Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng với chủ đề "SỐNG HY VỌNG" của Linh Mục Micae Giuse Nguyễn Trường Luân. CSsR
XÂY DỰNG NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG CÔNG BÌNH & BÁC ÁI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái
1. Giấc mơ thời thái bình
Khi đọc sách lịch sử, hoặc đọc báo mỗi ngày, chắc hẳn là nhiều lần chúng ta phải xấu hổ vì mình đã làm người. Lịch sử loài người thế nào? Thưa là chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh. Bao nhiêu là chết chóc, bao nhiêu là sợ hãi, bao nhiêu là nước mắt. Một triết gia đã than: Homo homini lupus! (Con người là sói dữ của con người)
Các nhà du hành vũ trụ là những người đầu tiên được nhìn thấy trái đất từ bên ngoài. Từ ngoài vũ trụ nhìn vào, họ thấy trái đất như một gia đình đông đúc cùng cư ngụ trong một mái nhà chung. Một nhà du hành kể: ngày thứ nhất trong vũ trụ, mọi người chúng tôi ai cũng nhìn xuống tìm đất nước của mình; ngày thứ hai tìm lục địa của mình, và ngày thứ ba ai nấy đều ý thức mình cùng chung một trái đất.
Trên đây là hai cái nhìn vào trái đất và loài người: một cái nhìn từ bên ngoài và một cái nhìn từ bên trong.
Trong bài đọc I, Ngôn sứ Isaia cũng dùng một cái nhìn từ bên ngoài để mô tả cảnh thái bình mà ông nghĩ sẽ được thực hiện vào thời đại Messia: "Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm ngủ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô; trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc; các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào..."
Ðức Giêsu chính là Ðấng Messia. Khi Ngài đến, Ngài đã thiết lập thời đại thái bình ấy. Thánh Marcô kể rằng trong 40 ngày ở hoang địa, Ðức Giêsu đã sống chung một cách hòa thuận với các dã thú, và các thiên sứ hầu hạ Ngài (Mc 1,12). Giáo Hội thời sơ khai cũng là một cảnh thái bình. Sách Công vụ tông đồ viết: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền thờ. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến" (Cv 3,44-47).
Nhưng rồi cảnh thái bình ấy đã dần dần biến mất: con người đối xử với nhau còn tệ hơn dã thú, thay vì chia sẻ cho nhau thì lại tranh dành với nhau, thay vì tất cả đồng tâm nhất trí thì mỗi người một ý không ai chịu ai... Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy nỗ lực tái tạo cảnh thái bình ngày xưa, ít ra là trong gia đình mình, trong khu xóm mình, trong tập thể mà mình đang sống.
2. Thông cảm, tiếp rước và phục vụ
Khi Thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu phải sống với nhau thế nào để cộng đoàn Giáo Hội của họ thực sự là một cuộc sống hạnh phúc trong Nước Chúa, Ngài đã chỉ họ 3 việc: thông cảm nhau, tiếp rước nhau và phục vụ nhau.
Thông cảm: phải chăng lý do khiến người ta buồn giận nhau, chỉ trích nhau, kết án nhau... là vì người ta không thông cảm cho nhau?
Tiếp rước: phải chăng nguyên cớ của những cảnh "mạnh ai nấy sống", "đèn nhà ai nhà nấy sáng", "sống chết mặc bây"... là vì người ta không tiếp rước nhau?
Phục vụ: phải chăng nguồn gốc của những chèn ép, tranh dành, ích kỷ... là vì người ta không phục vụ nhau?
Thử tưởng tượng một tập thể mà ai nấy đều thông cảm, tiếp rước và phục vụ mọi người khác. Cảnh tượng sẽ chẳng kém gì giấc mơ thái bình của ngôn sứ Isaia và bức tranh tuyệt vời của cộng đoàn tín hữu sơ khai.
3. "Hãy dọn đường Chúa"
"Hãy dọn đường Chúa", đó là lời Thánh Gioan Tiền hô kêu gọi.
Xin được phép gợi lên một vài suy nghĩ hơi thi vị về những con đường.
Thánh kinh có nói tới nhiều con đường:
Con đường dân Do thái đã đi qua trong sa mạc: một con đường quanh co đi hoài đi mãi suốt 40 năm lang thang để tìm về Ðất Hứa.
Con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô: một con đường hiểm trở đầy những ổ phục kích của bọn cướp, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người lữ hành đi qua con đường đó bị bọn cướp đánh dở sống dở chết.
Con đường của Chúa Giêsu và các tông đồ một lần kia đi ngang qua xứ Samaria ngoại đạo: một con đường đã bị chặn lại không cho đi vì những thành kiến thù nghịch giữa hai dân tộc.
Con đường thập giá của Chúa Giêsu: một con đường khổ đau rải rác những giọt máu của Ðấng Cứu thế.
Con đường về làng Emmau mà có lần sau phục sinh, hai môn đệ của Chúa Giêsu đã cùng Ngài sánh bước: một con đường mù sương che mắt khiến hai ông không nhận ra Thầy mình.
Và con đường là chính Chúa Giêsu "Ta là Ðường, là sự thật và là sự sống".
Những con đường trong Thánh kinh ấy, thực ra là hình bóng của những con đường trong đời người: trong cuộc đời, có:
Những con đường chăng dây kẽm gai: con đường của những kẻ thù hận nhau, nó ngăn chận những tương giao qua lại.
Những con đường đầy ổ phục kích: con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để khai thác nhau, lợi dụng nhau, làm hại nhau.
Những con đường hầm u tối: con đường của những kẻ lọc lừa, gian dối.
Những con đường quanh co trong rừng rậm: con đường của những kẻ lén lút sống trong vòng tội lỗi.
Những con đường gồ ghề lồi lõm: con đường của những kẻ mang một tật xấu thâm căn cố đế, hoặc kiêu căng, hoặc hà tiện, hoặc đam mê sắc dục...
Những con đường cỏ dại mọc đầy: con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ.
Những con đường sa mạc cát nóng: con đường của những kẻ khô khan việc đạo.
Và cũng có những con đường cái quan thẳng tắp: con đường bình an của những kẻ đạo hạnh, ngày càng tiến nhanh về Chúa.
Cuộc đời mỗi người chúng ta là một con đường: con đường hai chiều đưa ta đến với Chúa và Chúa đến với ta, hay đưa ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta.
- Ðó chính là con đường mà Chúa Giáng Sinh muốn đi, đi để đến với ta, và qua ta để đến với tha nhân: đến để mang cho ta và cho anh em ta muôn ơn lành: ơn bình an, ơn hạnh phúc, ơn đạo hạnh.
4. Hội Thánh là tôi
Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có Lời Hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu để Chúa phải làm phép lạ mỗi ngày (ÐHV 264)
Nữ tu đời Ange Hattei, trong tác phẩm "Jesus Caritas" có thuật lại câu chuyện như sau:
Trước Công đồng Vaticanô II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng: Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản. Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu...
Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: "Tôi đã làm gì mà anh hạ nhục tôi như vậy?"
Ông ta sừng sỏ bảo: "Tôi sỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn nào của cô cả, như linh mục X, hay chị Y chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!"
Tôi trả lời: "Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những người mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ. Họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy".
Ông bạn tôi từ đó không bao giờ còn thắc mắc với tôi về Hội Thánh. Và nhiều lần trước mặt tôi ông còn tìm cách làm nổi bật những dấu hiệu tích cực về sự hiện diện của Hội Thánh trong thế giới này nữa. (ÐHY NVT, Trên đường lữ hành)
MONG CHỜ
Lm. Mark Link
Một vài năm trước đây tờ Chicago Tribune cho biết tia sáng laser có thể dùng để tẩy xoá các hình xăm dấu hiệu băng đảng trên thân thể của các phần tử.
Một chỗ thi hành công việc này là Trung Tâm Y Tế Sinai ở phía tây thành phố Chicago. Viên giám đốc điều hành trông coi chẩn y viện này nói rằng:
Có một nhu cầu rất lớn cho chương trình này. Chúng tôi có trên 700 người đang chờ đợi để được hưởng dịch vụ này.
Vào một ngày thứ Bẩy mới đây, 45 người đã đến chẩn y viện này. Sử dụng một dụng cụ phát ra tia sáng laser, các bác sĩ tình nguyện đã hoàn toàn tẩy xoá được vết xăm chỉ trong vòng vài phút.
Một phụ nữ 25 tuổi cho biết một sự kiện xảy ra vào chiều Chúa Nhật đã khiến cô quyết định tẩy xoá các hình xăm trên thân thể. Khi cô đang đẩy đứa con gái nhỏ trên xích đu, một vài phần tử băng đảng nhìn thấy hình chĩa ba trên cánh tay và chân của cô, hình này là dấu hiệu của băng địch thủ, bọn chúng đã nổ súng.
Thật may mắn, khi vội vàng nổ súng chúng đã không bắn trúng cô và đứa con gái.
Một người khác trước đây thuộc về băng đảng cũng đến chẩn y viện chiều hôm đó để tẩy xoá hình xăm ba giọt nước mắt bên mắt trái. Mỗi giọt nước mắt tiêu biểu cho một người bạn đã bị băng thù nghịch bắn chết. Anh ta nói:
Bây giờ tôi đã có vợ và một đứa con nhỏ. Tôi muốn từ giã tất cả những thứ này. Nó là một điều ngu xuẩn mà tôi đã làm trước đây.
Câu chuyện của tờ Chicago Tribune cho thấy một điểm quan trọng. Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều đã thi hành những gì mà giờ đây chúng ta hối hận và muốn xoá bỏ chúng.
Điều này không chỉ đúng với người trẻ, nhưng còn đúng với người già. Thí dụ, nếu tôi ngưng nói ở đây khoảng nửa phút, tôi chắc rằng mọi người đều có thể nhớ lại một vài điều gì đó mà họ đã thi hành và giờ đây họ sẵn sàng đánh đổi lấy bất cứ gì để có thể đưa những điều ấy ra khỏi cuộc đời.
Điều bi thảm là rất nhiều người trên thế giới hối hận về những gì họ đã thi hành nhưng không biết cách nào để tẩy xoá chúng. Do đó họ phải chấp nhận sống với tình trạng như vậy. Bất cứ khi nào họ cảm thấy hối hận hay bứt rứt, họ cố gắng quên đi. Nhưng thường những tâm trạng ấy lại trở lại.
Tiểu thuyết gia Somerset Maugham đã viết nhiều cuốn tiểu thuyết và được dựng thành phim – tỉ như The Razor’s Edge, The Moon and Six Pence, và Of Human Bondage. Ông đã lên tiếng thay cho nhiều người khi nói rằng:
Tôi có một lương tâm bén nhậy và tôi từng thi hành một vài điều trong đời sống mà tôi không thể nào thực sự quên được.
Nếu may mắn tôi là một người Công Giáo, tôi có thể tự giải thoát mình khỏi những điều ấy qua việc xưng tội … lãnh nhận sự tha tội và có thể mãi mãi quên đi những điều ấy.
Lời phát biểu của ông giúp chúng ta thấy mình thật có phúc là chừng nào khi có được một phương cách để tẩy xoá tội lỗi khỏi cuộc đời.
Cũng như người cựu băng đảng thấy vui khi có thể tẩy xoá vết xăm thì người Công Giáo chúng ta cũng hân hoan khi Chúa Giêsu giúp chúng ta một phương cách để mãi mãi xoá bỏ tội lỗi của chúng ta.
Điều này đưa chúng ta đến mùa Vọng. Hàng năm Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về món quà vĩ đại này mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta và thúc giục chúng ta hãy xử dụng nó để đưa tội lỗi ra khỏi cuộc đời.
Nó không chỉ đem lại cho chúng ta sự bình an lớn lao, nhưng còn chuẩn bị cho chúng ta về ngày giờ khi chúng ta phải đứng trước mặt Thiên Chúa để trả lời về những gì chúng ta đã làm và những gì không làm trong đời sống chúng ta.
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng lời của Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài phúc âm hôm nay không chỉ nói với người thời đó, nhưng còn cho con người thuộc mọi thời đại. Những lời đó nói với tôi và anh chị em: Hãy thay đổi đời sống… Hãy chuẩn bị con đường của Chúa.
Một cách cụ thể, những lời này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngay bây giờ? Chúng cũng có cùng một ý nghĩa đối với những người thời Chúa Giêsu. Chúng có nghĩa hãy sám hối và tẩy xoá tội lỗi bằng bí tích hoà giải, là một trong những món quà vĩ đại của Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Chúng có nghĩa thi hành điều mà phần tử băng đảng trước đây đã thi hành. Chúng có nghĩa hãy thi hành những gì mà người nghiện rượu thi hành trong bước đầu tiên của chương trình 12 bước chừa rượu. Bước quan trọng này nói:
Chúng ta thú nhận với Thiên Chúa, với chính mình, và với người khác về bản chất sai lầm của những điều chúng ta làm.
Về bước này, cuốn cẩm nang AA, “12 Steps and 12 Traditions”, viết:
Một vài bước thì khó hơn để thi hành và … không có bước nào cần thiết hơn. Tuy sự sợ hãi của chúng ta thật lớn và chúng ta do dự thi hành, nhiều người AA bỏ qua Bước Năm…
Không biết tại sao, ở một mình với Thiên Chúa thì không có vẻ bối rối như khi đối diện với người khác… Khi chúng ta thành thật với người khác, điều đó xác nhận rằng chúng ta đã từng thành thật với chính mình và với Thiên Chúa.
Nhiều người AA, đã một lần vô thần hay bất khả tri, nói với chúng tôi rằng chính trong bước này mà lần đầu tiên họ cảm thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa. Và ngay cả những người đã có đức tin họ cũng thường ý thức hơn về Thiên Chúa như chưa bao giờ có.
Và như vậy Mùa Vọng là một sự nhắc nhở rằng đó không chỉ là thời gian chuẩn bị mừng Chúa đến lần thứ nhất vào ngày Giáng Sinh đầu tiên.
Nó còn nhắc nhở rằng đây là thời gian chuẩn bị cho Chúa đến lần sau cùng vào lúc tận thế.
Chúng ta hãy vui mừng và cảm ơn Chúa Giêsu vì đã ban cho chúng ta một phương cách để tẩy xoá quá khứ và làm lại từ đầu.
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện của Origen, một tín hữu thời tiên khởi:
Lậy Chúa Giêsu, chân của con thì đầy bụi và dơ bẩn. Chúa hãy đổ nước vào bồn và đến rửa chân con như Chúa đã rửa chân các tông đồ trong bữa Tiệc Ly.
Con nhận ra rằng, con thật can đảm khi xin Chúa thi hành điều ấy. Nhưng con sợ lời cảnh cáo mà Chúa đã nói với ông Phêrô, “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con không thể làm bạn với Thầy.”
Vậy, lậy Chúa Giêsu, xin hãy rửa chân con, bởi vì con muốn được làm bạn với Ngài – hơn bất cứ gì khác trong đời.
XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE
Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
“Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt 3:3).
Tại sao tiếng hô lại được cất lên trong sa mạc mà không phải thành thị, phố xá hay phòng trà, chợ búa, nơi người ta đang quay quần đông đúc hay vui chơi tội lỗi? Tiếng hô phải được cất lên chính những nơi này mới có người nghe, mới mong có kẻ hồi đầu qui chánh, sửa đường bạt lối, làm nên nẻo chính đường ngay cho Đấng Thiên Sai chứ. Còn hô nơi sa mạc thì có ai? Phải chăng là hô cho những chú rắn đuôi chuông và những con bò cạp, châu chấu hoang dại? Hay tiếng hô muốn đua sức với bãi cát mênh mông và bầu trời chói chang như đang thiêu đốt tất cả sức sống của các sinh vật?
Gioan sống trong sa mạc. Tiếng hô của ông vang lên giữa vùng hoang vắng.
Không biết giữa chốn trời không mông quạnh thế kia, tiếng hô được mấy ai chú ý. Tiếng hô vang. Vang lên mãi. Thế nhưng trong nơi trống vắng, thử hỏi có ai nghe cho?
Phải chăng Gioan đã hô lên cho chính mình? Nếu thế thì lời kêu gọi “Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” trước tiên phải là lời nói với chính mình.
Nhờ biết hô với chính mình trước hết nên Gioan đã có sức lôi kéo từng đoàn người từ khắp xứ Giuđê đến với ngài, để nghe tiếng ngài hô, và chịu làm theo lời răn dạy. Nhờ hô với chính mình mà tiếng hô đã vang đến tận khắp các vùng Giêrusalem, xâm nhập tới cõi lòng của bao kẻ sa đoạ khô khan.
Không phải chỉ sau khi nghe tiếng hô của Gioan mới bắt đầu có người ăn năn hối cải, chịu thanh tẩy để dọn đường Chúa đến. Đúng hơn, từ hoang vắng của sa mạc và trong nơi tịch liêu của cõi lòng, Gioan đã nghe tiếng hô “Hãy dọn đường cho Chúa đến” phát ra. Lời đó vang đi dội lại trong lòng ông, thúc bách ông nối dài tiếng hô bằng cách ra đi “dọn lòng người cho Chúa đến”.
Cho nên Gioan chính là người đã dọn đường lòng mình trước nhất. Vì biết lắng nghe những điều mình hô nên tiếng hô của mình có người đáp lại. Sự lắng nghe không chỉ bằng thính giác, nhưng còn bằng tâm hồn. Và từ tâm hồn mới phát sinh những thái độ sống. Một đứa trẻ “biết nghe” không cứ phải là một đứa trẻ có thính giác tốt, song là một đứa trẻ biết ghi tâm lời nói của bố mẹ, thầy cô, và thực thi.
Những gì phát xuất từ con tim cũng đều mang sắc thái của tình yêu và sự sống.
Trong một giấc mơ, người đàn bà nọ thấy mình được đưa lên thiên đàng và đem đi xem cảnh vật đó đây. Khi đến trước toà Chúa Giêsu, bà ta được Ngài cho thấy một vài sự việc đang xảy ra trên trần gian.
Trước hết là một nhà thờ vào sáng Chúa Nhật. Thánh Lễ đang diễn ra. Cô gái đánh đàn ngồi bên chiếc phong cầm. Những ngón tay thon thả đang lướt đi lướt lại trên những chiếc phím trắng đen. Người đàn bà thấy rõ các phím đàn di đông lên xuống, nhưng lại không nghe thấy âm thanh nào phát ra. Bà ta cũng nhìn thấy ca đoàn, với các ca viên trong những bộ áo tha thướt đủ màu. Họ mở miệng rất diệu nghệ, và hát hết bài này đến bài kia, nhưng vẫn không có tiếng nhạc nào vang lên. Người đàn bà nọ cũng thấy vị linh mục đang cùng với giáo dân đứng lên ngồi xuống, lật các trang sách, mở miệng đọc thưa các lời kinh nguyện, nhưng cũng không nghe được âm thành nào cả.
Ngạc nhiên, bà quay sang Chúa Giêsu và hỏi cớ sao mọi sự lại xảy ra như một màn kịch câm vậy? Chúa trả lời: “Con thấy đó, trừ khi người ta ca hát cầu nguyện bằng con tim, còn không thì chúng ta sẽ chẳng nghe được gì hết”.
Thế ra, không biết lắng nghe bằng con tim thì con tim sẽ không thể cất lời. Và nếu lời cất lên không phát xuất từ con tim, lời đó sẽ chẳng mang hiệu quả gì. Thomas Merton đã từng nhận xét:
“Nếu đời ta cứ phun ra những lời vô ích
Chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta trở nên bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta trở nên bất cứ cái gì.
Thế rồi,
Vì cứ nói mãi trước khi có cái gì để nói,
Ta trở thành người không biết nói”.
Không biết nói hoặc nói điều vô ích mà cứ bắt người khác lắng nghe thì chỉ tạo nên những cực hình, phản kháng.
Nhiều gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì có kẻ không biết nói. Nguyên do là thiếu lắng nghe, sự lắng nghe của tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn ngang đây đó nhiều chướng ngại của tự ái, ích kỷ, kiêu căng, tự mãn…
Lắm khi ta than thở: Chúa không chịu nghe tiếng tôi. Nhưng thử hỏi: Chúa không nghe tiếng tôi hay vì tôi không nghe được tiếng Ngài? Rồi khi nghe được tiếng Chúa, liệu tôi có chấp nhận để tiếng ấy nhồi nắn biến đổi đời mình chăng?
Nhiều lúc tôi buồn vì người ta không chịu nghe điều tôi muốn nói. Nhưng thử hỏi: họ không theo lời tôi nói hay tôi không nghe tiếng lòng của họ? Mà nghe tiếng lòng người khác sao được khi chính tôi lại bịt tai tâm hồn? Âm thanh của lời tôi nói sẽ chẳng truyền lan nếu nó không phải là Lời đã vang đi dội lại trong sa mạc lòng mình.
Có nghe được tiếng nói nơi lòng mình mới mong đổi được đời mình. Có đổi được đời mình mới làm thẳng đường cho Chúa đến. Chúa đến trong đời tôi để rồi qua tôi Ngài đến với người khác.
“Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi”. Tôi muốn hô vang lời ấy cho mọi người nghe. Nhưng trước hết, tôi bắt chước Thánh Gioan, đi vào sa mạc cuộc đời, tức là bước vào nơi thanh vắng và tĩnh lặng của nguyện cầu, nơi đó dần dần lớn mạnh, cho đến khi oà vỡ và tuôn chảy đến muôn tâm hồn.
Phải chăng đó chính là thái độ sống mà Tin Mừng Mùa Vọng năm nay muốn tôi mặc lấy?
Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét