Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng B (ngày 04/12/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng (B) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Tỉnh Thức Chờ Chúa " của Linh Mục Phêrô Đinh Quang Mạnh Hùng.



TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Tấm gương của Gioan Tiền hô

Thời Cựu Ước, ngôn sứ Ðệ nhị Isaia đã kêu gọi "Hãy don đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong sa mạc". Thánh Gioan Tiền hô là người thực hiện lời kêu gọi này. Ngài cũng là người làm gương cho chúng ta noi theo để thực hiện lời kêu gọi này.

a/ Gioan đã đi vào sa mạc: Trong lịch sử cứu độ, sa mạc luôn là khung cảnh thuận tiện cho ân sủng hoạt động. Ở đó, Thiên Chúa đã giáo dục dân Ngài qua 40 năm của cuộc xuất hành; ở đó, Thiên Chúa đã thanh luyện dân Ngài trước khi cho họ trở lại quê hương sau khi thoát khỏi cảnh lưu đày.

Chính vì thế, Hội Thánh muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.

b/ Gioan đã đi trước Chúa để dọn đường cho Ngài: Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép thanh tẩy. Rồi khi Ðức Giêsu xuất hiện, chính Gioan giới thiệu Ngài cho dân chúng biết.

Ngày nay, Ðức Giêsu vẫn còn cần những người tiền hô, những kẻ dọn đường; Tin Mừng của Ngài vẫn còn cần những người nhiệt tình mang đến giới thiệu cho người khác.

2. "Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng"

Bài Tin Mừng được chọn đọc trong Chúa nhật II mùa vọng này đề cập đến con đường. Thánh Gioan Tiền hô bảo "Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng".

- Con đường là một phương tiện giao thông liên lạc, nối kết hai người ở hai nơi xa cách nhau để hai người, hai nơi đó có thể đến được với nhau. Nếu không có con đường thì không đến được với nhau, hoặc nếu có con đường nhưng đường đó đã hư hỏng thì cũng không đến với nhau được.

- Dĩ nhiên khi nói đến con đường nối kết thì không phải chỉ là con đường vật chất bằng đất, nhựa hay xi măng, không phải chỉ là con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên vòm trời... Mà còn là những con đường tinh thần, những con đường trong lòng người. Con đường tinh thần, con đường trong lòng mới là quan trọng. Ông Nguyễn Bá Học có nói "Ðường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông". Con đường tình yêu cũng thế "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua".

- Bây giờ ta hãy trở lại với Lời rao giảng của thánh Gioan tiền hô. "Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng". Lễ Giáng sinh là dịp Chúa muốn đến với mỗi người chúng ta. Mùa vọng là mùa mỗi người chúng ta chuẩn bị để có thể đến gặp Chúa. Như vậy là cần phải có một con đường. Chúa là Chúa, ta là người phàm, tự nhiên là xa cách nhau, cần phải có một con đường để Chúa có thể qua đó mà đến với ta và ta qua đó mà đến với Chúa. Lời của Gioan Tiền Hô đặt cho ta hai câu hỏi: 1/ Ðã có con đường ấy chưa? 2/ Con đường đó có thể đi lại được hay không?

1/ Giữa Chúa và mỗi người chúng ta, đã có một con đường liên lạc nào hay chưa?

Chắc chắn rằng đối với một số người thì chẳng có một con đường nào nối kết họ với Chúa cả. Ðó là những người chỉ biết có làm ăn sinh sống, vui chơi, thỏa mãn mọi nhu cầu thế tục. Họ có nhiều con đường lắm, đường dẫn tới chỗ làm ăn, đường dẫn đến chỗ vui chơi, đường dẫn tới những chỗ hẹn hò yêu đương. Nhưng không có con đường nào dẫn họ đến với Chúa cả. Còn đối với chúng ta, chắc là nhiều người nghĩ rằng mình đã có sẵn con đường nối kết với Chúa rồi, đó là con đường đưa ta từ nhà mình đến nhà thờ này. Ðến nhà thờ là đến với Chúa rồi chứ gì nữa, phải không? Chưa chắc! Ðành rằng đã có con đường dẫn đến nhà thờ, nhưng con đường đó có khi trời mưa ta không đi, có khi vì bận rộn hay vì một thứ gì đó ta ham thích hơn nên ta cũng chẳng thèm đi, và có khi dù ta có đến nhà thờ ta vẫn không gặp được Chúa!

- Như vậy con đường phải có để Chúa và ta có thể gặp nhau là con đường gì?

Thưa là con đường cầu nguyện: đến nhà thờ mà có cầu nguyện thật sự thì mới gặp được Chúa. Khi chưa phải là Chúa nhật hay khi trở ngại không đến nhà thờ được, nhưng nếu ta có cầu nguyện riêng, cầu nguyện ở nhà, cầu nguyện trong mọi biến cố cuộc sống, thì ta vẫn gặp được Chúa. Vì thế trong những tuần Mùa vọng này, ta hãy cầu nguyện nhiều hơn, cầu nguyện sốt sắng hơn. Cầu nguyện ở nhà thờ, cầu nguyện ở nhà riêng, cầu nguyện trước những biến cố của cuộc sống. Khi đã gặp được Chúa trong cầu nguyện, Chúa sẽ chỉ dẫn tiếp cho ta biết phải làm gì để cuộc sống mình ngày càng tốt hơn.

- Khi mình cầu nguyện sốt sắng thì Chúa sẽ chỉ dẫn mình. Nói như vậy nghĩa là còn một con đường thứ hai nữa: đó là thực hiện thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa rất nhiệm mầu, nhiều khi mình không hiểu và không muốn tuân theo. Nhưng luôn luôn thánh ý Chúa là con đường tốt nhất cho mỗi người chúng ta. Chỉ bằng cách đi theo con đường thánh ý Chúa, thì chúng ta mới bình an, hạnh phúc thật. Cưỡng lại thánh ý Chúa, đời mình luôn áy náy, khổ sở.

Chúng ta còn nhớ chuyện ông Giona không? Ý Chúa muốn ông đi đến thành Ninivê để vạch tội của dân thành ấy và bảo họ phải ăn năn sám hối. Ông thì coi việc đó là khó khăn, không thích. Nên ông cũng xuống tàu, nhưng xuống tàu để đến một thành khác, Tarsis. Trời nổi cơn giông, biển động. Các thủy thủ đã làm đủ cách, các hành khách đã khẩn cầu với đủ thứ thần linh, thế mà nguy hiểm chìm tàu vẫn không chấm dứt. Lúc đó Giona hiểu rằng tất cả chỉ vì mình đã cố tình không chịu đi theo con đường thánh ý Chúa. Người ta quăng ông xuống biển, ông bị trôi dạt ba ngày, và cuối cùng tấp vào bờ của một thành phố, chính là thành phố Ninivê mà ý Chúa đã muốn ông đi đến!

- Trong Mùa Vong này, mỗi người chúng ta hãy cố gắng vạch một con đường để Chúa có thể đến với mình và mình có thể đến với Chúa. Con đường đó là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều hơn, cầu nguyện sốt sắng hơn. Khi mình cầu nguyện thì Chúa sẽ chỉ cụ thể cho mình biết phải làm gì cụ thể hơn nữa trong Mùa vọng này. Ðó chính là thánh ý Chúa, hãy cố gắng làm theo sự hướng dẫn của ý Chúa, vì chỉ có làm theo Thánh ý Chúa thì đời mình mới tốt hơn, tâm hồn mình mới bình an vui sướng thật sự.

2/ Còn vấn đề thứ hai nữa: Ðã có con đường nối kết ta với Chúa rồi. Ðó là cầu nguyện và theo ý Chúa. Nhưng con đường đó có trở ngại đến nỗi không đi lại được hay không? Dĩ nhiên là có nhiều trở ngại lắm: Nói đến cầu nguyện là tự nhiên ta ngán, ta không quen. Nói đến thánh ý Chúa thì tự nhiên ta cũng ngại, ta muốn làm theo ý riêng mình hơn. Ðó là những trở ngại. Nói theo từ ngữ của Gioan Tiền hô, đó là những chỗ lồi lõm, quanh co, gập ghềnh trên con đường nối kết ta với Chúa. Nhưng xét cho cùng chẳng có trở ngại nào mà ta không thể vượt qua, trừ trở ngại trong chính lòng ta. "Ðường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông". Nếu cứ ngại như thế mãi thì ta sẽ không gặp được Chúa. Mùa vọng này sẽ qua đi. Lễ Giáng sinh năm nay sẽ trôi đi, cuộc đời của ta thì vẫn chẳng có gì thay đổi tốt hơn. Vì thế ta phải vượt qua mọi e ngại, chiến thắng khuynh hướng ươn lười để suốt mùa Vọng này siêng năng cầu nguyện sốt sắng và tìm hiểu để thực hành thánh ý Chúa. Có như vậy Mùa Vọng này mới hữu ích thực sự và lễ Giáng sinh năm nay mới là dịp Chúa ban tràn trề ơn sủng cho cuộc đời mỗi người chúng ta.

3. Chúa sắp đến. Nhưng có phải vậy không?

Có lẽ tâm trạng chúng ta hôm nay cũng giống tâm trạng các tín hữu thế kỷ I mà bài Thánh thư hôm nay nói tới: Một mặt nghe dạy rằng Chúa sẽ lại đến nên cần phải dọn đường cho Chúa. Nhưng mặt khác chờ mãi mà không thấy Chúa đến, nên ngã lòng buông xuôi. Ðức tin, đức cậy và đức mến nguội lạnh dần theo thời gian.

Ngược lại, ngày nay có một vài nhóm người tin chắc rằng Chúa sắp đến. Họ giải thích Sách Thánh theo một kiểu nào đó rồi đi đến kết luận rằng sắp tới ngày tận thế. Họ còn dám khẳng định chắc chắn tận thế sẽ là ngày mấy tháng mấy năm mấy nữa!

Ta nên xem lại các bài Thánh Thư hôm nay.

- Tác giả viết rằng sẽ có ngày mà trời và đất sẽ bị huỷ diệt: "Các tầng trời qua đi, ngũ hành bị thiêu rụi, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ". Nhưng đồng thời tác giả cũng loan báo rằng sẽ có "trời mới đất mới". Như thế là có hai thứ "trời đất": thứ trời đất xấu xa tội lỗi sẽ bị tận diệt (tận thế), còn thứ trời đất tốt lành sẽ lên ngôi (tạo dựng mới). Tác giả đã dùng loại văn thể khải huyền với nhiều hình ảnh nhằm gây xúc động. Chúng ta không nên hiểu những hình ảnh này theo nghĩa đen mà chỉ cần nắm ý tác giả là sẽ có một sự thay đổi lớn lao: sự dữ bị tận diệt và sự thiện lên ngôi. Có thể nói, đó là lúc Chúa đến.

- Nhưng không ai có thể xác định ngày tháng cho biến cố đó, vì "Chúa đến như kẻ trộm" (câu 10. Xem thêm Mt 24, 43-44), nghĩa là rất bất ngờ. Hơn nữa, không phải Chúa chỉ đến trong ngày tận thế, mà Ngài còn đến rất nhiều lần, đến với từng người, đến để tạo dựng trời mới đất mới trong lòng người đó.

- Vì thế tác giả đưa lời khuyên về cách sống trong khi chờ ngày Chúa đến: Nếu Chúa chưa đến là do Ngài muốn ban thêm cho chúng ta thời gian để chúng ta lo ăn năn sám hối hầu tránh khỏi bị phạt khi Ngài đến thật; Vậy trong thời gian hiện tại chúng ta hãy lo sám hối ăn năn và cố gắng sống thánh thiện đạo đức.

Ðó cũng là điều mà Hội Thánh kêu gọi chúng ta trong Mùa Vọng này.

4. Chuẩn bị đón Chúa

Pat William có kể một câu chuyện rất đặc sắc trong cuốn The Power Within You như sau:

Cordell Brown, một bệnh nhân bị chứng liệt não, đến câu lạc bộ Quán Quân Thế Giới Philadelphia Phillies. Anh bước đi khó khăn, nói năng ấp úng, nên khi anh tới, các thành viên quay mặt đi như không nhìn thấy. Anh có thể nói gì với những siêu minh tinh màn bạc Steve Carleton, hoặc như Mike Schmit, những kẻ sống rất phong lưu ngàn lần cách xa anh?

Tuy không được đón tiếp nhiệt tình, anh vẫn nói: "Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với các bạn, 'nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này'" (1Cr. 15, 10). Và anh thao thao bất tuyệt nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lộc xuống trên cuộc đời anh. Anh mạnh mẽ xác quyết: "Các bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của các bạn lại, thì các bạn cũng như tôi. Mọi người đều như nhau. Tôi không cần những gì các bạn đang có, nhưng tôi chắc chắn rằng các bạn cần một điều mà tôi luôn có, đó là Ðức Giêsu Kitô".

*

Suốt chiều dài lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đón tiếp Ðức Kitô. Và khi đến thời gian đã định, Thiên Chúa dùng Gioan Tiền Hô, một tiên tri vĩ đại gạch nối giữa Cựu và Tân ước để chuẩn bị cho Ðấng Cứu Thế: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng" (Mc. 1, 3).

Gioan không làm cách mạng, ngài không bắt người ta phải thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị xã hội, cho dù là thu thuế hay binh lính, hai hạng người mà thời bấy giờ bị coi khinh và xem thường. Nhưng Gioan chỉ nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến.

Ðể gặp gỡ Ðức Kitô, chúng ta không thể làm gì khác Gioan, sống khó nghèo và đơn sơ trong cách ăn mặc và lối sống.

Ðể gặp gỡ Ðức Kitô, chúng ta không thể sống buông thả, theo tính khoe khoang và tự mãn.

Ðể gặp gỡ Ðức Kitô, chúng ta không thể không học nơi Gioan lòng khiêm nhường, luôn qui hướng mọi vinh quang về cho Chúa.

Chính nhờ có Ðức Kitô mà Cordell Brown trong câu chuyện trên đây cảm thấy hạnh phúc tràn đầy. Hạnh phúc ấy chỉ có được bằng giá của sự từ bỏ liên tục. Ludovic Giraud đã viết: "Sống không phải chấp nhận tất cả, mà là chọn lựa, là cắt bỏ, là hy sinh. Nhựa cây chỉ dẫn đến cành khi được cắt tỉa và nó chỉ sống được khi ngành cây tầm gởi không bóp nghẹt nó".

Mùa Vọng là thời gian của hy vọng. Con thuyền hy vọng của người tín hữu Kitô luôn chất đầy tin tưởng và phó thác:

- Tin tưởng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, nên chúng ta cũng đừng thất vọng về chính mình.

- Phó thác cho Thiên Chúa Tình yêu, nên dù tội lỗi có ngập tràn, khổ đau có chồng chất, chúng ta vẫn một niềm cậy trông.

Tin tưởng và phó thác là đôi mắt của người tín hữu nhìn thẳng vào Chúa mà hy sinh và từ bỏ.

5. Ðừng tưởng

Những người thuộc phái Pharisêu và Sađóc là những thành phần đạo đức và sốt sắng nhất thời đó. Bởi thế họ nghĩ rằng cho dù ai đó có bị mất phần rỗi thì họ vẫn chắc chắn sẽ được cứu rỗi thôi. Nhưng Gioan bảo họ: "Ðừng tưởng thế... Hãy sinh hoa kết quả"

Chúng ta tuy không đạo đức sốt sắng như những người pharisêu và sađóc, nhưng chúng ta không bỏ lễ Chúa nhựt nào, không bỏ kinh hôm kinh mai ngày nào, không phạm tội trọng nào cả. Thế thì chúng ta cũng có thể được hưởng ơn cứu độ chứ. Gioan cũng nhắc chúng ta "Ðừng tưởng thế". Một cái cây sum xuê lá cành mà không sinh hoa kết quả thì cũng vô ích và phải bị chặt đi thôi!

6. Hãy an tâm, hãy an tâm!

Trong số biết bao lời trong Thánh Kinh, chắc hẳn đây là một trong những lời dễ nghe chịu nhất: "Hãy an tâm, hãy an tâm! Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi".

Thực ra, lời ngọt ngào này Thiên Chúa không chỉ nói một lần duy nhất qua miệng ngôn sứ Ðệ nhị Isaia. Ngài đã nói thế không biết là bao nhiêu lần bằng những lời lẽ khác. Hãy đọc lại những chương đầu của sách Sáng thế, ta sẽ thấy rằng sau mỗi lần con người phạm tội và bị phạt thì Thiên Chúa đều tỏ một cử chỉ yêu thương: mặc áo cho hai nguyên tổ đang xấu hỗ vì trần truồng, ghi dấu trên trán Cain để bảo vệ anh, tự tay đóng cửa chiếc tàu Noê trước khi cơn hồng thuỷ ập xuống... Hãy nhìn lại dòng lịch sử cứu độ, ta lại thấy lịch sử cứu độ là một lịch sử tha thứ: con người phạm tội không biết là bao nhiêu lần, và Thiên Chúa vẫn rộng lượng tha thứ không biết là bao nhiêu lần.

Ðức Giêsu đến trần gian cũng chỉ để nói lên lời ngọt ngào đó. Hãy đọc lại Tân Ước và đếm xem bao nhiêu lần Ðức Giêsu bảo người ta "Ðừng sợ", bao nhiều lần Ngài âu yếm nói "Tội con đã được tha". Khi muốn mượn một hình ảnh để giúp người ta hiểu về mình, Ðức Giêsu đã ví mình như một mục tử lặn lội đi tìm con chiên lạc và khi tìm được rồi thì trìu mến ẵm chiên trong lòng...

Bởi thế, thông tin về việc Ngài đến chính là một Tin Mừng.

Chúng ta hãy làm theo lời kêu gọi của Isaia trong bài đọc I hôm nay: "Hỡi những kẻ đưa Tin Mừng, hãy trèo lên núi cao, hãy mạnh dạn cất tiếng, hãy nói cho các dân rằng: Ðây Chúa là Thiên Chúa sẽ đến!".

7. Tiếng kêu trong hoang địa

Tiếng của Gioan Tẩy giả là một tiếng kêu trong hoang địa, nhiều người không nghe thấy.

Ngày nay cũng có nhiều tiếng kêu trong hoang địa:

- Hiện giờ ở đâu đó một đứa trẻ đang kêu. Em cần tình thương, hay đơn giản hơn chỉ là một miếng bánh.
- Hiện giờ ở đâu đó một người trẻ đang kêu. Anh cần một đôi tai lắng nghe, hoặc một con tim thông cảm.
- Hiện giờ ở đâu đó một người già đang kêu. Ông cần ai đó đến thăm, hoặc con cái nói một lời.

Hàng ngàn hàng vạn tiếng kêu đang vang lên nhưng không ai nghe thấy trong thế giới bất công này.

Lạy Chúa, xin giúp con lắng nghe những tiếng kêu trong hoang địa. Nhất là xin giúp con nghe được tiếng Chúa, đang thì thầm trong hoang địa của lòng chúng con. Lạy Ðức Giêsu, Chúa đến để đem hạnh phúc thật cho mọi người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con dẹp bỏ mọi cản trở trên đường Chúa đến, bằng lòng ăn năn sám hối mọi tội lỗi, để được Chúa viếng thăm. Amen.

Thánh Ca : Đường Con Đi ,Chúa Ơi !


HÃY DỌN ĐƯỜNG
Cha Mark Link, S.J.

Trong cuốn "Nội lực nơi bạn" (The Power Within You), Pat William ở tiểu bang Philadelphia có kể một câu chuyện đặc biệt sau đây:

Năm 1980, vào một buổi trưa Chúa nhật nóng bức, một bệnh nhân trẻ bị chứng tê liệt não bộ tên là Cordell Brown đang đi bộ đến câu lạc bộ quán quân thế giới Philadelphia Phillies. Cordell bước đi hết sức khó khăn, nói năng cũng rất là khó. Ăn uống đối với anh là một bổn phận hết sức nặng nhọc. Khi thấy Cordell tới, nhiều người quay mặt đi đàng khác, hoặc cố tình không nhìn thấy anh. Ðó là cách phản ứng của một số người trong hội Phillies khi thấy Cordell đi tới câu lạc bộ.

Cordell làm gì trong câu lạc bộ Phillies vậy? Anh được mời tới đó để nói chuyện với những tay ăn chơi trong một buổi nói chuyện tại nhà nguyện câu lạc bộ.

Cordell có thể nói gì với những ngôi sao màn bạc như Steve Carleton và Mike Schmit, những người sống rất xa cách với thế giới đau khổ và dị tật của anh?

Một vài người trong hội Phillies cũng tự hỏi như thế khi họ ngồi xuống để chuẩn bị nghe anh nói. Cordell bắt đầu bằng cách làm sao cho các tay ăn chơi đó cảm thấy thoải mái dễ chịu. Anh nói: "Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với các bạn". Rồi anh trưng đoạn thư Thánh Phaolô (1Cr. 15, 10 ): nhưng nhờ ơn của Thiên Chúa mà tôi được như thế này.

Suốt 20 phút kế đó, Cordell đã nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của anh. Anh kết luận bằng cách trả lời cho câu hỏi này: Anh có thể nói gì với những siêu minh tinh nổi tiếng như Steve Carleton và Mike Schmit, là những người sống hết sức xa cách với thế giới của những người đau khổ tật nguyền như anh?

Cordell nói một cách rất duyên dáng: "Bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp hòm quan tài của bạn lại, thì bạn sẽ chẳng khác tôi chút nào. Ðó là lúc mà mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng: các bạn cần một điều mà tôi đang có, đó là Ðức Giêsu Kitô".

Tôi thích câu chuyện này vì hai lý do:

Trước hết, nó nói cho chúng ta về Mùa vọng. Nó mời gọi chúng ta trở về với những gì nền tảng. Nó mời chúng ta tự hỏi chính mình xem: Cái gì thực sự là quan trọng đối với chúng ta? Nó mời chúng ta nhìn vào những cái chúng ta phải coi là ưu tiên trong cuộc đời mình. Nhất là nó hỏi chúng ta xem Ðức Giêsu Kitô có phải là ưu tiên số một trong cuộc đời của chúng ta hay không?

Và điều này dẫn chúng ta tới điểm thứ hai về câu chuyện của Cordell Brown. Nó nói với chúng ta về những bài học Thánh Kinh ngày hôm nay.

Cả ba bài đọc đều nói nói về sự cần thiết phải dọn đường cho Chúa đến. Cả ba bài đọc đều nói rằng: chúng ta không sống đúng như cái mình phải sống, thì chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Nói cách khác, nếu chúng ta đi sai không đúng theo căn bản, thì những bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với những cái nền tảng ấy.

Nếu chúng ta đặt công việc của chúng ta lên hàng đầu trước cả gia đình chúng ta, thì những bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta sửa chữa lại tình trạng ấy.

Nếu chúng ta đặt sự thành công lên trước tương quan cá nhân của chúng ta đối với Thiên Chúa, thì các bài đọc hôm nay kêu gọi chúng ta thay đổi thái độ đó.

Tại Tu viện Westminster ở Luân Đôn, có một nhà nguyện nhỏ tên là "nhà nguyện thánh Grêgôriô". Nhà nguyện này được xây lên để tưởng niệm những người dân Luân Ðôn bị mất mạng vì máy bay oanh tạc thời đệ nhị thế chiến. Trong nhà nguyện có bốn cuốn sách lớn, trong đó có ghi tên 6,000 tên các nạn nhân cuộc không kích đó. Một cuốn mở ra và trên trang sách lấp lánh ánh sáng có ghi một số tên nạn nhân. Mỗi ngày người ta giở ra một trang để phơi ra một số những tên mới. Khi bạn nhìn và đọc cột tên dài ấy, bạn không sao biết được người có tên mà bạn đọc thấy nghèo hay giầu, da đen, da trắng hay da nâu, là Kitô hữu, là Do Thái hay là vô thần, gìa hay trẻ, đẹp hay xấu.

Lúc đó không còn có một khác biệt nào nữa. Lúc đó tất cả những gì xẩy ra đều tùy thuộc vào bản chất con người mà mỗi người tạo ra cho mình còn sống trên dương thế.

Câu chuyện của Cordell Brown và câu chuyện nhà nguyện Thánh Grêgoriô của Tu viện Westmister khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì nếu chúng ta thấy mình đã không sống đúng như cách chúng ta phải sống? Chúng ta phải làm gì nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta không chuẩn bị ngày giờ chết, hay chuẩn bị cho ngày Ðức Giêsu tái lâm bất chấp ngày nào đến trước?

Dĩ nhiên câu trả lời là: chúng ta phải làm đúng những gì Gioan Tẩy Gỉa đã đề nghị cho dân chúng thời ông làm. Chúng ta phải sám hối, phải xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta phải cải tà qui chánh và phải bắt đầu một cuộc sống mới. Ðó là tất cả những gì Mùa vọng muốn nói đến. Ịó là thời gian để chúng ta kiểm tra lại đời sống của mình và làm tất cả những thay đổi cần thiết trong đời sống.

Ðiều này đem chúng ta trở lại với câu chuyện đáng ghi nhớ của Cordell Brown và câu hỏi được nêu ra trong câu chuyện. Anh có thể nói gì với các siêu minh tinh như Steve Carleton và Mike Schmit, là những người sống hết sức xa cách với thế giới đau khổ tật nguyền của anh? và Cordell phải nói gì với bạn và tôi?

Cordell đã trả lời câu hỏi đó một cách duyên dáng:

"Bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi này giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của bạn lại, ngày đó bạn sẽ chẳng khác gì tôi chút nào. Ðó là lúc mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng điều duy nhất tôi chắc chắn là: các bạn cần cái tôi đang có, và đó chính là Đức Giêsu Kitô".

Ðể kết thúc, chúng ta hãy thưởng thức một bài thơ cổ, nói về cuộc đời này chóng qua thế nào và điều gì quan trọng vào giây phút cuối cùng:

"Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười và khóc, thì lúc đó thấy thời gian bò tới.
"Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.
"Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.
"Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín mùi, thì thấy thời gian bay.
"Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.
"Ôi lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa. "

Thánh Ca : Lời Cầu Cho Xứ Đạo


DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA
ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.

Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

Thánh Ca : Hãy Trở Về

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét