Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Phục Sinh (04/04/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net ÁNH LỬA PHỤC SINH Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Nếu cuộc đời của Đức Kitô bị chấm hết bằng cái chết thì quả đó là một thất bại ê chề, không hơn không kém. Thất bại vì không cứu được nhân loại. Thất bại vì phải chết nhục nhã dưới bàn tay con người. Chắc hẳn, sau khi đóng đinh Đức Giêsu lên thập giá, các trưởng tế và biệt phái đang dương dương nắm chắc phần thắng khi niêm phong cửa mồ với thân xác vô hồn của Ngài trong đó. Bao niềm mong đợi, tin tưởng của các môn đệ dường như cũng bị chôn sâu vào huyệt đá. Thế nhưng, ngày thứ ba, sau hôm các tử tội bị xử tử, lúc trời vừa chớm sáng, Maria Magđalêna, kẻ được Đức Giêsu cải hoá cuộc đời, đã vội đi thăm mộ người ân nhân vĩ đại nhưng vắn số của mình. Nỗi xót xa thương tiếc thúc đẩy nàng ra bãi tha ma, khóc than cho niềm hạnh phúc quá ngắn ngủi. Ước mong của nàng là làm sao lăn được tảng đá lấp mồ, ướp chút hương trầm trên thân xác Giêsu, Đấng đã cứu mình khỏi vũng lầy tội lỗi. Nhưng kìa, quân canh đâu rồi? Mồ trống. Xác Thầy biến mất. Chỉ còn các tấm khăn liệm được xếp lại để đó. Sững sờ. Hoảng hốt. Maria chạy ào về báo tin cho Phêrô và Gioan. Lập tức hai ông chạy bay ra mồ. Nét âu lo lộ trên khuôn mặt hai ông. Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng người Do thái không thoả mãn với cái chết tàn khốc trên thập giá của Đức Giêsu nên đã đánh cắp luôn xác Ngài để thủ tiêu? Hay có môn đệ nào đã lấy trộm xác lúc các lính canh đang ngủ? Nếu thế thì vô lý quá. Người ta đã cẩn thận niêm ấn cửa mồ và cho quân canh gác xung quanh cơ mà. Với lại, nếu ngủ thì làm sao biết được những kẻ trộm xác là các môn đệ? Nếu biết tại sao lại không ra tay ngăn lại? Nhưng rõ ràng là chẳng có dấu hiệu nào của trộm xác. Các giây vải, khăn che mặt đều được sắp xếp gọn gàng. Tấm khăn liệm bó mình Đức Giêsu vẫn còn đó. Vị trí không có gì thay đổi như lúc táng xác. Nhìn vào thì trông như thân thể Đức Giêsu đã bị bốc hơi khỏi tấm khăn. Không có dấu hiệu gỡ ra. Phêrô bước vào mộ và thấy như vậy. Gioan, người đến mộ trước nhưng vào sau, cũng thấy như thế. Nhưng Thánh kinh ghi nhận phản ứng của Gioan: “Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20:8). Gioan đã tin gì? Phải chăng ông tin các lời tiên báo phục sinh của Đức Giêsu đã thành sự? Chắc hẳn ngay giây phút “ông thấy” cũng là lúc ông nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Ông cũng còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt 12:40). Rồi sau lúc biến hình trên núi Tabo, Đức Giêsu cũng đã căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9:9). Chưa hết, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Ngài cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: “Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18:31-33). Và mới đây nhất là lời tâm sự của Chúa Giêsu trong buổi tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay… Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26:31-32). Thế ra điều Gioan xác tín ngay khi bước chân vào mồ chính là: Đức Giêsu đã phục sinh. Niềm tin này không dừng chân nơi ngôi mộ trống, với các dải vải còn nguyên, nhưng tiếp tục được củng cố qua bao lần tiếp xúc ăn uống với Đấng Phục sinh của các môn đệ. Niềm tin ấy kiên cường đến độ các nhân chứng dám loan truyền với tất cả nhiệt tình, thậm chí dám hy sinh đến tính mạng cho niềm xác tín đó. Thử hỏi có ai ngây dại khi lấy sự sống mình vun bón cho một sự chết. Nhưng nếu chỉ nói đến Chúa Giêsu phục sinh như một sự kiện của ngày hôm qua, và nếu sự kiện đó không gây một tác động chân thực nào trên cuộc sống hôm nay của tôi, thì đó cũng chỉ là một thứ ngây dại không kém. Thế nên, âm vang của tin mừng Phục sinh phải trở nên động lực chi phối làm bừng dậy nếp sống đức tin của tôi, để rồi nó tiếp tục lan tới tất cả mọi người xung quanh. Điều đáng ghi nhận ở đây: tình yêu phải là động lực làm nên âm hưởng phục sinh. Nhờ tình yêu nồng nàn dành cho Đức Giêsu mà Maria Magđalêna đã thắng được nữ tính nhút nhát, dám đi ra mồ mả lúc trời còn tranh sáng tranh tối để trở thành người nữ đầu tiên loan báo tin mừng Phục sinh. Nhờ tình yêu chân thành dành cho Thầy mình mà Gioan đã trở nên người nam đầu tiên, bằng niềm tin, khám phá ra tính chất bất diệt của tình yêu. Tình yêu không thể bị chôn vùi trong huyệt mả của khổ đau, u sầu, thất vọng, nhưng sẽ chảy tràn niềm vui, vinh quang, và sự sống. Tình yêu không thể chết với cái chết mục nát. Trái lại sẽ làm sống lại những gì tan vỡ. Chính Tình yêu Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu Kitô tử nạn. Và chính Đức Giêsu Phục sinh đã mang lại niềm hy vọng chiến thắng trên mọi khổ đau, chết chóc, thất vọng của con người. Nên khi, mừng Chúa Phục sinh, một lần nữa tôi cầu xin Tình yêu của Ngài tác động và dẫn lối con người trong mọi quan hệ hàng ngày, từ vợ chồng con cái đến bạn bè thân nghĩa, từ gia đình làng xóm đến cộng đoàn xứ đạo. Để rồi như ánh lửa được đốt lên và chuyền thắp đến mọi ngọn nến trong đêm vọng Phục sinh thế nào, người tin vào Chúa Kitô cũng sẽ là ánh sáng do tình yêu Thiên Chúa đốt cháy và thắp lên nơi tâm hồn mọi người như vậy. Nguồn : www.40giayloichua.net SỰ NHẦM LẪN Lm.Jos Tạ Duy Tuyền Người ta kể rằng: ở một cửa hàng bán hoa vừa xảy ra một sự nhầm lẫn thật ngộ nghĩnh. Ngày hôm đó, người bán hoa làm hai lẵng hoa cho hai khách hàng khác nhau. Một là để chúc mừng ngân hàng mới mở thêm một chi nhánh mới, và một là để chia buồn cho một đám tang. Thế nhưng, hai tấm thiệp đính kèm hai bó hoa bị đặt lộn, thành ra lẵng hoa gửi cho đám tang lại nhận được lời chúc: “chúc mừng khai trương cơ sở mới”. Ngược lại, thiệp trao cho ngân hàng lại ghi hàng chữ: “Thành thật chia buồn”. Xem ra sự nhầm lẫn này tuy không hợp tình nhưng lại hợp lý. Vì đời là bể khổ. Ra khỏi cuộc đời là thoát khỏi khổ luỵ trần gian. Chết là lìa bỏ chỗ ở dưới đất mà lên trời. Chết là bỏ trần gian với bao bon chen vật lộn để về quê trời vĩnh cữu không còn khổ luỵ của tham sân si phàm trần. Chết là về nhà cha trong niềm vui của đứa con xa nhà nay được hồi hương trở về. Như vậy, chết là vui mừng chứ không còn là thương tiếc. Ai lại thương tiếc khi một đứa con xa nhà nay trở về? Ai lại buồn khi được đoàn tụ bên Cha trên trời? Truyền thống văn hoá Việt Nam vẫn tin rằng: chết là sự trở về, là quy tiên, là trờ về nơi mình đã xuất phát ra đi. Ngày xưa tại các nghĩa trang miền quê, người ta thường chôn người chết dưới lòng đất và vun phần trên thành hình một người phụ nữ mang thai. Điều này ngụ ý về một cuộc trở về với lòng đất mẹ. Chính nơi lòng mẹ, ta đã sinh ra. Đó là nơi kín đáo nhất, ấm cúng nhất. Khi chết là trở về nơi lòng đất mẹ cũng là nơi kín đáo và ấm cúng. Như thế, nấm mồ không phải là dấu chỉ về một con người đã chết dưới lòng đất lạnh mà là dấu chỉ cho cuộc trở về nguồn cội đích thực của mình, về nơi mà mình đã xuất phát ra đi. Hôm nay, các người phụ nữ đến bên nấm mồ của Chúa. Họ đã kinh ngạc và hãi hùng. Vì tảng đá che cửa mộ đã bị bật tung ra ngoài. Họ vào trong nhưng không thấy gì. Họ tưởng rằng xác Chúa đã bị ai đó lấy đi. Họ tìm kiếm nhưng vô vọng. Họ thấy một người mặc áo trắng, tưởng là người làm công nên mới hỏi: “ai đã lấy xác Chúa tôi rồi?”. Nhưng các bà lại nghe một lời mà chưa bao giờ được nghe: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người đã trỗi dạy và ra khỏi mồ”. Nấm mồ này và khăn liệm này đã không còn dùng để phủ kín một đời người nữa! Nó không có ích cho người còn sống, có chăng là dấu chỉ cho sự thật hiển nhiên là Chúa đã sống lại từ trong cõi chết. Người không còn ở đây. Người đã ra khỏi mồ. Hãy đi báo tin cho các môn đệ và Người sẽ gặp các ông tại Ga-li-lê-a. Vâng, Chúa đã phục sinh. Nấm mồ của sự chết đã bị bật tung. Sự lặng vắng cô quạnh của đêm tối sự chết đã bị đẩy lùi bằng ánh sáng phục sinh huy hoàng. Con người sinh ra không phải để chờ chết như bao người lầm tưởng. Sinh ra – lớn lên – gia nua – rồi chết. Thế là hết một cuộc đời. Sứ điệp phục sinh cho chúng ta hiểu rằng: con người sinh ra là bước vào một cuộc hành trình tiền về nhà cha. Nơi mà ngày xưa Adam – Eva đã từ đó ra đi, nay nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa khai mở cho chúng ta con đường trờ về Nhà Cha. Chúa Phục sinh. Cửa trời rộng mở. Con người có thể hành hương về trời. Về với hạnh phúc bất diệt, là nơi “không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa”. Nơi đó, không còn đêm tối, không còn những cuộc chia ly từ biệt, cũng không còn nước mắt nhớ thương. Hôm nay Chúa đã phục sinh. Lòng chúng ta hãy trào dâng niềm hân hoan vì Chúa đã về nhà Cha. Ngài đã hứa thiên đàng cho người trộm lành. Ngài cũng hứa thiên đàng cho những ai tin theo Ngài: “Ta đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Đó chính là nền tảng niềm tin của chúng ta. Chúng ta tin vào Đấng hằng sống để chúng ta được sống muôn đời. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người của ân sủng. Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh từ cõi chết nâng đỡ chúng ta trên đường thánh giá hôm nay, để ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc quê trời. Amen.
Nguồn : www.40giayloichua.net
PHỤC SINH – THỰC HAY ẢO ? JM. Lam Thy ĐVD. Đã có không ít người đối nghịch với Ki-tô Giáo cho rằng biến cố Phục Sinh chỉ là một chuyện ảo, một câu chuyện giả tưởng. Họ cho rằng Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ một gia đình ở giai cấp lao động nghèo khó, chẳng qua cũng chỉ là một con người bình thường như mọi người. Nếu có gì nổi trội, khác người chăng nữa, thì cũng chỉ ở điểm Đức Giê-su là một người tài giỏi hơn người – tài giỏi và có tinh thần đấu tranh giai cấp (!!?) – luôn đứng về phía giai cấp bị bóc lột, là những kẻ nghèo hèn thấp cổ bé miệng. Đặt giả thử nếu Người sống ở thế kỷ XX, XXI này, thì có thể được phong là anh hùng, vĩ nhân của thời đại. Cũng có người coi Đức Ki-tô là một nhà hiền triết (nhưng vẫn mở một dấu ngoặc là Người không hề để lại một cuốn sách trước tác nào, thậm chí đến một lá thư ngắn gọn cũng không có !). Chưa hết, để minh hoạ cho quan điểm ấy, có người còn thực hiện một cuốn phim mang tựa đề “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giê-su” (theo Lm Gia-cô-bê Phạm Văn Phượng OP. trong “Chia sẻ TM năm C”, tr. 95, thì đó là đạo diễn Mỹ Mac-tin Co-sê, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Ni-kot Ka-gian-da-kit). Cuốn phim mô tả Đức Giê-su khi hấp hối trên thập giá, còn bị cám dỗ bởi cuộc tình với Mai Đệ Liên (Madeleine), đã muốn bỏ cuộc, xuống khỏi thập giá trở về với người tình (!!!). Cuốn phim ấy được hưởng ứng thì ít mà bị phản ứng gay gắt thì nhiều, vì nó đã hoàn toàn bóp méo sự thật và nó cũng đã bị đào thải theo đúng quy luật tự nhiên của tâm lý và thời gian (cái gì gây ấn tượng tốt đẹp sẽ tồn đọng mãi trong lòng khán giả, còn ngược lại, sẽ bị đào thải ngay). Ở đây, nhắc lại chuyện này chỉ là để minh hoạ cho lập luận “những quan điểm lệch lạc chống đối lại Ki-tô Giáo”. Xin thử đặt mình vào thời điểm cách đây 20 thế kỷ, với một nhãn quan của một trong những người-còn-hoài-nghi, để nhìn vào hiện tượng “Giê-su Na-da-ret” qua biến cố Phục Sinh. Trước hết, ngay ở chính quê hương Na-da-ret, chàng thanh niên Giê-su là con ông thợ mộc Giu-se và bà Maria nội trợ, cũng không có tiếng tăm gì, chẳng mấy ai biết đến, thậm chí sau một thời gian dài đi xa trở về, chẳng được ai đón tiếp, đến nỗi phải thốt lên : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" (Mt 13, 57), rồi còn nói : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8, 20). Những lời phát biểu của chàng, nếu không là những câu chuyện dụ ngôn khó hiểu, thì cũng chỉ là những lời tréo cẳng ngỗng, nếu không muốn nói là nghịch lý, nghịch thường. Chẳng hạn như : “Hãy để người chết chôn người chết” (Lc 9, 60); “Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 27) ; "Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.”. (Mt 10, 34-35) ; “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5, 44) ; ”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39). Đó là chưa kể – nói theo đám Pha-ri-sêu, kinh sư – Người còn nói “phạm thượng” nữa (Lc 5, 21), dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Lc 22, 70; Ga 13, 34), rồi còn tự coi mình vừa là con lại vừa là Chúa của vua Đa-vit (Lc 20, 41-44 ). Chưa hết, về giao du, sinh hoạt, Người chỉ chuyên “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi” (Mt 9, 10-11). Nếu không được ở liền bên Đức Giê-su hàng ngày, mà chỉ được nghe thuật lại những lời nói và hành động như nêu trên, chắc chắn sẽ cho Người chỉ là một chàng trai tự phụ đại ngôn vậy thôi. Đám kinh sư và Pha-ri-sêu chống đối Người cũng là vì thế. Ngay cả đến những người ở liền bên như các môn đệ của Đức Giê-su, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, ngày ngày được nghe lời dạy bảo, được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ, mà vẫn còn bán tín bán nghi (khi thì coi Thầy mình đúng là Con Thiên Chúa, khi thì lại coi đó là ma). Theo Thầy ròng rã 3 năm liền mà đến giờ phút quyết định, thì bỏ mặc Thầy mướt mồ hôi máu khi cầu nguyện trên núi Cây Dầu, còn mình thì thản nhiên ngủ khì (Mt 26, 36-45). Đến khi Thầy bị bắt giải đi thì chẳng thấy ai đi theo, ngoài một Phê-rô lảng vảng bên ngoài nhà Cai-pha, để rồi thì chối phăng Thầy 3 lần liền trong một đêm chỉ vì một đứa tớ gái vặn hỏi. Trên đường lên Núi Sọ, cũng chẳng thấy môn đệ nào đi gần bên (để được như Si-mon – một dân quê xa lạ – vác đỡ thập giá, hoặc như một Vê-rô-ni-ca trao khăn cho Người lau mặt đầy máu), nếu có đi theo cũng chỉ ở xa xa hoặc lẫn trong đám người hiếu kỳ. Cho đến khi Đức Giê-su chết trên thập giá và được mai táng, thì hầu như chẳng còn một ai tin rằng Thầy mình sẽ sống lại. Ngay đến sáng ngày thứ ba, các phụ nữ – sau khi được chứng kiến Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra – đến báo tin cho các môn đệ (trong đó có Phê-rô) mà các ngài vẫn còn chưa tin hẳn và một lần nữa lại tưởng Người là ma ! (“Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin… Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! " Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” – Lc 24, 11…37). Thậm chí cho đến lúc trắng đen rõ ràng rồi, vậy mà vẫn còn một Tô-ma "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25). Thế đấy ! Đặt giả thử các Tông đồ đang lúc còn phân vân nửa tin nửa ngờ như vậy, mà lại phải đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, thì liệu có còn ai nghe và tin theo không ? Bản thân người rao giảng còn bán tín bán nghi thì người nghe làm sao tin cho nổi. Người ta chỉ tin khi có thực tế chứng minh, được thực mục sở thị (trông thấy nhãn tiền), hoặc ít ra thì những người rao giảng cũng chứng minh được sự thực bằng chính niềm tin của mình. Không ai tin nổi thì biến cố Phục Sinh chỉ là một biến cố ảo, một câu chuyện giả tưởng, hoang đường. Và nếu quả thực như thế, thì những nhà “hoài nghi học” cũng chẳng cần phải mất công chĩa mũi dùi hoài nghi vào làm chi. Tại sao ư ? Tại vì 12 vị Tông đồ bán tín bán nghi (kể cả con số 72 môn đệ của Đức Ki-tô, nói chung) nay không còn một ai, mà chẳng có ai tin thì đào đâu ra đối tượng cho các nhà hoài nghi đặt vấn đề ? Nói khác hơn là khi không có ai tin theo thì làm sao có Giáo Hội Ki-tô Giáo để cho mấy ổng chĩa mũi dùi vào khích bác ? Thực tế thì sao ? Thực tế thì Giáo Hội Ki-tô Giáo vẫn tồn tại với con số tín hữu ngày nay so với thời kỳ tiên khởi lại nhiều gấp trăm triệu lần. Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này. Vâng, và xin mời “những người còn hoài nghi” cùng theo chân các vị Tông đồ tiên khởi “bán tín bán nghi” (lúc thi cho rằng Thầy mình đã chết thật rồi và chết là tiêu vong, là chấm hết ; nhưng có lúc lại tin vào những lời Thầy dạy dỗ lúc sinh thời và hy vọng Thầy minh đã sống lại thật). Quả thực, sau khi Thầy chết treo trên thập giá thì các Tông đồ như gà mất mẹ, nhưng vì vẫn còn bám víu vào lời trối trăng duy nhất của Thầy là trao các môn đệ cho Đức Mẹ, nên thay vì thất vọng hoàn toàn rồi tản mác khắp nơi mỗi người một ngả (như kiểu 2 môn đệ trên đường Em-mau), thì các ngài lại theo chân Mẹ cùng nhau tụ họp lại một chỗ và cầu nguyện (Cv 1, 12-14). Sau đó thì sao ? Sau đó thì… lạ lắm ! Cũng những ông Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê…, mà trước đây có được gặp và chào hỏi trò chuyện, thì phải có cùng thứ ngôn ngữ, cùng sắc tộc, dân tộc với các ngài, hoạ chăng mới nghe hiểu được những lời nói của các ngài; nhưng bây giờ thì lạ lùng quá, chỉ cần một vị Tông đồ (một mình ông Phê-rô, chẳng hạn) đứng rao giảng cho cả một đám đông thuộc nhiều dân tộc, mang nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều nghe hiểu được người rao giảng đang nói thứ tiếng nói bản địa của mỗi người. Còn một điều quá sức lạ lùng, ngoài sức tưởng tượng của con người, là câu chuyện Sao-lô. Trước đó, rõ ràng Sao-lô là một người chuyên đi lùng giết những người theo Giê-su một cách rất nhiệt tình, năng nổ. Nhưng bây giờ lại đổi tên thành Phao-lô và trở nên một người rất nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh, nhiệt thành đến độ sẵn sàng đem cả tính mệnh mình ra để làm chứng cho lời rao giảng của mình, làm nhân chứng sống động cho Đức Ki-tô Phục Sinh. Sở dĩ vẫn còn những người hoài nghi, cho rằng biến cố Phục Sinh chỉ là chuyện ảo, chuyện giả tưởng, bởi họ không có được một biến cố Đa-mát như thánh Phao-lô. Chính nhờ biến cố Đa-mát, thánh nhân được Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh hiện ra và biến đổi toàn diện con người của ngài. Nói về biến cố Đa-mát là nói đến chuyện quá to tát, không phải ai cũng như nhân vật Sao-lô để có được một biền cố vượt quá sức tưởng tượng của con người như thế. Nhưng nếu nhìn vào các Tông đồ chỉ mới ngày hôm qua là những kẻ bán tín bán nghi, nhát sợ, buồn rầu, thất vọng, thì hôm nay đã trở nên những con người tin tưởng mãnh liệt vào Đức Ki-tô Phục Sinh, có dư đầy dũng lực và kiên cường để làm chứng nhân sống động cho Tin Mừng Cứu Độ mà mình đang rao giảng. Điểm đặc biệt hơn là các ngài vẫn nói thứ tiếng bản địa của các ngài (xứ Ga-li-lê), nhưng người nghe lại hiểu theo ngôn ngữ bản địa riêng của họ (Cv 2, 5-11). Và đặc biệt nhất là các ngài làm được những phép lạ mà trước đây chỉ có duy nhất Người Thầy của các ngài làm được.
Tất cả những điểm đặc biệt – không, phải nói là các ân sủng đặc biệt (đặc sủng) ấy – mà các ngài có được là do đâu ? Phải chăng đó chính là do “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1, 14), và nhờ vậy mà vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-11), ứng nghiệm Lời Đức Ki-tô dạy từ trước khi bước vào cuộc khổ nạn (”Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” – Ga 14, 26 ; “vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói." – Lc 12, 12), nên các Tông đồ được biến đổi toàn diện như vậy, khiến những điều các ngài rao giảng (Tin Mừng Phục Sinh, dĩ nhiên) được thính giả nghe, đón nhận và tin theo một cách nồng nhiệt (”Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa” – Cv 4, 31). Thì ra là thế, vấn đề đã hoàn toàn được khai thông, sáng tỏ. Rõ ràng các Tông đồ có được sự biến đổi kỳ diệu như vậy chính là nhờ cầu nguyện. Vậy thì tôi – chúng tôi – những môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô ở thế kỷ XXI này, đừng vội cho mình là những người có đầy đủ tài năng làm cho người khác tin theo, cũng đừng vội tự ti mặc cảm cho rằng mình chẳng có tài cán gì trong lãnh vực loan báo Tin Mừng. Mà cần phải biết cách làm như các Tông đồ thủa xưa, ấy là cầu nguyện, bởi “Cầu nguyện đối với một tôn giáo cũng ví như hơi thở đối với một cơ thể sống. Một cơ thể không có hơi thở là một cơ thể chết, cũng vậy, một tôn giáo không có cầu nguyện là một tôn giáo chết”. Đối với Công Giáo thì “cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên cùng Thiên Chúa” (“Giáo lý Hội Thánh Công Giáo”, số 2590). Nói cách khác, cần phải biết đổi mới phương thức thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình bằng cầu nguyện. Chẳng phải nói đâu xa, mà gần, thật gần, ngay bên chúng ta lúc này – ở thế kỷ XXI – có một tấm gương chói lọi, đó là Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Mẹ không chỉ được Giáo Hội Công Giáo, mà còn cả thế giới tôn phong là một vị thánh sống với công việc tông đồ kiệt xuất của Mẹ. Vậy mà Mẹ chỉ có một bí quyết để thành công, đó là “bí quyết cầu nguyện”, như lời xác nhận của Mẹ lúc còn sinh thời. Duy chỉ có điều, đối với chúng ta, là chúng ta có tin vào hiệu lực của cầu nguyện như Mẹ hay không, mà thôi. Vâng, chỉ có một câu hỏi mà Người Thầy Chí Thánh sẽ hỏi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện : “Anh em xin gì ?”, chúng ta hãy mở hết tấm lòng, hết trí khôn ra và khẩn thiết thưa : “Thưa, chúng con xin ĐỨC TIN”.
Đó là điều tiên quyết, đừng hoài nghi nữa, đừng bán tín bán nghi nữa, nhất là đừng ỷ tài cậy sức của mình, mà hãy dốc lòng tin và cầu nguyện, nhiên hậu chúng ta sẽ được toại nguyện, bởi "Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được" (Mt 21, 22), và “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7). Xin hiệp thông cùng cầu nguyện với thánh ca ngày Chúa Nhật Phục Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét