Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật Thứ II Mùa Thường Niên (B) ngày 15/01/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ II thường niên năm B:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Thu Phục Con Người " của Linh Mục Phanxicô Đào Trung Hiệu.



CHÚA KÊU GỌI CON NGƯỜI HỢP TÁC
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Cảm nghiệm nhớ đời

a/ Cảm nghiệm của thánh Gioan tông đồ: Trong bài Tin mừng này, Thánh Gioan ghi lại một cảm nghiệm rất sâu sắc mà Ngài được trải qua và nhớ mãi suốt đời, đến nỗi khi Ngài ngồi lại để viết đoạn Tin mừng này (khoảng năm 90), việc đó đã trôi qua khoảng 60, 70 năm mà Ngài vẫn nhớ rất rõ "lúc đó là khoảng giờ thứ 10". Cảm nghiệm gì mà sâu sắc như vậy? Thưa là cảm nghiệm được gặp Chúa và từ đó gắn bó với Chúa. Chính Thánh Gioan kể lại như sau:

Khi ấy Ngài đang là môn đệ của Gioan tẩy giả. Một hôm Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy giả liền chỉ cho các môn đệ mình và nói: "Đấy là Con Chiên Thiên Chúa". Nghe vậy, Gioan và một môn đệ nữa liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu thấy họ đi theo sau lưng nên quay lại hỏi "Các anh tìm gì?" Họ không trả lời nhưng hỏi lại "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Đức Giêsu cũng không trả lời nhưng mời họ "Hãy đến mà xem", rồi dẫn họ tới chỗ Ngài đang trọ. Họ đã đến và ở lại với Ngài suốt ngày hôm ấy. Hẳn là một ngày rất ấm cúng, cho nên sau đó họ đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu luôn và 60, 70 năm sau Thánh Gioan còn nhớ kỹ lúc bắt đầu việc đó là "khoảng giờ thứ 10". Thật đúng như lời của một thi sĩ rằng:

"Cái phút ban đầu lưu luyến ấy,
Nghìn năm hồ dễ đã mau quên".


Thánh Gioan muốn chia xẻ cho chúng ta một kinh nghiệm quý giá, đó là: nếu có lần nào chúng ta được thực sự gặp Đức Giêsu và lưu lại trong tình thân mật với Ngài thì chúng ta sẽ không thể nào quên được Ngài, chúng ta sẽ mãi mãi gắn bó với Ngài.

b/ Cảm nghiệm của một số người khác:

- Văn hào Pháp Paul Claudel: một buổi chiều kia rảnh rỗi Paul Claudel rảo bước dạo chơi và tình cờ đi ngang một nhà thờ. Từ trong nhà thờ vang ra tiếng hát thánh ca thanh thoát, siêu phàm. Tiếng Thánh ca ấy đã thu hút ông buớc vào. Ông cảm xúc và ở lại cho đến hết buổi lễ. Và từ chiều hôm đó trở đi, Paul Claudel đã trở thành một tín hữu sốt sắng kiên trì trong Đức Tin. Ông viết nhiều quyển sách truyền bá Đức tin và ca tụng Thiên Chúa, ca tụng Đức Mẹ. Mọi sự bắt đầu vào một buổi chiều đáng nhớ.

- Thomas Merton: Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi, năm 20 tuổi ông trở thành đảng viên cộng sản, ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, nhục lạc. Một đêm kia khi đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện: "Lạy Chúa, từ trước tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa của đời tôi hiện tại". Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.

2. Chúa vẫn còn kêu gọi

Mặc dù Thiên Chúa là Đấng quyền phép vô cùng, muốn làm gì cũng được, nhưng Ngài không thích làm một mình, mà luôn kêu mời con người chúng ta cùng làm với Ngài.

•Bắt đầu lịch sử cứu độ, Ngài đã kêu gọi Abraham.
•Khởi sự cuộc giải phóng dân do thái, Ngài kêu gọi Môsê.
•Mở màn thời Tân Ước, Ngài đã kêu gọi Maria.
•Khai mạc sứ vụ rao giảng Nước Trời, Ngài kêu gọi các môn đệ v.v.

Tóm lại, thời Cựu Ước vẫn thế, thời Tân Ước vẫn thế, và thời Hội Thánh cũng vẫn thế: Thiên Chúa luôn muốn kêu gọi con người hợp tác với Ngài trong công trình cứu độ.

Thánh Augustinô đã suy gẫm rất nhiều về điều này, và Ngài đã viết: "Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hóa con, Chúa cần sự hợp tác của con".

3. Chúa gọi, con người đứng lên

Tháng 3 năm 1998, Đức Cha Gioan Bta Phạm Minh Mẫn, Giám mục phó giáo phận Mỹ Tho, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục tổng giáo phận Saigon. Từ Lyon nước Pháp, nữ tu Marie Claude Faure, cựu Tổng quyền Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, đã gởi đến ĐC Gioan Bta những lời khích lệ như sau:

Chúa cần một người cha cho dân Ngài
Ngài đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên...
Ngài cần một người phát ngôn.
Ngài đã chọn một kẻ nhút nhát nói năng ngọng nghệu. Thế là Môsê đứng lên...
Ngài cần một lãnh tụ dẫn dắt dân Ngài.
Ngài đã chọn kẻ nhỏ nhất, yếu nhất. Thế là Đavít đứng lên...
Ngài cần một tảng đá để đặt nền cho tòa nhà.
Ngài đã chọn một người chối thầy. Thế là Phêrô đứng lên...
Ngài cần một gương mặt để nói cho người ta biết tình thương của Ngài.
Ngài đã chọn một cô điếm. Đó là Maria Mađalêna.
Ngài cần một nhân chứng để hô to sứ điệp của Ngài.
Ngài đã chọn một kẻ bách hại đạo. Đó là Phaolô thành Tarsô...
Ngài cần ai đó để tập họp dân Ngài và để Ngài đến với những kẻ khác.
Ngài đã chọn Đức Cha: dù Đức Cha run sợ, Đức Cha sẽ có thể không đứng lên sao?

4. "Hãy đến mà xem"

Đức Giêsu nói với Anrê và Gioan "Hãy đến mà xem". Ý của Đức Giêsu là muốn gọi họ làm môn đệ. Nhưng Ngài chưa nói rõ ý đó ra, Ngài chỉ mời họ đến và xem.

•Phải đến, đến gần Đức Giêsu thì mới hiểu Ngài rồi mới có thể làm môn đệ Ngài. Không thể tưởng tượng nổi kiểu môn đệ gì mà ở xa Thầy, không thường xuyên đến gần Thầy.
•Rồi phải xem nữa. Môn đệ không chỉ nghe Thầy dạy, mà còn phải xem cách Thầy sống để sống theo. Không thể chấp nhận kiểu môn đệ mà không sống theo gương Thầy.

Câu Tin Mừng này nhắc tôi phải thường xuyên đến gần Đức Giêsu bằng những lúc cầu nguyện, và phải chăm chỉ xem Đức Giêsu bằng việc nguyện gẫm.

5. Giới thiệu Chúa cho anh em

Nhiều nhóm binh sĩ có vũ trang từ Syrie xâm chiếm đất Israel. Sau khi bắt dân Israel làm tù binh, chúng tàn phá thành phố và làng mạc. Chúng bắt những tù binh này làm việc như những đầy tớ trên đất Syrie. Trong số những người bị bắt, có một cô gái. Người ta không nói tên của cô ta.

Cô trở thành đầy tớ của viên sĩ quan nổi tiếng người Syrie, tên là Naaman. Vua Syrie rất hài lòng về Naaman, vì ông là một sĩ quan rất gan dạ. Rủi thay ông vừa mắc bệnh phong.

Một ngày kia, cô tớ gái nói với bà chủ: "Giá mà ông chủ Naaman được gặp tiên tri Elisa, đang sống ở Samaria, thì ngài sẽ chữa cho ông chủ tôi khỏi bệnh" Nghe vậy, Naaman xin vua Syrie viết thư giới thiệu cho vua Israel. Ông cũng mang theo vải vóc, vàng bạc làm quà tặng.

Khi vua Israel đọc thư, ông rất lo, vì ông nghĩ vua Syrie muốn gây chiến. Nhưng Elisa nghe biết, ông xin nhà vua để mình chữa bệnh cho Naaman. Elisa không gặp Naaman, nhưng chỉ gởi một lá thư: "Hãy đi tắm trong dòng sông Giodan 7 lần và ông sẽ được khỏi".

Naaman rất tự ái, ông không chịu tắm, nhưng đầy tớ khuyên ông cứ làm như lời nhà Tiên tri. Và quả nhiên, Naaman đã được chữa khỏi, da của ông trở nên mịn màng như da đứa trẻ. Naaman dâng cho Elisa quà tặng, nhưng người của Thiên Chúa không nhận, chỉ chúc cho ông "Hãy về bình an".

*

Chúng ta đừng bao giờ quên đứa tớ gái nhỏ bé ở đầu câu chuyện, em đã mau mắn giới thiệu tiên tri Elisa cho Naaman. Nếu cô bé giữ im lặng, thì Naaman sẽ không bao giờ được chữa lành.

Hôm nay, Anrê cũng giới thiệu Phêrô em mình cho Đức Giêsu: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (Ga.1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.

Dường như mỗi lần Tin mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó Anrê lại dẫn một ai đó đến với Đức Giêsu. Anrê đã trở nên nổi tiếng vì ông đã dẫn cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" giới thiệu với Đức Giêsu. Để rồi sau khi cầu nguyện tạ ơn, Người đã biến bữa ăn trưa của cậu bé trở nên bữa ăn tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.

Lần thứ ba, chúng ta gặp lại Anrê lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối. Có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Người. Cũng chính Anrê là người đã giới thiệu họ với Đức Giêsu. Và chắc hẳn đó là điều làm người hài lòng, vì sau đó Người phán: "Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga.12,32).

Nếu Anrê không giới thiệu Phêrô với Đức Giêsu thì có lẽ chẳng bao giờ có tông đồ Phêrô đá tảng của Hội thánh.

Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá", thì có lẽ chẳng có phép lạ đầy ngoạn mục hứng khởi trong Thánh kinh.

Vậy bài học của Anrê là hãy giới thiệu cho mọi người đến với Đức Giêsu. Đó là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một. Đức Giêsu rất cần những người giàu tình bạn chân thành, những bước chân mang dấu vết của thân thiện, những lời nói luôn chứa đầy nhiệt huyết, những chứng nhân ra đi kể câu chuyện: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia".

*

Lạy Chúa, trên trái đất này, chúng con là đôi tay, là tiếng nói, là trái tim của Chúa. Xin cho chúng con trở nên những người nhiệt thành giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới. Amen.(Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

6. Một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa

Trong đời của chúng ta có rất nhiều cuộc gặp gỡ.

Có những cuộc gặp gỡ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu và sớm rơi vào quên lãng. Đó là gặp gỡ hời hợt bề ngoài. Ta có thể nói chuyện với một người nào đó hàng giờ, có khi hàng năm nhưng vẫn thấy chưa thể cởi mở hết tấm lòng. Ta có thể sống chung một tập thể với một người nào đó nhiều năm trời nhưng không bao giờ hiểu được người đó.

Có những cuộc gặp gỡ mà sau khi chia tay, chúng ta cảm thấy mình còn nghèo nàn hơn trước.

Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ rất nhiều ý nghĩa, làm cho chúng ta giàu hơn, và có khi làm thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta. Bạn có thể gặp một người nào đó chỉ một lần liền cảm thấy gắn bó với người đó. Với người đó, bạn có thể cởi mở hết tấm lòng.

Khi tình bạn nẩy sinh giữa ta với một người nào đó, ta không cảm thấy rõ ràng đời mình đã đổi thay, nhưng ta nhận thức được rằng đời mình đã có một cái gì đó khác trước, ta có thể yêu thương và chăm sóc người đó một cách dễ dàng không cần cố gắng.

Đừng nghĩ rằng hễ cứ sống với nhau lâu dài và kiên trì chiều chuộng nhau thì sẽ có tình yêu. Theo Kahlil Gibran, "Tình yêu là con đẻ của một sự thu hút vô hình. Nếu sự thu hút này không nẩy sinh trong một giây phút thì nó sẽ chẳng bao giờ nảy sinh cho dù trải qua nhiều năm và thậm chí nhiều thế hệ".

Có những cuộc gặp gỡ rất tình cờ nhưng lại khiến người ta gắn bó với nhau suốt đời. Nhiều cặp vợ chồng đã kể về lần đầu tiên họ gặp nhau với những chi tiết mà suốt đời họ không thể nào quên.

Những điều nói trên giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và 3 môn đệ sau này sẽ trở thành tông đồ của Ngài: Anrê, Gioan và Phêrô. Rõ ràng đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, bởi vì rất nhiều năm sau, khi Gioan viết Tin Mừng, ông vẫn còn nhớ chính xác thời giờ lúc đó: "Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười" (nghĩa là khoảng 4 giờ chiều).

Vừa khi gặp Đức Giêsu, họ đã bị Ngài thu hút. Tuy nhiên Ngài không hối thúc, Ngài để họ thong thả muốn tìm hiểu Ngài bao lâu tuỳ ý: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và đã xem. Họ thấy Ngài thân thiện, niềm nở, nồng ấm. Họ biết mình đã gặp được một con người tuyệt vời, và thế là một tình nghĩa gắn bó được phát sinh.

Khi ở với Ngài, họ cảm thấy hoàn toàn bình an thoải mái. Qua tiếp xúc với Ngài, họ còn khám phá chính bản thân họ. Thấy cung cách của Ngài, họ cảm mến và thấy rằng mình cũng phải cố gắng sống theo cung cách ấy.

Có một khác biệt vô cùng to lớn giữa uy quyền và ảnh hưởng. Những người hành quyền trên chúng ta thì muốn chế ngự chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ họ hoặc một bản sao của họ. Trái lại, những người có ảnh hưởng trên chúng ta thực ra không có ý gò ép chúng ta, thay đổi chúng ta hay khuôn đúc chúng ta thành người giống như họ. Họ ban cho chúng ta một không gian mà trong đó chúng ta có thể tìm gặp chính mình và sống theo cách thức của mình. Đức Giêsu không hành quyền trên các môn đệ. Nhưng Ngài có ảnh hưởng sâu đậm trên họ. Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã biến đổi hẳn cuộc đời của Gioan, Anrê và Phêrô.

Chúng ta không thể gặp gỡ Đức Giêsu trong xác thể, nhưng chúng ta có thể gặp gỡ Ngài một cách thiêng liêng trong đức tin như gặp một người Bạn, một người Anh và một Đấng cứu tinh.

Ngày nay Đức Giêsu vẫn còn đi qua và luôn sẵn sàng đón tiếp những ai tìm gặp Ngài. Tuy nhiên Ngài không bao giờ ép buộc ai phải sống như Ngài. Đối với những ai có thiện chí muốn biết Ngài nhiều hơn, Ngài nói như đã nói với Gioan và Anrê "Hãy đến mà xem". (Viết theo Flor McCarthy)

Đức Giêsu mời gọi những người muốn theo Người "Hãy đến mà xem", để hiểu biết Người hơn mà chọn lựa thái độ đối với Người, xin cho mọi người chúng con biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa mời gọi.Amen.

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác


CHIẾN DỊCH ANRÊ
Cha Mark Link, S.J.

Một vài năm trước đây có một ông lão được đưa vào bệnh viện để chữa trị. Sau khi cô y tá giúp ông cảm thấy dễ chịu, cô hỏi ông một số câu hỏi thường lệ. Cô phải điền vào những tờ đơn trong bệnh viện.

Có một câu hỏi là “Chiều hướng tôn giáo của ông là gì?” Ông lão nhìn cô y tá và nói, “Tôi thật sung sướng khi cô hỏi tôi như vậy. Tôi từng muốn trở nên một người Công Giáo, nhưng chưa có người nào hỏi tôi như vậy. Cô là người đầu tiên.”

Câu chuyện có thật này dẫn đến một câu hỏi thật bối rối. Tại sao quá nhiều người do dự chia sẻ đức tin của mình với người khác? Hoặc chúng ta có thể đặt câu hỏi theo cách này: Nếu chúng ta tin Phúc Âm là tin mừng, tại sao chúng ta không chia sẻ phúc âm với người khác?

Điều này đưa chúng ta đến các bài đọc hôm nay.

Bài đọc một trình bày ông Samuen chia sẻ đức tin với cậu Êli. Bài đọc hai trình bày Thánh Phaolô chia sẻ đức tin với dân chúng thành Côrintô. Và bài phúc âm trình bày ông Gioan chia sẻ đức tin của ông với hai môn đệ, và ông Anrê chia sẻ đức tin của ông với người anh là Phêrô.

Chúng ta hãy chú ý đến bài phúc âm và nhất là Anrê.

Thật hiển nhiên, Thánh Sử Gioan đã nhắc đến ông Anrê ba lần trong Phúc Âm. Mỗi lần Anrê đưa ai đó đến với Chúa Giêsu là khi Anrê chia sẻ đức tin của ông.

Trong bài đọc hôm nay, Anrê đưa anh của ông là Phêrô đến với Chúa Giêsu. Sau này, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô là đá tảng mà trên đó Người xây dựng Hội Thánh của Người.

Sau này, Anrê đưa đến một đứa trẻ với năm chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu (xem Gioan 6:8). Và Chúa đã dùng bánh và cá này để nuôi một đám đông người đang đói.

Sau cùng, Anrê đưa một số người Hy Lạp đến với Chúa Giêsu (xem Gioan 12:20-22). Và Chúa Giêsu đã dùng cơ hội này để dậy dân chúng một số điều quan trọng.

Điều này đưa chúng ta trở về với câu hỏi từ đầu. Nếu chúng ta thực sự tin rằng Chúa Giêsu là kho báu của chúng ta, tại sao chúng ta do dự để chia sẻ kho báu đó cho người khác?

Một câu trả lời chúng ta thường nghe là người ta không thích Chúa Giêsu.

Một câu trả lời hiển nhiên cho câu hỏi đó là nhiều người nghĩ rằng ông lão đó cũng không thích Chúa Giêsu. Có lẽ họ nghĩ rằng, “Nếu ông lão đó thích Chúa Giêsu hoặc muốn trở nên một người Công Giáo, ông ấy đã phải thi hành từ lâu.”

Một vài năm trước đây, một giáo chức trung học ở Chicago yêu cầu học sinh trong lớp hãy phỏng vấn người ta về sự cầu nguyện. Học sinh phải hỏi năm câu: Bạn có cầu nguyện không? Bạn cầu nguyện hàng ngày, hay chỉ thỉnh thoảng? Tại sao bạn cầu nguyện? Khi cầu nguyện, bạn cầu nguyện thế nào? Ai dạy bạn cầu nguyện?

Từ những cuộc phỏng vấn này, nổi bật ba điều ngạc nhiên.

Thứ nhất, học sinh ngạc nhiên về thái độ sẵn sàng của người ta khi nói về sự cầu nguyện. Thứ hai, học sinh ngạc nhiên khi thấy nhiều người cầu nguyện hàng ngày. Thứ ba học sinh ngạc nhiên khi thấy nhiều người bạn của họ có cầu nguyện. Chưa bao giờ các học sinh thảo luận về điều này.

Một nữ học sinh nói về cuộc phỏng vấn: “Tôi nghĩ là các bạn tôi sẽ chế giễu tôi về cuộc phỏng vấn, nhưng không phải vậy. Họ tôn trọng. Một người bạn tôi nói hắn rất vui khi nói về một điều thực sự đáng kể.”

Cô này kết luận: “Từ cuộc phỏng vấn này, tôi rút ra được một điều: Người ta thực sự lưu tâm đến sự cầu nguyện.”

Mọi người chúng ta thường đọc những bài về cách làm thế nào để trở nên một người khéo nói chuyện, hoặc làm thế nào để cải thiện cá tính của chúng ta khi thay đổi cách nói chuyện của chúng ta.

Một điều mà các bài này thường nhấn mạnh là chúng ta phải nói về những điều cá biệt và quan trọng đối với chúng ta.

Và còn điều gì cá biệt và quan trọng hơn là đức tin nơi Chúa Giêsu? Ai nghĩ rằng người ta không thích những điều này thì phải nhớ đến cuộc thăm dò ý kiến của học sinh. Người ta không chỉ hợp tác với cuộc phỏng vấn nhưng còn hăng hái thi hành.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng: Chúng ta phải chia sẻ đức tin của chúng ta với người khác.

Ai nghĩ rằng điều này không quan trọng thì hãy nghĩ đến câu chuyện của ông lão. Nếu người y tá không hỏi ông về tôn giáo, ông đã từ trần mà không thoả mãn được ước nguyện là trở nên người Công Giáo.

Ai nghĩ rằng không quan trọng để chia sẻ đức tin của mình với người khác thì hãy nhớ đến bài phúc âm hôm nay.

Nếu ông Anrê không chia sẻ đức tin của ông với người anh là Phêrô, có lẽ ông Phêrô không bao giờ trở nên đá tảng mà trên đó Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người.

Và nếu ông Anrê không chia sẻ đức tin của ông với đứa trẻ có năm chiếc bánh và hai con cá, đám đông ở ngọn đồi ấy có lẽ đã phải đói bụng đi về nhà, và Phúc Âm sẽ không có những câu chuyện thật hứng khởi như vậy.

Kết luận, bài phúc âm hôm nay mời chúng ta hãy nhìn thật lâu, thật kỹ vào sự do dự chia sẻ đức tin của chúng ta với người khác.

Nếu chúng ta tin rằng Phúc Âm là tin mừng, và nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là kho báu vĩ đại mà tâm hồn loài người muốn sở hữu, tại sao chúng ta lại do dự chia sẻ đức tin của chúng ta với con cái, với bạn hữu, và với những người mà chúng ta biết họ đang tìm kiếm điều gì đó để tin?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra cho mỗi người chúng ta.

Không ai có thể trả lời câu hỏi này thay cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời theo phương cách của mỗi người.

Chúng ta phải trả lời câu hỏi ấy. Người ta muốn biết về đức tin của chúng ta. Và chia sẻ đức tin là điều quan trọng, vô cùng quan trọng.

Hãy chấm dứt với lời cầu nguyện.

Lậy Chúa, xin hãy dạy từng người chúng con rằng ở trái đất này Chúa không còn đôi tay mà chúng con có đôi tay để đến với những người có nhu cầu.

Chúa không còn tâm hồn nhưng chúng con có tâm hồn để ôm lấy những người cô đơn.

Chúa không còn tiếng nói nhưng chúng con có tiếng nói để chia sẻ tin mừng

Tại sao Chúa đã sống, đã chịu đau khổ, và đã chết cho chúng con.

Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con rằng ở trái đất này, chúng con là đôi tay của Chúa, chúng con là tiếng nói của Chúa, và chúng con là tâm hồn của Chúa.


Thánh Ca : Tình Ngài


TIẾNG CHÚA GỌI
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Tôi muốn cho qúi vị một bài làm. Khi về nhà vào bất cứ lúc nào chiều tối hôm nay, hãy mở sách Kinh Thánh ra và đọc bốn chương đầu của quyển một sách Samuel. Đó là bài đọc thứ nhất cho Thánh Lễ ngày hôm nay. Nếu sách Kinh Thánh của quí vị qúa cũ, nó thể được gọi là Sách Các Vua quyển 1. Họ thay đổi tên sách đi một chút. Nếu không có sách Kinh Thánh, thì gởi cho tôi một cái bưu thiệp với tên và địa chỉ của qúi vị và hứa là sẽ đọc Thánh Kinh mười phút mỗi ngày, tôi sẽ gởi cho quí vị một cuốn Kinh Thánh, miễn phí, một cuốn nho nhỏ thôi, nhưng miễn phí, với điều kiện là qúi vị hứa phải đọc.

Lý do tôi khuyến khích quí vị đọc những chương đó của sách Cựu Ước là vì nó cho chúng ta thấy sự thay đổi rõ ràng thế nào từ những cái xấu thành ra tốt, từ tốt ra xấu và lại trở thành tốt. Eli là thầy cả và ông có mấy người con trai cũng là thày cả, nhưng các con của ông rất kiêu hãnh. Họ nghĩ là họ biết nhiều hơn cả Thiên Chúa, do đó họ bắt đầu đả kích các truyền thống và lề luật Do Thái, và họ đã không trung tín với các giáo huấn của Thiên Chúa.

Chúa Gọi Samuel

Đó là lý do tại sao Thiên Chúa kêu gọi Samuel. Samuel tận tâm dấn thân cách đặc biệt, và anh đã vào phục vụ đền thờ từ khi còn rất trẻ tuổi để học về các giáo huấn và lề luật của Thiên Chúa. Vì anh ta đã ở đền thờ và sẵn sàng để nghe lời Chúa, sẵn sàng để học hỏi, sẵn sàng để sống lời Chúa, Thiên Chúa đã nói với anh và gọi anh. Như quí vị thấy trong Kinh Thánh, Samuel đã tiếp tục để trở thành một tiên tri nổi tiếng. Ông đã làm thẩm phán và trở nên người xức dầu cho vị vua tiên khởi của Israel, Vua Sao-lê, và sau đó lại xức dầu cho Vua David. Ông đã trở nên một người thật nổi tiếng bởi vì ông đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp theo.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Gioan Tẩy Giả nói, “Đây là Chiên Thiên Chúa,” hai môn đệ của ông đã mau mắn đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại hỏi họ, “Các anh tìm gì?” Họ trả lời, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Và Chúa Giêsu bảo họ, “Hãy đến mà xem.”

Giống như thời của Samuel, ngày nay cũng có những trường hợp giống như thế. Có những giáo sỹ cũng rất là kiêu căng tự đắc. Họ nghĩ là Giáo Hội cần phải thay đổi, Giáo Hội cần phải thức thời với những cái của thế giới ngày nay. Những người kiêu căng trong Giáo Hội, không khiêm tốn đủ để đón nhận chân lý, tấn công Giáo Hội. Họ thích giả dối, họ trôi dạt xa khỏi chân lý, và kết qủa là họ không nghe được tiếng Chúa gọi; họ không đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Nhưng Samuel, bởi vì ông chăm chú lắng nghe và ông đã được gọi.

Trong bản tin của bài Tin Mừng hôm nay, khi các Tông Đồ An-drê và anh của ông là Si-mon Phê-rô, nhận ra Chúa Kitô và biết ngài là ai và ngài sống ở đâu, họ đã mau mắn đi theo Chúa. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi họ, An-drê đã có thể đi để đem Chúa Giêsu Kitô đến với anh là Phê-rô.

Chúa Gọi Bạn

Trong đời sống của riêng bạn, nếu bạn đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Ngài sẽ không nói với bạn là, “Này, George, Ta muốn nói chuyện với anh.” Không phải như vậy. Tuy nhiên, Ngài sẽ mở lòng của bạn ra, nhưng chỉ khi bạn ở trước tôn nhan Ngài. Hãy dành thời giờ, mười phút mỗi ngày để đọc Kinh Thánh, lấy chừng một giờ mỗi tuần, hoặc một giờ mỗi ngày, hay là một giời mỗi tháng để đến và thờ lạy trước Thánh Thể, trước tôn nhan Thiên Chúa, và lúc đó Thiên Chúa có thể đột nhập vào cõi lòng cứng cỏi lạnh lùng của bạn. Ngài có thể đem ơn thánh và tuôn đổ trên bạn để nhờ đó bạn có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô rõ hơn, bởi vì bạn ở đó trong sự hiện diện của Ngài. Thiên Chúa có thể hướng dẫn bạn tiến bước, hiểu biết các giáo huấn của ngài, biết ý của ngài, được tràn đầy ơn sủng và nhờ đó bạn có thể đem Chúa Giêsu Kitô đến với những người khác.

Như tôi đã nói nhiều lần, cách duy nhất người ta có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô là nếu họ nhìn thấy sự hiện diện của Ngài nơi bạn, trong đời sống của bạn, trong cách bạn hành động, trong những cử chỉ bác ái, nhân nhượng, khiêm tốn, đau khổ, và bất cử chỉ nào khác. Cách duy nhất người ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu kitô là nhìn thấy Ngài ở nơi bạn. Nhưng nếu bạn không mở lòng mình ra với Chúa thì họ sẽ chẳng bao giờ biết Chúa Giêsu Kitô bởi vì bạn không từng biết Ngài.

Ở Bên Chúa

Hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm 13 năm chầu đền tạ Thánh Thể liên tục. Mười ba năm về trước chương trình chầu đền tạ Thánh Thể được bắt đầu ở nhà thờ Thánh Mi-ca-e. Điều đó có nghĩa là 24 tiếng mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, Thánh Thể được để ở nhà nguyện và giáo dân có thể đến để qùi gối tôn thờ trước Mình Thánh Chúa. Tôi tin là vào những lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, những người chầu Thánh Thể ở trong nhà nguyện bắt đầu ngủ gật đôi chút. Điều đó không sao cả. Nó có thể xẩy ra như thế vào lúc 2 giờ chiều. Nhưng quan trọng là người ta ở đó. Họ ở đó trước sự hiện diện của Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể gọi họ, để nói với lòng họ và nói với linh hồn của họ, bởi vì họ đặt chính mình trước tôn nhan Thiên Chúa.

Nếu bạn thấy có chiều hướng, có lòng ước ao biết Thiên Chúa, nếu bạn muốn được đầy tràn ơn thánh của Chúa, thì tôi thiết tha khuyên bạn dành thời giờ mỗi ngày để đến chầu Thánh Thể trong nhà nguyện, dùng thời giờ trước Thánh Thể và mở lòng trí của bạn ra với Thiên Chúa. Bạn không cần phải cầu nguyện, râm ri suốt ngày, hãy đến ngồi ở đó.

Khi Samuel ở trong đền thờ, đang lúc ngủ say thì Thiên Chúa đã gọi ông. Bạn có thể ngủ gật trong nhà nguyện, Thiên Chúa sẽ gọi bạn, không phải là kêu tên bạn, nhưng Ngài sẽ gọi bạn bởi vì bạn muốn và sẵn sàng, và đang ở đó, tìm kiếm ơn thánh của Chúa. Bạn muốn có Thiên Chúa trong đời sống của mình và muốn được tràn đầy ơn thánh của Chúa, nhưng chỉ được như thế nếu bạn đến trước nhan thánh của Chúa. Khi chúng ta mừng kỷ niệm 13 năm chương trình chầu Thánh Thể liên tục, hãy dành thời giờ đến với Thiên Chúa và nói, “Lạy Chúa, con đây. Hãy để con đến, để con đi theo Chúa. Con đến để thi hành thánh ý Chúa.” Xin Chúa chúc lành cho các bạn. Amen.

Thánh Ca : Bờ Đá Xanh Tạ Tội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét