Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XVII Q.N (25/07/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Lạy Cha" qua Linh Mục Micae Giuse Nguyễn Trường Luân, C.Ss.R CẦU NGUYỆN: MỘT CHIA SẺ QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Sự cầu nguyện ban cho chúng ta được chia sẻ trong quyền năng của Thiên Chúa"
Ông Jim Johnson được giao cho việc cứu nguy một khách sạn đang trên đà suy sụp. Các người quản lý trước ông đã cố gắng nhiều nhưng không thành công. Khách sạn này đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ông Jim quyết định thử thi hành một kiểu cách thật khác biệt. Hằng đêm ông lái xe lên một ngọn đồi nhìn về thành phố và khách sạn. Ông dừng xe và ngồi ở đó trong 20 phút, để cầu nguyện. Ông cầu nguyện cho các thân chủ của khách sạn, họ đang nghỉ ngơi đằng sau các khung cửa sổ đèn sáng. Ông cầu nguyện cho nhân viên của khách sạn và gia đình của họ. Ông cầu nguyện cho những người có giao dịch làm ăn với khách sạn. Sau cùng, ông cầu nguyện cho thành phố và dân cư. Đêm này sang đêm khác, ông lái xe lên đỉnh đồi. Và đêm này sang đêm nọ, ông dừng xe và kiên trì cầu nguyện như vậy. Chẳng bao lâu, tình hình khách sạn thay đổi, từ từ khá hơn. Các nhân viên cảm thấy vững tin hơn. Họ chào đón khách niềm nở hơn. Một tinh thần mới thấm nhập vào kiểu cách điều hành. Khách sạn như tái sinh một cách rõ ràng. Ông Norman Vincent Peale, người kể câu chuyện này, đã cho rằng sự tái sinh của khách sạn là nhờ lời cầu nguyện hằng đêm của ông Jim Johnson. Ông chấm dứt câu chuyện với một tư tưởng thật hấp dẫn: Nếu lời cầu nguyện của một người có thể thay đổi được một khách sạn, thì rất có thể lời cầu nguyện của một quốc gia thay đổi cả thế giới. Câu chuyện có thật đó đã nói lên tinh thần của bài Phúc Âm hôm nay. Nó cũng đưa ra vài vấn đề: Sự cầu nguyện chiếm một vị trí nào trong đời sống chúng ta? Phúc Âm nói gì về sự cầu nguyện? Chúa Giêsu nói gì về sự cầu nguyện? Trong Phúc Âm, chúng ta thấy diễn tả bốn loại cầu nguyện: thờ phượng, thống hối, cảm tạ; và cầu xin. Trong sự cầu nguyện thờ phượng, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa chúng ta. Thí dụ, trong Phúc Âm Gioan, chúng ta thấy Thánh Tôma quỳ xuống và tuyên xưng Đức Giêsu: "Ôi lạy Chúa và Thiên Chúa của con!" (Gioan 20:28). Trong sự cầu nguyện thống hối, chúng ta thú nhận mình là ai: là những người tội lỗi cần đến lòng thương xót của Chúa. Trong sự cầu nguyện cảm tạ, chúng ta nhìn nhận những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta thấy chính Đức Giêsu cầu nguyện, "Lạy Cha, là Chúa trời đất! Con cảm tạ Cha..." (Luca 10:21). Sau cùng, trong sự cầu nguyện nài xin, chúng ta nhìn nhận là cần được Chúa giúp đỡ. Vì vậy, chúng ta thấy Đức Giêsu dạy các môn đệ, "Hãy xin, và anh em sẽ nhận; hãy tìm, và anh em sẽ thấy; hãy gõ, và cửa sẽ mở ra cho anh em" (Luca:9). Thật có ý nghĩa khi các môn đệ xin Đức Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Người đã dạy họ kinh Lạy Cha. Lời kinh này bao gồm bốn loại cầu nguyện nói trên. Chúng ta tôn thờ Chúa khi đọc, "Lạy Cha chúng con ở trên trời; chúng con nguyện danh Cha cả sáng..." Chúng ta bày tỏ lòng thống hối khi đọc, "Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con." Nhưng lạ một điều là Kinh Lạy Cha không có câu cám ơn Chúa rõ ràng. Các học giả giải thích rằng người Do Thái coi lời tôn thờ cũng như lời cảm tạ. Họ lý luận rằng khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận Người là ai, và những gì Người đã thi hành cho chúng ta. Tiềm ẩn trong sự nhìn nhận này là sự biết ơn chúng ta đối với Người vì những gì Người đã ban và vì Người là Thiên Chúa. Sau cùng, sự nài van là xin Thiên Chúa những gì chúng ta cần. Vì vậy chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha, "Xin cho chúng con lương thực hằng ngày." Có người hỏi, "Khi xin Chúa điều này điều nọ, hay xin Người làm điều này điều nọ, có phải chúng ta thuyết phục Người thay đổi hoạch định về những điều nào đó không?" Câu trả lời hiển nhiên là không. Thiên Chúa không cần đến sự khôn ngoan của loài người để dẫn dắt Người. Chúa cũng không cần đến loài người phải thuyết phục Người thi hành những gì tốt lành và chính trực. Vậy tại sao chúng ta cầu xin? Ông Blaise Pascal, nhà toán học lừng danh của thế kỷ 17, đã trả lời câu hỏi ấy như sau: "Cầu nguyện là một trong các phương cách mà Thiên Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô cùng của Người cho chúng ta." Cũng như ơn hiểu biết của Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta sức mạnh, thì lời cầu xin với Người cũng ban cho chúng ta quyền năng. Nói cách khác, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ trong một phương cách mà chúng ta có thể ảnh hưởng đến nó, không chỉ bởi việc sử dụng trí khôn con người nhưng còn bởi lời cầu nguyện của con người. Không phải ai ai cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người bằng trí khôn của họ. Nhưng bất cứ ai-dù ngu dốt đến đâu-cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người bằng sức mạnh của sự cầu nguyện mà Thiên Chúa đã chia sẻ với chúng ta. Thiên Chúa dựng nên chúng ta không như các khán giả chỉ nhìn ngắm công trình tạo dựng của Người. Chúa ban cho chúng ta được chia sẻ công trình ấy. Đây là một phần của ý nghĩa được dựng nên trong "hình ảnh và giống như" Thiên Chúa. Bác sĩ Alexis Carrel, người đoạt giải Nobel, đã tóm lược sức mạnh và vai trò của sự cầu nguyện như sau: "Cầu nguyện là một hoạt động trưởng thành rất cần thiết cho sự phát triển toàn vẹn của một con người. Chỉ trong sự cầu nguyện chúng ta mới đạt được một tổng thể đầy đủ và hài hòa gồm thân xác, tâm trí và linh hồn nhằm đem lại sức mạnh kiên quyết cho loài người yếu đuối như cây sậy." Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu xin Chúa Giêsu: Xin tiếng nói của Chúa Giêsu kêu gọi chúng con khi chúng con lầm đường lạc lối. Xin đôi mắt của Chúa Giêsu nhìn đến chúng con khi chúng con cần được khích lệ. Xin khuôn mặt của Chúa Giêsu mỉm cười với chúng con khi chúng con cần được tự tin. Xin đôi tay của Chúa Giêsu xức dầu cho chúng con khi chúng con mệt mỏi. Xin cánh tay của Chúa Giêsu nâng chúng con lên khi chúng con gục ngã. Xin máu thánh Chúa Giêsu tẩy sạch chúng con khi chúng con lớn lên trong bùn lầy. Xin thân thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng con khi chúng con đói khát. Xin thánh tâm Chúa Giêsu giúp chúng con yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng con.Amen. BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC Linh mục Inhaxiô Trần Ngà (Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 11, 1-13) trích đọc vào Chúa Nhật 17 thường niên) Trên đời có nhiều giá trị vật chất hoặc tinh thần rất cao đẹp và quý báu khiến lòng người ước mơ khao khát. Tuy mọi người đều mong ước có được những giá trị đó nhưng rồi họ cảm thấy khả năng của mình có giới hạn, phương tiện của mình còn thiếu thốn, nên chẳng mấy ai tìm cách chiếm hữu những giá trị ấy. Thế là những giá trị cao quý đó chỉ xuất hiện trong ước mơ của mọi người một thời gian rồi tan biến. Thật đáng tiếc! Vậy thì biết tìm đâu ra bí quyết để đạt được ước mơ của mình? Trong câu chuyện cổ Ali Baba và bốn mươi tên cướp, chàng Ali Baba nghèo khổ vào rừng lượm củi kiếm sống qua ngày, vô tình phát hiện bốn mươi tên cướp mang tài sản cướp được về cất giấu trong kho tàng bí mật nằm sâu trong rừng. Lối vào kho tàng được che chắn bằng một phiến đá khổng lồ. Khi tên tướng cướp đứng trước khối đá ấy và đọc câu: “Vừng ơi! mở ra”, thì lạ lùng thay, một cánh cửa bí mật mở ra dẫn lối cho lũ cướp đem của cải cướp được vào kho báu nằm chìm trong hang. Khi bọn cướp đi ra, chúng lại đọc câu thần chú: "Vừng ơi! đóng lại!" thì cánh cửa đá từ từ đóng lại che khuất lối vào kho tàng bí mật. Chờ cho bọn cướp ra đi, Ali Baba tiến lại khung cửa bí mật và đọc lại câu thần chú đó. Thật nhiệm mầu, tấm cửa đá nặng nề mở ra, đưa anh vào một kho tàng chứa đầy báu vật và nhờ đó, Ali Baba chiếm hữu được nhiều báu vật trong kho tàng. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta một một bí quyết quan trọng giúp chiếm hữu những kho báu lớn lao, kho báu vật chất cũng như kho báu tinh thần. Đây không phải là câu “Vừng ơi! Mở ra!” để đưa chúng ta vào kho báu huyền thoại, nhưng là câu: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Bí quyết nầy giúp mở ra nhiều kho tàng vật chất cũng như tinh thần, tự nhiên cũng như siêu nhiên. Bí quyết được tóm lại trong ba điều rất đơn giản: “xin – tìm – gõ”. Thật là điều khó tin! Làm sao mà chỉ cần ba việc đơn giản là xin, tìm, gõ lại có thể giúp người ta đạt được những giá trị lớn lao và cao quý? Chúa Giê-su cũng biết những thính giả của Người đầy ngờ vực khi nghe những lời dạy ấy nên Người mới thuyết phục thêm: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thế ra lâu nay chúng ta không chiếm hữu được những giá trị cao quý là vì chúng ta chưa xin, chưa tìm, chưa gõ đó thôi. Còn ai liên lỉ xin, kiên quyết tìm, nhẫn nại gõ thì thế nào cũng đạt được giá trị cao đẹp mình mong muốn. *** Cuốn “Góp nhặt cát đá” của thiền sư Muju có ghi lại nhận xét của một bậc đại trí Thiền học liên quan đến lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay. Một sinh viên đến viếng Thiền sư Gasan và hỏi: “Thầy đã đọc thánh kinh Kitô chưa?” Gasan bảo: “Chưa. Hãy đọc tôi nghe!” Sinh viên mở sách ra và đọc một đoạn sách thánh (Mt 6, 28-29): “Còn về áo mặc, các ngươi lo lắng làm chi? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chẳng làm khó nhọc cũng không kéo chỉ; nhưng Ta bảo các ngươi, dẫu vua Salômon sang trọng đến đâu, cũng không mặc được áo tốt như như một hoa nào trong giống đó… Vậy chớ lo lắng chi ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.” Gasan nói: “Ai nói những lời đó, tôi cho là một người đã giác ngộ.” Sinh viên đọc tiếp: “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ thì được mở.” (Mt 7, 7-8) Gasan phê bình: “Thật là tuyệt! Ai nói điều đó không xa Phật tánh.” *** Từ đây, nắm được bí quyết quan trọng để đạt được những giá trị cao quý trên đời, chúng ta không dại khờ ngồi ước mơ suông, nhưng phải ra công thực hiện, vì phương tiện sẵn có trong tầm tay. Chỉ cần liên lỉ xin, kiên quyết tìm và nhẫn nại gõ thì chúng ta sẽ thủ đắc được những giá trị cao quý mà lâu nay chỉ có trong mơ. Với bí quyết nầy, chúng ta có thể biến những ước mơ thành hiện thực. Amen. Lời Nguyện Nào Cho Ta ? (Lc 11,1-13) Fr. Sicilianô, OP. Thưa quí vị, Bài Phúc Âm hôm nay gồm nhiều mảng ghép lại với nhau dưới một đề tài duy nhất: cầu nguyện. Thánh Luca nhấn mạnh về vấn đề quan trọng này trong đời sống Kitô hữu, nhất là trong cộng đòan của ông đang chịu bắt bớ giam cầm vì đức tin vào Chúa Kitô. Gương ông nêu ra là Đức Kitô liên lỉ cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha đang khi Ngài và các môn đệ trên đường lên Giêrusalem. Đây cũng là bổn phận của những ai thành tâm đi theo Ngài. Các tông đồ chứng kiến gương sáng cảm động ấy, nên đến xin Ngài dạy cho mình cầu nguyện. Phúc Âm kể: “Ngài cầu nguyện xong, thì có một môn đệ nói với Ngài: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Như vậy, họ đã cảm nhận được tính hệ trọng của việc cầu nguyện. Nó quan trọng không những trong cuộc đời của Chúa Giêsu để Ngài sống thân tình với Thiên Chúa và chu tòan thánh ý cách tốt đẹp. Và nó quan trọng cho các môn đệ để kiên trì trong ơn gọi theo Thầy. Có lẽ đường lối Ngài sống thân mật với Đức Chúa Trời bằng cầu nguyện sốt sắng, nên đã chọc giận bè phái Pharisêu và quyền lực đền thờ, vì họ luôn tự nhận mình là người siêng năng cầu nguyện, sống đẹp lòng Thiên Chúa: ăn chay ba ngày một tuần, nộp thuế thập phân đinh hương, bạc hà, đứng cầu nguyện giữa đường phố, đeo thẻ kinh, nối dài tua áo. Họ mới là những kẻ cầu nguyện đích thực. Ong Giêsu chẳng qua là tạy bợm nhậu, lê la với phường tội lỗi. Chúa không dạy các tông đồ danh sách các kinh phải đọc hoặc những điều kiện nghiêm ngặt phải giữ khi cầu xin. Ngài dạy họ kinh “Lạy Cha” ngắn gọn và đầy đủ những điều phải xin cùng Cha trên trời. Đồng thời tâm tình đối xử với Người Cha ấy, cũng như với tha nhân. Ngài muốn mạc khải cho các ông mối tương quan Ngài có và họ phải có đối với Đức Chúa Trời. “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói như thế này: Lạy Cha, xin làm cho danh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy…” Trước hết, Ngài dạy họ: Thiên Chúa là Cha “abba”, tiếng trẻ thưa với cha ruột của nó. Vậy đối với các môn đệ (và đối với chúng ta), Thiên Chúa không ở đâu xa vời, quyền thế, ích kỷ, độc đóan; hoặc trên núi cao, sấm sét khắp bầu trời, khói lửa mù mịt dưới chân. Nhưng là một người Cha gần gũi, dịu dàng, nhân ái, đầy tình thương và lòng tha thứ. Tới đây, đáng lẽ Đức Giêsu nên dừng lại, không tiến xa hơn nữa, đừng mạc khải thêm những ám hiệu bí mật về Thiên Chúa, kẻo chúng ta sử dụng như câu thần chú mà nài nỉ đặc quyền, đặc lợi. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có bấy nhiêu thôi, thiên hạ đã lạm dụng tràn lan, giải nghĩa đủ mọi chiều để có lợi ích nhất cho mình. Nhưng không, Đức Kitô tiếp tục bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Ngài mời gọi chúng ta coi nhau như anh em, con cùng một cha, cho nên trong lời dạy của Ngài, Ngài tòan dùng số nhiều: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Ngài khuyên chúng ta tin cậy thắm thiết vào Thiên Chúa Cha, Đấng hằng coi sóc chúng ta như con cái nhỏ bé, chăm lo từng chi tiết cho cuộc sống nhân lọai: Xin Cha ban cho chúng con hôm nay bánh ăn nuôi sống. Ngần ấy cũng đủ cho các môn đệ học hỏi và hành động. Ngài đã mở cho chúng ta con đường để sống hạnh phúc và bớt phần bồn chồn, lo lắng: lấy chi mà ăn, mà mặc? Vì người Cha nhân hậu nào mà lại không chăm lo cho con cái mình? Nếu như còn lo âu, ấy là tại chúng ta thiếu lòng tin tưởng và cậy trông. Liệu người Cha trên trời đang tâm nuốt lời hứa? Năm 1976, miền San Franciscô bị hạn hán nặng, mùa màng mất trắng, người ta phải giết bớt hàng triệu súc vật nuôi vì không đủ cỏ và nước. Giám mục sở tại truyền lệnh cho các tín hữu, linh mục, tu sĩ làm tuần chín ngày cầu xin cho có mưa, nhất là vào các Chúa nhật, tín hữu đi tham dự thánh lễ đông. Mấy ông nhà báo cho là chuyện ngớ ngẩn, thân hành đến văn phòng tòa Giám mục hỏi xem chủ chăn giáo phận nghiêm túc hay bày trò đùa? Phát ngôn viên văn phòng trả lời tích cực, tức nghiêm túc, và thêm rằng: chắc chắn lời cầu xin sẽ được đáp ứng. Họ phá lên cười. Ngày thứ Ba tuần sau, đài khí tượng dự báo thời tiết của liên bang loan tin: sắp có mưa nhỏ trong vài ngày tới. Chiều thứ Tư mưa đổ xuống như thác, mấy hôm sau tiếp tục mưa thành lụt lội. Mấy ông nhà báo trở lại tòa giám mục xin thêm tin tức về khí hậu. Một ông nói: “Đức cha nhất định phải có những người bạn quyền năng ở trên thiên giới.” Đúng đấy, vì Đức Kitô đã tuyên bố: “hãy xin thì sẽ được, cứ gõ thì sẽ mở cho”. Ông Abraham hiểu rõ điều này, nên trong bài đọc 1, cụ tổ gan lì với lời nài nĩ. Cụ thất bại không phải vì ba người khách không có lòng tốt, nhưng vì Sôđôma và Gômôra không tìm đâu ra người xứng đáng để hưởng ơn lành tha thứ. Phải chăng đây cũng là trường hợp phổ quát của nhân lọai, của cộng đòan, của cá nhân mỗi chúng ta? Tuy nhiên, cũng còn có chút hy vọng, vì Đức Kitô đứng ra thay thế cho ông Abraham cầu khẩn Đức Chúa Cha cho tòan thể lòai người. Ngài đã hứa: hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho như Phúc Âm hôm nay chỉ rõ. Vấn đề khó khăn là nhiều lần chúng ta thành tâm cầu nguyện mà hình như chẳng được nhận lời? Thánh Thomas tiến sĩ giải trình chuyện này trong Tổng luận Thần học của ông (II, II, 57-122). Xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ làm minh họa: Một bé gái cầu xin cho được một chiếc xe đạp. Em cầu nguyện hòai nhưng xe đạp vẫn chỉ là giấc mộng. Bạn bè chế riễu nói rằng, Chúa chẳng nhận lời em. Bé ngây thơ khẳng định: có đấy chứ và Người bảo “không được”. Câu chuyện nhắc chúng ta trường hợp của hai tông đồ: Giacôbê và Gioan con ông Giabêđê đến xin Chúa Giêsu cho đựơc ngồi bên cạnh Ngài, tức chổ tốt nhất. Chúa trả lời: “ngồi bên hữu hay bên tả Thầy không thuộc quyền Thầy, nhưng Cha Thầy sửa sọan cho ai thì người ấy được.” Nghĩa là điều hai ông xin chỉ là ngớ ngẩn, không phải cầu nguyện. Hai ông dự tính sai bảo Thiên Chúa thực hiện theo ý mình. Chỉ khi nào chúng ta thành tâm thuận làm theo thánh ý Thiên Chúa, lúc ấy Người mới làm theo ý chúng ta. Cho nên trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho anh em để đựơc Thiên Chúa tha tội cho. Tha thứ cho kẻ khác là thánh ý. Vậy thì lời hứa: “hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho” phải được hiểu theo giáo huấn tổng quát của Chúa Giêsu, không riêng lẽ, kẻo rơi vào lầm lẫn. Thánh Giacôbê tông đồ cũng hiểu như vậy: “Anh em xin mà không được, vì anh em xin cái bất xứng, để lãng phí trong việc làm theo dục vọng” (Gc 4,3). Xin noi gương Chúa Giêsu trong giờ hấp hối tại vườn Giếtsêmani, Ngài đặt kinh Lạy Cha vào thực hành: Lạy Cha, Cha làm được mọi sự, xin cất chén đắng này xa con. Nhưng đừng làm theo ý con mà là theo ý Cha muốn. Đó là lời cầu xin hòan hảo nhất, tuyệt đối tin cậy vào Thiên Chúa, tìm kiếm ý Thiên Chúa hướng dẫn. Và Người đã sai thiên thần đến chỉ bảo cho Ngài, ban can đảm để Ngài đi vào khổ nạn, chu tòan sứ mệnh cứu chuộc. Dĩ nhiên, chúng ta chẳng được biết Chúa Cha ban gì cho chúng ta, nhưng chắc chắn Người ban điều tốt hơn những gì chúng ta cầu xin. Đây không phải là lý luận vô căn cứ. Chính Đức Kitô nói lên trong bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin Người hay sao ?” Thánh Thần nào ? Thưa, Thánh Thần của tình yêu, sự sống, thánh thiện, tốt lành. Đó không phải là những gia tài quí báu nhất trong vũ trụ hay sao ? Cho nên, đừng nản chí hoặt thất vọng. Khi cầu xin là chúng ta được nhận lời rồi. Phúc Âm thánh Máccô quả quyết như vậy. Chỉ có điều chúng ta cầu xin cho am hợp thánh ý Chúa. Thế giới này sẽ nghèo nàn biết bao nếu chúng ta sao lãng việc cầu nguyện. Chúng ta cố gắng thực thi ý Chúa, làm điều tốt, Thiên Chúa sẽ tuôn đổ hồng ân xuống cho nhân lọai. Thiết tưởng đây là công việc tông đồ vĩ đại, hữu ích nhiều lần hơn là các họat động thể xác, ồn ào và kém hiệu quả ! Cuộc đời Chúa Giêsu tuy sống khăng khít với Chúa Cha, luôn âu yếm gọi Người là : Abba, Cha ơi !, nhưng không khỏi những đau khổ, thánh giá. Vậy thì chúng ta tránh thóat thế nào đựơc ? Ai đang tâm né tránh là phản bội ơn gọi tín hữu, chi thể của Đức Kitô. Vì tôi tớ chẳng khá hơn chủ nhà. Đó là điều mà Đức Kitô dạy bảo các môn đệ khi mạc khải Thiên Chúa Cha cho họ. Và cũng là nội dung duy nhất chúng ta làm cho danh Cha hiển thánh. Cũng như Đức Kitô tôn vinh Cha Ngài khi sẵn lòng bước vào cuộc khổ nạn. Sau khi thiên thần thêm sức cho Ngài và Ngài hiểu rõ thánh ý Thiên Chúa, thì không chi ngăn cản được Ngài gánh chịu đau đớn và nhục hình. Cứ để cho binh lính bắt bớ, Ngài đưa tay cho họ còng. Cứ để cho chúng đánh đập, Ngài đưa má cho chúng giật râu. Hãy để mặc chúng kết án, Ngài chỉ trả lời bằng yên lặng, khiêm nhường, nhẫn nhục. Ôi ! Gương sáng tuyệt vời về lòng vâng phục ! Còn chúng ta thì sao ? Có xấu hổ lắm không khi hàng ngày đọc như cái máy ghi âm: ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, rồi lại tìm kiếm vinh hoa phú quí. Đúng hơn, chúng ta nên sửa lại: xin làm theo ý con, chứ đừng theo ý Cha! Sau khi dạy dỗ các môn đệ về mối tương giao với Chúa Cha, Đức Giêsu nêu ra những nhu cầu chúng ta phải xin hàng ngày cùng Thiên Chúa, Đấng luôn là tạo hóa yêu thương : Bánh ăn hàng ngày, lỗi lầm lỡ phạm, chước cám dỗ bủa vây. Bởi lẽ, chúng ta còn thân xác và đang trong tiến trình làm môn đệ Ngài. Cho nên, lương thực, thực phẩm cho thân xác là cần thiết. Và bởi lẽ, bản chất sa ngã, luôn thiếu sót trong bổn phận, nhiệm vụ, cho nên ơn tha thứ là không thể miễn trừ. Nhưng Chúa đặt điều kiện, chính mình phải tha thứ cho những xúc phạm do người anh em gây nên ! Chuyện này hơi khó vì thực ra quyền năng tha thứ thuộc về tình yêu của Đức Chúa Trời. Và lòai người cần phải tiếp tục xin ơn ấy, chúng ta không luôn sẵn sàng thứ tha cho anh em! Tha thứ là điều Thiên Chúa muốn, nhưng chúng ta phải cầu xin khả năng để làm được việc ấy. Như vậy, Đức Kitô xác định lại sự hiệp nhất với Ngài và hiệp nhất với nhau: “xin cho chúng con… xin tha thứ chúng con… đừng để chúng con sa chứng cám dỗ.” Tòan là những lời cầu xin của ngôi thứ nhất số nhiều ! Ai dám bảo mình có thể xé lẻ và lọai trừ kẻ khác ? Chúng ta phải cầu nguyện như một cộng đồng, hơn thế nữa, cộng đồng thánh thể, cộng đồng được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa và bánh ăn hàng ngày, tha thứ cho nhau, đừng đưa nhau vào cám dỗ, nhưng làm gương sáng cho nhau bằng việc lành, phúc đức, ăn chay, hãm mình. Dụ ngôn “người bạn xin bánh” tăng cường lòng tin cậy của chúng ta. Mặc dầu bị từ chối nhiều lần, nhưng người bạn không nản chí, cuối cùng, ông ta được chủ nhà thỏa mãn nguyện vọng. Chúa Giêsu kết luận: Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì lại cho nó con rắn ? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bọ cạp ? Vậy lời cầu xin gan lì truớc tôn nhan Thiên Chúa nhất định có hiệu quả. Xin đừng xấu hổ khi không được nhận lời. Vì thực ra, theo thánh Phao Lô, không phải chúng ta cầu xin mà Thánh Thần, Đấng đang ngự trong linh hồn mỗi tín hữu, cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét