Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XII Q.N (20/06/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Môn đệ và Thánh giá" qua Linh Mục Đaminh Nguyễn Phi Long ,C.Ss.R HAI CÂU HỎI Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Đức Giêsu là ai trong sự liên hệ với chúng ta? Chúng ta là ai trong sự liên hệ với Đức Giêsu?" Một cậu bé 15 tuổi và người cha đang lái xe ngang qua một phi trường nhỏ trong một tỉnh lẻ ở Ohio. Bỗng dưng có một chiếc máy bay bị trục trặc, bay xà mặt đất rồi xoay tròn và đâm đầu xuống phi đạo. Câu bé la lên, "Bố ơi, dừng xe lại!" Một vài phút sau cậu bé lôi người phi công ra khỏi máy bay. Đó là thanh niên 20 tuổi đang học lái máy bay, đang thực tập cất lên và đáp xuống. Thanh niên này đã chết trong tay cậu bé. Khi về đến nhà, cậu đến ôm bà mẹ và khóc, "Mẹ ơi, anh ấy là bạn con! Hắn mới 20 tuổi!" Tối hôm đó, cậu quá bàng hoàng đến độ không muốn ăn. Cậu vào phòng, đóng cửa lại và nằm thừ trên giường. Cậu đang làm việc bán thời gian tại một tiệm thuốc. Mỗi đồng kiếm được cậu dành dụm để học lái máy bay. Cậu nhất định có được bằng lái khi 16 tuổi. Cha mẹ cậu tự hỏi không biết tai nạn thảm khốc ấy ảnh hưởng thế nào đến con trai của họ. Liệu nó có bỏ học lái không, hay vẫn tiếp tục? Họ để cho cậu tự quyết định. Hai ngày sau, bà mẹ đem vào phòng cậu một ít bánh mới nướng. Trên mặt tủ quần áo bà thấy có cuốn nhật ký còn mở. Đó là cuốn nhật ký mà cậu đã gìn giữ từ khi còn nhỏ. Ngang qua đầu trang giấy có hàng chữ lớn, "Đặc Tính của Đức Giêsu." Bên dưới là một chuỗi các đức tính: "Đức Giêsu thì không phạm tội; Người khiêm tốn; Người thương kẻ nghèo; Người không ích kỷ; Người gần với Thiên Chúa..." Bà mẹ thấy rằng trong những giây phút khó quyết định, cậu đã quay về với Đức Giêsu để xin sự hướng dẫn. Sau đó bà quay sang cậu con trai và nói, "Con quyết định gì về việc học lái máy bay?" Cậu nhìn vào mắt mẹ và nói, "Mẹ ơi, con hy vọng là bố mẹ sẽ hiểu cho con, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, con phải tiếp tục học bay." Cậu trai đó bây giờ là ông Neil Armstrong. Và vào ngày 20-7-1969, ông là người đầu tiên đặt chân trên mặt trăng. Rất ít người khi xem biến cố lịch sử đó trên truyền hình đã không biết rằng một trong những lý do giúp ông Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng là Đức Giêsu. Họ không biết rằng chính nhờ Đức Giêsu mà ông đã có được sức mạnh cũng như sự hướng dẫn để thi hành một quyết định quan trọng thời niên thiếu mà giờ đây giúp ông thành công đi trên mặt trăng. Tôi thích câu truyện này vì nó trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu trong bài phúc âm hôm nay-"Các con nói Thầy là ai?"--trong một kiểu cách trả lời mà chúng ta ít thường được nghe. Cậu Neil Armstrong đã không trả lời câu hỏi ấy bằng cách nói với Đức Giêsu rằng, "Ngài là Con Thiên Chúa," hoặc "Ngài là Đấng Mêsia," hoặc "Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa." Cậu đã trả lời câu hỏi ấy một cách đơn giản hơn. Cậu nói: "Ngài là một người không phạm tội. Ngài là một người luôn nghĩ đến người khác. Ngài là người thường quan tâm. Ngài là một người gần với Thiên Chúa." Nói cách khác, với câu hỏi "Con nói Thầy là ai?" cậu Neil Armstrong không trả lời theo thần học. Cậu đã trả lời theo cảm nghĩ riêng tư. Cậu nhìn đến tâm hồn mình và diễn tả điều cậu cảm nghiệm được về Đức Giêsu trong cuộc đời mình. Mỗi người chúng ta cũng phải làm giống như vậy. Chúng ta phải trả lời câu hỏi của Đức Giêsu-"Con nói Thầy là ai?"-bởi nhìn vào tâm hồn chúng ta và diễn tả cảm nghiệm sống động hằng ngày của chúng ta đối với Đức Giêsu.Và cảm nghiệm đó thật khác biệt với mỗi người chúng ta. Vì đối với một số người, Đức Giêsu là một người mà chúng ta có thể quay về để xin được dẫn dắt khi chúng ta hoang mang. Với những người khác, Đức Giêsu là người mà chúng ta có thể quay về để xin sức mạnh trong những lúc bị thử thách. Còn với những người khác nữa, Đức Giêsu là người hiểu chúng ta, ngay cả khi chúng ta không hiểu chính mình. Và điều này đưa chúng ta đến phần thứ hai của bài phúc âm hôm nay. Nếu phần đầu của bài phúc âm là câu hỏi "Chúng ta cảm thấy Đức Giêsu như thế nào?" thì phần thứ hai đề ra câu hỏi "Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào?" "Nếu ai muốn đến với tôi, họ phải... vác thập giá hàng ngày và theo tôi." Những lời này của Đức Giêsu thách đố chúng ta phải tự hỏi mình, "Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào? Ngài có cảm thấy chúng ta là các môn đệ của Ngài hay không?" Nói cách khác, chúng ta có vác thập giá hàng ngày của mình và theo Chúa không? Hay nói cách khác nữa-cách thực tế hơn-chúng ta có bắt chước Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày không? Chúng ta có sống vì người khác như Đức Giêsu đã sống vì chúng ta hay không? Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để tìm được sức mạnh khi họ bị thử thách hay không? Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để được hướng dẫn khi họ hoang mang hay không? Chúng ta có phải là những người mà người khác có thể quay về để được giúp đỡ khi cần thiết hay không? Chúng ta có phải là loại người như vậy đối với các phần tử trong chính gia đình của chúng ta hay không? Nói tóm lại, bài phúc âm hôm nay đưa cho chúng ta hai câu hỏi quan trọng. Câu thứ nhất là: Chúng ta cảm thấy Đức Giêsu như thế nào? Chúng ta có cảm được Người như Neil Armstrong cảm nghiệm: Người đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta không? Hay Đức Giêsu chỉ là ai đó mà chúng ta chỉ nghĩ đến khoảng một giờ đồng hồ trong ngày Chúa Nhật và các ngày khác thì quên hết? Câu hỏi thứ hai lại càng quan trọng hơn: Đức Giêsu cảm thấy chúng ta như thế nào? Người có thấy chúng ta là các môn đệ của Người không? Hay Người chỉ thấy chúng ta hâm mộ Người mà thôi? Chúng ta có phải là người bắt chước Đức Giêsu không? Hay chúng ta chỉ là người khâm phục Chúa mà thôi? Chúng ta có vác thập giá và theo Chúa hàng ngày không? Hay chúng ta chỉ ngồi bên vệ đường và hoan hô Người khi Người vác thập giá một mình? Đây là hai câu hỏi quan trọng mà phúc âm đề ra cho mỗi người chúng ta hôm nay: Đức Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta? Chúng ta là ai trong cuộc đời Chúa Giêsu? Không ai có thể trả lời câu hỏi này thay cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình trả lời. Hãy kết thúc với lời nguyện mà đã được sáng tác bởi một Kitô Hữu vô danh cách đây gần 1,500 năm. "Lạy Chúa! Xin hãy là lửa sáng trước mặt con. Xin hãy là ngôi sao dẫn đường cho con. Xin hãy là con đường bằng phẳng dẫn đắt con. Xin hãy là mục tử nhân hậu theo con. Xin hãy là tất cả những điều ấy hôm nay-tối nay-và mãi mãi." CĂN TÍNH KITÔ HỮU Pt Giuse Trần Văn Nhật Mời nghe đọc bài giảng này Paul Gustave Dore, là một hoạ sĩ tài danh của đầu thế kỷ 19, trong chuyến du ngoạn Âu Châu, ông quên đem theo giấy thông hành. Khi sửa soạn vượt sang biên giới, lính biên phòng đã chặn ông lại. Ông cho họ biết tên với hy vọng là họ sẽ nhận ra ông là ai và cho ông đi qua. Tuy nhiên, lính biên phòng cho biết nhiều người cũng muốn vượt qua biên giới bằng cách tự nhận họ là những nhân vật nổi tiếng mà họ không phải như vậy. Ông Dore cố gắng thuyết phục người lính rằng ông chính là hoạ sĩ Paul Gustave Dore. Sau cùng người lính này nói, “Được rồi, chúng tôi sẽ thử ông. Nếu ông qua được sự thử thách này, chúng tôi sẽ cho ông đi.” Người lính đưa cho ông cây bút chì và tấm giấy trắng và bảo ông hãy vẽ những hành khách đứng gần đó. Ông Dore đã phác hoạ một cách mau chóng và mỹ thuật đến độ người lính này phải tin rằng ông đích thực là hoạ sĩ Paul Gustave Dore. Việc làm của ông đã xác nhận lời ông nói. Căn tính của ông đã được tỏ lộ qua hành động. Trong bài phúc âm chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu cũng gián tiếp tiết lộ căn tính của mình bằng cách hỏi các môn đệ rằng, “Đám đông nói Thầy là ai?” Câu trả lời của các môn đệ phản ảnh cái nhìn sai lầm của dân chúng thời bấy giờ, họ nói: có người nói Thầy là “Gioan Tẩy Giả, người khác nói là Elida”, người khác nữa lại cho rằng Thầy là “một trong những ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Hầu hết dân chúng đều coi Đức Giêsu là một ngôn sứ chứ chưa nhận ra được căn tính đích thật của Đức Giêsu. Điều này cũng dễ hiểu là vì dân chúng chỉ được nghe lời giảng dậy và nhìn thấy phần nào công việc của Đức Giêsu chứ không được sống với Người như các môn đệ. Đây là điểm quan trọng giúp cho câu trả lời của ông Phêrô được chính xác khi Đức Giêsu hỏi, “Nhưng các con nói Thầy là ai?” và ông đã trả lời rằng, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Kitô hay Mêsia là người được xức dầu, được Thiên Chúa chọn để giao cho một công việc nào đó. Đức Giêsu nhìn nhận căn tính này nhưng Người cấm các môn đệ không được nói điều này với ai, bởi vì, ý niệm Kitô hay Mêsia của Do Thái thời bấy giờ ít nhiều có liên can đến chính trị và quân sự. Nói cách khác, khi công bố Đức Giêsu là Mêsia hay Kitô, đó là một tuyên bố trầm trọng và nguy hiểm vì kẻ thù của Người sẽ có lý do để chống đối, mà thực sự vai trò chính trị đó không phải là căn tính đích thật của Đức Giêsu. Do đó, Đức Giêsu đã tiết lộ ngay cho các môn đệ biết về hành trình thập giá của Người để họ đừng nghĩ đến chiến thắng chính trị hay quân sự. Không những thế, Đức Giêsu còn đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Người, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hàng ngày mà theo.” Đức Giêsu đề cập đến một cuộc chiến đấu nội tâm hơn là cuộc chiến chính trị hay quân sự. Đức Giêsu muốn giải thoát con người khỏi ràng buộc của tội lỗi hơn là xiềng xích nô lệ về thể xác. Đức Giêsu muốn hướng con người đến hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau hơn là sự sung sướng chóng qua ở đời này. Tuy nhiên, chỉ sau biến cố Phục Sinh thì các môn đệ mới thấy được trọn vẹn ý nghĩa đó. Chúng ta là những người theo Chúa Kitô, bởi đó căn tính của chúng ta được rập khuôn theo Đức Kitô. Nếu Đức Kitô là Con Thiên Chúa thì chúng ta, dù là ai, có địa vị hay không, giầu hay nghèo, lành lặn hay tật nguyền, thánh thiện hay tội lỗi, tất cả chúng ta đều là con của Thiên Chúa. Đó là căn tính của chúng ta như trong bài đọc hai Thánh Phaolô viết, “Nhờ đức tin, anh chị em là con cái của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.” (Galát 3:26) Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa và Người là Cha chung của chúng ta trong một đại gia đình. Trong gia đình ấy có những sinh hoạt đạo đức để giúp chúng ta nhận ra căn tính của mình. Ngay khi còn nhỏ, chúng ta được rửa tội, được dậy đọc kinh, được học giáo lý. Chúng ta noi gương cầu nguyện hàng ngày của cha mẹ, cố gắng sống sạch tội, siêng năng lãnh nhận các bí tích, và cố gắng sống đức tin trong mọi hoàn cảnh. Tất cả những thói quen này tạo nên căn tính của một tín hữu Kitô. Đây là một điều rất cần thiết và tốt đẹp mà mọi gia đình Công Giáo phải thi hành. Nhưng không may, xã hội ngày nay có khuynh hướng kỳ thị Kitô Giáo, họ tìm cách đẩy Thiên Chúa ra ngoài sinh hoạt xã hội. Nhà trường không còn cho phép cầu nguyện, hay biểu lộ đức tin cách công khai. Trong xã hội, luật buộc người Công Giáo phải thi hành những công việc trái với lương tâm, tỉ như, bác sĩ hay nhà thương Công Giáo phải chấp nhận phá thai để có thể tiếp tục hoạt động. Xã hội ngày nay còn đề cao sự tự do của con người đến độ nguy hiểm. Con người được cho rằng họ có quyền trên tất cả mọi sự, kể cả sự sống của chính mình. Một vài quốc gia đã cho phép người già, người bệnh tật được “quyền tự tử”. Nói tóm lại, những hoạt động của xã hội đã trở thành mối đe doạ cho căn tính của một tín hữu Kitô. Không nhiều thì ít, chúng ta đã bị ảnh hưởng. Quan điểm về luân lý, đạo giáo của chúng ta đã bị lung lay. Con đường theo Chúa không còn thẳng tắp mà rất nhiều ngã rẽ muốn kéo chúng ta đi theo sự lầm lạc nào đó. Trước những thử thách ấy, người tín hữu Kitô phải làm gì? Chúng ta có phân biệt được đâu là chân lý và giả trá hay không? Chúng ta có sống đức tin để thấy được giá trị lời Chúa hay không? Chúng ta có nhận ra được các dấu chỉ thời đại để vững tâm đi theo Chúa hay không? Đó là bổn phận của một tín hữu Kitô. Đó là thập giá của mỗi một người chúng ta. Trong một bản tin vào hồi đầu tháng Ba, 2010 của trang web chiesa, với tựa đề “Tại Sao Mạng Sống Quá Ít Giá Trị trong Quốc Gia Nhật Bản Phồn Thịnh”, người ta được biết Nhật Bản là quốc gia có số người tự tử cao nhất thế giới. “Trung bình, cứ 15 phút lại có một người Nhật tự tử. Trong một năm, có trên 30,000 vụ ‘Kamikaze’ (liều chết) và ‘harakiri’ (mổ bụng tự sát)”. Một phần ba những người tự tử tuổi từ 20 đến 49, và số học sinh Nhật tự tử đứng hàng đầu thế giới, trong năm 2009 có đến 552 em. Tại sao trong một quốc gia tân tiến, kinh tế phồn thịnh như Nhật Bản, vấn đề tự tử lại trở nên một vấn nạn xã hội hàng đầu? Ông Silvio Piersanti, một ký giả người Ý sống ở Tokyo từ lâu, đã làm cuộc phân tích về vấn đề này. Ông nói chuyện với nhiều người trí thức trong nước, trong đó có cả một giám mục Công Giáo ở Tokyo và một sứ thần toà thánh Vatican ở Nhật. Cả hai vị này đều đồng ý rằng, vấn đề Thiên Chúa là nguồn gốc của việc người Nhật tự tử cách dễ dàng như vậy. Hai vị nói, “Khi tín hữu Kitô muốn kết liễu đời mình, họ biết rằng điều đó vi phạm đến luật của Chúa; sự sống được Chúa ban cho, và chỉ có Chúa mới có thể lấy đi sự sống ấy. Người Nhật muốn tự tử thì không bị sự cản trở này. Họ không có ý niệm về tội lỗi. Ngoài thế giới vật chất và văn hoá, họ không có ai để chạy đến xin giúp đỡ. Hơn nữa trong văn hoá Nhật Bản, xin giúp đỡ là một điều sỉ nhục, vì thế họ phải tự giải quyết tình trạng đau khổ của họ, khi không thể chịu đựng nổi. Người Nhật có tám triệu thần thánh, hàng ngàn đền thờ, và hai tôn giáo chính là Phật Giáo và Thần Đạo, nhưng họ sống mà không có một Thiên Chúa quyền năng và giầu lòng thương xót, họ không có ý niệm về Thiên Chúa như một người cha của toàn thể nhân loại và hiện diện trong mỗi một người chúng ta”. Vấn đề tự tử của Nhật Bản và sự phân tích của hai giám mục Công Giáo là một nhắc nhở cần thiết cho chúng ta về đời sống đức tin. Nếu một hoạ sĩ phải thường xuyên sáng tác, hay một khoa học gia phải không ngừng tìm tòi để đừng mất căn tính của mình thì người tín hữu Kitô cũng phải siêng năng lãnh nhận các bí tích, vì theo Giáo Lý Công Giáo, bí tích rửa tội kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn trong Đức Kitô; bí tích thêm sức gia tăng các ơn sủng của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; và bí tích thánh thể đem cho chúng ta sức mạnh để làm chứng cho đức tin (xem #1303). Trong một xã hội càng văn minh, càng sung túc về vật chất thì chúng ta lại càng phải thận trọng để khôn ngoan phân biệt giữa chân lý và giả trá. Nếu những hào nhoáng bên ngoài làm chúng ta mệt mỏi chạy đua với mãnh lực đồng tiền thì có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại căn tính của mình. Nếu chỉ vì muốn có thêm những phương tiện xa hoa mà chúng ta đầu tắt mặt tối đi làm, không còn thời giờ cho gia đình, vợ chồng, con cái, bạn hữu, v.v., đó là lúc chúng ta phải nghĩ lại mục đích của đời sống chúng ta. Đức Giám Mục Antôninô ở Florence nước Ý trong khoảng thế kỷ thứ 15, một hôm đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một thiên thần cứ bay lượn trên một căn nhà nghèo nàn lụp xụp. Đức giám mục hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đức Giám Mục Antôninô động lòng thương nên ngài trích quỹ từ thiện và kín đáo trợ cấp hàng tháng cho gia đình ấy một số tiền vừa đủ để có vốn làm ăn cho bớt nghèo khổ. Sau một thời gian khá lâu, Đức Cha Antôninô cũng phải đi qua vùng ấy, ngài chợt giật mình khi thấy một tên quỷ xấu xa đang bay lượn trên một tòa nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Dò la hỏi thăm thì được biết đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp bấy lâu nay. Ngài được biết họ cố gắng làm ăn, nhưng dần dà vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng. Đời sống của họ không những hoàn toàn vô đạo đức mà còn trở nên ích kỷ và độc ác, họ khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ trong làng, ngoài ra, họ còn thêm thói ăn chơi trụy lạc. Sau biến cố đó, Đức Cha Antôninô mới hiểu rằng thập giá của sự nghèo nàn không phải là một bất hạnh cần phải tránh, mà trái lại sự nghèo nàn rất có thể là một chúc lành để giúp người ta đạt được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Câu chuyện của Đức Cha Antôniô giúp chúng ta hiểu thêm lời Chúa trong bài phúc âm hôm nay, “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn ý thức về căn tính của mình và mục đích đời sống của một người theo Chúa Kitô. LUẬT THÁNH GIÁ: “Con người phải chịu nhiều đau khổ” Cha Cố Hồng Phúc, C.Ss.R. Trong ngôn ngữ chúng ta có một danh từ đặc biệt, ấy là chữ “ngờ”. Ngờ là khó tin, khó tin nhưng có thật. “Tưởng rằng nước chảy đá mòn Ai ngờ nước chảy đá còn trơ trơ” (Ca dao) Hôm nay, qua bài Phúc âm, các Tông đồ cũng lâm vào cảnh khó tin, bất ngờ như vậy. Sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn Chúa làm Vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Chúa tuyên bố những điều thật khó hiểu, mất hứng. Đó là LUẬT THÁNH GIÁ trong đời của Chúa và trong đời của chúng ta, đồ đệ của Cha. Trong một lúc Thầy trò quây quần, Chúa Giêsu bất thần hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai? Các ông hồ hỡi trả lời: Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Elia, người khác lại cho là một trong các Tiên tri thời xưa sống lại”. Nhưng Chúa lại muốn biết chính cảm nghĩ của họ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô nhanh nhẩu, đầy xác tín thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên xưng Đức Tin thật rõ rệt chính xác. Các môn đệ tưởng rằng Thầy sẽ nói về sự cao sang của Thiên Chúa, vì thương yêu đã ban Con một Ngài làm Đấng Cứu Thế. Ai ngờ Chúa lại nói đến Luật Thánh giá, luật đau khổ cho Ngài và các môn đệ. “Con người phải chịu đau khổ…bị giết chết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. Rồi Ngài phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống mình”. Ai ngờ vậy? Nhưng đó là sự thật. Đó là mầu nhiệm Thánh giá. Muốn làm đồ đệ của Chúa thì phải can đảm lãnh nhận phần Thánh giá của mình. Chúa đi qua con đường đau khổ để đến vinh quang khải hoàn sống lại, thì chúng ta muốn phục sinh với Ngài cũng phải trải qua chặng đàng Thánh giá của đời mình. Văn hào Mauriac viết: Chúng ta sinh ra bị đóng vào cây Thập giá (Nous sommes nés crucifiés). Luật Thánh giá là luật của mỗi cá nhân cũng như mỗi đoàn thể, của Giáo Hội. Năm 1627, khi Cha Đắc Lộ đến khởi đầu cuộc giảng đạo cho quê hương chúng ta, ngài dựng một cây Thánh giá lớn trên quả núi cao nhìn xuống cửa Bạng, đâu đâu cũng nhìn thấy. 300 năm giảng đạo thì 300 năm máu chảy đầu rơi. 130.000 người đã hy sinh xương máu, liều mất mạng sống để cứu mạng sống mình. Lạy Chúa, Luật Thánh giá là luật khó hiểu, các môn đệ Chúa bỡ ngỡ, Phêrô bực bội can ngăn. Nhưng đó là mầu nhiệm tình thương, là nguồn gốc sự sống. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và can đảm “vác thập giá hằng ngày để theo Chúa”.Amen. SỐNG VÌ MỌI NGƯỜI Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà (Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 9,18-24) trích đọc vào Chúa Nhật 12 thường niên) Bận tâm hàng đầu của Chúa Giê-su khi xuống thế là sống vì mọi người, trao ban tất cả cho mọi người, và cuối cùng hy sinh chịu chết cho muôn người được sống. Có thể tóm tắt sự nghiệp của Chúa Giê-su vào một cụm từ ngắn: “sống-hết-mình-vì-mọi-người.” Và đó cũng chính là sứ mạng chính yếu của Chúa Giê-su, trong tư cách là Đấng Ki-tô. Thế nên, sau khi môn đệ đã nhận biết chân tướng của mình là Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su cho họ biết đã đến lúc Người phải lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Qua lời nầy, Chúa Giê-su tỏ cho biết Người phải chết đi cho muôn người được sống và sẽ sống lại để đưa muôn người vào cõi trường sinh. Hiến thân cứu đời, hy sinh quyền lợi bản thân để phục vụ cộng đồng, từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống vị tha là lý tưởng cao đẹp mà Chúa Giê-su quan tâm thực hiện và đó cũng là quy luật sinh tồn và phát triển cộng đồng nhân loại. Thế nên, Chúa Giê-su kêu mời mỗi người chúng ta hãy bước theo Người, từ bỏ lợi ích bản thân (=từ bỏ mình) để thực hiện sứ mạng đó: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Tự cứu mạng mình thì mất, liều mất mạng sống vì tha nhân thì sẽ được sống. Lời nầy xem ra cực kỳ phi lý và khó chấp nhận, nhưng đó là một chân lý cao đẹp đáng được trân trọng và đem ra thực hành. Câu chuyện sau đây minh chứng điều đó. Một lão phù thủy rất tinh ma quỷ quái đã dùng pháp thuật của mình gom toàn bộ dân cư của một ngôi làng nhỏ gồm hai trăm người và đem nhốt toàn bộ vào tòa lâu đài bí mật của y trong khu rừng vắng. Hai trăm người nầy được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm một trăm. Nhóm Một bị nhốt ở tầng trệt, nhóm Hai bị nhốt ở tầng trên. Sau một đêm bị nhốt trong tòa lâu đài bí hiểm, sáng hôm sau, khi thức dậy, mọi người đều thét lên kinh hoàng khi phát hiện ra những biến đổi lạ lùng trên cơ thể mình. Trong đêm qua, tên Phù Thủy độc ác đã dùng tà thuật của y để gắn chặt vào hai bàn tay mỗi người hai chiếc muỗng dài đến hai mét trông thật kỳ quái. Thế là hai chiếc muỗng dài ngoằng kia trở thành một thành phần của cơ thể của từng nạn nhân và không cách nào tháo gỡ ra được. Đến giờ ăn, mỗi nhóm đều được dẫn vào phòng ăn dành riêng cho nhóm mình. Ai nấy vô cùng ngạc nhiên khi thấy những dãy bàn ăn đầy dẫy những thức ăn hết sức ngon lành và bổ dưỡng được dọn ra cho mọi người thưởng thức, những món đặc sản tuyệt vời nằm mơ không thấy. Thế nhưng, tại phòng trệt, tấn thảm kịch bắt đầu: sau mấy ngày nhịn đói và từ lâu chưa hề được thưởng thức những món ăn ngon, cả trăm con người bị nhốt ở đây, vốn có chủ trương là phải lo cho mình trước hết, đã lao vào bàn ăn như những con hổ đói. Họ dùng hai chiếc muỗng dài hai mét xúc thức ăn tới tấp đổ vào miệng mình, nhưng than ôi, vì hai chiếc muỗng quá dài nên bao nhiêu thức ăn đều bị rớt ra bên ngoài và rơi xuống bùn đất lầy lội dưới chân. Rốt cuộc, khi thức ăn trên bàn cạn dần, bọn người nầy tranh giành nhau xúc lấy xúc để những phần ăn còn lại để cho vào miệng, nhưng cũng chẳng được chút nào, nên đâm ra tức tối điên cuồng, dùng hai chiếc muỗng dài đập đầu nhau, thọc mù mắt nhau, đánh gảy răng nhau… gây nên một thảm kịch quá đỗi kinh hoàng. Và trong những bữa ăn tiếp theo, sự việc cũng xảy ra cách đau lòng như thế. Đang khi nhóm người ở tầng trệt kiệt quệ vì đói và đánh giết nhau bằng những chiếc muỗng dài thì ở tầng trên, mọi người tỏ ra hạnh phúc hoan lạc chưa từng thấy. Chủ trương của nhóm người nầy là trong mọi hoàn cảnh, phải ưu tiên phục vụ tha nhân trước. Bởi thế, khi đến giờ ăn, thay vì tự phục vụ cho bản thân mình, ai nấy tranh thủ dùng hai chiếc muỗng dài của mình để múc thức ăn đút cho những người chung quanh. Ai nấy đều vui vẻ chí tình phục vụ người khác nên mọi người đều no nê và hạnh phúc. Thế là không những được no đầy thức ăn bổ dưỡng, họ còn được no đầy tình yêu thương nhau. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn cứu mạng sống mình (như những người ở tầng trệt), thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi (tức là vì Chúa Giê-su và vì tha nhân, mà tha nhân cũng là Thân Mình Chúa Giê-su, là hiện thân của Chúa Giê-su), thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Nói khác đi, khi người ta ích kỷ chỉ biết lo cho mình mà không biết sống vì người khác, người ta tự làm hại mình cũng như làm điêu đứng luôn cả xã hội mình đang sống. Trái lại, khi biết sống vị tha, hy sinh quyền lợi riêng tư để phục vụ người khác, người ta thăng tiến đời mình và làm cho xã hội phát triển tốt đẹp. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét