Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Lá ( ngày 01/04/2012 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật Lễ Lá " của Giám Mục Phê Rô Nguyễn Khảm.



NGƯỜI TÔI TỚ CHÚA ĐI CHỊU KHỔ NẠN
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Chúa chọn con lừa

Nhiều độc giả Tin Mừng rất ngạc nhiên trước những lời căn dặn của Ðức Giêsu với hai môn đệ mà Ngài sai vào thành trước: "Các anh vào làng trước mặt kia. Tới noi sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cởi bao giờ đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo tại sao các anh làm như vậy thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay" (các câu 2-3). Mọi việc đã diễn ra đúng lời Chúa dặn. Tưởng như một phép lạ. Thực ra không phải là phép lạ gì cả, mà là chính Ðức Giêsu đã kín đáo thu xếp trước với người thân của Ngài trong làng: đến ngày đó, tại địa điểm đó, họ hãy để sẵn hai con lừa, sẽ có hai môn đệ của Ngài đến dắt đi, mật khẩu để nhận ra nhau là một câu hỏi và một câu trả lời đã quy ước sẵn.

Tại sao Ðức Giêsu phải đích thân thu xếp các chi tiết cho chuyến vào thành Giêrusalem lần này? Thưa có hai lý do:

1/ Sự việc diễn ra "mấy ngày trước lễ Vượt Qua" (c 1). Lễ này kỷ niệm việc dân Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, cho nên mỗi lần mừng lễ này, ý tưởng giải phóng luôn hiện lên trong đầu dân chúng, nhất là khi đất nước đang nằm dưới ách thống trị của ngoại bang. Chính vì thế, viên Tổng trấn Rôma bình thường vẫn an tâm ở tổng hành dinh của ông tại Syria, nhưng gần đến lễ Vượt Qua thì phải đến Giêrusalem để có thể trực tiếp chỉ đạo nếu có xảy ra nổi loạn. Trong bầu khí nhạy cảm đó, Ðức Giêsu phải kín đáo thu xếp để đừng ai biết trước chuyến vào thành của Ngài.

2/ Mọi chi tiết mà Ðức Giêsu đích thân thu xếp đều liên hệ đến con lừa. Tại sao? Vì Ngài không muốn người ta hiểu lầm Ngài là một nhà giải phóng quân sự hay chính trị. Ngài muốn người ta hiểu rằng Ngài là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Vua chinh chiến thì cỡi ngựa, còn vua hòa bình thì cỡi lừa.

Tuy nhiên xem ra không ai hiểu đúng ý Chúa: các môn đệ "lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó", dân chúng thì cũng "chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy" (các câu 7-9). Sự hồ hỡi của họ có lẽ xuất phát từ ý tưởng giải phóng: Hôm nay ngày giải phóng đã đến rồi, vị Anh hùng đã xuất hiện! Tóm lại mọi người đều nghĩ rằng hôm nay Ðức Giêsu bắt đầu cuộc khởi nghĩa.

*

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay bắt đầu Tuần Thánh. Chúng ta có thể dùng đoạn Tin Mừng này để soi sáng ý nghĩa những sự việc sẽ xảy ra trong Tuần Thánh:

•Tại sao các Thượng Tế Do Thái tìm bắt Ðức Giêsu? Thưa vì họ tưởng rằng Ngài là một chính khách nguy hiểm. Tin Mừng thứ tư ghi nhận rằng ngay cả trước biến cố này, các vị lãnh đạo ấy đã tính đến khả năng sức thu hút quần chúng của Ðức Giêsu sẽ dẫn đến sự đàn áp của quân Rôma: "Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta" (Ga 11,48).

•Tại sao Giuđa nộp Ðức Giêsu cho các Thượng Tế? Nhiều chuyên gia Thánh Kinh cho rằng đó là do một tính toán chính trị: Hắn vẫn nghĩ Ðức Giêsu là một người có khả năng làm một cuộc đảo chánh. Nhưng Giuđa chờ mãi mà không thấy Ðức Giêsu làm gì nên hắn nộp Ðức Giêsu như dồn Ngài vào chân tường: hy vọng khi đã bị bắt thì Ðức Giêsu bó buộc phải ra tay hành động.

•Tại sao dân chúng hùa theo các Thượng Tế đòi giết Ðức Giêsu? Ðó là phản ứng thất vọng của những người đã từng hy vọng quá nhiều: Họ hy vọng Ðức Giêsu giải phóng đất nước nhưng khi Ngài không làm vậy thì họ thất vọng và trừng trị Ngài.

*

Hôm nay chúng ta cũng tay cầm lá, miệng tung hô Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta coi Ngài là ai và mong gì nơi Ngài?

•Nếu chúng ta coi Ðức Giêsu là một vị vua uy quyền, chúng ta sẽ như các lãnh tụ Do Thái tìm cách trừ khử Ngài khi cảm thấy uy quyền ấy đe dọa đến quyền tự do của chúng ta.

•Nếu chúng ta coi Ngài là một vị vua giúp chúng ta chiến thắng thù địch, chúng ta sẽ như quần chúng hôm ấy chán bỏ Ngài khi Ngài không giúp chúng ta đạt được mục đích ấy.

•Nếu chúng ta coi Ngài là một thứ ô dù cho chúng ta núp bóng, chúng ta sẽ như các môn đệ bỏ Ngài mà chạy trốn khi ước vọng của chúng ta không thành.

Ðức Giêsu là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Ði theo Ngài có lẽ chúng ta sẽ không được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an.

* 2. Con đường dẫn đến vinh quang

Trong bài Thánh Thư, Thánh Phaolô ngầm so sánh Ađam và Ðức Giêsu.

•Ađam đã muốn "dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa". Nhưng kết quả chỉ là thấy mình trần truồng xấu hổ và bị đuổi khỏi hạnh phúc địa đàng.

•Còn Ðức Giêsu thì vâng lời Thiên Chúa mà hạ mình xuống đến mức tột cùng. Kết quả là được nâng lên tới mức tột cùng.

Tự nhiên, chúng ta theo con đường của Ađam: tìm cách khẳng định mình, tưởng rằng làm thế thì giá trị của mình sẽ được nâng cao. Nhưng chúng ta quên rằng chúng ta là do Thiên Chúa tạo dựng, vì thế chúng ta có giá trị hay không, được nâng cao hay không là do Thiên Chúa chứ không do chúng ta. Con đường tốt nhất là vâng lời Thiên Chúa, đi theo sự chỉ dẫn của Ngài, rồi Ngài sẽ nâng chúng ta lên đúng theo ý Ngài muốn.

* 3. Trao nộp Ðức Giêsu

Bài Tin Mừng theo thánh Mác cô cho thấy mọi người đều trao nộp Ðức Giêsu, nhưng vì những động cơ khác nhau (xin xem lại phần giải thích phía trên).

Suy nghĩ thêm, ta còn thấy có những cách trao khác nhau:

•Trao cái này để đổi lấy cái kia (như Giuđa, Philatô): cách trao vụ lợi

•Trao cho người khác cái mình muốn bỏ (các Thượng tế): cách trao ác độc.

•Trao cho người khác cái mình rất quý (Chúa Cha): cách trao yêu thương.

•Trao chính mình (Ðức Giêsu): yêu thương tột cùng.

Chúng ta hãy suy gẫm về những cách trao của mình và về cách mình trao Ðức Giêsu cho người khác.

* 4. Cách chịu đau khổ là thước đo nhân phẩm

Một điều hiển nhiên là cuộc đời ngập tràn đau khổ. Giáo lý đạo Phật dạy "Ðời là bể khổ". Nhiều người đã tìm nhiều cách để tránh khổ và diệt khổ. Nhưng có lẽ cái khổ sẽ không bao giờ tránh hết và diệt hết được.

Ðức Giêsu không tránh khổ, không diệt khổ. Ngài "vác" lấy đau khổ (thập giá), và Ngài dạy môn đệ mình "Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo".

Nino Salveneschi có suy nghĩ này: "Thật lạ khi người ta có thể tính toán chính xác về sức nặng có thể chất lên một chiếc xe, một chiếc tàu hay một chiếc máy bay... nhưng không tính nổi sức nặng có thể chất lên vai con người. Xét cho cùng, càng có thể vác nặng bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu" (Savoir souffrir)

* 5. Phêrô chối Thầy

Việc ông Phêrô chối Thầy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ:

- Ông là người nhiệt tình nhất với Ðức Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Chúa. Nghĩa là bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Hơn nữa, Phêrô sa ngã vì ông không biết ông yếu, ông luôn tưởng mình mạnh.

- Lý do khiến Phêrô chối Chúa là vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Ðức Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu. Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo với Thượng tế rồi Thượng Tế cũng bắt ông luôn.

Phêrô đã dám theo Ðức Giêsu suốt 3 năm khi Ngài đi rao giảng, khi Ngài làm phép lạ... Trong thời gian đó không phải là Phêrô không cực khổ, nhưng ông có thể chịu được. Nhưng hôm nay ông chối vì chuyện hôm nay không chỉ là vấn đề cực khổ, mà là vấn đề an toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ từ bỏ và hy sinh đến một giới hạn nào đó thôi.

Có lẽ cũng có những giới hạn mà chúng ta đặt ra - tuy một cách vô ý thức - cho việc chúng ta theo Chúa, việc chúng ta từ bỏ, việc chúng ta hy sinh.

* 6. Vương quốc Tình yêu

Ngày 15-4-1996, linh mục George Parker, giám quản xứ thánh Giuse thuộc giáo phận Norwich ở Connecticut Hoa Kỳ, đã trả lại số tiền 5.000 đôla của nghị sĩ Christopher J.Dodd giúp cho trường học của giáo xứ. Cha Parker làm thế để phản đối nghị sĩ Dodd mang danh Công giáo, nhưng lại liên tục bỏ phiếu ủng hộ các dự luật phá thai. Cha Parker gọi số tiền của Dodd là "số tiền vấy máu hài nhi vô tội". Người không ngần ngại gọi Dodd là "môn đệ của thần chết".

Việc làm của cha khiến nhiều người cảm kích, dân chúng đã gởi về giúp trường học 61.000 đôla. Nhiều tổ chức bênh vực sự sống, và nhiều cơ quan truyền thông bày tỏ sự ngưỡng mộ ngài.

Trớ trêu thay không một linh mục nào trong giáo phận Norwich bênh vực hành động kiên cường ấy. Không ai dám công khai phê phán việc làm của nghị sĩ Dodd. Ðau đớn hơn nữa, chính đức cha Daniel A. Hart vì áp lực của nghị sĩ Dodd đã cho ngài ngưng việc coi xứ. Ðến nước này ngài chỉ biết xin về hưu. Ðức Cha Hart viết thư cho ngài như sau: "Tôi rất tiếc là cha đã xin về hưu với tâm trạng bị xử bất công. Tôi cầu nguyện cho sự đau khổ này sẽ kết hợp cha với Ðức Kitô một cách trọn vẹn hơn, nhờ Người mà cha tìm được niềm vui".

*

Câu chuyện trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ tâm trạng của Ðức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Thánh Gioan viết: "Sắp đến lễ Vượt Qua, rất nhiều người đi Giêrusalem... Họ đang tìm Ðức Giêsu và hỏi han nhau: "Chắc ông ấy chẳng đến dự lễ đâu!" Còn bọn tư tế và Biệt phái đã ra lệnh: Bất cứ ai biết ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt" (Ga.11,55-57). Vậy Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem với tâm trạng của một kẻ bị truy nã, một kẻ có tên trong sổ bìa đen.

Nhưng Người vẫn công khai vào thành, không một chút sợ hãi. Người cỡi trên lưng lừa con để thực hiện lời tiên tri Dacaria: "Này Vua ngươi đến, đầy vẻ dịu dàng, cỡi lừa, lừa con của lừa mẹ" (Dcr.9,9). Ðức Giêsu muốn chứng tỏ Người là Ðấng Mêsia, Vị cứu tinh, Vua hiền từ: Một Vị vua chiến thắng bằng cái chết trên thập giá, khác với chiến thắng bằng vũ lực của các vua trần thế ngồi trên lưng ngựa.

Dân chúng trải áo, lấy lá lót đường, hoan hô chúc tụng Người như một vị vua chiến thắng, Ðấng cứu tinh của dân tộc, đuổi lũ quân Rôma ra khỏi vùng Palestina, xô nhào chúng ra biển, tái lập vương quyền vua Ðavít. Trái lại, Ðức Giêsu đã cưỡi con vật hiền lành, tiến vào Giêrusalem, hành động này đã đi ngược lại quan niệm của họ, nên không lạ gì họ đã hùa theo nhóm Biệt phái, kết án tử hình cho Người chỉ vài ngày sau đó.

Cha Parker đã không chấp nhận thỏa hiệp với thế gian, với tội lỗi. Người đã giữ đúng vai trò tiên tri, chấp nhận lội ngược dòng, cho dù phải chịu khổ đau và bị bỏ rơi để nên giống Thầy Giêsu.

Ðức Giêsu không xua quân đi giao chiến với các dân tộc. Nhưng đã qui tụ mọi người chiến đấu với nghèo đói, bất công và thù hận.

Ðức Giêsu không đến để kết án và hủy diệt kẻ khác. Nhưng đã thứ tha và băng bó những vết thương tâm hồn.

Ðức Giêsu không ngồi trên ngai vàng để dân chúng hầu hạ. Nhưng đã quì xuống rửa chân cho các thần dân.

Ðức Giêsu không đến để thiết lập một vương quốc trần gian tạm bợ, Người đến để xây dựng một vương quốc vĩnh hằng, vương quốc tình yêu ngay trong lòng mọi người.

*

Lạy Chúa, người đời đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, để rồi lại kết án Chúa ngay trong thành thánh. Xin cho chúng con đừng bao giờ thỏa hiệp với thế gian, nhưng cho chúng con can đảm theo Chúa đến chiều thứ Sáu Tuần Thánh, để được sống lại với Chúa trong đêm Phục Sinh khải hoàn. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

Thánh Ca : Cho Con Vững Tin


HOAN HÔ! VẠN TUẾ!
Cha Mark Link, S.J.

Gilbert Frankau kể lại câu chuyện của một người bạn ông từng là sĩ quan pháo binh trong Đệ nhất thế chiến. Thời đó không có rađa để hướng dẫn pháo binh vào đúng mục tiêu. Vô số trái đạn chỉ lăn lỏng chỏng trên các ngọn đồi và bụi cây tựa như người ta lấy đá ném vào tấm bia. Thỉnh thoảng, một binh sĩ được lệnh dùng một nhiệt khí cầu bay trên không để hướng dẫn các tay súng. Anh ta từ cao nói như hét xuống "Qua bên trái một chút" hoặc "Qua phải một chút!". Anh bạn của Frankau nói: "Hễ cứ leo lên khí cầu là tôi chết khiếp đi được. Tôi biết rõ mình trở thành mục tiêu tuyệt hảo cho họng súng quân thù. Chẳng bao giờ tôi chế ngự được nỗi sợ nhưng tôi cũng chẳng hề để cho nỗi lo sợ giữ tôi nán lại ở mặt đất".

***

Câu chuyện trên đây sẽ gíup chúng ta hiểu rõ hơn đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc.
"Đức Giêsu phải can đảm kinh khủng khi tiến về Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua đặc bịêt này. Ngài can đảm đến độ không thể nào tin nổi. Phúc Âm thánh Gioan giải thích cho chúng ta biết như sau: 'Sắp lễ vượt qua, và rất nhiều người đi Giêrusalem… Họ đang tìm đến Đức Giêsu và… hỏi han nhau" bạn nghĩ sao? Chắc Ngài chẳng đến dự lễ đâu!' Bọn tư tế và biệt phái đã ra lệnh: Bất cứ ai biết Đức Giêsu ở đâu thì phải báo cáo ngay để họ bắt Ngài"
(Ga 11: 55-57)

Điều đó khiến chúng ta hồi hộp lo ngại cho việc Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Ý nghĩa sâu xa đằng sau cách thức Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem và cách thức dân chúng chào đón con Ngài là gì? Để trả lời cho câu hỏi ấy, chúng ta hãy xem lại cách thức Đức Giêsu tiến vào thành. Phúc Âm thánh Gioan kể lại: "Đức Giêsu tìm thấy một con lừa và cỡi lên nó, đúng như lời Kinh thánh dạy: Hỡi thành Sion, đừng sợ, này đây vua ngươi đến, Ngài đang cỡi trên một chú lừa con" (Ga 12, 14-15)

Khi Đức Giêsu tiến vào thành, dân chúng vẫy các nhành thiên tuế và reo lên: "Hosanna! vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hoan hô vua Irsael" (Ga 12: 13)

Thánh Gioan kết thúc bài mô tả bằng lời phê bình khác thường như sau: "Lúc đó các môn đệ Đức Giêsu chưa hiểu điều ấy, nhưng khi Đức Giêsu đã được đưa lên chốn quang vinh, họ mới nhớ lại lời Thánh Kinh viết điều này về Ngài và chính họ đã thực hiện điều ấy cho Ngài" (Ga 12: 16)

Vậy ý nghĩa xâu xa đằng sau cách thức Chúa Giêsu vào thành và cách thức dân chúng vẫy các nhành thiên tuế và hô to lời "Hosanna" để chào đón Ngài là gì?

Thật là khôi hài, chìa khoá để trả lời câu hỏi này lại nằm nơi chú lừa Đức Giêsu cỡi. Đối với thế giới hiện nay, con lừa chẳng phải là một ý niệm hấp dẫn gì! Chúng ta thường nghĩ lừa là một con vật đần độn.

Gilbert Keith Chesterton đã làm một bài thơ phổ biến ý niệm này. Trong bài thơ ấy, chú lừa quan sát vẻ xấu xí của mình và tự nhủ:

"Chắc hẳn ta sinh ra khi mảnh trăng nhuốm máu,
khi cá lượn trên không,
lúc cây rừng cất bước,
và vả mọc trên gai… 'Ôi chiếc đầu kỳ quái, tiếng kêu ghê tởm,
Đôi tai khác nào đôi cánh lạc loài, dáng đi qủi quái nhất trong các loài động vật bốn chân…'
"Hỡi lũ điên rồ! ta cũng có "giờ" của ta chứ,
Một giờ thực hiện oanh và êm dịu,
khi bên tai ta vẳng vẳng tiếng hò reo
Và nhành thiên tuế chập chờn trước bước chân ta đấy"
Và thế là chú lừa ta thốt lên:
"Qúi vị thời nay có lẽ cười nhạt tớ
nhưng nên nhớ rằng tớ đã được chọn,
trong tất cả giống thú vật trần gian
để cõng trên mình Đấng Cứu Tinh thế giới".


Mặc dù chúng ta thường nhạo báng giống lừa nhưng các nhân vật trong Kinh Thánh đã khen ngợi chúng. Lừa là một giống vật hiền hoà, khác hẳn với loài ngựa là giống vật dành cho chiến tranh thường chở chiến binh vào chiến địa.

Giacaria đã tiên báo Đấng Mêsia sẽ cỡi lừa tiến vào Giêrusalem. Giờ đây Đức Giêsu đang thực hiện lời tiên báo ấy của Giacaria. Làm thế Ngài đã thực hiện hai điều xác quyết: Thứ nhất: Ngài xác nhận mình là Đấng Mesia của Israel. Thứ hai; Ngài mặc khải cho biết sứ mệnh thiên sai của Ngài là gì.

Vào thời Chúa Giêsu, việc mặc khải này không được cho là hay ho gì cả bởi nhiều người hiểu rất mơ hồ về sứ mệnh của Đấng Mêsia. Chẳng hạn, có nhiều người nghĩ rằng sứ mệnh của Đấng Mêsia phần lớn hệ tại việc đoàn kết dân chúng lại dưới quyền lãnh đạo của Ngài để đuổi lũ quân Rôma ra khỏi vùng Palestine, đẩy chúng ra ngoài biển. Đức Giêsu cỡi trên mình con vật hiền lành tiến vào Giêrusalem, hành động này đã đi ngược lại ý tưởng ấy. Nó mặc khải cho thấy Đấng Mêsia không phải là ông vua chinh chiến, bắt đám quân đến để ngồi trên ngôi báu và bắt đám dân bị chinh phục hầu hạ. Ngài đã đến quì gối xuống trên sàn nhà và rửa chân cho các thần dân của mình.

Đức Giêsu đã không đến để đoàn kết dân chúng sau lưng mình và đi giao tranh với các dân tộc khác. Ngài đến liên kết họ lại với nhau sau lưng Ngài để chiến đấu chống lại nghèo khổ, đói khát, thù hận và tất cả mọi hình thức bất công, Đức Giêsu không đến để kết án kẻ khác, Ngài đến để tha thứ cho họ, Đức Giêsu không đến để phá đổ những giấc mơ của quần chúng. Ngài đến để làm cho những giấc mơ đó thành hiện thực bằng một phương cách lạ lùng nhất, không thể tưởng tượng nổi. Đức Giêsu không đến cưỡng bức quần chúng theo Ngài, Ngài đến để kêu mời họ.

Hôm nay chúng ta đón mừng một Đức Giêsu như thế đấy. Chính Đức Giêsu đó muốn đi sâu vào tâm hồn chúng ta một cách đặc biệt trong Tuần Thánh sắp tới. Chính Đức Giêsu như thế đang hiện diện giữa chúng ta ngay lúc này đây, lúc chúng ta bắt đầu nghi thức phụng vụ rước lá chung quanh giáo đường.

Vậy chúng ta hãy vui mừng và cùng hát với các tín hữu khắp mọi nơi:
"Hosanna! Vạn tuế Đấng nhân danh mà Chúa mà đến! Vạn tuế Đức Vua của Israel!".

Thánh Ca : Tình Con Yêu Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét