Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 12 - Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 12 - TÔI TIN KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

I. DANH XƯNG VÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Danh xưng
- Chúa Thánh Thần là danh xưng để chỉ Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con.
- Từ “Thần Khí” phát xuất từ ruah trong tiếng Do thái, có nghĩa là hơi thở, không khí, gió (x. Ga 3,5-8). Chúa Thánh Thần là Hơi thở của Thiên Chúa, là Thần Khí.
2. Danh hiệu
- Đấng Bào Chữa (Paracletus-Advocatus), cũng được dịch là Đấng An Ủi.
- Những danh hiệu khác: Thần Chân lý (Ga 16,13), Thần Khí của lời hứa (Eph 1,13), Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15), Thần Khí vinh quang (1Pr 4,14).
3. Biểu tượng
- Nước: biểu tượng của sự sống và sinh sản, “Chúng ta được chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí” (1Cor 12,13).
- Sự xức dầu: dấu chỉ bí tích của phép Thêm Sức. Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu của Thiên Chúa cách trọn vẹn và độc nhất vô nhị.
- Lửa: biểu tượng của sức mạnh biến đổi. Dưới hình ảnh lưỡi lửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-4).
- Áng mây và ánh sáng: vừa mặc khải vừa che khuất sự siêu việt của Thiên Chúa (Lc 1,35).
- Chim bồ câu: Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (Mt 3,16).

II. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC KITÔ
1. Gioan, Vị Tiền Hô
- Gioan được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ (Lc 1,15). Nơi thánh Gioan, Chúa Thánh Thần hoàn tất việc “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
- Gioan làm chứng về Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33-36).
2. Đức Maria, Mẹ đầy ân phúc
- Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Đức Maria: được thụ thai trong ân sủng thuần túy.
- Chúa Thánh Thần thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa nơi Đức Maria: thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa.
- Chúa Thánh Thần làm cho Đức Maria trở thành Eva mới, Mẹ của chúng sinh, Mẹ của Đức Kitô toàn thể (Ga 19,25-27).
3. Đức Giêsu Kitô
- Trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu gợi ý dần dần về Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8; 4,23-24).
- Khi sắp bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến. Ngài là Thần Chân lý, Đấng Bào Chữa khác, được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu. Thánh Thần sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, nhắc cho chúng ta nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói, dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn (x. Ga 14,16-17; 16,7-15).
- Cuối cùng, Giờ của Chúa Giêsu đã đến, Người phó thác thần khí trong tay Chúa Cha (Ga 19,30). Khi sống lại, Người “thổi hơi” ban Chúa Thánh Thần trên các môn đệ (Ga 20,22). Kể từ Giờ đó, sứ vụ của Đức Kitô trở thành sứ vụ của Hội Thánh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

III. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
1. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh: “Tinh thần hay linh hồn chúng ta có tương quan với các chi thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô, đối với Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh” (Thánh Augustinô).
2. Chúa Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh, Ngài là “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể” (Đức Piô XII). Chúa Thánh Thần hoạt động bằng nhiều cách:
- Bằng Lời Thiên Chúa;
- Bằng bí tích Rửa Tội và các bí tích;
- Bằng các nhân đức giúp các tín hữu hành động theo sự lành;
- Bằng các đặc sủng.
3. Các đặc sủng là những ân sủng của Chúa Thánh Thần nhằm xây dựng Hội Thánh và mưu ích cho con người. Đức Mến là thước đo đích thực của các đặc sủng (x. 1Cor 13). Trong thực tế, cần phải phân định để nhận ra đâu là những hồng ân thật sự phát xuất từ Chúa Thánh Thần, và được thực thi hoàn toàn do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Không có đặc sủng nào được miễn trừ sự tuân phục các mục tử trong Hội Thánh. Các ngài có thẩm quyền đặc biệt, không phải để dập tắt Thần Khí, nhưng để giữ lại những gì tốt lành và đem lại lợi ích chung cho Thân Mình Chúa Kitô (x. 1 Cor 12,7).

Phút hồi tâm
“Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal 5,22-23).
Những hoa quả này có mặt trong đời sống chúng ta không?

Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
Chúa là hi vọng và là sức mạnh của con.
Xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng chúng con.
Xin canh tân đức tin và đổi mới tâm hồn chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần,
con yêu mến Chúa, con khao khát Chúa. AMEN.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét