Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 29 MTN A (16/10/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 29 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Tại Sao Người Công Giáo Bỏ Đạo " của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân.



BỔN PHẬN ĐỐI VỚI THẾ QUYỀN VÀ THẦN QUYỀN
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Bổn phận công dân

"Có được phép nộp thuế cho Xêda không?" Có nhiều từ trong câu hỏi này cần được giải thích thêm cho rõ:

Thuế: không phải chỉ có ý nói tới việc đóng thuế, mà còn bao gồm tất cả những gì thuộc bổn phận công dân như: yêu nước, góp phần xây dựng đất nước, tuân thủ luật pháp, tùng phục chính quyền...

Xêda: đối với hoàn cảnh lịch sử riêng thời Ðức Giêsu thì Xêda chỉ chính quyền đang đô hộ đất nước Do Thái. Còn đối với hoàn cảnh chung của mọi thời thì chữ Xêda này nên được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ chính quyền cách chung.

Có được phép không: Ðộng từ "được phép" ở thể thụ động, gián tiếp muốn hỏi Thiên Chúa có cho phép không.

Như thế ý nghĩa của câu hỏi này là: Theo ý Thiên Chúa thì người tín hữu có bổn phận gì đối với đất nước và chính quyền không?

Câu trả lời của Ðức Giêsu "Của Xêda hãy trả cho Xêda" là nền tảng giáo lý về bổn phận công dân: người tín hữu của Chúa cũng là công dân của một đất nước, cho nên phải chu toàn mọi bổn phận công dân một cách đầy đủ và gương mẫu.

Không phải vì là thần dân của Vua Giêsu và là công dân của Nước Trời mà người tín hữu không còn bổn phận gì đối với đất nước và chính quyền trần gian, bởi vì Nước Trời mà Vua Giêsu thành lập "không thuộc thế gian này" cho nên cũng không chống lại nước và chính quyền trần gian.

Chính Ðức Giêsu đã làm gương chu toàn bổn phận công dân: cha mẹ Ngài đã vâng lệnh hoàng đế để về quê quán khai tên (Lc 2,3-5); Ðức Giêsu bảo Phêrô đóng thuế cho ông và cho Ngài (Mt 17,24-27).

2. Lợi riêng và ích chung

Người Việt Nam nói chung và người tín hữu Việt Nam nói riêng có một thiếu sót rất lớn, đó là không tích cực đóng góp cho lợi ích chung.

Những thể hiện: trốn thuế, gian lận để giảm thuế, ăn cắp của chung, không quan tâm giữ gìn tài sản chung của xã hội, ngại đóng góp để bảo trì hoặc tu sửa nhà thờ, không nhiệt tình góp "tiền rỗ" trong các thánh lễ...

Thiếu sót ấy có lẽ phát xuất từ một cách suy nghĩ rằng mình không có bổn phận gì đối với việc chung và ích chung. Từ suy nghĩ ấy, mỗi lần bỏ ra chút ít gì cho ích chung thì cho rằng đó là một việc thi ơn, một việc từ thiện.

Suy nghĩ ấy hoàn toàn sai. Góp phần cho ích chung không phải là việc tuỳ ý mà là bổn phận, không phải là bố thí mà là công bằng, bởi vì mình được thụ hưởng ích chung cho nên theo công bằng mình phải đóng góp vào đó.

Những công dân và tín hữu có trình độ suy nghĩ trưởng thành ở một số nước khác đều rất ý thức bổn phận này: đối với đất nước, họ quan tâm đóng thuế đầy đủ; đối với Giáo Hội, mỗi lần dự lễ họ đều góp "tiền rỗ", thậm chí có người ít đi lễ mà cũng gởi tiền góp vào quỹ xứ đạo...

3. "Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa"

Vế thứ hai trong câu Ðức Giêsu trả lời là một lời nhắc nhở cho những kẻ muốn gài bẫy Ngài. Họ đều là tín đồ Do Thái giáo nhưng họ mải mê lo chuyện chính trị, kẻ thì phò theo chính quyền Rôma, người thì chống lại. Họ lại còn muốn lôi Ðức Giêsu vào vòng tranh chấp chính trị của họ nữa. Ðang khi đó thì họ rất thờ ơ với bổn phận đới với Thiên Chúa. Bởi thế Ðức Giêsu nhắc: việc chính trị thì cứ lo, nhưng đừng quên bổn phận đối với Thiên Chúa.

Ta thường nghe nói "tốt đời đẹp đạo". Xét cho cùng, một người tín hữu có "đẹp đạo" trước thì mới dễ "tốt đời" sau, bởi vì chính "đạo" vừa dạy vừa giúp ta cách sống tốt ở "đời".

4. Chuyện minh họa

a/ Ngày nay, hai chữ "chính trị" thường được hiểu theo nghĩa xấu, "làm chính trị" bị coi là một việc nguy hiểm, như những chuyện sau đây:

- Hai vợ chồng nhà kia sinh được cậu quí tử. Ngày cậu thôi nôi, một người bạn góp ý thử xem tương lai cậu ra sao. Họ đặt trên bàn một cây vàng, một cuốn Thánh Kinh. một chai rượu và xem cậu chọn cái gì. Nếu cậu chọn vàng thì tương lai sẽ là thương gia. Nếu chọn Thánh Kinh thì là linh mục. Nếu chọn chai rượu thì cuối cùng chỉ là anh chàng bét nhè.

Rồi họ đưa cậu vào. Cậu lấy cây vàng đút túi, kẹp cuốn sách vào nách và ôm chai rượu bước ra. Thấy thế, người chồng bảo vợ: "Tốt lắm! Nhất định sau này nó sẽ là một nhà chính trị!"

- Ba người chết và về trời cùng ngày. Người thứ nhất là giáo hoàng, người thứ hai là linh mục và người thứ ba là một chính trị gia.

Thánh Phêrô dẫn họ vào thiên đường: giáo hoàng và linh mục ở trong hai túp lều nhỏ, còn nhà chính trị gia vào tòa nhà lớn.

Cả linh mục và giáo hoàng cung kính hỏi xem tại sao hai tôi tớ trung thành như họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc ở nơi không hấp dẫn, trong khi nhà chính trị được sống trong tòa nhà vĩ đại.

Thánh Phêrô trả lời: "Này các con, ở đây đã có nhiều linh mục và giáo hoàng. Nhưng đây là nhà chính trị đầu tiên của chúng ta".

b/ Nhưng tham gia chính trị và làm chính trị cũng là bổn phận công dân của người tín hữu. Sau đây là những tấm gương của một số tín hữu làm chính trị để phục vụ cho quyền lợi đồng bào và nhân loại:

- Dag Hammarskjold, tổng thư ký Liên hợp quốc, chết trong một tai nạn máy bay năm 1961 đang lúc ông đi thăm vùng Trung Phi. Ông không nghĩ việc ông làm chính trị là phương tiện thăng tiến xã hội, mà là thi hành ơn gọi làm tín hữu của ông. Ông nói: "Thờ ơ trước sự ác còn tệ hơn chính sự ác nữa; trong một xã hội tự do, kẻ phạm tội chỉ là một số ít, nhưng tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm về tội phạm của họ"; "Không một lối sống nào thỏa mãn hơn sống mà phục vụ vô vị lợi cho đất nước và nhân loại".

- Gandhi nói: "Tôi làm chính trị vì tôi không thể tách rời cuộc sống với niềm tin của tôi. Vì tôi tin Thượng Ðế nên tôi bước vào chính trị. Làm chính trị là cách tôi phụng sự Thượng Ðế".

Thiên Chúa là Cha nhân từ. Người dựng nên trời đất muôn vật, và lúc nào cũng: quan tâm chăm sóc hết thảy mọi loài. Lạy Chúa, Chúa đã thương ban cho chúng con một non sông gấm vóc, một tổ quốc hào hùng, một dân tộc quật cường, một đất nước nhiều tiềm năng về mọi mặt. Xin cho chúng con biết hết lòng yêu mến và bảo vệ tổ quốc chúng con.Amen.

Thánh Ca : Nếu Chúa Là


MỘT LÁ PHIẾU
Cha Mark Link, S.J.

Trước đây không lâu, bà Ann Landers có đăng một lá thư của độc giả trong mục thư tín và đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Lá thư ấy của một người ở Missouri báo động về tình trạng ngày càng gia tăng số người sống ở Hoa Kỳ nhưng không sử dụng quyền bỏ phiếu của mình.

Họ bào chữa rằng, "Lá phiếu của tôi chẳng đáng kể, sao lại phải đi bầu?" Và vì những người này không muốn bỏ phiếu nên họ cũng không thực sự lưu tâm đến các vấn đề và các ứng cử viên.

Lá thư này tiếp tục trích dẫn một bài viết trong cẩm nang bầu cử. Tựa đề của bài là "Một Lá Phiếu Quan Trọng Như Thế Nào?" Tôi xin chia sẻ một vài thí dụ về sự quan trọng của một lá phiếu trong lịch sử quốc gia chúng ta.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1776, ngôn ngữ chính thức của Hiệp Chủng Quốc đã là tiếng Đức chứ không phải tiếng Anh.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1845, tiểu bang Texas đã không thuộc về Hiệp Chủng Quốc.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1876, Rutherford Hayes đã không đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Không cần phải nói nhiều; vấn đề thì rất rõ ràng. Khi một người sử dụng quyền bầu cử của mình, lá phiếu ấy sẽ tạo nên sự khác biệt lớn lao.

Điều từng đúng với Hoa Kỳ thì cũng đúng với các quốc gia khác trên thế giới.

Chỉ một lá phiếu đã giúp ông Oliver Cromwell kiểm soát toàn thể Anh Quốc năm 1645.

Chỉ một lá phiếu đã khiến Vua Charles I của Anh Quốc bị xử tử vào năm 1649.

Chỉ một lá phiếu đã thay đổi toàn thể nước Pháp từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa vào năm 1875.

Vào năm 1923, Adolf Hitler trở nên lãnh tụ Đức Quốc Xã bởi một lá phiếu.

Hãy nghĩ xem, nếu không có một lá phiếu ấy, sáu triệu người Do Thái đã không bị chết trong cuộc diệt chủng tồi tệ nhất lịch sử.

Hãy nghĩ xem, nếu không có một lá phiếu ấy, Thế Chiến II, với tất cả những đau thương tang tóc, có lẽ đã không xảy ra.

Không cần phải nói nhiều. Vấn đề thì hiển nhiên một cách tang thương. Có thể nói, một lá phiếu có thể thay đổi cả thế giới.

Bài Phúc Âm hôm nay chất chứa một thông điệp quan trọng cho mỗi một Kitô Hữu.

Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ rằng chúng ta có hai tư cách công dân. Chúng ta là công dân của hai thế giới: công dân ở mặt đất và công dân của nước trời.

Và vì tính cách công dân song đôi ấy, chúng ta có trách nhiệm đối với cả hai thế giới: đối với Thiên Chúa và đối với nhà cầm quyền.

Hai trách nhiệm này như hai mặt của một đồng tiền. Thiếu chu toàn bổn phận của một công dân, có thể nói, đưa đến việc sao nhãng bổn phận của một Kitô Hữu.

Chúng ta có trách nhiệm thật lớn lao để giúp nền hành chánh trong nước đừng rơi vào tay của các nhà lãnh đạo ích kỷ và không xứng đáng.

Nói về trách nhiệm này, Thánh Phêrô viết trong Thư I: "Hãy vinh danh Thiên Chúa và tôn trọng vua" (1 Phêrô 2:17).

Và tương tự Thánh Phaolô cũng viết cho tín hữu ở Rôma:

"Mọi người phải tôn trọng nhà cầm quyền... Vậy hãy trả những gì anh chị em còn thiếu họ; hãy nộp thuế cá nhân và thuế bất động sản, và hãy tỏ lòng tôn trọng và vinh danh họ" (Rom 13:1, 7).

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng sau cùng. Điều gì sẽ xảy ra khi tính cách công dân song đôi khiến chúng ta ở vào tình trạng xung đột giữa Thiên Chúa và quốc gia?

Chúng ta hy vọng là điều này sẽ không bao giờ xẩy ra. Nhưng nếu có, chúng ta phải giải quyết sự xung đột trong một phương cách mà chúng ta không thể làm thiệt hại trách nhiệm chính yếu của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Người tín hữu Kitô đã từng thi hành điều này trong lịch sử.

Trong thời La Mã họ đã phải thi hành điều ấy khi hàng ngàn Kitô Hữu chấp nhận cái chết hơn là thờ cúng hoàng đế.

Trong thế kỷ 17, họ đã thi hành điều ấy khi hàng ngàn Kitô Hữu Âu Châu phải di cư sang Hoa Kỳ để sống đức tin.

Và trong thời đại ngày nay vẫn còn những Kitô Hữu thi hành điều ấy.

Hãy nghĩ đến trường hợp của ông Franz Jaeggerstatter, một nông dân người Áo có ba con nhỏ.

Trong những thập niên 1930, ông đã chống đối Hitler khi Đức Quốc Xã xâm lăng nước Áo và Hitler tổ chức một cuộc bầu cử giả mạo để chứng tỏ rằng họ đã đồng ý với hành động của Hitler. Ông Jaeggerstatter là người duy nhất trong làng chống đối Hitler.

Và khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1939, ông Jaeggerstatter từ chối không gia nhập đạo quân của Hitler. Ngay cả khi được cho phục vụ trong thành phần không trực tiếp chiến đấu, ông cũng từ chối.

Sau cùng, vào ngày 2 tháng Tám 1943, ông đã bị bắt và bị xử tử.

Ông Jaeggerstatter có hai bổn phận, một đối với Thiên Chúa và một đối với quê hương ông. Khi các bổn phận này xung đột trong lương tâm, ông đã chọn trung thành với bổn phận chính yếu: đối với Thiên Chúa.

Và vì thế, trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về hai bổn phận đối với Thiên Chúa và với quê hương.

Chúng ta hy vọng bổn phận song đôi này không bao giờ xung đột trong lương tâm của chúng ta. Nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng ta phải giải quyết như ông Jaeggerstatter đã làm, không làm thiệt hại đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Hãy kết thúc với lời cầu nguyện của Tổng Thống Thomas Jefferson cho quê hương chúng ta:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã ban cho chúng con phần đất này để làm di sản ...
Xin chúc lành cho quê hương chúng con ...
Xin gìn giữ chúng con khỏi những xung đột ...
và khỏi mọi phương cách xấu xa.
Xin hãy bảo vệ sự tự do của chúng con ...
Xin ban Thần Khí khôn ngoan cho những người mà vì danh Chúa chúng con giao phó quyền cai trị cho họ ...
Khi được thịnh vượng xin lấp đầy tâm hồn chúng con với lời tạ ơn,
và khi gặp khó khăn xin đừng để sự tín thác của chúng con vào Ngài bị thất bại.

Thánh Ca : Một Thân Phận - Một Đời Người


CHÚNG TA LÀ NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Hàng bao ngàn năm đã có những khó khăn cần được giải quyết trong liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước, quyền cai quản dân sự và quyền cai quản của Thiên Chúa. Đã hàng bao ngàn năm người ta đã cố gắng hòa giải, một là cùng làm việc với nhau như một thể chế, hoặc là phân cách riêng biệt ra, nhưng chưa thấy có giải quyết nào thỏa đáng.

Chúng ta quay trở về thời Mai-sen khi ông và dân Do Thái đang bị lưu đầy ở Ai-cập. Thiên Chúa đã can thiệp để giải cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ lầm than và đưa họ ra khỏi Ai-cập để vào đất hứa. Những năm khác, khi Đế Quốc Rô-ma đến thống trị toàn miền Me-di-te-rra-ne-an và những miền đất khác trong vùng đó, và đã chiếm Palestine hay Israel hoặc bất cứ lãnh thổ nào ở miền đó. Luôn luôn có sự xung khắc giữa người Do Thái và chính quyền của Đế Quốc Rô-ma. Đi lần theo các thế kỷ chúng ta sẽ thấy luôn có sự xung khắc xẩy ra. Hãy nhìn vào những nhà độc tài Cộng Sản Liên Bang Nga, những người đã thống trị đa số khối Đông Âu và Á Châu. Họ đã mang vào chủ thuyết vô thần đến độ đã chối bỏ không chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không nói đến quyền cai quản của Ngài. Chủ thuyết Nazism, Đức Quốc Xã, cũng đã làm như thế. Và nếu các bạn đi đến miền Phi Châu thì sẽ thấy nhiều quốc gia đã được giải thoát hỏi thể chế chư hầu và bây giờ đang thành lập chính phủ tự trị. Trong nhiều quốc gia đó, họ theo thể chế Hồi Giáo và không cho phép một tôn giáo nào khác hoạt động. Ngày nay đang xẩy ra như thế, ngay trong những phần đất ở Phi Châu nơi các linh mục, nữ tu và các người Công Giáo đang bị mưu sát chỉ vì họ là những người Công Giáo chứ không phải là người Hồi Giáo. Và nếu bạn có thể hình dung ra xem như thế nào ở bên Trung Đông đối với những người Do Thái, người Palestine, người Lebanon và người Syria, nếu bạn có thể hình dung ra tất cả, chúng tôi sẽ để bạn làm tổng thống; bởi vì chưa có ai có thể giải quyết được vấn đề đó. Những khó khăn này đã tồn tại lưu truyền từ qúa khứ và sẽ tiếp tục ở tương lai.

Trách Nhiệm Bầu Phiếu

Trong thời gian nữa chúng ta sẽ quyết định ai là người lãnh đạo guồng máy chính phủ. Một quyết định phải làm để lựa chọn đó là xem xét tư cách luân lý của ứng cử viên như thế nào, nhân phẩm của họ ra sao, họ có thành thật không, liệu họ có giữ những điều họ hứa hẹn sẽ làm hay không? Thượng nghĩ sỹ này hay thượng nghị sỹ kia nói là họ sẽ làm điều này, họ có thi hành đúng theo lời họ hứa hẹn không? Họ có thành thật không? Họ có thẳng thắn không? Ứng cử viên này nói thế này, ứng cử viên kia nói thế kia và bạn phải quyết định lựa chọn. Họ có cưỡng ép quyền lợi của bạn không? Họ có lấn quyền của Thiên Chúa không?

Chúng ta thấy là chính quyền của đất nước này đang làm những quyết định gọi là những quyết định hợp pháp nhưng thực ra đó lại là những quyết định thuộc luân lý. Những quyết định đó thuộc lãnh vực của Thiên Chúa chứ không thuộc quyền chính phủ dân sự. Chính phủ dân sự luật pháp hóa việc phá thai, giới thiệu hướng dẫn các phương tiện ngừa thai trong các trường tiểu học và trung học, làm ngơ cho phép những hoạt động và các chương trình vô luân lý.

Tuy chúng ta coi như có sự phân cách giữa Giáo Hội (tôn giáo) và nhà nước, nhưng thực sự là không có. Do đó nó tùy thuộc ở chúng ta là những cá nhân biết ý thức về trách nhiệm của mình. Chúng ta có ảnh hưởng lớn trên chính phủ của đất nước này, chính phủ của các nước khác, và chúng ta làm điều đó bằng cách nắm giữ vững Tin Mừng. Bạn và tôi biết về chân lý giáo huấn của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Chúng ta biết các gía trị luân lý đã được ghi khắc vào đời sống chúng ta qua các nhân đức của các Bí Tích, qua các phương tiện đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, và chúng ta biết là mình có thể đem nó vào xã hội của chúng ta. Chúng ta sẽ không thay đổi đất nước qua một đêm nhưng chúng ta có thể thay đổi con người. Chúng ta có thể thay đổi họ bởi vì chúng ta phải nhìn nhận sự thật là bạn và tôi là các nhà truyền giáo.

Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo

Hôm nay là ngày Chúa Nhật Truyền Giáo. Không phải chỉ ở đất nước của chúng ta, nhưng trên toàn thế giới, Giáo Hội Công Giáo mừng ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Hoàn Cầu. Các bạn được nhắc bảo để cầu nguyện cho Giáo Hội ở trần gian, và tiếp tục hỗ trợ Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo trên toàn thế giới. Sẽ có cuộc quyên tiền lần thứ hai hôm nay; tiền thu được sẽ được gởi lên Đức Thánh Cha, và ngài sẽ phân phối đến các nước trên thế giới để giúp cho công việc truyền giáo đang phát triển. Ở Nga và ở những nước Cộng Sản nơi mà Giáo Hội đã bị ngăn cản cấm cách nhiều thập niên, Giáo Hội sẽ giúp để cung ứng cho các chương trình truyền giáo. Nhưng các bạn và tôi chúng ta phải là những nhà truyền giáo. Chúng ta là các nhà truyền giáo trong đời sống hàng ngày. Chúng ta là các nhà truyền giáo do việc chu toàn tuân giữ giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội Ngài, và sống thực hành những nguyên tắc này mỗi ngày; mang chúng theo mình khi chúng ta đi bầu cử, mang chúng theo khi chúng ta đi chợ, mang chúng theo khi chúng ta đi làm hay khi đến trường hoặc bất cứ nơi nào chúng ta đến. Chúng ta là Giáo Hội. Khi Giáo Hội lan rộng. Nước Thiên Chúa sẽ lan rộng chỉ khi nào các nhà truyền giáo như chúng ta chu toàn trách nhiệm của mình. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm luân lý đem Giáo Hội đến với thế giới. Giáo Hội và nhà nước sẽ luôn luôn phân cách nhưng chúng ta có thể sống trong đất nước trần thế và đem Nước Chúa đến với người khác. Đó là trách nhiệm của các bạn và của tôi.

Thiên Chúa đã hứa rằng nước của Ngài sẽ đến và sẽ tồn tại mãi mãi. Nước của Ngài sẽ đến khi chúng ta mang nó đến các phố chợ, vào trong guồng máy chính phủ, trên thế giới, bất cứ nơi đâu Thiên Chúa muốn chúng ta đến. Nước Thiên Chúa sẽ là một thực tại trên trái đất và sẽ tiếp tục cho đến muôn đời.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét