Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật III - Phục Sinh (18/04/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net CON CÓ YÊU MẾN THẤY KHÔNG? Lm Giuse Nguyễn Hữu An Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Có thể chia đời ngài ra làm hai. Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy. Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Rôma. Cuộc đời phần một: Phêrô đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14, 66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất. Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin (Mt 14, 31) Lần thứ hai: Ngu tối (Mt 15, 16) Lần thứ ba: Satan (Mc 8, 33) Chúa chỉ khen có một lần khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa “Này anh Simon, con ông Gioana, anh có phúc vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy” (Mt 16,16-17). Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn. Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông đã oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn luôn có một tâm hồn chân thành. Phần hai cuộc đời Thánh Phêrô: là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca bắt đầu từ trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay. Câu chuyện kể về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria. Chúa Phục Sinh đã đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây. Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ và ban tặng mẻ cá lạ lùng. Sau mẻ cá, Đấng Phục sinh đã hỏi Ông: Phêrô, con có yêu mến Thầy không? Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa hỏi ba lần. Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Rồi Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết, lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào. Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được”. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha. Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát." (1Pr5,2-4). Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng. Cũng như tất cả là ân sủng đối với Thánh Phaolô. Khi được tha thứ và yêu thương, ngài đã hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô, sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor11,23-27). Phaolô viết từ ngục thất cho Timôthê "anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì “tôi biết tôi đã tin vào ai ...(2Tim1,8-12). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt "chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4,8-9) Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gal 2, 20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô, mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo? ... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta " (Rm 8, 35-39). Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô hay Thánh Phaolô đều là tình yêu cứu độ. Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ông được Chúa yêu thương, được Chúa chọn lựa một cách đặc biệt. Tại sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài lãnh đạo, có tài hoạch định? Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô về tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa. Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không”, sau ba lần Phêrô xác định lòng yêu mến, Chúa trao Giáo hội cho ngài. Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó. Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại dột! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngốc nghếch! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ khạo ! Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác. Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm hạnh phúc, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc. Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực. Yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày. Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hoá con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài. Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân. Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu. Chúa hỏi Phêrô: con có yêu mến Thầy không? Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: con có yêu mến Thầy không? PHÁ TUNG KHOẢNG CÁCH Lm. Đỗ Vân Lực, op. (Ga 21:1-19) Một buổi sáng đẹp trời, giữa cảnh mây nước trên biển hồ Tibêria, từ trên bờ, Ðức Giêsu quan sát rất kỹ các môn đệ đang mệt mỏi chèo thuyền về phía mình. Họ vào gần đến nỗi có thể trao đổi với Thày và nghe lệnh Thày thả lưới xuống bên phải mạn thuyền để bắt cá. Khoảng cách càng thu ngắn, các môn đệ càng nhận rõ Thày. Tới lúc lên bờ, khoảng cách không còn nữa. Thày trò có thể quây quần quanh bếp hồng. Chúa thích ăn cá mới bắt và tự tay nướng cho các môn đệ. Ấm cúng và thân mật làm sao ! Chắc chắn Chúa Giêsu và các môn đệ có thể kể hết cho nhau niềm vui Phục Sinh.Khoảng cách càng thu ngắn, con người càng gần gũi nhau. Bình thường, cuộc sống cần phải có những khoảng cách giữa người lãnh đạo và quần chúng, giữa nhà giáo dục và học sinh, giữa cha mẹ và con cái. Khoảng cách quá xa hoặc quá gần cũng đều gây phương hại cho công cuộc chung. Giữa thày trò Ðức Giêsu có một khoảng cách nào không ? Nếu có, Chúa cũng phá vỡ khoảng cách đó. Tại sao ? Liệu Chúa có thành công khi không tôn trọng khoảng cách tự nhiên không ? Phá vỡ khoảng cách có gây nguy hiểm cho cộng đồng không ? Nếu không còn khoảng cách quyền bính trong cả hai lãnh vực cai trị và giáo dục, con người có thể đạt mục đích không ? Trong Tin Mừng hôm nay, việc phi thường nhất không phải là mẻ cá lạ lùng, nhưng là việc Chúa phá vỡ và phối hiệp một cách tài tình khoảng cách giữa các thực tại. Việc phá vỡ đó rất cần thiết để Chúa trình bày một bài học rất ý nghĩa cho mọi người. Những cảnh trái ngược đã thu ngắn hay phá vỡ khoảng cách bình thường. Thứ nhất, theo Tin Mừng Gioan, ngay sau khi phục sinh, Ðức Giêsu đã về trời. Vậy mà, Ðức Giêsu vẫn xuất hiện để ăn uống với các môn đệ ở bờ hồ Tibêria. Như thế, không còn khoảng cách giữa thiên giới và trần giới nữa. Thứ hai, ngay trong cảnh trao quyền cho ông Phêrô, Chúa Giêsu đã kết hiệp quyền bính và tình yêu. Ðúng hơn, quyền bính được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Bình thường quyền bính và tình yêu trái ngược hay xung khắc nhau, như hai lãnh vực công và tư vậy. Thứ ba, Hội Thánh lại được đặt dưới quyền lãnh đạo của một tội nhân đã từng phản bội Chúa. Tại sao tội nhân lại được tuyển dụng để làm một việc thánh trong một Hội thánh như thế ?! Chúng ta cố gắng cầu xin Chúa soi sáng để có thể rút tỉa những điều cần thiết từ ba bài học đó. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu xuất hiện với các môn đệ và chia sẻ tận tình với cuộc sống của họ. Không những Người can thiệp vào kế sinh nhai, nhưng còn có thể chia sẻ tận tình với những hoa quả của cuộc sống với họ. Người mạc khải cho chúng ta thấy có một sợi chỉ xuyên suốt từ cuộc sống trần giới sang thiên giới. Tuy có khác biệt, nhưng vẫn có điểm chung, đến nỗi Ðức Giêsu có thể ăn uống với các môn đệ. Bữa ăn thân tình giữa thày trò đã để lại trong lòng môn đệ một niềm tin sâu xa về sự hiện diện thân mật và cần thiết của Ðức Giêsu trong cuộc sống. Ðiểm nối giữa hai cuộc sống thiên giới và trần giới, đó chính là Thánh Thể. Bởi đấy, kết thúc trình thuật về mẻ cá lạ lùng là hành vi giống hệt như Chúa đã làm trong bữa Tiệc Ly. Bài học thứ hai rút từ việc Chúa trao quyền cho ông Phêrô. Chưa thấy ai trước khi trao quyền cho người khác lại đặt những câu hỏi như Chúa. Cách đặt vấn đề cho thấy tình yêu rất quan trọng, vì là nền tảng và động lực của quyền bính. Thực vậy, quyền bính trong Giáo hội chỉ là phương tiện để phục vụ : “Kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” (Lc 22:26) Hơn nữa, Chúa còn nói : “Ai phục vụ Thày, hãy theo Thày.” (Ga 12: 26) Hơn ai hết, những người lãnh đạo trong Giáo hội phải theo sát gót Thày Chí Thánh. Nhưng làm sao phục vụ, nếu không khiêm tốn ? Khiêm tốn chỉ phát xuất từ tình yêu đích thực. Bài học thứ ba mới thật đắt giá. Một người phản bội như ông Phêrô lại được Chúa ủy thác một trọng trách quá lớn. Ông có tài cán gì ? Ông đã chối Chúa ba lần. Một vết đen quá lớn trong cuộc đời ! Làm sao tẩy xóa được ? Ông cũng không can đảm đến gần cây thánh giá như ông Gioan. Phải chăng Chúa quá liều lĩnh khi chọn ông làm giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội ? Thực ra, trước khi trao trọng trách cho ông, Chúa đã đặt vấn đề tình yêu với ông ba lần. Ba lần chứng tỏ tình yêu đối với Thày bù lại ba lần chối Chúa. Ðó là một xác quyết sau khi cân đo cẩn thận, chứ không nông nổi như trước khi Chúa chịu chết. Còn hơn một xác quyết, tình yêu như ngọn lửa bùng lên trong đêm trường. Phản bội tựa như rơm rác, làm sao có thể tồn tại trong ngọn lửa hồng ngùn ngụt đó ? Theo một số nhà chú giải, thánh Gioan đã xử dụng những ngôn từ Hy lạp khác nhau để chỉ về tình yêu (trong hai câu hỏi đầu của Chúa, ông dùng agapan; câu hỏi cuối cùng và trong tất cả các câu trả lời của ông Phêrô, ông dùng từ philein). Ông muốn cho thấy một chuyển biến từ tình cảm sang tình bạn sâu đậm hơn. Việc ông dùng hai lần trong câu hỏi và câu trả lời cuối cùng nhắc lại việc Chúa coi các môn đệ là “bạn hữu” khi họ thi hành điều Thày truyền. Nếu Giáo hội phát xuất và đặt nền tảng trên tình yêu, làm sao ông Phêrô và các đấng kế vị có thể khác được ? Tình yêu trước hết đòi phải gần gũi, lắng nghe, và quan tâm chăm sóc. Nếu quá nhấn mạnh tới quyền lực, người ta dễ bỏ quên yếu tính của nó là tình yêu. Quyền lực hay quyền bính dễ làm cho con người xa nhau. Trái lại, tình yêu đưa con người lại gần. Khi đánh mất bản chất tình yêu, quyền bính không còn khả năng phục vụ con người nữa. Làm sao ông Phêrô có thể xác quyết về tình yêu của ông đối với Chúa tới ba lần, nếu ông không tin vào Chúa ? Bởi vậy lời xác quyết về tình yêu cũng là lời tuyên xưng đức tin. Chính trong đức tin này, Thiên Chúa sẽ hành động. Như thế đủ thấy Giáo hội là một công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Nếu đó là công trình của Thiên Chúa, các môn đệ có thể nào hành động như không có Chúa không ? Có thể nào nhát sợ trước sức mạnh bạo quyền ? Có thể nào không nhạy cảm trước cảnh con người bị đàn áp không ? Chẳng lẽ Giáo hội trở thành một cơ chế cứng ngắc không phản ứng kịp trước những biến cố ?
ÐGH Gioan Phaolô II đã từng thẳng thắn tuyên bố : “Đừng hiểu chính trị theo nghĩa hẹp! Giáo Hội có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng, mà trong Tin Mừng có con người, tức là có nhân quyền, nhân phẩm, tự do và lương tâm cùng tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tất cả những cái đó có một giá trị chính trị thì tôi làm chính trị, vì tôi bênh vực con người.”
Nhưng trên hết là tiếng nói của vị Giáo Hoàng tiên khởi. Ðứng trước quyền lực Do thái đã từng đổ máu Thày mình và bây giờ muốn bịt miệng các Tông Ðồ, ông Phêrô khẳng khái tuyên bố : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” (Cv 5:29) Phêrô sau khi Chúa Phục sinh không còn là Phêrô lúc Chúa chịu chết nữa. Thánh Linh đã giết chết con người nhát sợ nơi ông. Ba lần đáp trả tình yêu có giá trị gấp bao nhiều lần chối Chúa ? Chúa đã không sai lầm khi chọn ông. Ông đã đánh đổi cả mạng sống để chứng tỏ tất cả tình yêu đối với Thày và Giáo hội. Ông xứng đáng với niềm tin tưởng của Chúa ! Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm tốn và can đảm ! Xin giúp chúng con biết thâu ngắn hay phá vỡ những khoảng cách làm chúng con không thể gần nhau. Chỉ khi nào gần nhau, chúng con mới có thể phục vụ Chúa và nhân loại một cách hữu hiệu. Xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự, nhất là cái tôi hèn nhát của chúng con mà theo Chúa. Amen. Ba Phút Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét