Lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 sẽ ở mức trên 10%. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) trong báo cáo mới nhất kêu gọi Việt Nam nên cân nhắc giữa hai mục tiêu : tăng trưởng và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có nhu cầu kềm chế lạm phát.
Nghe phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Châu Á được công bố vào tuần trước, liên quan đến Việt Nam Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) đánh giá quốc gia này đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng tương đối tốt trong năm 2009 (5,3%). Trong năm nay và 2011 tổng sản phẩm nội địa Việt Nam tiếp tục tăng tuy không mạnh như ở vào thời điểm 2001-2007, tuy nhiên lạm phát tại Việt Nam sẽ gia tăng trở lại vào năm nay. Do vậy ADB khuyến cáo chính sách kinh tế của Việt Nam cần phải cân nhắc giữa hai mục tiêu : « tăng trưởng và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô », trong đó có nhu cầu kềm chế lạm phát.
Toàn cảnh kinh tế Việt Nam
Ngân hàng ADB nêu lên một vài con số như sau : nhờ gia tăng ngân sách nhà nước, mở rộng tín dụng và chính sách tiền tệ GDP của Việt Nam sau khi đã đụng đáy ở nửa đầu năm 2009 đã bắt đầu vươn lên trở lại kể từ quý hai. Tỷ lệ tăng trưởng 5,3% cho toàn năm là ‘thành tích’ thấp nhất kể từ năm 1999. Nhìn đến từng khu vực, hoạt động gia tăng trong hầu hết các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ nhưng tỷ lệ tăng trưởng cũng ở vào loại thấp nhất so với nhiều năm qua.
Về vật giá, sau khi Việt Nam đã đẩy lùi tỷ lệ lạm phát từ 23% trong năm 2008 xuống còn chưa 6,9% vào năm ngoái, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu lo ngại giá cả ở Việt Nam có nguy cơ tăng lên trở lại vào năm nay.
Lý do từ cuối 2008 và cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ (hạ lãi suất từ 14% vào tháng 10/2008 xuống còn 7% vào tháng 2/2009 ; nới rộng biên độ tỷ giá đồng tiền). Bên cạnh đó chính phủ Việt Nam cũng đã bổ sung ngân sách, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất cho giới sản xuất … để đối phó với khủng hoảng.
Cả hai chính sách tiền tệ và chi tiêu công cộng cùng đẩy lạm phát đi lên
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, giá nguyên và nhiên liệu gia tăng trở lại. Giá thành hàng sản xuất tại Việt Nam và để xuất khẩu qua đó cũng tăng theo. Ngân hàng ABD nêu lên khả năng lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay và sang năm giao động ở mức 10%.
Tuy đây là mức còn thấp hơn nhiều so với kỷ lục 23% của năm 2008 nhưng hiện tượng vật giá leo thang với tốc độ hơn 10% một năm sẽ làm giảm đi sức mua của người tiêu dùng, làm giới đầu tư mất tín nhiệm đối với môi trường kinh tế của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam mất bớt khả năng cạnh tranh, và lạm phát cũng là yếu tố làm yếu đi đơn vị tiền tệ của quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn đài RFI tiếng Việt, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng hơn vào việc kềm hãm lạm phát. Theo ông, trong nỗ lực kềm hãm lạm phát, Việt Nam đã có một số biện pháp như là cam kết không gia tăng ngân sách chi tiêu Nhà nước, hạn chế trong việc cấp tín dụng ngân hàng … Tuy nhiên để các biện pháp nói trên mang lại hiệu quả, thì các chỉ thị của trung ương không thể chì đơn thuần là những quyết định có tính bó buộc ở cấp hành chính. Nhưng tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhìn nhận nâng cao hiệu quả đầu tư và tín dụng không phải là một điều dễ làm.
Cải thiện môi trường kinh tế của Việt Nam như Ngân hàng Phát Triển Châu Á đã kết luận trong bản báo cáo được công bố vào tuần trước đòi hỏi chính quyền Việt Nam quyết tâm cải tổ lại cơ cấu của các tập đoàn quốc doanh. Đây là những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều phương tiện sản xuất, các nguồn lực của quốc gia này nhưng hiệu quả thì lại không bao nhiêu.
Theo RFI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét