Trước tiên , chúng ta cùng nghe lại bài phỏng vấn của Thanh Phương đài Radio France Internationale phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Quang Riệu ngày 13/04/2007.
Hôm nay chúng tôi sẽ cùng với GS Nguyễn Quang Riệu Đài Thiên Văn Paris trả lời các câu hỏi của Thanh Phương nói về bản báo cáo mà cách đây vài ngày nhóm chuyên gia về khí hậu, nhóm mang tên là GIEC (Le Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat ) là nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã công bố và họ đã báo động về những thay đổi khí hậu và đặc biệt là những tác động của những thay đổi khí hậu này đối với môi trường sống của con người
Thanh Phương : Trước hết, thưa Giáo sư, các chuyên gia đã xác nhận rằng hiện tượng hiệu ứng nhà kính là có thật và cụ thể thì nó được biểu hiện như thế nào?
GS Nguyễn Quang Riệu: Sự biến đổi khí hậu có thể là một hiện tượng thiên nhiên đã từng xẩy ra trong quá khứ, với những thời kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm. Có những bằng chứng tìm thấy trong những thỏi băng đào được ở vùng cực cho biết là nhiệt độ ở vùng xích đạo xưa kia đã từng xuống thấp khoảng -20°C. Hiện nay, chúng ta đang ở trong thời đại ấm áp trong khoảng 1000 năm nữa, cho tới khi một thời đại băng hà khác lại bắt đầu. Lý do là vì Trái đất quay lắc lư nghiêng ngả xung quanh Mặt trời và khi gần khi xa Mặt trời, nên khí quyển Trái đất không hấp thụ đồng đều ánh sáng Mặt trời, làm cho nhiệt độ trên Trái đất thay đổi theo chu kỳ.
Từ khi nền văn minh công nghiệp bắt đầu phát triển, khí thải công nghiệp, chủ yếu là CO2 , mêtan và oxit nitơ, bốc ra làm ô nhiễm khí quyển và gây ra hiệu ứng nhà kính làm hâm nóng khí quyển. Lượng khí CO2 đo được hiện nay trong khí quyển đã tăng lên khoảng 30% so với lượng CO2 trong khí quyển ở cuối thế kỷ 19 và còn có khả năng tăng lên gấp đôi vào giữa thế kỷ 21. Các nhà khoa học bắt đầu lo ngại về những hậu quả có khả năng dẫn đến những tai hại về mặt môi trường. Trong những thập niên gần đây, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng lưu ý đến vấn đề này. Từ khoảng 20năm nay, một “Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu” được thành lập để nghiên cứu tác động cuả sự hâm nóng khí quyển đến môi trường và đời sống con người. Trong những bản báo cáo, họ đã phải nhận định rằng hiệu ứng nhà kính do khí thải công nghiệp gây ra đang làm tăng nhiệt độ khí quyển từ khoảng 1,5 tới 5,8 °C tùy theo mức độ tăng trưởng nhu cầu và dân số và do đó làm đảo lộn khí hậu toàn cầu.
Thanh Phương : Thưa Giáo sư, sự gia tăng nhiệt độ của trái đất nói chung sẽ có tác động nhu thế nào đối với môi trường sống của chúng ta?
GS Nguyễn Quang Riệu: Sự gia tăng nhiệt độ có thể có ảnh hưởng lớn đối với những nước đang phát triển, bởi vì những nước này hãy còn thiếu phương tiện để bảo vệ môi trường. Và để duy trì đà phát triển, họ coi công việc bảo vệ môi trường không phải là vấn đề ưu tiên.
Trước hết, sự biến đổi khí hậu làm thay đổi chế độ mưa. Có những vùng, chẳng hạn như những khu vực nhiệt đới ở Châu Á như Việt Nam có thể bị lụt lội, còn những vùng ôn đới lại có thể bị hạn hán. Mức biển dâng lên một phần là do mặt biển giãn nở vì bị hâm nóng và một phần vì những tảng băng trên núi cao và ở vùng cực tan đi. Việt Nam có bờ biển dài hàng nghìn kilomet nên có những điều kiện địa hình dễ bị ảnh hưởng đối với sự gia tăng mức biển. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng là những vùng có khả năng bị ngập. Việt Nam là một trong những nước Châu Á có truyền thống nông nghiệp nên cần có đất đai phì nhiêu để phát triển nông nghiệp. Các chuyên gia ước lượng là nếu trong tương lai mức nước biển tăng lên một met thì 12% đất đai ở những vùng duyên hải cuả Việt Nam sẽ bị ngập lụt và khoảng 17 triệu dân phải di chuyển. Tuy nhiên, một mét là mức gia tăng tối đa cuả mức biển tương ứng với những kịch bản diễn biến khí hậu bi quan nhất. Cho tới nay, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ cuả khí quyển mới chỉ tăng lên thêm khoảng một nửa độ nên mức nước biển chỉ tăng lên khoảng vài chục centimet.
Ở Việt Nam và ở vùng Đông Nam Á nói chung, những nguồn nước ngọt tương đối không quá it ỏi, tuy cũng có thể bị cạn kiệt khi nhiệt độ tăng lên, nhất là ở những vùng đông dân cư. Sự thay đổi khí hậu cũng có tác động đến hệ sinh thái. Nếu đất đai bị xói mòn thì động vật và thực vật không còn có nơi để sinh sống và nảy nở, nên phải di trú ở nơi khác, thậm chí có loài có khả năng tuyệt chủng. Trái lại, những loại côn trùng mang những mầm bệnh như sốt rét, thương hàn, v.v...có thể xuất hiện nhiều hơn.
Thanh Phương: Sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất nói chung đã gây đảo lộn về mặt khí hậu. Nhưng vì sao hiện nay chúng ta vẫn khó dự đoán tương đối chính xác những thiên tai có thể xảy ra như bão tố hay những trận cuồng phong ?
GS Nguyễn Quang Riệu : Sự nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu là một công việc rất là phức tạp, bởi vì có nhiều yếu tố chi phối quá trình trao đổi nhiệt giữa khí quyển và bề mặt Trái đất. Khoảng 70% bề mặt Trái đất là biển, nước biển bốc hơi và tương tác với khí quyển. Biển còn hấp thụ khí CO2, nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính hâm nóng khí quyển. Rừng nhiệt đới cũng trao đổi CO2 với khí quyển. Những hoạt động công nghiệp thì lại thải ra CO2 Các chuyên gia về khí hậu học phải làm ra những mô hình lý thuyết trong đó có những tham số liên quan đến tất cả những hiện tượng trao đổi nhiệt. Mô hình phải chạy trên những máy tính có khả năng tính toán lớn mới đạt được kết quả. Những số liệu cần thiết trong mô hình được cung cấp bằng những quan sát ở biển và bằng vệ tinh. Tuy phải dùng những phương tiện quan sát hiện đại và tính toán công phu, nhưng các nhà khí hậu học cũng không dự đoán được chính xác sự biến đổi khí hậu ở từng thời điểm và ở từng địa điểm. Tuy nhiên họ đã khẳng định là nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên vì khí thải hiệu ứng nhà kính và dự đoán là hiện tượng này có thể làm tăng cường độ cuả những cơn bão và gây ra những tác động tai hại đối với môi trường.
Thanh Phương : Trước tình trạng như vậy, những nước đang phát triển như Việt Nam theo Giáo sư có những biện pháp gì để ngăn ngừa hay đúng ra là giảm bớt những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu ?
GS Nguyễn Quang Riệu : Các nhà khoa học̣ kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia nên có những biện pháp hạn chế sự tiêu thụ năng lượng và đồng thời đầu tư vào những công trình phát triển kỹ thuật năng lượng tái tạo, nhằm giảm bớt nhiên liệu hóa thạch thải ra khí hiệu ứng nhà kính. Đa số các quốc gia đã đáp ứng lời kêu gọi này, trừ vài quốc gia vẫn còn muốn tiêu thụ thoải mái năng lượng hoá thạch để duy trì mức sống cao và ngành công nghiệp đang trong thời kỳ phát triển cuả họ, hoặc vì những lý do thương mại và kinh tế.
Việt Nam có những điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sự xây dựng những công trình thủy điện cỡ lớn như đập Sơn La cũng là một biện pháp nhằm thay thế năng lượng hoá thạch. Công việc phát triển công nghiệp cần được thực hiện song song với công việc cải thiện môi trường. Hiện nay, tình trạng chung cuả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đây chính là mặt trái cuả sự phát triển. Khí thải xe cộ và công nghiệp làm tổn thương đến sức khỏe cuả dân cư các đô thị. Dự báo khí tượng và khí hậu là công việc dài hạn và không đơn giản nên đòi hỏi những phương tiện nghiên cứu và quan sát hiện đại. Sự cộng tác với những quốc gia có kinh nghiệm qua những chuyển giao công nghệ có thể giúp Việt Nam đề phòng những thiên tai có khả năng̉ xầy ra trong tương lai.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tổ chức thường xuyên những khoá học về Môi trường và Khí hậu học tại Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành cuả Đại học Pierre và Marie Curie ở Paris, để thế hệ trẻ Việt Nam ý thức được những hậu quả cuả sự biến đổi khí hậu và trau dồi những kiến thức nhằm bảo vệ môi trường.
Sự biến đổi khí hậu là một hiện tượng xẩy ra trên toàn cầu. Hai vùng Bắc cực và Nam cực là những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi sự hâm nóng khí quyển và là những nơi được các nhà khí hậu học lưu ý đến để thực hiện những quan sát rất bổ ích trong công việc tìm hiểu quá trình biến đổi cuả khí hậu. Năm nay là Năm Địa cực Quốc tế, tức là năm khởi động nhiều hoạt động khoa học ở vùng Nam cực, để các nhà khoa học trên thế giới cộng tác với nhau và phối hợp những chương trình quan sát khí quyển, nhằm nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu.
Mời xem thêm các đoạn video chương trình bảo vệ môi trường , tránh tai họa hâm nóng địa cầu sau đây :
Hãy đến mà xem 1
Hãy đến mà xem 2
Hãy đến mà xem 3
Hãy đến mà xem 4
Hãy đến mà xem 5
Hãy đến mà xem 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét