Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XVI Q.N (18/07/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Sức Mạnh Của Thinh Lặng" qua Linh Mục Đa Minh Nguyễn Phi Long, C.Ss.R SAI LẦM CỦA NGƯỜI THẦU KHOÁN Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Trong cuộc đời, chúng ta cần thời gian thinh lặng cầu nguyện nếu chúng muốn quân bình và biết nhìn xa"
Vào buổi tối kia, một người cha đến dự phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh trong một trường trung học ở Chicago. Trong bài nói chuyện của một thầy giáo, người cha này đã bật khóc nức nở. Sau khi lấy lại bình tĩnh, người cha xin lỗi và nói: "Con tôi không còn sống với tôi nữa. Nhưng tôi vẫn yêu thương cháu và tôi muốn biết việc học hành của cháu như thế nào." Sau đó người cha cho biết vợ ông và bốn đứa con đã bỏ ông chiều hôm đó. Ông là một thầu khoán xây cất và nhiều khi làm việc đến 16 giờ một ngày. Đương nhiên, ông ít gặp gia đình hơn, và dần dà họ càng xa ông hơn nữa. Sau đó người cha nói lên một điều thật buồn thảm. Ông nói: "Tôi muốn mua cho vợ con tôi những gì mà tôi hằng mơ ước mua cho họ. Nhưng rồi tôi quá bận tâm làm ăn đến độ tôi quên đi điều mà gia đình tôi cần đến nhất: đó là một người cha có mặt trong gia đình hằng đêm để yêu thương và nâng đỡ vợ con." Câu chuyện có thật này cho thấy điểm quan trọng của bài phúc âm hôm nay. Đó là: Chúng ta có thể quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao chúng ta làm việc. Chúng ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống. Chúng ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được. Đó là một loại sai lầm mà cô Máctha đã vấp phạm trong bài phúc âm hôm nay. Cô quá bận tâm đến việc nấu nướng cho Chúa Giêsu đến độ cô quên đi lý do tại sao Chúa đến nhà cô. Người đến không vì miếng ăn; Người đến vì tình bạn. Giả như khi chúng ta còn nhỏ, sống với cha mẹ và nếu Đức Giêsu cho biết Người sẽ đến thăm gia đình, chúng ta biết các bà mẹ sẽ làm gì. Họ sẽ động viên toàn thể nhân lực trong gia đình từ nhiều ngày trước để dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Họ sẽ sai con cái đi chợ mua thứ này thứ kia. Nói tóm, họ sẽ hành động giống như cô Máctha. Nhưng mẹ chúng ta cũng giống như cô Maria. Họ luôn dặn dò để biết chắc là con cái ăn mặc đàng hoàng tử tế, đến ngồi chung quanh Đức Giêsu, chú ý đến những gì Người nói. Mẹ chúng ta sẽ quân bình giữa sự lưu tâm đến miếng ăn cho Đức Giêsu và lưu tâm đến tình cảm mà gia đình dành cho Người. Đó là những người mẹ có tài giữ quân bình mọi sự, từ việc cơm nước trong nhà đến việc giặt giũ lau chùi. Nhưng các bà mẹ còn cần đến các người làm cha có khả năng quân bình mọi sự, từ việc kiếm tiền cho đời sống vật chất đến việc giáo dục con cái, nâng cao giá trị tinh thần của đời sống. Ngày nay, không may, chúng ta sống trong một thế giới thật khác biệt. Thật dễ để đánh mất sự quân bình trong thế giới ngày nay. Thật dễ để đánh mất cái nhìn xa trông rộng. Thật dễ để xáo trộn những gì là ưu tiên. Thật dễ để đánh mất khả năng nhận ra những gì cần làm và tại sao chúng ta làm công việc ấy. Trong Thế Chiến II, một người lính trẻ trấn đóng ở hòn đảo Saipan thuộc Nam Thái Bình Dương cho biết trong thời gian nghỉ ngơi, anh và bạn hữu đến bơi ở một chỗ vắng vẻ kín đáo, ngay ở mé hòn đảo. Đó là một nơi thật đẹp có núi đá bao quanh. Khi đến nơi, họ thấy nước thật trong đến nỗi có thể nhìn thấy cá bơi lội sâu dưới nước cả 10 feet. Tuy nhiên, sau khi họ bơi lội chừng một tiếng đồng hồ, nước trở nên đục ngầu vì cát bị khuấy động, họ không còn thấy được dưới đáy dù chỉ cách có một feet. Nhưng hôm sau, khi họ trở lại, cát đã lắng đọng. Nước lại trong trẻo như trước. Tâm trí chúng ta cũng như vũng nước đó. Nó cũng có thể vẩn đục vì những biến động trong cuộc sống hằng ngày khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta mất khả năng nhìn thấy mọi sự: quan điểm của chúng ta trở nên mù mờ; những ưu tiên của chúng ta trở nên hỗn độn; sự quân bình của chúng ta đã bị mất. Khi điều này xảy ra, điều chúng ta cần thi hành là tạm ngừng và để nước đục của tâm trí trở nên trong trẻo lại. Chúng ta cần thi hành điều mà cô Maria đã làm trong bài phúc âm hôm nay. Chúng ta cần ngồi dưới chân Đức Giêsu trong sự thinh lặng cầu nguyện. Chúng ta cần để Người dạy chúng ta biết điều gì là quan trọng và điều gì không đáng kể. Bài phúc âm hôm nay là một lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy dừng lại ở dưới chân Đức Giêsu trong sự cầu nguyện, cũng như cô Maria đã làm trong phúc âm. Điều này nêu lên một câu hỏi. Nếu chúng ta quá bận rộn đến độ mất cả thói quen cầu nguyện thì sao? Nếu chúng ta không biết thinh lặng cầu nguyện dưới chân Đức Giêsu thì sao? Chúng ta có thể làm gì để biết cách cầu nguyện? Thật may mắn là có chúng ta có thể thi hành vài điều gì đó. Và chúng ta có thể bắt đầu ngay tối nay. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện đơn giản đã từng giúp đỡ nhiều người như chúng ta làm lại thói quen cầu nguyện và biết được nghệ thuật cầu nguyện. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng ta cần ba phút để làm ba điều. Thứ nhất, chúng ta thinh lặng và nhớ lại những gì xảy ra trong ngày. Chúng ta nhớ đến các điều tốt đẹp khiến chúng ta vui sướng, tỉ như nhận được thư của người bạn cũ. Sau đó, chúng ta thành thật nói với Đức Giêsu về điều đó. Sau cùng, chúng ta cảm tạ Đức Giêsu vì lá thư ấy. Trong phút thứ hai, chúng ta cũng nhớ đến những gì xảy ra trong ngày. Lần này, chúng ta nhớ đến điều không tốt, những điều làm chúng ta hối hận, tỉ như la hét cha mẹ, vợ chồng hay con cái. Chúng ta nói với Đức Giêsu về khuyết điểm này và xin Người tha thứ, chữa lành cho chúng ta. Sau cùng, trong phút thứ ba, chúng ta nhìn đến ngày hôm sau, nghĩ đến một số điều quan trọng phải thi hành, tỉ như việc nói chuyện ôn hòa với cha mẹ, vợ chồng hay con cái về một vấn đề đã xảy ra. Chúng ta nói với Đức Giêsu về điều đó và xin Người soi sáng, thêm sức để chúng ta có thể thi hành cách tốt đẹp. Phương cách cầu nguyện đơn giản này đã giúp nhiều người lấy lại thói quen cầu nguyện và học được nghệ thuật cầu nguyện. Điểm tuyệt vời của phương cách cầu nguyện này là không những giúp chúng ta quan hệ đến đời sống thực tế mà còn giữ liên lạc với Đức Giêsu. Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi lý do tại sao Ngài đã ban sự sống cho chúng con. Xin giữ chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi mục đích của nó. Xin giữ chúng con đừng quá theo đuổi những gì mà tiền bạc có thể mua được rồi quên đi những gì tiền bạc không thể mua được. Amen. PHẦN TỐT NHẤT JM. Lam Thy ĐVD. Sống trên đời, tâm lý chung của con người ai mà chẳng muốn chọn cho mình phần tốt nhất. Ăn thì muốn ăn ngon, mặc thì muốn mặc đẹp, ngồi thì muốn ngồi trên cao. Cái cao vọng “mâm cao cỗ đầy, ăn trên ngồi trốc, một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” lúc nào cũng bám riết lấy cuộc sống, khiến con người luôn lao tâm khổ trí đi tìm kiếm, và khi tìm kiếm không được cái “miếng đỉnh chung” ấy thì lại đâm ra thất vọng ê chề, oán than đủ kiểu. Mặc dù vẫn luôn lấy mệnh số ra để tự an ủi “Con vua thì lại làm vua,/ Con nhà sãi chùa lhì quét lá đa”, nhưng phỏng đã mấy ai cam bề an phận ? Kể ngay từ tổ phụ Ap-ra-ham khi được Thiên Chúa hiện ra, thì đã thấy nào là lấy nước rửa chân, lấy sữa chua, sữa tươi làm thức uống, lấy tinh bột làm bánh, giết bê làm cỗ đãi khách, để chỉ mong một câu nói từ miệng khách thốt ra : "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai." (St 18, 1-10a). Phần tốt nhất chính ở câu nói này. Đó là chuyện Cựu Ước. Sang đến Tân Ước, thì câu chuyện hai người con ông Dê-bê-đê là điển hình : Phần tốt nhất đối với hai ông Gia-cô-bê và Gio-an là được ngồi bên tả và bên hữu Chúa (Mc 10, 35-40). Đến Mác-ta cũng làm như tổ phụ Ap-ra-ham, nhưng người em của nàng là Ma-ri-a thì lại khác, chỉ ngồi ôm chân Chúa mà lắng nghe Lời Người (Bài TM/CN XVI/TN-C – Lc 10, 38-42). Mác-ta cũng như chúng ta, chắc chắn vẫn tin là mình đã chọn được phần tốt nhất bằng chính công việc phục vụ hết mình để tiếp đãi vị khách đặc biệt. Nào ngờ Đức Giê-su Thiên Chúa lại làm cho chưng hửng : "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Cũng cứ theo thường tình mà xét, thì khi tiếp đãi khách – nhất là người khách đặc biệt ấy lại là Thiên Chúa – tổ phụ Ap-ra-ham hay Mác-ta đã làm đúng và chắc chắn sẽ được khách ban thưởng hoặc ít ra thì cũng tỏ lòng khen ngợi vì tính hiếu khách của chủ nhà. Tổ phụ Ap-ra-ham đã được ban thưởng, nhưng Mác-ta thì lại bị nhắc nhở là lo lắng những chuyện không đâu. Mác-ta chỉ bị nhắc nhở thôi, chớ không thể bị khiển trách. Còn Ma-ri-a thì – với con mắt người đời – đã “lươi huyền”, né tránh công việc, để đến nỗi người chị phải nhờ Chúa nhắc nhở bổn phận của mình. Ấy vậy mà lại được Chúa khen là khôn ngoan, biết chọn cho mình phần tốt nhất. Vấn đề đặt ra ở đây là vị khách tới thăm nhà chị em Mác-ta có một quan điểm khác hẳn người đời Vị khách ấy là Thầy, là Chúa đã không đòi môn đệ rửa chân cho mình thì chớ, lại còn quỳ xuống rửa chân cho đầy tớ của minh, không coi môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu. Vị khách ấy là Vua nhưng “đến không phải để được phục vu mà là phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Vị khách ấy là Thiên Chúa nhưng chỉ đến với những kẻ bé mọn, thấp hèn, những kẻ tội lỗi, bệnh tật, nghèo đói. Chung quy, vị khách ấy là Người cứu nhân độ thế, đem Lời Thiên Chúa đến rao giảng cho muôn dân để giải thoát họ khỏi vòng tội lỗi, đem lại sự sống vĩnh cửu cho họ. Vị khách ấy chính là Lời Thiên Chúa (Ngôi Lời), chính là Thiên Chúa thật. Và vì thế nên “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Đón tiếp vị khách ấy phải lăng xăng lo dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho chu đáo là tốt, là đã hành xử đúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn chưa hiểu được ý nghĩa cuộc viếng thăm của vị khách đặc biệt ấy. Mục đích của vị khách không phải đến để được đãi đằng cơm nuớc tiệc tùng, phục vụ cho đời sống vật chất. Vị khách ấy đến với mục đích là đem lại Lời Hằng Sống cho cuộc sống tinh thần, cho đời sống vĩnh cửu mai sau. Chính vì thế, nếu biết đón nhận, lắng nghe những Lời Hằng Sống từ vị khách đó, mới thực sự biết chọn cho mình phần tốt nhất. Còn nếu chỉ biết vị khách ấy như là một người trần thế (cho dù có là vua quan sang trọng cỡ nào đi chăng nữa), thì sẽ cho những lời nói, cử chỉ, hành động của vị khách ấy là trái thường nghịch lý, nếu không muốn nói là màu mè, lập dị. Tuy nhiên, khi đã biết vị khách ấy là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, mà vẫn cố tình phủ nhận như đám người Pha-ri-sêu và kinh sư, thì chắc chắn sẽ nhận được lời khiển trách nặng nề : "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Lc 10, 13-15). Cho nên, không thể đem nhãn quan trần tục ra để nhìn và đánh giá hành động của Ma-ri-a, mà phải cầu xin Thần Khí soi sáng để nhận chân được hành dộng khôn ngoan biết chọn cho mình phần tốt nhất. Vâng, hãy khôn ngoan chọn cho mình phần tốt nhất trước mặt Thiên Chúa, nhưng chớ có dựa vào sự khôn ngoan do mình tưởng là mình tự có, vì thực ra thì đó chỉ là sự khôn ngoan của thế gian; mà phải biết cậy dựa vào sự “khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa” như lời Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô : “Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển”.(1Cr 2, 6-7). Thực sự, chỉ có như thế thì “… đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa. ”.(1Cr 2, 5). Ôi ! Lạy Chúa ! Con cũng như bao người khác, nếu có ý định chọn cho mình phần tốt nhất thì cũng chỉ là chọn những thứ thoả mãn được dục vọng nhất thời, chọn những thứ hào nhoáng phù phiềm nhưng rất hấp dẫn lôi cuốn con trong cuộc sống trần thế. Quả thực, nhiều lúc con cứ tưởng là mình khôn ngoan, mà xao lãng, mà quên đi Lời Chúa hằng răn dạy, nhắc nhở con. Ôi ! Lạy Chúa ! “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa : Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi ?” (“Lắng nghe Lời Chúa” – Nguyễn Duy). GIA ĐÌNH CHỊ EM MARIA (Lc10, 38-42) Lm Giacôbê Tạ Chúc Trong cuộc đời công khai giảng dạy, Chúa Giêsu được nhiều người thương mến và giúp đỡ. Trong số đó không thiếu những người phụ nữ đi theo Chúa, cách đặc biệt một gia đình mà Chúa thường đến thăm và quan tâm tận tình: gia đình của chị em bà Matta và Maria. Các Tin mừng ghi nhận ít là ba lần Chúa đến nhà chị em này (Ga 11, 1-45; 12, 1-11; Lc 10, 38-42). Làng BÊTANIA Nói đến gia đình Matta và Maria chúng ta không thể nào không nhắc đến một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của hai Thánh nữ. Bêtania một làng nằm ở phía đông nam núi Cây dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria(Ga 11,1). Là nơi Chúa cho lazarô sống lại(Ga 11). Bêtania bây giờ là El-Azariyeh, “nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn náu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khỏang 5000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khỏang một giờ đồng hồ”. Mátta và Maria Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn. Một lần khác, khi ra chào đón Chúa Giêsu vào thăm trong hòan cảnh người em mới qua đời, Mátta bộc bạch cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”(Ga11, 21). Lazarô đã chết, thế` nhưng Mátta vẫn tin rằng Chúa Giêsu là sự sống vĩnh cửu của con người. Nói cách khác Mátta tin nhận Thầy Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng Messia mà thiên Chúa tặng ban cho nhân lọai. LẮNG NGHE VÀ THỰC THI LỜI CHÚA DẠY Tin mừng dù ghi nhận sự khác biệt của hai chị em Maria và Mát-ta trong việc đón nhận lời Chúa, một bên là tĩnh lặng của tâm hồn, một bên là xao động của từng đường gân thớ thịt. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận con tim của cả hai đang dạt dào tình yêu mến Thiên Chúa một cách vô bờ bến, trong con người của Mát-ta và Maria. Kết hợp những nét đẹp rạng ngời của cả hai chị em, mỗi người sẽ thấy được việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, chỉ là hai cách thế diễn tả của một tình yêu Giê-su. Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét