Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Châu Âu : cắt giảm ngân sách Nhà nước, một tai họa đối với tăng trưởng

Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro Trên đây là nhận định của giải Nobel kinh tế 2001, giáo sư Joseph Stiglitz trên báo Le Monde số đề ngày 23 và 24/5 vào lúc mà những chữ như là « hà khắc », « cắt giảm chi tiêu », « hạn chế chi tiêu công », « thu gọn các khoản bội chi trong ngân sách Nhà nước » tràn ngập các phương tiện truyền thông châu Âu, chúng được coi như những chiếc đũa thần đưa Châu Âu ra khỏi giai đoạn bất ổn hiện nay. Mời nghe toàn bộ bài viết này của RFI Trong hai tuần lễ cuối tháng năm, sau khi đã đồng ý xây dựng quỹ ổn định 750 tỷ euro để hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn tài chính, 16 nước trong vùng euro đã thi nhau đưa ra các kế hoạch cắt giảm chi tiêu được coi là « mạnh bạo » để trấn an dư luận. Đầu tháng năm, Hy Lạp mắt xích yến kém đầu tiên trong dây chuyền euro công bố tiết kiệm 30 tỷ euro trong ngân sách Nhà nước để đến năm 2014 trở lại với quy định của hiệp ước Maastrischt : thâm hụt không được vượt quá ngưỡng 3% GDP. Tây Ban Nha, do có trọng lượng kinh tế và tài chính lớn hơn Hy Lạp, công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu 50 tỷ euro trong ba năm tới. Bồ Đào Nha cam kết giảm mức thâm hụt nói trên xuống còn một nửa vào năm 2011 so với mức bội chi của tài khóa 2009. Bên cạnh các nước đang bị đặc biệt quan tâm này, Ý, Pháp, Ai Len cũng có những cử chỉ tương tự. Thậm chí tại Anh Quốc, một nước đứng ngoài vùng euro, chính phủ mới của ông David Cameron cũng cho biết kế hoạch tiết kiệm hơn 7 tỷ euro. Khoản tiền này trực tiếp lấy ra từ ngân sách của các bộ như là bộ Y tế, Quốc phòng. Tại Pháp, do dư luận còn bị những chương trình « thắt lưng buộc bụng » trong quá khứ ám ảnh, thủ tướng Fillon cố tình tránh né các từ ngữ mạnh như « hà khắc », « khắc khổ » mà chỉ nói đến nhu cầu « tạm hoãn lại các khoản chi tiêu » để đưa thâm hụt ngân sách Nhà nước từ 8% trong năm nay xuống còn 3% vào năm 2013. Châu Âu đang theo đuổi một mục đích rõ ràng : đẩy chính sách bội chi xuống còn khoảng 3 % tổng sản phẩm nội địa trong vòng từ hai đến bốn năm sắp tới. Dứt khoát quay lưng lại với chính sách chi tiêu « lỏng lẻo » như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu các chính phủ châu Âu có thể đạt được mục tiêu đã đề ra này hay không, khi biết rằng hai mục tiêu cắt giảm ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng đi ngược lại với nhau. Hơn nữa tình trạng bội chi hiện nay là hậu quả của chính sách kinh tế muốn kéo khối euro cũng như Liên Hiệp Châu Âu ra khỏi suy thoái toàn cầu. Nói cách khác giới phân tích lo ngại mục tiêu lành mạnh hóa vấn đề tài chính sẽ tác hại trực tiếp đến đà tăng trưởng của châu Âu. Thắt lưng buộc bụng : một sai lầm Theo quan điểm của giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đứng đầu Ngân hàng Thế giới, từng là cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, thì châu Âu đã "đi lầm đường". Khi chấp nhận sử dụng một đồng tiền chung, các nước thành viên khối euro mặc nhiên từ bỏ hai đòn bẩy truyền thống để kích thích kinh tế khi cần thiết. Đó là tỷ lệ hối đoái và lãi suất chỉ đạo ngân hàng để điều chỉnh khối tiền tệ lưu hành tại một quốc gia. Khi không còn khả năng điều chỉnh hai đòn bẩy nói trên, châu Âu phải tìm lấy một giải pháp nào khác. Bế tắc hiện nay cho thấy là khối euro không có « ngõ thoát hiểm » để vực dậy kinh tế. Thay vào đó, 16 nước sử dụng đồng tiên chung châu Âu lại tung ra một kế hoạch có phối hợp để siết chặt ngân sách Nhà nước, cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nợ để lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Kinh nghiệm của cuộc Đại Khủng hoảng năm 1930 cho thấy, lấy lại cân bằng ngân sách, giảm bớt nợ của Nhà nước vào thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang yếu kém là một sai lầm, một tai họa. Đơn giản do cắt giảm chi tiêu công cộng, sẽ làm thất nghiệp gia tăng, và càng đẩy kinh tế khối euro lún sâu thêm vào khủng hoảng. Trong bối cảnh kinh tế khu vực đồng euro châu Âu bị đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng tư vừa qua tăng hơn 10% - mức cao nhất từ 12 năm trở lại đây, siết chặt lại các khoản chi tiêu công cộng không khác nào là « tấn thêm cho nền kinh tế đang gặp khó khăn này thêm một đòn đau » và liều thuốc này hoàn toàn phản tác dụng khi biết rằng từ mùa thu 2008, chính vì muốn tránh để khối euro lâm vào suy thoái, các chính quyền từ Pháp đến Tây Ban Nha, từ Ý đến Hy Lạp đã bổ sung ngân sách Nhà nước để hỗ trợ kinh tế. Nhìn rộng ra ngoài châu Âu thì cả Hoa Kỳ, Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đã sử dụng đến chìa khóa này để chống chọi với cơn bão tài chính 2008/2009. Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE nêu lên trường hợp cụ thể của Tây Ban Nha, khi chính quyền Madrid quyết định hy sinh 0,5 điểm tăng trưởng kinh tế để « lành mạnh hóa hoạt động tài chính » : Angel Gurria, OCDE (00:48) 01/06/2010 Nói cách khác áp dụng những biệt pháp cứng rắn để buộc các nhà nước giảm bớt nợ công, thu hẹp thâm thủng ngân sách hòng lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư, tô điểm lại hình ảnh của đồng tiền chung châu Âu đi ngược lại với mục đích kích thích kinh tế. Về điểm này ông Jacques Attali, nguyên thống đốc ngân hàng phát triển châu Âu, và cũng từng là cố vấn kinh tế của tổng thống Pháp, François Mitterrand từ những năm 1980 nhìn nhận khối euro đang trong tư thế của một kẻ « làm xiếc đi dây », nhưng dẫu sao thì đây cũng là một phương tiện cần thiết để bảo đảm tăng trưởng lâu bền : Jacques Attali (00:30) 01/06/2010 IMF : ưu tiên phải được dành cho tăng trưởng kinh tế Về phần mình, Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Dominique Strauss Kahn không chia sẻ quan điểm nói trên. Theo ông Strauss Kahn, thanh toán bớt nợ để giới hạn rủi ro mất khả năng thanh toán, để tránh là mục tiêu tấn công của giới đầu cơ là điều cần thiết, và cái giá phải trả là chính sách này làm yếu thêm đà phục hồi kinh tế của khu vực. Do vậy những cam kết đảo ngược thế cờ trong một thời gian quá ngắn ngủi là điều khó có thể nhanh chóng thực hiện và chính những mục tiêu đầy tham vọng của nhiều nước châu Âu đôi khi làm phương hại đến uy tín của toàn khối. Giám đốc quỹ IMF giải thích : Giám đốc Quỹ IMF Dominique Strauss Kahn (01:30) 01/06/2010 Nếu như giới phân tích không hoàn toàn đồng ý về phương thức giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng, thì trái lại cả ba ông Strauss Kahn, Stiglitz và Attali đều nhấn mạnh đến việc khối này cần thực sự có chung một chính sách tài chính và tiền tệ. Giáo sư Stigltz và giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cùng tin tưởng là đồng euro không bị đe dọa nếu như các thành viên khối này thực sự có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Nhìn từ phía nhà kinh tế Jacques Attali thì ông đặt tương lại đồng euro vào khả năng các nước trong khối vượt lên trên những bất đồng, những tính toán riêng lẻ, để cùng xây dựng một đơn vị tiền tệ ổn định : Jacques Attali (00:49) 01/06/2010 Giải pháp kinh tế và chính trị cho khối euro Về đệ nghị thắt chặt đoàn kết giữa các nước châu Âu, cựu chủ tịch Ngân hàng thế giới đề cập đến việc thiết lập quỹ liên đới, mà ở đó các thành viên đóng góp khi hoạt động kinh tế được gọi là thuận buồm xuôi gió. Quỹ này như tên gọi của nó phải được dùng để giúp đỡ những thành viên yếu kém nhất vượt qua khỏi giai đoạn khan hiếm tài chính, tránh mọi nguy cơ vỡ nợ. Vì nguy cơ nó tự nó đã nguy hiểm, nhưng nguy hại hơn nữa là nó tạo cơ hội cho giới đầu cơ đánh cuộc vào tình hình yếu kém của một quốc gia để nhanh chóng kiếm lời. Về điểm này, đầu tháng 5 vừa qua khối euro đã thành lập quỹ ổn định tài chính 750 tỷ euro, trong đó đóng góp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lên đến 250 tỷ euro. Nhìn rộng ra hơn, có lẽ vấn đề cốt lõi của khối euro hiện tại không đơn thuần là kinh tế. Đơn giản là vì với một đồng euro đang sụt giá , dao động ở khoảng 1,24 đô la đổi lấy một euro cũng có thể là một đòn bẩy giúp xuất khẩu của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đi lên. Một số nhà phân tích lạc quan nhất cho rằng thuận lợi về phương diện xuất khẩu cho phép khối euro phần nào lấy lại cân bằng trước những thiệt thòi do chính sách cắt giảm chi tiêu gây nên. Thanh Hà (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét