Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 30 MTN A (23/10/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 30 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Mến Chúa Yêu Người " của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn.



YÊU THƯƠNG LÀ ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Một lời để ghi nhớ: ngươi phải yêu mến

Ðúng là hai điều răn: điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Ðiều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là hai giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bùng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình... Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến.

Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay. Ðiều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Chỉ có một mình Chúa là Ðấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hóa con người! Còn về người thân cận, Ðức Giêsu truyền phải yêu người thân cận như chính mình. Ðây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không phải chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Ðức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).

Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hóa với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, Nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời... Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất; còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ đội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người... Ðiều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Ðức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa.

Quả thực đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo.

Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp; bạn phải tìm kiếm, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Thần điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp…! (Giám mục L. Daloz. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 332-334)

2. Một từ tóm tắt tất cả Phúc âm: Yêu mến

Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ tình yêu, một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.

Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Ðấng yêu mến chúng ta?

Như vậy thì có nhiều cách yêu mến không? Chắc hẳn là có rồi. Nên trong vấn đề này, tôi vẫn theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustinô. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến:

Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất: thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi biết có ai mà không thích điều đó không? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi... Nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).

Trình độ thứ hai: thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là: lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.

Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thiện, khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.

Ngay ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ? Bạn hãy nói cho tôi biết bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng? Nhưng bạn hãy coi chừng! Tất cả thái quá trong lãnh vực này - quảng đại thái quá - có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.

Còn trình độ thứ ba: Yêu (aimer), có thế thôi! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì Ta yêu là yêu thôi. Ðó mới là đỉnh cao của "tình cho không biếu không".

Hãy nhìn nhận điều này: ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một Vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Ðức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Ðức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần linh tình yêu khi Người tắt thở, một Ðức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritanô nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.

Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là: Yêu mến.
(H. Denis. trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 334-336)

3. Những chữ đi sau chữ "yêu"

Xem kỹ bản văn Tin Mừng, theo sau động từ yêu mến Chúa là những chữ "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn"; đi sau động từ yêu thương kẻ khác là những chữ "như chính mình ngươi".

"Hết" là tất cả. Ngoài ra, trong ngôn ngữ Do Thái, người ta thường dùng một từ chỉ một phần để nói đến toàn thể: "lòng" cũng có nghĩa là cả con người, "linh hồn" và "trí khôn" cũng thế. Do đó câu nói trên có nghĩa là: "Hãy yêu mến Chúa với tất cả con người của mình, tất cả con người của mình, tất cả con người của mình." Một kiểu nói mạnh lặp lại tới ba lần. Cũng có thể hiểu là: "Hãy yêu mến Chúa với tất cả mọi chiều kích, mọi lãnh vực, mọi khả năng của mình".

"Như chính mình" nghĩa là không còn phân biệt chủ thể và đối tượng gì nữa. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, không phân biệt tôi và anh, tôi và chị hoặc tôi và nó gì nữa. Chỉ còn là một thôi.

Tóm lại, những chữ đi sau động từ "yêu" nhằm diễn tả một tình yêu không biên giới, cả biên giới với Chúa lẫn biên giới với người khác. Tất cả đều yêu nhau. Cuộc sống chỉ là yêu.

4. Bắt đầu yêu mình trước

Trong bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu bảo "Ngươi hãy yêu kẻ khác như chính mình ngươi". Có thể hiểu là: hãy biết yêu mình trước rồi mới có thể yêu kẻ khác.

Một cụ già đang ngồi trước cổng thành. Một người khách lạ đến hỏi:
- Dân trong thành này là người thế nào?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào?
- Họ rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.

Một lúc sau, một người khách khác tới và cũng hỏi:
- Dân trong thành này là người thế nào?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào?
- Họ rất khó ưa, ích kỷ và chẳng chịu giúp mình gì cả khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.

Ý nghĩa câu chuyện này là tôi thường đánh giá người khác không theo lòng họ mà theo lòng mình. Nếu ta thấy người ta khó chịu, đó là dấu trong lòng ta đang khó chịu. Người nào bình an trong lòng thì lan tỏa bình an ấy ra ngoài và cảm thấy mọi người đều hiền hòa.

Bởi thế, ta phải học yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu người khác. Nhưng thế nào là yêu mình? Là hãy ban cho lòng mình những tình cảm cao thượng, bình an, độ lượng.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Yêu mình một cách sai lạc thì không thể yêu người khác. Yêu mình sai lạc là thế nào? Là ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình và dành hết mọi sự tốt cho mình. (Flor McCarthy, Love your neighbor as yourself)

5. Chuyện minh họa: Tin Mừng trọn vẹn

Vào thời có nhiều người thích ẩn tu trong sa mạc, có một Tu Sĩ nổi tiếng đạo đức tên là Môsê. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả các tu sĩ đều nhất trí sẽ không ăn gì cả suốt Tuần Thánh, mỗi người ở luôn trong phòng mình và chuyên chăm cầu nguyện.

Ðến giữa tuần, có hai khách lữ hành ghé thăm Thầy Môsê. Thấy họ đói quá, Thầy nấu cho họ một nồi súp. Và để họ không ngại, Thầy cũng ăn một ít trước mặt họ. Ðang lúc đó, các thầy khác thấy khói và mùi thức ăn từ phòng Thầy Môsê bay ra thì bực tức tới bắt lỗi:
- Thầy đã phạm luật!

Thầy Môsê khiêm tốn trả lời:
- Ðúng là tôi đã phạm luật của loài người. Nhưng đó là vì tôi giữ luật Chúa dạy phải yêu thương người khác.

Nghe thế, những thầy kia xấu hổ bỏ đi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu được yêu cầu nêu ra hai điều luật quan trọng nhất. Ngài đã nêu ra luật mến Chúa và luật yêu người. Ngài đã nối kết cả hai lại với nhau và xem chúng đều trọng như nhau. Thế nhưng loài người chúng ta thường tách hai điều đó khỏi nhau.

6. Mảnh suy tư

Tách rời hai khoản luật lớn của Chúa là một thảm kịch và rõ ràng đi ngược ý Chúa.

Thế nhưng việc này lại thường xảy ra.
Những kẻ lo mến Chúa thì thường không yêu người, và những kẻ lo yêu người lại không mến Chúa. Thế là Tin Mừng bị xé ra làm hai. (Flor McCarthy)

Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn mới: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể hết lòng mến Chúa và tha thiết yêu người như Chúa đã dạy.Amen.

Thánh Ca : Chúa Không Lầm


NHỮNG ANH HÙNG CỨU ĐỘ
Cha Mark Link, S.J.

Cách đây nhiều năm các rạp hát có chiếu một cuốn phim nhan đề Little Lord Fauntlroy (Tiểu chủ Fannilleroy) nói về một cậu bé 7 tuổi đến sống với ông nội là một người giàu có đang quản lý nhiều công nhân dưới quyền. Ông lão bản chất là con người ích kỷ và độc ác, nhưng cậu nhỏ quá thần tượng ông mình, nên không thể nhận ra điều đó. Cậu lại nghĩ ông mình quảng đại và tốt bụng. Cậu bé thường nói với người ông: "Nội ơi! Thiên hạ chắc hẳn yêu ông biết dường nào! Cháu dám cá là họ yêu nội hầu như cũng nhiều bằng cháu yêu nội vậy !".

Ðể rút ngắn câu chuyện, tình yêu của cậu bé dần dà làm mềm mại trái tim ông già, và ông đã trở nên loại người tốt mà đứa cháu vẫn nghĩ cho ông.

Câu chuyện này giống như một dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu Ngài dành cho chúng ta có thể thay đổi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để trở nên loại người giầu yêu thương như Ngài vẫn thấy nơi tiềm năng chúng ta.

Tình yêu nằm nơi trọng tâm lời dạy và cuộc đời Chúa Giêsu. Và trong tất cả hành vi của Chúa Giêsu, không hành vi nào biểu lộ tình yêu Ngài rõ rệt hơn việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự.

Và điều gì khiến cho việc chịu đóng đinh thập tự là bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Chúa Giêsu như thế?

Trước hết, việc chịu đóng đinh thập tự là DẤU CHỈ gây ấn tượng sâu sắc về tình yêu vĩ đại Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15 : 13). Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta dấu chỉ vĩ đại ấy, chúng ta cần biết rằng mình đáng yêu vì nếu chúng ta không thấy mình đáng yêu, chúng ta không thể yêu mến kẻ khác được. Tại sao chúng ta không thể yêu nếu không thấy mình đáng yêu? Lý do đơn giản: Tình yêu là một món quà tự hiến. Và nếu chúng ta không thấy mình là đáng yêu và vì thế đáng giá, thì chúng ta sẽ không trao tặng chính mình cho kẻ khác đựơc. Nói tóm lại, chẳng ai đem đồ rác rưởi cho kẻ mình khâm phục sâu xa. Vì thế điều đầu tiên mà sự đóng đinh thập giá đem lại chính là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúng ta đáng giá và đáng yêu đến mức Ðức Giêsu tự hiến mạng vì chúng ta.

Thứ đến, bên cạnh dấu hiệu của tình yêu, việc chịu đóng đinh cũng là lời mời gọi đến với tình yêu. Ðây là một cách diễn tả bằng hình ảnh điều mà Chúa Giêsu đã thường dùng ngôn từ để nói: "Các con hãy thương yêu nhau như Ta đã yêu thương các con"(Ga.15, 12).

Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta như thế chứng tỏ Ngài nghĩ rằng tình yêu của chúng ta là quí giá. Ngài dạy chúng ta rằng chúng ta có thể giúp đỡ kẻ khác bằng tình yêu của mình giống như Ngài đã dùng tình yêu của Ngài để giúp đỡ chúng ta.

Các bậc tôn sư cho chúng ta thấy rằng lòng tự trọng của tuổi trẻ sẽ tiến bộ rất nhiều khi họ khám phá ra tình yêu của họ là đáng giá. Chúng ta có thể thấy đựơc sự đổi thay sâu xa khi một sinh viên dấn thân vào một chương trình phụng sự chẳng hạn: dạy kèm thêm cho các sinh viên lớp nhỏ hơn, đọc sách cho người mù nghe, hoặc thăm viếng người già cả. Thường đây là lần đầu tiên họ khám phá ra mình có giá trị, mình có khả năng giúp đỡ tha nhân.

Như thế, điều thứ hai mà thập giá chúng ta đem lại là lời mời gọi chúng ta yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nó giúp chúng ta khám phá được tình yêu chúng ta là đáng giá, chúng ta có thể dùng tình yêu của mình để giúp đỡ tha nhân.

Thứ ba, ngoài dấu chỉ tình yêu chúng ta như lời mời gọi đến với tình yêu, thập giá Chúa Giêsu còn là sự mặc khải cho chúng ta về tình yêu rằng tình yêu thương kéo theo đau khổ.

Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mặc khải điều ấy cho chúng ta, vì điều ấy chống lại sự dối trá đang liên tục xẩy ra hằng ngày trên màn ảnh truyền hình cho rằng người ta có thể gíup kẻ khác mà mình chẳng phải mất mát gì hết. Vị bác sĩ trên truyền hình cứu chữa bệnh nhân mà bản thân chẳng hề đau khổ gì cả. Vị luật sự trên truyền hình bảo vệ cho kẻ bị áp bức bóc lột mà bản thân ông chẳng bị đau thương gì hết. Viên sĩ quan cảnh sát cứu đứa bé bị đối xử tàn nhẫn mà chính ông không hề bị đối xử tệ như vậy bao giờ. Giáp bào sáng loáng của những anh hùng cứu độ trên truyền hình này chỉ dơ bẩn thôi chứ chẳng bao giờ bị mẻ hay bị hư. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy yêu thương và giúp đỡ kẻ khác bao giờ cũng kéo theo đau khổ cho chính mình.

Không đau khổ sao được khi phải nhẫn nại với một kẻ thân yêu quát mắng chúng ta.

Không đau khổ sao được khi phải thứ tha giống như ông bố của đứa con hoang đàng và phải đón đứa con ương ngạnh trở về nhà.

Không đau sao được khi phải khiêm tốn nhìn nhận giống cậu con trai hoang trong câu chuyện ấy rằng mình đã sai lầm.

Ðôi khi tôi nghĩ: nếu chúng ta có luật bắt buộc phải ghi trên bao bì những thực phẩm có hai dòng chữ: "thực phẩm này có thể hại cho sức khoẻ bạn" thì chúng ta cũng nên có luật là các chứng thư hôn thú phải được ghi thêm dòng chữ sau: "Tình yêu chắc chắn kéo theo đau khổ".

Ðiều này dẫn chúng ta tới chủ điểm sau cùng là: chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì đã dấn thân vào tình yêu. Chúng ta nên vui mừng khi phải đau khổ với cùng một người về cùng một việc hết ngày này qua ngày nọ. Chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì bị mất đi một cơ hội để hãnh diện, hoặc mất đi một vinh dự hay một dịp thăng quan tiến chức.

Tại sao chúng ta lại nói lên một điều khó tin như thế? Arthur Godfrey ngôi sao truyền hình trước đây có cho chúng ta lời giải thích tuyệt vời trong bài viết đăng trong cuốn "The Guideposts Treasury of Faith (1970) (Cẩm nang hướng đạo đức tin). Trên bức tường nơi văn phòng làm việc của mình, Godfrey thường treo một tấm biển ghi : "Lạy Chúa, con thà chịu lửa đốt hơn là phải làm vật phế thải".

Godfryey nói rằng tấm biển đề nhắc ông câu chuyện về bác thợ rèn nọ, dù phải chịu nhiều tai ương mà vẫn vững tin nơi Chúa. khi một kẻ vô đạo hỏi bác ta làm thế nào bác có thể vẫn giữ niềm tin vào Chúa dù chịu biết bao tai ương, bác liền trả lời: "Khi tôi chế tạo một dụng cụ, tôi thường lấy một thanh sắt và nung lửa. Ðoạn tôi đập nó trên đe để xem nó có độ cứng không. Nếu có, tôi sẽ chế ra một dụng cụ hữu ích, nếu không tôi quẳng nó vào đống sắt vụn hết xài".

Câu chuyện trên dẫn chúng ta trở lại chủ điểm của mình. khi chúng ta chịu đau khổ vì tình yêu, chúng ta có thể hoan hỉ vì biết rằng Chúa đang sử dụng chúng ta.

Tóm lại, sự kiện Chúa Giêsu bị đóng đinh thập tự là Dấu chỉ Tình yêu Ngài dành cho chúng ta, là lời mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân, đồng thời cũng là sự mặc khải về tình yêu tức là tình yêu luôn kéo theo đau khổ.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến Ngài cho xứng đáng, xin dạy chúng con yêu tha nhân như Ngài yêu chúng con.
Xin dạy chúng con yêu cho dù yêu là đau khổ,
Bởi vì qua tình yêu chúng con tôn vinh Chúa,
Qua tình yêu chúng con mang hạnh phúc cho tha nhân,
Và qua tình yêu chúng con tìm đựơc ý nghĩa của cuộc sống mình.
Amen.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


THIÊN CHÚA TRƯỚC NHẤT (GOD COMES FIRST)
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Sáng hôm nay tôi muốn nói đến ba vấn đề. Mỗi vấn đề đòi nửa tiếng để giải thích, nhưng tôi sẽ cố gắng tóm tắt chúng thành một bởi vì sự thích hợp của nó.

Biến Hóa (Evolution)

Vấn đề thứ nhất là về biến hóa. Có lẽ quý vị đã đọc trên báo chí những nhận định về thuyết biến hóa. Đa số những người viết về những nhận xét của Đức Thánh Cha liên quan đến vấn đề biến hóa đã hiểu sai điều Đức Giáo Hoàng nói. Ngài đã nói điều mà Giáo Hội đã từng dạy hơn cả hàng mấ trăm năm rồi. Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới này. Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ. Thiên Chúa tạo dựng hết mọi sự. Mọi cái hiện hữu đều do Thiên Chúa. Nó không tự xuất hiện. Thiên Chúa tạo dựng nên nó. Thiên Chúa tạo dựng nên các tinh tú trên trời. Rất có thể năm triệu năm về trước mặt trăng chưa xuất hiện chính xác ở vị thế của nó bây giờ, nhưng nó đã được tạo dựng nên do Thiên Chúa. Tất cả các vật thể trên vũ trụ này đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, các sinh vật và hoa cỏ, cùng mọi thứ khác, đã được dựng nên bởi Thiên Chúa. Có lẽ Thiên Chúa đã cho phép một số cái phát triển, hay dùng từ ngữ “tiến hóa.” Qúi vị có thể thấy một số cây cỏ tiến hóa. Khi mới được tạo dựng thì có mầu vàng và chúng bắt đầu thay đổi theo thời gian và tiến hóa thành những bông hoa mầu đỏ. Nhưng các bông hoa không biến hóa thành những con mèo. Và những con mèo không biến hóa thành những con chó. Những con mèo có thể là vàng hay xanh mầu trời hay mầu cỏ xanh, nhưng chúng vẫn là những con mèo. Các con chó vẫn là chó và các con ếch không trở nên những con cá sấu và các bông hoa không trở nên những con bọ. Sự biến hóa không xẩy ra theo cách đó.

Vấn đề quan trọng hơn cả là sự biến hóa của con người. Con người không biến hóa. Giáo huấn của Giáo Hội, giải thích của Giáo Hội, là nếu có cái như là biến hóa và được khoa học chứng minh rằng con người là kết qủa của việc biến hóa của một loài sinh vật nào đó, thì chúng ta có thể chấp nhận. Nhưng con vật đó không trở thành con người cho đến khi Thiên Chúa tạo dựng một linh hồn, và đặt linh hồn vào trong con người, và vào lúc đó nó không còn là một con vật nhưng là một con người. Và đó là điều mà Đức Giáo Hoàng nói, điều mà chúng ta đã từng giảng dạy hàng bao nhiêu năm nay. Nó được gọi là sự “biến đổi nhẹ nhàng tương tự.” Có thể một sinh vật nào đó nhìn giống như con người nhưng nó vẫn là con thú vật. Và chỉ khi Thiên Chúa tạo dựng một linh hồn và ngài thổi cái linh hồn vào trong sinh vật đó và sinh vật đó trở thành Adam, con người đầu tiên.

Cá nhân tôi không tin vào thuyết biến hóa. Nó chỉ là một giả thuyết bởi qúa trình của nó. Nó được xuất phát từ Charles Darwin. Charles Darwin là một người vô thần và ông ta muốn chứng minh là Thiên Chúa không hiện hữu. Ông ta phải phát minh ra một cách giải thích lý do tại sao có sự hiện hữu của những cái chúng ta thấy có ở đây, bởi thế ông ta đặt ra thuyết biến hóa. Tôi không tin cái thuyết đó. Tôi không nghĩ là nó sẽ chứng minh được, nó không phải là một sự thật khoa học, và đó chính là điều mà Đức Giáo Hoàng đề cập đến. Do đó nếu các bạn đọc thấy ở đâu nói là Giáo Hội dạy thuyết biến hóa, thì đừng tin.

Đồng Lõa (Cooporated Guilt)

Điều thứ hai là hành vi xấu giúp người khác làm điều sai trái. Chúng ta có câu La Ngữ, “Participatio in diablo”, có nghĩa là đồng lõa tham gia vào việc xấu. Tôi sẽ cho các bạn một thí dụ về điều tôi muốn nói. Ví dụ như Sam là một người bạn của bạn. Sam rất có lòng từ tâm và anh biết rằng nhiều người đang đói rách, không nhà cửa và cần cơm ăn áo mặc cùng nhiều thứ cần thiết khác. Và anh ta nói với bạn, “Tôi sẽ cung cấp cho họ tất cả những thứ cần thiết này, nhưng tôi không có tiền để mua, do đó tôi sẽ cướp ngân hàng. Nhưng tôi không có xe, anh có thể chở tôi đến ngân hàng và ngồi chờ tôi sau khi cướp xong và chúng ta sẽ tẩu thoát?” Bạn trả lời, “Được, OK, đó là ý kiến hay.” Do đó bạn lái xe đến ngân hàng và Sam đi vào trong, bạn ngồi chờ ở ngoài. Sam cướp một số tiền và giết một trong những ngân viên. Anh ta quay trở lại xe, và bạn lái xe tẩu thoát. Bạn cũng mang tội ăn cướp và giết người bởi vì bạn đồng lõa cộng tác với việc làm xấu được thực hiện. Bạn cộng tác vào một việc xấu và do đó bạn có tội về hành động của tội phạm. Đó là điều quan trọng ngày nay ở thời đại này, bởi vì chúng ta đang ở trong thời điểm bầu cử. Việc bầu cử sẽ diễn ra ở cấp chính phủ địa phương, tiểu bang và liên bang, và nhiều người ra ứng cử vào các chức vụ lại có khuynh hướng ủng hộ điều vô luân lý, nhiều hình thức vô luân lý, và nếu qúi vị bầu cho họ thì qúi vị cũng tham gia vào sự vô luân lý của họ. Qúi vị cần phải nhận thức rằng qúi vị chịu một phần trách nhiệm, bất cứ khi nào quí vị bầu cho một người nào đó, mà họ chủ trương ủng hộ một điều xấu. Nếu người đó thắng cử và mang đến hậu qủa xấu thì bạn chịu trách nhiệm, bởi vì bạn tham gia vào việc bầu cho họ thắng. Nó là một phán định quan trọng và bạn phải ý thức điều đó. Bạn nói, “Có thể là ông ta làm điều đó hay, hoặc cái đó là vô luân lý, nhưng hãy nhìn đến những việc cho người nghèo, an sinh xã hội và y tế, giúp người đói rách thiếu cơm ăn áo mặc và nhiều điều khác.” Những thứ đó không gía trị. Tất cả là tử tế, giống như anh chàng Sam ăn cướp ngân hành để phân phát tiền cho người nghèo. Giống như Robin Hood, ăn cắp của người ngày để cho người kia. Nghe có vẻ hay, nhưng nó vẫn là một hành động xấu. Nếu bạn cộng tác vào bất cứ một hành động xấu nào, thì chính bạn cũng chịu trách nhiệm trong hành động xấu ấy. Khi chúng ta ở vào thời điểm này trong năm, thời gian bầu cử cho các ứng cử viên trong chính phủ các cấp địa phương, tiểu bang và liên bang, hãy cẩn thận cân nhắc về lãnh vực luân lý của lá phiếu. Nếu bạn bầu cho một người mà người đó sẽ gây nên một việc vô luân lý trong xã hội, thì bạn cũng mang tội đồng lõa. Đó là điều thứ hai tôi muốn nói.

Thiên Chúa Trước Hết (God First)

Điều thứ ba và là điều cuối cùng đó tôi muốn nói đến là bài Tin Mừng hôm nay. Một cách đơn giản rõ ràng Chúa Giêsu Kitô nói rằng có hai nguyên tắc trong các giới răn. Nguyên tắc thứ nhất là “Kính mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn,” và nguyên tắc thứ hai là “yêu thương tha nhân như chính mình.” Tôi bắt đầu nghĩ đôi khi trong xã hội của chúng ta, chúng ta đổi ngược thứ tự này. Yêu tha nhân dường như được ưu tiên trước và yêu Thiên Chúa được xếp hạng thứ. Có rất nhiều chương trình xã hội được cổ động trong các nhà thờ, các giáo đường, trong chính phủ và nhiều nơi khác, và họ nói là “hãy lo cho người láng giềng.” Đó là ý tưởng tốt, ý tưởng cao đẹp. Chúng ta nên giúp đỡ người nghèo; mặc áo cho người trần truồng; giúp nơi ăn chốn ở cho người vô gia cư. Tất cả những cái đó là điều tốt bởi vì những việc đó bày tỏ lòng yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, khi làm những công việc tốt lành này, nhiều người lại thay thế những việc đó cho tình yêu đối với Thiên Chúa. Họ nghĩ là tất cả những gì cần phải làm là giúp đỡ người khác và như thế là đủ để chu toàn bổn phận tinh thần và tôn giáo.

Chúa Giêsu Kitô nói với chúng ta rằng giới luật thứ nhất là “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn.” Yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa bằng việc tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúa Giêsu Kitô nói, “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ lệnh truyền của Thầy.” Do đó điều trước tiên phải làm là tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa cách xứng hợp. Các bạn cần phải tham dự Thánh Lễ, đọc các kinh nguyện, chu toàn bổn phận là người theo Chúa Giêsu Kitô, người yêu mến Thiên Chúa toàn thể xác hồn. Thật khó để tôi tin là người ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn khi thấy họ đi lễ trễ và ra về sớm mỗi Chúa Nhật, hoặc là bỏ chẳng đi dự lễ. Hoặc, nếu thống kê là đúng, thì chỉ có bốn mươi phần trăm số người Công Giáo đi tham dự Thánh Lễ, hay đi nhà thờ mà thôi. Đó chắc chắn không phải là một việc thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa. Nếu bất cứ điều nào trong các điều này được xét đến, các bạn trước tiên phải nghĩ đến điều “Tôi yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Thiên Chúa truyền cho tôi làm để đạt được ơn cứu độ. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Ngài truyền cho tôi tôn thờ Ngài, nên người môn đệ của Chúa Kitô, bước theo chân Ngài, và vác thập gía mình để đi theo Ngài. Và khi làm như thế, tôi sẽ nên giống như ngài và nhờ đó tôi sẽ thực sự yêu mến tha nhân của tôi.

Tôi cho là thí dụ đẹp nhất chúng ta có trong thế giới ngày nay là Mẹ Têrêsa. Quan tâm trước hết của ngài là bày tỏ, ngợi khen và tôn thờ Thiên Chúa, uốn đời sống của ngài theo ý của Thiên Chúa. Có được động lực thiêng liêng ấy trong đời sống, ngài đã có thể bước ra để phục vụ tha nhân. Đó cũng chính là điều mà các bạn cần phải có. Hãy hiến thân cho Thiên Chúa trước và tất cả những cái khác sẽ được bổ túc vào. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn. Nếu làm được như thế, bạn sẽ đương nhiên yêu tha nhân, bởi vì đó là điều hài lòng Thiên Chúa; đó là ý của Thiên Chúa.

Do đó hãy nhờ rằng bạn phải yêu thương tha nhân, nhưng Thiên Chúa phải được ưu tiên trước. Yêu kính Thiên Chúa, chu toàn ý của Thiên Chúa, uốn mình theo các lệnh truyền của Thiên Chúa, và gắng giữ những nguyên tắc và giáo huấn luân lý của Thiên Chúa trong xã hội và trong đời sống riêng của mình. Như thế là bạn sẽ thực hành tình yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân chân thật.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa

1 nhận xét:

  1. Bài này thật hay, một giới răn quan trọng nhất của Đạo Công Giáo mà nói dễ nhưng cũng rất kh1o thực hiện nếu ko có ơn Chúa giúp.Xin Chúa mỗi ngày luôn dạy con ,luôn ban sức cho con thắng lướt mọi cám dỗ cái tôi..........để con tah61y và gặp dc Chúa qua những người chúng con Gặp Chúa nhé!

    Trả lờiXóa