Một khu bốc dỡ hàng ở bang Rajasthan, Ấn Độ.
Từ ngày độc lập năm 1947 đến nay, Ấn Độ theo một chế độ đa đảng. Phúc lợi của người dân là mục tiêu của kinh tế dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội. Trong tài khóa 2008-2009, tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ tăng 6,7% và được dự báo tăng lên 7,2% trong năm nay.
Phỏng vấn giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên
Vào lúc thế giới chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, các chỉ số trên đây làm cho giới quan sát dè dặt nhất cũng phải lạc quan cho tương lai của quốc gia đông dân hạng nhì thế giới, sau Trung Quốc. Trung tuần tháng ba vừa qua, tại Luanda, thủ đô Angola, đại sứ Ấn Độ A.R Ghanashyam tuyên bố : « Ấn là một nước nhỏ so với Trung Quốc, nhưng hãy cho chúng tôi 20 năm, chúng tôi sẽ bắt kịp ».
Vì nhu cầu năng lượng, năm nay Ấn Độ bắt đầu theo chân Trung Quốc tăng cường đầu tư tại châu Phi. Nhưng với phương tiện hạn hẹp, lại bị quốc hội kiểm soát, New Delhi không thể tiêu pha hào phóng như Bắc Kinh xây cầu, xây trụ sở Quốc hội, sân đá banh khắp châu Phi, đổi lại các hợp đồng tự do khai thác tài nguyên từ dầu hỏa đến quặng mỏ.
Tại châu Phi hiện nay, Trung Quốc gởi sang hơn 40 ngàn công nhân tham gia vào các công trình xây dựng này trong khi số nhân viên Ấn chỉ độ 1.500 người.
Tuy nhiên, Ấn Độ rất năng nổ vận động hành lang và hồi đầu năm nay ký được hợp đồng đầu tiên khai thác dầu hỏa với Nigeria và sau đó với Angola.
Giới chuyên gia quốc tế, như Edward George của Economist Intelligence Unit, xem việc Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Phi là một điều tốt đẹp cho châu lục này, nơi mà Bắc Kinh bị xem là « thực dân mới ». Sự hiện diện của một đối tác thứ hai buộc Trung Quốc phải bớt đi lề thói độc tôn.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước được xếp vào những nước đang phát triển và có đông dân nhất thế giới. Nhưng mỗi nước có chính sách phát triển khác nhau. Trong khi kinh tế Trung Quốc do đảng chỉ đạo, tập trung vào xuất khẩu thì kinh tế Ấn thực sự mang tính thị trường và tập trung nhiều vào thị trường nội địa. Để tìm hiểu thêm mô hình kinh tế Ấn mời quý thính giả theo dõi phần phân tích sau đây của giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ. Giáo sư còn là chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư vào châu Phi:
Theo nhận định của Martin Wolf, nhà bình luận của báo Financial Times, nguyên là đại diện Ngân hàng Thế giới tại New Delhi, thì tại Ấn Độ « không bao giờ có lập luận « dân chủ là một cản lực » ngăn chận kinh tế phát triển ».Hơn thế nữa, dân chủ còn là « điều kiện cần thiết » cho sự phát triển này. Ngay khi nội tình chính trị bị khủng hoảng thì guồng máy Nhà nước vẫn hoạt động suôn sẻ. Những đặc tính của chính sách được giới chuyên gia gọi là « vừa phát huy dân chủ, vừa phát triển kinh tế » không phải là lý thuyết mơ hồ.
Để xóa đói giảm nghèo, chính phủ Ấn Độ đầu tư rất nhiều vào các lãnh vực hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, ngân hàng, giáo dục, tăng cường luật lệ bảo vệ người lao động, cũng như hỗ trợ tiểu thương qua kế hoạch gọi là « vi tín dụng », cho người nghèo vay tiền mà không đòi thế chấp.
Ngày 01/04/2010, thủ tướng Ấn thông báo tiến hành chương trình giáo dục miễn phí toàn diện, để tất cả trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi được đi học. Chương trình giáo dục này gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước khoảng 40 tỷ đôla trong vòng 5 năm. Đây là một chi phí khổng lồ đối với một nước đông dân và đang phát triển.
Nông nghiệp được giúp đỡ tối đa để người nông dân được nâng cao đời sống, gia tăng sản xuất lương thực cung cấp cho thị trường nội địa.
Thành phần yếu kém thứ hai trong xã hội mà kế hoạch phát triển đặt trọng tâm bảo vệ là những công nhân vì nghèo phải bán sức lao động. Luật lệ công bằng giúp tránh tình trạng bóc lột.
Thành phần thứ ba được trợ giúp là giới tiểu thương để họ có thể làm ăn dễ dàng có tương lai xán lạn, từ người buôn gánh bán bưng tiến dần lên thương gia cấp trung, rồi chủ đại công ty.
Giới quan sát tỏ ra khâm phục đường hướng phát triển hợp lý này : thương mại chỉ phồn vinh khi nào mọi thành phần dân chúng đều có thu nhập khá, người nông dân trù phú, lương người công nhân đủ nuôi gia đình, không ai bị hy sinh cho chỉ số GDP. Và như thế đất nước mới thái bình, xã hội mới hài hòa.
Một điều kiện thuận lợi khác cho Ấn Độ được giới chuyên gia kinh tế ghi nhận là môi trường chính trị rất tốt. Tốt theo nghĩa có sự đồng thuận trong thành phần ưu tú nhất của Ấn Độ, từ giới chính khách, đến trí thức và kỹ nghệ gia về mô hình phát triển của đất nước. Họ cũng không để cho kinh tế quốc gia lệ thuộc vào bàn tay sinh sát của giới tài phiệt quốc tế , một điều vô cùng nguy hiểm cho một nước có quá đông người nghèo.
Nếu tương lai không bị chiến tranh, Ấn Độ có nhiều khả năng đạt tăng trưởng 10% mỗi năm. Nhiều người thẩm định là trong vòng 10 năm nữa, Ấn sẽ đuổi kịp mẫu quốc cũ là Anh Quốc, và 20 năm sau sẽ không thua Nhật Bản. Theo nhận định của Martin Wolf, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không phải là đại cường kinh tế duy nhất tại châu Á.
Theo RFI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét