúi đầu cam chịu. Nhưng em không thể dối lòng mình, em yêu anh và em biết anh cũng yêu em... Tuổi mười bảy dại khờ chẳng cứu được tình yêu của chúng mình. Em chỉ biết ước mình như cô gái trong bài hát "Mối tình câm" để được anh yêu thương mà không phải chối từ ... Nhưng rồi em vẫn phải viết thư cho anh sau lần gặp lại ấy...
Ôi! Phải chăng mỗi người có một số phận. Mẹ tôi cũng phải sống âm thầm lặng lẽ một đời. Bố tôi đã nhảy xuống sông từ tử vì không được gia đình chấp nhận cho lấy mẹ tôi, lý do vì nhà mẹ tôi nghèo. Hồi ấy, nếu không có bà ngoại thì mẹ tôi cũng đã đi theo bố tôi. Sau đó, bà ngoại lặng lẽ đưa mẹ tôi rời làng. Tôi đã sinh ra và lớn lên ở cái thị trấn nhỏ này.
Tôi ngắm nhìn những ngón tay thon thon, nhỏ nhắn, trắng ngần của em đang tiếp tục thả lá. Bàn tay mềm mại kia trong điệu múa ngày ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu thương nồng nàn ... Tôi đột ngột nắm chặt tay em nói gấp gáp:
- Đến giờ anh phải đi rồi, tạm biệt em. Vĩnh biệt tình yêu của anh ... Em gục đầu, áp mặt vào ngực tôi. Vòng tay tôi xiết nhẹ ôm sát em vào mình. Nước mắt em thấm vào ngực tôi nóng bỏng. Tôi thơm lên mái tóc thoảng mùi hoa bưởi, nhẹ nhành nâng khuôn mặt đẹp như vầng trăng của em lên, nhìn sâu vào đôi mắt hồ thu sâu thẳm của em. Đôi hàng mi đen mượt, cong vút từ từ khép lại...
Có tiếng còi xe ngoài cổng trường ... đợi em khuất vào lối rẽ, tôi mới lên xe của mình. Bên kia phía quầy sách vẫn vọng lại tiếng hát.
... Em chở mùa hè của tôi đi qua, còn tôi đứng lại
Nắng ngập sân trường một vạt áo ai bay...
Xe tôi lao vút đi giữa trưa hè nóng bỏng. Dường như dưới ánh nắng chói chang, hoa phượng bên đường càng rực rỡ, thắm hồng trên nền lá xanh biếc...
Mời theo dõi clip ca nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét