" Một người hát “được” nhạc Trịnh Công Sơn phải là một người sống nhiều, đã từng đau khổ không chỉ cho thân phận của mình mà còn cho người khác nữa. Chỉ khi đó, người hát mới nhận ra được những khúc thức, những ca từ của anh có khả năng diễn đạt, gói gọn được một cách chính xác cái buồn, cái khổ của đời người "
Ca sĩ Bảo Yến
Mời nghe bài viết của đài RFI
Trên đây là những dòng tâm sự của ca sĩ Bảo Yến khi chia sẻ những cảm xúc của chị về nhạc Trịnh Công Sơn với báo chí trong nước.
Có nhiều người yêu mến các ca khúc của Trịnh Công Sơn lại chỉ muốn giới hạn ở một số giọng ca điển hình đã gắn bó ngay từ thủa ban đầu với nhạc Trịnh như giọng hát của Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, hay sau này có thêm Hồng Nhung và Quang Dũng…, tuy thể hiện ở một góc độ khác, nhưng nhìn chung vẫn giữ được cái hồn, cái cốt cách của nhạc Trịnh, vốn dĩ mộc mạc, dung dị.
Bên cạnh đó cũng có không ít người chủ trương nghe và thưởng thức nhạc Trịnh ở một biên độ rộng hơn, với mong muốn được nghe nhạc Trịnh từ nhiều giọng hát của nhiều ca sĩ khác nhau thể hiện, bởi theo họ, mỗi một giong ca riêng biệt, một phong cách và lối xử lý âm nhạc riêng biệt, đôi khi cũng sẽ góp phần tạo cho kho tàng của nhạc Trịnh trở nên phong phú hơn và giầu tính nhân văn hơn.
Trường hợp ca sĩ Bảo Yến là một đơn cử. Số lượng các bài hát của Trịnh Công Sơn mà Bảo Yến chọn để trình bày trong các Album nhạc của mình tuy chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, Gọi Tên Bốn Mùa, Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời, Rừng Xưa Đã Khép, Ru Ta Ngậm Ngùi…, hay như chính nhạc bản Biết Đâu Nguồn Cội mà Bảo Yến đang trình bày trong phần mở đầu Góc Vườn Âm Nhạc tuần này của đài RFI, thì cũng đủ cho thấy là Bảo Yến đã đem đến cho người nghe một cảm nhận thật riêng về nhạc Trịnh, bởi chình chị cũng là người thấu hiểu nhạc Trịnh, từ cách diễn tả cảm xúc, cách xử lý cung bậc âm nhạc, hay cách luyến láy tinh túy mà chỉ riêng Bảo Yến mới có.
Khi nhắc đến Bảo Yến người yêu nhạc không thể thờ ơ với những ca khúc thấm đượm chất trữ tình, đượm mầu sắc dân ca và đặc biệt những bài mang âm hưởng Huế, nơi mà chị đã sinh ra trong một gia đình cũng có truyền thống âm nhạc, để rồi đã chắp cánh cho Bảo Yến sau này trở thành một trong số những ca sĩ hàng đầu của Việt Nam trong suốt những thập niên 80. Đa phần các ca khúc mà Bảo Yến trình bày đều xoay quanh chủ đề về tình yêu, tình yêu quê hương đất nước, tình mẹ, tình yêu đôi lứa, bằng chất giọng khàn khàn truyền cảm pha trộn chất Huế không lẫn vào đâu được, một chất huế mà "muôn đời vẫn Huế thôi", như chính ca khúc Rất Huế, một sáng tác của Anh Bằng, phổ thơ Phong Sơn mà chị đã thể hiện .
Sự kiện vào tháng 4 năm ngoái khi Bảo Yến đã buộc phải hủy show diễn của mình tại phòng trà Văn nghệ ở Sài Gòn, vì lý do chị đã tham gia biểu diễn cho cuốn DVD Asia 54 và Paris by Night 91 đã làm cho nhiều khán giả yêu mến tiếng hát Bảo Yến xôn xao và thất vọng. Tuy nhiên , công chúng cũng tỏ ra thông cảm với giọng ca đã từng "làm mưa làm gió" trên các sân khấu ca nhạc trong nước của những thập niên 80 này, và chỉ nóng lòng mong Bảo Yến sớm trở lại sân khấu
Còn đối với riêng cá nhân Bảo Yến thì thực sự trong thâm tâm, chị chỉ muốn đem đến cho khán giả của mình những bài hát trang trọng, giàu tính tính văn chương, và không mang tính thương mại, như chị đã thổ lộ với thính giả của đài RFI:
"…Sự thật thì Yến và anh Quốc Dũng có một cái ý là khi nào cũng muốn giới thiệu các tác phẩm mới, chỉ đem đến những bài hát hay cho khán giả, do anh Quốc Dũng hòa âm, em trai của Yến là Kim Tuấn hòa âm, và giọng hát của Yến đưa đến khán giả thôi, hoàn toàn không có ý thương mại trong này, tại vì thứ nhất là yêu nghề, thứ hai là cũng muốn giới thiệu đến khán thính giả từng giai đoạn một, để cho khán giả thấy rằng phải đi như thế mới là chân chính, những bài hát Yến chọn như thế mới là chánh phái. Yến không muốn khán giả hiểu lầm những bài hát không xứng đáng thì lại nghĩ là đang nổi, còn những bài thật xứng đáng thì lại bỏ qua đi, không quí trọng nó, vì vậy Yến muốn làm một hoặc nhiều CD để giới thiệu đến với khán giả những bài hát trữ tình, sâu đậm, đầy tính văn chương và trang trọng nữa, Yến muốn đem đến cho khán thính giả để cống hiến là nhiều hơn…"
Đức Bình (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét