Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XIV Q.N (04/07/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Bình an của Chúa" qua Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R TÂM BÃO Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Sứ vụ của chúng ta là đem bình an của Đức Kitô đến cho thế gian"
Trong năm 1980, một tờ báo phát hành trên toàn quốc có đăng một câu chuyện khác thường. Một người kia ra xe của ông đang đậu trước một trung tâm thương mại lớn. Ngay trên ghế ngồi, có một mẩu giấy viết: "Thưa ông/bà; Tôi đã định ăn cắp chiếc xe này cho đến khi tôi chợt nhìn thấy hàng chữ 'Peace-Be-to-You' (Bình An-Cho-Bạn) dán trên kính xe. Nó làm tôi do dự và suy nghĩ. Tôi nghĩ nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, ông bà chắc chắn sẽ không có bình an, và ngược lại, tôi cũng không cảm thấy bình an, vì đây là 'chuyến ăn hàng' đầu tiên của tôi. Do đó, 'bình an cho bạn' và cho tôi. Nhớ lái xe cẩn thận và lần sau đừng quên khóa cửa." Ký tên: "Người Muốn Ăn Cắp Xe." Câu chuyện khác thường đó làm sáng tỏ mệnh lệnh khác thường của Chúa Giêsu mà Người đã ban cho các môn đệ trong bài phúc âm hôm nay: "Vào bất cứ nhà nào, trước hết các con hãy nói, 'Bình an cho nhà này.' Nếu một người yêu chuộng bình an sống ở đó, lời chúc bình an của các con sẽ ở với họ; nếu không, hãy lấy lại lời chúc bình an." Áp dụng điều này vào câu chuyện nói trên, chúng ta thấy câu "Bình An-Cho-Bạn" đã nới rộng sự bình an của Đức Kitô đến cho người muốn ăn cắp xe. Tên trộm này là người bình an trong tâm hồn, và bình an của Đức Kitô đã ngự trên hắn ta. Điều đó nêu lên một câu hỏi: Chúng ta muốn nói gì về "bình an của Đức Kitô"? Bình an đó được cấu tạo bởi những gì? Khi Kinh Thánh dùng chữ bình an, nó có bốn ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất, nó được dùng trong ý nghĩa quân sự--để chỉ về sự thiếu vắng chiến tranh giữa các quốc gia. Do đó, chúng ta nói, "Các quốc gia đang sống bình yên." Thứ hai, nó được dùng ý nghĩa cá nhân--để chỉ về một cảm giác hạnh phúc của con người. Do đó, chúng ta nói, "Chúng tôi hòa thuận với nhau." Thứ ba, Kinh Thánh dùng chữ bình an trong ý nghĩa tôn giáo--để chỉ về một tương giao đúng đắn giữa Thiên Chúa và con người. Do đó, chúng ta nói, "Chúng ta hài hòa với Thiên Chúa." Sau cùng, Kinh Thánh dùng chữ bình an để chỉ một tình trạng mà trong đó mọi người trên mặt đất hài hòa với Thiên Chúa, tha nhân, và với chính mình. Đây là điều chúng ta muốn nói qua chữ "bình an của Đức Kitô". Đây cũng là điều Đức Giêsu muốn nói khi Người tuyên bố, "Thầy để lại bình an cho các con; chính bình an của Thầy mà Thầy ban cho các con" (Gioan 14:27). Vị linh mục nhắc lại lời này khi cử hành Thánh Lễ. Sự bình an này thì không gì khác hơn là Nước Thiên Chúa được trị đến trên mặt đất-là vương quốc mà chúng ta thường cầu xin trong kinh Lạy Cha khi chúng ta đọc, "Xin cho Nước Cha trị đến..." Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ hãy đem vào thế gian trong thời ấy. Chính sự bình an này mà Đức Giêsu truyền cho chúng ta đem vào thế gian trong thời đại chúng ta. Chúng ta sẽ là các khí cụ mà sự bình an của Đức Kitô sẽ được trải rộng đến mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới. Một loại suy sau đây có thể giúp chúng ta biết ý Chúa muốn chúng ta thi hành điều này như thế nào. Khi gió của cơn bão nhiệt đới lên quá 75 dặm một giờ, người ta gọi nó là "typhoon" (bão lớn) khi xảy ra ở Thái Bình Dương, và gọi là "hurricane" (cuồng phong) khi xảy ra ở Đại Tây Dương. Để có một ý niệm thế nào là trận cuồng phong, hãy tưởng tượng ra đĩa "frisbee" với một lỗ hổng ở giữa. Bây giờ, thử tưởng tượng đĩa ấy lớn dần cho tới khi nó rộng đến 100 dặm và lỗ hổng ở giữa rộng đến 10 dặm. Và rồi hãy tưởng tượng cái đĩa khổng lồ ấy xoay tròn với tốc độ 100 dặm một giờ. Đó là cơn cuồng phong hay cơn bão. Phần đáng chú ý của cơn bão là tâm điểm của nó-cái lỗ hổng ở giữa đĩa "frisbee". Mặc dù gió lốc đang gào thét chung quanh tâm bão với tốc độ 100 dặm một giờ, nhưng ở tâm bão thì lại êm ả. Không có một chút gió lốc. Nếu bạn đứng trong tâm bão và nhìn lên, bạn sẽ thấy bầu trời xanh và ánh nắng chói chang. Tâm bão là một hình ảnh tốt để nói lên điều Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta trong Tiệc Thánh Thể, khi chúng ta quy tụ để chia sẻ bữa tiệc ấy vào mỗi Chúa Nhật. Có biết bao cơn bão chung quanh chúng ta ở trong thế giới này. Con người gào thét và lấy của nhau; các nhóm dấy loạn và cướp bóc; quốc gia này đánh nhau với quốc gia khác. Tuy nhiên, ở bàn Tiệc Thánh Thể thì lại êm ả. Chúng ta nhìn lên và thấy bầu trời xanh cùng ánh nắng chói chang. Chúng ta đang ở tâm bão. Chúng ta vui hưởng "bình an của Đức Kitô." Đức Giêsu ban cho chúng ta sự bình an này không phải để chúng ta ở mãi trong đó, nhưng để bồi dưỡng trong giây lát. Cũng như tâm bão chỉ kéo dài chừng một giờ đồng hồ khi bão đi qua, bữa Tiệc Thánh Thể cũng chỉ khoảng một giờ. Đức Giêsu không bao giờ muốn chúng ta ở mãi trong tâm bão. Người muốn chúng ta đi vào cơn bão. Đức Giêsu muốn từ bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta tiến bước để trở nên tâm bão giữa các trận cuồng phong của thế gian. Người muốn chúng ta chia sẻ sự bình an của Người, mà chúng ta được cảm nghiệm trong Thánh Lễ, với toàn thế giới. Người muốn chúng ta trở thành các khí cụ mà qua đó sự bình an của Đức Kitô được trải rộng trên toàn thế giới. Và vì thế Kinh Thánh nói về bốn loại bình an: sự bình yên giữa các quốc gia, sự hòa thuận giữa chúng ta, sự hài hòa với Thiên Chúa, và bình an của Đức Kitô-đó là một tình trạng mà mọi người trên thế giới hài hòa với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Sự bình an sau cùng này, bình an của Đức Kitô, thì không gì khác hơn là sự trị đến của Vương Quốc Thiên Chúa. Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã thể hiện khi làm người. Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đem vào thế gian trong thời đại của họ. Chính sự bình an này mà Đức Giêsu truyền chúng ta phải đem vào thế gian trong thời đại chúng ta. Chính sự bình an này mà chúng ta cầu xin Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta vào sáng hôm nay: "Lạy Chúa, xin giúp con trở nên khí cụ bình an của Chúa, Để nơi thù hận, con đem đến tình yêu; nơi xúc phạm, con đem đến tinh thần tha thứ; nơi nghi kỵ, con đem đến niềm tin; nơi bất hoà, con đem đến sự hoà hợp; nơi thất vọng, con đem đến hy vọng; nơi bóng tối, con đem đến sự sáng; nơi buồn sầu, con đem đến niềm vui. Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời." (Thánh Phanxicô Assisi) VÌ NGHĨA CÔNG QUÊN ÍCH RIÊNG Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. “Các ngươi hãy đi! Này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa sói. Đừng mang ví tiền, bao bị, giày dép; cũng đừng chào hỏi dọc đường. Hễ vào nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’…” Đọc qua đoạn Kinh Thánh trên đây không ít người cảm thấy dường như Lời Chúa chẳng dính dấp gì đến cuộc sống của mình. Những lời nhắn nhủ “đừng mang gì đi đường, không mang bánh mang bị, không mang tiền mang dép” có lẽ chỉ dành riêng cho các môn đệ Đức Kitô trước khi họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Thế nên có thích hợp hay chăng chỉ là thích hợp cho các nhà thừa sai truyền giáo, chứ như dân thường thì e lệnh truyền trên đây không có một chút ý nghĩa nào! Cũng có người thắc mắc: “Tại sao khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu không nghĩ rằng nếu không được đón tiếp thì họ sẽ lấy của gì để ăn, lấy nhà đâu để ở? Thế nên cần phải có chút ít tiền phòng thân chứ. Rồi nếu như phải ngủ bờ ngủ bụi mà có chiếc áo che thân thì tốt biết mấy. Tại sao Đức Giêsu lại bảo đừng mang tiền, mang bị, hay mang bánh, mang áo? Tại sao Chúa không phòng xa để giải quyết những trường hợp bất ngờ?” Nhưng đâu phải Chúa Giêsu không biết nghĩ xa. Ngài dư biết sẽ có thành đón tiếp và cũng có thành chối từ. Chính Ngài đã từng căn dặn thành nào không đón tiếp thì hãy rũ bụi chân lại để tố cáo chúng đã hẹp lòng và bất cập với Tin Mừng đấy chứ. Chúa Giêsu biết sẽ có những người đóng cửa lòng, không đón nhận các môn đệ của Ngài. Nhưng ý tưởng chính toát lên từ lời căn dặn của Đức Giêsu chính là sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời-sứ mạng đưa bình an đến cho các xóm làng-là một điều cấp bách. Đây là việc chung mà cộng đoàn các tông đồ phải khẩn trương thi hành chứ không được chậm trễ vì lỉnh kỉnh các vật dụng cá nhân. Nói cách khác, ý của Chúa Giêsu là các môn đệ phải biết đặt sự nghiệp chung, lợi ích của Nước Trời trên bao bị, dày dép, tiền bạc, áo xống. Việc rao giảng Tin mừng phải là công tác quan trọng, cần thiết và cấp bách hơn tất cả mọi lợi ích riêng tư. Sống trong một tập thể hay cộng đoàn, nếu người ta chỉ biết đòi hỏi được đáp ứng các nhu cầu hay lợi ích cá nhân, tập thể hay cộng đoàn đó sẽ bị tổn thương nếu không muốn nói là có nguy cơ sụp đổ. Người hay đòi hỏi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tìm được niềm vui và hạnh phúc chân thật. Kẻ gặp được niềm vui và hạnh phúc trong một cộng đoàn không phải là người được cộng đoàn dành cho nhiều ưu đãi, lợi lộc, hay địa vị, song là người biết sống dấn thân với cộng đoàn và cho cộng đoàn. Kẻ gặp được niềm vui và hạnh phúc trong một cộng đoàn không phải là người được cộng đoàn dành cho nhiều ưu đãi, lợi lộc, hay địa vị, song là người biết sống dấn thân với cộng đoàn và cho cộng đoàn. Người biết nghĩ đến ích chung, tha thiết với công việc sẽ là người đáng được tôn trọng và dễ dàng hoà hợp với tha nhân. Trái lại kẻ chỉ tìm ích riêng sẽ gây nên tình cảnh “khó sống” cho mọi người chung quanh. Họ không thể là môn đệ đích thực của Đức Kitô. Bởi vì người môn đệ đích thật sẽ không cứ lo tìm kiếm, bao bọc, chở che cho sự sống riêng mình, nhưng là dám đánh mất sự sống mình vì Nước Trời và vì tha nhân. Người ta kể trong thời chiến quốc, khi quân nước Tề sang đánh nước Lỗ, lúc đến chỗ biên giới, bỗng thấy một người đàn bà, tay bồng một đứa bé, tay kia đang dắt đứa khác lớn hơn. Thấy quân giặc kéo tới bà ta vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống và bồng đứa bé kia lên, rồi chạy trốn vào núi. Viên tướng nước Tề thấy lạ bèn cho lính đuổi theo bắt lại và hỏi: “Tại sao bà lại ẵm thằng lớn mà bỏ thằng nhỏ?” Người đàn bà thưa: “Đứa nhỏ là con tôi, còn đứa lớn là con anh tôi. Vì quân lính kéo tới nhanh quá, lượng sức không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.” Tướng nước Tề ngạc nhiên: “Con với mẹ là tình máu mủ ruột thịt rất gần. Nay bỏ con mình thì như cắt ruột mà cứu lấy con anh thì nghĩa là sao?” Người đàn bà trả lời: “Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì biết tính làm sao. Tôi không thể nào sống mà chịu mang tiếng vô nghĩa giữa làng xóm được.” Viên tướng nước Tề vội cho dừng quân và sai người về tâu với vua: “Nước Lỗ chưa thể đánh được. Vì quân ta vừa mới đến chỗ biên cương đã thấy con mụ đàn bà nơi xó rừng còn biết đặt nghĩa công trên tình riêng thì huống chi là những bậc quan lại sĩ phu trong nước. Nên xin vua cho rút quân về.” Vua Tề cho là đúng và đồng ý lui quân. Thế đó, một quốc gia, một cộng đoàn hay một gia đình sẽ rất vững chắc khi có những con người biết nghĩ đến kẻ khác, dám hy sinh quyền lợi riêng tư cho sứ mạng và sự nghiệp chung. Không một sức mạnh nào của kẻ thù mà lại không chùn bước trước sức mạnh của đoàn kết yêu thương. Hình ảnh của người mẹ bỏ rơi đứa con mang nặng đẻ đau của mình để cứu đứa con của người anh nhắc tôi về hình ảnh của một người Cha “bỏ rơi” người Con yêu dấu của mình để cứu vớt kẻ khác: hình ảnh của một Thiên Chúa đã dứt lòng hy sinh mạng Con, đến nỗi người Con đó phải thốt lên trong đau đớn tột cùng: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con,” một tiếng kêu xé lòng Cha. Nhưng chính nhờ sự hy sinh đó mà nhân loại đã được ơn giải thoát. Thiên Chúa đã dâng hiến chính tình yêu giữa Cha và Con vì sự sống và hạnh phúc chung của toàn nhân loại. Thiết tưởng không có một tình yêu hay sự hy sinh nào lớn hơn tình yêu và hy sinh của Thiên Chúa. Và tình yêu mời gọi đáp trả tình yêu. Thiên Chúa gọi mời bạn và tôi đáp trả tình yêu bằng cách sống như Ngài trong sự hiến dâng chính mình cho lợi ích của tha nhân và cộng đoàn. Cách cụ thể, ta hãy cùng tự vấn: “Tôi đã làm được gì cho giáo xứ? Tôi sẽ làm những gì cho cộng đoàn? Tôi có dấn thân cho ích lợi của đất nước và dân tộc chưa?” Trả lời bằng những quyết tâm chân thành là ta đang trở nên những người môn đệ chân chính của Đức Kitô rồi đó. NGHỊCH LÝ Lm.Jos Tạ duy Tuyền Nghịch lý của thời đại chúng ta đó là: Đường phố rộng hơn, quan điểm lại hẹp hòi hơn Chúng ta giành nhiều hơn nhưng lại có ít hơn Mua sắm nhiều hơn nhưng hưởng thụ lại ít hơn Chúng ta có những tòa nhà đồ sộ hơn nhưng gia đình lại bé nhỏ hơn. Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn Bằng cấp nhiều hơn nhưng giá trị lại ít hơn Hiểu biết nhiều hơn nhưng nhận xét lại kém hơn Nhiều nhân tài hơn nhưng ít sáng tạo hơn Chúng ta sở hữu nhiều hơn nhưng nhân cách giảm nhiều hơn Chúng ta nói quá nhiều, yêu thương thì quá ít và ghen ghét lại nhiều hơn Chúng ta biết cách mưu sinh nhưng không biết tạo dựng cuộc sống Chúng ta sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn Chúng ta làm được những điều cao sang nhưng lại không làm được điều đơn giản với đồng loại. Vâng, cuộc sống xem ra tiến bộ hơn nhưng đáng tiếc chúng ta lại đang đánh mất nhiều hơn. Mất tình gia đình, mất tình bạn, mất tình làng nghĩa xóm. Cái mất lớn nhất của thời đại hôm nay chính là mất niềm vui của sự bình an tâm hồn. Vì cuộc đời hôm nay có quá nhiều những rủi ro, có quá nhiều những căng thẳng, những bất trắc khiến con người hôm nay dù có nhiều tiền, nhiều của, nhiều vật chất nhưng lại có rất ít những giây phút thư thái bình an. Cuộc đời luôn đong đầy những lo toan khiến con người hôm nay luôn phải sống trong cảnh đối phó với những nghịch cảnh có thể đưa tới. Bên cạnh sự vật lộn với cuộc sống quá nhiều khó khăn, sự bươn chải để tìm miếng cơm manh áo, cuộc sống chung quanh lại còn quá nhiều những sự dữ bủa vây như muốn nhậm chìm con người. Những tệ nạn xã hội như: xì ke, ma tuý, mại dâm, . . . luôn là những cạm bẫy có thể xâm chiếm và làm mất đi sự bình an nơi các gia đình. Thực tế, đã có biết bao gia đình khô cạn nước mắt vì một đứa con đang lao vào con đường xì ke, ma tuý; đã có biết bao gia đình tan nát vì lối sống buông thả, phóng túng của những người chồng thiếu trách nhiệm; đã có biết bao gia đình đang u sầu vì những quan hệ bất chính của những người cha, người mẹ đang làm gương mù gương xấu cho đàn con. Sự dữ dường như đang khống chế con người hôm nay. Sự dữ dường như đang làm chủ xã hội hôm nay khiến con người luôn cảm thấy bất an và lo sợ. Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giê-su cũng nhìn thấy sự dữ đang hoành hành. Sự dữ đang gây nên những đau khổ, đổ vỡ, mất mát cho biết bao con người. Sự dữ luôn làm cho con người lo sợ, bất an. Chúa đã sai các môn đệ ra đi trong tình trạng khẩn trương và cấp bách. Cấp bách đến độ không cần chuẩn bị những hành trang bên mình như giầy, dép, bao bị, . . . Chúa muốn các môn đệ hãy ưu tiên cho việc đem tin mừng đến cho muôn người. Tin mừng mà Chúa muốn các môn đệ đem đến cho nhân trần chính là đẩy lùi sự dữ và kiến tạo bình an cho các tâm hồn. Chúa bảo với các môn đệ hãy mang bình an của Chúa đến cho muôn người. Bình an của những con người thoát khỏi sự thống trị của sự dữ khi đón nhận tin mừng Nước Trời. Bình an sẽ được tặng ban khi Triều đại Nước Thiên Chúa thống trị địa cầu. Lời mời gọi đó dường như vẫn đang cấp bách trong thời đại hôm nay. Một thời đại có quá nhiều sự dữ. Một thời đại của sự hưởng thụ, ích kỷ đã biến con người thành sự dữ đang giết chết bản thân và tha nhân. Chúa vẫn đang tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta hãy chung tay góp sức đẩy lùi sự dữ ra khỏi gia đình, khỏi môi trường chúng ta sống. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa những cám dỗ tội lỗi. Hãy sống ngay lành để có niềm vui của sự bình an trong tâm hồn, và trao ban bình an cho tha nhân. Nguyện xin Chúa là hoàng tử bình an ban bình an đến cho mỗi người chúng ta để nhờ đó chúng ta cũng biết trao ban bình an cho nhau. Xin cho mỗi người chúng ta cũng trở thành những sứ giả bình an cho thế giới hôm nay. Amen Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét