Nếu trong lòng con đầy than trách hờn oán khôn nguôi thì trước tiên chính con là người hứng chịu những niềm khổ đau bất hạnh.
Nó không chỉ là những nỗi khổ tinh thần mà còn ảnh hưởng đến những cơn đau thể xác, như căng thẳng thần kinh, rối loạn tim mạch, suy yếu lục phủ ngũ tạng…
Vậy, khoan nói tới thương yêu ai khác, trước hết con phải biết thương yêu chính mình, đừng tiếp tục hành hạ bản thân, hãy rải tâm từ ái cho chính con, hãy lắng nghe và thông cảm với những nỗi đau trong con để giúp thân tâm mình được mát mẻ dịu dàng.
Sự trầm tĩnh, nhẫn nại sẽ giúp tâm con nhẹ nhàng thanh thản và ngọt ngào hiền dịu.
Khi con cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng yêu thương (tâm từ) với chính mình, không những con cảm thấy dễ chịu mà sự ngọt ngào ấy còn lan tỏa ra xung quanh, và môi trường con sống sẽ trở nên thật êm đềm thanh thản.
Khi con và môi trường xung quanh thật an bình, hương thơm của đóa hoa thương yêu trong con sẽ tỏa rộng khắp nơi, và ngay lúc đó con sẽ ngạc nhiên không còn cảm thấy một chút buồn phiền, oán trách vì bất cứ điều gì. Con phát hiện ra rằng, “Sự bình yên của tâm hồn ngọt ngào hơn các lạc thú”.
Khi lòng con an lạc, tự nhiên con mở rộng tâm hồn muốn chia sẻ niềm an lạc với mọi người, với muôn loài vạn vật, con sẽ thầm mong cho tất cả muôn loài được thanh bình an lạc như mình.
Hãy lắng nghe chính mình, hãy cảm nhận nỗi đau của lòng hận thù trong con, khi đó con sẽ cảm thông với nỗi đau của những người đang thù hận, rồi một tình yêu thương khác nở rộ trong con, đó là tấm lòng lân mẫn (tâm bi), không muốn ai khổ đau và cũng không muốn làm cho ai đau khổ.
Từ đó con bắt đầu nhận ra thế nào là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà ngược lại nó lan tỏa ra bên ngoài khi đã nở rộ trong con.
Chỉ khi con thật sự hạnh phúc như vậy con mới có thể vui với hạnh phúc của người khác, niềm vui đó (tâm hỷ) là mặt khác của một tâm hồn đã mở ra vô lượng. Và từ đó con không còn chấp trước, không còn ôm mối bận tâm nào trong lòng (tâm xả), cảm thấy tâm hồn nhẹ tênh như vừa buông đi hay trút hết biết bao phiền muộn ưu sầu…”
HT. Viên Minh)
Mời các bạn cùng nghe thuyết giảng tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét