Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Lady Gaga: giải mã hiện tượng mới của làng nhạc quốc tế

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Lady Gaga đã áp đặt phong cách và tên tuổi của mình trong làng nhạc pop quốc tế. Đầu tháng này, cô đã bất ngờ lập kỷ lục thế giới. Trong vòng chưa đầy hai năm, ba cuộn phim video clip của cô đã thu hút một tỷ lượt người xem trên mạng Internet. Lady Gaga luôn thay hình đổi dạng, nổi tiếng nhờ trang phục và phong cách biểu diễn (DR). Xin nghe bài viết trên đài RFI. Trong tuần này, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách Celebrity 100, gồm một trăm nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn mạnh nhất thế giới. Lady Gaga lần đầu tiên xuất hiện trên bản xếp hạng này, đứng hàng thứ tư sau nữ hoàng talk show Hoa Kỳ Oprah Winfrey (hạng 1), ca sĩ RNB Beyonce (hạng 2), đạo diễn James Cameron (hạng 3). Nhưng Lady Gaha lại vượt qua mặt vận động viên Tiger Woods (hạng 5), ban nhạc rock U2 (hạng 7) và thần tượng Madonna (hạng 10). Theo tạp chí Forbes, Lady Gaga có bước khởi đầu ngoạn mục và chớp nhoáng. Những lãnh vực thành công nhất của cô là thời trang, biểu diễn sân khấu và quay video clip. Tầm ảnh hưởng của Lady Gaga cũng rất lớn trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Năm nay 24 tuổi, Lady Gaga tên thật là Stefani Joanne Angelina Germanotta, sinh trưởng trong một gia đình người Mỹ gốc Ý. Cô học đàn piano từ năm lên 4 và bắt đầu sáng tác, ca hát từ thuở niên thiếu. Năm 17 tuổi, cô nằm trong số 20 học sinh xuất sắc được nhận vào trường cao đẳng nghệ thuật Tisch tại New York . Nhưng ngày cuối tuần, cô kiếm tiền nhờ nghề chạy bàn và đóng vai nhỏ trong các bộ phim truyền hình. Năm 19 tuổi, cô ký hợp đồng ghi âm đầu tiên, nhưng hầu hết các ca khúc được cho ra mắt trong giai đoạn này đều gặp thất bại. Chán nản, cô dọn nhà từ New York về Los Angeles, một mặt soạn nhạc cho các nghệ sĩ đang ăn khách như Fergie của nhóm Black Eyed Peas, ca sĩ Britney Spears và ban nhạc Pussycat Dolls, mặt khác cô đi diễn trong các quán nhạc, tại các liên hoan địa phương, dành dụm tiền để thuê phòng ghi âm. Lady Gaga : một Madonna của thế kỷ 21 Mãi đến cuối tháng 10 năm 2008, cô mới cho ra mắt album đầu tay với biệt danh Lady Gaga. Mang tựa đề The Fame có nghĩa là Danh vọng, cuối cùng cô đã thực hiện được ước mơ của mình khi chiếm lĩnh hạng đầu thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Đúng một năm sau đó, đầu tháng 11 năm 2009, Lady Gaga trình làng phiên bản thứ nhì của album The Fame Monster, gồm tập nhạc đầu tay cộng thêm 8 ca khúc mới. Kết quả là trong vòng hai năm, cô đã bán hơn 11 triệu album và 38 triệu đĩa đơn. Đầu năm 2010, cô đoạt giải Grammy dành cho nghệ sĩ xuất sắc nhất dòng nhạc dance, và phá kỷ lục do ông hoàng nhạc pop Michael Jackson nắm giữ với 7 ca khúc trích từ cùng một tập nhạc, lọt vào Top Ten thị trường Hoa Kỳ. Ở khắp nơi, mọi người bắt đầu nhắc đến hiện tượng Lady Gaga. Cô còn được so sánh như một Madonna của thế kỷ 21. Điều gì có thể giải thích một sự thành công nhanh chóng đến như vậy ? Phụ trang cuối tuần của tờ báo Anh Quốc Times cho rằng : Lady Gaga tiếp tục đổi mới dòng nhạc pop, một cuộc cách mạng mà Madonna đã bắt đầu cách đây 25 năm. Khi kết hợp ca nhạc với vũ đạo, y phục thời trang với nghệ thuật làm video clip, Lady Gaga làm cho người ta liên tưởng đến Madonna thời còn trẻ. Nhật báo Boston Globe của Mỹ nói thẳng là Lady Gaga vay mượn thậm chí sao chép các bí quyết thành công của Madonna. Cả hai đều có những bài hát với nội dung không sâu xa, nhưng giai điệu lại rất hiệu quả, không cần nhọc sức mà vẫn lôi kéo người nghe ra sàn nhảy. Cuộc "cách mạng" dòng nhạc pop Tờ The Guardian của Anh thì đánh giá : sáng tác của Lady Gaga hợp với gu thời nay nhưng chưa thể gọi là kiệt xuất, có độc đáo hay chăng chính là phong cách biểu diễn của cô : vừa táo bạo, vừa khiêu khích, đầy kịch tính như một vở tuồng burlesque, nửa khôi hài nửa lố bịch. Còn theo báo Le Post của Thụy Sĩ, Lady Gaga thành công một phần là nhờ biết cách tận dụng các phương tiện thông tin toàn cầu. Giới trẻ những năm 1980 hưởng ứng các cuộn phim video clip rất dài của Michael Jackson chiếu trên kênh truyền hình MTV. Một cách tương tự, cộng đồng trên mạng Internet thời nay, với một tỷ lượt người xem là phương tiện quảng cáo dây chuyền rất hữu hiệu cho Lady Gaga. Một khi lũ trẻ đã thích, thì không cần ai bảo, họ tự động tải lên blog, đưa vào mạng xã hội để rủ hàng loạt người khác cùng xem. Sự so sánh giữa Lady Gaga với Madonna là quá hiển nhiên, vì thời niên thiếu, bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều có thần tượng, và khi bắt đầu đi hát họ sẽ vay mượn ít nhiều từ các bậc đàn anh, đàn chị. Nhưng có một điều mà ít ai để ý tới là Lady Gaga thấm nhuần ảnh hưởng của dòng nhạc glam rock thập niên 70 nhiều hơn là các thần tượng nhạc pop những năm 80. Trước hết, biệt danh Lady Gaga xuất phát từ bản nhạc Radio Gaga của Freddie Mercurry và ban nhạc Queen. Trong ca từ, cô dùng nhiều từ tượng thanh và đơn âm, một chữ có thể được lập đi lập lập lại trong cùng một câu và không nhất thiết có ý nghĩa. Điều này đã từng được thấy trong bài Cosmic Dancer của ban nhạc T. Rex và Bohemian Rhapsody của nhóm Queen. Giải mã hiện tượng Lady Gaga Ngoài phong cách biểu diễn, Lady Gaga còn nổi tiếng nhờ vào các bộ trang phục mà nhiều người cho là quái gỡ, dị hợm, phản cảm. Giới hâm mộ thì lại rất yêu chuộng khi cho rằng cô rất tiên phong trong cách ăn mặc. Nhưng cũng phải biết rằng đằng sau ca sĩ này là cả một nhóm thiết kế thời trang mang tên là Haus of Gaga. Họ sáng chế ra hàng loạt y phục và phụ kiện thời trang chẳng hạn như một cặp mắt kính đeo mắt gắn đầy điếu thuốc lá, hay một chiếc váy màu hồng làm bằng chùm bong bóng. Điều đó có nghĩa là Lady Gaga không chỉ hóa trang trên sân khấu mà còn biết giả dạng trong đời thường. Cứ mỗi lần xuất hiện trước công chúng, cô luôn luôn nhập vai nhân vật Lady Gaga. Điều đó làm ta liên tưởng đến thần tượng glam rock David Bowie thời trước, luôn hóa trang thành nhân vật Ziggy Stardust. Cả hai nhân vật Gaga và Ziggy đều là người đến từ một hành tinh khác, chứ không phải là của thế giới này. Thời còn trẻ, Madonna luôn luôn thay hình đổi dạng, từ đầu tóc đến cách ăn mặc để tránh lập đi lập lại những gì đã làm. Cô biết bắt mạch thị trường, tận dụng những trào lưu đang thịnh hành trong các cộng đồng thiểu số (chẳng hạn như cách ăn mặc của giới gay hay các kiểu nhảy của cộng đồng da màu) để đem đi phổ biến rộng rãi hơn. Đâu đó, trào lưu của thiểu số sát nhập dòng chính của đại đa số. Về điểm này, Lady Gaga cũng giống như bậc đàn chị khi khai thác triệt để các biểu tượng văn hóa phổ thông (pop culture). Nhưng sự so sánh sẽ dừng lại ở đó, vì Lady Gaga trước hết là vai diễn chính của một tuồng kịch, đời thường hay sân khấu đều được dàn dựng như nhau. Mọi người đều biết đến nhân vật Lady Gaga, nhưng không ai biết rõ cô Stefani Germanotta ngoài đời là ai ? Nói cách khác Lady Gaga không nấp mình trong bóng tối, mà tự giấu mình trong ánh sáng. Càng phô trương phơi bày, Lady Gaga có lẽ không muốn cho thấy những gì thật sự diễn ra đằng sau vầng hào quang danh vọng. Tuấn Thảo (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét