Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh ( ngày 22/04/2012 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh " của Giám Mục Phê Rô Nguyễn Khảm.




NHẬN BIẾT CHÚA GIÊSU KITÔ
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. "Biết" và được cứu độ

Vào khoảng cuối thế kỷ I, có một lạc thuyết nổi lên trong Giáo Hội, đó là thuyết Ngộ đạo. Thuyết này đề cao sự hiểu biết ("ngộ") : ai đã đạt đến trình độ hiểu biết cao sâu về Chúa thì sẽ bảo đảm được cứu độ. Ngày nay, có nhiều người cũng lầm tưởng rằng nếu "biết" giáo lý, "biết" lề luật, "biết" Thánh Kinh thì cũng bảo đảm được phần rỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay xóa tan ngộ nhận ấy, cái "biết" có thể mang đến ơn cứu độ là cái "biết" do suy gẫm sách Thánh và kết hợp với Đức Giêsu Thánh thể. Bài trích thư thứ nhất Thánh Gioan cho thấy thêm một điều kiện nữa : không chỉ biết Chúa mà còn phải tuân giữ các giới răn của Ngài nữa thì mới được cứu độ.

* 2. Những cảm nghiệm Emmau

Vào chính ngày Đức Giêsu sống lại, có hai môn đệ chán nản rời Giêrusalem để về làng Emmau. Thánh Luca cho biết tên một người, đó là Clêôpát. Còn người kia thì Luca không nói tên. Chắc chắn không phải vì ông không biết, nhưng có lẽ vì người thứ hai ấy chính là Luca, hoặc cũng có thể vì một lý do gì khác. Ch. Perrot đã đoán lý do khác ấy là : "Người bạn của Clêôpát không được nêu rõ tên nhưng lại mang tên của mọi tín hữu". Nghĩa là, theo suy đoán của Ch. Perrot, Thánh Luca cố ý không nêu tên người môn đệ kia vì muốn coi người ấy là đại biểu của mọi tín hữu. Nói cách khác, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trải qua những cảm nghiệm của người môn đệ ấy.

Vậy chúng ta hãy đi vào tâm trạng của người môn đệ ấy, và chia xẻ những cảm nghiệm của ông.

1. "Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Ngài" : Đây là cảm nghiệm thứ nhất, cảm nghiệm về tình trạng của Đức Giêsu phục sinh. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta. Chỉ có điều là cặp mắt xác thịt của chúng ta không thấy được Ngài, giống như có một bức màn ngăn cách giữa chúng ta với Ngài. Đến một lúc nào đó, nếu Ngài muốn, thì Ngài bỏ bức màn ấy xuống, khi đó không còn gì ngăn cản nữa thì chúng ta sẽ thấy được Ngài. Đối với hai môn đệ Emmau, đó là lúc ở trong lữ quán, "mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài".

2. Vậy nhờ cái gì mà tấm màn ngăn cách chúng ta với Đức Giêsu phục sinh được cất đi để chúng ta nhận ra Ngài ? Cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau cho thấy nhờ hai điều :

a/ Điều thứ nhất là nhờ suy gẫm Sách Thánh : "Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh". Sau này hai ông nhớ lại cảm giác lúc đó : "Dọc đường khi Ngài nói chuyện và giải thích Sách Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao ?".

b/ Điều thứ hai là Bí tích Thánh Thể : "Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài".

Sách Thánh đã làm cho những cõi lòng lạnh giá chán chường bừng cháy lên, Bí tích Thánh Thể khiến cho bức màn ngăn cản cặp mắt xác thịt hạ xuống.

*

Thực ra chúng ta đã nhiều lần đọc Sách Thánh và tham dự Bí tích Thánh Thể. Nhưng tại sao khi đọc Sách Thánh lòng chúng ta không "cháy bừng lên", và khi tham dự Thánh Lễ mắt chúng ta không "mở ra" ? Thưa vì chúng ta đọc Sách Thánh như đọc về Đức Giêsu chứ không phải đọc với Đức Giêsu như hai môn đệ Emmau ; và chúng ta dâng Thánh Lễ như dâng lên cho Ngài chứ không phải cùng dâng với Ngài.

Chúng ta có thể làm mọi việc với Ngài, bởi vì Đức Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngày xưa đối với hai môn đệ Emmau cũng thế và ngày nay cũng vẫn thế.

* 3. Cuộc sống mới của các môn đệ

Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các môn đệ cũng chết luôn, chết về mặt tinh thần và về luân lý : nhóm 12 đã rã rời, vì Giuđa đã tự vẫn, Tôma đã bỏ đi do khủng hoảng đức tin, những người còn lại thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng.

Nhưng ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu phục sinh cũng làm cho họ sống lại : Ngài chủ động đến với họ chứ không chờ họ đi tìm Ngài, Ngài không nói một lời trách móc nhưng lại chúc bình an, Ngài ăn uống với họ để họ tin chắc Ngài vẫn sống, Ngài mở trí cho các ông hiểu ý nghĩa Thánh Kinh, Ngài lại còn sai họ ra đi rao giảng cho muôn dân. Tất cả những việc làm tế nhị và yêu thương ấy đã giúp cho các môn đệ

• không còn sợ hãi
• không còn nghi ngờ
• không còn mặc cảm tội lỗi
• không còn buồn phiền
• không còn thất vọng

Con người cũ của các ông không còn, các ông như được sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người.

* 4. "Hãy nhìn chân tay Thầy"

Một người con kia rất yêu thương cha mình. Người cha là một nông dân, suốt đời cần cù lao động để nuôi sống gia đình. Khi người cha chết đi, lòng người con rất buồn rầu. Anh cứ đứng gần thi thể của cha mà nhìn, nhất là nhìn đôi bàn tay của cha. Anh nói : "Nhìn đôi bàn tay sần sùi chai sạm ấy, tôi nhớ lại tất cả những cực nhọc khổ sở mà cha tôi đã chịu vì yêu thương tôi"

Khi hiện đến với các môn đệ, Đức Giêsu cũng bảo họ hãy nhìn chân tay Ngài, những chân tay không phải chai sạm mà đầy những thương tích. Nhìn không phải chỉ để xác nhận Đức Giêsu hôm nay cũng chính là Đức Giêsu hôm qua bị đóng đinh, mà còn để nhận ra tình thương bao la vô bờ bến của Ngài : "Không có tình thương nào lớn hơn tình của người thí mạng sống cho người mình thương".

Khi hiện ra với Tôma, Đức Giêsu cũng bảo ông hãy chạm đến các vết thương của Ngài, rồi Ngài nói : "Đừng hồ nghi nữa, nhưng hãy tin" (Ga 20,28). Tin gì ? Không chỉ tin là Ngài đã sống lại, mà còn tin vào tình thương của Ngài.

Tình Chúa thương ta là một điều chắc chắn, đã được đóng dấu bằng những vết thương trên thân xác Ngài. Chúng ta hãy tin chắc như thế, không có gì lay chuyển được.

* 5. Biến cố làm đảo lộn lịch sử thế giới

Trong những ngày ấy, có hai người bước trên đường về Emau, một làng cách Giêrusalem vài cây số. Về Emau, có nghĩa là trở về hư vô, về cõi của những niềm hy vọng đã tan vỡ. Họ kiệt lực rồi, họ hết còn mơ mộng, họ cũng đã hết nhiệt tình. Trước đây, họ đã đi theo phong trào Giêsu với tất cả nhiệt huyết, họ cứ chắc mẩm rằng họ sẽ giải phóng thế giới khỏi cái ác, giải phóng dân tộc họ khỏi giới quí tộc Đền thờ và khỏi ách đô hộ La Mã.. Nhưng nay thì hết rồi Thầy đã chết, chết quá dễ dàng không một biểu hiện tự vệ. Các thủ lãnh phong trào Giêsu, những bạn đồng hành thân cận nhất của Thầy, những người mà Thầy tín cẩn, cũng đã lánh mặt vì khiếp nhược, vì thất vọng. Có người thậm chí còn bảo, anh Phêrô nhiệt tình là thế, bao giờ cũng tranh ăn trên nói trước, thế mà người ta bảo anh đã thề độc, đã chứng minh anh không hề quen biết Giêsu.

Thế là hết. Hai anh tưởng đã được tham dự vào một cuộc phiêu lưu độc đáo, khiến cho đời các anh có một ý nghĩa rực sáng, mở ra cho hai anh, mở ra cho mọi người một tương lai chan chứa niềm vui và niềm hy vọng. Vậy mà giờ đây họ chỉ còn những nuối tiếc, hận đời và dằn vật.

Một người khách lạ nhập bọn với hai anh, bảo hai anh kể cho ông ta nghe về những nỗi buồn và niềm bất hạnh của họ. Cái ông khách này là một người hiếm hoi, biết nghe người khác nói. Rồi ông ta giải thích cho hai anh nghe về lịch sử thế giới, bắt đầu bằng kể về ông Môisê và các ngôn sứ. Hai anh thấy lòng ấm dần lên, cởi mở dần ra. Đầu óc của hai anh, chậm hiểu hơn trái tim, chỉ nhận ra Ngài sau khi cùng Ngài chia sẻ bữa tối và sau khi Ngài khuất dạng.

Thế là hai anh quay lại, bước ra khỏi tăm tối và hư vô, trở về Giêrusalem. Những người các anh gặp lại ở Giêrusalem cũng đã từng trải qua những thất vọng não nề... Vậy mà những con người thảm hại ấy bỗng đứng lên, mạnh dạn tuyên bố rằng Đức Kitô đang sống, và bằng chúng thuyết phục nhất là chính họ đã thấy Ngài, thậm chí đã cùng ăn uống với Ngài.

Những điều họ nói, thật ra không phải một bằng chứng bằng chứng thuyết phục nhất là chính họ, những người thấp hèn, nhát gan, ít chữ nghĩa, nay dám đương đầu với mọi hiểm nguy và làm phục sinh lại phong trào Giêsu. Đến đâu họ cũng nhắc lại những lời yêu thương và giải phóng, những lời không hẳn được tất cả mọi người nghe theo, nhưng là những lời đã thay đổi lịch sử thế giới.

Vậy thì, trong những ngày ấy, đã có một biến cố xảy ra, như một vụ bùng nổ, làm xuất hiện niềm tin và thay đổi cuộc đời những người này. Đối với họ, biến cố đã xảy ra đó là, Đức Giêsu đang sống. Đức Giêsu đã phục sinh, và họ đã loan truyền cái tin ấy đến nỗi dám hy sinh cả mạng sống. Chẳng ai có thể đưa ra những bằng chứng để chứng tỏ điều đó. Ai cũng có quyền nghi ngờ. Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã rao giảng thì tôn trọng tự do của con người đến độ đẻ họ nghi ngờ và phủ nhận Ngài... Tuy nhiên, trong những ngày ấy, một biến bố đã xảy ra làm đảo lộn những người đàn ông, những người phụ nữ ấy, và đã làm đảo lộn thế giới. Jacques Duquesne (Nhà văn Pháp)

* 6. Đời sống chứng nhân

Albert Schweitzer là một cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc. Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu Tiến Sĩ Triết Học. Ông làm Hiệu Trưởng trường Đại Học.

Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu trưởng để theo ngành y khoa, 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng Tiến sĩ Y Khoa. Với 3 bằng cấp Tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có, và nổi tiếng.

Thế nhưng, tiến sĩ Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.

Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho bệnh viện của ông ở Lambarene. Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.

Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965 lúc 90 tuổi.

Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người.

Chúng ta hãy là chứng nhân của sự sống mới. Thế giới ngày nay quay cuồng trong nỗi chết. Cái chết của chiến tranh, khủng bố khiến người ta chết không toàn thây. Cái chết của sida, ma tuý làm người ta chết không ra con người. Cái chết của phá thai, tự vẫn như cướp quyền Đấng Tạo Hóa. Người tín hữu Kitô phải làm chứng cho sự sống mới.

Sự sống của Đấng Phục sinh : Lôi cuốn, hấp dẫn gấp ngàn lần nỗi chết quay quắt điên loạn của con người. Sự sống của Đấng Phục sinh tràn đầy niềm hy vọng. Nếu Đức Kitô bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào chiến thắng của Người trên bạo lực, hận thù và nỗi chết.

Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phục sinh.

Đức Hồng Y Danielou có nói : "Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta".

Cha Charles de Foucauld quả quyết : "Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động".

Trong nghi thức rửa tội của Giáo hội Ấn Độ, người chịu phép Rửa tội đặt tay lên đầu và nói : "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr.9,16).

Vậy lời rao giảng Tin mừng sinh động nhất, hữu hiệu nhất và cao đẹp nhất chính là một cuộc đời quên mình phục vụ như nhà truyền giáo Albert Shweitzer đã làm cho những người phong cùi Châu Phi.

Lạy Chúa,
Khi chúng con u sầu, xin đem đến một ai đó để chúng con an ủi. Khi gánh nặng đè bẹp, xin chất thêm cho chúng con gánh nặng của người khác nữa.
Khi chúng con cần sự âu yếm vỗ về, xin cho người khác kêu gọi chúng con đến để vỗ về âu yếm họ.
Xin dạy chúng con trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa phục vụ và yêu thương. Amen.


Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác



CHÚNG TA CẦN ĐỨC TIN
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Trong trường hợp đặc biệt, rất ít xẩy ra, tôi đi ra chợ để mua sắm cái tôi cần. Tôi có ý nói là mua cái tôi cần, như là một đôi vớ hay kem đánh răng hay một thứ gì giống như thế. Tôi luôn luôn ngỡ ngàng khi tôi đi ra chợ và nhìn thấy hàng ngàn vạn mặt hàng trong các cửa tiệm mà tôi không cần và cũng chẳng muốn có. Đối với tôi những thứ đó chỉ là đồ thừa. Ai thèm nó? Tuy thế, ở bất cứ giờ nào trong ngày mà bạn ra chợ, bạn thấy luôn luôn có hàng trăm người đi rảo quanh các cửa hàng với những gói hàng và giỏ đồ mua sắm, mua cái này cái nọ và những món khác.

Tôi tin rằng chúng ta đã đi vào một xã hội nơi mà những cái trước đây chúng ta muốn thì bây giờ chúng lại trở nên những thứ chúng ta nghĩ là cần thiết. Trước đây tôi thường thích có những món đồ chơi, bây giờ tôi cảm thấy mình cần có chúng. “Tôi thật cần phải có cái áo đó, có tất cả những loại mốt áo quần đó, tối cần phải có chúng.” Thực ra, bạn chẳng cần phải có. Đó là cái bạn muốn có. Cái muốn trở thành cái cần. Chúng ta lầm lẫn về cái gì quan trọng và cần thiết và cần phải có và bắt đầu suy nghĩ đến cái hưởng thụ. Thí dụ, hãy ngừng lại và suy nghĩ về tất cả những cái mà bạn có và xét xem bao nhiêu cái bạn thực sự cần thiết. Bạn cần thực phẩm, bạn cần áo quần, bạn cần nơi trú ngụ. Nhưng hãy nhìn đến những cai chung quanh trong nhà của bạn, những đồ trang trí, những kỷ vật nho nhỏ, và thấy bạn có nhiều thứ bạn không cần. Nhưng vì xã hội thời đại sung túc chúng ta cảm thấy chúng ta cần có cái này, có cái kia. Như tôi nói, hầu hết bạn không cần những cái bạn có.

Nhưng có một cái chắc chắn bạn cần, ai cũng cần, chúng ta mọi người đều cần. Chúng ta cần có Đức Tin. Đức Tin là điều tối cần không thể thiếu vắng. Khi nói về đức tin, người ta nghĩ về vài giáo thuyết tôn giáo trừu tượng, vài tư tưởng liên quan đến đời sống tôn giáo hay giáo lý về tôn giáo và như thế cũng có phần đúng.

Thánh Phao-lô, trong thư gởi tính hữu Do Thái, nói, “Không có đức tin, thì không thể làm hài lòng Thiên Chúa.” Nếu bạn bỏ ba chữ cuối của câu nói đó, thì nó nghe như sau, “Không có đức tin thì không thể.” Không thể cái gì? Hầu như là không thể mọi cái nếu không có đức tin. Tôi sẽ đan cử một thí dụ. Ví như bạn là một thương gia và bạn muốn bắt đầu một việc buôn bán. Bạn phải tin đây là cơ hội tốt, một cơ hội có thể sinh lời, việc buôn bán thương mại, sản phẩm hay cách phục vụ của bạn đáp được nhu cầu của khách hàng. Bạn phải tin là mình sẽ thuê mướn được những nhân viên làm việc tín cẩn. Bạn phải tin là có các khách hàng ngoài thị trường muốn mua sản phẩm hay cần đến sự phục vụ mà bạn muốn cung cấp. Bạn cần phải tin. Nếu không thì tại sao lại phải bận tâm lo mở cơ sở thương mại. Nếu bạn không tin là nó sẽ có thể hoạt động được thì bạn sẽ không làm. Nhưng chỉ có tin không thì chưa đủ. Bên cạnh việc có lòng tin, việc buôn bán phải hoạt động được, một thương gia phải học hỏi, ông ta phải dùng tài năng, sức lực, những cố gắng của mình để làm cho cái ông tin trở thành sự thực.

Đúng như vậy, ví dụ, trong việc giáo dục. Chúng ta có nhiều kiến thức sẵn trong thế giới ngày nay. Không một người nào trong chúng ta, ngay cả một nhóm đông trong chúng ta có thể hiểu tất cả các kiến thức hiện có trên thế giới, bởi thế chúng ta cần phải tin là một ai đó sẽ cho chúng ta sự hiểu biết này. Chúng ta phải tin vào người viết sách. Chúng ta phải tin vào thầy cô. Chúng ta phải tin vào hệ thống trường học. Đôi khi việc tin đó không bảo đảm. Chúng ta không được như lòng mong muốn, nhưng vẫn cần phải tin là điều này sẽ được thực hiện. Chúng ta sẽ được giáo dục, và chúng ta sẽ thành công trong đời. Tuy nhiên có niềm tin tưởng như thế chưa đủ. Chúng ta còn phải học hành. Chúng ta phải làm việc; chúng ta phải làm bài thực tập. Chúng ta phải làm tất cả những gì liên quan đến sự thành công, bởi thế có niềm tin không chưa đủ. Chúng ta còn phải đem thực hành và nỗ lực vào trong đó nữa.

Trong tôn giáo cũng đúng như thế. Chúng ta có niềm tin nơi Thiên Chúa. Trong ba bài đọc của Thánh Lễ hôm nay, tất cả đều nói lại việc Đức Giêsu đã truyền dạy rằng ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài đã dẫn chứng ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài đã suy tư và nói với họ rằng “Đây là điều sẽ xẩy ra. Tôi sẽ chịu đóng đinh và sau ba ngày sẽ sống lại từ cõi chết.” Và họ đã không tin. Hậu qủa là họ đã chẳng làm gì cả.

Trong bài đọc Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Thánh Phê-rô nói: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống. Anh em biết điều đó. Các tiên tri đã nói về việc ấy. Anh em tin là Đấng Cứu Thế sẽ đến và chịu khổ hình; tuy vậy khi thời điểm đến để làm theo thì anh em đã không làm. Anh em để cho Ngài bị án tử. Vậy anh em hãy xám hối và trở lại cùng Thiên Chúa. Bây gở Đức Kitô đã sống lại, anh em có đức tin, anh em có thực chất của đức tin; do đó hãy sửa đổi cuộc sống. Quay về với Thiên Chúa, để tội lỗi của anh em được tẩy rửa.

Trong bài đọc hai, thánh Gioan nói: Chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng Bảo Trợ công chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta . . . Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Dùng chữ đức tin thay cho chữ biết ở câu nói trên: Chúng ta nhận ra rằng chúng ta tin Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Chúng ta nhận ra ngay là không phải chỉ tin nhưng còn phải làm. Có Đức Tin nơi Chúa, tin tưởng, chấp nhận và chu toàn các giới răn. Tu sửa cuộc sống.

Bài Tin Mừng cũng nói giống như vậy. Sám hối sửa đổi cuộc sống, tuyên nhận Đấng Cứu Thế, ăn năn đền tội và làm nhân chứng cho Đức Giêsu Kitô. Hãy tin nơi Ngài. Đức Tin là điều cần thiết. Đức Tin không việc làm tốt thì vô dụng.

Hãy hỏi người ta, “Bạn có tin Thiên Chúa không?” “Ô, dĩ nhiên là tin chứ!” “Bạn có phải là người Công Giáo không?” “Có, tôi là người Công Giáo.” “Bạn có tin tất cả các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo không?” “Có, tôi tin chứ.” “Bạn có thực hành các điều đó không?” Đó là chuyện khác. “Bạn có giữ các giới răn không? Bạn có tránh tội lỗi không? Bạn co nhìn nhận điều này và điều nọ là tội lỗi và quyết định không làm theo không? Bạn có nghĩ Thánh Lễ thực sự là hiến tế của Chúa Giêsu trên Thập Giá không?” “Ô, có chứ, tôi tin như vậy.” “Tin như thế thì tại sao lại không đi lễ đúng giờ? Tại sao không ở lại cho đến hết lễ? Nếu bạn thực sự tin, bạn sẽ để tâm chú ý.” Và người ta nói, “Tôi chán nhà thờ. Tôi đi nhà thờ nhưng thấy chán chường.” Đó là vì bạn không nỗ lực để tìm hiểu xem Thánh Lễ là gì, bạn không hiểu bởi vì bạn không thực hành. Không thực hành thì đức tin trở nên vô dụng. Nó chẳng sinh hoa trái gì được.

Đôi khi tôi thấy buồn cười khi gặp những người trong cuộc sống, không nhất thiết là sống buông thả những là hững hờ, và đôi chút lung túng tội lỗi, và họ sám hối thay đổi và trở nên giống như các môn đệ trong bài đọc hôm nay. Khi họ nhận ra đây là Chúa Giêsu Kitô hiện diện ở giữa họ như lời Ngài đã hứa trước đây, thì họ đã rất đỗi vui mừng và ngạc nhiên. Tôi thấy điều này thường xuyên. Như tôi nói, những người này trước kia hững hờ, cũng có thể là tội lỗi, không nhất thiết là buông thả bê tha hay là thuộc hạng như thế. Rồi họ có sự thay đổi. Họ sửa đổi cuộc sống. Họ ăn năn đền tội. Đột nhiên họ trở nên vui tươi, bình an và hạnh phúc. Bây giờ họ có thể hiểu Đức Kitô là ai, họ có thể hiểu các giáo huấn của Giáo Hội. Họ có thể hiểu rằng các giáo huấn của Đức Kitô không có nghĩa là phiền hà hay gánh nặng, nhưng các giáo huấn của Ngài có nghĩa là đem lại niềm vui, sự anh bình và viên mãn trong Thiên Chúa. Nhưng người này trở nên như không thể tin được. “Nếu trước kia tôi biết cái mà tôi biết bây giờ thì tôi đã thay đổi cuộc sống từ lâu rồi.” Nhưng cũng có những người chỉ trôi dạt theo dòng đời. Họ nói là có đức tin, nhưng chẳng làm gì để áp dụng đức tin đó. Kết qủa là họ không tìm thấy sự viên mãn và niềm vui phục sinh của Đức Kitô.

Tôi muốn xin bạn suy tư vài phút và xét xem có bao nhiêu cái ở đời này không thực sự cần thiết và bạn có thể sống mà không có chúng. Bạn có thể quảng đại dâng cho Thiên Chúa và cho nhà thờ mà vẫn sống ngon lành. Bạn có thể chăm chỉ ý thức tránh xa tội lỗi, bạn có thể chă m chỉ ý thức tuân giữ các giới răn, bạn có thể chăm chỉ ý thức học hỏi các giáo huấn của Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài. Tôi bảo đảm khi làm như vậy, bạn sẽ được sung sướng hạnh phúc không tưởng tượng được. Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho bạn với các ơn lành và bạn sẽ được tràn trề hạnh phúc mà đức tin và các việc tốt lành mang lại cho đời sống của bạn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa