Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 21 MTN A (21/08/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 21 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Trận Chiến Đức Tin" của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân.



NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM CHÚA TRAO
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Mỗi người chúng ta cũng là một viên đá sống động

Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng Thánh Phêrô đã được Ðức Giêsu chọn làm tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó. Nhưng ngoài tảng đá Phêrô, Chúa còn xây dựng Hội Thánh của Ngài trên tảng đá nào khác nữa không? Ðây là một câu hỏi thú vị. Câu hỏi thú vị này lại có câu trả lời thú vị không kém, mà lại là câu trả lời của chính tảng đá Phêrô: Thưa có, mỗi kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội Thánh. Nguyên văn câu nói của Phêrô trong thư thứ nhất của ngài là: "Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Ðền thờ thiêng liêng" (1 Pr 2,5)

Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền xây dựng Hội Thánh mà chia quyền ấy cho mọi kitô hữu. Công đồng Vaticanô II cũng nói không khác với Phêrô: mọi kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội Thánh, mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của mình.

Có một bài cầu nguyện rất đặc biệt mà tôi đã đọc trong một quyển sách. Tôi không còn nhớ tựa đề quyển sách đó, cũng không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ nội dung lời cầu nguyện ấy mặc dù không nhớ kỹ từng lời. Ðó là lời cầu nguyện của một viên gạch. Viên gạch này nằm sát chân tường. Ðôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng nó chợt nảy ra những so sánh, những ước ao, và nó cầu nguyện như sau:

Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch xây mặt tiền, hãnh diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường.

Nhưng viên gạch ấy suy nghĩ, rồi nó cầu nguyện thêm: Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con, con vui với nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập. Mặt tiền xinh đẹp kia không còn, cánh cửa xinh đẹp kia không còn, phòng khách xinh đẹp kia cũng không còn.

2. Xây nhà trên đá

Bài Tin Mừng về việc Chúa chọn Phêrô làm đá tảng xây dựng Hội Thánh khiến ta liên tưởng tới một đoạn Tin Mừng khác, Ðức Giêsu nói về việc xây nhà trên đá (Mt 7,24-27).

Xây nhà trên đá là gì? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa và nhất là sau đó đem Lời Chúa ra thi hành. Ðức Giêsu bảo người đó là người khôn. Còn kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thi hành lời Chúa thì giống như người ngu xây nhà trên cát.

Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên, làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống Lời Chúa.

3. Ðừng là gánh nặng cho nhau, mà hãy là đá để thành chỗ dựa cho nhau

Trong cuộc sống chung, khi mọi việc đều êm xuôi tốt đẹp thì hòa thuận yêu thương nhau rất là dễ, hạnh phúc như đang bao bọc chung quanh mình. Nhưng khi khó khăn xảy đến thì mọi người đều buồn phiền, bực bội, gắt gỏng... Một chuyện nhỏ cũng có thể gây nên một xung đột lớn. Tại sao thế?

Thưa vì trong những lúc khó khăn như thế, người ta chỉ còn nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không còn nghĩ đến người khác, người ta chỉ nhớ rằng người khác phải có trách nhiệm với mình mà quên rằng mình cũng có trách nhiệm với người khác.

Ai nấy cũng đã khổ rồi, sao còn vô tình làm khổ nhau thêm? Phải chi mỗi người nhớ đến trách nhiệm của mình để đến an ủi người khác, san xẻ gánh nặng của người khác, và trở thành chỗ dựa cho người khác thì tốt hơn biết mấy!

Hạnh phúc không phải do thụ động chờ mà tới. Hạnh phúc phải do con người xây dựng, người này xây dựng cho người kia, mọi người xây dựng cho nhau.

4. Chuyện minh họa

a/ Trách nhiệm âm thầm

Có một người làm công, ngày ngày đi quét lá rừng rụng xuống, gom lại một nơi rồi hốt đi. Một hôm một đoàn người lên rừng chơi, thấy người quét lá họ rất đỗi ngạc nhiên, và họ càng ngẩn ngơ khi biết rằng chính Hội đồng Thành phố đã thuê với số lương 7000 đồng một tháng.

Sau một hồi vãng cảnh, đoàn người trở về. Một số người tìm đến ông Chủ tịch Hội đồng thành phố đề nghị hủy bỏ phụ khoản chi tiêu cho việc quét lá rừng vì quá vô ích. Ông Chủ tịch cũng như Hội đồng chẳng hiểu căn do của phụ khoản kia, vì họ chỉ làm theo truyền thống, nên cuối cùng quyết định không thuê người quét lá rừng nữa.

Ngay giữa thành phố có một cái hồ rộng lớn, nước trong xanh, cây to in bóng mát, người qua lại dập dìu. Mọi người ca tụng nó là viên ngọc trai điểm trang cho thành phố. Nhưng lạ thay, một tháng sau ngày người quét lá rừng nghỉ việc, nước hồ trở nên đục ngầu bẩn thỉu, không còn thấy bóng người hóng gió ngoạn cảnh, quán xá bên bờ hồ vắng tanh... Cả thành phố trở nên buồn tẻ mà không hiểu tại đâu. Hội đồng Thành phố nhóm ngay phiên họp bất thường để tra xét hiện tượng trên. Và sau cùng họ tìm ra nguyên nhân: do người phu quét là rừng nghỉ việc nên lá rừng rụng xuống, gió đùa lá bay tứ tung trên mặt đường, rồi rơi xuống hồ nước trong xanh, gây nên tình trạng ô nhiễm... Và ngay hôm đó họ tái dụng người phu quét lá với số lương còn cao hơn xưa. (Trích "Phúc") .

b/ Trung thành với trách nhiệm

Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: "Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên" (Drinkwater).

Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công cuộc cứu độ của Người. Lạy Chúa, theo Thánh Gioan Tông đồ, tin không phải là tuân giữ một số điều răn, nhưng là gắn bó và dấn thân theo Chúa. Xin cho tất cả chúng con biết cố gắng sống trọn vẹn niềm tin mà thánh Gioan đã nhắc nhở chúng con. Amen.

Thánh Ca : Tâm Tình Ca


GIÁO HỘI
Cha Mark Link, S.J.

William Barclay là một thần học gia nổi tiếng người Tô Cách Lan. Ông đã đưa thần học xuống mức độ mà người trung bình có thể hiểu được bằng cách dùng những thí dụ và câu chuyện cụ thể.

Một trong những câu chuyện của ông liên quan đến một tù trưởng già người Phi Châu, đang có mặt trong buổi cầu nguyện sáng Chúa Nhật cùng với các bộ tộc người Ngoni, Senga và Tumbuka-giống như chúng ta bây giờ.

Bỗng người tù trưởng này nhớ lại thời trai tráng, khi ông thường thấy cảnh các chiến sĩ Ngoni-sau một ngày chém giết-rửa sạch máu của người Senga và Tumbuka dính vào vũ khí cũng như thân thể.

Sự tương phản giữa điều ông thấy lúc trước và bây giờ thì thật khác biệt như ngày và đêm.

Sáng hôm đó, người tù trưởng già mới hiểu được thế nào là Hội Thánh mà trước đây ông không thể nào hiểu nổi. Đó là hoạch định của Thiên Chúa cho nhân loại. Theo lời của Thánh Phaolô:

"Hoạch định này... là đem mọi tạo vật về với nhau... với Đức Kitô là đầu" (Ephêsô 1:10).

Như thế, "giai đoạn đầu" của hoạch định Thiên Chúa là tạo nên vũ trụ. Nó báo trước về Hội Thánh cũng giống như hoa nở báo trước về các quả sẽ nẩy sinh.

"Giai đoạn hai" của hoạch định Thiên Chúa xảy ra khi loài người phạm tội. Thiên Chúa đã cho loài người một cơ hội thứ hai.

Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã đưa dân Do Thái thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập và đến núi Sinai. Ở đây Thiên Chúa đã hình thành một giao ước với họ, biến họ thành "dân tộc được chọn."

Vai trò của họ trong hoạch định của Thiên Chúa là chuẩn bị con đường cho sự giáng thế của Đức Giêsu.

"Giai đoạn ba" của hoạch định Thiên Chúa bắt đầu với sự giáng thế của Đức Giêsu. Vai trò của Người là cứu chuộc nhân loại và "gieo" Triều Đại Thiên Chúa trên trái đất.

Để Triều Đại Thiên Chúa được phát triển dễ dàng, Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh, khi nói: "Phêrô, con là đá, và trên đá này... Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (Mt 16:18).

Hội Thánh sẽ là dấu hiệu và khí cụ mà qua đó Triều Đại Thiên Chúa sẽ lan tràn trên toàn thế giới.

"Giai đoạn bốn" trong hoạch định Thiên Chúa xảy ra sau khi Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết và lên trời. Người đã sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ như đã hứa, khi Người nói:

Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dậy bảo các con tất cả và giúp các con nhớ tất cả những gì Thầy đã nói với các con. (Gioan 14:26)

Vai trò của Chúa Thánh Thần là đưa những người theo Chúa Giêsu thành một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vì vậy, Thánh Phaolô viết:

Tất cả chúng ta... được thanh tẩy thành một thân thể bởi cùng một Thánh Thần. Chúng ta là một thân thể trong sự hợp nhất với Đức Kitô... Người là đầu của thân thể Người, là giáo hội; Người là nguồn của sự sống thân thể Người. (1 Cor 12:13; Colossê 1:8).

Thánh Augúttin đã đưa sự so sánh này:

Linh hồn đối với thân xác thế nào thì Thánh Thần cũng như vậy đối với Thân Thể Đức Kitô, là Hội Thánh.

Linh hồn làm cho mọi phần tử của thân thể sống động.

Cũng như vậy, Thánh Thần làm cho mọi phần tử của thân thể Đức Kitô, là Hội Thánh, được sống động với ơn Chúa.

Do đó, Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Êphêsô:

Anh chị em... được xây trên một nền móng là các tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su.

Người là đấng duy trì toàn thể công trình xây dựng với nhau và làm cho nó vươn lên thành ngôi đền thánh dâng hiến cho Thiên Chúa. Êphêsô 2:19-21

Và vì vậy, Hội Thánh là trung tâm của hoạch định Thiên Chúa cho loài người.

Nó được báo trước trong sự tạo dựng, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thiết lập bởi Đức Giêsu, và được hình thành nên một Thân Thể của Đức Kitô phục sinh, bởi Chúa Thánh Thần.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng mà không thể nào quên được.

Hội Thánh thì không giống như bất cứ tổ chức nào trên trái đất. Nó có hai chiều kích: thần thánh và nhân bản.

Chiều kích thần thánh thì không gì khác hơn là chính Đức Kitô, Người là đầu và là nguồn sức sống.

Chiều kích nhân bản là phần tử của Hội Thánh. Chính là anh chị em và tôi.

Qua đời sống chứng nhân và thờ phượng, chúng ta giúp Đức Kitô hiện diện trong thế giới ngày nay.

Nhưng chiều kích nhân bản của Hội Thánh thì lại giống như bất cứ con người nào. Nó có những khuyết điểm của con người--ngay cả những người được chọn là tông đồ.

Vì vậy, Hội Thánh không luôn luôn trưng ra được "diện mạo của Đức Kitô" cho thế giới, như nó phải như vậy.

Nói cách khác, Hội Thánh thì giống như mỗi người chúng ta. Nó vẫn phấn đấu để trở nên điều mà Thiên Chúa đã mời gọi nó trở thành.

Ở đây trên trái đất, Hội Thánh sẽ luôn luôn là một pha trộn giữa ánh sáng và tăm tối.

Ở đó sẽ luôn luôn có đủ ánh sáng cho những ai muốn nhìn thấy "diện mạo" của Đức Kitô trong Hội Thánh. Và ở đó cũng có đủ tối tăm cho những ai có ý định trái ngược.

Và đó là điều phải xảy ra. Ánh sáng không bao giờ trùm lấp chúng ta và lấy đi sự tự do của chúng ta. Nó chỉ mời gọi chúng ta, tôn trọng sự tự do của chúng ta.

Hãy kết thúc với một bài thơ đã tóm lược hoàn cảnh của Hội Thánh như hiện nay trên trái đất.

Bài thơ viết:

Tôi nghĩ không thể nào tôi thấy được một giáo hội mà nó phải như vậy:

Một giáo hội mà các phần tử không bao giờ lạc lối ngoài con đường thẳng và chật hẹp.

Một giáo hội không bao giờ có hàng ghế còn trống trải, các mục tử không bao giờ chán nản...

Những giáo hội tuyệt hảo như thế có lẽ có đấy, nhưng tôi chưa bao giờ được biết.

Dù vậy, chúng ta vẫn hoạt động và cầu nguyện và hoạch định để biến chính giáo hội của chúng ta trở nên tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể.

Thánh Ca : Một Thân Phận Một Đời Người


THĂM DÒ Ý KIẾN
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Khoảng hai tuần trước, Đảng Cộng Hòa có Đại Hội đảng, họ đã reo hò cổ động về nhiều vấn đề. Ngày mai thì Đảng Dân Chủ có đại hội của họ, và tôi nghĩ là có khoảng ba hay bốn đảng nhỏ khác cũng đã có đại hội riêng của họ. Kết qủa của các cuộc đại hội này chẳng có cái gì cả ngoài việc thăm dò ý kiến dư luận. Ngày nào cũng có những thăm dò dư luận về điều này điều nọ, và ứng cử viên này tăng bao nhiêu điểm, ứng cử viên kia thụt lùi bao nhiêu điểm. Tất cả chỉ là thăm dò dư luận. Có những thứ bạn có thể có ý kiến thế nào cũng được. Thí dụ, có những cuộc thăm dò dư luận như, “chúng ta nên tăng thuế hay giảm thuế?” Như thế có nghĩa là gì? Họ sẽ thu tiền của bạn cách này hay cách khác. Lại có thăm dò dư luận như, “Ai là người có tài diễn thuyết khá hơn?” Và có những thăm dò dư luận về điều này điều nọ mà chúng thực sự chẳng có thể làm gì khác biệt hơn.

Dư Luận

Nhưng có những cuộc thăm dò ý kiến có làm nên khác biệt, ví dụ như thăm dò ý kiến xem “Có chấp nhận cho phá thai không?” Thực ra, đó không phải là vấn đề để có ý kiến. Đó không phải là vấn để ý kiến của bạn hay của tôi.

Thẩm phán Scalia đã phản đối quyết định Casey của Tối Cao Pháp Viện năm 1992 về quyền cho phụ nữ chọn phá thai và quyết định này đã đẩy bang Pennsyvania lùi lại trong nỗ lực ngăn chặn quyền đó. Thẩm phán Scalia đã tranh luận rằng vì Hiến Pháp không nói gì đến việc bảo vệ quyền phá thai, nên tòa án không thể bác nguyện ước của những người muốn hạn chế việc phá thai.

Phá thai không tùy thuộc ở ý kiến dư luận; phá thai là vô luân lý. Không cần biết bạn mổ xẻ thế nào, không cần biết bạn nghĩ gì, nó là điều sai trái, bởi vì Thiên Chúa nói như thế. Có lẽ các bạn đã đọc bài viết của đức Hồng Y Bernadine, ngài nghĩ rằng cần phải có thêm hiệp nhất trong Giáo Hội, do đó chúng ta qui tụ tất cả các nhóm bất đồng lại để tìm ra những đồng quan điểm. Điều đó hoàn toàn sai, bởi vì các bạn không được phép có ý kiến đối ngịch lại với các giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo Hội Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một cách nào đó, đã đặt câu hỏi với dân chúng, “Dư luận như thế nào?” “Người ta bảo Con Người là ai?” Họ đã trả lời, “Người thì bào là Gioan Tẩy Gỉa, người thì bảo là Giê-rê-mi-a, kẻ khác lại nói là E-li-a.” Tất cả những ý kiến đó đều chẳng có gía trị gì, bởi vì Chúa Giêsu Kitô không phải là một trong các vị đó. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Bất kể ý kiến của bạn là gì, bạn phải chấp nhận sự thật Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Điều đó không lệ thuộc vào ý kiến, vì đó là sự thật.

Quyền Bính Giáo Hội

Chúa Giêsu nói với Si-mon Phê-rô, “Con là đá, trên đá này thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy và bất cứ điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và bất cứ điều gì con tha thứ dưới đất thì trên trời cũng tha thứ.” Nói một cách khác, Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của ngài và trao cho thánh Phê-rô toàn quyền cai quản. Ngài đã trao cho Phê-rô và các đấng kế vị, cho tới Đức Giáo Hoàng ngày nay, toàn quyền cai quản Giáo Hội theo như các giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.

Vấn đề không tùy thuộc ở ý kiến bạn thích hay không thích đức Giáo Hoàng. Giáo Hội đã được thiết lập bởi Thiên Chúa trên nền tảng thánh Phê-rô và các Tông Đồ, và Ngài đã không thiết lập Giáo Hội chỉ ở năm đầu, vài năm đầu, hay vài trăm năm đầu. Ngài đã thiết lập Giáo Hội cho tới ngày tận thế. Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội, Ngài trao cho Phê-rô chìa khóa nước trời và Giáo Hội của Ngài sẽ tiếp tục cho đến ngày tận thế.

Đấng kế vị Thánh Phê-rô ngày nay là Đức Giáo Hoàng và điều gì ngài công bố là đúng luân lý thì đúng luân lý. Điều gì ngài công bố là tín điều đức tin thì là tín điều đức tin. Tất cả chúng ta phải tuân theo quyết định đó chứ không theo ý kiến riêng của mình. Trên thế giới này có những người tuyên xưng là người Công Giáo lại có ý kiến về điều này điều nọ như cho là phụ nữ có thể làm linh mục hay là nên cho phép ly dị, và phá thai là điều hoàn toàn hợp lý. Tất cả các ý kiến đó đều sai; bởi vì chúng đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha của chúng ta, với quyền giáo huấn tối cao của Giáo Hội, đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng là giáo huấn này hay giáo huấn kia là tín điều của Giáo Hội thì chúng ta buộc phải tin. Chúng ta không được quyền ý kiến nữa; chúng ta không thể quyết định là mình thích điều này hay không thích điều kia. Chúng ta có bổn phận tuân theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta phải tuân hành theo lý trí của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng đã được đặt lên bởi Chúa Giêsu Kitô qua thánh Phê-rô và các đấng kế vị với quyền quyết định điều gì là giáo huấn của Giáo Hội và điều gì không phải là giáo huấn của Giáo Hội.

Bởi thế, nếu chúng ta nói là chúng ta thực sự không thích giáo huấn đó, có thể nó không đúng, vì người ta đã thăm dò ý kiến về điều đó; hãy nhớ rằng các cuộc thăm dò ý kiến chẳng có gía trị gì cả. Chỉ có một sự thật là: Đức Giêsu Kitô là Chúa. Ngài đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng là Thánh Phêrô và đã trao cho Phêrô chìa khóa nước trời và nói, “Bất cứ điều gì con cầm buộc sẽ bị cầm buộc và bất cứ điều gì con tha thứ sẽ được tha thứ.” Thánh Phê-rô và các đấng kế vị có cùng quyền như thế suốt hai ngàn năm nay, đã cùng được bảo đảm là Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và gìn giữ các ngài không bị sai lầm trong các vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý.

Tin Trong Hiệp Nhất

Đây là điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta; đây là giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta qua Giáo Hội; do đó, đây là điều chúng ta tin. Điều chúng ta tin sẽ đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi đời đời, nếu chúng ta tuân theo Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Bởi thế, hãy tuân phục đức Giáo Hoàng. Nếu ngài nói điều này là một tín điều của Giáo Hội thì hãy tin là như vậy. Nếu ngài nói là điều gì không hợp luân lý thì hãy tin là như thế. Chúng ta hãy uấn nắn ý riêng của mình đi theo với ý của Thiên Chúa được thể hiện qua quyền bính của Giáo Hội. Nhờ thế chúng ta sẽ không còn lo sợ làm mất lòng Thiên Chúa nữa. Hãy an tâm là đức tin của chúng ta được đặt nền trên tảng đá vững chắc, là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô. Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Cho Con Vững Tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét