Một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn đứng trước các nguy cơ tiềm ẩn, nó cho thấy sự phục hồi này còn khá mong manh…
Những con số thống kê mới đây về thị trường Mỹ đã cho thấy những dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế nước này: hoạt động sản xuất công nghiệp được mở rộng, chỉ số tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế tăng.
Năng suất lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 2,2%, trong quý I/2010, một mức tăng ngoài dự kiến của giới quan sát. Một thông tin đáng chú ý nữa là thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 3 đã giảm nhiều hơn dự báo, từ mức 61,7 tỷ USD trong tháng 2 xuống còn 58,2 tỷ USD, nhờ nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu tăng mạnh do đồng USD yếu.
Kinh tế Mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng không đến giá trị của đồng tiền giao thương quốc tế phổ biến nhất thế giới – USD
Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng của tháng 3 vừa qua vẫn ở mức tương đối thấp, trong bối cảnh thị trường việc làm của Mỹ tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự ổn định. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn đứng trước các nguy cơ tiềm ẩn, nó cho thấy sự phục hồi này còn khá mong manh.
Thứ nhất, nợ công của Mỹ đe dọa sẽ tái diễn cuộc khủng hoảng
Nền kinh tế Mỹ lại có nhiều dấu hiệu tiếp tục sa vào khủng hoảng khi tỷ lệ nợ đã lên đến mức nguy hiểm, phải dành lần lượt tới 7% và 11% thu nhập từ thuế để trả nợ năm 2010 và 2011.
Thâm hụt ngân sách đã lên tới mức kỷ lục 10% GDP kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Sean Brodrick và nhiều nhà kinh tế khác của Mỹ nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ, cuộc sống và lối sống của người Mỹ hiện nay tồn tại được đều nhờ nợ.
Nợ công hiện nay của Mỹ đã lên tới 12,3 ngàn tỷ USD chưa tính nợ tiêu dùng và nợ công ty thêm hàng ngàn tỷ USD nữa. Nước Mỹ có 307 triệu người, mỗi người kể cả trẻ em Mỹ phải gánh số nợ trung bình 40.000 USD. Nợ công tiếp tục tăng với tốc độ 3,5 tỷ USD/ngày.
Để giảm khoản nợ này, Chính phủ Mỹ buộc phải lựa chọn giảm chi tiêu đến tận cùng kèm theo tăng thuế hoặc phải phá giá đồng USD. Trong khi đó tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua làm cho hàng loạt các ngân hàng tiếp tục bị phá sản. Việc làm cho người lao động chưa được cải thiện đáng kể. Tranh chấp thương mại với Trung Quốc và một số nước khác tăng nhanh.
Thứ hai, Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách bang, khó có khả năng chi trả
Cuộc khảo sát của Pew Center cho thấy các bang của Mỹ đã đối mặt với mức thâm hụt trị giá ít nhất 1 nghìn tỷ USD trong quỹ hưu bổng trả cho nhân viên sau khi họ về hưu.
Thậm chí những vấn đề tài chính này tại các bang có thể sẽ còn tăng nhanh hơn do các bang vẫn chưa thể cứu vãn được mức thâm hụt ngân sách. Các bang của Mỹ đang phải chật vật đối phó với thâm hụt ngân sách bang tổng cộng lên tới 180 tỷ USD trong tài khóa tới trong đó 10 bang đứng trước nguy cơ phá sản mà nổi bật là bang California có nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và bang Iinois với thâm hụt ngân sách 13 tỷ USD, vượt quá 50% ngân sách hoạt động.
Con số các bang có khả năng đáp ứng được quỹ hưu bổng của mình cũng sụt giảm nhanh chóng. Năm tài khóa 2000, có một nửa trong số 50 bang của Mỹ có khả năng chi trả hoàn toàn cho hệ thống hưu bổng của mình nhưng trong năm tài khóa 2008, con số này chỉ là 4, đó là các bang Florida, New York, Washington và Wisconsin.
Hiện nay, các bang đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình. Khảo sát của Pew Center cho thấy chỉ có 5% trong tổng số nghĩa vụ nợ trị giá 587 tỷ USD đã được đóng góp. Trong đó, Alaska và Arizona là 2 bang duy nhất có hơn 50% số tài sản cần thiết để chi trả cho các lợi ích trong kỳ hưu của nhân viên. Như vậy, toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ bị siết bởi một cái vòng luẩn quẩn, khó dứt. Đó là kinh tế giảm sút, thất nghiệp tăng cao, nguồn thu từ thuế sẽ bị cắt giảm. Nhưng nhu cầu chi cho phúc lợi xã hội như bảo hiểm, y tế lại gia tăng.
Thứ ba, năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế Mỹ còn thiếu hụt
Mạng điện quốc gia Mỹ có thể sập bất cứ lúc nào mà không được cảnh báo trước. Trong thời gian khủng hoảng kinh tế mới đây, ngành điện Mỹ đã giảm tới 50% chi phí bảo dưỡng khiến nguy cơ mất điện có thể thường xuyên hơn với thời gian dài hơn.
Mạng điện quốc gia Mỹ hơn 100 năm tuổi dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ tấn công qua mạng từ các tổ chức khủng bố hoặc từ các nước thù địch thông qua các thiết bị mạch điện từ (EMP).
Các chuyên gia an ninh Mỹ cảnh báo gián điệp mạng đã thâm nhập mạng điện quốc gia Mỹ và để lại các chương trình phần mềm có thể làm gián đoạn mạng trong thời gian dài.
Mạng điện quốc gia Mỹ còn bị đe dọa do các cơn bão từ khổng lồ từ Mặt Trời đôi khi bắn vào khí quyển Trái Đất tới 1 tỷ tấn hạt plasma. Hiện tượng này đã xảy ra vào năm 1859 và 1959, phá hoại 300 trạm biến thế chủ chốt ở Mỹ chỉ trong 90 giây, làm hơn 130triệu người không có điện.
Trong khi đó, kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục thì giá dầu lại tăng cao. Nguy cơ khủng hoảng dầu tiềm tàng sẽ đẩy Mỹ, nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, chìm sâu hơn vào suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hiện nay cũng sẽ tác động tới ngành xuất khẩu Mỹ và hệ thống tài chính quốc tế, từ đó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể thúc đẩy nguồn vốn chảy từ đồng EUR sang đồng USD, khiến cho đồng USD tăng giá, từ đó làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Mỹ.
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp cũng sẽ làm giới đầu tư mất niềm tin đối với công phiếu của Hy Lạp và của nhiều quốc gia khác, trong đó có cả của Mỹ. Thực tế là cả Trung Quốc và Nhật Bản, hai nước mua nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất, đã giảm trạng thái nợ chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ trong tháng 1-2010 xuống và xu hướng giảm mua trái phiếu này vẫn đang tiếp tục.
Rõ ràng, những thách thức đó không phải chuyện xa vời mà nó đang hiện hữu ngay trong lòng nước Mỹ. Khó khăn về kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với chính quyền Obama hiện nay. Nếu ông chủ Nhà Trắng lèo lái con thuyền kinh tế Mỹ vượt qua sóng dữ thì ông mới có thể hy vọng tỷ lệ dân chúng ủng hộ ông sẽ tăng lên.
Khi đó, Obama có nhiều thuận lợi hơn để xử lý các vấn đề còn lại và giảm nguy cơ thất bại của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng 11 sắp tới.
Theo Bee.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét